Up

 

Chương 8

Vịnh Bắc-Việt, Biển Lịch-sử

 

8.1 - Địa-bàn Cư-trú của Tổ-tiên và Nhu-cầu của Quân Thủy

Địa-bàn cư-trú chủ-yếu của tổ-tiên ta là khu-vực mới được phù-sa sông Hồng, sông Mã bồi đắp. Vùng đất này nằm giữa một bên là núi cao, một bên là biển cả.

Địa-bàn sinh-hoạt thời cổ là nơi giao-tiếp giữa hai môi-trường: núi và biển. Có hai đặc-điểm nổi bật lên như sau:

- Hệ-thống sông ngòi thoát nước dày đặc, có hình-dạng nan quạt ở đầu thượng nguồn.

- Mưa lũ hàng năm tràn lan khắp nơi. Nước chảy đến mấy chỗ trũng, tạo ra vô số đầm lầy, hồ ao chi chít.

Địa-hình tạo nên một 'thế-giới nước' tác-động trực-tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người Việt cổ. Các di-tích khảo-cổ cho chúng ta biết rằng tất cả các địa-điểm cư-trú đều nằm trên các gò bãi. Có thể nói nước bao quanh làng xã Viêt-Nam. Nước tạo nên biên-giới thiên-nhiên chia cắt từng vùng đất. Nước là môi-trường sinh-sống của người Viêt-Nam.

Từ lâu, khái-niệm về quê-hương, xứ sở, về lãnh-thổ, tổ-quốc đã được tổ-tiên ta thể-hiện bằng tên của môi-trường gắn chặt với cuộc sống của mình: Nước !

Phương-tiện di-chuyển chính-yếu của người dân Việt thời cổ suốt mấy chục ngàn năm là thuyền bè. Ngay khi một tập-hợp võ-trang nào đó được hình-thành, thuyền bè đương-nhiên trở nên phương-tiện đầu tiên và căn-bản của các cuộc hành-quân. Những trang-bị trên thuyền lập tức biến thành khí-cụ cơ-hữu của quân thủy.

Những người lính Việt đầu tiên của quân-ngũ không chiến đấu ngoài sa-trường, xung thành đoạt luỹ. Nhiệm-vụ của họ không mang nặng mục-tiêu bảo-vệ "diện-địa". Những quân-nhân này nằm lòng phần trọng-trách gìn giữ an-ninh nhừng tuyến "đường thủy" nhiều hơn. Từ-ngữ "giữ nước" có thể đã ghi lại dấu vết rằng "các người lính đầu tiên phục-vụ dưới cờ nước ta là những người lính thủy".

 

Hình 218. Hình-ảnh Lạc-Long-Quân trong cuốn sách Việt-Sử Bằng Tranh của Bùi-Văn-Bảo.

 

Có nhiều lý-lẽ tạo nên sự tin-tưởng rằng Thủy-quân của ta ra đời trước Lục-quân.

 

8.2 - Thủy-quân của Vua Hùng và Trống Đồng-cổ Đan-Nê

Huyền-thoại sớm-sủa nhất về chiến-công của Thủy-quân Văn-Lang được nhắc nhở qua chứng-tích một ngôi đền cổ tại tỉnh Thanh-Hoá. Sau chuyến viễn-chinh thắng giặc vùng duyên-hải phía Nam mà sau này là đất Chiêm-Thành, một vị vua Hùng đã cho đúc trống đồng kỷ-niệm và lập đền thờ Đồng-Cổ trên núi Tam-Thai, xã Đan-Nê. Gần 3,000 năm trước, vùng châu thổ chưa được phù-sa bồi đắp, sông ngòi đầm lầy, ao hồ khắp nơi. Từ kinh-đô Phong-Châu (huyện Bạch-Hạc, tỉnh Vĩnh-Yên ngày nay) khi muốn viễn-chinh tiễu-trừ giặc miền biển (Trung-Việt ngày nay), nhà Vua chỉ có mỗi một phương-tiện là sử-dụng thủy-quân để có thể di-chuyển, tiếp-liệu, bất-thần tấn-công và truy-sát kẻ địch tận ngoài khơi mà thôi.

Chiến-tích của Thủy-Quân cũng ngẫu-nhiên mang lại vinh-dự cho Trống Đồng Đan-Nê. Những ghi chép về trống đồng cổ trong sử sách Việt Nam còn lại rất ít, và thật ra cũng chỉ xoay quanh hai chiếc trống mà thôi. Nguyễn Duy Hinh trong bài "Trống Đồng trong Sử Sách" cũng nhắc đến tình trạng này. Trống Đan Nê đã được các sách nhắc đến: Việt Điện U linh (1029), Đại Việt Sử ký Toàn thư (1479), Lĩnh Nam chích quái (1492-1493) Đại Nam Nhất thống Chí . Những đoạn văn ghi chép trong các sách này khẳng định, bổ sung nhau và được xác định chắc chắn thêm qua tư liệu dân-tộc học. Một chiếc khác có khả-năng là trống Miếu Môn I, có thể đã được ghi nhận trong thần tích của làng Thượng Lâm, do Đinh Tiên Hoàng ban thưởng để làm trống thờ.

 

8.3 - Hình ảnh Thủy-Quân Hùng-Vương trên trống đồng.

Ông Văn-Tân, một học-giả hay viết về truyền-thống dân-tộc, diễn-tả hình ảnh thủy-quân thời cổ như sau:

"Nhìn các trống đồng Ngọc-Lũ i, trống đồng Hoàng-Hạ, trống đồng sông Đà, trống đồng Bản thôm, trống đồng Miếu Môn, trống đồng làng-Vạc I và II, trống đồng Phú Xuyên, bạn sẽ thấy rằng trên thân các trống này đều có hình thuyền chiến, nhiều cái có đến sáu chiếc... Như thế có nghiã là trước đây khoảng trên dưới ba ngàn năm, nước Văn-Lang của các vua Hùng-Vương đã có thủy-quân để bảo-vệ đất nước. (Vai trò của Thủy-Quân Việt-Nam trong Lịch-sử dân-tộc, Văn-Tân, Nghiên-cứu Sử-học số 5, tháng 9/ 1977, trang 62-70.)

Ông Cao Thế Dung cũng viết rằng:

"Về thủy quân thì từ thời dựng nước đã có. Các trống đồng, từ loại cổ nhất Heger I đến trống đồng Miếu Môn, Phú Xuyên không trống nào không khắc trạm hình (chiến) thuyền. Trống đồng Đông-Sơn, Hoàng-Hạ, sông Đà, làng Vạc (Nghĩa-Đàn, Nghệ-An) đều khắc trạm đến 4, 5 chiến-thuyền. Trống đồng Ngọc-Lũ xuất-hiện vào thế-kỷ thứ VII trước Tây-lịch mà đã khắc chiến-thuyền... (Việt Nam Binh Sử Võ Đạo, Arizona, 1993, trang 295.)

 

Hình 219. Các loại chiến-thuyền thời Hùng-Vương, có chiếc trang-bị cột trụ để dựng buồm, có cả quân-khuyển (thuyền thứ nhì kể từ trên xuống)

 

8.5 - Dân Việt thời tự-chủ

Trong sinh-hoạt, người ta thấy điều đáng nói là lúc nào các hoạt-động hàng-hải cũng gắn liền với dòng sinh-mạng dân-tộc. Việt-sử ghi chép rất nhiều, ở đây chúng tôi chỉ xin ghi lại vài sự kiện điển-hình lấy trong các cuốn sách Việt-Nam Sử-Lược (VNSL) của Trần-Trọng-Kim (Bộ Giáo-dục, Trung-tâm Học-liệu, Sài-Gòn, 1971) và Việt-Nam Danh-Nhân Từ-Điển (VNDNTĐ) của Nguyễn-huyền-Anh (Zieleks Co., Texas, 1981.)

 

- Dạ-trạch-Vương

Người Việt chúng ta có lẽ là giống dân đầu-tiên biết khai-thác thành-công kỹ-thuật du-kích-chiến trên đồng lầy, hồ ao, sông rạch. Về bằng-chứng, người viết xin kể đến truyện ông Triệu-Quang-Phục, vị anh-hùng có công giải-phóng dân-tộc khỏi ách thống-trị của nhà Lương bên Tàu vào thế-kỷ thứ 5.

Chiến-công lừng-lẫy nhất của vị vua này (458-471) là ở đầm Dạ-Trạch. Ông đã biết khéo léo phối-hợp khả-năng tác-chiến trong sông rạch của dân ta cùng với chiến-thuật du-kích mà thành-công:

"Dạ-Trạch là chỗ đồng-lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm nhà ở được. Triệu-Quang-Phục vào ở đấy ngày nấp ẩn, tối thì cho lính chở thuyền độc-mộc ra đánh quân của (tướng Tàu ) Trần-Bá-Tiên, cướp lấy lương-thực về nuôi quân-sĩ. Trần-Bá-Tiên đánh mãi không được. Người thời bấy giờ gọi Triệu-Quang-Phục là Dạ-Trạch-Vương". (VNSL Q.1, trang 54.)

 

 

 

Hình 200 - Dạ-Trạch-Vương hành-quân (chụp lại từ cuốn sách của cụ Bùi-Văn-Bảo)

 

Ông Trần-Ứng-Long là "xảo-thủ" đóng chiếc thuyền đầu tiên có vỏ mê mềm dẻo ở Hà-Đông năm 968 (Encyclopaedia of Asian Civilizations, Vol. 9, Louis Frederic, 1984, Paris, từ-mục Trần-Ứng-Long.)

Vì các loại tre, nứa, trúc, giang, bương... đã được dùng trong việc đan lát từ nhiều ngàn năm trước đó ở Việt-Nam, nên ta có ý-nghĩ rằng ông Trần-ứng-Long có thể đã góp công nhiều trong việc cải-tiến và hoàn-thiện loại ghe này. Thủy-tổ thực-sự ghe mê phải là người Việt nào đó, sinh-sống trước thời ấy rất xa xưa.

 

Hình 220. Ngô-Quyền  đại-phá quân Nam-Hán trên sông Bạch-đằng - Tranh mộc bản

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 221. 

Hình 222.

 

Hình 223.

  

 

Hình 224.

 

 8.4 - Hải-tặc.

Các nhà nghiên-cứu Tây-phương như Dian H. Murray hay Bruce Swanson thường kể tên những nhà hàng-hải, đô-đốc nổi danh của Trung-quốc với nguyên-quán trong vùng người Việt cư-ngụ trước đây tại miền Hoa-Nam như Phước-Kiến, Quảng-Đông, Vân-Nam. Một số tác-giả khác cũng tìm ra rằng "thuyền-nhân" ở Trung-Hoa là dòng dõi người Việt cổ. Hải-tặc hoạt-động dọc bờ biển Trung-Hoa một thời, gồm một số người tự nhận là gốc-Việt. Nhóm này đã là một lực-lượng chiến-đấu dưới cờ Tây-Sơn, họ rất trung-thành với Quang-Trung Hoàng-Đế và tận-tuỵ cho đến ngày cuối cùng của triều-đại Quang-Toản. (Pirates of the South China Coast, 1790-1810, Dian H. Murray, Stanford University Press, 1987.)

 

 

Hình 225. Hình-ảnh Hải-tặc và Tàu Ô