Up

 

 

 

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Giáo-Sư Nguyễn Văn Canh

 

Ngày 25 tháng 12 năm 2000, Việt cộng và Trung cộng đã ký 2 Hiệp định cho đến nay chưa được phê chuẩn.

Trên một bài viết đăng trong tạp chí Cộng sản vào tháng 2 năm 2001, với nhan đề Hiệp Định Phân Định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp Định Hợp tác Nghề Cá giữa Việt nam- Trung quốc trong Vịnh Bắc Bộ. Lê công Phụng, thứ trưởng ngoại giao nói về Hiệp định phân định ranh giới như sau: Về diện tích tổng thể ta được 53,23% diện tích trong Vịnh. Trung quốc đạt 46,77% (ta hơn Trung quốc 6,46% tức là khoảng 8,205 km2). Về Hiệp định Hợp tác Nghề Cá, Phụng viết hai bên nhất trí lập vùng đánh cá chung ở trong vịnh Bắc Bộ từ vĩ độ 20 xuống đường đóng cửa Vịnh. Vùng này có bề rộng là 30.5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phiá, và có tổng diện tích là 33,500 km2, tức là khoảng 27,9% diện tích. Thời hạn là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn). Ngoài vùng đánh cá chung ra, hai bên thoả thuận về dàn xếp quá độ với thời hạn 4 năm ở Bắc vĩ tuyến 20 cho tàu thuyền của hai bên đánh bắt.

Nếu ta so đường ranh MÀU ĐỎ hay là đường Constans do Công ước 1887 giữa Pháp và Nhà Thanh thiết lập trước đây để phân chia vùng vịnh, thì Việt cộng đã nhượng cho Trung cộng khoảng hơn 9% diện tích của vịnh hay tương đương với khoảng 11,000 km2.

Ngoài ra, với Hiệp định Hợp tác Nghề Cá, Việt cộng đã chấp thuận cho Trung cộng vào sâu trong lãnh hải của Việt nam để đánh cá. Sở dĩ hai bên chưa phê chuẩn hai hiệp ước này là vì còn thương thuyết về số lượng, cỡ tầu đánh cá vào hoạt động trong vùng đánh cá chung. Người ta được biết rằng, các công ty đánh cá quốc doanh của Trung cộng có những đoàn ngư-thuyền lớn, trang bị lưới dài tới 60 dậm. Các tàu ấy nếu được vào sâu hoạt động sát bờ biển Việt nam 30 hải lý như qui định trong hiệp định, thì tài nguyên của quốc dân sẽ bị khô cạn trong một thời-gian ngắn.

Trong tháng hai vưà qua, khi Giang trạch Dân sang viếng thăm Việt Nam, dù không có tiết lộ công khai về áp lực phải gấp rút phê chuẩn, nhưng Vũ Khoan, Bộ trưởng Thương Mại Việt cộng có tuyên bố rằng đã có tiến bộ về thương lượng hiệp định ấy.

Đảng cộng sản Việt nam lén lút hiến dâng một phần lãnh thổ trên đất liền cho Đảng cộng sản Trung hoa. Để thực thi hiệp định trên đất liền, vào 27 tháng 12 năm 2001, hai bên đã làm lễ cắm mốc để thiết lập đường ranh biên giới mới tại Móng cái và Đông hưng. Qua công tác này, dân chúng mới được biết Việt cộng đã hiến dâng một số địa điểm cho Trung cộng. Thí dụ những nơi có tính cách lịch sử gắn liến với đời sống dân tộc tượng trưng cho công cuộc bảo vệ một cách kiêu hùng sự vẹn toàn lãnh thổ như Ai Nam Quan; thắng cảnh danh tiếng như Thác Bản Giốc đã trở thành tài sản của ngoại bang. Và người ta chỉ được biết một cách không chính xác vị trí khoảng 164 điạ điểm chiến lược trọng yếu nằm dọc theo biên giới Quảng ninh, Lạng sơn, Cao bằng, Hà giang, Lào cai có địa thế hiểm trở đã giúp cho dân tộc Việt đánh bại quân xâm lăng Bắc phương trong các thế kỷ trước nay đã được Đảng Cộng sản Việt nam chính thức chuyển nhượng cho kẻ thù của dân tộc.

Nay với hai hiệp định này, diện tích vịnh Bắc Việt của Việt nam lại bị thu hẹp gần một phần mười trong tổng số diện tích và cả tài nguyên trong vịnh cũng được nhượng cho ngoại bang vào khai thác.

Dù Việt cộng giữ bí mật các hiệp ước đó, việc hiến dâng lãnh thổ trên đất liền và trong vùng Vịnh cho Trung cộng đã trở thành hiển nhiên, không thể chối cãi được. Để cho mọi người hiểu rõ hơn vùng Vịnh Bắc Việt, nguyên Hạm-Trưởng Hải-Quân VNCH Vũ Hữu San, một học giả khả-kính thuộc Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ Việt Nam đã dành nhiu công sưu-tầm, nghiên-cứu về địa-lý để chứng-minh chủ-quyền của Việt-Nam trên vùng biển Vịnh Bắc-Việt. Công-trình nghiên-cứu ấy đã hoàn-tất và được ấn-hành dưới nhan-đề VỊNH BẮC-VIỆT - ĐỊA-LÝ và CHỦ-QUYỀN HẢI-PHẬN

            Đây là một công-trình nghiên-cứu hết sức công-phu với nhiều khám-phá mới. Ông Vũ hu San đã cho độc-giả thy rng Ông có kiến-thức uyên-thâm, thông-hiểu về hải-dương-học, địa-chất-học, sinh-vật-học, thảo-mộc-học, văn-minh-học, nối kết các dữ-kiện hiện có để chứng-minh Vịnh Bắc-Việt thực sự là nơi khai-nguyên của dân-tộc. Với quan-niệm mới mẻ, tác-giả đưa người đọc đi về tìm hiểu nguồn gốc dân-tộc, từ những ngày theo Mẹ lên Núi (Tây-tiến), theo Cha xuống Biển (Đông-tiến), rồi hợp-đoàn trong nỗ-lực Nam-Tiến. Ngụ ý rằng công-trình Đông-Tiến vẫn còn đang tiếp-tục, Ông kêu gọi mọi người Việt-Nam theo bước tiền-nhân, khai-thác và bảo-vệ Biển Đông, trong đó có vùng tối trọng-yếu là Vịnh Bắc-Việt.

            Riêng về vấn- đề hải-phận Vịnh Bắc-Việt, tác-giả đã:

-          phân-tích rành mạch tính-cách bất bình-đẳng của hiệp-ước vừa ký-kết,

-          đả phá tính-chất thiếu công bằng, vô-lý trong quan-hệ giữa Việt - Hoa hiện nay,

-          mong tạo dư-luận rộng rãi dứt-khoát không chấp-nhận Hiệp-định Phân-định Vịnh Bắc Bộ và cả Hiệp định Hợp tác Nghề Cá, vì nó ảnh-hưởng trực-tiếp đến sự tồn tại và phát triển lâu dài của đất nước.

Trong một chương quan-trọng của cuốn sách, tác-giả đ-nghị những biện-pháp khả-thi cho cả hai nước. Ông cũng ước-lượng một số đường ranh giới hải-phận một cách công-bằng thể theo Luật Biển Liên-Hiệp-Quốc và công-pháp quốc-tế hiện-hành.

Tài-liệu tham-chiếu và viện dẫn rất là phong-phú. Học giả Vũ-Hữu-San đã sưu-tầm được rất nhiều tài-liệu do những tác-giả có uy-tín viết về vấn-đề này. Cuốn VỊNH BẮC-VIỆT - ĐỊA-LÝ và CHỦ-QUYỀN HẢI-PHẬN có tới cả trăm bản-đồ và hình-ảnh giúp cho người đọc nhìn thấy ngay được vấn-đề.

            Cuốn Vịnh Bắc Việt- Địa lý và Chủ Quyền Hải Phận cũng có một giá trị rất cao, như cuốn Điạ lý Biển Đông với Trường Sa và Hoàng Sa của tác giả mà Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ Việt Nam đã bảo trợ cách đây đúng 7 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1995.

Với một phương pháp làm việc nghiêm túc theo tiêu chuẩn cao độ, tương đương với qui luật của các Viện Nghiên Cứu hàng đầu tại xứ này, học giả Vũ Hữu San đã thành công trong công tác mà ông đảm nhiệm.

Chúng tôi mong ước rằng người tị nạn mình sẽ tiếp tay phổ biến cuốn sách có giá trị này đến nhiều nơi như Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toành Lãnh Thổ trước đã làm đối với cuốn Địa Lý Biển Đông với Trường Sa và Hoàng Sa.

 

Ngày 30 tháng 4 năm 2002

Đại diện Ủy Ban Bảo Vệ Lãnh Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ Việt Nam

Nguyễn Văn Canh

 

 

 

 

Chương 1

Vịnh Bắc-Việt, Mở Ðề

Một Danh-Từ - Nhiều Huyền-Thoại

 

1.1 -Vịnh Bắc-Việt Tổng-quát và Một Danh-từ

Trong cuốn sách “Vịnh Bắc-Việt” này, chúng tôi luận-bàn về địa-lý vùng biển nằm ở phía Ðông của phần đất cực Bắc nước-Việt: Vịnh Bắc-Việt.

Phần đất Bắc-Việt-Nam (hay nói tắt là Bắc-Việt) dưới thời Pháp-thuộc được gọi là Bắc-Kỳ, sau đổi thành Bắc-Bộ dưới thời Chính-phủ Trần-Trọng-Kim và sau đổi ra Bắc-phần[1]. Trong những giai-đoạn nội-chiến Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn; đất Bắc thường được gọi là Ðàng Ngoài hay Bắc-Hà. Vịnh biển cạnh đó mang những tên như Vịnh Bắc-Kỳ, Vịnh Bắc-Phần, Vịnh Bắc-Bộ hay Biển Bắc, Biển Ðàng Ngoài hay Vịnh Bắc-Hà. Bản-đồ Hồng-Đức (thế kỷ XV), ghi tên Vịnh là Đại-Hải, phù-hợp với tên nôm-na mà dân-chúng thường dùng là Bể Lớn hay Bể Đông.

Chúng tôi chọn danh-từ “Vịnh Bắc-Việt” khi đề-cập tới vùng biển lớn hơn Vịnh của Bắc-phần hay Bắc-bộ. Ðó là khu-vực biển cả nằm cạnh vùng đất phía Bắc của Việt-Nam[2], từ biên-giới Việt-Hoa tại Mũi Trà-Cổ, Móng-Cái tới Ðảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng-Trị, Trung-phần Việt-nam.

Trên những bản-đồ hay hải-đồ quốc-tế, người ta đọc thấy những danh-từ chỉ Vịnh Bắc-Việt như sau: Grand Golfe, Golfe du Tonquin [Tonqeen], Golphe de Tunquin, Baye de Tonquin, Golfe de Cochinchine, Gulf of Tonkin [Tonking], Tonkin Gulf…Trên các bản-đồ vẽ theo tài-liệu Ptolemy, Vịnh Bắc-Việt được ghi là Signus Magnus, Cinus Magnus (Vịnh Lớn – Grand Golfe). Còn người Trung-Hoa gọi những tên như Chướng-Hải, Giao-Chỉ-Dương, Vịnh Bắc-Bộ (Beibu-Wan).

Nói tổng quát, Vịnh Bắc-Việt được bao bọc bởi Việt-Nam và Trung Hoa có diện-tích 126,250 km2 [3]. Chiều ngang nơi rộng nhất (từ Diễn-Châu, Nghệ-An đến Ðông-Phương, Hải-Nam) khoảng 320 km (176 hải-lý) và chỗ hẹp nhất nơi cửa Vịnh (từ Ðảo Cồn Cỏ đến Mũi Oanh-Ca) khoảng 220 km (119 hải-lý).

 

Hình 1. Tấm Bản-đồ đầu tiên[4] của nước ta có ghi Bể Lớn[5] tức Vịnh Bắc-Việt (trong tập Hồng-Ðức Bản-Ðồ -1490).Lưu-ý Ải Nam-Quan (phía Bắc) và Ðại-Hải (phía Ðông-Nam)

 

Phần Vịnh phía Việt-Nam có khoảng 1,300 hòn đảo[6] ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch-Long-Vĩ nằm cách đất liền Việt-Nam khoảng 110 km (59.4 hải-lý), cách đảo Hải-Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km (70,2 hải-lý).

 

 

Hình 2. Vịnh Bắc-Việt giáp-giới với 3 tỉnh Trung-Hoa

 

Nếu lấy Vịnh Bắc-Việt làm trung-tâm nhìn ra thế-giới:

-Trong vòng bán-kính 1500 hải-lý, ta thấy các thành-phố, hải-cảng quan-trọng như Bangkok, Rangoon, Calcutta, Singapore, Djakarta, Manila, Taipei, Hongkong, Shanghai, Nagasaki.

-Trong vòng bán-kính 2500 hải-lý, ta thấy các thành-phố, hải-cảng Madras, Colombo, Bombay, Bali, Darwin, Guam, Tokyo, Yokohama, Seoul, Beijing... 

Mang nhan-đề là “Vịnh Bắc-Việt, Ðịa-Lý & Chủ-Quyền Hải-Phận “, cuốn sách này rõ rệt muốn bàn nhiều vấn-đề hơn là chỉ mô-tả địa-lý thuần-túy. Như khi viết cuốn sách “Ðịa-Lý Biển Ðông” (năm 1995), lần này chúng tôi cũng sẽ đi ra ngoài khuôn-khổ giáo-khoa để lạm-bàn thêm các diễn-biến cận-đại. Lại nhằm lúc không-khí sôi-động vì đồng-bào ta, trong cũng như ngoài nước, phẫn-nộ đứng lên tố-cáo Hà-Nội dâng đất dâng biển cho Trung-Cộng, chúng tôi xin ghi thêm một vài lý-lẽ về việc tranh-cãi chủ-quyền trên biển. Trong khả-năng riêng, chúng tôi ước-lượng và đề-nghị một số đường ranh-giới hải-phận thể theo luật-pháp quốc-tế hiện-hành.

 

Hình 3. Vịnh Bắc-Việt – Hình-thể tổng-quát

 

1.2 - Miền Bắc Khai-Nguyên

Trong giai-đoạn khai-nguyên dân-tộc, từ thời Văn-Lang qua đến thời Ðại-Việt, biển nước ta còn hẹp, gần như xấp-xỉ trùng hợp với vùng biển “Vịnh Bắc-Việt” này [7].

Qua cuốn sách “Miền Bắc Khai-Nguyên”, các Ông Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh đã mô-tả đầy đủ về đất-đai và một phần sơ-sài hơn về biển của Miền Bắc-Việt-Nam. Hai Ông-thường hợp-biên và là tác-giả những tập “Việt-Nam Chí-Lược” hồi các thập-niên 1960-1970[8]. Phần sơ-lược về Ðịa-lý Miền Bắc được giới-thiệu như sau: “Ở nơi trung-tâm khai-nguyên này của dân-tộc, tổ-tiên chúng ta đã phải luôn đấu-tranh để giữ cho giống nòi được tồn-tại, đất nước được vững bền, văn-hóa được mở mang… Ðất nước chúng ta từ ngày lập-quốc chỉ vỏn vẹn gồm có Bắc-Việt và Miền Bắc Trung-Việt.” Về mục-đích viết và đọc sách địa-lý, các Ông Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh viết rằng: “Biết xứ-sở để yêu xứ-sở, để hãnh-diện vì xứ-sở, nhất là vì những công-trình của Tổ-tiên đã xây-đắp nên xứ-sở”.

 

1.3 - Văn-hóa Nước từ Sinh-hoạt Biển đi vào

Nói một cách chung khi trình-bày thêm những yếu-tố địa-lý về Vịnh Bắc-Việt, chúng tôi tiếp-tục đi theo sau các Ông Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh cùng một số tác-giả khác đã viết về địa-lý Việt-Nam. Tuy vậy trong khía-cạnh riêng-biệt của chí-lược, chúng tôi có ý nghiêng việc nghiên-cứu về một quan-niệm địa-lý mới hơn. Lúc viết rằng “Miền Bắc Khai-Nguyên”, chúng tôi tự đặt câu hỏi “có gì đi trước sự khai-nguyên đó không?”.

Khi nghiên-cứu truyền-thuyết người ta có thể hiểu được tiến-trình hình-thành của một dân-tộc. Đó là ý-kiến của Keith Weller Taylor khi viết cuốn sách "The Birth of Vietnam". Trong chương đầu tiên (1- Lac Lords), Taylor bàn ngay đến những cách nhìn của ông về truyền-thống hàng-hải Việt-Nam qua những truyện thần-thoại đầu tiên của dân-tộc chúng ta. Theo đó những vua Hùng truyền đi từ Kinh-Dương-Vương, Lạc-Long-Quân. Ông vua Rồng Lạc-Long này quê từ ngoài biển cả đi vào, giúp dân trừ yêu-quái trên đất liền, dạy dân cách trồng lúa để ăn, may quần áo để mặc.[9]

Nhân lúc nghiên-cứu về sinh-hoạt biển-cả Việt-Nam, có thể chúng tôi đã tìm ra câu trả lời. Ðó là ảnh-hưởng của một nền “Văn-hóa Nước” đến từ Vịnh Bắc-Việt sau Thời-đại Băng Ðá, trước khi dân ta quy-tụ lập-nghiệp tại vùng châu-thổ Sông Hồng. Giả-thuyết này đã được chúng tôi giới-thiệu trong cuốn “Ðịa-Lý Biển Ðông với Hoàng-Sa và Trường-Sa, nay được trình-bày thêm qua số chứng-liệu mới..

 

1.4 - Vịnh Bắc-Việt, Bể Ðông, Biển Tây và các Tên Gọi

Truy-nguyên nguồn-gốc, chúng ta thấy rằng danh-từ “Vịnh Bắc-Việt” còn tương-đối rất mới. Bể Ðông hay Biển Ðông là chính-danh lâu đời tên gọi vùng biển nước ta. Tên gọi “Biển Ðông” rất có thể đã được Tổ-tiên chúng ta là cư-dân bản-địa sử-dụng từ hàng chục nghìn năm xưa, hiển-nhiên trước cả khi lập-quốc. 

Người Việt chúng ta chỉ mới khởi-sự nghĩ đến sự cần-thiết phải xác-định danh-từ “Vịnh Bắc-Việt” khi bắt đầu cuộc Nam-tiến, xuôi theo đồng-bằng Nam-Ngãi-Bình-Phú vào Nam. Rồi cuối cùng, lúc ngừng chân tại vùng đất màu mỡ Cửu-Long-Giang, cư-dân mới người Việt gọi Vịnh Phú-Quốc là Biển Tây vì vùng biển này nằm về phía Tây của họ. Tên Biển Tây mang tính-cách địa-phương, không có ý-nghĩa nhiều về địa-lý.

Nói một cách tổng-quát, tên biển Việt-Nam như sau:

- Tên Vịnh Bắc-Việt để chỉ vùng biển đoạn Móng-Cái - Ðảo Cồn Cỏ.

- Tên Biển Tây hay Vịnh Phú-Quốc (đoạn Cà Mau - Hà-Tiên - Phú-Quốc - Thổ-Chu) xuất-hiện từ thế-kỷ 18.

- Bể Ðông hay Biển Ðông là tên Biển bản-địa lâu đời của dân ta.

Ngày nay, Biển Ðông được hiểu là biển lớn bao gồm cả Vịnh Bắc-Việt và Vịnh Phú–Quốc. Hơn thế nữa, Biển Đông là vùng biển của Ðông-Nam-Á, bao quanh bởi các nước-Việt-Nam, Kampuchea, Thái-Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Taiwan và Trung-Hoa.[10] Trên bản-đồ toàn-cầu, người ta thường dùng "Biển Nam Trung Hoa", nhưng mọi người đều biết rằng tên đó lúc đầu đã được các nhà hàng-hải thời-kỳ cổ đại đặt ra là để chỉ vị-trí, hoàn toàn không phải là để chỉ chủ quyền[11].

 

1.5 - Hành-trình Dân-Tộc trước khi Nam-Tiến

Từ “Miền Bắc Khai-Nguyên”, dân ta bắt đầu Nam-Tiến khoảng một ngàn năm qua. Ðã có nhiều tài-liệu viết về công-trình này và sử sách cũng ghi chép đầy đủ. Vì e-ngại đồng-bào đã vô-tình quên-lãng hai công–trình khác tiến-hành trước đó rất lâu, chúng tôi muốn trình-bày những giả-thuyết và đề-nghị ghi thêm hai danh-từ mới là Tây-Tiến và Ðông-Tiến vào cho được đầy đủ.

Từ xa xưa, người Việt đã cư-trú trên các đảo ven bờ và dần dần mở rộng các hoạt-động kinh-tế trên các quần-đảo ở xa trên biển Đông. Ngay trong truyền-thuyết Lạc-Long-Quân và bà Âu Cơ về nguồn gốc dân-tộc-Việt-Nam, cũng đã thấy nói rằng 50 người con theo cha (Lạc-Long-Quân) xuống biển và 50 người con theo mẹ (Âu Cơ) lên núi. Những người con này của hai ông bà về sau đã sinh thêm con đàn cháu đống và đã hợp sức khai-phá toàn lãnh-thổ Việt-Nam.[12]

Mặc dù đấy chỉ là truyền-thuyết nhưng nó có một ý nghĩa nhất-định: những người Việt cổ ngay từ đầu đã làm ăn sinh sống ở ngoài biển, trên những đảo và quần-đảo tiếp cận. Hơn thế nữa lúc khởi-nguyên, rất có thể Tổ-tiên ta đã từ ngoài Vịnh biển Bắc-Việt di-cư vào. Huyền-thoại Lạc-Long-Quân chính là biểu-tượng truyền-kỳ của cuộc Tây-Tiến, cuộc hành-trình đầu-tiên của Dân-tộc.

Hình 4. Bản-đồ Nam-tiến

 

1.6 - Tây-tiến và Ðông-Tiến

Các tài-liệu khảo cổ của Madeleine Colani chứng minh rằng con người đã định-cư trên các đảo ven bờ Vịnh Bắc-Việt, trong khu-vực hai quần-đảo Hạ-Long và Bái-Tử-Long từ 10,000 năm nay. Bà Madeleine Colani xếp sinh-hoạt lúc ấy vào nền Văn-minh Bắc-Sơn. Theo giáo-sư Lê-Bá-Thảo, thời đó là giai-đoạn cuối của nền văn-hóa Hòa Bình, sinh-hoạt cư-dân còn được thể-hiện trong các di chỉ Soi Nhụ (cách đây khoảng trên 10 vạn năm) và nền văn-hóa Cái Bèo (khoảng 6 nghìn năm trước). Đến nền văn-hóa Hạ-Long (khoảng 4000-5000 năm trước) thì con người đã sinh cơ lập nghiệp trên đới ven biển, bao gồm cả các đảo và dải đất duyên-hải.

Nói chung, khi đi sâu từ phía biển cả vào phía núi rừng, người ta thấy chứng-tích sinh-hoạt loài người tại vùng núi ven biển sớm sủa hơn những vùng cao-nguyên nằm sâu trong nội-địa.

Các Khoa-học-gia cho biết sau thời-đại Băng-đá có một thời-kỳ biển tiến. Tất cả những vùng đồng-bằng bao-la Sunda (phía Nam Biển Đông), đồng-bằng Nanhai (trên nền Vịnh Bắc-Việt) bị chìm ngập dưới đại-dương. Nước biển tràn vào tới Việt-Trì. Con người thuộc nhiều sắc-tộc khác nhau phải cùng nhau dồn lên cư-trú dọc theo chân núi. Họ sống chủ-yếu bằng săn-bắt và hái lượm, trồng rau đậu với công-cụ đá thô sơ. Những điểm cư-trú của tiền-nhân được phân-bố khá gần nhau: dọc theo khu Thanh-Hóa, Ninh-Bình, Hòa-Bình, ở phía Tây-Nam; vùng Bắc-Ninh, Đông-Triều, Bắc-Sơn, Hạ-Long phía Đông-Bắc… Cuộc hành-trình Tây-Tiến đã kết-hợp dân-tộc. Văn-minh Hòa-Bình bắt đầu tỏa sáng.

Thời-gian tồn-tại của họ cách nay khoảng trên mười nghìn năm...Rồi nước biển rút dần; vào thời-điểm cách nay khoảng bảy nghìn năm, con người rời núi non, tràn xuống chiếm-lĩnh đồng-bằng châu-thổ. Đây là cuộc hành-trình Đông-Tiến, tiền-nhân bành-trướng khu-vực sinh-hoạt ra khắp duyên-hải Vịnh Bắc-Việt.

Môi trường sống đã dễ chịu hơn trước; thức ăn khá dồi dào, ngoài dã thú và rau đậu, còn có cá tôm, nhất là sò hến nhiều không kể xiết. Công-cụ đá đựợc hoàn thiện một bước, đồ gốm làm bằng tay bên cạnh đồ gốm làm bằng bàn xoay.

Chester Norman cũng cho ta một sự mô-tả tương-tự về Tây-tiến và Đông-tiến như sau:

Norman cho rằng nền Văn-minh Hòa-Bình được tạo-dựng trong thời-gian thềm lục-địa Sunda (và Nanhai) bị ngập nước. Khi đó vịnh Bắc-phần và vịnh Thái-Lan mà lúc trước là hai vùng đồng-bằng trũng, nay cũng thành-hình.

Từ nhiều ngàn năm trước, người dân thuộc nền văn-hóa Hoà-Bình ở miền Tây Biển Đông chỉ sống bằng cách săn-bắn, hái-lượm và trồng trọt ruộng khô trong những vùng thung-lũng. Bỗng nhiên mật-độ dân-cư tăng lên nhanh, con người phải có phương-pháp mới để sản-xuất thêm thực-phẩm. Loài trâu, loài heo được gia-súc-hóa.

 

Hình 5. Bản-đồ ghi-nhận những đường di-dân “Tây-tiến” từ Nanhailand ngoài Biển Ðông vào đất liền trong thời Hậu Băng-Đá[13] 1-Dân di-cư đông-đảo nhất theo Hồng-Hà. 2-Theo sông Mekong. 3-Theo sông Chao Phraya. 4-Theo các dòng sông cổ xưa từ vùng biển Bali Sea. 5-Theo Tây-giang. 6-Theo Dương-Tử

 

Người ta di-chuyển từ thung-lũng xuống khai-phá đồng-bằng. Yếu-tố quan-trọng nhất của đà phát-triển là sự ra đời của các giống cây cho hạt. Những loại ngũ-cốc thuần-hóa sau này thích-hợp cho ruộng nước. Khoảng 5,500 năm trước, cây lúa đã được trồng trọt.[14] 

 

 

Hình 6. Việt-Nam nằm trong vùng phân-bố cây lúa dại. Lưu-ý địa-bàn Trung-Hoa thời cổ không có loại cây này

 

Truyền-thuyết “Âu-Cơ - Lạc-Long-Quân với 50 con đi lên miền núi đồi, 50 con xuống miền sông biển” đã xác-nhận các công-trình Tây-tiến của tiền-nhân Việt-tộc từ Vịnh Bắc-Việt đi vào đất liền và Đông-tiến từ núi đồi, kéo nhau xuống khai-thác những vùng đất tân-bồi phía Đông. Truyền-thuyết cũng nhằm giải-thích sự có mặt của các bộ lạc khác nhau trước đây từ khắp các nơi thuộc đồng-bằng Biển Đông, nay cùng tạo-dựng nên cội nguồn thống-nhất, cao-quý của dân-tộc Việt-Nam.

 

 

Hình 7. Các địa-điểm khai-quật thời Thạch-khí thường dọc theo chân núi. Vùng châu-thổ không có di-chỉ nào cổ.

 

 

1.6 - Khai-sinh của Biển Ðông

Vịnh Bắc-Việt “tương-đối” còn trẻ và đã thay hình đổi dạng liên-tục trong quá-khứ.

So-sánh với niên-đại của lục-địa Việt-Nam (thường gọi là Indosinias hay Indosinia), và cả Biển mẹ của nó là Biển Ðông, Vịnh Bắc-Việt có một số tuổi rất là khiêm-nhường.

Khi nói về sự bền vững của nền lục-địa xứ ta, Giáo-sư Phạm-Hoàng-Hộ đã viết rằng "Việt-Nam nằm trên khối Indosinias của vỏ Trái đất bền vững từ mấy trăm triệu năm nay[15]. Theo tiêu-chuẩn “bền vững” đó, Biển Ðông và nhất là Vịnh Bắc-Việt - nay hiện ra mai mất đi - đều không thể nào mang ra so-sánh được.

Theo các nhà địa-chất, lúc xưa trái đất[16] chỉ lớn bằng 4/5 thể-tích ngày nay. Các lục-địa dính chùm vào với nhau thành khối đại lục-địa Pangea. Cách nay 340 triệu năm, ở khu-vực phía Ðông gần xích-đạo (sau này thành vùng Ðông-Nam-Á) xuất-hiện một cái hồ chứa nước hình tam-giác đều mỗi cạnh chừng vài trăm cây số.

Vào khoảng 240 triệu năm trước, khi Pangea bắt đầu bành-trướng, các lục-địa tách rời nhau và trái đất lớn dần. Kích-thước “hồ nước” tam-giác đủ lớn và đủ sâu để làm cho lớp vỏ trái đất dưới đáy của nó mỏng dần và giãn nở theo với đà bành-trướng của các lục-địa. Do nhiều yếu-tố ngẫu-nhiên phù-hợp làm thay đổi cấu-trúc của lớp vỏ trái đất chỗ đó thành vỏ đại-dương mà sau này “hồ nước” trở thành Biển Ðông[17].

Lúc mới thành-hình, biền này nằm ở phía Bắc khu đất hình chữ “S nằm ngang” của Việt-Nam.

 

 

 

Hinh 8. Trước đây chỉ Trái đất chỉ có một Đại lục-địa Pangea duy nhất bao quanh bởi biển cả. Khoảng 220 triệu năm trước, Pangea bành-trướng, dần dần các lục-địa tách rời nhau. Lưu- ý vị-trí di-chuyển của Biển Ðông trong quá-khứ, đã thay đổi qua lại giữa Bắc và Nam Bán-Cầu.

 

 

Hình 9. Vỏ Trái Đất mở rộng, đáy đại-dương giãn nở 

 

Theo các họa-đồ và tài-liệu của Cục Ðịa-Chất Việt-Nam[18] chúng ta hình-dung sự diễn-tiến hình-thành của Biển Ðông như sau:

- Cách nay 240 triệu năm, từ hình tam-giác đều, hồ nước biến hình-thành một lá cờ đuôi nheo dài hàng ngàn cây-số. Phía cán cờ nối thẳng từ Ðài-Loan tới Hoàng-Sa. Cạnh đuôi nheo chạy rất gần bờ biển Miền Trung Việt-Nam kéo dài tới khu Cù-lao Thu.

- Khoảng 220 triệu năm đến 80 triệu năm trước, hình-dạng cờ đuôi nheo biến-dạng thật nhanh. Biển Ðông đã kéo dài hơn hai ngàn cây-số, xuống tận ngoài khơi Singapore. Trong khi đó biển Malacca đang chiếm vùng Bangkok đến Singapore cứ nhỏ dần.

- Cách nay 37 triệu năm, Biển Ðông bành-trướng khá mạnh[19]. Diện-tích vào khoảng chừng 70% diện-tích hiện-thời. Sau đó mấy chục năm, Biển Ðông đã thu-hút luôn cả Biển Malacca để nhập vào một Biển lớn. Vẫn chưa thấy xuất-hiện hình-dạng của Vịnh Bắc-Việt vì đáy biển ở đó chưa giãn mỏng và nước chưa tràn vào.

 

Hình 10. Biển Đông lúc mới thành hình

 

Tiểu lục-địa Ấn-Ðộ, rồi tiểu lục-địa Úc-Ðại-Lợi sau khi tách ra, trôi về hướng Ðông-Bắc. Khi tiểu lục-địa Ấn-Ðộ đụng vào lục-địa Á-Âu tạo ra dãy núi “trẻ” Hi-Mã-Lạp-Sơn, nó cũng làm vùng đất Việt-Nam xoay chuyển dần sang hướng Bắc-Nam (chữ S đứng thẳng). Biển lúc này chuyển từ từ sang phía Ðông của Việt-Nam.

 

Hình 11.Hình-ảnh Biển Đông 220 triệu năm trước 

 

Hình 12. Hình-ảnh Biển Đông 140 triệu năm trước

 

1.7 - Khai-sinh của Vịnh Bắc-Việt

Ngày khai-sinh của Vịnh Bắc-Việt được Viện Ðịa-Chất và Khoáng-Sản thuộc Cục Ðịa-Chất Việt-Nam ước-lượng vào khoảng 11 triệu năm. Ðáy biển giãn mỏng, chìm xuống và vịnh có đôi khi ngập nước. Bờ Vịnh đạt tới hình-thể gần tương-tự như ta thấy ngày nay. Bản-đồ địa-chất có ý ghi cả chiều sâu đáy biển phía Tây của Hoàng-Sa (gần cửa Vịnh) là 200m. Cả Biển Ðông và Vịnh Bắc-Việt vẫn còn tiếp-tục bành-trướng.

Ta biết rằng mực nước đại-dương tăng giảm theo nhiệt-độ trái đất. Mực nước này cạn trong thời-đại Băng Đá[20] và dâng cao khi băng-đá trên núi cao và hai cực tan rã. Trong khoảng 11 triệu năm qua, Vịnh Bắc-Việt đã nhiều lần khô cạn như một cánh đồng-bằng trũng.

 

 

Hình 13. Mực nước biền tăng giảm trong thời-gian qua

 

Chính do sự trôi giạt phức-tạp của các lục-địa (kể cả lục-địa Á-Âu) mà khu-vực-Việt-Nam /Biển Ðông có lúc đã ở Bắc Bán-Cầu, lại chuyển dần xuống xích-đạo. Có giai-đoạn Việt-Nam trôi xuống Nam Bán-Cầu gần vị-trí Úc-Ðại-Lợi hiện thời, rồi chuyển-động ngược lại. Và ngày nay, người ta lại thấy nó hiện-diện trở lại tại Bắc Bán-Cầu.

Trong giai-đoạn hình-thành Biển Ðông, một vùng biển-hồ nữa cũng xuất-hiện tại khu-vực phía Tây của Tây-nguyên. Biển này nằm vắt qua cả Lào, Cambodge và Thái-Lan, dần dần xa rời trung-bộ Ðông-Dương di-chuyển về hướng Mã-Lai. Sau cùng biển này bị Biển Ðông thu-hút.thành Biển Malacca như ta thấy hiện nay.

 

Hình 14. Hình-ảnh Biển Đông 80 triệu năm trước

 

Hình 15. Sự hình-thành Vịnh Bấc-Việt

 

1.8 – Hình-thể Vịnh Bắc-Việt hôm nay

Như đã trình-bày ở trên, Vịnh Bắc-Việt trong quá-khứ đã trải qua nhiều giai-đoạn địa-chất. Có khi Vịnh ngập nước biển, có khi lại bị khô cạn. Khi vịnh cạn nước, nó không còn mang danh-hiệu của một vịnh biển nữa.

Ngày nay xem bản-đồ, chúng ta có thể tưởng-tượng Vịnh Bắc-Việt như một phần hình vành khăn tương-tối đều-đặn, rộng trung-bình chừng 150 Hải-lý. Trung-tâm vành khăn này nằm trên đảo Hải-Nam. Bìa trong là bờ biển phía Tây của Ðảo Hải-Nam. Bìa ngoài vành khăn ấy là bờ biển vùng Bắc-Việt-Nam và một phần tỉnh Quảng-Tây của Trung-Hoa.

Tuy vậy trong khoảng 2,000 năm qua, nhân-loại đã hình-dung Vịnh này qua nhiều hình-dạng và định vị-trí của nó với nhiều sự dị-biệt. Nhiều bản-đồ được vẽ ra với những hình-thể không những kỳ-lạ mà vị-trí Vịnh Bắc-Việt được mô-tả cũng khác xa với thực-tế.

 

1.9 - Signus Magnus-Vịnh Bắc-Việt - thuộc Ấn-Ðộ-Dương?

Vào thời thượng-cổ sang trung-cổ, không có một vùng biển nào của Á-Ðông nổi tiếng trong giới thượng-lưu cũng như thương-mại Âu-Châu bằng Vịnh Bắc-Việt.

Một thế-kỷ sau Tây-lịch, học-giả uy-thế Ptolemy vẽ bản-đồ thế-giới, ghi-nhận những địa-danh của "bán-đảo Vàng" Mã-lai/ Đông-Dương, Biển Đông với Vịnh Bắc-Việt. Tận cùng về phía Đông của Ấn-Ðộ-Dương, Ông chú-giải chi-tiết và vẽ hải-đồ hàng-hải giao-thương với một Hải-cảng thuộc Giao-Chỉ, được ghi rõ rệt là Cattigara[21]. toạ-độ 177 độ Đông kinh-tuyến, 8 độ 30' Nam vĩ-tuyến[22].

Một chuyện hãn-hữu mang tính-chất lịch-sử đã xảy ra. Ðó là chuyện những bản-đồ Ptolemy được các học-giả Ả-Rập sử-dụng và nỗ-lực phổ-biến khắp nơi suốt thời-gian hơn 1,200 năm. Người ta tin-tưởng vào công-trình của Ptolemy đến độ một số sai-lầm trong tác-phẩm của Ông còn tồn-tại cho đến cuối thế-kỷ thứ 18.[23] Trong những sai lầm đó, quan-trọng nhất là những yếu-tố địa-lý căn-bản của Vịnh Bắc-Việt bị nhiều nhà hàng-hải và cả một sổ nhà địa-lý lừng danh lập lại một cách lệch lạc đến 1700 năm sau.

 

 

Hình 16. Biển Đông với hải-cảng chính Cattigara vẽ theo bản-đồ Ptolemy.[24]

 

Theo Ptolemy, Vịnh Biển Lớn (Signus Magnus - chỉ Vịnh Bắc-Việt) là một phần của biển Ấn-Ðộ. Hải-cảng chính của Vịnh này là Cattigara nằm bên bờ phía Ðông của Ấn-Ðộ-Dương cạnh hai con sông lớn. Tài-liệu của Trường Viễn-Ðông Bác-Cổ phỏng-định vị-trí hải-cảng Cattigara nằm trong khu-vực Quảng-Yên, Hồng-Gai[25].

Vì nhận ra rằng Vịnh Bắc-Việt không thể nằm về phía Tây của Việt-Nam, một nhà họa-đồ Pháp vào thế-kỷ 17 đã phân-giải sự sai-nhầm về hình-thể và vị-trí khu-vực Ðông-Dương bằng một bản-đồ chính-xác hơn mà chúng tôi xin trình-bày nơi đây. Đặc-biệt tác-giả vô-danh này còn ghi rất chính-xác là Vịnh Bắc-Việt (Grand Golfe/Cignus Magnus) không nằm trong Ấn-Độ-Dương mà thuộc vào Biển Đông ( Ocean Oriental[26])

 

Hình 17. Họa-đồ Pháp phân-giải sự nhầm-lẫn về vị-trí và hình-thể Vịnh Bắc-Việt của các bản-đồ cổ Ptolemy.

 

1.10 - Vịnh Bắc-Việt hình Tam-giác?

Vào giai-đoạn kỹ-thuật hàng-hải phát-triển, các nước Âu-Châu giương buồm đi buôn bán và đưa quân đi chiếm đất khắp nơi. Một số bản-đồ liên-hệ với Vịnh Bắc-Việt căn-cứ vào những quan-trắc mới được vẽ lại. Rất nhiều hải-đồ khác lại sao đi, chép lại lẫn nhau. Nói chung, họ vẽ Vịnh Bắc-Việt như một cái hình tam-giác hay hình lá cờ đuôi nheo. Mũi nhọn của Vịnh hướng về kinh-đô Thăng-Long, mà họ ghi bằng những chữ phiên-âm từ địa-danh Kẻ-Chợ, Ðông-Kinh.

Hình 18. Vịnh Bắc-Việt hình Tam-giác trên một bản-đồ Tây-phương vào thế-kỷ 17 [27] Hải-Nam được vẽ rất nhỏ.

 

Trong những tấm bản-đồ thế-kỷ 17 quen-thuộc, người Việt-Nam nhận thấy trong sách của Linh-Mục Alexandre de Rhodes có vẽ rô ràng Vịnh Bắc-Việt, nhưng bờ biển lõm sâu vào tới gần Kẻ Chợ hay Đông-Kinh (Kecho/Kecio, Tumkin) tc Hà-Nội.[28] Đảo Hải-Nam được mô-tả rất nhỏ.

Hình 19.  Trong Bản-đồ “ Ðàng Trong và Ðàng Ngoài” của Linh-Mục Alexander de Rhodes, Vịnh Bắc-Việt được vẽ nhọn như một lưỡi kiếm thọc sâu vào gần thủ-đô Hà-Nội.

 

Hình 20. Vịnh Bắc-Việt với một hình-dạng lạ lùng thấy trên hải-đồ Francisco Rodrigues[29]. Tác-giả lại còn cung-cấp đầy đủ phương-vị-độ cho việc hải-hành !?.

 

Lại có cả những bàn-đồ vẽ Vịnh Bắc-Việt như một hình bình-hành, chiều dài gấp hai ba lần chiều ngang. Còn hơn thế nữa, có hải-đồ mô-tả hình-thể Vịnh một cách thật là kỳ-quặc, có khi giống như củ khoai hay khúc sắn. Sưu-tầm những bản-đồ cổ loại này là một thích-thú lớn đáng kể.

 

 1.11 - Vịnh Bắc-Việt trên Bản-đồ Nhật-Bản

Nhật-Bản là nước đầu-tiên ở Á-Ðông vẽ bản-đồ theo lối Tây-phương. Năm 1645, một tấm bản-đồ loại mới đó được ấn-hành mang tên Bankoku Sozu (Bản-đồ Thế-giới Tổng-Quát). Một tấm nữa mang tên Shoho, tuy có lời chú-giải bằng Nhật-ngữ, nhưng nó chính là bản sao của địa-đồ Matteo Ricci thực-hiện tại Trung-Hoa vào cuối thế-kỷ 16.

 

 

Hình 21. - Vịnh Bắc-Việt với hình-thể tam-giác được vẽ trên một tấm bình-phong ở Nhật-Bản [30] (thế-kỷ 17)

 

Bản-đồ Nhật-Bản thời đó thường căn cứ vào tài-liệu của những người Ðức và người Hòa-Lan như Ortelius, Mercator v.v… Do đó, Vịnh Bắc-Việt đồng loạt, được họ mô-tả bằng hình một tam-giác. Sang đến đầu thế-kỷ 19, việc sao chép bản-đồ cổ như vậy còn tiếp-tục cho đến khi những bản-đồ này được thay-thế bởi các bản-đồ mang danh “Thế-giới Phật-tử và Tam-giáo”. Hình-thể mới của Vịnh Bắc-Việt dần-dần được điều-chỉnh cho thêm phần chính-xác, đạt được tiêu-chuẩn hải-hành.

Chúng tôi xin trích-sao một góc nhỏ của tấm bản-đồ lớn “Emboudai Zu Tsuketari Knee”, lấy trong tập “Buddhist Maps of the World” (with an Illustration of the Sun), Zont, ấn-hành bằng mộc-bản năm 1828. Theo đó, ta thấy kỹ-thuật họa-đồ của người Nhật-Bản đã tiến-bộ vượt bực.

 

 

Hình 22. Bản-đồ Nhật-Bản “Emboudai Zu Tsuketari Knee” được vẽ khá chính-xác

 

1.12 - Huyền-thoại về hải-cảng Vịnh Bắc-Việt

Trước khi Trung-Hoa phát-triển hàng-hải vào thế-kỷ thứ 5, hải-cảng sầm-uất nhất của Biển Đông nằm trong Vịnh Bắc-Việt vùng Vân-Ðồn, Hòn-gay, Hải-phòng mà các nhà hàng-hải quốc-tế thường gọi là Cattigara. Tên này có thể là phiên-âm của một trong các địa-danh thời cổ của nước ta như Giao-Chỉ-Cauchi, Kẻ Chợ-Kesho hay Cửa Gay-Hòn Gay/Hồng Gai.

Sau cuộc viễn-chinh của Alexandre Đại-đế (336-323 Trước Tây-lịch- TTL.) sang Ấn-Độ, nhiều giao-tiếp đã xảy ra giữa Âu-Châu và Á-Châu. T đó, người Hy-Lạp biết thêm nhiều sinh-hoạt của người Á-Châu. Eratosthene (275-195 TTL) viết sách Geographia, Ptolemy (khoảng 100-170) phát-triển môn địa-lý, viết sách và hình-dung ra một bản-đồ thế-giới[31] mà tận-cùng về phía Đông-Đông-Nam là bán-đảo Vàng Chersonese và hải-cảng Kattigara (kinh-độ 117 độ Đông, vĩ-độ 8 độ Nam). Kinh-tuyến gốc được lấy từ đảo Ferro - (Islands of the Blest- quần-đảo Canary). Nhiều người cho rằng bán-đảo Vàng là Đông-Dương và Kattigara (hay Cattigara) chỉ Kẻ Chợ (Kesho), Long-Biên (Lugin) hay Hà-Nội ngày nay.

Riêng về từ-ngữ hàng-hải, ta có thể hiểu chữ Cattigara theo như nghĩa người Bắc-Âu: Kati là Tàu thuyền, Gata là hải-đạo.? Như vậy Kattigara có nghĩa là chỗ hải-cảng mà tàu thuyền hải-hành tới.

Ông Bình-Nguyên-Lộc không thỏa-mãn với vị-trí ước-đoán cho rằng Kattigara nằm trong vùng Kẻ Chợ Hà-Nội, mà nghĩ rằng Kattigara có thể là Kẻ Thị Gay, tức thành-phố Ghe thuyền. Ông suy ra tên Kattigara chính là địa-danh của thương-cảng Hòn-Gay như ta vẫn gọi ngày nay?

Việc xác-định xem thương-cảng Kattigara ở đâu vẫn chưa thực-hiện được. Theo ý một vài nhà nghiên-cứu, khi biết đúng vị-trí, những cuộc khai-quật chắc chắn sẽ mang lại thêm nhiều hiểu biết mới và giúp chúng ta trả lời được nhiều câu hỏi chưa có giải-đáp về thành-quả hàng-hải và thương-mại của người cổ Việt.

Tác-giả cuốn sách "Ancient India as Described by Ptolemy" là J.W.MacGrindle, cũng đồng-ý Kattigara là Hà-nội. Nơi trang 9, lời tác-giả ghi-chú: "Trung-Hoa trong gần 1,000 năm đã được biết như là quốc-gia nằm trong nội-địa Á-Châu (inner Asia)". Tại trang 26, ông viết: "...với lý-thuyết rằng Kattigara, điểm xa nhất về phía Đông tới được bằng đường biển, phải nằm gần hay trên cùng kinh-tuyến với nước Tàu, điểm xa nhất đi đến được qua đất liền[32]."

Người Âu-Châu thời đó, khi nghĩ đến Đông-phương hàng-hải là nghĩ đến vùng đất quê-hương chúng ta nhiều của cải, đầy vàng bạc châu báu, và cửa biển chính thông-thương ở Vịnh Bắc-Việt. Từ trước thời Bắc-thuộc, lưu-vực sông Hồng, sông Mã đã là những trung-tâm hàng-hải cùng thương-mại phồn-thịnh, hàng-hoá đi khắp nơi và có nhiều mối liên-lạc với Tây-phương. Sự giao-thương này chắc chắn sâu-đậm đến mức-độ tất cả những bản-đồ thế-giới do Tây-phương ấn-hành suốt mười mấy thế-kỷ sau đó, đều cố ghi địa-danh Kattigara.

Thật lạ lùng là sau chuyến đi của Marco Polo sang Á-Ðông vào thế-kỷ 13, các nhà địa-lý đã không sửa được bản-đồ cho đúng, mà cả sau khi Magellan mất mạng trên đường đi vòng quanh thế-giới (năm 1521), tọa-độ địa-dư của Kittigara (Thăng-Long hay một hải-cảng nào trên bờ Vịnh Bắc-Việt cũng vậy) vẫn giữ nguyên như cũ.

Khi tìm được Tân Thế-giới, người Âu-Châu tưởng rằng mình đã khám-phá ra được con đường hàng-hải sang Á-Châu và đinh-ninh sẽ tìm ra được cảng Kattigara của Vịnh Lớn Bắc-Việt. Địa-danh hải-cảng này do đó được tiếp-tục ghi trên lục-địa Mỹ-Châu trong nhiều thế-kỷ. Anh em nhà Columbus[33] cũng như Amerigo Vespucci và Ferdinand Magellan[34] cùng chép trong Sổ Hải-hành sự mong đợi được ghé tàu cặp bến xứ ta.

Tên America, chỉ-danh của toàn-thể lục-địa Mỹ-Châu, được đặt theo tên của nhà hàng-hải Amerigo Vespucci. Ông là người đầu tiên xác-định được “tân-thế-giới” không phải là lục-địa Á-Châu. Tuy vậy, Vespucci vẫn không giám quả-quyết hướng đi nào dẫn tới Kattigara và rất có thể, giống những người đồng-thời, Ông phỏng-đoán “Giao-chỉ” ở đâu đó rất gần vùng đất mới. Hình-ảnh hải-cảng huyền-thoại đó không nhng đã đeo đuổi Ông mà còn đeo đuổi tiếp-tục những nhà hàng-hải và họa-đồ thế-giới theo sau nghề-nghiệp của Ông hàng thế-kỷ.

 

 

Hình 23. Bản-đồ Sebastian Múnster (1540) “định-vị” hải-cảng Bắc-Việt Cattigara trên Nam-Mỹ-Châu

 

Trở lại quá-khứ để tìm hiểu, một nhà nghiên-cu hàng-hải thế-kỷ 20 đã đặt các hải-đồ thông-dụng thời đó lên trên cầu-đồ thì thấy rằng:

- Những hải-đồ vẽ theo tài-liệu Ptolemy (hải-đồ Behaim (1492) trong trắc-nghiệm này) cho vị-trí Vịnh Bắc-Việt (và hải-cảng Cattigara) quá xa về hướng Đông, tức gần sát với Nam Mỹ-Châu.[35]

- Những hải-đồ họa hình Tân Thế-giới cũng sai-lệch (hải-đồ La Cosa (1500) trong trắc-nghiệm này) cho thấy bờ biển Trung và Nam-Mỹ như “muốn vươn dài” qua phía Á-Châu.

Phần lớn sự lầm-lẫn là vì các nhà hàng-hải quá tin vào kiến-thức thời Ptolemy, do đó “vẽ phỏng chừng” Vịnh Bắc-Việt mà thôi. Có một sự trùng-hợp ở đây: khi xưa (thời Ptolemy) có nhiều người tin là vịnh biển nước ta quay ra Ấn-Độ-Dương thì nay những nhà hàng-hải “hậu Columbus” cũng lại cho rằng “Vịnh Bắc-Việt” phải nằm đâu đó ở “Nam Mỹ” và quay ra biển Thái-Bình-Dương.

 

 

Hình 24. Khi đặt hai hải-đồ Behaim và La Cosa lên trên cầu-đồ người ta hiểu tại sao Vịnh Bắc-Việt đã nhiều lần được vẽ trên bờ biển Nam Mỹ-Châu (vởi hải-cảng Cattigara) trông ra Thái-Bình-Dương.

  
Chương 2

Địa-Lý Thiên-Nhiên:

Biển, Ðảo và Duyên-Hải Bắc-Việt

 

2.1 - Quang-cảnh chung Bờ biển Việt-Nam

Đường bờ biển thay đổi không ngừng. Quang-cảnh bờ Vịnh Bắc-Việt mà ta thấy hiện nay, cũng như của các nước trong khu-vực, mới được hình-thành cách đây khoảng 4-5 nghìn năm, sau thời-kỳ biển tiến Flandri. Đường bờ biển trải ra trên chiều rộng hay hẹp là tùy thuộc vào độ chênh của mức thủy-triều cao và mức thủy-triều thấp ở từng địa-phương. 

 

Hình 25. Hình-ảnh biển Ðông theo Katsushika Hokusai (1760-1849)

 

Nếu phân chia chi tiết thì người ta có thể nhận ra ít nhất đến 11 đoạn bờ biển Việt-Nam có những đặc điểm hình-thái và động lực khác nhau. Tuy vậy về đại-quát theo Giáo-Sư Ðịa-lý Lê Bá Thảo thì chỉ có hai kiểu bờ biển: kiểu đồng-bằng và kiểu đá gốc[36]. Ông mô-tả hai loại đó như sau:

(1) Các "xứ" đồng-bằng (các đồng-bằng cửa sông, các châu-thổ) đều có bề mặt nghiêng nhẹ về phía biển và kết thúc bằng những bờ biển bằng phẳng và thấp. Sóng, thủy-triều và các dòng phù-sa ven bờ hàng ngày vẫn làm chúng biến đổi tuy rằng để nhận thấy được điều đó, cần phải có một thời gian dài đến một vài chục năm.

Trên bờ biển Vịnh Bắc-Việt, có một đoạn thuộc "xứ" đồng-bằng kéo dài từ nam Quảng Yên đến Quảng-Trị. Có những đường bờ bị chia cắt mạnh mẽ bởi các cửa sông hình phễu và các lạch triều với nhiều đảo phù-sa mà độ cao không chênh bao nhiêu so với mực nước biển. Đấy là kiểu bờ biển các châu-thổ thủy-triều của hệ-thống sông Thái Bình ở miền Bắc và của hệ-thống sông Đồng Nai - Vàm Cỏ ở phía nam. Lại có kiểu đường bờ bằng phẳng và liên-tục của các châu-thổ và đồng-bằng rìa phía nam các cửa sông, thông-thường lầy lội, có các bộ phận bị mài mòn và bồi tụ xen kẽ. Đấy là trường hợp của cả hai châu-thổ sông Hồng và châu-thổ sông Cửu-Long.

Các khúc bờ biển bằng phẳng từ Thanh Hóa trở vào đến đèo Hải-Vân được giới hạn ở các cửa sông. Các đoạn trung gian giữa hai cửa sông là đồng-bằng thuộc nhiều nguồn gốc. Tại Vịnh Bắc-Việt, khu-vực Quảng Bình chỉ có các cồn cát phong thành. Trong khi đó, người ta thấy ở các nơi khác là các mũi tên cát chắn những đầm phá ở bên trong (như ở Thừa Thiên), có nơi là những bãi lầy sú vẹt như đoạn từ mũi Cà Mau lên đến Rạch Giá. Nói chung đặc-tính chung của bờ biển các "xứ" đồng-bằng là bằng phẳng nhung không phải vì thế mà bờ biển trở thành đơn điệu.

(2) Bờ biển của các "xứ" núi, núi ra sát biển khúc khủyu, bị chia cắt bởi nhiều vũng, vịnh nhưng rất ít kiểu bờ vách đá gốc.

Có hai đoạn bờ biển Việt-Nam thuộc "xứ" núi: đoạn từ Móng Cái về đến Yên Lập ở Bắc Bộ và đoạn từ Đà Nẵng xuống đến mũi Dinh, kéo dài cho đến Vũng Tàu.

Toàn bộ đoạn thứ nhất thuộc tỉnh Quảng-Ninh, một tỉnh thuộc miền núi Đông Bắc. Bờ biển lởm chởm những mũi đá do có nhiều sông suối ngắn từ nội-địa chảy ra cắt qua các dẫy thềm biển (hoặc sông biển). Mặt bằng ven biển rất ít, người ta chỉ có thể thấy một không-gian tương-đối hẹp như vậy ở Tiên-Yên, nhưng mà lại chính trên bậc thềm cao của sông Phố Cũ, và ở Móng Cái, trong thực-tế cũng là một bậc thềm mài mòn. Toàn đoạn bờ biển này nhìn ra vùng quần-đảo Bái-Tử-Long và Hạ-Long là vùng núi đồi bị chìm ngập.

Đảo ven bờ lớn nhất là đảo Cái Bầu và xa hơn về phía Tây Nam là đảo Cát Bà, cả hai đảo này đều còn giữ được nhiều loài cây và thú quý hiếm. Vịnh cho tàu đậu lớn nhất và có giá-trị kinh-tế quan-trọng là vịnh Cửa Lục, nơi có cảng nước sâu duy nhất của Bắc Bộ, là cảng Cái Lân.

 

 

Hình 26. Vùng Hồng-Gai có nhiều đảo chi-chít, nằm sát bờ

 

2.2 – Các đoạn Bờ biển Vịnh Bắc-Việt

Theo đặc-tính của địa-thế, Các tác-giả Vũ Nguyệt Minh, Lữ Đông Hà, Lê Khánh Tâm, Quỳnh Tố Thùy của cuốn sách "Nước Tôi Dân Tôi"[37], bờ biển Vịnh Bắc-Việt có thể được chia thành hai đoạn như sau:

- Đoạn Móng Cáy - Hải-Phòng: Bờ biển hiểm trở. Trong các vịnh ven biển như vịnh Hạ-Long và vịnh Bái-Tử-Long có hàng ngàn đảo nhỏ và những đảo lớn như Cái Bầu, Cát Bà, Cái Bàn... Phong cảnh hang động và đảo ở vịnh Hạ-Long được xen như những kỳ quan ngoạn mục nhất vùng biển Đông Nam Á. Hải-Phòng và Cái Lân là hai hải-cảng quan-trọng trong đoạn bờ biển nàỵ.

- Đoạn Hải-Phòng - Quy Nhơn: Bờ biển hầu hết đều thấp và phẳng, Có những núi thuộc dãy Trường Sơn đâm ngang tạo thành những mũi đá nhô ra biển như mũi Sầm Sơn ở Thanh Hóa, mũi Rọn dưới chân đèo Ngang giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Cảng Cửa Lò là hải-cảng quan-trọng nhất

Xa hơn về phía Nam của Vịnh Bắc-Việt, địa-thế bờ biển cũng tương-tự. Mũi Chân Mây dưới chân đèo Hải-Vân, nằm giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Mũi Ba Làng An ở Quảng Ngãi, mũi Yến ở Quy Nhơn. Những hải-cảng quan-trọng trong đoạn bờ biển này là Đà Nẵng và Quy Nhơn.

 

2.3 - Ðáy Biển của Vịnh Bắc-Việt

Đáy Biển Ðông của Việt-Nam có thể chia làm 3 phần:

- Khu-vực Vịnh Bắc-Việt

- Khu-vực Biển miền Trung từ Ðảo Cồn Cỏ (vĩ-tuyến 17 Bắc) xuống đến vĩ tuyến 10.30'B, tức là đến tận Phan Thiết.

- Khu-vực biển phía nam bao gồm phần còn lại cho đến vịnh Thái Lan.

Trong ba khu-vực biển này thì nói chung, địa-hình đáy của Vịnh Bắc-Việt tuy phẳng-phiu nhất, nhưng lại có một vùng nhỏ phía cực Bắc mang nhiều sự phức tạp hơn cả. Địa-hình đáy biển vịnh Bắc-Việt hơi nghiêng về phía Ðông Nam. Ðộ sâu ở trung-tâm vịnh chỉ đạt đến 70-80m. Ðáy biển ở cửa vịnh sâu tới khoảng 90-100m.[38]

Ðoạn từ Móng Cái đến Hải-Phòng có hàng ngàn đảo lớn nhỏ thuộc hai vịnh Bái-Tử-Long và Hạ-Long. Lại có nhiều luồng lạch lớn nhỏ chia cắt đáy biển ra nhiều mảnh nhỏ bé. Ðịa-hình đáy biển Quảng Ninh, không bằng phẳng, độ sâu trung-bình là 20m. Có những lạch sâu là di-tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng của các rạn san-hô rất đa-dạng. các dòng chảy hiện nay nối với các lạch sâu đáy biển còn tạo nên hàng loạt luồng lạch và hải-cảng trên dải bờ biển khúc khủyu kín gió nhờ những hành lang đảo che chắn, tạo nên một tiềm-năng cảng biển và giao-thông đường thủy rất lớn.

Từ nam Hải-Phòng đến Nghệ An - Hà Tĩnh, ứng với một bờ biển phẳng; địa-hình thềm lục-địa tương-đối đơn giản với các dạng tích-tụ tiền châu-thổ. Bờ biển do đó, chạy thoai thoải dần từ bờ ra khơi.

Từ nam Nghệ Tĩnh xuống đến Đà Nẵng (hay cửa vịnh Bắc-Bộ), ta thấy xuất hiện các dãy đê cát ngầm chạy song song với đường bờ, kể cả các thềm đá gốc - các bensơ - trong khi ở phía ngoài khơi, các dạng địa-hình âm và dương xen kẽ với nhau một cách phức tạp, có lẽ liên-quan đến sự cắt chéo ngang nhau của hệ-thống đứt gãy sông Hồng và hệ-thống đứt gãy ngoài xa theo kinh-tuyến 109 Đông.[39]

Những bản-đồ Geomorphology vẽ đáy biển 3 chiều cho ta một cái nhìn tổng-quát. Ðáy biển Vịnh Bắc-Việt ghi dấu vết các con sông thời cổ nối dài theo con sông Hồng. Các dòng chảy hướng ra gần đảo Hải-Nam, rồi xuôi về biển Hoàng-Sa. Các túi dầu-khí mà Trung-Cộng đang khai-thác trong Vịnh Bắc-Việt và ở Hoàng-Sa nằm rất gần những con sông cổ xưa này. Có thể nói rằng dầu-khí chính là kết-quả làm việc của con sông Hồng hàng mấy chục triệu năm qua.

Một cách tổng-quát, ta có thể nói trừ những nơi lởm-chởm chi chít hải-đảo vùng Hải-Phòng Quảng-Ninh, đáy biển Vịnh Bắc-Việt là một vùng “đồng-bằng lý-tưởng” rất lớn và phẳng-phiu. Trên lục-địa không thể nào có được một cảnh-quan tương-tự như vậy. Thiên-nhiên lại còn ban-phát cho vùng này một “ngọn núi - Trấn-Sơn” Bạch-Long-Vĩ, đột-nhiên nổi lên ở giữa khu-vực như cái cột cờ, cao tới gần 100 thước[40].

 

 

Hình 27. Bản-đồ đáy biển Vịnh Bắc-Việt rất phẳng-phiu với vết tích con sông Hồng và các phụ-lưu của nó mang nước ra biển Hoàng-Sa

 

2.4 - Duyên-hải Vịnh Bắc-Viêt: nơi rộng phình ra, nơi bóp hẹp lại

Quan-sát bản-đồ thế-giới trên phần lục-địa, người ta không thể tìm thấy một quốc-gia nào được sở-hữu một vùng bờ biển quan-trọng về mọi mặt, không những dài mà lại lắm tài-nguyên như Việt-Nam.

Theo giáo-sư Joseph R. Morgan của đại-học UC Berkley và luật-sư Mark J. Valencia của Viện Nghiên-Cứu Đông-Tây ở Hawaii, Việt-Nam có tới 2,828 hải-lý (tức 5,237 km) bờ biển[41]. Tỷ-lệ bờ biển nước ta so với diện-tích lãnh-thổ cao hơn hầu hết các quốc-gia khác trên thế-giới. Vì thế, tâm-hồn và sinh-hoạt Việt-Nam gắn liền với biển. Joseph Buttinger ước-lượng rằng đại đa-số người Việt-Nam sống sát với biển cả trong vòng 50 hải-lý.[42]

Kích-thước rộng hẹp của Việt-Nam có lẽ cũng nói lên một khía cạnh về tiềm-lực dân-tộc. Tại duyên-hải Vịnh Bắc-Việt, khu-vực “miền Bắc Khai-nguyên”, từ lâu tiền-nhân đã mở nước tối đa. Từ điểm cực Đông sang điểm cực Tây, Bắc-Việt rộng tới 600km. Nhân-số gia-tăng đòi hỏi quốc-gia phải gia-tăng đất đai. Nhưng phía Bắc thì đụng Trung-Hoa, phía Tây bị các dãy núi chận lại. Nơi hẹp nhất chính là Quảng Bình với 50 km chiều ngang.

Vậy dân ta chỉ còn cách dựa vào biển phía Đông mà tiến về phương Nam để mở mang bờ cõi. Xung-lực tác-dụng của “trái bóng dân-số” được thể-hiện rõ ràng về mặt địa-lý: Việt-Nam đã kiểm-soát toàn-thể miền Trung, rồi chiếm-hữu đồng-bằng Nam-Việt. Ở đó, có nơi rộng tới 400 km.

Như quá-khứ đã chứng-minh, cả trong hiện-tại lẫn tương-lai Việt-Nam sẽ không thể nào xa cách với biển cả. Trong những giai-đoạn sinh-tử, tồn-vong của đất nước; người Việt chúng ta cũng cứ bám lấy biển. Một trong những biểu-hiện dễ thấy nhất là trên đường mở nước, tiền-nhân chúng ta đã lần từng bước men theo bờ biển để tiến tới. Cuộc Nam-Tiến chính là biểu-hiện liên-tục của một con rồng vươn dài ôm lấy Biển Đông vậy.

 

2.5 - Hệ-thống các Dòng chảy ra Vịnh Bắc-Việt

Theo Giáo-Sư Lê Bá Thảo, sông ngòi ở Việt-Nam về mặt hình-thái phụ thuộc rất nhiều vào cấu-trúc địa-chất - địa-hình nhưng về mặt đặc-tính của dòng chảy thì là do khí-hậu quyết-định. Cả hai điều-kiện đó đã dẫn tới kết-quả là Việt-Nam có một mạng lưới sông ngòi dày đặc, có thủy-chế thay đổi rất mạnh theo mùa và theo khu-vực.

Ðối với con người cũng như đối với cảnh-quan, nơi nào có sông ngòi chảy qua thì nơi đó có sự sống; điều đó được phản-ảnh trước hết trong bức tranh phân bố dân-cư và với các hoạt-động kinh-tế nhiều mặt đi kèm theo.

Các sông lớn và trung-bình của Việt-Nam đóng vai trò quan-trọng trong việc cung cấp nước cho những đồng-bằng và châu-thổ, nhưng chính 2170 sông nhỏ và suối có diện-tích lưu vực dưới 100 km2 (chiếm 92,55 % tổng số sông suối của cả nước) mới làm cho gần như không có bộ phận nào của lãnh-thổ lại không hưởng được tác-dụng tốt lành của dòng chảy, đặc biệt là ở miền núi và trung du.[43]. Có điều đáng ngạc nhiên – theo Nguyễn Viết Phổ [44] - là mật-độ lưới sông ở đồng-bằng Bắc-Việt không khác với vùng đồi núi, mật-độ này cao hơn so với các vùng cao nguyên.

Bản-đồ mật-độ sông suối Việt-Nam cho thấy phần lớn lãnh-thổ có mật-độ trung-bình từ 0,5 đến 1km trong mỗi km2. Mật-độ lưới sông đạt chỉ-số cao nhất lên đến 2-4 km/km2 ở Ðông-Nam châu-thổ sông Hồng và sông Thái Bình cũng như ở đồng-bằng sông Cửu-Long do nhu-cầu thoát nước rất lớn. Mật-độ này cũng cao (1,5 đến 2 km/km2) ở các khu-vực trung-tâm mưa lớn như ở Móng Cái, khối Vòm sông Chảy, bắc Hoàng Liên Sơn, khu-vực đèo Ngang, đèo Hải-Vân v.v..[45]

 

2.6 - Sông Hồng, một con Sông vĩ-đại Thời xưa

Nguồn nước lớn nhất đổ vào Vịnh Bắc-Việt là do Sông Hồng.

Theo tài-liệu của Cục Địa-Chất Việt-Nam[46] cách nay 37 triệu năm, Biển Đông được bao bọc ở phía Nam bởi khối đất Sumatra, phía Ðông bởi khối Kalimantan, Philipin; phía Bắc bởi khối Dương-Tử, phía Tây bởi Việt-Nam nằm quá nửa trên khối đất Indonisia.

Sông Hồng lúc đó chảy theo một nếp gấp địa-chất rất dài. Hữu-ngạn là các khối đất Tây-Tạng, Sơn-Thái, Indosinia, Tả-ngạn là khối Dương-Tử và Cathaysia. Gần như tất cả nước mưa của toàn-thể khu-vực Đông-Á, Nam-Á, và có thể cả nước mưa khắp Trung-Á cũng đổ về Hồng-Hà mà ra Biển Đông. Lưu-lượng của Sông Hồng thời đó có thể nhiều lần lớn hơn lưu-lượng các sông Nile, Amazone, Dương-Tử. Sông Hồng cùng nhiều phụ-lưu của nó với các cửa sông thật rộng lớn, ước-lượng có đến hàng chục cây-số.

Hình 28. Hàng chục triệu năm trước, Sông Hồng là một đại trường-giang khởi-nguyên từ Trung-Á, Tây-Tạng, qua Vịnh Bắc-Việt “khô-cạn”, chạy dài ra tận Hoàng-Sa.

 

Từ trên cái "mái nhà của trái-đất", nguồn nước hùng-vĩ đã mang ra Biển Đông những khối-lượng phù-sa khổng-lồ, tạo nhiều lớp kết tầng thủy-tra-thạch tại Hoàng-Sa. Rồi dòng sông chính của miền Bắc nước ta bị thu nhỏ khi địa-chấn xảy ra, nâng cao khu Vân-Nam cắt ngắn thượng-nguồn Hồng-Hà lại như ta thấy hiện nay. Nguồn nước từ đó bắt đầu chảy sang phía Dương-Tử-Giang làm con sông vùng Hoa-Nam thêm to lớn.[47]

Cho dù đã bị cướp mất cái kỷ-lục “oai-dũng” ngày xưa, Sông Hồng vẫn tiếp-tục công-việc cần-cù và nhẫn-nại của nó trong việc bồi-đắp vùng châu-thổ Bắc-Việt. Thống-kê cho thấy về công-trình này, Sông Hồng luôn-luôn vượt Sông Cửu-Long[48] Con sông lớn nhất Miền Bắc đó bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Sơn, gần hồ Ðại Lý (Vân Nam - Trung Quốc) chảy vào nước ta ở vùng Hà Khẩu (Lào Cai). Lưu-lượng của sông rất lớn (từ 700m3/giây mùa khô, tăng đến 28,000m3/giây vào mùa nước lũ)[49]. Có khi nước ngọt được tìm thấy ngoài biển xa cửa sông tới một khoảng cách 30 km.

 Hàng năm Sông Hồng chuyển tải một khối lượng phù-sa vĩ-đại tới 130 triệu tấn, lấp dần vịnh Bắc-Việt để tạo nên một đồng-bằng rộng lớn, màu mỡ.

Tài-liệu “Dự án Quản lý Tài nguyên Nước Lưu vực sông Hồng[50] ghi nhận trong trận lụt kinh hồn năm 1971, lưu-lượng đạt kỷ-lục 38,000m3/giây gây cho gần 500 người chết [51]. Thiên-tai “nước” này khủng-khiếp hơn “lửa” nhiều![52] Việc trị-thủy Sông Hồng qua hàng nghìn năm vẫn còn là vấn-đề sinh-tử, cần phải được duyệt xét để tìm ra giải-pháp hừu-hiệu hơn.

Hình 29. Một Giả-thuyết của Leloup Philippe Hervé[53]: Khi địa-chấn xảy ra, khu Vân-Nam được nâng cao cắt ngắn thượng-nguồn Hồng-Hà

 

Thủ-đô Hànội, “chốn cũ Thăng-Long ngàn năm văn-vật” nằm trên hữu-ngạn sông Hồng cách Vịnh Bắc-Việt chừng 85 hải-lý. Về xác xuất xảy ra động đất tại Hà Nội, các nhà nghiên-cứu cho rằng, Hà Nội nằm trên khu-vực đứt gãy sông Hồng, nơi đang ở giai-đoạn hoạt-động mạnh nên trong tương-lai, khu-vực Hà Nội rất có thể sẽ phải hứng chịu một trận động đất mạnh tới 5,3 độ Richter. Vì lòng đất được cấu-tạo yếu, cộng với sự phát-triển mạnh của các khu dân cư và trung-tâm kỹ nghệ, lại thêm sự khai-thác nước ngầm bừa bãi, mức độ tàn phá của động đất tại Hà Nội, nếu xảy ra sẽ rất lớn.

 

2.7 – Hệ-thống Sông Thái-Bình

Ðóng góp vào công-trình xây đắp đồng-bằng Bắc-Việt, hệ-thống sông Thái Bình cũng đã làm việc đáng kể.

Sông Thái Bình hợp bởi các Sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam tại Phả Lại. Nguồn nước chảy qua tỉnh Hải-Dương rồi đổ ra cửa chính tại tỉnh Thái Bình. Các phân lưu của hệ thống này còn được gọi là Lục Đầu Giang, tất cả đều nằm về phía tả ngạn sông Thái Bình:

- Sông Văn Úc, một đoạn tên sông Hương, một đoạn tên sông Rang, đổ ra cửa Văn Úc.

- Sông Lạch Tray, nối sông Văn Úc chảy ngang qua Hải-Phòng, ra biển bằng cửa Rạch Traỵ

- Sông Kinh Thầy, thoát lưu của sông Thái Bình từ Phả Lại, đến

Thạch Liên chia thêm một nhánh nhỏ là sông Kinh Môn, hai nhánh này nhập lại trước khi đổ ra biển ở cửa Cấm.

- Phân lưu sau cùng của sông Thái Bình là sông Đà Bạch, tức Bạch Đằng Giang, cửa sông là một vùng đồng lầy rộng lớn..[54]

Sông Bạch Đằng là con sông chiến-lược nổi tiếng nhất trong lịch-sử Việt Nam, đó là nơi dân-tộc Việt-Nam đã 3 lần đánh bại quân xâm-lược phương Bắc. Trong đó, chiến-thắng thứ ba đánh thắng quân Nguyên Mông được cả thế-giới biết đến. Nhiều cọc gỗ nhọn đã xuyên thủng tàu giặc, sau 700 năm còn được tìm thấy tại đây.

Xưa kia, núi Voi và núi Đồ Sơn là những cù lao ở giữa biển. Ðất phù-sa của nhóm sông Thái-Bình, khi ăn lan mãi ra biển, đã làm những cù lao này dính vào đất liền, trở thành những ngọn núi.

 

2.8 - Ðồng-bằng Bắc-Việt

Sông ngòi xứ Bắc nước ta rất nhiều, tất cả đều chảy vào Biển Đông, chỉ trừ có một con sông là Kỳ-Cùng chảy ngược về phía Trung-Hoa[[55]. Tổng-số chiều dài các con sông là 41,000 km với lưu-lượng chừng 300 tỷ m3 nước. Phụ vào đó là 3.100 km kinh rạch nhân-tạo.

Đứng chung trong bảng thống kê lớn như vậy, sông Hồng chỉ chiếm có 510 km chảy trên lãnh-thổ Việt-Nam, (trong tổng-số chiều dài Vân-Nam - Biển Đông 1.149 km của nó.) Tuy vậy, đối với dân ta, con sông này chính là con sông khởi-nguyên lịch-sử của dân-tộc.

Ðồng-bằng sông Hồng (ĐBSH) rộng vào khoảng 15,000km2. Địa-bàn này là nơi cư-trú của người Việt cổ, cũng là nơi hình-thành nền văn-minh lúa nước. Đây còn là vựa lúa lớn thứ hai của đất nước gồm các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải-Phòng, Thái Bình, Nam-định, Hải-Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Tây. Tính chi-tiết hơn, trong diện-tích 1,479,466 ha của châu-thổ, số đất đang sử-dụng là 1,032,000 ha (82,46%) bao gồm hầu hết là đất nông-nghiệp với 822,182 ha (chiếm 55,67%). Tuy nhỏ hơn vùng đồng-bằng Cửu-Long, nhưng theo nhiều nhà canh-nông, vùng đất phù-sa sông Hồng thuộc loại màu mỡ nhất của đất nước ta.

Nằm trong khu-vực nhiệt-đới gió mùa, thiên-nhiên lại ban tặng cho ĐBSH thêm một thứ đặc sản, đó là mùa đông. Cái lạnh mùa đông là điều-kiện thuận-lợi cho cây trái vùng hàn đới, ôn đới sinh sôi nảy nở. Chính vì thế động, thực-vật ở đây rất phong-phú.

Trong vòng hai thập-niên qua, môi-trường sinh-hoạt của nông-dân miền Bắc khá hơn đôi chút. Tuy vậy, cho dù nông-thôn đã được điện-lực-hoá nhưng hiện-thời tình-trạng vệ-sinh toàn vùng rất tồi tệ. Tại miền quê, hầu hết ao hồ bị ô-nhiễm nặng. Ở thành-phố, tình-trạng cũng không khá hơn, sông Tô-Lịch[56] nay là một con rạch nước tù hãm, mang nhiều mầm bệnh tật.

 

 

Hình 30. Các Cửa Sông chính vùng Châu-thổ Miền Bắc

 

Người ta ước-lượng rằng hàng năm đất bồi thêm lấn biển từ 50 đến 100 thước. Như thế mỗi năm khu tân-bồi được nhìn thấy không có bao nhiêu, nhưng sau một thiên-kỷ thì đất sẽ trườn ra ngoài Biển Đông 4, 5 hay 7 chục cây-số. Trường hợp mực nước biển lại theo đúng chu-kỳ phỏng-định mà rút xuống, vùng đất mới sẽ lớn nhanh theo gia-tốc. Vào những năm 3000, 4000; Vịnh biển Bắc-Phần sẽ nhỏ hẹp lại và diện-tích vùng ĐBSH rất có thể tăng lên gấp rưỡi.

Những bãi Tự-nhiên, những đầm Nhất Dạ, các cửa Đại-Ác, cửa Thần-Phù trong lịch-sử năm xưa ở sát biển, hiện giờ đã lùi sâu vào nội-địa. Các bạn quê sát biển di-cư 1954, ngày nay hồi-hương không còn nghe được tiếng biển gầm vì nhiều làng xóm mới mọc lên chắn ngang những con đường ra ngoài bãi biển.

 

2.9 - Hải-Cảng Vịnh Bắc-Việt

            Chính-sử Việt-Nam ghi nhận Quan Lạng như hải-cảng nước ta thời tư-chủ. Vào thế kỷ 12, Quan Lạn thuộc huyện đảo Vân Ðồn, tỉnh Quảng Ninh ngày nay, chính là thương cảng đầu tiên của Việt Nam do triều Lý xây dựng.  Ðảo Quan Lạn vẫn còn giữ được một vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ không kém một hòn đảo nào trong quần thể thắng cảnh Hạ Long. Tại đây, hằng năm còn diễn ra lễ tế vua Lý Anh Tông và lễ hội chèo thuyền vào tháng năm, tháng sáu âm lịch.

            Ngày nay, cảng nước ta xây-dựng khắp nơi. Hệ-thống cảng biển bao gồm phần lớn là các cảng cá, phân bố trên địa-bàn của 111 huyện, thành-phố hoặc thị xã - thị trấn ven biển. Các cảng lớn như Hải-Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu... có nhiều chức năng nhưng cũng có cảng cá phụ thuộc.

Vào thời điểm năm 2010, Việt Nam dự-trù sử-dụng 114 cảng biển được chia thành 8 nhóm, phân bố dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Kiên Giang. Mỗi nhóm cảng là một hệ thống cảng nhỏ, có sự hỗ trợ liên-hoàn với nhau.

 Riêng nhóm cảng Bắc-Việt, chỉ tính từ Quảng-Ninh đến Ninh Bình đã gồm tới 27 cảng lớn nhỏ, trong đó các cảng Hải-Phòng, Cửa Ông và Cái Lân đóng vai trò quan-trọng nhất. Tại khu-vực Hải-Phòng còn có một số cảng mới như Đình Vũ, Bạch Đằng ra đời nhằm phục-vụ các khu công-nghiệp. Cái Lân được xác-định là cảng nước sâu trọng-điểm, cho phép đón nhận tàu đến 50,000 DWT[57], với công-suất 2 triệu tấn/năm. Ngoài các cảng than ở Cẩm Phả có công-suất 5 triệu tấn/năm, trong tương-lai Việt-Nam sẽ xây-dựng thêm cảng chuyên dùng cho nhà máy thép cũng có công-suất 5 triệu tấn/năm.

 

Hình 31. Hệ-thống Cảng Biển chính miền Bắc-Việt-Nam

 

Nhóm cảng Bắc Trung-phần có nhiệm-vụ chính phục-vụ phát-triển kinh-tế 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, đồng thời thu hút hàng quá cảnh của Thái Lan và Lào, với cảng Cửa Lò là cảng trung-tâm. Vào năm 2000 lượng hàng thông qua cảng đạt 1,5 - 1,8 triệu tấn. Dự-tính sẽ tăng lên 2,5 - 3 triệu tấn vào năm 2010[58].

 

 

Amount of cargo to he Handled by port groups (million tonnes)

1. Group of the ports of Hai Phong and Cai Lan and northern ports

25 ports, including 13 general ports (two of which are major ports) and 12 specialized ports

By 2003 

21-24 million tonnes

By 2010

 57-69 million tonnes

2. Group of ports in the northern part of central region (Thanh Hoa, Nghe An and Ha Tinh)

Eight ports, including five general ports (three main ports) and three specialised ports

3-4

million tonnes

23-26 million tonnes

Hình 32. Khả-năng 2 hệ-thống cảng biển Vịnh Bắc-Việt.

 

Từ trước đến giờ, nước ta chỉ có 2 cảng lớn cỡ quốc-tế là Hải-phòng và Sài-gòn. Ðể phát-triển kinh-tế, Việt-Nam đang cải-tiến và xây-cất thêm nhiều cảng biển trong vòng 10 năm tới. Từ Bắc vào Nam, ta có thể kể các cảng: Cái Lân (Quảng-Ninh) Cửa Lò (Nghệ An) Ðà Nẵng, Qui Nhơn, Dung Quát (Quảng Ngãi)...

Nhìn xa về tương-lai, các cảng biển lớn nhất Việt-Nam sẽ phải xây-dựng ở miền Trung vì khu-vực này có nhiều vịnh tốt, kín gió lại không bị phù-sa bồi lấp. Ưu-thế hơn tất cả các cảng khác là chúng nằm sát hải-lộ giao-thương. Trong khi các cảng của Vịnh Bắc-Việt như Hải Phòng cách hải-lộ đó 18 giờ hải-hành hay lâu hơn nữa, các cảng miền Trung chỉ cách đó vài ba tiếng đồng-hồ. Ðặc-biệt Vịnh Cam Ranh (1 giờ tàu biển là tới) được xếp vào loại một trong ba hải cảng có điều-kiện tự nhiên tốt nhất thế giới, với diện tích vùng vịnh kín tới 60 km2 và độ sâu trung bình 18 - 20m nước, xung quanh có núi bao bọc làm cho vùng biển luôn lặng gió.

 

2.10 - Hệ-thống Chuyển-vận Ðường Sông

Theo tài-liệu nghiên-cứu đầy đủ chi-tiết nhất, Việt-Nam hiện có 2,360 con sông (+/- 10) với tổng-số chiều dài lên đến 41,900 km (+/- 100).[59]

Chuyển-vận đường sông Việt-Nam được xếp vào loại lớn nhất thế-giới. Hệ-thống dài khoảng 9,000 đến 10,000 km, kể cả các kênh rạch. Hoạt-động này phát-triển mạnh nhất ở đồng-bằng sông Hồng và sông Cửu-Long do mức nước đủ sâu để thuyền bè, canô và xà lan có thể đi lại quanh năm.[60].

Các luồng đường sông chính ở đồng-bằng sông Hồng thường bắt đầu từ cảng Hải-Phòng về Hà Nội theo hai tuyến: Hải-Phòng - Hà Nội qua sông Đuống, có sử-dụng nhiều nhánh của sông Thái Bình dài 150 km, và Hải-Phòng - Hà Nội theo sông Luộc qua Quý Cao, dài hơn tuyến trên 65 km nhưng dễ đi hơn vì ít bãi cạn. 

Hình 33. Hệ-thống Ðường Sông, Ðường Bộ ở Miền Bắc VN

 

Ngoài ra, trục Cẩm Phả - Hạ Long, Phả Lại - Hà Bắc dài 459,5 km đóng vai trò quan-trọng trong việc vận-chuyển than lên Thái Nguyên và sắt theo hướng ngược lại. Nói chung tàu thuyền đều có thể ngược dòng sông Hồng lên đến Việt Trì và xa hơn, hoặc theo sông Thao lên Yên Bái, hoặc theo sông Lô lên Đoan Hùng, theo sông Đà lên Hòa Bình. Ở ven biển có tuyến Quảng-Ninh - Móng-Cái.

Các cảng sông góp phần tích-cực vào sự phát-triển của các thành-phố hay thị xã. Các cảng chính là Hà Nội, Hải-Phòng, Cống Câu (Hải-Hưng), Hồng Gai (Hạ-Long), Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hồng Vân (Hà Tây), Việt Trì, Phú Thọ và Hòa Bình.

Tổ-chức vận-tải trong đồng-bằng sông Hồng theo quy mô công-nghiệp đóng vai trò quan-trọng trong thời chiến với các xà lan có trọng tải 500-1000 tấn, di chuyển thành đoàn do các tàu đẩy. Gần đây vận-tải đường sông có phần bị coi nhẹ (trừ việc vận-chuyển than, vật-liệu xây-dựng và một số mặt hàng nặng), luồng lạch có đoạn bị ứ bùn do không được nạo vét thường xuyên. Các cảng sông, vì vậy, làm việc không đạt công-suất đã thiết kế [61].

Cục Ðường Sông cho biết: hiện nay mới có 11.400 km sông tàu thuyền đi lại được trong tổng số 41.900 km. Các cơ quan chức năng lại chỉ quản lí 800 km sông. Trên các tuyến đường thuỷ, tình trạng khai thác xô bồ, tuỳ tiện, dẫn tới không đảm bảo an toàn giao thông, phá vỡ môi trường sinh thái và mất trật tự an ninh xã hội. Dòng sông bỗng trở thành "điểm nóng", cần được chính-quyền quan tâm cải-thiện.

 

 2.11 - Hải-Đảo Việt-Nam

Có nhiều điều lý-thú khi nghiên-cứu các đảo Việt-Nam. Giáo-sư Lê Bá Thảo đưa ra một số điểm đáng kể như sau đây:

Ven bờ biển nước ta có vô số đảo, rất nhiều đảo nhỏ diện-tích từ 0,5 km2, xuống đến 0,001 km2. Việc kiểm kê số lượng không dễ dàng, và do đó ta hiểu là tại sao lại có trường hợp không đồng-nhất về con số. Những công cuộc điều-tra mới nhất[62] cho thấy hệ-thống đảo ven bờ gồm có 2773 hòn lớn nhỏ, diện-tích tổng cộng lến đến 1720 km, trong đó chỉ có 84 đảo có diện-tích từ 1 km trở lên (chiếm 3% tổng số) nhưng chúng chiếm đến 92,73% tổng diện-tích. Chỉ có 3 đảo có diện-tích trên 100 km và 24 đảo trên 10 km.

Vị-trí các đảo so với đất liền rất thay đổi: có đảo nằm gần sát bờ chỉ cách bởi một lạch triều như đảo Cái Bầu, nhưng cũng có một số đảo nằm cách bờ đến trên 100 km như Bạch-Long-Vĩ cách Hải-Phòng 135 km. Xa hơn nữa là các đảo ngoài Hoàng-Sa và Trường-Sa.

Cũng như lãnh-thổ trên đất liền, các đảo ven bờ của Việt-Nam nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt-đới ẩm gió mùa. Chế độ nhiệt của không khí và của nước biển quanh năm cao, lượng mưa hàng năm lớn.

Theo thống-kê mấy năm vừa qua, cả nước có 6 đảo lớn với số dân định-cư vượt quá 10 ngàn người. Vịnh Bắc-Việt chiếm 3 trong 6 đảo. Đó là các đảo Cái Bầu (trên 20,000 người), Cát Bà (trên 15,000 người và Cát Hải (trên 13,000 người), Các đảo kia, lớn nhất là Phú Quốc (trên 50,000 người), Phú Quý (khoảng 18,000 người) và Lý Sơn (trên 16,000 người).

Ðảo có số dân khá nhiều là Cô Tô, chừng 2500 người. Ðảo đang trong chương-trình tái định-cư là Bạch-Long-Vĩ và Cồn Cỏ. Có đến hơn 1000 đảo hiện chưa có tên vì kích-thước quá nhỏ và thường không có người cư-ngụ.

Các đảo có điều-kiện thuận-lợi nhất cho sự định-cư [63] thông-thường là các đảo (hay cụm đảo) có diện-tích lớn, có đất trồng, lớp phủ rừng và nước ngọt và tất nhiên có khả-năng có cảng cho tàu thuyền cập bến. Những đảo có vị-trí nằm cạnh các ngư trường lớn cũng lôi kéo các ngư-dân đến định-cư.

 

2.12 - Ðịa-chất Các Ðảo ven biển Vịnh Bắc-Việt

Cũng theo Giáo-Sư Lê Bá Thảo về mặt phân bố, mật-độ các đảo cao nhất Việt-Nam nằm ở ven biển những tỉnh Quảng-Ninh và Hải-Phòng: chúng chiếm đến 83,7% về số lượng và 48,9% về diện-tích toàn-thể các đảo Việt-Nam.

Theo website tự giới-thiệu của tỉnh Quảng-Ninh, Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo. Hơn hai nghìn hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2078/2779), đảo trải dài theo đường ven biển hơn 250 km chia thành nhiều lớp. Có những đảo rất lớn như đảo Cái Bầu, Bane Sen, lại có đảo chỉ như một hòn non bộ. Có hai huyện hoàn toàn là đảo là huyện Vân Ðồn và huyện Cô Tô. Trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long có hàng ngàn đảo đá vôi nguyên là vùng đại hình Karst bị nước bào mòn tạo nên muôn nghìn hình dáng bên ngoài và trong lòng là những hang động kỳ thú. Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn những bãi cát trắng táp lên từ sóng biển. Có nơi thành mỏ cát trắng làm nguyên liệu cho công nghệ thuỷ tinh (Vân Hải), có nơi thành bãi tắm tuyệt vời (như Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vùng...)[64]

Các đảo trong từng vùng biển có đá cấu-tạo gần như cùng loại với các đồi núi nằm ven biển trên đất liền vì trong thực-tế, chúng là phần rìa của lục-địa bị nước biển tràn ngập từ giữa thời Plêistoxen cho đến nay. Ở Ðông-Bắc vịnh Bắc Bộ, tương ứng với phần bắc tỉnh Quảng-Ninh (tỉnh Hải-Ninh cũ), các đảo quan-trọng là Cái Chiên, Vĩnh Thực, Cái Bầu, quần-đảo Cô Tô, Thanh Lam được cấu-tạo bằng đá trầm-tích và trầm-tích biến-chất. Trong khi đó, nhóm đảo thứ hai tại khu-vực các vịnh Bái-Tử-Long và Hạ-Long ở về phía Nam của tỉnh, được cấu-tạo bằng đá vôi.

 

 

Hình 34. Hình-ảnh Sinh-hoạt ở Ðảo Cát Bà

 

 

Hình 35. Hình-ảnh thơ mộng của các đảo Hạ-Long qua nét vẽ của một ngươì Pháp cách nay hơn một thế-kỷ.

 

Các đảo và quần-đảo thuộc hai nhóm này tuy cùng nằm trong vùng biển phía bắc Vịnh Bắc-Việt, cùng chịu chung những tác nhân ngoại lực như nhau với các điều-kiện khí-hậu tương-tự; nhưng địa-hình của chúng lại khác nhau:

(1) Các đảo đá trầm-tích hoặc trầm-tích biến chất có địa-hình là những quả đồi với sườn dốc thoai thoải.

(2) Các đảo đá vôi có hình-thể hiểm trở hơn nhiều do quá trình hòa tan và gậm mòn của nước. Thêm vào đó, lại có sự sụp đổ từ ngoài trên các sườn. Tính kỳ ảo của Vịnh Hạ-Long như là một kỳ quan của thế-giới, đã được UNESCO[65] công nhận, chính là phụ thuộc vào đặc-tính của núi đá vôi [66].

Các đảo ven bờ được cấu-tạo bởi vật-chất bở rời chỉ thấy ở các cửa sông, ở rìa đồng-bằng sông Hồng[67] Đảo Đình Vũ ở Hải-Phòng là một thí-dụ. Bề mặt của các đảo này chỉ cao trên mặt nước biển khoảng 2-3m, bị chia cắt bởi các lạch triều và có hình dạng thay đổi tùy theo sự công phá của sóng biển.

Ðảo Hòn Mê (Tỉnh Gia, Thanh Hóa) có đỉnh cao 251 m sườn dốc hoặc rất dốc mặc dù như thường thấy ở miền nhiệt-đới, ngay ở chân sườn đổ xuống biển bao giờ cũng có một riềm đá vụn hoặc trầm-tích có bề mặt nằm ngang hoặc rất thoải bao bọc.

 

2.13 - Số lượng các Ðảo Vịnh Bắc-Việt

Như đã được đề-cập ở đoạn trên, số đảo ven biển Quảng-Ninh và Hải-Phòng chiếm tới 83.7% tổng-số đảo toàn-quốc. Nếu số lượng hải-đảo kiểm-kê năm 1995 trong đề-tài KT-03-12 được kể là chính xác, tổng số đảo Việt-Nam trong Vịnh Bắc-Việt gồm có:

- 2,321 đảo ngoài khơi Quảng-Ninh Hải-Phòng.

- đảo Bạch-Long-Vĩ ở giữa Vịnh Bắc-Việt.

- hàng chục đảo cùng cồn cát ở ngoài khơi vùng châu-thổ các Sông Hồng, sông Thái-Bình và phụ-lưu của nó. Các đảo này do phù-sa và dòng nước sông, biển tạo thành; hôm nay hiện ra, ngày mai mất đi (phù-đảo). 

- hòn Nẹ, hòn Nghi Sơn và quần-đảo Hòn Mê với các hòn Vang, hòn Vát, hòn Bong, hòn Gác, hòn Đó ngoài khơi Thanh-Hóa.

- đảo Hòn Mát và những hòn đảo nhỏ hơn như Hòn Niêu (Hòn Ngư), Hòn Tuần ngoài khơi Nghệ-An.

- đảo Cồn Cỏ ngoài khơi Quảng-Trị.

Cộng lại, số lượng đảo Vịnh Bắc-Việt phía Việt-Nam không dưới con số 2340 đảo lớn nhỏ[68]. Với một con số đảo quá nhiều như vậy, chúng tôi chỉ có thể lược-duyệt hình-thể một số đảo đặc-biệt quan-trọng ở đây mà thôi.

 

2.14 - Ðảo Bạch Long Vi

Tọa-độ: 20 độ 08’ vĩ-độ Bắc, 107 độ 43’ kinh-độ Ðông.

Ðảo Bạch Long Vĩ nằm gần trung-tâm vịnh Bắc-Việt, cách đất liền nước ta khoảng 110 km, cách đảo Hải-Nam (Trung Hoa) khoảng 130 km, cách đảo Cát Bà khoảng 95 km và cách thành-phố Hải-Phòng khoảng 13km về phía Ðông Nam.

 

 

Hình 36. Ðảo Bạch Long Vĩ

 

Ðảo Bạch Long Vĩ có chiều dài 4.5 km, chiều ngang nơi rộng nhất là 1.6 Km, diện-tích 250 ha (2.5km) với chứng 1,000 dân-cư. Ðiểm cao nhất của đảo là 62 m. Biên-độ thủy triều trong vùng biển này tăng đến mức tối-đa 3,76 m.

Ðây là một khu bảo-tồn biển. Tổng diện-tích là 550 ha, trong đó diện-tích đảo nổi là 250 ha và diện-tích mặt biển là 300 ha[69], ấn-định vào năm 1995. Sau đó, Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (Asian Development Bank, ADB 1999) đề-nghị tăng diện-tích lên 90,00 ha, trong đó diện-tích đảo nổi là 250 ha và diện-tích mặt biển là 89,750 ha.

Ðảo Bạch Long Vĩ là một trong những vị-trí chiến-lược quan-trọng nhất của Miền Bắc-Việt-Nam. Ðảo đứng đơn-độc, trong phạm-vi bán kính rộng tới 75 km không còn một hòn đảo nào khác. Ðảo được trang-bị radar viễn-thám, là nơi cặp bến sửa chữa cho các thuyền đánh cá xa bờ. Kể từ ngày 13-8-1999. một trạm viễn-thông qua vệ-tinh (VSAT) đã được thiết-lập để giúp cho việc thông-tin liên-lạc với Hải-Phòng được dễ-dàng hơn[70].

 

 

Hinh 37. Cầu tàu đã được xây-cất tại đảo Bach-Long-Vĩ

 

2.15 - Ðảo Trà Cổ và vùng Hải-biên

Phía Ðông của Mũi đất Trà Cổ (Kinh-độ 108 độ 03 phút 18 giây) là hải-giới hiện nay của Việt-Nam và Trung-Hoa.

Trà Cổ trước đây là một hòn đảo sát bờ biển Móng-Cái. Do tác-dụng của phù-sa và dòng nước biển bồi đáp, eo biển hẹp dần rồi biến mất. Trà Cổ ngày nay đã trở thành một bán-đảo, có đường chạy dọc bãi biển nối với thị-trấn Móng Cái.

 

 

Hình 38. Cầu Biên-giới Bắc-Luân  

 

 

Hình 39. Ðầu thế-kỷ 20, Trà-Cổ là một hòn đảo, nay hầu như đã dính với bờ 

 

Bán đảo Trà Cổ có chiều dài khoảng 16 km, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 2 ki–lô–mét. Bán đảo gồm có hai xã :Trà Cổ và Bình Ngọc. Dải cát trắng mịn lộng gió này là một bãi biển tuyệt đẹp, theo một số người có lẽ chỉ thua bãi biển Song-Tử Tây ngoài Trường-Sa.

Thị xã Móng Cái nằm sát biên giới cách bãi biển Trà Cổ 7 km, đối-diện với thị-trấn Ðông-Hưng của Trung Hoa. Chiếc cấu Bắc Luân nối liền hai bên[71]

 

2.16 - Ðảo Cồn Cỏ

Tọa-độ::17 độ 10’ vĩ-độ Bắc, 107 độ 20’ kinh-độ Ðông

Ðảo Cồn Cỏ cách bờ biển tỉnh Quảng Trị vào khoảng 25 km. Ðảo gần tròn, có mũi nhọn hướng Ðông Bắc. Diện-tích 350 ha (3.5 km2). Cửa Vịnh Bắc-Việt được 2 chính-quyền Việt-nam và Trung-Hoa thoả-thuận đóng ở đây . Khoảng cách Cồn Cỏ đến Mũi Oanh Ca đo được 119 hải-lý (220 km).  

 

 

Hình 40. Hình-thể đảo Cồn Cỏ  [72]

 

Ðảo Cồn Cỏ là một trong 16 khu bảo-tồn biển từ năm 1998. Năm 1999, việc đề xuất thành lập khu bảo-tồn biển đảo Cồn Cỏ lại được Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (ADP 1999) nhắc lại trong kế-hoạch xây-dựng hệ thống khu bảo-tồn biển Việt Nam. Diện-tích khu bảo-tồn được đề-nghị là 2,490 ha, trong đó vùng biển có 2,140 ha và vùng đất liền trên đảo là 350 ha.

Ðảo Cồn Cỏ có hai quả đồi thấp, cao tới 63 m và 37 m. Vùng ngập triều đặc trưng bởi bãi cát hẹp, bị các mỏm đá chia cắt Vùng đất liền có các lớp bazan, bao phủ bởi xác san-hô và các trầm-tích xốp.Vùng nước biển xung quanh Ðảo Cồn Cỏ phía bờ chỉ sâu tới 15-20 m, nhưng phía Ðông, đáy biển sâu đến hơn 30 m.

 

2.17 - Ðảo Hải-Nam

Chúng tôi dành mấy đoạn ngắn sau đây để nói vài điều tổng-quát liên-hệ đến Hải-Nam, đảo của Trung-Hoa nằm ở phía Ðông Vịnh Bắc-Việt.

Hải-Nam là một tỉnh-đảo, dân-số 7,870,000 người (2001), diện-tích 33,940 km2 (13,100 sq mi), nằm cách bờ biển Lôi-Châu, Quảng-Ðông bằng eo biển Quỳnh-Châu. Eo này rộng chừng 16 hải-lý (30 km). Hải-Khẩu (Haikou) là thủ-đô và thành-phố lớn nhất. Mặc-dù Trung-Hoa thường đưa ra những con số thống-kê lớn về dân Hán, nhưng thổ-dân sắc-tộc Lí (1,000,000 người, Miêu (50,000 người) và Hồi vẫn còn sinh-sống đông-đảo khắp đảo, cả trên vùng núi non.

Những dân bản-địa này còn giữ sắc-thái riêng, ít bị Tàu-hóa. Những khu-vực tự-trị nằm ở miền Trung và miền Nam của đảo, gồm có:

- 5 quận dành cho người Lí,

- 2 quận cho người Lí và Miêu sống chung với nhau

- 4 thị-trấn dành cho người Lí

- 1 thi-trấn cho người Lí và Miêu sống chung với nhau.

Người Hán thường thích sống tập-trung ở thành-thị, mật-độ cao tại các thi-trấn vùng Bắc và vùng duyên-hải miền Nam của đảo.

 

 2.18 - Ý-nghĩa Ðịa-danh

Cũng như nhân-danh, địa-danh mang ý-nghĩa chân-thực của vùng đất mà nó mang tên. Hải-Nam mang tên này vì nó là hải-đảo nằm ở cực Nam nước Trung Hoa. Lại xem-xét bản-đồ Hải-Nam, người ta thấy tên Tian-Ya-Hai-Jiao (Thiên-Nhai Hải-Giác). Ðịa-danh này nằm gần thị-trấn Sanya có nghĩa là chân trời góc biển.[73]

Lãnh-thổ và hải-phận Trung-Hoa rõ-ràng được xác-định giới-hạn ở đây là tận cùng phía Nam của đất nước họ.

 

Hình 41. Bản-đồ đảo Hải-Nam. Lưu-ý hai địa-danh Ðông-Phương (Dongfang) và Thiên-Nhai Hải-Giác (Tian-Ya-Hai-Jiao)

 

Sản-phẩm chính của đảo là cao-xu, hải-sản. Ngoài ra có gạo, đường, thuốc lá, cà-phê, trái cây. Sinh-hoạt mới nhất đang làm thay đổi bộ mặt Hải-Nam là kỹ-nghệ dầu khí. Những nhà máy, những đường ống dẫn khí đốt đã bao trùm khắp đảo. Sự xây-dựng cơ-sở này đi theo nhiều kế-hoạch bành-trướng hải-phận trong Vịnh Bắc-Việt và luôn cả chiến-lược lớn vùng Biển Ðông.

 

Hình 42. Cảnh núi non trên đảo Hải-Nam

 

Ðối với người Việt-Nam chúng ta muốn tìm-hiểu đảo Hải-Nam, tài-liệu ngắn ngủi[74] sau đây được các hãng dầu lửa ghi-nhận thực-sự là kiến-thức quan-trọng: Hải-Nam là tỉnh nhỏ nhất của Trung-Hoa, nhưng sở-hữu tới 44.6% diện-tích của toàn-thể hải-phận nước này.

Hình 43. Hệ-thống Khai-thác Dầu-khí của Trung-Hoa trong khu-vưc Hải-Nam. Lưu-ý vị-trí các mỏ khí đốt lớn hướng về phía Bắc-Việt / Hoàng-Sa.

 

Chúng tôi xin chép nguyên-văn bản tin đó trong phần phụ-chú (footnote) để độc-giả tiện truy-cứu[75].

 

2.19 - Những đảo khác của Trung-Hoa trong Vịnh Bắc-Việt

Ngoài Hải-Nam và những “phù-đảo” không có tính cách vững bền nằm gần những cửa sông, người ta chỉ thấy phía Trung-Hoa có hai đảo nữa trên bản-đồ là Vĩ-Châu và Xê-Giang trong Vịnh Bắc-Việt.

Ðảo Vĩ-châu hình bầu dục gần như tròn chiều dài chừng 11km, có một vịnh cặp tàu thuyền rất tốt ở phía Nam. Ðảo Xê-Giang nhỏ hơn nhiều, gần như hình chữ nhật 3x4Km. Hai đảo này không có đặc-điểm kinh-tế gì quan-trọng, thường là trạm đừng chân của dân đánh cá Trung-Hoa. Ðảo Vĩ-Châu nằm gần mũi đất Bắc-Hải (Quảng Tây), Xê-Giang (Xe-Yang) gần Lôi-Châu, Chúng cách bờ biển 25 hải-lý - Khoảng 45 Km. 

 

2.20 - Những cảng Trung-Hoa Vùng Vịnh Bắc-Việt.

            Hiện nay, Trung-Hoa đang cải-tiến các hải-cảng trong khu-vực Vịnh Bắc-Việt như hai cảng Phòng-Thành, Bắc-Hải thuộc Quảng Tây và cảng Dương-Bộc thuộc Hải-Nam.

            Cảng Phòng-Thành nằm về phía Tây của Vịnh Khâm-châu. Hàng hóa chính xuất nhập gồm có: ngũ cốc, phân bón, mía đường, sắt thép, xi-măng, gỗ, than đá , quặng mỏ, vật-dụng cho nông ngư-nghiệp.

            Cảng Bắc-Hải lớn hơn, cũng như cảng Phòng-Thành là cửa ngõ chính của Khu Tư-Trị Chuang vùng Nam-Ninh mở ra biển. Hàng hóa chính xuất nhập gồm có: lúa gạo, trái cây, hải-sản, gỗ, phân bón, hàng gia-dụng, các loại pháo, pháo bông...

            Cảng Dương-Bộc nằm ở phía Tây đảo Hải-Nam, lúc trước đây là ngư-cảng, nay đang bành-trướng để trở thành một hải-cảng. Cho dù tiện-nghi như nước ngọt chưa được cung-cấp đầy đủ nhưng cảng đã bắt đầu tiếp-nhận các tàu dầu và tàu chở khí đốt cặp bến.

 

 

Hình 44. Vị-trí những Hải-cảng Phòng-Thành, Bắc-Hải, Dương-Bộc và đảo chính phía Trung-Cộng. Hải-Khẩu làmột cảng nữa của Trung-Hoa nằm xa hơn về phía eo biển Lôi-Châu.

 

Hình 45. Sơ-đồ xây-dựng cảng Phòng-Thành

 

 

Hình  46. Sơ-đồ Cảng Bắc-Hải[76]

           

            Nói chung những cảng biển của Trung-Hoa chưa đạt tiêu-chuẩn của các thương-cảng lớn, nhưng đã dư thừa khả-năng yểm-trở kỹ-thuật hạm-đội đánh cá hùng-mạnh của họ. Trong tương-lai, những cảng biển này sẽ càng thêm quan-trọng vì các hoạt-động đang gia-tăng của Trung-Hoa trên Biển Ðông, đặc-biệt là trong Vịnh Bắc-Việt. Ưu-điểm của những cảng biển của hai tỉnh Quảng-Tây và Hải-Nam vượt trội các cảng của ta thuộc tỉnh Hải-Ninh vì tầm nước ra vào sâu hơn, ít bị cát bùn bồi lấp và cũng kín gió hơn. Tuy nhiên, nhu-cầu phát-triển các cảng cũng lệ-thuộc vào tình-trạng phát-triển của vùng hậu-cảng. Trọng hiện-trạng, cảng Hải-Phòng của Việt-Nam vẫn còn chiếm hàng đầu trong Vịnh Bắc-Việt.

 

 

Hình 47. Bản-đồ hải-cảng Dương-Bộc với những tiện-nghi hải-cảng đang thành hình

 

2.21 - Vịnh Bắc-Việt, nơi “Ðầu sóng Ngọn gió”

            Ði biển khi sóng to gió lớn, tàu thuyền mong vào được trong vịnh để neo bến nghỉ-ngơi. Có người tưởng Vịnh Bắc-Việt như một vùng kín gió vì Vịnh không những nằm khuất sau đảo Hải-Nam lại còn được bao quanh bởi các tỉnh Quảng Ðông, Quảng-Tây ở phía Bắc và một nửa lãnh-thổ Việt-Nam về phía Tây và Tây-Nam. Thật ra đây là khu-vực “đầu sóng ngọn gió”.

Thoạt nhìn trên bản-đồ tỷ-lệ nhỏ, người ta thường không ý-thức rằng Vịnh Bắc-Việt bao trùm một không-gian rộng tới trên dưới 300km mỗi chiều, kích-thước này đủ lớn để vùng trung-tâm của nó không được bờ biển che-trở. Hơn thế nữa, hướng mở cửa của Vịnh lại quay đúng về hướng thổi tới của các trận bão nhiệt-đới là hướng Ðông-Nam. Ðịa thế của Vịnh như vậy không khác gì một cái phễu hứng trọn những cơn thịnh-nộ của biển trời. Trung bình hàng năm Việt Nam chịu ảnh hưởng của từ 4 đến 6 cơn bão. Hơn một nửa số đó thổi vào Vịnh Bắc-Việt.

 

2.22 – Diễn-tiến Cơn Bão-tố

Bão-tố có mùa. Bão Biển Đông hay đại-phong (typhoon) là bão nhiệt-đới, thường xảy ra những lúc giao mùa, nhất là từ tháng 7 đến tháng 10. Bão giảm đi từ tháng 11 nhưng cũng vẫn còn đến tháng 12. Tuy vậy, vào giữa mùa gió Đông-Bắc, bão làm biển trở nên động dữ dội hơn và kéo dài trong nhiều ngày. Hải-hành trên Biển Ðông thường nguy-hiểm khi gió mùa Ðông-Băc thổi mạnh, sóng cao nhiều thước.

Sau khi thành-lập, bão thường di-chuyển hướng Tây, nhưng rồi chuyển dần lên hướng Đông-Bắc nên Nam-phần không mấy khi bị bão lớn tàn-phá. Có tới chừng 1 phần 3 các trận đại-phong đi từ Thái-bình-Dương thổi về, qua Trường-Sa và Hoàng-Sa, tiến vào bờ biển Trung-Việt và vịnh Bắc-phần.

Khi bão xuất-hiện, ta thấy các hiện-tượng như sau: Trời oi bức, khí áp xuống nhanh. Trên bầu trời xuất hiện những mây cao bay nhanh như bó lông (cirrus panachés.) Vài giờ sau bầu trời bị che phủ bởi một lớp mây rất mỏng (cirro status), mặt trời chung quanh có quầng, rồi dần dần bầu trời trắng nhạt. Sau đó đến lượt những mây thấp có hình vẩy cá (cirro cumulus.) Rồi đến một lớp mây đen, dày cao lối 3,000m (altostatus), tất cả bầu trời trở nên u ám; mưa bắt đầu rơi, gió thổi, khí áp xuống nhanh. Trần mây thấp dần xuống (50 - 100 mét), mây bay nhanh, gió thổi mạnh từng cơn, mưa nặng hạt, bão đã tới ...

Cường-độ gió bão thông-thường vào khoảng từ 50 gút đến 90 gút, đôi khi vượt quá 100 gút. Cơn bão kéo dài nhiều tiếng đồng-hồ. Khi sấm sét đã xuất hiện, gió yếu dần thì có thể coi như cơn bão đã qua...

 

 

Hình 48. Số lượng những trận bão mọi loại thổi vào Việt-Nam 53 năm (1945 -1998). Chia ra những tháng trong năm[77]

 

2.23 – Vùng Bão Lụt:

Bão và lụt là các thiên-tai lớn nhất đe dọa nước ta, nhất là ở miền Bắc và miền Trung Việt-Nam, tổn-thất nhân-mạng có thể đến những mức độ khủng khiếp.

Theo Giáo-sư Nguyễn-Gia-Phụng[78], lý do chính vì vị-trí địa-lý đặc biệt của nước ta. Trước hết nước Việt nằm ở phía Ðông Nam của đại-lục Âu Á. Ðiều đó có nghĩa là nằm ở phía Tây của Thái Bình Dương. Hằng năm, đến mùa nóng khô, nhiệt-độ đại lục lên cao, tạo thành những vùng hạ áp, trong khi đó biển Thái Bình mát, nhiệt-độ thấp. Không khí sẽ di chuyển từ biển vào đất liền. Ngược lại, vào mùa lạnh, nhiệt-độ đại lục thấp, nhiệt-độ đại dương ấm, áp suất không khí thấp trên mặt biển, gió sẽ từ đại lục ra đại dương. Tình trạng nầy tạo thành gió mùa hằng năm ở khu vực Ðông nam Á.

Thứ nhì, Việt Nam nằm ở vùng giữa hạ chí tuyến (23 độ 27 phút Bắc) và xích đạo (0 độ). Quanh năm, xích đạo nóng ấm, gió từ hạ chí tuyến thổi về xích đạo. Theo luật Coriolis, do việc quả đất tự chuyển động quanh một trục tưởng tượng từ Ðông sang Tây, tất cả các động tử di chuyển trên quả đất đều bị lệch hướng đối với hướng ban đầu về phía tay mặt ở Bắc bán cầu, và phía tay trái ở nam bán cầu. Việt Nam nằm ở bắc bán cầu. Do đó, quanh năm, gió từ đại lục phía bắc thổi xuống hay từ hạ chí tuyến thổi đi, nghĩa là gió của cả hai mùa, đều bị lệch hướng về phía tay mặt, có nghĩa là đều chĩa vào Việt Nam. Khi gió di chuyển, gió mang theo mây và sẽ tạo mưa khi có những điều-kiện nhiệt-độ thuận tiện.

Hàng năm những trận bão biển và gió mùa Tây Nam đã gây nên những trận mưa lớn ở miền thượng du cũng như đồng bằng miền Bắc. Bão tố mang gió to làm sụp đổ nhà cửa, bão-tố cũng mang mưa lớn làm lụt lội, làm đất trùi… Ở Việt-Nam, người chết vì lũ lụt trong quá khứ nhiều hơn tất cả các loại thiên-tai khác.

Tiến-sĩ Trần Tiễn Khanh và Nguyễn Khoa Diệu-Lê (10/2001) cho biết rằng nguyên nhân chính của lũ lụt ở Sông Hồng nói riêng và miền Bắc nói chung là những trận mưa lớn ở thượng lưu và vùng đồng bằng. Các nguyên nhân khác như nạn phá rừng chỉ có thể làm lũ lụt trầm trọng hơn mà thội. Những trận mưa lớn do các cơn bão biển Đông và gió mùa Tây Nam gây nên.

Khi bàn về lũ lụt ở miền Trung, hai tác-giả trên kết-luận rằng nguyên nhân chính là do những trận mưa lớn ở thượng lưu và vùng đồng bằng. Các nguyên nhân khác như nạn phá rừng làm lũ lụt trầm trọng hơn. Những trận mưa lớn do các cơn bão biển Đông và gió mùa Đông Bắc gây nên.[79] Ngoài ra, các sông ngòi ở miền Trung không có hệ thống đê để ngăn lũ. Miền Trung cũng không có các hồ chứa nước lớn ở vùng thượng lưu để giảm thiểu lũ lụt ở vùng đồng bằng. Các khu đông dân cư ở hai bên bờ sông đành chịu ngập tràn mỗi khi có mưa to.

Trong thời-gian-qua, những dân-cư mới được đưa đến định-cư thường chịu thiệt-hại nhân-mạng hơn người địa-phương vì họ không có đủ kinh-nghiệm đề-phòng thiên-tai về bão-lụt

 

Hình 49. Ðường di-chuyển tiêu-biểu của một trận bão thổi vào Vịnh Bắc-Việt, ghi nhận bởi Ðài Khí-Tượng Hồng Kông.

 

2.24 - Những hiện-tượng thiên-nhiên khác.

Ngoài bão-táp là thiên-tai khủng-khiếp nhất, các vùng đất Đông-Nam-Á nằm ngoài đại-dương còn trải qua một số các thiên-tai khác như, động đất, núi lửa, đất trùi, sóng thần v.v... May mắn cho dân-cư Việt-Nam sống cạnh vùng vịnh Bắc-Việt nông cạn không gặp nhưng tai-nạn này.

Nói riêng về động đất, thỉnh thoảng có một vài trận với cường độ vừa phải đã xảy ra, nhưng hầu như chưa gây thiệt hại nào đáng kể. Tuy vậy người dân thủ-đô Hà-Nội, vì nằm trên một đường gấp của địa-chất, cũng nên lưu-tâm đến kiến-trúc nhà cửa để khi địa-chấn xảy ra, đỡ bị thiệt-hại. Trong hai trận động đất gần đây, ngoài một lần ở Lai-Châu thì có một lần nữa đã xảy ra ngoài Vịnh Bắc-Việt, trong vùng bờ biển giữa Quảng Tây và Hải-Nam, cường-độ lên tới 6.1 trên địa-chấn-kế Richter. Hàng trăm người bị thương-tích, nhưng may mắn không có ai thiệt-mạng.

Trở về quá-khứ người ta thấy Bắc-Việt chỉ bị những lần động đất nhẹ ghi trong sử sách. Còn đảo Hải-Nam, nền đất tương-đối cũng bền vững. Ðịa-chấn lớn nhất trong cận-đại xảy ra năm 1605 với cường độ 8.0. Phía Ðông Hải-Nam có thể họa hoằn bị ảnh-hưởng của sóng thần tàn-phá vì quay ra phía biển sâu. Trung-bình đảo này chịu đựng 6 cơn bão theo thống-kê 50 năm qua, tương-đương như Viêt-Nam.

 

2.25 – Thủy-triều Vịnh Bắc-Việt

Thủy-triều trong vùng Biển Đông cũng như nhiều nơi khác trên thế-giới, rất phức-tạp. Có sự biểu-hiện đồng- thời của 4 loại thủy-triều khác nhau trên những đoạn bờ biển khác nhau của Việt-nam như sau.

- Chế-độ nhật-triều: Quan-sát thấy rõ nhất ở đoàn từ Hòn Gai về đến Đồ Sơn. Càng lên phía bắc cũng như càng xuống phía nam, thủy-triều càng giảm tính thuần nhất .

- Nhật triều không đều: Từ nam Đồ Sơn đến nam Thanh Hóa, nếu nhật triều còn chiếm 2/3 số ngày trong tháng thì ở ven biển Nghệ Tĩnh, số ngày đó chỉ còn chiếm già nửa tháng, và như vậy là đã xuất hiện nhật triều không đều.

- Chế độ bán nhật triều: Đoạn Quảng Bình - Quảng Trị đã thấy có chế độ bán nhật triều không đều. Riêng ở bờ biển Thừa Thiên, bán nhật triều khá đều và là đoạn duy nhất ở Việt Nam có chế độ ấy.

- Tính chất bán nhật triều lại chuyển dần sang nhật triều không đều: Từ bờ biển Quảng Nam xuống đến bắc Nam-phần. Từ đó trở đi đến mũi Cà Mau, chế bán nhật triều lại trở nên rõ rệt nhưng ở vịnh Thái Lan thì đã có nhật triều không đều và đều.   Do ảnh hưởng của địa thế, từ vịnh Bắc phần xuống tới Phan Thiết, thủy triều có biên độ một thước rưỡi và mỗi ngày lên xuống một lần. Từ Vũng Tàu xuống tới Mũi Cà Mau, thủy triều lên xuống mỗi ngày hai lần và có biên độ trung bình gần hai thước.

            Đồ-Sơn[80] là một bến quy-chiếu chính trong bảng Tide Table. Người ta dùng các yếu-tố thủy-triều Ðồ-Sơn để điều-chỉnh lại và tính toán ra cao-độ và giờ giấc thủy-triều các bến dọc theo Vịnh Bắc Việt, trải dài từ đảo Cái Bầu, Hải-Phòng, Hòn Me đến cửa Nhật-Lệ và ra ngoài xa đến đảo Bạch-long-Vĩ. Thủy-triều này là loại nhật-triều hay còn gọi là toàn-nhật (diurnal.).

Tại duyên-hải Quảng Ninh, nhờ lớp đảo che chắn nên sóng gió không lớn như vùng biển Trung Việt. Chế độ thuỷ triều ở đây là nhật triều điển hình, biên độ tới 3-4m. Nét riêng biệt ở đây là hiện tượng sinh "con nước" và thuỷ triều lên cao nhất vào các buổi chiều những tháng mùa hạ, buổi sáng các tháng mùa đông những ngày có con nước cường. Trong vịnh Bắc Bộ có dòng hải lưu chảy theo phương bắc nam kéo theo nước lạnh lại có gió mùa Ðông Bắc nên đây là vùng biển lạnh nhất nước ta. Nhiệt độ có khi xuống tới 13oC.[81]

 

 

Hình 50. Một đường biểu-diễn cao độ của thủy-triều trong một tháng.

 

2.26 - Hang Ðộng Quanh Vịnh Bắc-Việt

            Chương Ðịa-Lý Thiên-nhiên này chấm dứt bằng một đoạn mô-tả một đặc-điểm thiên-nhiên đầy màu sắc nữa của vùng đất bao quanh Vịnh Bắc-Việt:.hang động.

            Người ta thấy ở miền Bắc Việt-Nam hàng ngàn hang động nổi tiếng từ thời thượng-cổ như: Hương Tích, Bích động, các động Thủy Liêm, Hoàng Thiên, Giao Long, Tam Thanh, Huyền Khung, Kỳ Duyên... Những Nam Thiên đệ nhất động, Nam Thiên đệ nhị động v.v… đều nằm quanh vùng Vịnh Bắc-Viêt. Từ Thừa-thiên đi vào Nam, xứ ta tuy cũng nhiều đồi núi nhưng hang động thật sự hiếm hoi[82].

            Với người thường, hang-động  được hiểu là những kỳ-quan mỹ-thuật của tạo-hóa. Với những nhà khảo-cổ khao-khát tìm-hiểu, đó là các kho-tàng mang nhiều bí-mật quá-khứ. Họ  tin-tưởng vào cơ-hội được nhìn thấy những hình-ảnh ngày khởi-sự của thế-giới loài người và của cả thời khai-thiên lập-địa.

Xa xôi như tại Sơn La, những nhà thám-hiểm người Bỉ đang lập báo-cáo, sắp hoàn-tất về 22 hang động (1993-2003) với chiều dài tổng-cộng vượt quá 10km. Những Hang Dơi 1 (1435m), Hang Rắn (1717m), Nam Khum (1323m), Thi Dơi (1551m) là những hàng động tương-đối ngang bằng, còn Hang Bà Hoàng (Queen’s Cave) đặc-biệt rất sâu (-151m).

            Vùng gần biền, nguyên khu cố-đô Hoa-Lư Ninh-Bình, thống-kê đã ghi-nhận 32 hang động cả nổi, cả ngầm dưới lòng đất. Ðộng Trăng Khuyết, động Con Moong, động Phò Mã, động Người Xưa... mỗi động có vẻ đẹp kỳ thú riêng. Những hang ở Tam Cốc là Hang Cả (Big Cave), Hang Hai (Second Cave) và Hang Ba (Third Cave) cũng như nhiều hang khác chứng tỏ toàn vùng đã từng nằm sâu dưới biển thời xa xưa. Ðăc-biệt tại hang Con Moong trong rừng Cúc Phương năm 1976, Giáo-Sư Phạm Huy Thông đã tìm ra mắt xích nối những sinh-hoạt của tiền-nhân giữa hai thời-đại Ðá Cũ và Ðá Mới.  Nhiều cổ-vật như các cỗ quan-tài và dụng-cụ đồ đá có niên-đại từ 7,000 to 10,000 năm được tìm thấy[83].

Ngoài biển trong Vịnh Bắc-Việt, khu Hạ Long có trên 300 hang động. Với số lượng lớn, hang động Hạ-Long có trăm hình, nghìn vẻ, muôn màu sắc. Ðến nay qua 5 năm tu bổ (1994-1999), du-khách có thể tới thăm 7 hang đẹp và tiêu-biẻu nhất là: Bồ Nâu, Ðầu Gỗ, Sửng Sốt, Thiên Cung, Mê Cung, Tam Cung, Trinh Nữ. 

            Chúng tôi không thể nói hết mọi chuyện hang-động quanh Vịnh Bắc-Việt. Vậy xin mời độc-giả xem những cuốn sách đặc-biệt nói riêng về hang động Việt-Nam. Sau đây là một trong những lời mở đầu, giới-thiệu “hấp-dẫn”:

Nguyên-do thiên-nhiên tạo-dựng đồi núi, hang động thật là kỳ-bí.  "Thế gian biến cải, vũng nên đồi!”, Trái Đất cựa mình, xô đẩy những vùng đất mênh mông "lang  thang trên đại dương, để rồi một ngày nào đó khoảng nhiều trăm triệu năm trước, những cuộc "bang giao " kỳ diệu bằng sự "va đập" mang tính “hôn phối" của các bộ phận trong vỏ thạch quyển làm nảy sinh nhiều rặng núi thiêng liêng. Người ta còn nghĩ rằng lòng đất vận động, mặt đất "thở" cũng tạo cho nhiều dãy núi được trồi dần lên từ lòng biển... Đó là dãy Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) quanh năm tuyết phủ, là dãy Trường Sơn dọc dài theo đất nước Việt Nam. Những ngọn núi lô xô như tiếng “thầm thì" của vũ trụ gọi tầng cao đổ xuống những cơn mưa, tạo nên các dòng sông văn minh tràn vào cõi thế. Từ đó muôn loài nảy sinh và loài người với tư cách "nhân loại trung tâm” đã xác nhận về sự tồn tại của vũ trụ và mối tình thần thánh của trời cha đất mẹ. Tình của trời với những giọt mưa lặng lẽ len lỏi theo ghềnh đá, thấm vào lòng núi... để rồi "tí tách thời gian rơi" được tính bằng nhiều triệu năm mà theo dòng trôi chảy tạo thành hang động cùng vẻ đẹp huyền thoại của nhũ đá.”[84]

 


Chương 3

Địa-Lý Nhân-Văn:

Văn-minh và Sinh-hoạt

 

3.1 – Tính-cách Bản-địa của dân Việt-Nam

            Thế-giới ngày nay nghĩ rằng Việt-Nam, hay lớn hơn chút nữa: Đông-Dương là sản-phẩm của sợ giao-tiếp giữa hai thứ văn-hoá lớn Trung-Hoa và Ấn-Độ. Tuy vậy hai nền văn-hoá này chỉ mới xâm-nhập quê-hương ta, khi đó chỉ bao quanh Vịnh Bắc-Việt, chừng hơn 2,000 năm trở lại đây. Nếu đem so-sánh với số tuổi của các nền văn-minh "nước" Hoà-Bình/ Đông-Sơn khởi-sự từ mười ngàn năm về trước thì văn-minh của cả hai nơi Tàu và Ấn đều trễ hơn rất nhiều.

            William Meacham cho rằng vào thời Băng-Đá, tức hơn một chục ngàn năm trước đây đã có dân cư-trú dọc bờ biển Đông-Á, vùng Nanhailand, Sundaland. Nay chỗ đó là Biển Ðông. Họ là tiền-nhân giống Việt thích-nghi đặc-biệt với biển, hồ, sông, nước sau này. Giống dân bản-địa này gặp khi mực nước biển dâng lên làm ngập lụt nơi cư-trú, đã phải chạy theo các dòng sông di-chuyển lên các vùng cao trong nội-địa. Lý-thuyết-gia William Meacham đã đưa ra hình-ảnh khá chi-tiết về sinh-hoạt đặc-thù hàng-hải của dân Việt trong bài "Origins and Development of the Yüeh Coastal Neolithic: A Microcosm of Culture Change on the Mainland of East Asia"[85]

Còn người Tàu xuất-hiện ở Ðông-Á rất trễ. Trong giai-đoạn đầu mới lập-quốc qua các đời Đường Ngu, Hạ; lãnh-thổ Trung-Hoa nằm sát nguồn sông Hoàng-hà, còn rất nhỏ hẹp. Cho đến đời nhà Thương (1766-1050 Trước Tây-Lịch) nước Tàu tuy có mở lớn hơn nhưng cũng chỉ vào khoảng tối-đa mỗi chiều 400km x 300km, tức vài ba trăm dặm mỗi-chiều.[86] Cuốn sách “Chine Esprit et Société” của Speiser nghiên-cứu sự việc này. John King Fairbank cung cấp một bản-đồ, ước-lượng lãnh-thổ đó vào khoảng 10, 000 km2.

Hình 51. Địa-bàn sinh sống của các sắc dân vùng Hoa-Nam theo sử-liệu Trung-Hoa. Người Việt đông-đảo nhất, chiếm địa-bàn rộng rãi, phì-nhiêu nhất. (Bản-đồ Wiens[87] & Bản-đồ Fairbank[88])

 

Nước Tàu hồi đó ở xa với duyên-hải và người dân Trung-Hoa còn rất lạ lùng với biển cả. Cũng vào thời này, người Việt tuy chưa tạo được hình-thức quốc-gia chặt chẽ nhưng có lẽ đông đảo hơn người Tàu rất nhiều và đất đai họ chiếm ngự nhất-định bao-la rộng lớn, ít nhất cũng lớn gấp hàng chục lần so với nước Tàu nguyên-thủy.

 

3.2 - Những Sinh-hoạt khi Biển tiến.

            Trở lại với sinh-hoạt tiền-nhân lúc nước Biển Ðông dâng lên làm ngập thềm lục địa. Họ đã phải dần dà, lần lượt di cư hoặc tìm cách lánh biển tiến. Theo Stephen Oppenheimer nói trong cuốn sách Eden In The East [89], có người lùi dần vào phía đất cao trong lục địa, có người đóng tàu đi biển, người ở lại thì phải cất nhà sàn. Có thể một số nhỏ đã vượt biển, nhưng số đông chọn giải pháp đơn giản đối với họ là tiến vào chỗ đất liền gần nhất ; đối với cư dân vịnh Hạ Long, đó là vùng bờ biển Nam Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam. Chủ nhân các văn hoá ven biển như Đa Bút, Quỳnh Văn, Bàu Tró, và cả Bàu Dủ, Sa Huỳnh do đó đều là những người Nam Đảo tị nạn biển tiến.

Khi duyệt sách trên, Ông Nguyễn Quang Trọng kể tiếp như sau: Riêng dân sống trên thềm lục địa biển vùng Ðông Nam Trung Hoa, một số lùi vào phía Hong Kong trong lục địa, một số lên chỗ cao bên ngoài là đảo Đài Loan. Di tích xưa ở  Dapengeng bắc Đài Loan có gốm hoa văn thừng và hoa văn chải bằng "lược", cùng loại với nhiều di tích trên bờ biển Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam, và cư dân nơi ấy cũng ăn sò nhiều, cũng dùng chày đập vỏ cây. Ngưòi sống trên lục địa này sau đó bị Hán hoá. Xem qua di tích khảo cổ, tại Đài Loan ngoài các di tích, thổ dân trên núi còn giữ tiếng Nam Đảo và một số phong tục đến bây giờ (thí dụ ăn trầu). Những di tích nầy được Trung Hoa xem như di tích của người "Yue"[90] (Việt) cổ.

Ngày nay các nhà khảo cổ đều đồng ý là cư dân nam Trung Hoa cổ, và thổ dân chưa bị lai hoàn toàn, không thuộc chủng tộc Hán. Cư dân vùng cực nam Trung Hoa (Quảng Đông và QuảngTây, Vân Nam, Quế Lâm) và cực bắc Việt Nam nói những thứ tiếng thuộc nhiều nhánh khác nhau của ngôn ngữ gốc Austric như Môn, Thái, Kadai, Yao, Miêu.[91]

Giúp cho phần trình-bày được rõ ràng, Ông Nguyễn Quang Trọng còn cung-cấp một tấm bản-đồ chỉ những hướng đi của dân Nam-đảo.

Dưới đây là bản đồ và chú thích của tác-giả:

Bản đồ vùng Đông Nam Á lục địa, từ Nam Trung Hoa đến Trung Việt Nam. Bờ biển phía Ðông (đường liên tục __ ) được thềm lục địa (độ sâu dưới 100 m, đường vẽ- - -) bọc bên ngoài đến tận đảo Đài Loan và Hải Nam. Những mũi tên chỉ hướng đi của dân nói tiếng Nam Đảo từ ngoài thềm lục địa di tản vào đất liền dọc bờ biển Bắc Việt khi vùng vịnh Hạ Long bị biển ngập.

 

 

Hình 52. Địa điểm di tích các nền văn hóa:

1- Soi Nhụ; 2- Hạ Long; 3- Đa Bút; 4- Quỳnh Văn; 5- Bàu Tró; 6- Sa Huỳnh; 7- Hong Kong (cửa sông Châu giang); 8- Dapengeng; HB: Hoà Bình.

2- Các di tích dọc sông Dương Tử: a- Sanxingdui, b- Pengtou; c- Diantonghuan; d- Hemudu.

 

            Là một nhà nghiên-cứu được biết nhiều trên mạng điện-toán, Ông Nguyễn-Văn-Tuấn đặc-biệt chỉ cho thấy nền-tảng vững chắc của những thuyết di-dân từ Ðông-Nam-Á lên phía Trung-Hoa. Ông viết:

Mới đây thuyết Bắc-tiến còn có căn cứ khoa học vững vàng (dù lúc viết sách, ông Oppenheimer không biết đến), đó là: trong một bài báo khoa học quan trọng được công bố trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Quốc gia Khoa học Mỹ (một tạp chí khoa học rất uy tín trên thế giới) , một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Texas (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Di truyền học[92] Trung Quốc cho thấy nguồn gốc của người Trung Hoa (và cả người Đông Á) rất có thể là do người từ Đông Nam Á di dân lên [11], chứ không phải ở Bắc di dân xuống Nam! Như vậy, cho rằng dân tộc Việt là xuất phát phát từ người Trung Quốc có thể là một ngộ nhận. Phải hiểu ngược lại thì mới đúng![93]

 

3.3 - Liên-hệ Trình-độ Văn-minh và Dân-số Bắc-Việt

            Buckminster Fuller, một nhà Toán-học và Ðịa-Lý, tác gỉả nhiều tấm bản-đồ “đồng-nhất tỷ-lệ”Dymaxion World Maps[94], tin rằng có thể tìm ra nguồn-gốc các nền văn-minh vì sự liên-hệ đồng-thuận giữa trình-độ văn-hóa, di-dân và mật-độ nhân-số[95]. Ông khảo-sát địa-lý thế-giới và đưa ra giả-thuyết là vùng duyên-hải Ðông và Nam-Á với dân-số đậm đăc đã khởi-nguyên những nền văn-minh đầu-tiên của nhân-loại.

 

 

Hình 53. Duyên-hải Ðông và Nam-Á về diện-tích chỉ chiếm 5% địa-cầu nhưng có tới 54% nhân-loại (Buckminster Fuller’s Dymaxion World Map) - Lưu-ý địa-bàn dân Bách-Việt thời xưa chiếm tỷ-lệ lớn trong đó.

 

Địa-bàn dân Bách-Việt thời cổ không những bao bọc tới gần 40 phần trăm vùng "bờ nước châu Á" mà lại chiếm trọn khu-vực thuận-hảo nhất cho sự sinh-hoạt. Nếu thuyết Fuller chính-xác, nó cũng đưa đến các hệ-quả hiển-nhiên như sau:

- Bách-Việt một chủng-loại tương-đối đồng nhất có thể cũng là chủng đông đảo nhất nhân-loại trong các thiên-kỷ thứ 3 hay thứ 4 TTL. Ước-tính theo với tỷ-lệ của Fuller đưa ra, Việt-chủng có thể chiếm đến khoảng 15-20% nhân-số thế-giới. Hỗ-trợ cho thuyết này, thống-kê thời nhà Hán cho thấy đã có cả triệu người, chỉ nguyên tại châu-thổ sông Hồng bao quanh Vịnh Bắc-Việt (lúc đó còn hẹp) vào đầu công-nguyên.

- Vịnh Bắc-Việt và rộng hơn, Biển Đông của Việt-Nam là chiếc động-cơ một thời đã đẩy đưa cái nôi văn-minh loài người.

- Giống Việt có lẽ nắm vai trò độc-bá hàng-hải. Căn-cứ trên sử-liệu thời-kỳ đó người Á-Rập và Ấn-Độ chưa xuất-hiện trên biển.

            Hỗ-trợ cho thuyết này là

- Thuyết của Paul Rivet về ngôn-ngữ Đông-Nam-Á (mà nhóm quan-trọng nhất là Mon-Khmer/ Việt-Nam) đã được truyền-bá đi bằng đường hàng-hải đến Nhật-Bản, Tasmania, Địa-trung-Hải, Phi-Châu và Mỹ-Châu".?

 - Thuyết Ronald Provencher phỏng-đoán loài người đã xuất-hiện sinh sống tại Đông-Nam-Á từ 2 triệu năm trước đây.[96]

 

3.4 - Ý-Kiến Ông Nhượng Tống

            Ông Nhượng-Tông, khi dịch cuốn sách "Đại-Việt Sử-ký Toàn-thư Ngoại-kỷ" của Ngô-Sĩ-Liên và các Sử-thần đời Lê ra quốc-ngữ năm 1944, đã nhận-định rằng người Việt-Nam là giống dân bản-địa Bách-Việt về miền Biển. Lý-luận của học-giả này rất vững-chắc. Ông viết như sau:..

Dân Bách-Việt chia ở hai miền; miền núi và miền biển. Trong đám dân miền biển có nước Việt đã từng diệt nước Ngô ở thời Xuân-Thu. Quốc-gia thứ hai được tổ-chức do dân miền núi là nước Nam-Chiếu. Mạnh-Hoạch, người đánh nhau với Khổng-Minh, chính là vị anh-hùng nước này. Một quốc-gia thứ ba nữa thành-lập, đó là nước Việt-Nam chúng ta. Trong ba nước ấy thì chỉ có nước ta còn đến ngày nay. Nước Việt, nước Nam-Chiếu đã lần lượt bị người Tàu chiếm-lĩnh và đồng-hoá.

Nói tóm lại, giống người Việt-Nam chúng ta ngày nay là giống thuộc dòng Bách-Việt về miền Biển và vẫn ở đất này.[97]

 

Hình 54. Một kiểu vẽ trang-phục người nước Việt thuộc giới quý-tộc thời Xuân-Thu

  

3.5 - Nơi khai-sinh nền Văn-Minh Nước và Văn-minh Thực-Vật

            Đất nước chúng ta nằm trong vùng nhiệt-đới gió mùa. Có nhiều ý-kiến khác nhau về ảnh-hưởng vị-trí đối với trình-độ sinh-hoạt của dân ta.

            Một số nhà địa-lý và nhân-chủng-học đã cho rằng nền Văn-minh Việt-Nam đặt trên vị-trí "bình-nguyên nhiệt-đới"[98] Tuy vậy, văn-minh của chúng ta không hoàn-toàn mang tính-cách của một bình-nguyên nhiệt-đới vì các lý-do như sau:

-Về vị-trí, lãnh-thổ Việt-Nam không nằm sâu trong nội-địa mà lại nằm cạnh Biển Đông. Việt-Nam có lẽ là quốc-gia độc-nhất trong đất liền nhiệt-đới mà một phần duyên-hải lại mang tính-chất riêng-biệt của hải-đảo. Linda Norene Shaffer cho rằng trải dài suốt mấy trăm hải-lý, bờ biển lồi lõm Trung-Việt có đặc-tính rõ rệt của hải-đảo nhiều hơn các đặc-tính thuộc về lục-địa.[99]

-Về văn-hoá, người Việt-Nam hướng đến các hoạt-động về nông-nghiệp và hàng-hải. Dân ta không nhận ảnh-hưởng từ một nền văn-minh thạch đá nào như các dân-tộc khác trên những bình-nguyên nhiệt-đới như Ai-cập, Mễ-Tây-Cơ v.v...

Mặc dù tiến-bộ sớm nhất Đông-Nam-Á, người Việt-Nam không bao giờ theo đuổi chiều hướng xây cất đá khối nặng nề như các dân-tộc láng giềng như Nam-Dương, Khmer, Lào... 

            Học-giả Sumet Jumsai đã dùng ý-kiến của một học-giả đầy uy-tín như Buckminster Fuller để viết phần kết-luận cho quyển sách khá nổi tiếng của ông, cuốn "Naga: Cultural Origins in Siam and the West Pacific"[100]: Buckminster Fuller đã bị thuyết-phục và mong rằng vì sự sống còn của nhân-loại trong tương-lai, con người nên noi theo chân-lý "nước" đó mà tiết-kiệm vật-liệu, năng-lượng v.v... (Nguyên-văn: He (Fuller) was convinced that future worlds will survive only if humans create more by using less-less material, less weight, less enegy, etc.)

            Vì những lý-do hiển-nhiên như vậy, các nhà khảo-cổ như Carl Sauer, Solheim đã tin-tưởng Đông-Nam-Á là nơi thuận-tiện nhất để con người có thể dễ-dàng chuyển-biến cây rừng cỏ dại thành rau trái trồng trọt được trong vườn. Chỉ nhờ những sự thuần-hoá đó, nhân-loại mới sản-xuất thêm nhiều thực-phẩm. Vì không còn phải nay đây mai đó, tốn kém quá nhiều thời-giờ để gom nhặt thực-phẩm một cách khó khăn, tiền-nhân bắt đầu định-cư lại. Cùng với nền văn-minh hàng-hải, một nền văn-minh thực-vật đã xuất-hiện rất sớm sủa.

            Lawrence J. Ma thuộc University of Akron nghĩ rằng giống người Homo-Sapien xuất-hiện rất sớm tại Đông-Nam-Á, sau này là tiền-nhân của chủng-loại Austroloid. Giáo-Sư Ma ước-lượng thổ-dân vùng này khởi sự gia-súc-hoá loài vật và trồng trọt từ 15,000 trước đây, tức là sớm sủa hơn vùng Tây-Nam Ấ-Châu (hay Bán-nguyệt Phì-nhiêu) tới 5,000 năm[101].

            Nước Việt-Nam nằm trên một bán-đảo có nhiều vùng châu-thổ rất thấp ở về phía cực Đông Nam của lục-địa Á-Châu. Quanh năm khí trời ấm áp, nhiệt-độ tuy cao nhưng đều đều ít thay đổi. Ánh nắng mặt trời chan-hoà, vũ-độ thường-niên rất cao và bầu trời ít khi u-ám. Hai mùa gió Đông-Bắc, Tây-Nam đối-nghịch đem theo hai mùa mưa nắng rõ rệt. Trên có rừng ngăn chặn lối đi, dưới có biển mở rộng đường qua nhiều xứ sở. Địa-thế và môi-trường như vậy được kể là độc nhất, không có vùng đất nào trên thế-giới tương-tự như vậy.

 

3.6 - Giới-hạn của Giả-thuyết

            Chúng ta đã duyệt qua một số giả-thuyết về “địa-lý nhân-văn cổ-thời” để thấy các khía-cạnh sinh-hoạt khác nhau về văn-hóa thời cổ quanh vịnh Bắc-Việt. Lý-thuyết nào cũng chỉ tương-đối, có thể chính-xác hay không, bị phủ-nhận hay được công-nhận, lâu hay mau là tùy theo cái gọng kìm nghiệt-ngã của thời-gian.

            Dù sao chăng nữa, trong một nhận-định chắc-chắn nhất chúng ta đồng-ý với hai Ông Nguyễn Quang Trọng và Tạ Chi Ðại-Trường mà nhận rằng:  “… quả là liều mạng khi xem "Đông Nam Á là một trung tâm văn hoá lớn ngay từ thời cổ đại, trong đó Việt Nam là nơi hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất mọi đặc trưng của văn hoá khu vực", như một học giả trong nước đã viết”[102].

 

3.7 - Khoa khảo-cổ với Văn-minh vùng Duyên-hải Bắc-Việt 

Thời tiền-sử Việt-Nam thường được chia ra các thời-đại đồ đá (mới, cũ) và đồ kim-khí (đồng, sắt). Một bài văn tiêu-biểu[103] về khảo-cổ-học như sau đây:

Thời đồ đá cũ

Con người đã xuất hiện khá sớm trên đất Việt-Nam. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của người vượn Homo erectus trong một số hang động ở Lạng Sơn và Nghệ An. Ðặc biệt là ở hậu kỳ thời đá cũ (văn-hóa Sơn Vi cách ngày nay 10,000 - 23,000 năm), con người đã phân bố khá rộng và khá đông trên đất Việt-Nam. Ðến văn-hoá Hoà Bình - Bắc Sơn (khoảng 6,000 - 10,000 năm), con người đã biết dùng công-cụ cuội được ghè đẽo một mặt, bắt đầu biết mài rìu đá, làm đồ gốm và có khả-năng đã biết đến trồng trọt sơ khai.

Thời đồ đá mới

Trong giai-đoạn này trên đất Việt-Nam, đã xuất hiện những nhóm cư dân tiền sử có đặc trưng văn-hoá là thuộc thời đại đá mới... Con người trong giai-đoạn này đã biết dùng những chiếc rìu đá được mài nhẵn hoàn toàn, những chiếc vòng tay đá được khoan rất khéo, và những đồ gốm có hoa-văn rất đẹp.

Thời đồ đồng

Con người đã biết đúc các công cụ, vũ khí và đồ trang-sức bằng đồng thau. Họ đã biết trồng lúa và chăn nuôi một số gia súc như trâu, bò, lợn, gà. Có ba nhóm văn-hoá phân bố ở ba khu-vực. Nhóm thứ nhất (văn-hoá Tiền Ðông Sơn) phân bố trong các lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Nhóm thứ hai (văn-hoá Tiền Sa Huỳnh) phân bố ở vùng Nam Trung Bộ. Và nhóm thứ ba, phân bố trong lưu vực sông Ðồng Nai ở miền Ðông Nam Bộ.

ở miền Bắc-Việt-Nam, các văn-hoá tiền Tiền Ðông Sơn tương ứng với giai-đoạn đầu của thời-kỳ Hùng Vương.

Thời đồ sắt

Các nhóm văn-hoá Tiền Ðông Sơn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã hội tụ lại thành một văn-hoá thống-nhất, đó là văn-hoá Ðông Sơn, thuộc thời đại sắt sớm vì một số công-cụ bằng sắt đã xuất hiện. Nhưng các chế phẩm bằng đồng thau tinh xảo là đặc trưng của văn-hoá này. Hiện-vật tiêu biểu là những chiếc trống đồng lớn có hoa-văn trang trí đẹp.

 

3.8 - Những Tài-liệu mới bất ngờ về Khảo-cổ

            Nhiều khám-phá mới về khảo-cổ xảy ra thường-xuyên và bất ngờ, có thể làm thay đổi những kiến-thức khoa-học trước đây. Chúng tôi kể hai khám-phá mới đây:

- Dụng-cụ bằng đá cổ tới 800,000 năm. Tài-liệu khảo-cổ vùng Ðông-Nam-Á nói chung và vùng Vịnh Bắc-Việt nói riêng, chưa được hệ-thống-hóa một cách chính-xác. Viện Smithsonian đang góp công hoàn-thành nỗ-lực này.

Năm 1998, đoàn khảo-cổ của viện với sư hợp-tác của người địa-phương đã tìm thấy các dụng-cụ bằng đá cổ tới 800,000 năm tại vùng Tự-Tri Chuang sát biên-giới Việt-Hoa [104]. Vị-trí này không xa bờ Vịnh Bắc-Việt bao nhiêu. Khám-phá này rất có thể kéo lùi thời-đại Ðồ Ðá Việt-nam hàng mấy trăm ngàn năm xa hơn về quá-khứ chăng?! Dù sao sự kiện thật bất ngờ và làm… đảo lộn khoa-học.

 

Views of both sides of one of the hand axes found in southeast China. Dated to 800,000 years old, the tools show that the hominids in Asia were as skilled in shaping tools as those in Africa. (Science)

Hình 55. Vi-trí tìm thấy Dụng-cụ Ðồ Ðá 800,000 năm.

 

- Ðô thị thứ ba: Ðò Mè. Cho đến nay, sử sách Việt Nam mới chỉ công nhận Thăng Long và Phố Hiến là hai đô thị “quốc-tế” duy nhất ở Đàng Ngoài, chưa thấy tài liệu nào nhắc đến tên của một đô thị khác. Nhưng gần đây, một số nhà khảo cổ và sử học Việt Nam đang đặt giả thuyết về sự tồn tại của một đô thị thứ ba mang tên Domea, một địa-danh thương-càng nằm giữa cửa sông Thái-bình và Hải-phòng ngày nay..

Một nhà hàng hải đã viết: “Ngày 13/2/1676, người Hà Lan xuống Domea để gửi đi thuyền hàng thứ hai của họ đến Batavia, chở đầy tơ sống, lụa… và những thứ khác đi Nhật Bản…”. Qua mô tả thì Domea không chỉ là nơi tạm trú của người ngoại quốc mà còn như một trạm trung chuyển và tập kết hàng hóa. Từ đây, các chuyến hàng mới đi Thăng Long và Phố Hiến, sang Batavia và Nhật Bản, trở lại Hà Lan và Anh…

Qua các tài liệu mà Phó Giáo-Sư Nguyễn Quang Ngọc thu thập phải chăng Domea (Ðò Mè) chính là hải-cảng tiền thân của Hải Phòng ngày nay?[105]

Nhân khám-phá này, chúng ta thấy cũng nên lưu-tâm để hy-vọng một “ngày đẹp trời” nào đó tìm lại được “hải-cảng huyền-thoại Cattigara” ngày xưa.

Hình 56. Đây là bản đồ do Jacques Nicolas Bellin, nhà nghiên cứu bản đồ người Pháp vẽ năm 1755, dựa trên bản gốc của một nhà hàng hải người Anh. Cacho (Kẻ Chợ/Thăng-Long) phía trên, Phố Hiến (Hean) ở giữa. Domea ở  gần cửa sông.

 

3.9 - Sinh-hoạt Lâu Ðời dọc Ven biển

Nhiều chứng-liệu cho thấy những người Việt cổ đã có mặt từ lâu đời ở khắp nơi dọc ven biển Vịnh Bắc-Việt.

Giáo-sư Lê-Bá Thảo tóm tắt một số sinh-họat như sau:

Trên các đảo và quần-đảo, các hoạt-động kinh-tế của con người trở nên đa-dạng hơn: ngoài hoạt-động nông lâm nghiệp quen thuộc (trồng lúa nước, hoa màu, cây ăn quả và chăn nuôi), đã có hoạt-động đánh cá, đóng tàu thuyền đi biển xa và tất nhiên cả hoạt-động thương mại. Hai hoạt-động sau tỏ ra nhộp nhịp hơn cả. Dân nước Văn-Lang[106] (năm 258 trước Công nguyên trở về trước) từ xưa đã làm nghề chài lưới như đã được chép trong sử cũ, còn hoạt-động thương mại diễn ra có thể chậm hơn, ít nhất là xét về mặt thương mại quốc tế.

Người ta thường hay nêu ra hai cảng thương mại quốc tế tiểu biểu là Phố Hiến (ở Hưng Yên) và Hội An (thuộc Quảng Nam) nhưng cũng cần biết rằng ngay từ đầu thế kỷ thứ XI, thương cảng Vân Đồn ở khu-vực Quảng Yên đã có những hoạt-động xuất-nhập cảng rộn rịp, không những với những nước trong khu-vực, nhất là với Trung Hoa, mà còn với tàu buôn một số nước phương Tây (thí-dụ với Tây Ban Nha).

Các triều đại vua chúa ngày trước đều chú ý bảo vệ vùng biển như xây đắp đồn lũy (thí dụ như thành nhà Mạc ở Cát Bà, Xích Thổ, Cẩm Phả, đồn Ngọc Vừng trên đảo cùng tên dưới thời Minh Mạng), các đội chiến thuyền, kể cả hạm đội tàu đồng như dưới thời Minh Mạng.

Tất nhiên, việc định cư và hoạt động kinh tế ở dải đất duyên hải, trên các đảo ven bờ không dễ dàng như ở trong nội địa, Ở các quần đảo xa bờ, sinh-hoạt lại còn khó khăn gấp bội. Thiên nhiên vùng biển cũng có lúc trời yên gió lặng nhưng phần lớn thời gian trong năm là sóng to và bão tố. Riêng khoảng cách và độ sâu cũng đã là những trở ngại đối với sự di chuyển của con người. Do đó việc chinh phục vùng biển còn phải tiếp tục từ đời này sang đời khác. Ngày nay, nhiệm vụ này càng phức tạp hơn và rõ ràng Nhà nước Việt Nam cần phải có chiến lược thích hợp[107].

Giáo-Sư Thảo nhấn mạnh lời cảnh-báo về sự quản-lý vùng “hải-phận đặc-quyền kinh-tế” ngoài biển như sau: “Một vùng biển rộng gấp ba lần diện-tích đất liền, nhiều tài-nguyên các loại đang chờ có sự quản lý và khai-thác hợp lý.”

 

 

Hình 57. Họa phẩm Hiếu-Ức-Quốc xưa nhất về dân tộc Ðại-Việt (1078) – Ðây là một họa phẩm danh tiếng của Lý-Công-Lân tức Lý-Long-Miên, người đất Chu, đại-thần đời nhà Tống, miêu họa các sứ giả của Hiếu-Ức-Quốc, có nghĩa là nước của những người có lòng hiếu thảo, tức là nước Ðại-Việt của ta vậy [108]

Bức tranh nầy được lưu giữ tại viện bảo tàng Emile Etienne Guimet ở Paris

 

3.10 - Những Đô-thị cạnh bờ Nước Vịnh Bắc-Việt

Theo Giáo-sư Trần-Quốc-Vượng, tính-chất bán-đảo của Việt-Nam nổi bật nhất Đông-Nam-Á. Ông mô-tả các đô-thị cổ Việt-Nam đều có một đặc-điểm chung là nằm giữa những tuyến đường thủy:

- Việt-Trì là đô-thị cổ nhất Việt-Nam, mà vùng chung quanh đó được gọi là Đất Tổ, xuất-hiện vào thế-kỷ thứ VII trước công-nguyên. Việt-Trì, thành-phố nằm trên ngã ba các con sông Hồng-Hà, Đà-Giang và Lô-Giang, ngay trong thời-đại các vua Hùng đã trở thành đô-thị dịch-trạm với hệ-thống thuyền mảng dưới sông và hệ-thống voi - gùi trên đường bộ xuyên sơn.

- Cổ-Loa, trung-tâm của nước Âu-Lạc, nằm giữa vùng châu-thổ, là nơi hội-tụ của nhiếu đường sông rạch, vị-trí có nhiều mặt ưu- thế hơn Việt-Trì, nhất là gần biển hơn.

- Sau cuộc xâm-lược của Hán-Vũ-Đế, các cảng Luy-Lâu rồi Long-Biên ở hạ-lưu sông Hồng và Lạch-Trường ở hạ-lưu sông Mã đã thành-hình. Các đô-thị này đều gần biển và là những cảng thị sầm uất và lớn lao vào hạng nhất nhì trên biểnĐông.

-Hà-Nội, đi từ một Thăng-Long truyền-thống với mạng lưới cơ-bản là đường thủy, có phương-tiện giao-thông cơ-bản là thuyền. Với lưới sông thông-thương với nhau, giao-thông đường thủy rất thuận-lợi. Thuyền từ sông Đáy vào sông Nhuệ rồi "lên Kinh" bằng sông Tô hoặc ngược lại từ quân-cảng Đông-Bộ-Đầu và thương-cảng ở cửa sông Tô trên sông Nhị, qua sông Tô, sang sông Nhuệ rồi xuống sông Đáy mà ra biển vào Nam, hay xuôi sông Đuống, sông Dâu xuống Lục-Đầu-Giang mà ra Hải-Đông, Hạ-Long biển Bắc...

Ta có thể gọi Hà Nội là thành-phố sông. Nói đúng hơn, Hà Nội cổ là thành-phố sông hồ: Hồ Tây, Hồ Gươm, Thuyền-Quang, Bẩy Mẫu v.v...[109]

Kinh-đô Thăng-Long là trung-tâm thương-mại quốc-tế lớn nhất của Việt-Nam và cũng của Đông-Nam-Á suốt thời trung-cổ. Dân-số các đô-thị loại này tăng lên rất nhiều khi giới thương buôn và hành thủy ngoại-quốc ghé Tàu cặp bến, đặc-biệt tùy theo mùa gió thuận-tiện. Theo tài-liệu của Samuel Baron viết lại vào đầu thế-kỷ 18, đường phố Thăng-Long rất đông đảo trong những phiên chợ vào các ngày mùng một và ngày dằm âm-lịch. Một số du-khách ngoại-quốc đã nghĩ rằng kinh-đô nước-Việt đông người nhất thế-giới vào những ngày này. Muốn đi 100 bước cũng phải tốn mất nửa giờ.[110]

Giáo-sư Peter Bellwood nhận xét về phát-triển hải-thương của người Việt-Nam, ước-lượng dân-cư kinh-đô nước ta vượt con số 100,000 người trong các thế-kỷ 15 đến 18, sau khi nhà Lê mở rộng tường thành tới 10km đường kính.[111]

Trước Thăng-Long, thủ-đô nước ta đã đóng tại Hoa-Lư. Khi quốc-gia vừa tái-lập được nền tự-chủ, nhà Đinh đã đóng đô ngay trên bờ con sông Hoàng-Long-Giang, từ nơi này chạy ra Biển Đông chỉ chừng hơn mười hải-lý...[112] Theo cuốn sách Đại-Việt Sử-ký Toàn-thư của Sử-gia Ngô-Sĩ-Liên, thương-thuyền thuộc nhiều nước cặp bến Hoa-Lư buôn bán tấp nập. Hải-thương tiếp-tục bành trướng đúng như truyền-thống ngàn đời của dân-tộc.

 

3.11 - Truyền-thống làng xóm ven bờ sông.

Một trong những nét rõ rệt của nền "văn-minh nước" tìm thấy ở Việt-Nam là tổ-chức làng xóm ven bờ nước.

            Từ đời thượng-cổ, những xóm làng Việt-Nam đều nằm dọc theo hai bờ sông, kinh, rạch. Trong đồng-bằng sông Hồng, sông Mã; các làng có lũy tre xanh vây quanh nhưng vẫn mở xuống bến nước ven sông[113]. Phần lớn các đô-thị nước ta đã đi từ sự phát-triển vượt bực của những làng xã có đường thông-thương tiện-lợi ra biển.

            Làng nổi tiếng nhất trong ngành khảo-cổ là Đông-Sơn. Làng này nằm bên bờ sông Mã và cận kề Biển Đông, ngày xưa là một bến cảng sầm uất. Từ vùng Đông-Sơn / Lạch Trường, nhiều Tàu thuyền Lạc-Việt đã khởi-sự những chuyến hải-hành vượt Biển Đông, đi thật xa, hàng trăm hàng ngàn hải-lý.

            Một loại làng đặc-biệt quanh Vịnh Bắc-Việt là làng thủy-cơ. Làng này không giống các làng trên cạn mà được thành-lập dưới nước. Những làng này gồm nhiều nhà nổi trên mặt sông hay hồ. Làng thủy-cơ còn gọi là làng Vạn, làng Chài.[114] Dân-cư các làng này làm nghề chài lưới hay sinh sống bằng các nghề-nghiệp khác liên-hệ đến sông nước.[115] 

            Hai ông Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh đã trích-dẫn tài-liệu của học-giả Đào-duy-Anh viết về hệ-thống hành-chấnh của các làng thủy-cơ trong tiền-bán thế-kỷ 20 trở về trước như sau:

            Theo nguyên-lý thì làng chài nào cũng phụ-thuộc với một xã thôn trên cạn. (Trong trường-hợp này, làng chài chỉ là một thôn của làng khác).

            Thực ra làng chài vốn là một làng riêng mà nhà nước chỉ bắt theo về một xã thôn trên đất để tiện việc thu thuế cho nên những dân thủy-cơ tuy phải đóng sưu-thuế cho Lý-trưởng mà vẫn không có liên-lạc gì với xã thôn ấy cả. Làng Thủy-cơ thường là một đơn-vị hành-chánh độc-lập có đủ tổ-chức như một xã thôn, hoặc thống-thuộc vào một tổng với các làng ở cạn hoặc nhiều làng họp thành một tổng thủy-cơ riêng. (Việt-Nam Văn-hoá Sử-cương, Đào-duy-Anh, NXB Bốn-Phương, Saigòn, 1961.)

            Làng thủy-cơ Việt-Nam mang tính-chất lưu-động và có nhiều nét đặc-thù như các tổ-chức thôn-xóm của Thuyền-nhân (Boat People) bên Trung-Hoa hay các bộ-lạc Hải-du (Sea Nomads) thuộc các hải-đảo nằm về phía Nam của Biển Đông.

 

3.11 - Dân số Việt Nam

Tài-nguyên chính của một nước là dân-chúng. Dân số Việt Nam tăng khá nhanh. Từ đầu thế kỷ thứ 20, dân số nước ta khoảng 19 triệu người. Đến giữa thế kỷ, lên đến 25 triệu người. Cuối năm 1988, dân số Việt Nam tăng tới 67 triệu người, mật-độ trung-bình là 204 người trên một cây số vuông. Cuối năm 1999 dân số Việt Nam là 78,7 triệu. người. Hiện nay, chắc chắn dân chúng ta đã ngoài 80 triệu người.

!

Hình 58. Bản-đồ ghi đia-danh các Châu ngày trước

 

Dân-cư Việt Nam phân-phối không đồng đều, phần lớn đồng bào ta tập trung ở những miền có nhiều tài-nguyên thiên-nhiên dễ khai-thác và ở các đô thị, thành-phố, các trung-tâm kỹ nghệ... Dân ta sống gắn bó với ruộng vườn, làng mạc nên tỷ số đồng bào ở nông thôn bao giờ cũng cao, ước lượng có thể lên tới 85% dân số.[116]

 

Hình 59. Cấy lúa trên Ruộng nước- Hình-ảnh trên tờ giấy “cinq piastres” của Banque de l’Indochine, lưu-hành đầu thế-kỷ 20.

 

 

 

Hình 60. Hình ảnh về dân Ðông-Nam-Á do Âu-châu tưởng-tượng lúc xưa như: - Người sống trên cây - Người đảo Andaman một chân - Người Ðông-Dương khi chết dược buộc vào thân cây cho chim ăn thịt…

 

3.12 - Kiểm-soát dân-số và di-dân nội địa

Dân-chúng sinh sống quanh Vịnh Bắc-Việt chiếm tới 55% dân-số Việt-Nam. Trong đó, đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư đông nhất cả nước với 83% là dân nông thôn và 17% là dân đô thị. Mật độ trung bình toàn vùng là 335 người/km2 nhưng mật độ thành-thi đã lên đến trên 1000 người/km2 và vẫn có chiều-hướng gia-tăng. Riêng Hà-Nội có mật độ dân số cao nhất cả nước[117] là 2,800 người/km2, đây cũng là một trong những vùng có mật độ dân số cao nhất thế giới

Theo thống-kê mới đây, Việt Nam đứng hàng thứ 13 về dân số trong các quốc gia trên thế giới và đứng thứ nhì ở khu vực Ðông Nam Á. Tuy vậy dân số của Việt Nam bắt đầu là vấn đề lớn đối với quốc-gia. Mức sống người dân còn nghèo đói mà tài-nguyên thiên-nhiên bắt đầu cạn kiệt. Phải cần có một cuộc cách-mạng về chính-trị và cải-tiến kinh-tế thì mới mong tiến-bộ.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK) thì dự báo di cư quốc tế bằng (số) không. Nhưng di cư trong nước sẽ có tác động đáng kể đến mức tăng giảm dân số, đồng thời sẽ tác động mạnh đến chính sách phát triển kinh tế giữa các vùng. Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ di cư giữa các vùng thời kỳ 1984-1989 là 19,3 phần nghìn và vào thời kỳ 1994-1999 là 19,4 phần nghìn. Trung bình cứ trong 50 người thì có 1 người chuyển nơi thường trú. Trong cả 2 thời kỳ, chỉ có 2 vùng nhận dân di cư là Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên. Những năm gần đây, di dân chủ yếu theo 2 dòng: Từ nông thôn đến thành thị và từ các tỉnh phía bắc, Bắc Trung Bộ vào Tây Nguyên. Dự báo mức di cư của thời kỳ 1994-1999 sẽ tiếp tục cho các thời kỳ từ 1999-2024.

 

Hình 61. Theo một chương trình được sự tài trợ của Quỹ Hoạt động dân số Liên Hợp Quốc, kết quả dự báo là đến 2024, tỷ lệ tăng dân số VN sẽ cần giảm xuống còn 0,82%/năm.

 

Di dân diễn ra chủ yếu dưới tác động kinh tế xã hội, vừa chịu tác động của quy luật khách quan vừa chịu tác động của chính sách dân số. Tuy nhiên, gần đây di dân theo khuynh hướng tự do diễn ra khá phổ biến và gây áp lực dân số rất nặng đối với khu vực thành thị. Theo kết quả thống kê, trong thời kỳ từ 1994-1998 dân số thành thị đã được cộng thêm 1,4 triệu người. Từ 1999-2024, dự báo dân số thành thị bình quân mỗi năm tăng 556 nghìn người, tức là từ 17,9 triệu người năm 1999 lên 31,8 triệu người năm 2024. Nếu đời sống kinh tế nông thôn được nâng cao, giảm bớt cách biệt với thành thị, sẽ có tác động đáng kể đến việc phân bố dân cư. Mặt khác, di dân tự do giữa các vùng gần đây gia tăng, ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, quy hoạch cơ sở hạ tầng và tác động đến môi trường tự nhiên ở nhiều khu vực. Ðây cũng là một mặt trái của di dân, cần được quan tâm giải quyết.[118]

 

 

Hình 62. Mật-độ dân-số các tỉnh Bắc Việt.

 

3.13 - Cơ-nguy nạn nhân-mãn

Cơ-nguy nạn nhân-mãn rất cao tại đồng bằng Sông Hồng. Theo sự phỏng-định của Viện Dân-Số thì trong vòng 20 năm sắp tới, dân-số trong vùng này sẽ tăng 38% nếu không có biện-pháp giảm-tốc. 40 triệu người sinh sống trong một vùng đất không còn có thể mở rộng hay khai-phá thêm, là một vấn-đề hiện chưa có giải-pháp dứt-khoát.

 

 

 

Dân số DBSH

năm 2000

29,000,000

năm 2020

40.000.000

Mức tăng dân số

Trung-bình

1,8 %/năm

Thành-thị

9,8%o/năm

Dân số thành thị

(số liệu mới nhất)

5 triệu người 

10 triệu người


Diện tích đất

86.660 km2

Mật-độ dân tăng 38%

 

Hình 63.  Một vài con số phỏng-định về sự gia-tăng dân số tại Ðồng-bằng Sông Hồng (DBSH)

 

3.14 - Nếp sinh-hoạt truyền thống làng xã

Từ xưa, tổ-chức hành chánh của nông thôn Việt Nam

đã là những đơn vị sinh hoạt có tính cách tự trị và dân chủ. Căn bản của xã-hội Việt nam là gia đình, thôn xóm. Nhiều thôn xóm họp thành làng hay xã, chung quanh có lũy tre bao bọc, trong đó, người dân tự bầu lấy một ban Kỳ Mục hay Hương Chức, và sống

với nhau theo một ước lệ tự trị. Đây là một hình thái sinh hoạt đặc biệt của văn minh Việt Nam.

Cho dù thể-chế áp-đặt hay chính-quyền đổi-thay, làng xã Việt Nam vẫn giữ lề lối sinh hoạt xưa. Phần đông dân chúng sống bằng nghề nông, đánh cá, chăn nuôi, trồng tỉa, thủ công-nghệ.... Dân-cư vùng thành thị sống bằng các hoạt-động thương mãi, công kỹ nghệ, công tư chức, và các nghề tự-do.

Trên các miền thượng du và cao nguyên, đồng bào ta vẫn sống tụ hội trong những buôn làng: Đồng bào Thái quây quần trong miền Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Kay, Sơn La, Lai Châụ Đồng bào Nùng ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cáỵ Đồng bào Mán ở vùng núi Ba Vì, Tam Đảo, Móng Cáỵ Đồng bào Mèo ở Hà Giang, Lào Kay, Lai Châu, Sơn La. Đồng bào Mường ở các tỉnh Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Đông, Thanh Hóa[119].

 

3.15 - Quảng-Ninh và việc Hoà-nhập các Dân-tộc

Nước chúng ta có tới 54 dân-tộc khác nhau nhưng cuộc sống chung rất hòa hợp và thoải mái. Tỉnh Thanh-Hóa pha trộn nhiều màu sắc nhất vùng duyên-hải với 32 dân-tộc. Ngay ở vùng biên-giới màu-sắc cũng hòa-hợp. Chúng tôi xin đưa tình-trạng nhân-văn Quảng-Ninh như một biểu-tưởng làm mẫu cho việc hoà-nhập này:

Dân số Quảng Ninh có mật-độ bình quân 160 người/km2 nhưng phân bố không đều. Vùng đô thị và các huyện miền tây rất đông dân, thành-phố Hạ Long 1.236 người/km2, huyện Yên Hưng 403 người/km2, huyện Ðông Triều 354 người/km2. Trong khi đó, huyện Ba Chẽ 27 người/km2, Cô Tô, Vân Ðồn 70 người/km2.

Về dân-tộc, Quảng Ninh có 21 thành phần dân-tộc, song chỉ có 6 dân-tộc có hàng nghìn người trở lên, cư trú thành những cộng đồng và có ngôn ngữ, có bản sắc dân-tộc rõ nét. Ðó là các dân-tộc-Việt (Kinh), Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa. Tiếp đến là hai dân-tộc có dân số hàng trăm người là Nùng và Mường. Mười bốn dân-tộc còn lại có số dân dưới 100 người gồm: Thái, Kh'me, Hrê, Hmông, Êđê, Cờ Tu, Gia Rai, Ngái, Xu Ðăng, Cơ Ho, Hà Nhì, Lào, Pup cô. Ðây là những người gốc các dân-tộc thiểu số từ rất xa như từ Tây Nguyên theo chồng, theo vợ là người Việt (Kinh) hoặc người các dân-tộc khác về đây sinh sống, bình thường khó biết họ là người dân-tộc thiểu số.

 

Hình 64. Hinh-ảnh Thiếu-Nữ Kinh và một người dân thiểu-số

 

Trong các dân-tộc đông người, người Việt (Kinh) chiếm 89,2% tổng số dân. Họ có gốc bản-địa và nguồn gốc từ các tỉnh, đông nhất là vùng đồng-bằng Bắc Bộ. Họ sống đông đảo nhất ở các đô thị, các khu công-nghiệp và vùng đồng-bằng ven sông, ven biển. Do có số người chuyển cư đến từ rất nhiều đời, nhiều đợt nên Quảng Ninh thực sự là nơi "góp người". Sau người Việt (Kinh) là các dân-tộc thiểu số có nguồn gốc từ lâu đời. Người Dao có hai nhánh chính là Thanh Y, Thanh Phán, thường cư trú ở vùng núi cao. Họ còn giữ được bản sắc dân-tộc trong ngôn ngữ, y phục, lễ hội và phong tục, một bộ phận vẫn giữ tập quán du canh du cư làm cho kinh-tế văn-hoá chậm phát-triển.

 

 

Hình 65. Các dân-tộc Miền Bắc Việt-Nam.

Lưu-ý dân Việt (người Kinh) sống tập-trung ở miền duyên-hải

 

Tại Tiên Yên, một huyên có lịch sử văn hoá lâu đời, tín ngưỡng dân gian với tục thờ tổ tiên là chủ yếu. Xưa ở Tiên Yên có nhiều tục lệ, đám cưới có hát đối đáp giữa hai họ, nhà trai hát mua hoa, mua chim, nhà gái hát bán hoa, bán chim. Lời hát mua bán ý nhị, trữ tình. Các dân tộc thiểu số có nhiều phong tục riêng. người Sán Chay có hát xoọng cô, giao duyên nam nữ, Người Dao có nhiều điệu kèn, có múa trong nghi lễ cúng bái. Người Tày Nùng có hát Sli, hát then.

Người Tàu, người Sán Dìu, Sán Chỉ ở vùng núi thấp và chủ-yếu sống bằng nông-nghiệp với nghề trồng cấy lúa nước. Người Hoa gồm nhiều dân-tộc thiểu số từ miền Nam Trung Quốc di cư sang từ lâu bằng rất nhiều đợt. Một số ít là Hoa Kiều sang buôn bán làm nghề thủ công ở các thị trấn miền Ðông, còn phần lớn sống ở nông thôn, sản-xuất nông-nghiệp, đánh cá, làm nghề rừng. Hiện nay, các dân-tộc thiểu số - chủ nhân của miền núi - đang có những tiến-bộ rõ rệt.  

 

 

Hình 66. Các Tỉnh duyên-hải Vịnh Bắc-Việt

 

3.16 - Quảng Ninh

Diện-tích : 5,938 km2

Dân số (1999): 1,004,461 người.

Nói chung, mức sinh-hoạt của dân-chúng các tỉnh duyên-hải Việt-Nam cao hơn đồng-bào của ta trong nội-địa. Qua mấy thập-niên rồi, tỉnh Quảng-Ninh đáng kể nhất trong các tỉnh duyên-hải vì đã đạt nhiều tiến-bộ trên phương-diện nhân-sinh.

So với các tỉnh nằm trên tuyến biên-giới phía bắc, Quảng-Ninh có ưu-thế lớn mà các tỉnh khác không có. Quảng Ninh có bờ biển dài 250 km, với 32 đảo lớn có dân và gần 2,000 đảo nhỏ. Tỉnh có 10 huyện, 2 thị xã và một thành-phố trực thuộc là thành-phố Hạ Long. Dân số, sống hòa-hợp với 8 dân-tộc khác nhau, như: Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa...

Quảng-Ninh có một vị-trí chiến-lược quan-trọng trong quốc-phòng và trong nền kinh-tế của đất nước. Tỉnh có tiềm-năng kinh-tế đa-dạng và phong-phú. Than đá là nguồn tài-nguyên chính, chiếm 90% số lượng trên cả nước. Từ lâu Quảng Ninh đã là khu công-nghiệp than lớn của cả nước, trữ lượng khoảng 3 tỉ tấn. Mỗi năm khai-thác được 6 - 7 triệu tấn than. Ước-lượng với mức khai-thác này, than sẽ đủ cung-cấp trong nhiều thế-kỷ nữa mới hết.[120] Ngoài than, Quảng Ninh có ưu-thế về vật-liệu xây-dựng như đá vôi, đất sét, cát, đá Pyproxit... để sản-xuất gạch, ngói, xi măng, đáp ứng nhu-cầu nguyên, nhiên-liệu cho nhiều ngành công-nghiệp trong cả nước.

Quảng-Ninh không những có than vàng đen của ngành công-nghiệp, lại có biển với nhiều bãi tôm cá nổi tiếng cùng hơn nghìn hòn đảo tuyệt đẹp mà khách xa đến thăm đều ngẩn ngơ xúc động. Trên các đảo có nhiều loài gỗ quý như Sến, Lim xanh, Táu lá nhỏ, Sao hồng gai, Gội nếp… Quảng-Ninh đang trên đường xây-dựng thành một tỉnh mạnh về quân sự, giàu có về nông-nghiệp, một tỉnh lớn vào bậc nhất nước ta.[121]

Từ Mũi Ngọc đến Ðầm Hà, bờ biển cạn. Có những cảng cá như Mũi Ngọc, Tiên Yên, Hà Cối, Ðầm Hà…nhưng tàu lớn không cập bến được. Khi nước triều xuống ta thấy nhiều bãi phù-sa tích-tụ trải rộng, bề mặt phẳng lì với những bụi ô rô và sú vẹt. Trong tương-lai, những bãi phù-sa này có thể sử-dụng làm đất nông-nghiệp.

Xa hơn về phương Nam, bờ biển Cẩm Phả, Hồng Gai có độ sâu đáng kể. Ở đây có những bến cảng thiên-nhiên, tàu lớn cặp bến lấy than. Trong tương-lai, tàu trọng-tải 40,000 tấn có thể ra vào an-toàn cảng Cái Lân. Tổng-số hàng-hóa ra vào các cảng Quảng-Ninh đã lên tới 7 triệu tấn vào năm 1998.

Quảng Ninh có thuận-lợi về kinh-tế cảng biển, trong đó có cảng nước sâu Cái Lân, tương-lai là một trong những cảng quan-trọng của quốc-gia. Trong giai-đoạn 1, ba cầu tàu được xây-dựng trước, dành cho tàu có sức chở 40 nghìn tấn cập cảng năm 2002.

Đất nông-nghiệp có trên 74,000 ha, trong đó 35,000 ha đất canh tác, sản-xuất mỗi năm 150 - 160 ngàn tấn lương thực, đáp ứng cơ bản nhu-cầu khu-vực nông thôn. Đất lâm nghiệp có 390,000 ha, tỉ lệ che phủ của rừng đạt trên 23%.

Miền duyên-hải trải dài với nhiều đảo lớn nhỏ bao bọc bên ngoài rất nổi tiếng về cảnh đẹp và phong-phú về hải-sản.Quảng Ninh là vùng du-lịch nổi tiếng, có Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên-nhiên của thế-giới.

 

 

Hình 67. Bản-đồ tỉnh Hải-Ninh

 

Trước đây muốn ra đảo Vân-Ðồn, người ta phải dùng phà nhưng vì khoảng cách khá xa, lại gặp sự phức-tạp của thủy-triều, nên việc đi lại rất khó-khăn. Ngày 20-4-2002, cầu Vân Ðồn được khởi công xây-dựng - nối thị trấn Cửa Ông với huyện đảo Vân Ðồn. Cầu Vân Ðồn với chiều dài 3.427m rộng 12 m, sẽ là cầu lớn nhất của tỉnh Quảng-Ninh. Cầu dự-kiến hoàn-thành vào tháng 7-2004.[122]  

 

 

Hình 68. Vị-trí các cảng thương-mại và cảng than tỉnh Hải-Ninh

 

3.17 - Hải-Phòng

Diện-tích: 1,503 km2

Dân số (1999): 1,672,992 người.

Hải-Phòng là thành-phố lớn thứ ba của Việt-Nam sau Sài-Gòn và Hà-Nội, đồng thời còn là cảng lớn quan-trọng thứ hai trong cả nước. Số lượng hàng thông qua cảng trung-bình hơn 27 nghìn tấn/ mỗi ngày.

 Được biết đến như là một thành-phố Hoa phượng đỏ, Hải-Phòng còn rất nhiều ngôi nhà xây-dựng theo kiểu Pháp. Đây là một thành-phố nhỏ và xinh xắn, khách du-lịch có thể đi dạo khắp thành-phố, dễ dàng mua sắm và thăm viếng những điểm du-lịch nổi tiếng:

- Đình Hàng Kênh nằm ngay trong thành-phố. Bên trong thờ thành hoàng làng và Ngô Quyền, vị anh-hùng dân-tộc chống lại quân xâm-lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

- Chùa Dư Hàng là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất vùng này. Chùa được xây-dựng cách đây 3 thế kỷ. Ngôi chùa được trang trí rất đẹp và còn lưu giữ lại được nhiều đồ vật cổ,

- Sông Bạch Đằng là con sông nổi tiếng trong lịch-sử Việt Nam, đó là nơi dân-tộc-Việt Nam đã 3 lần đánh bại quân xâm-lược phương Bắc. Trong đó chiến thắng thứ ba đánh thắng quân Nguyên Mông được cả thế-giới biết đến. Nhiều cọc gỗ nhọn đã được tìm thấy tại đây.

- Bãi biển Đồ Sơn cách Hải-phòng 20km là bãi biển khá đẹp có bãi cát trắng và mịn. Các khách sạn ở đây tương đối tốt có thể đáp ứng được nhu-cầu của du-khách.

 

 

Hình 69. Bản-đồ Hải-Phòng

 

 

Hình 70. Tàu Bạch Ðằng 6,600 tấn vừa hạ-thủy

 

Kỹ-nghệ đóng tàu của Hải-Phòng khá tiến-bộ. Năm 2002, nhà máy đóng tàu Bạch Ðằng đã hoàn-tất việc đóng chiếc tàu vận-tải thứ ba có trọng-tải 6,500 tấn theo tiêu-chuẩn đăng-kiểm của Nhật-Bản. Tiếp tục là một con tàu 11,500 tấn. Dự-trù trong tương-lai, xưởng này sẽ kiến-trúc và sửa-chữa thương-thuyền lớn tới 30,000 tấn [123]. Người Nhật-bản cũng tài-trợ việc nâng-cấp hải-cảng Hải-Phòng trong ngân-quỹ OECF (Overseas Economic Co-operation Fund).

Sự gia-tăng lưu-lượng trên tuyến Vân-Nam / Hà-Nội / Hải-Phòng sẽ làm cho các hải-cảng Hải Phòng, Cái Lân thêm bận rộn[124].

 

 

Hình 71. Một kiến-trúc kiểu Pháp tại Hải-Phòng

 

Hải-Phòng có một huyện-đảo là Cát Hải, nằm về phía Ðông thành-phố Hải Phòng, cách nội thành 22 km. Tổng diện-tích (kể cả rừng ngập mặn): 322,3 km2 (chỉ tính phần đã xác định) Dân số: 27,336 người.

Cát Hải có đường xuyên đảo Đình Vũ - Cát Bà; có bến Gót, bến Bèo là những đầu mối giao-thông chính bằng đường thủy đưa đón khách Hải Phòng - Cát Bà. Trên đảo có Vườn Quốc gia Cát Bà.[125] Hướng phát-triển kinh-tế của huyện đảo Cát Hải là nghề cá, nghề muối, chế-biến hải-sản, du-lịch và dịch vụ. Một số ngành tiểu thủ công nghiệp trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi. Cát Hải có đặc sản nước mắm ngon nổi tiếng.

 

3.18 -Thái Bình

Diện-tích: 1,509km2
Dân số (1999): 1,785,600 người.

Cư dân của tỉnh sinh sống ở thị xã Thái Bình và các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy. Mật-độ toàn-tỉnh vào hàng cao nhất nước, 1,2000/km2.

 

 

Hình 72. Bản-đồ tỉnh Thái-Bình

 

 Thái Bình là một trong những tỉnh đặc-biệt nằm quanh Vịnh Bắc-Việt vì không có đồi núi. Tuy vậy, Thái-Bình có bờ biển dài 53 km, 5 cửa sông lớn và nhiều bãi cát dài thoai thoải, nước trong xanh. Những khoáng-sản trầm-tích tiến xa ra biển, những mỏ dầu, khí đốt hấp dẫn giới khoa-học và các nhà kinh-tế. lưu-tâm. Thái Bình không có “sơn-hào”, nhưng “hải-vị” rất đáng kể với trên 200 loài thủy-sản có giá trị kinh-tế cao. Ngoài ra, gần 2500 đầu chim quí hiếm là niềm vui bất tận cho các dịch vụ săn bắt, giải trí.[126]

Khu bảo-tồn thiên-nhiên Thái Thụy có ranh-giới phía nam là sông Trà Lý và ranh-giới phía bắc là sông Thái Bình. Khu bảo-tồn có các con sông như sông Diêm Hồ chảy ra biển tại khu-vực giữa sông Trà Lý và sông Thái Bình. Phía Nam của sông Thái Bình có các bãi bồi lớn được tạo bởi các trầm-tích lắng đọng. Phía tây khu bảo-tồn là các bãi cát trũng tiếp giáp với sông Trà Lý, ở đó có các đầm canh tác thủy-sản.

Từ những thập-niên 1960, 1970; người ta đã hy-vọng tìm thấy dầu khí ở Thái-Bình. Dầu thô chưa tìm thấy, nhưng việc khai-thác khí đốt đã tiến-hành với giá-trị thương-mại khiêm-tốn. Ước-tính trữ-lượng của một công-trường khí đốt ở Tiền-Hải là 1.3 triệu mét khối [127]. Cho dù ít hay nhiều, việc tìm kiếm dầu khí trong khu-vực duyên-hải và ngoài Vịnh Bắc-Việt cũng đã mang lại hy-vọng lớn cho cả nước về dầu khí [128].

Toàn tỉnh có 82 công-trình kiến-trúc nổi tiếng như chùa Keo, đền Đông-bằng, đền Tiên Ca, cung Long Hưng. Thái Bình có khoảng 30 lễ hội khác nhau như hội Keo, Tiên ca, Đồng-bằng, hội Du xuân, hội thi nghề... Các hình thức sinh hoạt văn-hoá ở Thái Bình hết sức phong-phú với 16 thể loại hát, múa đặc trưng như múa rối nước Nguyên xá, chèo làng Khuốc, kéo chữ Phụng công, múa bát dập, hát ống Lộng Khê, hát trẽ khói Cốc mỏ... nhiều trò chơi độc đáo: Thi pháo đất, bắt cá, bắt trạch, bắt vịt, nấu cơm, dệt chiếu, rước ông Đùng - bà Đà, chọi trâu, chọi gà...

 

 

Hình 73. - Cầu Tân-Ðệ nối Nam-Ðịnh và Thái-Bình lúc sắp hoàn-tất

           

 

Hình 74. Vị-trí Cây Cầu Tân-Ðệ- Cầu này nối liền Nam-Ðịnh với Thái-Bình

 

3.19 - Nam Định

Diện-tích: 1,669,36 km2

Dân số (1999): 1,888,406 người

Nam Định là một tỉnh quan-trọng về dân số cũng như về vị-thế trong khu-vực châu-thổ sông Hồng. Tỉnh này gồm có: thành-phố Nam Định, các huyện: Xuân Thủy, Hải-Hậu, Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên. Thế mạnh về kinh-tế của Nam-Ðịnh là: Nông - Công - Ngư nghiệp

Địa-thế Nam Định thuận-lợi cho việc giao-thông đến các tỉnh lớn khác bằng đường bộ và đường thủỵ Quốc lộ 1 và liên tỉnh lộ 10 là những đường giao-thông quan-trọng. Năm nay, cây cầu Tân-Ðệ nối Nam-Ðịnh và Thái-Bình vượt sông Hồng vừa hoàn-tất.

Mật-độ dân-cư Nam Định cũng cao như Thái Bình. Ruộng ở đây cũng như ở Thái Bình, do phù-sa bồi đắp lên. Nông-dân cấy lúa hai vụ chiêm mùa[129]. Cây kỹ nghệ ở Nam Định không nhiều ngoài cây dâu nuôi tằm, cây bông sợi và cói trồng rải rác khắp tỉnh. Những loại cây ăn trái cũng được trồng nhiều ở vùng quê. Ở Xuân Trường và Giao Thủy có loại cam rất ngon, ở Ngọc Cục trồng chuối ngự và một loại bắp cải nổi tiếng. Các vùng gần sông biển thịnh hành về nghề đánh cá. Vùng biển Quất Lâm, Văn Lý có rất nhiều loại cá tôm ngon. Ngoài ra, dân chúng còn làm muối ở Quất Lâm, Lạc Quần, Văn Lý, Chợ Con, Xuân Hạ....Nam Định không có mỏ kim-loại mà chỉ có một số mỏ đá vôi ở vài ngọn núi đồi trong tỉnh.

Kinh-tế và thương mại của Nam Ðịnh chưa phát-triển mạnh, còn thiên về các nghề tiểu thủ công-nghệ. Sinh hoạt buôn bán tập trung vào thóc gạo, bông sợi, tơ lụa, ngư sản, muối, đồ khảm... Ðặc-biệt nổi bật nhất có Nhà Máy Sợi Nam-Ðinh có thời kỳ đã phát triển rực rỡ với khoảng 17,000 người. Giữa thập-niên 1990, do cách quản lý sai lầm, đã rơi vào tình trạng suy sụp. Hiện nay, nhà máy đang sử-dụng 7,300 công nhân. Với chương trình đầu tư đổi mới kỹ thuật, công nghệ từ nay đến năm 2005, Công ty Dệt Nam Định đang hy-vọng trở lại là một trong những công ty dệt may lớn nhất ở khu vực miền Bắc.

Nam Định có nhiều di-tích và thắng-cảnh như sau: Đền nhà Trần: đền Đức Trần Hưng Đạo, đền anh-hùng Triệu Quang Phục, đền thờ Trung Tấn Vương, đền thờ Lương Quận Công họ Bùi, đền Phủ Giầy và đền Đồng Phù, chùa Tháp chùa Phổ Minh, chùa Cổ Lễ và chùa Đại Bi thờ Đạo Hạnh Thiền Sư đời Lý.

Ðền nhà Trần rất cổ, tại làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, cách tỉnh lỵ ba cây số về phía Bắc> Ðền còn gọi là Thành Vàng hay đền Cổ Trạch, xây vào năm 1239 để thờ các vua nhà Trần, trước đền có hai chữ "Trung-Hiếu" rất lớn.

Nam-Ðịnh có 3 cảng:

- Cảng sông tại thị-xã Nam-Ðịnh tiếp-nhận 600,000 tấn hàng năm.

- Cảng biển Hải-Thịnh 750,000 tấn hàng năm.

- Cảng Kiến-Khê đang bành-trướng.

 

 

Hình 75. Bản-đồ tỉnh Nam-Ðịnh

 

3.20 - Ninh Bình

Diện-tích: 1,388 km2

Dân số (1999): 884,080 người.

Ninh Bình bao gồm 2 thị xã lớn Ninh Bình và Tam Điệp cùng 5 huyện: Hoàng Long, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, Kim Sơn.

Diện-tích rừng của Ninh Bình chiếm tới 11.275 hécta, rừng nguyên thủy Cúc Phương rất nổi tiếng. 233 loài động-vật bao gồm các loài chim, 24 loại côn trùng và nhiều loại thuốc quý.

 Về địa-thế, Ninh Bình gồm hai khu khác hẳn nhau: khu phía Đông-Bắc là đồng-bằng phù-sa, khu phía Tây-Nam là đồi núi. Các dãy núi đá vôi chạy dài theo hướng Tây Bắc/Đông Nam từ tỉnh Hòa Bình ra đến biển vào đến tận tỉnh Thanh Hóá. Phía nam của Ninh-Bình có nhiều đèo như đèo Tam Điệp (là nơi quốc lộ số 1 đi qua), đèo Đồng Giao, đèo Quán Các, đèo Chính Đạị...Khu đồng-bằng có nhiều ngọn núi đá vôi đơn độc cao từ 50 tới 100 thước, như núi Thúy, Cánh Diều, Hồi Hạc, v.v... Những núi bất thường này tạo nên một vùng cẩm tú mang danh là "Vịnh Hạ Long trên đất liền"[130].

 

 

Hình 76. Bản-đồ tỉnh Ninh-Bình

 

Vùng phía Nam của tỉnh Ninh Bình, chỗ cửa sông Đáy, nhờ phù-sa bồi đắp mở rộng đất đai ra biển, hàng năm có tới 100 m.

Là một nhánh của sông Hồng, sông Đáy là sông lớn nhất của Ninh Bình. Các sông khác chảy qua tỉnh là sông Nho Quan, Hoàng Long Giang và Chính Đại. Ninh Bình có nhiều sông nhỏ ở gần miền biển, giữ vai trò hữu ích là tháo bớt nước trong mùa nước lớn tránh nạn lụt lội.

Tương-tự như sông Bạch Ðắng, sông Ðáy cũng từng giữ vai-trò chiến-lược trong lịch-sử:

- Vào năm Kỷ-Mão (979) hơn một ngàn chiến-thuyền Chiêm tiến vào cửa Đại-An sông Đáy. Không may cho họ, một trận bão nổi lên đánh chìm cả hạm-đội. Phần lớn quân Chiêm làm mồi cho cá. Quân Chiêm gặp trận "Thần-Phong" không đánh đã tan. Thủy-quân Việt tại kinh-đô Hoa-Lư tuy sẵn sàng tác-chiến nhưng không phải ra tay.

- Sông Chính Đại (nhánh sông Ðáy, thuộc huyện Yên Mô) có cửa Thần Phù. Ðây là nơi quân Chiêm Thành đổ bộ thủy quân đánh bất ngờ và chiếm được thành Thăng Long năm 1377 (đời vua Trần Duệ Tông. Trước đây,cửa biển Thần Phù có gió to sóng lớn, nhưng nay đất bồi ra biển khá nhiều.

Trước đây, chung quanh tỉnh lỵ và trên bờ sông Đáy, dân chúng thường chỉ cấy lúa chiêm. Sau khi xây đê và lập hệ-thống dẫn nước vào ruộng ngày nay nông-dân canh tác tới 2, 3 vụ mùa hàng năm. Miền cao thì trồng các loại cây kỹ nghệ như trà, trẩu, cà phê và thuốc lá. Thuốc lá Ninh Bình khá nổi tiếng. Các hoa màu khác là lạc (đậu phọng) dâu, mía, ngộ, khoai...

Về phía Tây Nam có nhiều rừng có nhiều cây mây, song (một loại cây mây), và trẹ Tre hoa là loại tre rất tốt ở hai huyện Gia Viễn và Nho Quan. Rừng Ninh Bình có nhiều dã cầm dã thú. Vùng gần biển, như Phát Diệm, dân chúng trồng cói và là một nguồn lợi đáng kể của Ninh Bình. Vùng gần sông biển, dân ta cũng làm nghề đánh cá. Khoáng-sản trong tỉnh không nhiều, chỉ có mỏ than ở Đồng Giao, vùng núi có nhiều đá hoa. Kỹ nghệ và thương mại Ninh Bình chưa phát-triển nhiều, chỉ có ngành dệt và sản-xuất chiếu ở vùng Phát Diệm là thịnh hành hơn cả.

Ninh Bình có nhiều thắng-cảnh và di-tích lịch-sử: Hoa Lư: Kinh đô của nhà Đinh và Tiền Lê,

 Người ta đã tìm thấy nhiều cổ-vật quý từ thời kỳ đồ đá ở Ninh Bình. Ngoài ra ở đây còn có suối nước khoáng với nhiệt-độ trung-bình 530C rất thuận-lợi cho khách du-lịch nghỉ ngơi và dưỡng bệnh.

            Ninh Bình trước đây là kinh đô dưới triều vua Đinh và vua Lê vào thế kỷ 10. Cố đô này là một trong những điểm di-tích lịch-sử nổi tiếng nhất ở Việt Nam với các cụm di-tích: Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê, cố đô Hoa Lư, chùa Nhất Tự, khu Ba Chùa, khu Vọng Đức và chùa Can Linh... Thêm vào đó còn có đền Thái Vi, chùa Bích Động, chùa Linh Cốc tại Tam Cốc - Bích Động cùng nhiều đình, đền, chùa từ các thời Trần, Lê, Động Thiên Tôn: ở làng Đa Giá, thờ đức Trấn Vũ từ hơn nghìn năm nay và nhà thờ đá Phát Diệm tại Kim Sơn.

 

 

Hình 77. Quang-cảnh Ninh-Bình, vùng “Hạ-Long Trên Cạn”

 

Về địa-giới, Ninh-Bình là một tỉnh nhỏ tân-lập, nhiều khi bị sáp-nhập vào các tỉnh lớn hơn. Tuy vậy, chỗ đứng của tỉnh Ninh-Bình trên phương-diện địa-dư và lịch-sử có tính-cách riêng-biệt và độc-lập của nó. Cảnh-quan cũng có thay-đổi nhiều trong giai-đoạn nửa thế-kỷ vừa qua. Những cánh đồng chiêm ngập nước mùa lũ-lụt đã biến mất.[131] Dân làng nhiều nơi không còn dùng thuyền làm phương-tiên giao-thông. Ðê chắn nước dọc theo sông được xây khắp nơi, tuy giúp dân cầy cấy nhiều vụ lúa trong năm, nhưng cũng thường xuyên làm cho đồng ruộng bị úng-thủy lâu hơn.

Rừng nguyên sinh Cúc-Phương ở vị-trí giáp ranh-giữa ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình; có diện-tích 25,000 ha, trong đó 3/4 là núi đá vôi cao từ 300 đến 600 m so với mặt biển.

Tại thị-xã Ninh-Bình có một cảng sông với khả-năng tiếp-nhận tối-đa 2 triệu tấn hàng-hóa một năm (1.6 triệu tấn năm 1996). Tỉnh đang hoạch-định để tương-lai tiếp-nhận tàu biển cỡ một ngàn tấn.

 

3.21 - Thanh Hóa

Diện-tích:11,168 km2

Dân số (1999): 3,467,609 người

Thanh Hóa là một tỉnh lớn đông người, có bờ biển dài gần 100km với nhiều bãi biển đẹp mà nổi tiếng nhất là Sầm Sơn. Đây là bãi biển phẳng, nước xanh như ngọc tràn ngập ánh nắng với nhiều điểm du-lịch phụ cận như đền Độc Cước, hòn Trống Mái, chùa Cô Tiên, khu đầm lầy nước mặn Quảng Cư, Quảng Tiên có nhiều chim thú, cây cỏ và hải-sản. Hàng năm có hàng triệu du khách tới Sầm Sơn để tắm biển và nghỉ ngơi.

Thanh Hóa có ngư trường của nhiều nguồn hải-sản khá phong-phú. Cả tỉnh hiện có khoảng 50 nghìn lao-động và gần nửa triệu ngư-dân làm nghề biển.

Đất đai Thanh Hóa ít đồng-bằng nhưng rất nhiều rừng núi, chia tỉnh làm từng vùng. Núi rải rác khắp nơi, độ cao từ 200 đến 1.300 thước. Những dãy núi đáng kể là: Dãy núi Tam Điệp chạy dài phía Bắc, giáp ranh-giới với Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình; dãy núi Pu Luông phía Tây, dãy núi Quỳnh Lưu phía Nam. Phía Đông có núi Lau, Ba Làng. Ngoài ra là những núi Ái, Hùng Lĩnh, Bù Me (700 thước), Bù Bưa (1.280 thước), Bù Bang, Bù Mun (719 thước), Bù Tam (357 thước), Bát Noãn Sơn, Sơn Trang, Hỏa Châu, Đá Chẹt, Bọm, Voi, Các, Vân Liên, Lom Dong, Thông Lim, Liên Xá, Ngọc Sơn, Tuân Thiềm, Hậu Thạch, Thiết Giáp, Thần Đầu, Bàn A, Xuân Đài, Tam Thai, Diệu, Bút, Kim Sơn, Mai Sơn, Độc Cước, An Hoạch, Khế, Nưạ...

Tỉnh có trên 200 suối và khoảng 20 sông rạch chảy từ hướng Tây-Bắc xuống Đông-Nam vào Vịnh Bắc-Việt. Sông chính là sông Mã dài 380 cây số, phát nguyên từ dãy núi Pu Va, chảy ngang tỉnh rồi ra cửa biển Hội Trào khá lớn (1,800 thước). Sông Lường (sông Chu) dài 135 cây số chảy từ Sầm Nứa bên Lào về Thanh Hóạ Ngoài ra là các sông Chang, sông Bười, sông Cây Gang, sông Đằng.... Những cửa biển quan-trọng là Hội Trào, Ba Làng, Y Bích, Bạng.

 Các cảng cá Lạch Hới (Sầm Sơn), Lạch Bạng (Tĩnh Gia), Lạch Trường (Hậu Lộc) đã và đang trở thành những trung-tâm dịch vụ nghề cá, không chỉ đem lại lợi ích kinh-tế trực-tiếp cho địa-phương, còn tạo thêm điều-kiện để các nơi khác đến giao-lưu hàng-hóa, trao đổi kinh-nghiệm hoạt-động kinh-doanh hải-sản.

 

 

Hình 78. Bản-đồ Thanh-Hóa

           

Huyện Nga Sơn sát tỉnh Ninh Bình có động Từ Thức, theo truyền thuyết là nơi Từ Thức gặp tiên. Động có rất nhiều điều kỳ thú do thiên-nhiên tạo ra như Đường lên trời, Kho gạo, Kho khỉ, Chuông...

Ðền Ðộc Cước (còn gọi là đền Gầm) ngự trên đỉnh hòn Cổ Giải gắn liền với truyền thuyết chàng khổng lồ xẻ đôi mình, một nửa ra khơi tiêu diệt thủy quái bảo vệ dân chài, còn một nửa đứng canh trên đỉnh hòn Cổ Giải. Ðền vẫn còn tượng nửa thân người và bước chân khổng lồ trên đá của chàng trai dũng cảm đó.

Vườn quốc-gia Bến Én giáp phía Nam tỉnh Nghệ An có phong cảnh núi hồ đẹp cùng những cây cổ thụ hàng ngàn tuổi và nhiều động-vật quý hiếm.

Đối với những du khách say mê lịch-sử không thể bỏ qua di-tích thành nhà Hồ mà kiến-trúc của nó làm người ta liên-tưởng tới những thành đá ở Ý và Hy Lạp, các di-vật của người Việt cổ (Núi Đọ, Đông Sơn), khu di-tích Lam Kinh. Ngoài ra tới đây du khách sẽ được thưởng thức chiêm ngưỡng những di sản văn-hoá Việt Nam bao gồm các trò chơi dân gian, các làn điệu xứ Thanh, các lễ hội và nhiều hoạt-động văn-hoá khác. Chắc chắn Thanh Hoá sẽ là điểm dừng chân không thể bỏ qua đối với nhiều khách du-lịch trong và ngoài nước.

Bờ biển Thanh Hóa thấp và phẳng vì tiếp giáp với các đồng-bằng. Tuy nhiên, cũng có vài nơi lởm chởm với những dãy đá ngầm. Ngoài khơi biển Thanh Hóa có một số đảo nhỏ như hòn Nẹ ở phía Nam Nga Sơn, hòn Nghi Sơn trên có núi Biện Sơn cao 162 thước. Phía Đông hòn Nghi Sơn là quần đảo hòn Mê với các hòn Vang, hòn Vát, hòn Bong, hòn Gác, hòn Đó.

Một số nơi ở Đông Sơn, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hậu Lộc vẫn còn những vết tích của các thời kỳ đồ đá cũ sơ khai, đồ đá giữa, đồ đá mới, đồng thau sơ khai và những vết tích thuộc nền văn-hóa Đông Sơn cuối thời đại đồ đồng.

Núi rừng Thanh Hóa đã chia đất đai làm nhiều vùng kinh-tế. Vùng đồng-bằng trồng lúa và các loại hoa màu như khoai lang, đậu tương, ngô, thuốc lá, cau. Giữa miền núi và đồng-bằng có nhiều đồi thấp thích hợp cho việc trồng cây kỹ nghệ như trà, bông gòn, mía, hoa màu, cây ăn trái. Cam ở làng Giàng và mía "Ðường Trèo" nổi tiếng ngon.

Vùng rừng núi có nhiều loại cây lồ ô (luồng), tre, nứa, vầu, lim, quế, củ nâu. Lim xanh là loại gỗ rất tốt. Quế Thanh ở Trịnh Vạn rất quý, có thể chữa nhiều bệnh và có nhiều ở các rừng thuộc hai huyện Lang Chánh và Thường Xuân. Tại ven biển Thanh Hóa, dân chúng trồng dừa, dưa hấu, đay, dâu nuôi tằm, cói và làm nghề đánh cá. Cá Mè ở sông Mực thịt rất thơm. Xưa, cá Mè, cam Giàng, mía "Ðường Trèo" thường được dùng để tiến vua. Rừng Thanh Hóa cũng có nhiều dã cầm dã thú như cọp, beo, gấu, khỉ, hươu, nai, gà gô, gà lôi, công....

Khoáng-sản địa-phương có một số mỏ như: Mỏ cơ-rôm (kền) cô-ban (cobalt) ở Triệu Sơn; mỏ sắt ở Đông Thiệu, Trung Sơn, Như Xuân; mỏ phốt-phát ở Hàm Rồng, Nông Cống, Vĩnh Thạch, Thọ Xuân; mỏ đồng vùng Lương Ngọc, Thường Xuân; mỏ chì, kẽm ở Như Xuân, Tĩnh Gia; mỏ than vùng Quảng Xương, Cẩm Thủy; mỏ mi-ca ở Hoằng Hóa; mỏ đá vôi ở khắp nơi.

Thanh Hóa là vùng đất dựng nghiệp của nhiều triều đại. Tỉnh này có những di-tích lịch-sử và danh lam thắng-cảnh như: Mộ anh thư Triệu Trinh Nương, Đền anh-hùng Lý Thường Kiệt, Đền anh-hùng Trần Nhật Duật, Đền vua Lê Thái Tổ…

Tại xã Đan Nê, trong núi Tam Thai có Miếu Đồng Cổ. Trong Miếu có đặt một trống đồng, mặt trống lớn hơn hai thước, cao trên một thước; mặt có chín vòng tròn, chung quanh khắc hoa-văn. Tục truyền rằng đây là chiếc trống đồng đời vua Hùng Vương.[132]

Thanh Hóa đang cố nâng sản-lượng đánh bắt thủy-sản, từ 50,000 tấn trong năm 2000 lên đến 75,000 tấn vào năm 2010 (trong đó khai-thác xa bờ là 15,000 tấn vào năm 2000, và 35,000 tấn vào năm 2010). Về diện-tích nuôi trồng thủy-sản, từ 6,000 ha vào năm 2000 sẽ đạt đến 8,000 ha vào năm 2010. Thanh Hóa nâng giá trị xuất khẩu thủy-sản từ 12 triệu Mỹ-Kim USD (US Dollar) vào năm 2000 lên 40 triệu USD vào năm 2010.

 Ngoài người Kinh (84,7 %), Thanh-Hóa có tới 31 nhóm dân-tộc. Trong đó, đông nhất có người Mường (8,7 %), người Thai (5,9 %), người H'Mong, người Dao, và người Thổ. Người Kinh sống dọc duyên-hải, nợi đô-thị. Những dân-tộc khác sinh-hoạt tại vùng núi.

 

3.22 - Nghệ An

Diện-tích: 16,371 km2

Dân số (1999): 2,858,265 người.

Tỉnh Nghệ An có tới 16 dân-tộc sống chung với nhau. Ðông nhất là người Kinh, sau đó đến người Thái, Tầy, H'Mông, Chút... Tỉnh có 17 huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Yên, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Con Cuông, Trương Dương, Kỳ Sơn và thành-phố Vinh.

Nghệ An có đủ cả miền núi, trung du, đồng-bằng và ven biển. Tỉnh có nhiều sông lớn nhỏ. Sông lớn nhất là Sông Lam dài 532 km. Rừng chiếm 3/4 diện-tích của tỉnh. Có nhiều động thực-vật quí hiếm như: Hổ, Gấu, Trầm Hương, Kỳ Nam... Biển Nghệ An ấm, có khoảng 600 loài sinh-vật biển.

Nghệ An có nhiều danh lam thắng-cảnh: Bãi biển Cửa Lò, Bến Thủy.. Các đặc sản nổi tiếng như: Cam xã Đoài, Bưởi Phúc Trạch, cà phê Phú Quỳ.

Nguồn hải-sản ở đây rất phong-phú, khoảng trên 200 loại cá, nhiều loại đặc sản như: tôm, mực, cua, rắn biển, cá mú... du khách đến Cửa Lò sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản ngay tại các nhà hàng và nếu có thể ngay tại bãi biển.

 

Hình 79. Bản-đồ Nghệ-An

 

Ngoài khơi Nghệ-An có đảo Hòn Mát rộng chừng 3 km2 và những hòn đảo nhỏ hơn không quan-trọng như Hòn Niêu (Hòn Ngư), Hòn Tuần

Hải-cảng Cửa Lò đã được vét sâu xuống và cải-tiến cơ-sở và trang-cụ, hiện đã tiếp-nhận tàu lớn tới 10,000 tấn. Ðây là cảng trung-tâm các tỉnh Miền Bắc Trung-phần, có khả-năng thu hút hàng quá cảnh của Thái Lan và Lào để chuyên-chở đi các nơi tiêu-thụ.

Nghệ-An là tỉnh có truyền-thống hàng-hải lâu đời. Thuyền bè và trang-cụ ngư-nghiệp còn mang nhiều sắc-thái đặc-biệt của cổ thời như cánh buồm hình tai, cây xiếm, bè tre…    

 

3.23 - Hà Tĩnh

Diện-tích: 6,054 km2

Dân số (1999): 1,269,013 người.

Hà-Tĩnh có hai thị xã là Hà Tĩnh và Hồng Lĩnh cùng 8 huyện là Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà, Cốm Xuyên và Kỳ Anh. Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km. Sông Gianh và cửa biển Nhật-Lệ, địa-danh lịch-sử nằm ở đây.

 

 

Hình 80. Bản-đồ Hà Tĩnh

 

Địa-hình Hà Tĩnh đa-dạng, có đủ các vùng đồi núi, trung du, đồng-bằng và biển. Cảnh quan có thác Vũ Môn, rừng quý Vũ Quang (Hương Khê), hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, đèo Ngang, chùa Hương Tích, Cửa Sót, Thiên Cầm - Hòn Bớc, Hòn Lá,... các bãi tắm đẹp như Cửa Sót, Thiên Cầm, Đèo Con, Xuân Thành, Chân Tiên. các thắng-cảnh phần lớn đều phân bổ dọc đường quốc lộ 1A và quốc lệ 8.

Ngoài Mũi Rọn dưới chân đèo Ngang gần biên-giới Quảng Bình có một hòn đảo nhỏ bằng đá.

Hà Tĩnh nổi tiếng về "Văn-vật Hồng lam với các di chỉ khảo cổ rú Dầu, rú Rơm, bãi Phân phối, đồ sắt Vân Chàm, Minh Long, đồ đồng Đức Lâm, đồ gốm Cảm Trang, đồ mộc Thái Yên, lụa Hạ, vải Hồ. Dãy Hoành Sơn còn lưu giữ lũng cổ đắp ghép từ thế kỷ thứ 4. Đạo Mẫu, đạo Nho, đạo Phật và tín ngưỡng thành Hoàng để lại hàng trăm đền, chùa, miếu mạo như tháp Cửa Diêu, chùa Hương Tích, đền Tam Lang...

Khu bảo-tồn thiên-nhiên Kẻ Gỗ dự kiến thành lập với diện-tích 24.800 ha, nằm trong vùng ranh-giới huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng thường xanh cây lá rộng còn lại khá lớn thuộc dạng rừng trên địa-hình thấp đã được hình thành từ lâu dọc theo vùng đồng-bằng ven biển miền Trung Việt Nam mà hiện nay phần lớn đã biến thành vùng đất canh tác nông-nghiệp. Khu bảo-tồn thiên-nhiên Kẻ Gỗ sẽ là nơi bảo-vệ một khu-vực tiêu biểu của sinh cảnh rừng nói trên.

Rừng Hà Tĩnh có lâm sản các loại như gỗ lim, củ nâu, gụ, mây, tre, nứa; một số cây làm thuốc như quế, sâm, trầm hương, quán chúng thảọ... Khoáng-sản có một số mỏ sắt, thiếc, than đá, đất sét. Mỏ khoáng-sản được coi là lớn nhất vùng ở Thạch Khê (Hà Tĩnh) hiện đang chờ được khai-thác, do nằm sát ngay bờ biển và nằm sâu dưới đất.

Dân chúng hành nghề đánh tôm, cá dọc theo các sông rạch và bờ biển. Tuy vậy, tỉnh Hà Tĩnh chưa có một cảng cá thật sự với dịch vụ trên bờ cho nghề cá xa bờ và tỉnh cũng chưa có các cơ sở chế-biến thủy-sản hiện-đại.

 

3.24 - Quảng Bình

Diện-tích: 8,984 km2

Dân số (1999): 793,863 người

Quảng Bình nằm trải dài dọc theo phía bắc Miền Trung Việt Nam, là vùng hẹp nhất trên toàn lãnh-thổ đất nước. Do đó bờ biển của tỉnh kéo dài tới 126 km. Quảng Bình gồm 6 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hòa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và thị xã Đồng Hới.

Bởi có năm cửa sông, trong đó cửa Nhật Lệ, cửa Giang khá rộng, Quảng Bình đã thu hút ngày càng đông lượng tàu thuyền các tỉnh miền Trung về neo đậu. Ở cửa Gianh và cửa Nhật Lệ, vào mùa cá, mỗi ngày có hàng nghìn thuyền lớn ra vào mua bán hàng và hàng trăm xe vận-tải từ nhiều tỉnh, thành-phố trong nước đến chở hải-sản. Hoạt-động mua bán diễn ra suốt ngày đêm tạo nên thị trường nghề cá thật sôi động và sầm uất.

Tỉnh Quảng-Bình cũng có chung vấn-đề khai-thác ngư-sản như tỉnh Hà-Tĩnh. Hầu hết các cơ sở chế-biến đều chỉ ở dạng thủ công, gia công để bán cho các đơn vị xuất khẩu lớn của địa-phương khác mà chưa có một nhà máy chế-biến hiện đại.

Quảng Bình là vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước. Hàng năm từ tháng 4 đến tháng 6 thường có gió Lào khô và nóng, từ tháng 10 đến tháng 12 thường có bão và lụt gây ra những thiên-tai nặng nề. Nạn đất lở biển lấn cũng thường hay xảy ra ở các vùng cửa sông vùng Quảng Trạch. Nhưng may mắn là trong thời gian từ tháng 2 tới tháng 4 hàng năm, thời-tiết dễ chịu. Ðó là giai-đoạn thích hợp nhất cho các hoạt-động du-lịch.

Động Phong Nha là nơi mà các nhà nghiên-cứu khoa-học, thám hiểm hay khách du-lịch không thể bỏ qua. Ngoài ra, Quảng Bình còn có biển Đá Nhảy, biển Nhật Lệ, hồ Bản Tro, Đèo Ngang, thành Đồng Hới.

 

 

Hình 81. Bản-đồ tỉnh Quảng-Bình

 

Giấu mình trong núi đá vôi Kẻ Bàng, được tre trở bởi những cánh rừng nhiệt-đới, Ðộng Phong Nha giờ đây đã trở nên nổi tiếng nhờ tạo hoá đã ban tặng cho một hệ thống hang động thật lộng lẫy với con sông ngầm được xác định là dài nhất thế-giới.

Tháng 4-1997, một cuộc hội thảo khoa-học về di-tích danh thắng Phong Nha - Xuân Sơn được tổ-chức tại Quảng Bình. Kết quả nghiên-cứu khảo sát cho biết Phong Nha có 7 cái nhất:

1. Hang nước dài nhất

2. Cửa hang cao và rộng nhất

3. Bãi cát và đá rộng đẹp nhất

4. Hồ ngầm đẹp nhất

5. Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất

6. Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam (13.969 m)

7. Hang khô rộng và đẹp nhất.[133]

 Năm 2002, Việt-Nam đã đề-nghị đệ trình UNESCO xin công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới.

Phía Cực Bắc của tỉnh Quảng Bình có một mũi đất nhô ra biển, rải rác mấy hòn đá trơ trọi, trên bản-đồ hàng-hải không thấy có đề tên.

Cảng Sông Gianh có thể nhận tàu 1,000 tấn. Cảng Nhật Lệ có thể nhận các tàu nhỏ 200 tấn. Trong năm 1998, 57,000 tonnes de marchandises ont transité par ces deux ports.

 

3.25 - Quảng Trị

Diện-tích: 4,588 km2

Dân số (1999): 573,331 người.

Là một tỉnh miền Trung, nằm trung điểm cả nước, ở ngã ba ra Bắc, vào Nam và sang Lào, Thái Lan. Tỉnh có tới 3/4 là đồi núi, cồn cá nghèo nàn khoáng-sản, bờ biển dài, sông ngòi chằng chịt, dốc, khả-năng thoát nước chậm-chạp, đất nông-nghiệp ít.
Khí hậu khắc nghiệt, nghèo nàn khoáng-sản, bờ biển dài, sông ngòi chằng chịt, dốc, khả-năng thoát nước rất chậm. Cả Tỉnh có 2 thị xã là Đông Hà, Quảng Trị và 6 huyện là Vĩnh Linh, Do Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải-Lăng, Hương Hóa.

Lợi thế so-sánh của Quảng Trị trong phát-triển du-lịch là bờ biển dài, có 2 cảng biển và cảng sông, có sân bay đang được xây-dựng lại, có đường sắt, đường quốc lộ 1A chạy qua. Đặc biệt đường 9 nối với đường Liên-Á qua cửa khẩu Lao Bảo - Huội Kaki sẽ tạo điều-kiện cho Quảng Trị là nơi nhận và phát luồng khách du-lịch đường bộ quan-trọng.

Tiềm-năng du-lịch nhân văn của Quảng Trị nổi trội hơn cả với nhiều công-trình kiến-trúc lịch-sử, văn-hóa được bảo-tồn như Thành cổ Quảng Trị, văn-hóa Chăm, khu Thánh địa La Vang... Quảng Trị là một chiến trường ác liệt trong trận chiến tranh vừa qua. Ðịa-danh nổi tiếng thế-giới là cầu Hiền Lương, Cửa Tùng, vĩ tuyến 17, Cửa Việt, Cổ-thành Ðinh-Công-Tráng ...

Từ bãi biển Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nhìn ra phía Ðông ta sẽ thấy một hòn đảo xanh lam nổi lên giữa biển như một chiến hạm đang trấn giữ ngoài khơi. Đó là đảo Cồn Cỏ, các tên khác là đảo Con Hổ, Hòn Mê.

 

 

nh 82. Bản-đồ tỉnh Quảng-Trị

 

Quảng-Tri không có hải-cảng thiên-nhiên tốt. Hai cảng quan-trọng nhất của tỉnh nằm trên hai cửa sông có khả-năng hạn-chế như sau:

- Cảng Cửa Việt, có khả-năng nhận 200,000 tấn hàng hóa mỗi năm.

- Cảng Ðông Hà với cầu tầu sẽ nhận tàu thuyền có trọng-tải tối-đa là 500 tấn trở lại.

 

3.26 - Cầu Long-Biên và Huyền-thoại 

            Qua một thế-kỷ nhiều biến-cố lịch-sử, Miền Bắc Việt-Nam đã thực-hiện nhiều công-trình xây cất lớn không thể nào kể hết được. Ngoài việc kiến-tạo hệ-thống cảng đã mô-tả đâu đó trong cuốn sách, ở đây chúng tôi chỉ xin duyệt qua một vài xây cất đặc biệt ở đầu mốc và cuối mốc thời-gian kể trên mà thôi.

            Nhiều tài-liệu trong cũng như ngoài nước thường ghi kỹ-sư lừng danh Gustave Eiffel (1832-1923) là cha đẻ của cầu Long Biên. Theo tiểu-sử của Ông đăng trong gia-phả họ Eiffel của hội “l’association réunissant les descendants de Gustave Eiffel[134] thì Gustave Eiffel không liên-hệ gì tới cây cầu “lịch-sử của nước ta. Tài liệu của Cục Lưu trữ Việt Nam cũng như tấm biển gắn ở đầu cầu bờ nam đều đúc nổi tên hãng thiết kế Daydé & Pillé (D&P). Hãng này đã trúng thầu với giá 5.390.794 franc.

Sự nhầm lẫn xảy ra có thể là do việc hãng Eiffel có gửi mẫu kiến-trúc tham gia, nhưng Eiffel là 3 trong số 5 hãng bị loại ngay vòng đầu tiên. 

Cách đây hơn 100 năm, ngày 28/2/1902, chuyến xe lửa xuất phát từ ga Hàng Cỏ đưa vua Thành Thái, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, nhà vua Malaysia, hoàng gia Campuchia, đô trưởng Viên Chăn (Lào) tới làm lễ khánh khánh thành cầu Long Biên, cây cầu lớn nhất Đông Dương.

Cầu Long Biên dài 2.500 m, rộng 30,6 m, có một đường sắt và hai làn đường bộ. Độ cao móng nổi từ mặt nước đến mặt cầu là 44 m, ngập nước 30 m. Phần cầu vượt phía nội thành dài 800 m, gồm 20 trụ đá nối với nhau bằng 9 dầm sắt khổng lồ, mỗi dầm dài 61 m. Toàn bộ 30.000 m3 đá và 5.300 tấn thép cùng các vật liệu khác, kể từ viên sỏi, viên đá xanh... đều được vận chuyển từ Pháp sang[135].

Hình 83. Cầu Long Biên năm 1925.

 

Đầu thế kỷ 20, Long Biên là cây cầu lớn và đẹp nhất khu vực và là một trong 4 cầu lớn nhất thế giới.

            Khi cả Hà Nội mới có duy nhất cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, mọi phương tiện ôtô, tàu hỏa, xe máy, xe thô sơ, khách bộ hành đều đi chung trên cây cầu này. Mỗi lượt qua lại phải xếp hàng cả giờ đồng hồ.

 

Hình 84. Cầu Long Biên hiện tại. (ảnh: Xuân Thu)

 

Từ khi có thêm hai cầu Thăng Long, Chương Dương, cầu Long Biên chỉ còn dành riêng cho người đi bộ và xe thô sơ. Cũng vì thế, cầu được đặt thêm một tên mới: cầu của người nghèo. ở tuổi 100, hiện mỗi ngày cầu Long Biên gồng mình gánh khoảng 35.000 lượt người với hàng chục nghìn lượt xe thô sơ và tàu hỏa qua lại.

Hình 85. Vị-trí 3 cây cầu Long-Biên, Chương-Dương và Thăng-Long (quanh Hà-Nội) nối tả-ngan với hữu ngạn Sông Hồng

 

Việc nâng cấp cầu Long Biên sẽ được tiến hành trong năm nay với tổng kinh phí 70 triệu USD. Số tiền này được vay từ vốn ưu đãi và viện trợ của Chính phủ Pháp hoặc vốn ODA Nhật Bản. Dự kiến cầu sẽ có 4 làn xe cho ôtô, phần dành cho đường sắt sẽ cải tạo thành đường cho người đi bộ.[136]

 

Hình 86. Cầu Long Biên hồi đầu thế-kỷ 20

 

3.27 - Người thợ Việt Nam Xây “Cầu nối 3 Thế-kỷ”

            Vào tháng 4-1897, sau khi nhậm chức hai tháng, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer[137] đă phê chuẩn dự án xây cầu bắc qua sông Hồng. Cây cầu mang tên Pháp Paul Doumer, tên Việt Long-Biên, cần-thiết cho việc vận chuyển bằng đường bộ và tàu hoả từ Hà Nội xuống cảng Hải Pḥòng, lên Lạng Sơn, Lào Cai sang tận Côn Minh. Hàng từ Vân-Nam theo đường sắt tới Hà-Nội cũng theo cầu này ra tàu biển…

Có nhiều câu chuyện về những người thợ cầu Việt Nam thời đó. Trong  cuốn hồi ký của Ông, Paul Doumer đă có những ḍòng viết trân trọng về họ: "Những người thợ An Nam xây trụ cầu ngồi trong các két sắt đi xuống nước như những con tàu dấn sâu vào đáy sông rồi sau đó thì vào vùng khí nén, nơi đó sâu tới 30 -33m, sự làm việc trở nên khó nhọc đến mức kinh khủng. Những người thợ Việt (An Nam) mảnh khảnh xuống đến độ sâu như thế nhưng họ không hề sợ hăi, thản-nhiên làm việc. Rồi những thanh thép được đưa sang lại cũng chính là những người thợ Việt lắp ráp. Lúc đầu, người ta tuyển phần lớn là người Tàu, tưởng rằng họ khoẻ hơn người Việt nhưng dần dần chính những người Tàu ấy lại được thay thế bằng người Việt-Nam. Nếu họ có kém sức hơn một chút nhưng ngược lại họ lại năng động hơn, tinh nhanh khéo léo…". Cây cầu dự định sẽ phải xây dựng trong 5 năm nhưng do nhà thầu và thợ giỏi nên chỉ hơn 3 năm (12/9/1898 - 28/2/1902) đă được hoàn thành.[138]

Ðến nay cây cầu đó sau hơn một trăm năm vẫn tồn tại, vắt ngang ba thế kỷ.

 

3.26 - Hệ-thống Thủy-điện Việt-Nam, Nay và Mai

            Không những là một nước nghèo so với thế-giới tiến-bộ mà còn sau chân ngay cả những quốc-gia vùng Ðông-Nam-Á, Việt-nam chỉ mới bắt đầu đạt được vài thành-quả điện-lực-hóa quốc-gia vào cuối thế-kỷ thứ 20..

 

 

Hình 87. Hệ-thống Thủy-điện Việt-Nam, nay và mai.

 

Chương-trình năng lượng mới của Việt-Nam bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện nhỏ, năng lượng thủy triều.. Trong thời gian đầu Việt-Nam đã tập trung vào năng lượng mặt trời để sấy các sản phẩm nông nghiệp cao cấp, đun nước nóng, tiếp thu các thành quả nghiên cứu về tế bào quang điện, nghiên cứu chế tạo các thiết bị sử dụng điện mặt trời (inverter, low energy demand light)... Tuy vậy, vào đầu thế-kỷ 21, ngành thủy-điện vẫn là nguồn cung-cấp năng-lượng chính-yếu cho cả nước. 

 Theo tính toán của Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN), với tốc độ đầu tư và tăng trưởng phụ tải điện như hiện nay, trong vòng 3 năm nữa sẽ xảy ra hiện tượng thiếu điện trong cả nước. Ðể bảo đảm không xảy ra thiếu điện, Việt-Nam đã dự-trù xây-dựng thêm các nhà máy điện: Rào Quán, Plei Krông, Sê San 4, Knak, An Khê, Ðồng Nai 3 và 4, Thượng Kon Tum, nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh và nâng cấp nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1.

Trong tương-lai gần, viêc khai-thác những nguồn năng-lượng thiên-nhiên ngoài Vịnh Bắc-Việt như từ gió, nước biển, thủy-triều xem ra chưa được quan-tâm đến. Theo Giáo-Sư Lê-Bá-Thảo, Nhà Nước Việt-Nam có chính-sách liên-tục phát-triển thủy-điện trên toàn lãnh-thổ. Các nhà khoa-học thuộc Viện Phát-triển Quốc-Tế Harvard, trong khi cân-nhắc giữa khí và thủy-điện Việt-Nam, có ý-kiến cảnh-giác rằng “chính-sách dựa quá nhiều vào nguồn thủy-điện sẽ không khuyến-khích được hoạt-động thăm-dò và sản-xuất khí. Chính-sách Nhà Nước là phải phát-triển đồng-bộ và có cân nhắc tất cả các nguồn tài-nguyên[139].


 

Chương 4

Vịnh Bắc-Việt, Nơi Khai-nguyên Hàng-Hải

 

4.1 - Văn-minh và Hàng-hải

Người khen nâng lên, kẻ chê đạp xuống; sự đánh giá văn-hóa Việt-Nam cổ thời rất là khác-biệt. Ðã có nhiều người cho rằng căn-bản của dân ta quá thấp kém. Thí-dụ như trong cuốn sách “Tổ Quốc Ăn Năn”, tác-giả Nguyễn Gia Kiểng đã nhận-xét như sau:"…chúng ta có lẽ là nền văn minh phù sa muộn nhất… dấu ấn của nền văn minh phù sa: cần cù, nhẫn nại, nhưng thủ cựu, thiếu sáng kiến và thiếu óc mạo hiểm. Ông cho rằng tổ tiên của chúng ta qua nhiều ngàn năm, tuy sống bên cạnh biển, mà chỉ nhìn biển với cặp mắt sợ hãi, không sáng chế ra kỹ thuật hàng hải nào cả.[140]

            Chúng tôi đồng-ý với Ông Kiểng là thế-hệ chúng ta có thể “thủ cựu, thiếu sáng kiến, thiếu óc mạo hiểm, và ... sợ biển”, thế nhưng tiền-nhân chúng ta thì không. Một số chứng-cớ sau đây góp phần “biện-hộ” cho người xưa  đã “không sợ biển” và nhiều ít vinh-danh những đóng góp to lớn của Ông Cha chúng ta trong kỹ-thuật hàng-hải. Ðặc-biệt đáng nhấn mạnh ở đây, hầu hết các công-trình phát-minh hàng-hải đều đã được thực-hiện bên bờ Vịnh Bắc-Việt và Biển Ðông.         

 

4.2 - Tiền-nhân chúng ta sống ngoài biển thời Băng Ðá

Trong lịch-sử trái đất, mực nước biển đã dâng lên hạ xuống nhiều lần, sự sai-biệt có tới 150m. Cách nay chừng 18,000 năm, diện-tích Biển Đông chỉ bằng phân nửa hiện nay. Dân-cư vùng duyên-hải vốn sống bằng cách thu-lượm tôm cá, sò ốc. William Meacham[141] khi nghiên-cứu bản-đồ địa-hình đáy biển, cho biết lúc xưa bờ Biển Đông tương-đối bằng phẳng nhưng bị sông, hồ nước chia cắt khắp nơi[142]. Khoảng 14,000 năm trước đây, bè tre đã xuất-hiện như phương-tiện di-chuyển chính-yếu.

 

Hình 88. Hình-thể Biển Đông với các đồng-bằng thời Băng-đá  Theo ý-kiến của một số nhà khảo-cổ, dân-cư của vùng Nanhai, Sunda sinh sống trong môi-trường hàng-hải[143])

 

Nhà khảo-cổ Malcolm F. Farmer, trong khi đi tìm nguồn gốc thuyền bè, đã thấy rằng Vịnh Bắc-Việt là nơi có chứng-cớ nhiều truyền-thống liên-hệ nhất giữa những loại bè thời cổ với thuyền độc-mộc và với các ghe thuyền kiến-trúc có sườn, có khung sau này. Farmer cho rằng chính trên các loại bè này, người ta đã phát-minh cánh buồm đầu tiên. Chắc chắn "Bè có trang-bị Buồm" là phương-tiện viễn-duyên đầu tiên của nhân-loại. [144]

Rồi qua thời Hậu Băng-Ðá[145], nước biển cứ cao dần. Khi mực nước biển gần đạt đến mức-độ như hiện nay, chừng -25m, bờ biển đã lùi sâu vào lục-địa, gặp đúng chỗ địa-thế lởm chởm, lồi lõm. Nhiều nhóm người sống trên các hải-đảo. Sự liên-lạc, di-chuyển bằng thuyền bè trở nên càng ngày càng cần-thiết hơn.

Hình 89. Bờ biển xứ ta lúc xưa phẳng-phiu chia cắt bởi nhiều sông, hồ, nay lởm chởm lồi lõm.

 

Các trở ngại, khó khăn trên biển đã thúc-đẩy con người phải phát-minh ra những cánh buồm, những bánh lái, những loại thuyền nhiều thân và những cơ-phận điều-khiển khác để việc hải-hành được an-toàn hơn, tránh bị thổi ra ngoài khơi[146]. Meacham tin rằng 6,000 - 4,000 năm trước Tây-lịch, những nền văn-minh vùng châu-thổ sông Hồng bắt đầu nảy nở. Đồ gốm đã được nặn trên bàn xoay ở Đậu-Dương. Khoa khảo-cổ cũng tìm thấy dây câu, lưới bắt cá và thuyền độc-mộc. Phần lớn  dân-cư sống bằng ngư-nghiệp. (4,000 năm TTL..). Nhiều người đặc-biệt thích-nghi với môi-trường nước, một số nhỏ hơn sống suốt đời trên bè, trên ghe. Một vài nhóm trở thành những bộ-lạc hải-du.[147]

4.3 - Môi-trường Ðộc-nhất thời Băng Ðá tạo Sinh-hoạt hàng-hải

            Vùng Ðông-Nam-Á nói chung và vùng Vịnh Bắc-Việt nói riêng là nơi duy-nhất trên thế-giới đã trải qua nhiều cuộc biến-chuyển mạnh mẽ về địa-lý và nhân-văn đặc-biệt ảnh-hưởng bởi môi-trường nước.

Một số nhà nghiên-cứu cho rằng sự thay đổi về địa-lý Biển Đông không những chỉ làm thay đổi môi-trường sinh-sống của sinh, thực-vật trên đất, dưới biển trong vùng mà còn tạo-dựng lên cả một cuộc biến-đổi to lớn làm phát-sinh những nền văn-minh quan-trọng về nông-ngư-nghiệp cùng hàng-hải có thể gọi là tiền-tiến của nhân-loại.

Tài-liệu mới nhất là cuốn “Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia” của Bác-Sĩ Stephen Oppenheimer, xuất bản tại Anh Quốc năm 1999. Dựa trên những kiến-thức cập nhật mới đây của các ngành khoa-học như di truyền học, nhân chủng học, thần thoại, văn học dân gian, ngôn ngữ học, hải dương học, khảo cổ học... để cho ra đời một cuốn sách làm cho nhiều nhà nghiên cứu Đông Nam Á học và khảo cổ học phải ngẩn ngơ... Có người còn cho rằng đây là một quyển sách quan trọng vào bậc nhất trong ngành Đông Nam Á học![148]

Chính tác-giả Oppenheimer đã viết: "Lý thuyết mà tôi trình bày trong cuốn sách này. lần đầu tiên, đặt Đông Nam Á vào trung tâm của các nguồn gốc văn hóa và văn minh. Tôi cho rằng nhiều người đã phải di tản khỏi vùng duyên hải của họ ở phương Đông vì lụt lội. Những người tỵ nạn này từ đó vun đấp những nền văn minh vĩ đại ở phương Tây."

Ðã có nhiều nhà khoa-học cố gắng giải-thích sự hình-thành nền văn-hóa hàng-hải của dân Việt nói riêng và của dân Đông-Nam-Á nói chung. Những sắc-thái đặc-thù này khác-biệt hẳn với sắc-thái văn-hóa hoàn-toàn lục-địa của Trung-Hoa.

 

4.4 - Sự phân-tán văn-minh theo đường hàng-hải

Lý-thuyết Norman cho rằng một số lớn dân Đông-Nam-Á khởi-sự trước hết bằng cuộc sống ở duyên-hải[149], sau này hội-nhập với dân-cư vùng cao-nguyên nhưng rồi trở về lại vùng đồng-bằng gần biển, tiếp-tục phát-triển nghề hàng-hải.

Wilheim G. Solheim cho rằng 6,000 năm trước, dân Đông-Nam-Á đã mạo-hiểm ra khơi vì nhu-cầu di-chuyển. Gió bão và hải-lưu của Biển Đông và Thái-bình-Dương đã cuốn trôi một số người tới Nhật-Bản, trong khi các nhóm khác bị quét sang Phi-luật-Tân, Nam-Dương và Melanesia. Tiếp theo, những toán dân-chúng di-chuyển tới các đảo ngoài khơi Thái-bình-Dương và sang Madagascar.

 

Hình 90. Thuyết Buckminster Fuller về Hải-lộ phân-tán dân-cư. Khi nước biển dâng cao, từ Biển Đông di-dân đi ra khắp nơi theo các giai-đoạn phát-minh thuyền bè, buồm, xiếm...

 

Bàn rộng hơn thế nữa, cũng theo Solheim, Biển Đông của Đông-Nam-Á thời cổ còn là nơi phát-sinh những đường hàng-hải giao-tiếp với các nơi ở dọc biển Á-châu, Âu-châu, Phi-châu, Đại-dương-châu và cả Mỹ-châu. Solheim lý-luận rằng chỉ có sự kiện Đông-Nam-Á giữ vai-trò trung-tâm phân-tán như trục một cái bánh xe tỏa nan-hoa ra khắp nơi mới giải-thích được hiện-tượng lịch-sử là tại sao các chủng-tộc khác-biệt của loài người sống xa cách nhau trên khắp thế-giới lại có nhiều sự tương-đồng về sinh-hoạt văn-hóa như vậy![150]

Cùng nhận-định như Solheim nhưng đi trước ông tới 40 năm, nhà ngữ-học Pháp Paul Rivet đã làm nhiều cuộc nghiên-cứu và kết-luận rằng: "Từ vùng Đông-Nam Á-châu, một thứ ngôn-ngữ đã được truyền-bá đi bằng đường hàng-hải đến Nhật-Bản, Tasmania, Địa-trung-hải, Phi-châu và Mỹ-châu".[151]

 

Hình 91. Quan-niệm truyền-bá ngôn-ngữ ĐNÁ đi khắp thế-giới theo đường hàng-hải, khởi-sự từ Biển Đông (Paul Rivet, 1929.)

 

Carl Sauer duyệt-xét những biến-chuyển về địa-lý Biển Đông trong thời-khoảng mười mấy ngàn năm trước đây, đưa ra kết-luận về tinh-thần tiến-bộ của cư-dân người Việt (Yüeh) thời cổ như sau: "Mực nước Biển Đông dâng cao làm tăng thêm nhịp bồi-đắp phù-sa lên những khu thung-lũng duyên-hà trong khi các vùng đất thấp tiếp-tục bị lụt. Dân-cư khi xưa sống rải rác thì lúc này thu lại thành các vùng cư-trú dọc theo nguồn nước... Một thế-giới mới đã thành-hình, sự thay đổi môi-trường vật-lý địa-dư đã trở thành cơ-hội thuận-tiện tối đa cho những dân thích phiêu-lưu và mong tiến-bộ... Người dân bỏ sự nhàn rỗi và nhờ trí-óc tò-mò để tìm thử-nghiệm, một cộng-đồng như vậy chỉ cần một thời-gian ngắn để chuyển-tiếp từ ngư-nghiệp sang thẳng nông-nghiệp.[152]

Cùng với Meacham, Sauer ý-thức tầm quan-trọng của ngư-nghiệp và hàng-hải trong tiến-trình văn-minh Đông-Á thời cổ. Khác biệt hẳn với các nơi khác trên thế-giới, Biển Đông và vùng đất chung-quanh có tới hai vụ gió mùa trong một năm, nên hoàn-cảnh rất thuận-lợi cho sự phát-triển các ngành nông-nghiệp, ngư-nghiệp và hàng-hải.[153]

Vì Biển Đông có hai mùa gió nên việc hải-hành viễn-duyên khi đi cũng như khi về rất tiện-lợi. Hàng-hải phát-triển kéo theo sự bành-trướng thương-mại. Sự trao đổi hàng-hóa nâng cao kỹ-thuật chế-tạo phẩm-vật và phương-tiện giao-thương.

Charles F. Keyes viết trong sách "The Golden Peninsula"[154] rằng Việt-Nam là nơi phát-khởi nền văn-minh Hoà-Bình trải rộng khắp Đông-Nam-Á. Keyes đã xác-định hai điểm sau:

- Quá-trình văn-hóa thời tiền-sử của toàn vùng Đông-Nam-Á thường được chia ra làm những giai-đoạn mà chỉ-danh từng giai-đoạn lấy từ địa-danh các vị-trí khảo-cổ tiêu-biểu nhất như Hòa-Bình, Bắc-Sơn, Đông-Sơn; tất cả đều nằm trong Bắc-phần Việt-Nam (trang 182.)

- Thời-đại Đồ Đồng xuất hiện vào khoảng 3,000 đến 2,500 năm TTL. ở Đông-Nam-Á, nghĩa là khởi-sự sớm hơn Trung-Hoa và Ấn-Độ. Biểu-tượng chính của nền văn-minh này là những Trống Đồng tìm thấy ở nhiều nơi xa xăm như Fores, Sulawesi thuộc Nam-Dương quần-đảo. Những trống đồng như vậy đều được đúc tại vùng đất Đông-Sơn nhỏ hẹp của Việt-Nam, từ đó trống được phân-phối đi khắp Đông-Nam-Á theo đường hải-thương (trang 16.)

Nằm cạnh bờ Vịnh Bắc-Việt, nền văn-minh Đông-Sơn không những chi-phối các sinh-hoạt con người toàn vùng Đông-Nam-Á mà còn ảnh-hưởng xa hơn, ra các đảo Thái-Bình-Dương và đến cả Mỹ-Châu. Điều cần-thiết phải nhấn mạnh là Đông-Sơn, đặc-biệt hơn một số các nền văn-minh khác ở chỗ nó nhuốm mầu sắc hàng-hải, hướng về biển cả hơn là đất liền. Cũng nhờ đó, Đông-Sơn trở thành một trong các nền văn-minh có địa-bàn rộng rãi bao la nhất trong lịch-sử nhân-loại. Cho dù các văn-minh Cận-Đông, Ai-cập, Ấn-Độ, Trung-Hoa, Hy-Lạp, La-Mã... có chói sáng, có vĩ-đại mấy đi nữa; cũng chưa bao giờ được kể là đã đi xuyên đại-dương, vượt ngang qua nhiều đại-lục.

 

Hình 92. Trống Đồng ghi-dấu khắp nơi ở Đông-Nam-Á (Trống Đông-Sơn, Viện Khảo Cổ Học, Hà Nội 1987, trang 131.)

 

Trong học-thuyết về nền văn-hóa Đông Sơn, Victor Golubev[155] nói đến ảnh hưởng của nó ra các khu-vực lân cận. Ông nêu rõ các dấu tích ảnh hưởng của nền văn-minh Đông Sơn cổ ở những quốc-gia miền Nam và vùng ven biển Trung Quốc, quần-đảo Nhật Bản, ở các dân-tộc Nam Đảo châu Đại Dương. Là người ủng hộ tư tưởng về những cuộc tiếp xúc văn-hóa rộng lớn thời cổ, ông kiên trì nhấn mạnh nguồn gốc bản-địa của nền văn-hóa Đông Sơn. Trong cuộc tranh luận với E. Gaspardone, ông đã bác bỏ quan điểm chủ đạo trong ngành Hán-học Pháp rằng, dụng-cụ bằng kim-loại, cũng như nhiều đặc trưng khác của nền văn-minh và văn-hóa Trung Hoa, mới du nhập vào Việt-Nam sau khi nhà Hán xâm chiếm được đất Việt.[156]

 

4.5 - Ghe Thuyền Việt-Nam Kỹ-thuật cao trong Cổ-thời

Nhiều nhà nghiên-cứu hàng-hải Âu Mỹ đồng-ý với quan-điểm của Clinton R. Edwards rằng bờ biển Việt-Nam, đặc-biệt vùng Vịnh Bắc-Việt và Hoa-Nam chính là nơi quy-tụ nhiều kiểu ghe thuyền phong-phú hơn bất cứ nơi nào khác trên thế-giới. Kiến-trúc Tàu bè Việt-Nam rất độc đáo và đã đạt đến trình-độ kỹ-thuật cao ngay từ cổ-thời.

Edwards cho rằng những Người Biển (Orang Laut) ở Đông-Nam-Á thuộc những bộ-lạc Hải-du (Sea nomads) phát-triển truyền-thống hàng-hải trước khi chính họ mở mang nông-nghiệp.[157]

Tuy vậy nhân-loại ít lưu-tâm tới quá-trình hàng-hải đó nếu như trong khoảng bốn thập-niên trở lại đây không có phong-trào nghiên-cứu những giao-tiếp Á-Mỹ trước thời Kha-Luân-Bố[158]. Một trong những học-giả uy-tín nhất là Robert Heine Geldern đã nhận ra nhiều mối liên-hệ văn-hoá giữa Mỹ-Châu và bờ biển Á-Đông mà trong đó nền văn-hoá Đông-Sơn của Việt-Nam rất đậm nét.[159] Vì giao-tiếp chỉ có thể thực-hiện được bằng đường biển nên người ta cần tìm hiểu kỹ-thuật kiến-trúc ghe thuyền. Đó là lý-do thúc đẩy các nhà xuất-bản cho in các cuốn sách nghiên-cứu mới và tái-bản những sách cũ mà tài-liệu liên-hệ đến nền hàng-hải cổ-thời của Việt-Nam.[160] 

 

4.6 - Người Việt Tiên-phong về Kiến-trúc Ghe thuyền

            Chúng tôi đã điểm qua các thuyết về quá-trình hàng-hải của dân ta. Nếu quả thực như vây, chúng ta phải tìm kiếm xem dân ta đã phát-minh và hoàn-thiện ghe tàu như thế nào thì mới hoàn-toàn thuyết-phục được mọi người.  

Nói về những thành-quả phát-minh của người Việt trong công-tác kiến-trúc thuyền bè, người ta sẽ phải viết rất nhiều. Ðề-tài này chưa được nhiều người Việt-Nam nghiên-cứu và viết thành sách. Riêng chúng tôi trong khi đi tìm ra những điểm mốc căn-bản cho kỹ-thuật hàng-hải thời cổ, đã thấy rằng nhân-loại nói chung đã đi từ khúc cây làm bè, chuyển dần qua thuyền, cải tiến buồm để di-chuyển mọi hướng (quan-trọng nhất là đi chếch ngược với hướng gió) và có lẽ sau cùng nghĩ ra cách vận-chuyển (lái) thuyền tự-động (không cần người lái). Những mốc bức-phá quan-trọng nhất về hàng-hải đúng là đã xảy ra tại Biển Ðông (mà cái nôi là Vịnh Bắc-Việt).

Sau đây, chúng tôi xin lược-kê các phát-minh được thực-hiện bởi tiền-nhân người Việt chúng ta, như sau:

- Chế-tạo bè tre gồm những cây tre có đặc-tính nổi tự nó. Bè tre không giống ghe thuyền phải tạo ra khoảng không-gian kín nước mới nổi được. Sự kết hợp các cây tre tạo tác-dụng như những thuyền nhiều thân mang lại sự bền-vững (Moment cân-bằng là bội-số gia-tăng theo số các thân thuyền).

- Phát-minh buồm để có thể sử-dụng được cả hai mặt (for and aft lugsail). Tiến-bộ của kỹ-thuật này giúp thuyền đi chếch ngược hướng gió.

- Phát-minh các ô kín nước (áp-dụng từ đặc tính tự nổi của (bè) tre) để gia-tăng sự an-toàn. Kỹ-thuật kiến-trúc mềm dẻo, làm thân thuyền thích-nghi với sóng gió.

- Phát-minh bánh lái đặt ở đuôi trục giữa thuyền giúp thuyền vận-chuyển dễ-dàng và chính-xác hơn.

- Phát-minh cây xiếm, phối-hợp xiếm với buồm để thuyền tư-động lái theo một hướng cố-định với hướng gió. 

 

4.7 - Khả-năng Ði Biển của Bè Tre Việt-Nam

            Theo Malcolm F. Farmer, không những bè mảng là thứ "phương-tiện nổi" đầu tiên được trang-bị buồm; bè mảng còn là tiền thân của các loại ghe thuyền có nhiều khoang kín nước ngày nay.[161] 

- Bè tre tự nó, theo kiến-trúc là một loại phương-tiện nổi gồm nhiều ngăn kín nước là những lóng tre. Người Việt là giống dân độc-nhất sử-dụng đủ các loại tre, bương, luồng… trong mọi kiến-trúc ghe thuyền.

Stephen C. Jett, một học-giả uy-tín chuyên kháo-cứu về khả-năng vượt biển của nhân-loại về cổ-thời, đã phát-biểu trong bài "Diffusion versus Independent Development" như sau:"...sức tác-dụng của sóng gió tăng theo với quán-tính của những con thuyền nặng nề và do đó cũng làm cho nó dễ bị bể vỡ hơn. Một con thuyền hay một chiếc bè nhỏ bé nhưng kiến-trúc tốt, dễ dàng hoàn-tất việc vượt đại-dương. Ðặc-biệt tốt hơn nữa nếu kiến-trúc lại mềm dẻo, tỷ như các loại bè ghép bằng cây tre và loại thuyền kết bởi ván gỗ (flexible construction as lashed-log rafts and sewn-plank boats)[162]...". Đặc-tính kiến-trúc và cả hai loại bè và thuyền ưu-việt kể trên đồng-thời đều hiện-hữu tại Việt-Nam.

 

4.8 - Phát-minh Bánh lái

            Một mẫu thuyền bằng đồ gốm, có đầy đủ bánh lái và trục bánh lái nằm giữa đuôi thuyền được tìm thấy ở Quảng-Châu, gần kinh-đô Phiên-Ngung của nước Nam-Việt trong thời nhà Triệu (thế-kỷ thứ nhất TTL.) Phát-minh quan-trọng về lái tàu đã khởi-sự trước đó 6 thế-kỷ trước thời-gian này. Hình-ảnh bánh lái đã xuất-hiện trên trống đồng Đông-Sơn. Vì vùng Quảng-Châu là đất những người người Việt cổ sinh sống trước kia, nên người ta tìm ra mẫu thuyền có bánh lái ở đó.

            Cùng suy-luận như vậy, Per Sorensen cho rằng quan-sát những hình thuyền trên trống đồng, người ta nhận thấy có sự cải tiến kỹ-thuật bánh lái theo thời-gian. Trên trống loại OB 89 (Tam Ongbah, Thái-Lan), bánh lái như được gắn vào một cái trục ở đuôi thuyền. Trên trống Hữu-Chung (Việt-Nam), bánh lái được thiết-trí tương-tự như một số ghe thuyền ngày nay. Những thay đổi này đã mở đường cho những khả-năng hải-hành ngoài biển rộng.[163]

            Ảnh-hưởng to lớn đến ngành hàng-hải như vậy mà chỉ được người Âu-Châu biết đến và áp-dụng vào thế-kỷ thứ 12. Một số sử-gia cận-đại phát-biểu rằng chiếc bánh lái sau khi gắn vào đuôi Tàu Tây-phương đã đẩy mạnh thời-đại thám-hiểm cùng khám-phá đất lạ và dĩ-nhiên sau đó, bành-trướng chế-độ thuộc-địa. Văn-minh Tây-phương, thường được gọi là "Rise of the White" bắt đầu bộc-phát mạnh cũng từ đấy.

Hình 93. Bánh lái trên thuyền Quảng-Châu với phần ghi chú "không phải của người Tàu " (China's Civilization, Arthur Cotterell & David Morgan, New york, 1975.)

 

Hình 94. Trang-cụ kiểu bánh lái được gắn nơi lái các thuyền Đông-Sơn (700 năm trước Tây-Lịch).

           

Theo những khám-phá kể trên, từ thời văn-minh Đông-Sơn, dân Việt chúng ta đã phát-minh ra cách-thức điều-chinh độ sâu của các bánh lái và cây xiếm. Đến nay, những trang-cụ độc-đáo này còn sử-dụng trên các loại bè vùng từ cửa sông Thái-Bình đến bờ biển miền Trung, trên các ghe bàu, ghe nang,... chạy khắp nơi trong nước.

 

4.9 - Chế-tác buồm đi trước thời-đại

            Một số khoa-học-gia, trong đó có Edwin Doran Jr., Christian J. Buys & Sheli O. Smith đã nghiên-cứu và phát-hiện rằng cánh buồm đầu tiên xuất-hiện giữa vùng Biển Đông (Việt-Nam / Ðông-Dương) và New Guinea.[164] Đồ gốm và đá mài tìm thấy trên các đảo trong vùng này chứng-minh những giao-tiếp bằng đường biển đã xảy ra trước khoảng thời-gian 1500 TTL. (Doran, 1973: trang 49.) Khuynh-hướng chung ngày nay đã xác-nhận rằng đồ gốm, đá mài và các tiến-triển văn-minh đầu-tiên đã khởi đi từ vùng bìa lục-địa tại Việt-Nam.

            Khảo-cổ-học tuy xác-nhận buồm hình chữ-nhật đã có ở Ai-cập 4,000 năm TTL nhưng cũng cho biết dáng vẻ ấy ít thay đổi suốt mấy ngàn năm sau đó. Thuyền Ai-cập có thể rất to lớn nhưng thường thường di-chuyển được nhờ mái chèo và chỉ hải-hành cận-duyên. Qua đến ngày tàn của đế-quốc này (khoảng 1,200 TTL), loại thuyền buồm thực-sự của người đảo Crete cũng như dân xứ Phoenicia mới xuất-hiện.[165]

Ở Á-Đông, người ta có thể thừa nhận trong khoảng thiên-kỷ thứ 4 hay thứ 3 TTL, người Đông-Dương (và những dân-cư Bách-Việt sống trên đất Tàu ngày nay) đã sử-dụng ghe thuyền đi biển.[166] Theo lẽ đương nhiên, bè mảng chạy buồm có khả-năng đi biển đã xuất-hiện trước khi ấy một thời-gian (Doran, 1971.)[167]

Hình 95. Thuyền buồm Ai-cập.

 

 Vì người Tàu thời đó còn đang sinh sống trên thượng nguồn sông Hoàng-hà, rất xa biển; những thành-tích này hẳn nhiên phải do người Việt, lúc đó đang cư-ngụ ở vùng duyên-hải, thực-hiện. Các tác-giả trên đồng-ý rằng kỹ-thuật chạy buồm Á-Đông đã ảnh-hưởng sang Tây-phương, ngược lại với chiều-hướng suy-tưởng thông-thường.

 

Hình 96. Thuyền Việt-Nam trang bị các loại buồm tứ-giác tiến-bộ nhất

 

            Nhà khảo-cổ Malcolm F. Farmer, trong khi đi tìm nguồn gốc thuyền bè, đã thấy rằng Vịnh Bắc-Việt là nơi có chứng-cớ nhiều truyền-thống liên-hệ nhất giữa những loại bè thời cổ với thuyền độc-mộc và với các ghe thuyền kiến-trúc có sườn, có khung sau này. Farmer cho rằng chính trên các loại bè, người ta đã phát-minh cánh buồm đầu tiên. Chắc chắn "Bè có trang-bị Buồm" là phương-tiện viễn-duyên đầu tiên của nhân-loại.[168]  

            Theo Robert Temple, tác-giả cuốn sách "The Genius of China, 3,000 years of Science, Discovery and invention"[169], sự tiến-triển vĩ-đại nhất về kỹ-thuật chạy buồm là ở chỗ người Á-Đông đã đi từ chiếc buồm đơn-độc, vuông-vức hình chữ-nhật chuyển sang loại buồm với những cây nẹp ngang, có thể trở mạn để đón gió ở cả mặt sau (fore and aft rig - lug sails) mà nhờ đó thuyền có thể chạy chếch ngược về hướng gió (to sail into the wind.) Ông cũng cho rằng :"Không ngoa khi nói rằng thế thượng-phong của Hải-quân Anh phần lớn nhờ ở tình-trạng sẵn sàng áp-dụng những phát-minh (Á-Đông) nhanh hơn các cường-quốc Âu-Châu khác".

Sách "Science and Civilization of China" quyển 4, mà tác-giả là 2 người Tàu (Wang Ling & Lu Gwei Djen) và một người Anh (Joseph Needham) đã trích-dẫn cuốn sách Nam-Châu Dị-Vật-Chí của Wang Chen và cho rằng "vào thế-kỷ thứ 3, Tàu thuyền ở Bắc và Bắc Trung-phần Việt-Nam đã rất tiến-bộ, chở được tới 700 người và 260 tấn hàng-hoá, mang bốn buồm không đặt thẳng một hàng dọc nên đón được nhiều gió từ những hướng khác nhau."[170]

 

Hình 97. So sánh khả-năng chạy ngược gió của các loại buồm. Lưu ý  các thuyền Tây-phương thường chỉ chạy xuôi gió. Buồm Việt-Nam "fore and aft" giúp thuyền đi sát 45 độ so với hướng gió thổi tới.

           

4.10 - Kiến-trúc Mềm Dẻo

Phát-minh của người Việt trong công-tác kiến-trúc tàu bè đáng kể là ở sự mềm dẻo.

             Bà Françoise Aubaile-Sallenave viết nguyên cả một cuốn sách đề-cập rất kỹ-lưỡng đến cách-thức đóng ghe rất tiến-bộ của Việt-Nam[171]. Theo tác-giả này, hai đặc-tính tiên-quyết trong việc kiến-trúc là ghe Tàu phải nhẹ nhàng và có sức chịu đựng. Cả hai ưu-điểm này đều tìm thấy ở các loại thuyền Việt-Nam. Trong khi kỹ-thuật Tây-phương cố gắng cải-tiến làm sao cho sườn và vỏ Tàu được cứng cáp thì người Việt-Nam từ nhiều ngàn năm qua, vẫn tiếp-tục giữ truyền-thống đóng tàu cho mềm dẻo. Bà Sallenave cũng như những kỹ-thuật-gia kim-thời mới đây đã khám-phá ra rằng muốn kiến-trúc cứng cáp thì vật-liệu đóng thuyền phải nặng, quán-tính do đó cũng tăng theo, dễ bị bể vỡ vì sóng gió; thuyền nhẹ và mềm dẻo thì lực tác-dụng của sóng nước được phân-phối đều trên toàn thể thân thuyền nên sức chịu đựng gia-tăng và thuyền đươc bền bỉ hơn.

 

Hình 98. So sánh Kiến-trúc Tàu thuyền Việt-Nam và Âu-Châu.

 

- Thuyền gỗ khâu. Cũng trong quan niệm kiến-trúc cổ-truyền và độc-đáo như trên, người Việt đã phát-triển khả-năng vượt bực trong việc chế-tạo nhiều loại thuyền không có cả khung hay sườn mà chỉ với một cách đơn-giản là kết những mảnh ván gỗ vào nhau bằng giây.Những mối giây này được kết vào bên trong nên phiá ngoài vỏ thuyền vẫn phẳng phiu.

            Pierre-Yves Manguin viết trong bài "Sewn-Plank Craft of South-East Asia - A Preliminary Survey" như sau: " Nhiều du-khách người Âu-Châu vào thế-kỷ thứ 17 và 18 đã đề-cập đến các thuyền của Việt-Nam bằng ván khâu lại với nhau. Thuyền này chạy biển hay cận-duyên, được gọi là Sinja (thuyền-gia), thường đi lại buôn bán với Thái-Lan và có nhiều tại Trung-phần Việt-Nam. Một vài chiếc chuyên chở tới 150 tấn hàng-hoá"[172].

            Manguin cho rằng kỹ-thuật đóng ghe loại này đã lan-truyền khắp các đảo Thái-Bình-Dương qua đường hàng-hải. Nơi trang 338 của cuốn sách trên, tác-giả còn ước đoán rằng vào thời-gian người Ai-cập đóng chiếc Tàu cho hoàng-gia Cheops (2,600 TTL), dân Đông-Nam-Á khởi-sự hải-hành ra các đảo ngoài Thái-Bình-Dương bằng thuyền, có thể phỏng-định là loại ván khâu rất đặc-biệt này.

            Loại ghe này được sử-dụng vài nơi trên thế-giới kể cả Nam-Mỹ, nhưng không ở đâu ghe đạt kỹ-thuật cao và trọng-tải lớn như tại Việt-Nam.

Hình 99. Kiến-trúc thuyền ván khâu Việt-Nam, có loại chuyên chở được 150 tấn hàng-hoá.

 

- Thuyền đáy mê. Theo cuốn sách "Thanh-thư về Tàu thuyền cận-duyên miền nam Việt-Nam"[173], thuyền có đáy mê (nan tre) là loại thuyền thông-dụng nhất ở Việt-Nam. Hai lối kiến-trúc thường được dùng là đáy mê với mạn thuyền bằng ván be (thành gỗ) và vỏ thuyền hoàn toàn bằng mê. Loại thuyền có vỏ bằng tre đan này nhẹ hơn loại gỗ, dễ thấm dầu chai, chịu đựợc sóng cồn, sức dội khi ủi bãi và không bị mọt ăn. Hơn nữa tre rất dễ tìm và rẻ hơn loại gỗ tốt, còn đáy tre đan lại dễ thay, vừa nhanh lại vừa rẻ tiền. Đáy nan dùng được chừng 5 năm.Kiến-trúc đan bằng nan tre phổ-cập rất rộng rãi với các cỡ ghe thuyền lớn nhỏ, nhiều kiểu như canoes, dinghies, thuyền thúng, thuyền buôn và thuyền đánh cá các loại."

            Jean Yves Claeys cho biết nhiều ghe thuyền ở vùng Nha-Trang có toàn thân làm bằng tre. Chỉ có phần trên làm bằng gỗ. Vỏ thuyền mê có thể bền bỉ tới 20 năm nếu được sử-dụng và bảo-trì đúng cách [174],

            Người Việt-Nam là dân-tộc độc-nhất đã phát-triển và hoàn-thiện đủ mọi loại ghe thuyền bằng tre này.[175]

Hình 100. Thuyền làm bằng nan tre và gỗ. Loại này có lái và cây xiếm mũi (thường gọi là lui-hạ) điều-chỉnh được chiều sâu..

           

4.11 - Thuyền nhiều khoang kín nước

            Theo Malcolm F. Farmer, không những bè mảng là thứ "phương-tiện nổi" đầu tiên được trang-bị buồm; bè mảng còn là tiền thân của các loại ghe thuyền có nhiều khoang kín nước ngày nay.[176] Tất cả Tàu thuyền hiện-đại đều kiến trúc thành nhiều ngăn. Người Tàu đã cố-ý "nhận vơ" nhưng người Việt chúng ta mới thực-sự đúng là tác giả của phát-minh quan-trọng này. Lý-lẽ kể ra như sau:

- Bè tre tự nó, theo kiến-trúc là một loại phương-tiện nổi gồm nhiều ngăn kín nước là những lóng tre. Người Việt là giống dân độc-nhất sử-dụng đủ các loại tre, bương trong mọi kiến-trúc ghe thuyền.  

- Bè là phương-tiện nổi đầu tiên xuất-hiện ở người Đông-Nam-Á. Người tiền-sử rất có thể đã dùng nó để vượt biển sang Úc-Châu từ 40,000- 50,000 năm trước. Người Việt phát-triển những kiểu bè mà kỹ-thuật tân-tiến nhất với nhiều buồm, nhiều xiếm và có khả-năng tự-động giữ hướng đi. 

- Khoa khảo-cổ cho biết những thuyền có khoang kín đầu tiên tìm thấy tại Hoa-Nam, nơi người Việt cư-ngụ lúc xưa. Người Việt có loại thuyền rất cổ là Thuyền Ô vì kiến tạo bằng nhiều ô (khoang) kín nước.

- Người Việt-Nam khởi-sự việc đánh cá trước cả thời Băng Đá; trong khi người Trung-Hoa còn sinh-sống trong nội-địa. Ngư-phủ Việt-Nam thích bán cá tươi nên từ lâu hô chứa cá sống trong ngăn đựng nước, có lỗ thông ra ngoài. Đó là một loại khoang kín nước vậy.

- Thuyền của Việt-Nam không những đã được kiến trúc nhiều ngăn, người Việt còn thấu-triệt nguyên-lý cân-bằng Tàu thuyền. Chúng ta đựng các chất lỏng trong bình, chai, lọ tĩnh trước khi xếp vào khoang thuyền; chúng ta đã nắm được một kỹ-thuật còn cao hơn cả ngăn kín nước nữa.   

 

4.12 - Cây Xiếm, Phát-minh Đảo lộn hàng-hải.

            Sau khi người Bắc-Phi và Âu-Châu biết sử-dụng buồm tứ-giác, họ nhờ gió đẩy thuyền đi, nhưng cánh buồm thường thường trở thành vô-dụng vì không mấy khi thuyền hoàn toàn thuận gió xuôi. Người Địa-trung-hải vì đó, phát-triển tối-đa năng-lực chèo thuyền của những kẻ nô-lệ, có thuyền trang-bị tới 5, 6 hàng chèo và hàng trăm chiếc giầm. Cuộc đời người chèo thuyền thật nặng nhọc, quá khốn khổ và rất ngắn ngủi. Họ phải làm việc dưới roi vọt, miệng bị nút chặt, chân khoá trong xiềng-xích, thiếu thốn thực-phẩm; ít người sống quá 3 năm và khi kiệt lực rồi, chủ quăng xác xuống biển.

            Cho đến thế-kỷ thứ 15, dù đã có nhiều cải-tiến trong kỹ-thuật kiến-trúc, ngoài khả-năng thông thường chạy xuôi gió, Tàu thuyền Âu-Châu cũng chỉ có thể lợi-dụng gió ngang và đành bỏ cuộc khi gió mạnh thổi ngược chiều.

            Cùng trong sưu-tập "Man Across the Ocean" dẫn-chứng ở đoạn trên, Stephen C. Jett cho rằng: "các ghe Á-Đông, nếu nói đến vận-tốc chạy biển, vượt xa chiếc thuyền chạy nhanh nhất trên thế-giới mà còn đi ngược lại được gần với hướng gió hơn bất cứ một chiếc thuyền buồm nào khác". Ngoài hệ-thống buồm hữu-hiệu, cây xiếm đã góp công không nhỏ trong những thành-tích làm tăng-tiến khả-năng hải-hành.

            Trở lại với các hình thuyền trên trống đồng Đông-Sơn, ta thấy tiền-thân của những cây xiếm cũng đã xuất-hiện. Vì trên những thuyền này không có người chèo, nên ta cũng có thể hiểu được là thuyền chạy bằng buồm. Ngoài mái chèo lái ở đuôi và mũi, cả đuôi thuyền lẫn mũi thuyền đều có những bộ-phận đưa ra như mảnh ván nhằm chống với sức giạt. Tổng-hợp tác-dụng của nước trên các trang cụ này đủ để giúp cho thuyền giữ một hướng cố-định, nhờ đó thuyền có thể chạy thẳng về phía trước. Hình-ảnh này không khác mấy với hình-ảnh những loại trang-cụ trên bè mảng hay thuyền buồm ngày nay: Bè ở Bắc và TrungViệt-Nam có tới 3 hay 4 cây xiếm, còn loại thuyền buồm tiêu-biểu ngày nay ở Trung-phần Việt-Nam có bánh lái cùng cây xiếm hình đoản-đao (dagger-board) đặt trong hai lỗ khoét ra ở cả mũi lẫn lái. Loại xiếm ấy không choán chỗ và tỏ ra rất hữu-hiệu trong việc vận-chuyển. Cũng như bánh lái, tầm sâu của xiếm có thể điều-chỉnh được dễ dàng[177] nên thuyền có thể đi vào những nơi nông cạn.

            Giả-thuyết về nguồn gốc cây xiếm này không trái ngược với giả-thuyết nguồn gốc bánh lái được nêu ở một đoạn trên, nó phát-biểu thêm rằng cả bánh lái và cây xiếm đều có thể đã được dân Việt phát-minh nhiều thế-kỷ trước công-nguyên. Cho đến nay, những nét khắc chìm trên trống đồng Đông-Sơn vẫn là chứng-tích cổ nhất và hiển-nhiên nhất về sự phát-minh lái và xiếm.

            Những cây xiếm hình-dáng tương-tự, kể cả thứ xiếm như cây đoản-đao (dagger boards), cũng tìm thấy ở Mỹ-Châu. Các nhà khảo-cổ tin rằng đã có thời chúng được coi như vật thiêng-liêng, làm đồ thờ cúng trong những đền đài.

Cả một hệ-thống xiếm và buồm phức-tạp do thổ-dân Nam-Mỹ sử-dụng trên các bè Balsa trước thời Columbus làm nhiều khoa-học-gia kinh-ngạc và đồng-ý là đã có sự liên-hệ Á-Mỹ trong cổ-thời.[178]

Hình 101. Trên: Thuyền Đông-Sơn, ngoài 2 mái chèo để lái ra (1), còn có 2 trang-cụ như cây xiếm dùng chống giạt (2). Cột buồm nằm ở nửa phần thuyền phía trước (3).

Dưới: Ghe Nang (nan?) ở Trung-phần Việt-Nam với giả-thuyết về sự tiến-hoá của bánh lái và cây xiếm, đi từ những trang-cụ đã có từ cổ-thời.

 

4.13 - Phát-triển đủ mọi loại Xiếm

            Người Việt đã phát-triển đủ mọi loại xiếm. Ngoài loại "phù-bản" thời cổ được tả trong cổ-thư Trung-Hoa[179], loại "mũi, lái" nói trong đoạn trên người ta còn thấy những loại như sau:

Trên thế-giới, thuyền có xiếm thường được trang-bị một cây xiếm, nhưng ở xứ ta thuyền bè có thể được gắn nhiều cây xiếm:

  a- Hệ-thống hai xiếm đồng thời ở mũi và ở lái. Cách này chỉ thấy trên các loại thuyền Việt-Nam.[180]

  b- Hệ thống “lái” phối-hợp nhiều tới 3, 4 cây xiếm, một chiếc bánh lái (hay chèo lái). Trên các bè mảng Trung và Bắc-phần Việt-Nam, cách thiết-trí này là một phát-kiến đặc-thù, giúp cho việc vận-chuyển trên biển thật dễ dàng.

            Khi bánh lái gài thẳng lại, chiếc bè như được trang-bị bởi 4 cây xiếm và nhờ điều-chỉnh tầm sâu của xiếm, người ta có thể giữ cho chiếc bè chay buồm theo đúng hướng đi so với chiều gió, không cần người bẻ lái.

Hình 102. Bè ở Nam-Mỹ-Châu với hệ-thống 9 cây xiếm và một buồm, có chiếc dùng hai buồm. So sánh với bè tre Việt-Nam

 

            Nhìn sang Mỹ-Châu, người ta thấy Thor Hayerdahl đã bỏ nhiều công-lao và cũng tìm ra rằng bè Nam-Mỹ vốn có khả-năng không cần dùng mái chèo hay bánh lái, mà vẫn giữ hướng đi một cách tự-động so với chiều gió. Kỹ-thuật này có lẽ bị lãng quên hồi mới gần đây. Phương-thức vận-chuyển bằng cách điều-chỉnh tầm sâu những cây xiếm được Hayerdahl diễn-tả rõ ràng bằng hình vẽ.[181]

            Phát-hiện này rất quan-trọng dùng minh-chứng rằng các bè Á và Mỹ phải cùng một nguồn-gốc, suy rộng ra người Việt chắc chắn đã đến Mỹ-Châu trong cổ-thời.

            Ngoài biển rộng, khi gió mùa thổi đều đặn, nhiều thuyền Việt-Nam giữ hướng đi khá tốt. Kỹ-thuật này được tạm gọi là lái tự-động (auto-pilot). Một ngư-phủ trong khi cho thuyền chạy vẩn rảnh chân tay để thả lưới hay bắt cá.

 

4.14 - Tính-chất Liên-tục của Phát-minh cùng Công-trình Hoàn-bị Kỹ-thuật

            Căn-cứ vào những phát-minh hàng-hải, các nhà nghiên-cứu thấy rằng không có nơi nào trên thế-giới hội-tụ đầy đủ mọi loại ghe thuyền to, nhỏ; thân đơn, kép; mọi loại xiếm mũi, lái, giữa; mọi loại bơi chêo mái chèo mũi, lái, giữa; mọi loại buồm vuông, tam-gác, đơn kép... như tại Việt-Nam. 

Đủ mọi loại trang-cụ thuyền bè cùng nhau đã tồn tại ở Việt-Nam. Người ta thấy trang-cụ thô-sơ nhất là cách ôm một cây tre bơi bắng tay, đạp bằng chân ra khơi đâm cá. Người ta cũng thấy loại thuyền hoàn-bị nhất, phức-tạp nhất như thân gỗ vỏ mê tre, trang bị năm buồm, có lái, có xiếm, phao phụ bên hông thuyền và không cần người bẻ lái, thuyền tự-động giữ lấy hướng đi

           

Hình 103. Bè Sầm Sơn Thanh-Hóa với trang-bị tối-đa 3 cánh buồm và 4 cây xiếm.

 

4.15 - Kỹ-thuật cao đi trước Tiến-bộ Ðiện-tử

            Chúng tôi đã có ý tìm xem có cuốn sách nào bằng Việt-ngữ nói tới cách "lái thuyền bè tự-động" ở xứ ta nhưng không thấy. Nếu có người Việt-Nam nào viết trước đây thì tài-liệu đã mất mà nay thì có thể rằng kỹ-thuật ấy đã bị sao lãng và cũng không còn ai quan-tâm tới chăng!

Tuy sách Việt-ngữ không có hay bị mất mát, nhưng chúng tôi đã nhận ra nhiều tài-liệu rất lạ đến từ Tây-phương. Các tác-giả này là người Âu-Mỹ đã biết và viết ra nhiều điều về hoạt-động hàng-hải người Việt hơn là chính người Việt viết cho chúng ta.

Trong nhóm này, hai Ông Pierre Huard và Maurice Durand cho rằng thủy-thủ những ghe Mành ở Cửa Lò biết cách-thức điều-chỉnh các cánh buồm làm sao cho phù-hợp với sự điều-chỉnh cây xiếm để chiếc ghe có thể chạy mà không cần người lái trên những hải-lộ định trước. Thuyền tự nó lái lấy và giữ hướng đi trong nhiều ngày dài, không cần phải sửa đổi tay lái.[182]

Hai ông này dẫn-chứng tài-liệu của Laurent: "Voyage de Pierre Poivre" (1749-1750), viết lại theo lời kể khá chi-tiết của nhà ngoại-giao Pierre Poivre về cách điều-khiển "thuyền có lái tự-động". Ông Poivre là người Pháp đến thăm viếng Việt-Nam với hy-vọng được Vua chúa ta mở cửa giao-thương. Ông đã quan-sát và báo-cáo các sinh-hoạt của dân Việt-Nam trong những năm vào giữa thế-kỷ 18. (1749-1750.)

Vào khoảng thập-niên 1930, nhà hàng-hải Pierre Paris cũng nghiên-cứu tới việc sử-dụng những cây xiếm trên thuyền Việt-Nam. Sau khi đã duyệt qua một số tài-liệu bàn về ghe thuyền quốc-tế, Paris tin tưởng rằng sự tương-đồng trong cách thức đi bè "không người lái" của người Việt-Nam và thổ-dân Nam-Mỹ là một trong nhiều cách chứng-minh xác-đáng nhất về sự giao-liên trực-tiếp giữa hai đại-châu Á và Mỹ. Qua cuốn sách "Phác-thảo dân-tộc-học Thuyền bè Việt-nam", Ông đề-nghị các khoa-học-gia nên nghiên-cứu sâu xa đặc-tính của những cây xiếm và bè Trung-phần Việt-Nam.[183]

 

4.16 - Tính-cách Nhân-bản trong Sinh-hoạt Hàng-hải Việt-Nam

            Dựa vào những tài-liệu khả-hữu, phương-tiện hạn hẹp, lại chỉ được nghiên-cứu sơ-sài, người viết xin tóm lược hai nhận xét sau đây có tính-cách "triết-lý" đặc-thù về phát-minh hàng-hải Việt trong cổ-thời :

- Tính-cách nhân-bản và thiên-nhiên. Trong khi tung-hoành trên biển cả kiểu "giang-sơn nào anh-hùng ấy" nhưng dân Việt không làm hải-tặc, không chứng-cớ nào buộc tội tổ-tiển ta về cướp bóc tài-sản hay bắt bớ nô-lệ dù chỉ là để chèo thuyền. Tinh-thần sáng tạo của dân ta hướng về nhân-bản và thuận theo thiên-nhiên. Phát-minh như buồm, xiếm... mục-đích là lợi-dung sức gió thay cho sức người khỏi phải lao-lực trên mái chèo. Kiến-trúc Tàu bè mềm dẻo để toàn thể thân thuyền hấp-thụ bạo-lực của sóng gió, nhờ đó thuyền được bền bỉ và cũng giúp thủy-thủ đỡ mệt mỏi vì sức dội.

- Tính-cách thảo-mộc. Người Việt yêu nước và cũng yêu cây cỏ. Phát-minh liên-hệ đến kiến-trúc Tàu bè dùng toàn nguyên-liệu thảo-mộc tại địa-phương. Dù là giống-dân tiên-phong trong lãnh-vực luyện-kim đồng và sắt, nhưng cho đến thời-đại gần đây người Việt-Nam vẫn hoàn-toàn không dùng đến kim-loại hay khoáng-chất, dù chỉ một chiếc đinh hay một lớp sơn xảm trong khi đóng ráp ghe thuyền.

 

 

Hình 104. Các kiểu ghe thuyền Việt-Nam đầu thế-kỷ 20 theo Pierre Paris – Ông Pierre Paris và nhiều học-giả Âu-Mỹ như Ðô-Ðốc Paris, Joseph Needham… biết nhiều về cổ Hàng-hải Việt-Nam hơn chúng ta ngày nay rất nhiều

 

            Hải-sử phần Cổ Việt trong vùng Vịnh Bắc-Việt hoàn toàn còn là những vùng đất chưa được khai-thác nhưng đầy các điều hưũ-ích và thích-thú. Trên đường đi tìm về nguồn gốc, thiết-tưởng người dân Việt chúng ta nên dành ra một chút thì-giờ và tiền bạc nghiên-cứu rộng rãi hơn lãnh-vực này.

            Trường-hợp những đoạn trên chưa đủ thuyết-phục, xin mời quý độc-giả theo-dõi thêm tài-liệu chi-tiết chúng tôi liệt-kê đầy-đủ mấy chục phát-minh hàng-hải của người Việ-Nam trong cuốn sách tới.

 

4.17 - Sự tiến-bộ của Hải-Quân thời Hùng-Vương

Khoa khảo-cổ Trung-Hoa từ đời Tống đã phát-triển, nhưng không có một ai chú-ý tới trống đồng với tư-cách một hiện-vật khảo-cổ. Lư Đại Lâm với tác-phẩm "Khảo-Cổ-Đồ" không hề nhắc tới trống đồng vì cho rằng không có minh-văn, không có giá-trị sử-liệu.[184]. Sự lầm lẫn này quá lớn và đáng tiếc.Vì nhiều lầm lẫn khác cũng tương-tự như vậy, văn-hoá Tàu không coi trọng hàng-hải. Học-giả người Anh, G. R. Worcester, đã từng than rằng:

"... Và thế là chúng ta đành bỏ cuộc tìm kiếm với niềm tiếc rằng những tranh vẽ, văn-chương và sản-phẩm văn-hoá của người Tàu dưới mọi hình-thức, mặc dù có truyền-thống đáng kể liên-tục hơn 2,000 năm mà lại chứa đựng rất ít về tàu thuyền và thủy-thủ". (The Junks & Sampans of the Yangtze, U.S. Naval Institute Press, 1971: 17.)

Ngày nay, ai ai cũng biết rằng nội-dung hình vẽ thường thường có khả-năng biểu-lộ tư-tưởng tương-đương với cả ngàn lời, ngàn chữ. Trong khoa khảo-cổ, các nét trạm-trổ hay họa-hình thời xưa có giá-trị vô cùng to lớn. Riêng Trống Đồng là những sử-liệu quan-trọng, tự nó nói lên được nhiều chi-tiết xác-thực hơn cả "minh-văn".

Tình-trạng quân thủy thời Hùng Vương đã được người xưa diễn-tả rõ ràng qua các hình khắc trên trống đồng của nền văn-minh Đông-Sơn.

Rất nhiều chi-tiết chứng-minh rằng Hái-Quân thời Hùng-Vương cách nay khoảng 3,000 năm đã tiến-bộ đến độ ít người ngờ tới. Các sách nghiên-cứu về Trống Đồng như cuốn "Trống Đông-Sơn", do Viện Khảo Cổ Học biên-soạn (Hà Nội, 1987), trình-bày rất nhiều chi-tiết lý-thú. Chúng tôi chỉ xin kể sơ-lược một số điểm chính-yếu trong đoạn sau đây:

- Chiến-thuyền lớn có bánh lái (Phạm-Cao-Dương, Lịch-sử dân-tộc-Việt-Nam, quyển 1, 1987, trang 45-46.) Chiến-thuyền Tây-phương chỉ trang-bị bánh lái vào thế-kỷ thứ XII (China's Civilization, Arthur Cotterell & David Morgan, New York, 1975.)

- Chiến-thuyền đi biển chạy buồm. Loại này không có thủy-binh chèo chống, có trụ để dựng cột buồm.

- Vũ-khí trang bị rất hùng hậu, gồm nhiều loại :

* Tầm xa: nỏ thần thiết-trí trên thượng tầng kiến-trúc. Cánh nỏ và mũi tên lớn quá khổ (2-3m). Có lẽ dùng tác-xạ liên-hoàn loại tên bằng đồng hay tên lửa.

* Tầm trung: giáo dàì (2-2.5m)

* Cận-chiến: rìu chiến

* Nhiều thuyền có chó săn (quân-khuyển)

* Một số thủy-binh mang khiên, lá chắn.

 

 

Hình 105. Nỏ thần trên chiến-thuyền đời Hùng-Vương. Pháo-tháp có lẽ được trang-bị cơ-quan máy móc để nạp pháo-tiễn liên-hoàn. Loại Nỏ thần này được ghi nhận trong sử Trung-Hoa.

 

- Kiến-trúc chiến-thuyền có những điểm khác nhau cho những nhiệm-vụ đặc-biệt

* có lầu cao[185], dùng như pháo-tháp cho vũ-khí tầm xa.

* thuyền thân cong dùng cho nhu-cầu vận-tốc cao.

* thuyền có phần mũi thấp hơn để đổ-bộ được dễ dàng.

Hình 106. Chiến-thuyền có lầu (lâu-thuyền). Pháo-tiễn hướng về trước mũi hay sau lái tuỳ theo nhiệm-vụ tác-chiến.

 

   

- Tổ-chức Hải-Quân có lẽ đã khá chặt chẽ. Người ta quan-sát thấy những chi-tiết như:

* cách trang-phục của thủy-thủ khác nhau tùy theo nhiệm-vụ như thuyền-trưởng, thủy-binh cận-chiến, nhân-viên hải-pháo hay lái thuyền. Tuy nét vẽ không đủ chi-tiết nhưng khi phân-tích, người ta thấy dường như Hải-Quân thời Hùng-Vương đã có đồng-phục riêng cho từng chuyên-nghiệp.

* cách phân-nhiệm chiến-thuyền trong hạm-đội như:

(i) thuyền chuyên dùng tấn-công với tư-thế sẵn sàng của chiến-binh và pháo-tiễn hướng về phía trước.

(ii) thuyền hộ-tống hay giữ an-ninh hậu-tập có pháo-tiễn và chiến-binh quay về phía sau.

* phương-tiện truyền-tin và mệnh-lệnh: trồng đồng.

- Một điểm đáng kể ra nữa là nhiều chiến-thuyền được trang-bị ở phía mũi một trang cụ giống như cây xiếm. Trang cụ loại này giúp cho thuyền chạy buồm có thể thay đổi hướng đi hay giữ đúng hướng không cần người lái.[186] Kỹ-thuật Việt-Nam kiểu "auto-pilot" này là một bước tiến vượt thời-gian mà phần lớn Tàu thuyền chỉ mới thực-hiện được ngày nay.

 

4.18 - Thử-nghiệm Thuyết Xuyên-dương

Robert Von Heine-Geldern trong suốt một phần tư thế-kỷ kể từ 1939, đã viết rất nhiều về giao-tiếp Á-Mỹ.  Ông liệt-kê thành hệ-thống những điểm tương-đồng, lưu-tâm khá nhiều đến nền văn-minh Đông-Sơn. Ông cho rằng những dân đi biển ở Đông-Á tới Mỹ-Châu trước hết, người Ấn nhờ học hỏi kinh-nghiệm người đi trước, cũng vượt Thái-Bình-Dương đến sau.  Tàu thuyền Đông-Nam-Á và Ấn-Độ có thể cũng hải-hành về hướng Tây, vượt cả Đại-Tây-Dương tới Mỹ một cách ngẫu-nhiên.

            Người nước ngoài không những thích-thú trong việc  khảo-cứu thuyền bè nước ta, còn quyết-tâm muốn thử-nghiệm lý-thuyết “người Việt cổ xuyên-dương” nữa. Những người can-đảm, không sợ hiểm-nguy làm bè Ðông-Sơn, đóng thuyền Cổ Việt để vượt đại-dương có lẽ đã xảy ra từ lâu. Chúng tôi được biết có chuyến đi như vậy được báo-cáo chính-thức qua sách vở kèm theo cả bản-đồ hải-hành cùng sơ-đồ kiến-trúc thuyền bè của họ.

            - Kuno Knobl, một phóng-viên Đức làm cho Đài truyền-hình Úc, sau khi thấy "chùm giây buộc nút" (knotted cords - kết-thằng) trong viện Bảo-tàng ở Huế giống y hệt loại Quipu của Peru, nhìn nhận ra rằng đã có sự giao-tiếp trực-tiếp giữa hai nơi Việt-Mỹ.  Để chứng-minh niềm tin của mình là đúng đắn, Knobl đứng ra quyên góp tiền bạc, đóng thuyền buồm theo kiểu cổ-thời Đế-quốc Nam-Việt để xuyên Thái-Bình-Dương. Knobl muốn khởi-hành chuyến thử-nghiệm từ Việt-Nam nhưng không được vì lúc đó chiến-tranh đang hồi ác-liệt. Knobt đành thực-hiện chuyến đi từ Hồng-Kông sang Mỹ-châu với thủy-thủ-đoàn 8 người từ Hồng-Kông đi Mỹ-Châu trên thuyền Taiki (Thái-Cực). Nếu biết cách trị con hà (teredo, một loại sâu gỗ thân mềm, đục thủng ván gỗ làm hư hỏng vỏ thuyền) thì họ đã tới bờ biển Mỹ-Châu. Cuối cùng, Kuno Knobl phải nhờ thương-thuyền cứu giúp.  Sách viết bằng Đức-ngữ, nhan-đề "Thái-Cực", bản dịch Anh-ngữ: Tai-Ki, Journey to the Point of No Return.[187]

Hình 107. Hình thuyền Taiki đóng theo kiểu thuyền người cổ Việt với 2 cây-xiếm kiểu “phù-bản”

- Tim Severin, vì thán-phục học-thuyết "xuyên-dương" của Joseph Needham[188] nên đã quyết-tâm minh-chứng rằng người Á-Ðông thuộc nền Văn-hoá Ðông-Sơn đã tới Mỹ nhiều ngàn năm trước đây.

            Severin là một nhà văn Ái-nhĩ-Lan rất ưa thích việc khảo-cứu về hàng-hải. Chiếc bè của Ông được đóng tại Sầm-Sơn (Thanh-Hoá, Việt-Nam) gồm có 220 cây luồng buộc lại với nhau bằng những giây leo trong rừng dài tới 46km. Ðặc-biệt để giữ nguyên kỹ-thuật xưa, thợ làm bè không dùng đến một chiếc đinh nào bằng kim-loại. Thủy-thủ đoàn gồm có 5 người, trong đó có một người Việt-Nam. Họ lái chiếc bè này bằng cách điều-chỉnh độ nông sâu của 10 chiếc xiếm, vào ra những nơi chật hẹp có nhiều tàu thuyền qua lại như hải-cảng Hồng-Kông và quần đảo Ryukyu.  Ðoàn “thám-hiểm” đã hải hành phần lớn một cách tư-động, không người lái, vượt qua 5,500 hải-lý, tức là gần hết hải-trình xuyên Thái-Bình-Dương[189] (chừng 6,500 hải-lý). Nếu Severin nắm vững được cách sơn kín nước thì những luồng đã không ngập nước và họ có thể đã thành-công.

 

Hình 108. Bìa sách in hình-ảnh chiếc bè Sầm-Sơn. Kuno Knobl muốn chứng-minh rằng người Việt đã vượt Thái-Bình-Dương

mấy ngàn năm trước đây.

 

 

 

 

Hình 109. Thuyền Buồm trên tiền đồng -100 đồng- năm 1986

 

Nghề đánh bắt cá đèn: Cách đây vài chục năm trên vùng biển Quảng Ninh còn rất phổ biến nghề đánh cá đèn. Khi đèn thắp sáng trong đêm thì cá đua nhau tìm đến và người ta bủa lưới bắt cá. Du khách có dịp đi cùng thuyền đánh cá đèn tha hồ mà ngắm nhìn tôm cá tung tăng bơi lội dưới ánh đèn.

 

 

 

 


Chương 5

Địa-lý Sinh-Học

 

5.1 - Sinh-Vật tại Việt-Nam

Giáo-sư Phạm-Hoàng-Hộ cho biết "thực-vật chúng Việt-Nam có lẽ gồm vào khoảng 12,000 loài, không kể rong, rêu, nấm. Đó là một trong những thực-vật chúng phong-phú nhất thế-giới. Với một diện-tích to hơn nước ta tới ba mươi lần, Canada chỉ có vào 4,500 loài, kể cả loài du-nhập[190] ".

 

 

Hình 110. Các loài sinh-vật Việt-Nam so-sánh với sinh-vật toàn-thể thế-giới .*Trong 12,000 loài  thực-vật, mới chỉ chừng 7,000 loài được thống-kê.

 

Với một diện-tích đất đai chỉ có chừng 2 phần ngàn (.2%) bề mặt lục-địa-thế-giới[191], sinh-vật Việt-Nam chiếm tới sáu, bảy phần trăm các loài. Dù trình-độ khoa-học còn yếu kém, Việt-Nam chưa được khám phá được đúng mức mọi loài sinh-vật, 6.2% thực-sự là một tỷ-lệ quá lớn lao.

Theo tổ-chức Công ước Ða dạng Sinh-học thì Việt Nam là một trong 16 nước có mức độ đa-dạng sinh-học cao nhất trên thế-giới. Việt Nam có khoảng 12,000 loài thực-vật, 620 loài nấm và 820 loài rêu. Hệ thực-vật Việt Nam có mức độ đặc hữu cao, số loài đặc hữu chiếm 40% tổng số loài thực-vật đã định tên. Hệ động-vật cũng có mức độ đặc hữu rất cao: 78 loài thú và loài phụ thú, hơn 100 loài chim và loài phụ chim, 7 loài linh trưởng là những loài đặc hữu hẹp của Việt Nam. Rừng Việt Nam còn có một số loài thú quý hiếm, mà thế-giới đang cảnh báo có thể sẽ bị tuyệt chủng như voi châu Á, tê giác một sừng, bò tót, hổ báo, v.v... Trong thập niên 90, thế-giới khám phá ra 10 loài thú mới, trong đó ở Việt Nam có 4 loài, đó là sao la, mang lớn, mang Trường Sơn và mang Pù Hoạt.

Sinh-vật càng đa dạng thì khi môi-trường sinh-sống thay đổi, số loài có cơ-hội bị tiêu-diệt càng nhiều hơn. Trách-nhiệm bảo-toàn sinh-vật của xứ ta do đó năng-nề hơn so với các xứ khác. Một điều ít người lưu-tâm là những sinh-vật chim, cá, rùa, nhuyễn-thể ngoài biển cũng như những loài sinh sống trên vùng duyên-hải đều cần những nỗ-lực bảo-tồn như nhau.

 

Hình 111.  Tê-giác một sừng- Rhinoceros sondaicus annamiticus có ở Việt-Nam và ở Java ( Javan rhinoceros)

 

5.2 – Các hệ Sinh-thái Việt Nam và Du-Lịch

Việc liệt-kê và hệ-thống-hoá các vùng sinh-thái của Việt-Nam hiện vẫn còn chưa hoàn-toàn nhất-trí. Theo Tổng-Cuộc Du-Lịch thì hệ sinh-thái ở Việt Nam bao gồm 5 loại điển hình:

- Hệ san hô,

- Vùng cát ven biển,

- Vùng đất ngập nước,

- Rừng khô hạn và

- Rừng ngập mặn.

Theo cách phân-chia dựa trên yếu-tố nước này, người ta thấy ảnh-hưởng của Biển Ðông với sinh-thái Việt-Nam và rõ rệt hơn nữa của Vịnh Bắc-Việt đối với “vùng đất khai-nguyên” nước ta thật rõ rệt. Ngoài những “Rừng Khô Hạn” có vẻ xa với biển, các Hệ san hô, Vùng cát ven biển, Vùng đất ngập nước và  Vùng ngập măn nếu không “thuộc” biển, thì cũng sát biển hay chịu tác-động của biển. Những sinh-vật bao gồm cả động-vật lẫn thực-vật phải thích-nghi với các môi-trường có nhiều hay ít nước đó mới có thể tồn-tại.

Khi phổ-biến kế-hoạch “Du lich sinh thái trong các khu bảo tồn thiên nhiên - Ðịnh hướng chiến lược trong thế kỷ mới”[192] Tổng cục Du-Lịch đã đặt nặng “chiến-lược” ở yếu-tố sinh thái và các khu bảo tồn thiên nhiên. Người ta mời du-khách thăm-viếng những cảnh-quan cạnh bờ nước, hải-đảo, các công viên quốc-gia, những khu bảo-tồn sinh-vật có cảnh sơn thủy hữu-tình.

 

5.3 – Chim biển Vịnh Bắc-Việt 

Những động-vật chính của Vịnh Bắc-Việt cũng như ngoài Biển Đông là các loài chim, rùa, tôm cá, các loài giáp sát, nhuyễn thể: tôm, mực, trai ngọc, bào ngư.. .

Các đảo là những nơi ẩn-trú của các loài chim biển, nhất là chim hải-âu. Chim bay ra biển kiếm ăn rồi trở về đảo, chúng đẻ ngay trên đất, không cần làm tổ. Trứng của chúng to hơn trứng gà, vỏ mỏng mầu trắng điểm nhiều đốm đen. Hải-âu trên Biển Đông (họ Laridae) không lớn lắm, ít con nào sải cánh (wing-span) tới 80cm. Người Việt chúng ta thường gọi chung các chim biển đủ mọi loại là "hải-âu". Thật ra theo khoa-học, hải-âu có nhiều loại khác nhau. Giống hải-âu to lớn Albatros (họ Diomedeidae, sải cánh tới 3.5 m) không thấy xuất-hiện tại Vịnh Bắc-Việt.

Chim “hải-âu” Laridea sinh sống suốt đời ngoài biển, chúng chỉ dành một phần nhỏ cuộc đời trên hải-đảo. Theo sự tiến-hóa chân chim biến-đổi, có màng để bơi lặn trong nước. Đường thực-quản của chim có cơ-phận đặc-biệt để loại bớt chất muối hiện-hữu quá nhiều trong nước biển. Chim rất nhanh nhẹn ngoài biển cả, trên không lẫn dưới nước; nhưng di-chuyển chậm chạp trên bờ. Chúng không biết leo cây, thường đậu trên bãi, đẻ trứng trên cát và không làm tổ. Đời các chim hải-âu khá dài, chúng có thể sống tới 36 tuổi hay lâu hơn nữa.

 

Hình 112. Chim hải-âu thuộc họ Laridés

 

Ngoài chim Laridae, người ta thấy nhiều loại yến và én biển với cái đuôi chẻ ra hình chữ V. Trên các đảo có các chim Stéganopodés và Zosterops là "Chim Sâu Nghệ"[193]

 

Hình 113. Chim Báo Bão Shearwater

 

Trong các loài chim biển, có một loài chim thường ít gặp tại vùng duyên-hải, nhưng khi ta thấy chúng bay thì có thể bão đang thổi tới. Ðó là chim báo bão hay mòng biển. Loài chim này thích sinh-hoạt ngoài biển khơi, tránh xa đất liền chỉ khi nào gặp phải sóng to, bão lớn mới bị lạc vào bờ mà thôi. Chim báo bão lớn hơn chim bồ câu một chút, cánh và lưng đen, bụng trắng.

Một con chim báo bão (Manx shearwater) mới đây đã làm các chuyên gia sửng sốt, khi nó dọn ổ để đẻ và ấp lứa con mới trong lễ “thượng thọ” 50. Đây là con chim già nhất nước Anh, được tìm thấy ở bờ biển phía bắc xứ Wales.

Theo tính toán của các nhà khoa học, ở tuổi 50, với vô số lần di cư giữa hai lục địa Âu-Châu và Nam-Mỹ, con chim báo bão già nua này đã bay tổng cộng 8 triệu km, gần gấp 20 lần quãng đường giữa trái đất và mặt trăng.[194]

 

Hình 114. Bìa sách “Chim Việt Nam”

 

Một số chim biển khác nữa sinh sống trong Vịnh Bắc-Việt có thể tìm thấy trong cuốn sách “Chim Việt-Nam”[195]. Tình-trạng chung của cá, chim, rùa… vùng trung-tâm Vịnh hiện-thời đang thay đổi. Hòn đảo độc nhất ở giữa vùng là Bạch-Long-Vĩ nay đã có cả ngàn người cư-trú. Người chiếm chỗ trú-ẩn của chim và nơi sinh-sản của chim cũng bị mất luôn.

 

5.4 - Rùa Biển và Rùa Nước Ngọt 

Rùa biển sinh sản trong vùng nhiệt-đới. Rùa đẻ trứng vùi trong cát. Trứng rùa cần nhiệt-độ cao mới nở được. Rùa biển Việt-Nam rất to lớn, từng là đề-tài những câu truyện của những người Trung-Hoa và Âu-Châu lúc xưa. Cũng như chim biển, rùa biển cũng đã bị con người cướp mất đảo là khoảng không-gian sinh-tồn của chúng nơi giữa Vịnh Bắc-Việt.

Loài rùa biển da dày (leather turtle) hay con vít rất lớn, có thể dài tới 2,7 mét, nặng 900 kg. Một loại rùa biển khác có giá-trị thương-mại đáng kể là đồi-mồi. Nhiều sản-phẩm rất mỹ-thuật làm bằng mai đồi-mồi bán được giá cao trong cả hai thị-trường quốc-nội và quốc-ngoại. Khi để lớn hết cỡ, mỗi con có thể cho tới 3.6Kg đồi-mồi. Vì bị đánh bắt bừa bãi từ lâu, giống đồi mồi chỉ còn được nhìn thấy rất ít ở Hải-Ninh cũng như tại các nơi khác trong Vịnh Bắc-Việt.

 

Hình 115. Tem thơ Sự-tích Hoàn-Kiếm: Bình-Ðịnh-Vương Lê-Lợi trả lại Linh-kiếm cho Rùa vàng của Hồ Gươm

 

Rùa nước ngọt, đặc-biệt là rùa Lê-Lợi Hồ Hoàn-Kiếm (Rafetus leloii) và Thần Kim-Quy (Rùa Vàng) xuất-hiện trong văn-chương và lịch-sử nước ta rất nhiều lần.

 

Hình 116. Khi An-Dương-Vương thua trận, chạy đến Núi Mộ-Dạ thì Thần Kim-Quy hiện lên… 

 

Rùa là loài động-vật máu lạnh (biến nhiệt), do có cơ quan hô hấp phụ nên có thể lặn sâu dưới nước cả tuần, thậm chí cả tháng. Rùa thường ăn rong, tảo và cả các động-vật như tôm, cua, cá... Rùa biển có con nặng đến 600-700kg. Tại tỉnh Hòa Bình năm 1993, người dân bắt được một con thuộc loài ba ba lớn (có đặc điểm tương-đối giống rùa hồ Gươm) nặng đến 121kg.[196]

 

Hình 117. Một loại Rùa thường thấy trên đất Việt-Nam. Batagur baska (Gray 1831). Illustration by Urs Woy.

 

5.5 - Vùng bay của Chim Di-điểu

            Việt-Nam nằm trên bờ phía Ðông của bán-đảo Ðông-dương. Ðộng vật nước ta được xếp vào phạm vi “động vật viễn đông”. Bản-đồ ghi nhận Bán-đảo Ðông-Dương và Biển Ðông nằm ở khu trung-ương những đường bay thường-xuyên của các giống chim di-cư, gọi theo một tên quen thuộc của giới điểu-học là Ðường Bay Á-Ðông/Úc-Ðại-Lợi “East Asian – Australasian Flyway”.

Có nhiều loại chim di-điểu nhận nước ta làm nơi tạm-trú trong cuộc đời nay đây mai đó của chúng. Nhiều loài chim từ Tây-Bá Lợi Á bay xuống cũng như Úc-Châu bay lên, ghé qua và tạm ngừng nghỉ một vài tuần hay năm ba tháng tại đây.

Người ta biết rằng động-vật di-chuyển để kiếm thực-phẩm. Khi mùa thay đổi, thường là vào mùa Ðông, đồ ăn khan-hiếm ở vùng vĩ-độ cao, thú-vật và chim-chóc đều đi tìm thực-phẩm. Giống chim nhờ bay nhanh, hợp thành đoàn cùng di-chuyển về phía xích-đạo có nắng ấm để kiếm ăn.

            Ngỗng và Vịt trời bay rất xa ở cao-độ tới 29,000 feet, tức là cao hơn cả núi Everest. Bộ lông chúng giữ nhiệt rất tốt, chúng dùng may áo ấm. Trước khi bay hay khi vì đói, mệt phải nghỉ lại, các loài chim di-điểu cần ăn thật nhiều để có sức thực-hiện cuộc hành-trình. Có con tăng trọng-lượng thân-thể lên gấp rưỡi.

           

Hình 118. Ðường bay của di-điểu “East Asian – Australasian Flyway”.

 

Trên 200 loài chim tham gia vào đường bay này, một số chim quý như 15 loài di trú đang bị đe doạ tuyệt-chủng trên thế giới cũng tìm thấy ở Việt-Nam. Những loài tiêu-biểu thuộc họ vịt trời, cò, én… có tên Khoa-học kèm Anh-Ngữ như sau:

Gaviidae           Loons               Vịt    

Podicipedidae    Grebes              Cộc trắng

Phalacrocoracidae Cormorants   Còng Cọng

Pelecanidae      Pelicans            Chằng bè

Ardeidae           Herons, Egrets and Bitterns Diệc

Ciconiidae         Storks               Hạc

Threskiornithidae Ibises and Spoonbills Cò Thìa

Phoenicopteridae Flamingos       Hồng-hạc

Anatidae           Swans, Geese and Ducks Ngỗng

Gruidae             Cranes              Sếu

Laridae             Gulls, Terns and Skimmer  Hải-âu

Rallidae            Rails, Gallinules and Coots Cuốc

Charadriidae     Plovers             Óc cau

Heliornithidae    Finfoots

Jacanidae          Jacanas

Dromadidae      Crab Plover

Haematopodidae Oystercatchers

Recurvirostridae Stilts and Avocet

Glareolidae        Pratincoles

Scolopacidae     Sandpipers

 

           

Hình 119. Những nhà điểu-học Úc-Ðại-Lợi cho rằng giới-hạn của “East Asian – Australasian Flyway”rất rộng

 

Những loài chim sinh sống trên các bãi biển cũng là các loài chim di-điểu tham-dự vào đường bay East Asian – Australasian Flyway[197]. Ðó là những con chim ăn cua, ốc, dã-tràng, sò hến...

 

5.6 - Di-điểu Thuần-hóa thành Gia-súc

Trong những loài di-điểu, nhiều loài đã được người Việt-Nam thuần-hóa thành gia-súc từ lâu như:

- Vịt, Ngan để lấy thịt và trứng

- Ngỗng được nuôi để ngoài mục-đích lấy thịt, đôi khi dùng để dữ nhà như chó. Khi thấy người lạ, chúng vừa kêu lớn vừa nhảy tới mổ cắn dữ tợn.

- Chim còng cọc (cormorant) có khả-năng lặn xuống bắt cá. Người ta cho nó đeo một cái vòng ở cổ để ngăn nó nhuốt cá. Khi nào còng cọc bắt được nhiều cá, vòng được lấy ra cho chúng ăn.

- Các loài chim quý, đẹp, tiếng hót hay nuôi làm cảnh như khiếu, hoạ mi, sáo, vẹt, yểng, công, trĩ… Mới đây có phong-trào nuôi cả cu gáy, bách thanh, khuyên và chim sẻ Nhật Bản.

 

Hình 120. Chim Còng Cọc -Double-crested Cormorants- là loài di-điểu

 

Hình 121. Chim Còng Cọc bắt cá rất giỏi.

 

 

 

 

Hình 122. Ngỗng trời (Graylag Goose) là loại chim di-điểu nặng tới 4.5Kg. Vùng sinh-sống của chúng rất rộng lớn, gần như khắp lục-địa Á-Châu.

           

 

Hình 123. Chim Bồ Nông xem ra có vẻ năng nề, nhưng là giống di-điểu bay xa nhiều nơi.

 

5.7 - Hệ Ðộng-vật Hoang-dã trên các Ðảo  

Theo thống-kê gần đây của Viện Hải-dương-học Việt-Nam, các vùng biển và bờ biển nước ta có 94 loài thực-vật ngập mặn, 2,175 loài cá biển, 21 loài bò sát, 21 loài thú biển...và 1,290 loài động thực-vật sống trên các đảo và quần-đảo. Không chỉ đa-dạng về loài, vùng biển Việt-Nam còn được đánh giá là đa-dạng về hệ sinh-thái tiêu biểu của vùng biển nhiệt-đới, với rạn san-hô, cỏ biển, rừng ngập mặn...

Thế nhưng trừ một số đảo lớn như Cát Bà, Vĩnh Thực, Cái Bầu v.v... còn giữ được lớp phủ rừng tương-đối tốt, tuyệt đại bộ phận các đảo khác chỉ còn trảng cây bụi thứ sinh (thí-dụ ở Bạch-Long-Vĩ), trảng cỏ thứ sinh, trảng cây bụi (trên các đảo đá mẹ granit hay ngay cả trên đá badan). Sự mất lớp phủ rừng làm cho đất dễ bị xâm thực nên thường mỏng và có nơi trơ đá gốc như mọi người đều biết, nhưng tai-hại hơn là làm thiếu vắng dòng chảy trên mặt, đặc biệt là dòng chảy thường xuyên. Trong số hàng nghìn đảo ven bờ, các dòng chảy thường xuyên các sông hoặc ngay cả suối - chỉ thấy có ở quần-đảo Cô Tô - Thanh Lam, Cái Bầu, Cát Bà.  

 

Hình 124. Vùng đảo đá vôi trong Vịnh Hạ-Long là một sinh-cảnh đặc-biệt, còn cần được nghiên-cứu thêm   

 

Khu hệ động-vật hoang trên các đảo cũng tương tự như trên đất liền tiếp cận. Do bị ngăn cách với bờ biển bởi những khoảng không-gian nước rộng hay hẹp tùy nơi, động-vật trên các đảo ít bị săn đuổi và triệt hạ nhanh chóng như trên đất liền. Diện-tích đảo cũng đóng vai trò quan-trọng: những đảo lớn như Phú Quốc, Ba Mùn, Côn Đảo, Cát Bà còn giữ được khá tốt tính đa-dạng sinh-học. Ðảo Cát Bà cùng với Côn Đảo được công-bố là vườn quốc-gia. Một số loài động-vật chỉ thấy có trên các đảo chứ ít khi gặp trên đất liền, thí-dụ như voọc đầu trắng ở Cát Bà. Có thể đấy là những loài đặc hữu mang nhiều ý nghĩa khoa-học và kinh-tế.

 

5.8 - Ếch Nhái không thích Biển

Việt-Nam có hơn 80 loài lưỡng cư phân-bố khắp nơi nhưng rất hiếm thấy chúng ngoài hải-đảo, đặc-biệt hoàn-toàn vắng mặt nơi các đảo nhỏ..

Động vật lưỡng cư là các loài sống được cả trên cạn và dưới nước. Lúc nhỏ, chúng giống như cá, thở bằng mang. Khi lớn, chúng sống trên cạn, thở bằng phổi. Cơ thể của động vật lưỡng cư hiện đại được phủ một lớp da nhẵn nhụi với nồng độ muối trong thể dịch và trong máu thấp hơn rất nhiều so với hàm lượng muối trong nước biển. Nếu động vật lưỡng cư xuống biển, do hàm lượng muối ở đây rất cao, cơ thể chúng sẽ bị rút một lượng lớn nước, gây sự chết chóc.

Hiện nay, đặc-biệt chỉ có một vài loài ếch biển, sống ở bãi bùn ven đảo Hải Nam và một số nước Đông Nam Á. Lớp da của chúng có lẽ đã tiến-hóa, không còn hiện-tượng “thẩm-thấu’ tác-dụng hay chăng? 

Nếu trên một số đảo còn năm ba các động vật lưỡng cư; ngườì ta có lý giải cho điều này như sau: Có lẽ do từ xa xưa, các đảo từng là một phần của đại lục. Sau này, chúng mới tách khỏi đất liền, thành đảo. Nói chung, giống loài của động vật lưỡng cư trên đảo, so với đất liền thì ít hơn nhiều.[198]

 

 

Hình 125. Ếch nhái là loài lưỡng-cư

 

5.9 - Hình-ảnh Ðiển-hình về Sinh-vật Hải-đảo: Cồn Cỏ

Trong mấy ngàn đảo Vịnh Bắc-Việt, đảo Cồn Cỏ có thể là đảo điển-hình về đời sống sinh-vật phong-phú.

Cồn Cỏ tuy nhỏ nhưng có tới 3 kiểu thảm thực-vật chính, đó là (1) rừng thường xanh đất thấp, (2) dạng thảm cỏ và (3) cây bụi rậm. Kiểu rừng thường xanh đất thấp đặc trưng bởi các loài Cồng Calophyllum inophyllum, Chò xanh Terminalia catappa và Lộc vừng Barringtonia asiatica. Tất cả có đến 118 loài thực-vật đã ghi nhận được trên đảo.[199] 

Điều rất đáng quý nữa là đảo tuy nhỏ nhưng vẫn có nguồn nước ngọt đủ nuôi sống con người. Thực-vật trên đảo khá phong phú, rậm rạp chiếm 3/4 diện-tích đảo. Rừng trên đảo có những loài cây lạ mà trong đất liền không có; có cây thân cao vằn vèo nhiều đốt; có cây thân thẳng, nhẵn như cây ổi, nhưng rất to cao, gỗ cứng và nặng, khi bị xây xát nhựa chảy ra đỏ như máu nên gọi là cây dầu máu. Lại có loài khoai dại, lá to hơn cả lá chuối, góp phần giúp người che nắng che mưa. Trên đảo còn có cả những rừng bàng, mùa thu, lá bàng đỏ ối cả một vùng. Các giống cây ăn trái được thì có dâu da, chuối, đu đủ... Năm 1989, 4,000 cây dừa tượng-trưng cho 4,000 năm dựng nước và giữ nước được mang ra trồng trên đảo. Đến nay, dừa đã bắt đầu xanh tốt và cho quả.

Thế-giới động-vật trên đảo tuy không nhiều về chủng loại nhưng cũng khá độc đáo. Trên trời thì có chim cu cờm, chim én. Dưới đất thì có loài rắn lục xanh nhỏ nhưng rất độc, có thể dùng làm thuốc. Lại có loài cua đá to gần bằng bàn tay, đêm đến bò ra rào rào, là nguồn thực phẩm dồi dào và quan-trọng trên đảo.

Ngoài biển Cồn Cỏ có giống rắn biển, còn gọi là con đẻn, chỉ dài khoảng một sải tay nhưng độc không kém rắn lục. Rượu ngâm đẻn là loại thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi, rất được nhiều người ưa chuộng. Biển còn loài hải-sâm đen, trắng, to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn ngon, được xếp ngang với yến sào. Một giống nhuyễn-thể khác nữa có rất nhiều ở bờ biển Cồn Cỏ là ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể dùng làm đồ trang-sức, mỹ-nghệ..[200]

Kết quả của các lần điều-tra về hệ sinh-thái biển đã tìm thấy 52 loài tảo biển, 119 loài san-hô, 89 loài nhuyễn-thể, 10 loài động-vật da gai, 9 loài giáp xác và 267 loài cá biển, trong đó có 77 loài sống ở vùng san-hô (Nguyễn Chu Hồi et al. eds. 1998). Các rạn san-hô ở khu bảo-tồn biển Ðảo Cồn Cỏ thuộc loại hiếm ở vùng biển vịnh Bắc-Việt, chúng chỉ có ở độ sâu hơn 10 m. Tại những độ sâu đó thì các loài san-hô chiếm ưu-thế thuộc các giống Pocillopora và Millepora.[201]

Biển Cồn Cỏ có giống rắn biển, còn gọi là con đẻn, chỉ dài khoảng một sải tay nhưng độc không kém rắn lục, rượu ngâm đẻn là loài thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi, rất được nhiều người ưa chuộng. Dưới biển còn hải-sâm đen, trắng, to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn cao cấp, được xếp ngang với yến sào. Một giống nhuyễn-thể khác nữa có rất nhiều ở bờ biển Cồn Cỏ là ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể dùng làm đồ trang-sức, mỹ-nghệ.

Hiện nay, thế-giới động-vật trên đảo Cồn Cỏ không ngừng được bổ sung từ đất liền. Số trâu, bò, dê, lợn, gà... trên đảo cứ ngày một tăng. Ðiều này thực là nguồn vui cho lính đảo, nhưng thực-sự đang làm tan rã sinh-cảnh nguyên-thủy quý-hiếm của đảo.

 

5.10 - Sinh-cảnh Rạn san hô

Việt Nam có 350 loài san hô, trong đó có 95 loài ở vùng biển phía Bắc và 255 loài ở vùng biển phía Nam

Rạn san hô rất phong phú về sinh cảnh biển với số lượng các loài hải-vật đầy màu sắc. Những chức năng quan trọng của rạn san hô bao gồm nghề cá, bảo vệ vùng ven biển chống sói mòn và du lịch biển. Ở Việt Nam, rạn san hô phân bố rải rác suốt cả khu vực. Có sự gia tăng đa dạng rõ rệt về cơ cấu sinh-hoạt và và loại hình hải-vật từ Bắc xuống Nam.

Mặc dù Vịnh Bắc-Việt nằm ở trong vùng nhiệt đới nhưng trong mùa đông, dòng nước từ eo biển Quỳnh-Châu chảy vào đã làm giảm nhiệt độ mặt biển Vịnh Bắc-Việt xuống tới 160C. Nhiệt-độ thấp hạn chế sự phát triển của những hải-sinh-vật, đặc-biệt các cộng-đồng loài lưỡng tính. Hơn nữa, hoạt động kết hợp của nước mặn nổi trong mùa gió bão, giao động nhiệt độ lớn giữa các đợt nước triều, phù sa và bùn lầy lắng đọng ngăn-cản ánh-sáng mặt trời; tạo nên các tác động cản trở sự lớn mạnh của các rạn san hô trong vịnh.

Hình 126. Sinh-vật đầy màu sắc của rạn san-hô

 

Tất cả các rạn san hô ở bắc Việt Nam đều là các rạn rìa. Phần lớn các rạn này ngắn và hẹp hoặc dưới hình thức các đám san hô nhỏ bé rải rác bao quanh những đảo và ghềnh đá.

            Viện Hải-sản cho biết công việc khảo sát rong biển, động vật đáy, san hô và rạn san hô nước ta phần lớn còn sơ lược[202]. Chi-tiết về thành phần các loài, sự phân bổ, hiên-tượng sinh-thái học và cấu-trúc quần-xã sinh-vật sống ở rạn san hô... còn bỏ trống. Cá và nguồn lợi hải sản cũng chưa có số liệu xác-đáng. Đó là chưa nói các yếu tố về vật lý, địa lý địa mạo, hoá học biển chưa được nghiên cứu nhiều.

 

5.11 - Những loại Cá biển Việt-Nam

Có ít nhất là 2000 loài cá biển[203] sống trong hải-phận Việt-Nam. Thăm dò cho biết Cá Thu (Decapterus maruadsi) là loại cá hiện-diện nhiều nhất của biển nước ta. May mắn cá đó cũng là thứ cá thương mại, thịt ngon. Cá này dài 15.4cm nặng trung-bình 63g. Có nhièu con lớn hơn, nặng gấp 2,3 lần.

 

Hình 127. Cá Thu là loại cá thấy nhiều nhất trong vùng biển Việt-Nam (Decapterus maruadsi)

 

Biển Ðông được xếp vào loại các vùng biển có nhiều hải-sản vào hạng nhì, sau các vùng biển hạng nhất như Hoàng-hải, Baltic… Biển Ðông bao quát một khu-vực quá rộng lớn, nhiều khu-vực quá sâu, xa bờ, ít thực-phẩm dinh-dưỡng cho các hải-sinh-vật. Tuy nằm trong vùng này nhưng hải-phận Việt-Nam lại là một khu-vực có mật-độ hải-sản khá cao. Ðặc-biệt nhất là biển Nghệ-An ngoài khơi Diễn-Châu. Trong cuộc thăm-dò vào tháng 4 và tháng 5-1999, người ta ghi nhận có vị-trí mà mật-độ hải-sản vượt cao tới mức tối-đa bất ngờ là  113.0 tonnes/km2. Rất ít nơi nào trên thế-giới đạt mật-độ cao đến như vậy.

Nhờ mạng lưới điện-toán giúp việc phổ-biến tài-liệu,  người ta có thể truy-cứu dễ-dàng đặc-tính của mọi loài hải-sản. Chẳng hạn, qua mang lưới “http://www.fishbase.org” người ta tìm ra thật nhanh chi-tiết liên-hệ đến:

- 703 loài cá bước lợ (Marine/Brackish Fishes)

- 43 loài cá ăn chìm

- 1016 loại cá Việt-Nam thông thường

- 2,710 loại cá Biển Ðông

- 26,585 loại hải-sản với 121,410 tên thông-dụng địa-phương.

            Trong thời-gian trước 1975, Nha Ngư-Nghiệp thuộc bộ Canh-Nông của Việt-Nam Cộng-Hòa đã lập một bảng danh-sách các hải-sản chính tại Biển Đông như sau:

-Cá ăn nổi: Cá Cơm, Cá Thu ống, Cá Bạc má, Cá Nhám, Cá Rựa, Cá Sọc mướp, Cá trích, Cá ngừ, Cá chuồn, Cá Nục, Cá Sòng.

-Cá ăn chìm: Cá chim, Cá Chét, Cá Gộc, Cá Mối, Cá Thiều, Cá Đổng, Cá Bàn xa, Cá Đỏ gịa, Cá Hố, Cá Đuối.

- Các hải-sản khác có thể mang lại những nguồn lợi lớn như tôm, cua, mực, bào ngư, vi cá, rong biển ...

            Trong vịnh Bắc-Việt, số cá ăn chìm không nhiều vì tầm nước nông cạn. Trong khi trung-bình độ sâu của vịnh chỉ vào khoảng 30m, cá ăn chìm ưa-thích những vùng biển sâu hàng trăm thước nước. 

 

5.12 - Sinh-vật vùng Ngập Nước

            Trước đây, ít người lưu-tâm đến những vùng ngập nước, cho rằng khu-vực đó hoang vắng, lau lách đìu-hiu, ếch nhái làm tổ… không có giá-trị. Thật ra về phương-diện sinh-học, vùng ngập nước giữ vai-trò quan-trong đến độ gần như quyết-định cả sự phát-triển hay sự tồn-tại môi-sinh của một quốc-gia . [204]

            Gần đây trong Kế-hoạch Bảo-tồn Môi-Sinh, định-nghĩa của “Vùng Ngập Nước” đã thay đổi. Theo đó, không những các khu lân cận bãi biển như Trà Cổ, Hòn Gay, các vùng cửa Sông Mã, Sông Cả, Sông Chu… mà hầu hết cả khu-vực Châu-thổ rộng lớn của Sông Hồng và Sông Thái-Bình đều được xếp hạng vào “Vùng Ngập Nước”. Hiệp-hội Chim Chóc Quốc-Tế BirdLife International phân-loại tới 40 kiểu sinh-thái ngập nước ở Việt-Nam như như rừng tràm, đước, lau sậy, ao, hồ, vùng cửa sông, các trảng cỏ ngập nước theo mùa. đầm lầy, rừng ngập mặn, bãi bồi và các ao nuôi thuỷ sản…   

Vùng ngập nước bao trùm gần 1/5 nước ta lại cũng là những vùng đông dân và kỹ-nghệ phát-triển. BirdLife International lưu-ý rằng những vùng ngập nước của Việt-Nam chính là khu-vực sinh-thái đang bị đe-dọa nhiều nhất cho sự tồn-tại của nhiều loài sinh-vật. Hiệp-hội này phổ-biến một danh-sách chim-chóc có cơ nguy bị tuyệt-chủng khắp thế-giới là 33 loài. Trong đó 15 loài đang nhờ những khu ngập nước của Việt-Nam mà cố gắng sinh-tồn. Ðứng đầu sổ “Tử-thần” là Cò Quắm Vai Trắng cánh xanh White-shouldered Ibis Pseudibis davisoni, Cò Mỏ Thìa Mặt Ðen Black-faced Spoonbill Platalea minor, Già đẫy nhỏ Lesser Adjutant Leptoptilos javanicus and Cò “ô tác” Bengal Florican Houbaropsis bengalensis (BirdLife International 2000).

 

Hình 128. Sinh cảnh những vùng ngập nước quanh Vịnh Bắc-Việt rất phong-phú

 

5.13 - Sự Sống khởi-sự từ Vùng ngập Nước ngọt

Ngay từ thời “khai-thiên lập-địa”, vùng ngập nước đã từng giữ vai trò quan-trọng trong việc khai-sinh đời sống trên địa cầu. Nói chi-tiết hơn, các tế-bào sinh-vật đầu tiên xuất-hiện trước hết trong những vùng ngập nước ngọt như ao, hồ, đầm lầy tương-tự như chúng ta thấy tại châu-thổ Bắc-Việt ngày nay. Khám-phá này còn rất mới, xin mời Quý-Vị xem qua bài báo ngắn ngủi dưới đây:

Nhóm nghiên cứu của Charles Apel, Đại học California ở Santa Cruz (Mỹ), đã thành công trong việc tạo ra các dịch thể hình cầu trong môi trường nước ngọt. Tuy nhiên, khi chuyển qua nước mặn, các dịch thể liền bị phá hủy. Rõ ràng, môi trường nước mặn không thích hợp cho cấu trúc sống này.

Bình luận về phát hiện của nhóm Charles Apel, nhà địa chất học Paul Knauth thuộc Trường Đại học Arizona nói rằng: "Cách đây trên 1 tỷ năm, nước biển còn mặn gấp đôi hiện nay, vì thế việc hình thành sự sống là rất khó khăn". Nhà sinh học Robert Hazen, Viện Carnergie ở Washington thì nói: "Lâu nay chúng ta đều tin rằng cuộc sống hình thành ở đại dương, nhưng xem ra, nó đã bắt đầu ở một cái ao nào đó"[205].

 

5.14 - Các Ðơn vị Ðịa-Sinh-Học

Ngoài đơn-vị sinh-học đặc-biệt biển là Vịnh Bắc-Việt, người ta có thể dễ dàng chia lục-địa Việt Nam thành một số các đơn vị địa sinh học đất liền trên cơ sở sự khác nhau về tổ hợp những loài và các giới hạn phân bố những loài chỉ thị.

Bắc Việt Nam (được biết về sinh học là Bắc bộ) cho thấy một vài khu vực ở những mức độ khác nhau được phân chia bởi các con sông lớn (sông Đà, sông Mã, sông Cả, v.v...). Sự phân bố các loài thú linh trưởng và một số loài chim đặc hữu cho thấy tầm quan trọng của những con sông này làm ranh giới cho các loài động vật.

Cuối cùng là dãy Hoàng Liên Sơn với những ngọn núi cao ở Tây Bắc đất nước cũng là một đơn vị đặc thù nối với dãy núi Hengduan của Trung Quốc, phía đông dải Hymalaya . Những dãy núi này cao hơn dãy nũi nối ở lãnh thổ Việt Nam rất nhiều và cho ta thấy một hệ động thực vật hoàn toàn khác biệt.

 

Hình 129. Trung-tâm Ða-dạng Sinh-học ngăn bởi các sông lớn và dãy núi cao: I-Tả ngạn Sông Hồng. II-Giữa Sông Hồng và Sông Ðà. IV- Hữu-Ngạn Sông Ðà., SôngMã. V- Trường-Sơn

 

5.15 - Hệ-thống Môi-sinh và Cá Nước Ngọt Việt-Nam

Nước mặn ở ngoài biển, nước ngọt ở trong đất liền. Về sinh-học nước ngọt, khu-vực quanh Vịnh Bắc-Việt được đề-nghị phân-chia thành các vùng địa-lý như trong bản-đồ đính kèm.

            Các sinh cảnh nước ngọt cũng được xếp vào một số những đơn vị địa sinh học đặc thù (Mai Đình Yên, 1985, 88, 91). Có hai tiểu vùng chính của vùng Viễn đông gọi là tiểu vùng Nam Trung Quốc bao gồm tất cả các hệ sông ở Bắc Việt Nam về phía Nam tính đến Huế.

 

Hình 130. Các sinh-vật dưới nước chia theo hệ-thống nước ngọt, Bắc Việt-Nam có thể chia ra 5 vùng địa-lý.

 

Cá nước ngọt Miền Bắc Việt-Nam đã được thống-kê hầu hết. Một số sách về loại này đã được xuất-bản trước đây. Tài-liệu cập-nhật-hóa tiêu-biểu về các giống cá Bắc-Việt-Nam được tìm thấy trong cuốn sách nhan-đề “Freshwater Fishes Of Northern VietNam” do Maurice Kottelat, xuất-bản năm 2001.

Sách này mô-tả đặc-tính của 268 loại cá tìm thấy tại Bắc-Việt cho đến Sông Cả. Vì sinh-cảnh khu-vực này thuộc tiểu vùng Nam Trung-Hoa nên tác-giả cũng so-sánh những khác-biệt giữa cá Việt-Nam với đồng-loại của chúng ở Vân-Nam, Quảng-Tây, Quảng-Ðông và Hải-Nam. Ngoài ra, Kottelat đã nỗ-lực quốc-tế-hoá sự định-danh theo “International Code of Zoological Nomenclature”. Văn-phòng Environment and Social Development Unit trách-nhiệm phân-phối (East Asia and Pacific Region, World Bank, 1818 H St NW, Washington DC 20433, USA. E-mail: twhitten@worldbank.org).

Một tài-liệu nữa hơi cũ của Kuronuma, K.1961.A Checklist of the fishes of Vietnam. Division Of Agricultural and Natural Resources: U.S.O.M.: pp.15.

Những tác-giả Việt-nam như Nguyễn Hữu Phụng và Nguyễn Nhật Thi. 1994. Checklist of marine fishes in Vietnam. Vol. 2. Osteichthyes, from Elopiformes to Mugiliformes.Science and Technics Publishing House, Vietnam.

Bà Nguyễn-Thị-Nga và một số Khoa-học-gia khác cũng viết một số tài-liệu liên-hệ đến hải-sản Việt-Nam.

 

5.16 - Những loài Cá biển và những loài không phải Cá

            Một số lớn các thủy-tộc thông-thường mà ta thấy ở bờ biển Việt-Nam là cá thu, cá nhám, cá hồng, cá mú, lươn bể, cá đuối, cá mực, đồn đột, tôm cua, sò ốc...

            Biển Đông có nhiều loại cá đáng kể là những mối lợi lớn về kinh-tế. Chúng tôi xin trình bày về các loài cá của ngư-nghiệp trong phần tài-nguyên-hải-sản, ở đây chúng tôi xin nói vài điều về những hải-sinh-vật lớn như cá voi, cá heo.

- Chúng ta thường hay gọi cá voi, cá kình, cá heo nhưng trong sinh-vật-học, chúng không phải loài "Cá" mà được xếp hạng cùng với con người trong loài "hữu-nhũ" (có vú - Mammalia) máu nóng, thở bằng phổi, đẻ con nhỏ (không đẻ ra trứng.) Cá voi thực-sự (true whale) không có răng cứng mà chỉ có những màng lưới bằng sụn mềm xếp kín như cái lược. Chúng sống bằng các phiêu-sinh-vật (plankton) là những sinh-vật nhỏ li-ti sống trôi nổi trong nước.

- Viện Nghiên-cứu Đông-Tây tại Hawai cho biết ở Đông-Nam-Á có tới 11 loài cá voi được xếp thứ-tự nhìn thấy sinh-sống nhiều ít như sau: Bryde's whale, Sperm whale, Sei whale, Fin whale, Blue whale, Minke whale, Goosebeaked whale, Humpback whale, Beaked whale, Black right whale, Pygmy sperm whale.

- Những loài cá voi lớn nhất ít khi xuất-hiện trong Vịnh Bắc-Việt vì tầm nước không được sâu lắm. 

- Người Việt lúc xưa cũng săn cá voi như mọi giống dân Á-Đông khác. Dân duyên-hải nước ta chỉ mới thờ cá voi cách nay không lâu khi Nam-tiến, tiếp-xúc nhiều với người Chiêm-Thành. Ðền thờ cá voi bắt đầu thấy xuất-hiện từ Quảng-Trị xuôi về các tỉnh miền Nam.

 

Hình 131. Các loại cá voi

           

-          Ngoài cá voi, Biển Đông cũng là nơi sinh sống của loại cá heo (Delphinadae). Trong sinh-vật-học, người ta cho rằng cá voi và cá heo có nhiều điểm tương-tự; trừ ra cá heo có hàm răng, chúng sinh sống bằng các loại cá nhỏ và cá mực.

-           

Hình 132. Một bức tranh nghệ-thuât về cá heo

 

Cá heo vùng biển nước ta có vài điểm hơi khác biệt nên thường được gọi là cá heo South China Sea hay Malacca Dolphin. Chúng đi từng bày, thân dài trong khoảng từ 1.5m tới 2m, bơi rất nhanh và thích đùa dỡn khi chạy qua chạy lại trước mũi tàu những khi đẹp trời.

            Tin-tức từ Việt-Nam cho biết xác cá heo đôi khi thấy nằm chết ở bờ biển Vịnh Bắc-Việt. Có nhiều con chết vì mắc lưới khi chúng đuổi săn mồi.

 

5.17 - Thực-vật Phong-phú trên Quê-hương ta

Vịnh Bắc-Việt lúc xưa có giai-đoạn là những cánh rừng nhiệt-đới xanh tươi. Gần như toàn-thể lãnh-thổ và hải-phận nước ta khi trước lúc biển cạn cũng từng được bao-phủ bởi mọi loại rừng cây cối trùng-điệp. Ðó là món quà thiên-nhiên miễn-phí, còn công-trình nhân-tạo vườn cỏ, chậu hoa… và bóng mát thành-phố cần chi-tiêu nhiều công-sức và tiền-bạc.

Thực-vật Hà-Nội là một điển-hình, Theo Công ty Công viên Cây xanh, mỗi mùa xuân từ tháng 1 đến hết tháng 4, nhiều công-tác được thực-hiện. Năm 2002 sẽ có 6.000 cây được trồng tại các phường, khu tập thể, trường học của quận Thanh Xuân, Cầu Giấy. Các tuyến phố của quận Hai Bà Trưng, Ba Đình cũng được bổ sung nhiều cây bằng lăng, sữa, sấu.

Thành phố hiện có 200.000 cây, thuộc 150 loài, tập trung chủ yếu ở Hoàn Kiếm, Ba Đình. Năm 2001, tỷ lệ cây xanh Hà Nội là 4,1 m2/người. Các kỹ sư cho biết, quỹ đất Hà Nội dành cho vỉa hè rất hạn hẹp nên việc tăng diện tích phủ xanh tương đối khó khăn. Với những con đường như Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Cầu Giấy... phương án duy nhất là trồng cây ở dải phân cách. Tuy nhiên, để đảm bảo không khuất tầm nhìn của người đi lại, cây trồng ở đây chỉ có thể là hoa, thảm cỏ. Những loại này lại không cho bóng mát, chỉ có tác dụng làm mềm dải phân cách. Một số loại cây trồng đã được chọn lựa.

 

5.18 - Một Thế-giới Ðộng-vật Phong-phú

Chúng tôi chọn mấy đoạn sau của Giáo-Sư Trang 92-93 Lê Bá Thảo phát-biểu về một thế-giới đông-vật phong-phú Việt-Nam như  sau:

So với giới thực-vật, giới động-vật ở Việt Nam- mặc dù đã có nhiều công-trình nghiên-cứu từ lâu - nhưng không phải là đã phát hiện được hết, ở trên rừng cũng như ở dưới biển. Bằng cớ là đến năm 1992, còn phát hiện được ở rừng Vũ Quang (Hà Tĩnh ) một loài thú móng guốc lớn mới- một loài dê rừng sừng dài ( Ox Pseudoryx Nghetinhensis)- đồng thời cũng là một giống (Chi) mới trong khoa-học .

 

Hình 133. Vịnh Bắc-Việt lúc xưa có giai-đoạn là những cánh Rừng Nhiệt-đới

 

Ðặc điểm của giới động-vật ở Việt Nam là tính nhiệt-đới của nó, biểu hiện ở chỗ số lượng loài thì rất nhiều và song xen kẽ, nhưng số lượng cá thể thì ít. Các loài đặc trưng cho hệ động-vật cổ nhiệt-đới đều thấy có ở Việt Nam như cheo ( Fragulus), đồi (Tupaia), chồn bay (cynocephalus), cầy mực (Arctistis),Cu li (Nycticebua),vượn (Hylobates), tê tê (Manis pentadactyla), voi (Elephas maximus), heo vòi (Tapirus indicus) và tê giác (Dicerorhinus sumatrensis và Rhinoceros sondaicus)

Rừng rậm nhiệt-đới ẩm xanh quanh năm và rừng rậm nhiệt đới mưa mùa có giới động-vật phong-phú nhất. Tuy nhiên chính rừng thưa và xavan cây bụi mới là nơi cư trú của nhiều loài thú móng guốc có giá trị như tê giác và voi, hươu nai (Cervidae), bò rừng (Bos javanicus), bò tót (Bos Gaurus), bò xám (Bos sauveli), trâu rừng (Bubalus bubalis), sơn dương (Capricornis sumatraensis), Hoẵng Nam Bộ (Muntiacus muntjak annamensis). Sự có mặt của các loài thú ăn cỏ này kéo theo các loài thú dữ ăn thịt thuộc họ mèo (Felidae) như báo lửa (Felis temmincki),báo gấm (Neofelis nebulosa), báo hoa mai (Panthera pardus), hổ (Panthera tigris) v.v..Các loài gậm nhấm cũng đông đảo như các loài chim.

Ở các kiểu rừng á nhiệt-đới và rừng ôn đới núi cao,số loài nhiệt-đới giảm đi .Xuất hiện một loài nguồn gốc á nhiệt-đới thí-dụ các loài gấu (Ursidae) bao gồm cả gấu chó (Helarctos malayanus) và gấu ngựa (Selenarct thibetanus).

 

Hình 134. Tem vẽ hình Sao La

 

 

5.19 - Những con số thống-kê có thể nhỏ dần

Thật khó lòng mà liệt kê hết ở đây 275 loài thú có vú ở Việt Nam (chiếm 6,8% các loài thú như vậy của thế-giới ), 800 loài chim (chiếm 8,8%), 180 loài bò sát (chiếm 2,9%), 80 loài lưỡng thê (chiếm 2,0%), 2400 loài cá (13%) và hơn 5500 loài sâu bọ (danh mục các loài sâu bọ thực ra chưa đầy đủ vì chỉ có một vài họ là đã được nghiên-cứu chi tiết[206]). Thực-vật bậc cao hiện đã phát hiện được là 7000 loài (chiếm 3,2% của thế-giới),khoảng 800 loài rêu, 600 loài nấm. Theo dự đoán, số loài thực-vật phải lên đến 12000 loài, trong đó khoảng 2300 loài đã được sử-dụng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, tinh dầu và nhiều nguyên liệu khác.[207]

            Những con số lớn được thống-kê ở trên sẽ có thể nhỏ dần vì môi-sinh thay đổi. Ngày nay phần lớn diện-tích rừng đều đã biến thành các cảnh-quan nhân-loại-hóa. Ở đồng-bằng, rừng đã bị triệt phá để trở thành đồng ruộng, ở trung du, chúng biến thành các nương chè, đồn điền cây công-nghiệp các loại, ở miền núi, diện-tích của chúng ngày càng thu hẹp dần do hoạt-động “nương rẫy” và khai-thác gỗ củi. Rừng nước mặn được triệt hạ để làm các đầm nuôi tôm.

Tất nhiên không thể nói rằng các hoạt-động vừa nêu là xấu cả, trái lại chúng là cần-thiết cho sự sống của con người. Chúng chỉ xấu khi vượt qua một ngưỡng nhất định, tất tiếc là trong tình hình hiện nay, phần lớn các hoạt-động này đã vượt qua ngưỡng sinh-thái đó.

Hậu quả là trong số 331,700 km2 nguyên được che phủ bởi rừng nguyên thủy, hiện chỉ còn lại khoảng 66,423 km2, trong đó có 7365 km2 rừng bảo-vệ[208] (LBThảo tr92-93-94)

            Cuốn “Sách Ðỏ”[209] đã nêu ra 365 loài động-vật bị đe-dọa trong đó 67 loài ở mức-độ nguy-cấp

 

Hình 135. Tem thơ có hình các loài Chim quý Việt-Nam 

 

Hình 136. Cá đao Swordfish Xiphias gladius

 

5.20 - Sinh-Vật Ðặc-hữu quanh Vịnh Bắc-Việt          

Hình-ảnh kèm theo đây lấy ra từ một cuốn sách Vạn-vật, mô tả một “gia-đình” cào cào -locus- loại đặc-hữu “Bắc-Kỳ” với hình con đực, con cái, con nhỏ, trứng và ấu-trùng (Hieroglyphus tonkinensis: a: female adult; b: male adult; c: egg; d: egg-capsule; e: nymph). Cào cào loại này sống trên những cây tre bương, luồng, giang, nứa… ở miền Bắc Việt-Nam. Nếu rừng tre hết lá, chúng bay ra ăn cả mía, lúa và ngốn luôn cả các thứ nông-sản khác.

 

 

Hình 137. Hình cào cào - Hieroglyphus tonkinensis.

 

Sinh-vật đặc hữu, thực-vật và động-vật như cào-cào kể trên rất nhiều, và hiện nay bảng thống-kê đang được kéo dài thêm.. Chúng tôi xin đưa ra một số danh-từ khoa-học hơi cổ từ thời Pháp-thuộc mang danh Bắc-kỳ (tonkinensis) như sau: Acacia-Tonkinensis, Amorphophallus-Tonkinensis, Antheraea frithi-Tonkinensis, Aptychella-Tonkinensis, Archangiopteris-Tonkinensis, Bonia-Tonkinensis, Carya-Tonkinensis, Caryodaphnopsis-Tonkinensis, Chryschroa-Tonkinensis, Costus-Tonkinensis, Cryptocoryne-Tonkinensis, Chryschroa-Tonkinensis, Dipterocarpus-Tonkinensis, Epicycas-Tonkinensis, Eulichas-Tonkinensis, Exbucklandia-Tonkinensis, Hieroglyphus-Tonkinensis, Licuala tonkinensis, Liphistius-Tonkinensis, Pandanus tonkinensis, Pitambara-Tonkinensis, Rhizopus-Tonkinensis (Filamentous Fungi), Uvaria-Tonkinensis, Zamia-Tonkinensis.

Những khu-vực nhỏ như Hạ-Long cũng cưu-mang những loài đặc-hữu mang tên khoa-học halongensia. Trên các đảo vịnh này, những  loài động vật thân mềm rất đa dạng với 60 loài đặc hữu. Ðặc biệt mới khám-phá là các loài cư trú trong các hốc đá tại đây có tính đa dạng rất cao.[210]

Thí-dụ vài tên halongensis: Livistona halongensis, Impatiens halongensis, Chirita halongensis, Paraboea halongensis, jasminum halongensis…[211].

 

 

Hình 138. Zamia-tonkinensis

 

5.21 - Quảng Ninh là Vùng Ðất Ða-dạng Sinh-học

Chứng tôi trọn một tỉnh duyên-hải làm tiêu-biểu cho sinh-cảnh của vùng biển quanh Vịnh Bắc-Việt: tỉnh Quảng Ninh. Ðây là vùng đất đa-dạng về địa-hình, khí hậu thổ nhưỡng nên hệ sinh-thái cũng phát-triển đa-dạng và phong-phú về chủng loại.

Về động vật,:trước hết là gia súc có trâu, bò, lợn, dê, gà, chó, mèo, thỏ, ngan, ngỗng, vịt... Chăn nuôi đại gia súc khá phát-triển ở miền núi. Ðáng chú ý là Quảng Ninh có giống lợn Móng Cái nổi tiếng vì dễ nuôi, chóng lớn, nạc nhiều, sinh sản tốt. Các huyện miền Ðông còn nuôi nhiều ngan lai vịt, tiếng địa phương gọi là "cà sáy" thịt ngon, chóng lớn.

Quảng Ninh cũng là nơi nhập nhiều giống ngoại: trâu Mu-ra ấn Ðộ, bò Sinơ Ấn Ðộ, bò sữa Hà Lan, ngựa, cừu, dê Mông Cổ. Tuy nhiên có một số giống không thích nghi được chỉ phát-triển một thời. Nay trong gia súc có thêm hươu sao. Ðộng-vật hoang dã xưa có nhiều. Xa xưa có cả voi, tê giác, gần đây có hổ báo, gấu, chim công, chim yến, bồ nông... Nay đáng chú ý là có khỉ vàng, nai, hoẵng, chim trĩ, đại bàng, lợn rừng, nhiều loại chim di cư (như sâm cầm, chim xanh), và tắc kè, tê tê, rùa gai, rùa vàng... nhưng số lượng giảm nhiều.

Ðộng-vật thủy sinh ở Quảng Ninh rất phong-phú, ở vùng nước ngọt, ngoài các loài cá, tôm, cua, ốc vùng Ðông Triều còn có con rươi, con ruốc nổi theo mùa.

            Có khoảng 8000 loài thực-vật bậc cao, 800 loài rêu, 600 loài nấm 275 loài thú, 820 loài chim, 180 loài bò sát, 471 loài cá nước ngọt và hơn 2000 loài cá biển sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Việt Nam có 3260 km bờ biển với vùng lãnh thổ rộng tới 326,000 km2, diện-tích có khả-năng nuôi trồng thủy-sản là 2 triệu ha trong đó 1 triệu ha nước ngọt, 0,62 triệu ha nước lợ và 0,38 triệu ha nước mặn. Phần lớn diện-tích này đã được đưa vào sử-dụng để khai-thác hoặc nuôi trồng thủy-sản

 

5.22 – Sinh-Vật Dãy Trường Sơn

Chỉ mới trong vòng 15 năm lại đây thì sự độc đáo thực sự của đa dạng sinh-học trong dãy Trường Sơn mới bắt đầu được công nhận. Xúc tác chính cho sự công nhận này là sự phát hiện ra một số các loài thú lớn trong đó có sự phát hiện ra loài Sao La đầy thuyết phục. Tuy nhiên, vùng sinh thái này không chỉ có tầm quan trọng bảo tồn toàn cầu vì các loài độc đáo của nó - mà còn vì nó là nơi sinh sống của rất nhiều các thành phần sinh-học đang bị đe doạ khác như Tê giác một sừng. Hiện nay trên thế giới chỉ còn lại hai quần thể loài Tê giác một sừng mà trong đó có một quần thể nằm ở dẫy Trường Sơn.

Đứng giữa điểm gặp gỡ của hai khu vực sinh-học địa-lý lớn, vùng ôn hoà phía bắc và vùng nhiệt đới phía nam, vùng sinh thái này kết hợp được các yếu tố động thực vật của cả hai khu vực. Vùng sinh thái này cũng có tính đa dạng cao về các vùng sinh cảnh, từ các vùng rừng núi đá vôi có đặc trưng rõ rệt đến các vùng rừng khô ven biển của khu vực phía Nam, cho đến các vùng rừng ẩm gió mùa trên dỉnh dãy Trường Sơn.

Tính đa dạng về các sinh cảnh hiếm đi đôi với tính đa dạng đặc biệt về thực vật. ở Khu bảo tồn Pù Mát, Việt Nam có 1,144 loài thực vật có mạch. Khu vực này mới chỉ là một phần nhỏ của dãy Trường Sơn. Vườn quốc gia Cúc Phương - một vùng núi đá vôi có 1.799 loài thực vật có mạch. Số lượng các loài thực vật đặc hữu là rất cao. Có một loài thực vật nổi tiếng, Sâm Việt Nam (Panax Vietnamensis) là một loại rất hiếm vì nó có giá trị kinh-tế. Các loài thực vật làm cây cảnh như phong lan và cây thuốc có giá rất cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Và kết quả là nhiều loài như vậy đang ngày càng trở nên hiếm.

 

Hình 139. Chim Công

 

Hình 140. Trâu Rừng, loài này được dân ta thuần-hóa thành trâu cày từ nhiều ngàn năm trước

 

5.22 - Nhiệt-độ và Thủy-Sinh-Vật

Những loài cá sống ở vùng cửa sông có khả-năng thích-nghi với những biến đổi lớn của nhiệt độ. Những loài cá đó vẫn sinh-tồn với những dao động của nhiệt độ tốt hơn là cá ở đại dương, nhưng không bằng các loài cá ở nước ngọt. Nhiều loài cá không chịu đựng nổi nhiệt độ nước cao hơn 32oC (nhiệt độ này xuất hiện trong những ngày hè nóng bức ở vùng vĩ độ thấp). Thậm chí sự nóng lên chút ít do nước thải công nghiệp hay nước làm lạnh lò phản ứng hạt nhân cũng có thể làm cho chúng chết.

Kích thước của tôm hùm (Humarus) phụ-thuộc vào nhiệt độ nước nuôi chúng. Những kết quả thực nghiệm tiến hành ở Mỹ và Canada chỉ ra rằng sự tǎng nhiệt độ nước, tôm hùm phát triển nhanh hơn. Thí dụ, ở nhiệt độ 13oC, bốn giai đoạn ấu trùng thường hoàn thành trong vòng 30 ngày, ở nhiệt độ 17oC- trong 20 ngày và ở 21C -trong 10 ngày. Ngoài ra, ở nhiệt độ cao hơn, các ấu trùng dễ sống hơn. ở nhiệt độ cao người ta quan sát thấy sự phát triển trong giai đoạn ấu thể hay giai đoạn gần trưởng thành nhanh hơn. Song với những kết luận cuối cùng về nhiệt độ thích hợp nhất đối với tốc độ phát triển của tôm hùm còn chưa khẳng định được.

 

5.23 - Các chuyện Lý-thú về Sinh-vật

            Những chuyện lý-thú sau đây liên-hệ nhiều ít đến các loài chim, cá và những loài sinh-vật khác quanh miền Bắc và Vịnh Bắc Việt-Nam

Cá ngủ. Giống như các loài động vật khác, cá cũng cần phải ngủ, nhưng lại không hề nhắm mắt, đa số chúng chỉ chợp mắt chốc lát mà thôi. Chính vì vậy chúng ta có cảm giác rằng cá không bao giờ ngủ. Ở Địa trung Hải có nhiều loài cá vùi mình trong cát khi ngủ. Đáng nể nhất là loài cá vẹt, ban đêm tiết chất nhầy thành cái túi ngủ để che mắt kẻ thù. Nó phải mất 30 phút để tạo ra cái túi ngủ này và ngần ấy thời gian để ra khỏi “giường”.

Các loài cá trích, bạc má hay cá chày ngủ thành từng đàn có lính canh dưới đáy biển. Nhiều loài ngủ trong đám rong rêu phía trên mặt nước, số khác lại nằm im trên cát nhờ tài hoá trang lẫn vào môi trường xung quanh như cá đuối. Còn loài cá sòng ngủ giữa những hòn cuội nhỏ. (Theo Tuổi Trẻ, 24/3).

Cá Ông Trong khi cá voi lưng gù thường bị các tàu đánh cá Na Uy, Nhật Bản… đánh bắt ráo riết khiến chúng ở trong tình trạng suy giảm trầm trọng, thì các ngư dân Việt Nam ngược lại không có thói quen bắt loại cá này và thường tỏ ra kính trọng, gọi chúng là cá Ông. Khi gặp cá chết, cả làng nghề thường họp nhau làm lễ mai táng.

Con Lười Tí-hon có Mắt lớn. Nói chung, các động-vật dưới biển có cặp mắt lớn hơn những động-vật sống trên cạn. Tuy vậy, mắt của loài khỉ tí-hon Cu-li (tarsier hay loris) cũng được kể là rất lớn, hoạt-động rất tinh trong đêm tối như cặp ống nhòm. Nếu loài người muốn con mắt cỡ tương-đương thì cặp mắt chúng ta phải lớn như hai trái bưởi.

Khỉ Cu-li thường được gọi lá Con Lười nhỏ, sống tại rừng Borneo, Philippines và Việt-Nam. Chúng lại là loài linh-trưởng độc-nhất có thể quay đầu đủ 180 độ về mỗi phía.[212] Cu-li là loài khỉ nhỏ nhất không đuôi, chỉ nặng khoảng 1kg, toàn-thân dài 25cm. Sở dĩ Cu-Li mang tên Con Lười (Paresseur) vì nó thường-thường di-chuyển rất chậm chạp trên cành lá rậm rạp đến độ con mồi không để-ý. Khi đúng trong tầm, Lười ra tay rất lẹ để chộp con mồi. Nhờ hai chân bám cây rất vững, Lười có thể dùng cả hai “tay” khi cần-thiết.

Cả chân và tay con Lười có thể rất nhanh, “ra tay” chính-xác nhưng khả-năng di-chuyển nhanh, truyền cành như “bà con gần” của nó là loài Vượn đà bị mất đi hoàn-toàn.

 

 

Hình 141. Culi lùn Nycticebus pygmaeus

 

Động-vật có đôi Mắt lớn nhất. Nếu cuộc tranh tài chỉ giới hạn trong những sinh vật đang sống, thì mực khổng lồ (Architeuthis) sẽ đoạt ngôi vô địch dễ dàng mà không có đối thủ. Con mắt với đường kính 25 cm của nó to bằng cả đầu người, rộng 10 lần kích cỡ mắt của chúng ta.

Trong bảng so sánh bên, người và cá heo đứng trên cùng, với đôi mắt nhỏ xíu. Đứng gần chót danh sách là mực khổng lồ với con mắt rộng bằng một chiếc đĩa lớn. Người và mực có cấu trúc mắt khá tương đồng. Cả hai đều có thủy tinh thể, đồng tử, mống mắt và võng mạc đơn, mặc dù mực tiến hóa dưới nước và người ở trên cạn.

Nhưng nếu so sánh với các bậc tiền bối, thì mực khổng lồ vẫn chỉ là hạng hai. Nhà vô địch của mọi thời đại phải kể đến con Temnodontosaurs platyodon, đứng cuối bảng tổng sắp. Đường kính mắt của nó lên tới 26,4 cm. Đây là một loài bò sát biển đã tuyệt chủng, với bề ngoài trông giống như cá. Chúng từng ngang dọc trên các đại dương trong thời kỳ Đại Trung Sinh - không lâu trước khi khủng long đặt lên chân lên đất liền - 250 triệu năm trước

 

 

Hình 142. Từ trên xuống, kích cỡ mắt tăng dần.

 

Khi chim Én bay thấp thì Trời mưa. Khi ta thấy chim én bay thành đàn sà thấp xuống mặt đất để bắt côn trùng thì thường sau đó, trời sẽ mưa.

Nguyên nhân là trước lúc trở trời, trong không khí có nhiều hơi nước, đọng vào những bộ cánh mỏng của côn trùng, làm tăng trọng-lượng, khiến chúng chỉ có thể bay là là sát mặt đất. Trong số các côn trùng còn có các loài mối, muỗi nhỏ mà chúng ta khó nhìn thấy. Khi gặp lúc khí-áp thấp, không-khí ngột ngạt, nên nhiều loài sâu bọ cũng chui lên khỏi mặt đất. Chim én bay xuống thấp chính là để bắt những côn trùng và sâu bọ này.

Cho nên, cứ mỗi khi thấy chim én bay thành đàn sà xuống, người ta lại nói rằng trời sắp có mưa.

Chim Cắt Vô-địch Nhìn xa và Bay nhanh. Kích-thước cặp mắt của loài chim không đủ lớn và không có trong bảng so sánh ở trên, nhưng thị-lực nhìn xa của chúng đứng hàng vô-địch

Ðứng đầu là loài chim cắt, với khả-năng nhận ra một con chim bồ câu từ một khoảng cách xa tới 5 dậm Anh. Chim cắt không những nhìn xa thấy rõ mà còn bay rất nhanh. Vận-tốc bình-phi của loài chim dữ này ít nhất cũng vượt 124 đặm một giờ. Khi nhào xuống bắt mồi giữa không-trung, chim cắt dễ dàng đạt tới 168 dặm một giờ. Với vận-tốc này, Chim Cắt (peregrine falcon - Falco peregrinus) đúng là sinh-vật nhanh nhất trên địa-cầu hiện này.[213]

 

 

Hình 143. Thạch-Sanh bắn đại-bàng cứu công-chúa

 

Ðại-bàng Tí-hon. Truyện thần-thoại Việt-Nam đầy dẫy những con đại-bàng khổng-lồ gây nỗi kinh-hoàng cho loài người. Chim che cả ánh mặt trời khi bay, cả một vùng rộng lớn bị tăm tối như ban đêm. Chim đại-bàng to-lớn đứng đầu bốn thú-vật khổng-lồ. Câu “Nhất Ðiểu, Nhì Ngư, Tam Xà, Tứ Tượng” có nghiã: lớn nhất là chim (Ðại-bàng), thứ nhì là cá (cá Voi, cá Ông), thứ ba là rắn (trăn, Mãng-xà), thứ tư là Voi.

Tuy vậy, xứ ta lại có một vài loài chim thuộc họ đại-bàng (falcon) mà thân lại nhỏ síu. Ðó là chim cắt chân đen (black-legged falconet - Micrphierax fringlius) với trọng-lượng toàn-thân 1.25 ounces, tức không hơn một trái trứng vịt. Chim này thường chỉ dài chừng 5,5 inches, kể cả 2 inches cho lông đuôi. Ít con nào lớn tới 6 inches (12.6 cm)[214]. Chúng được xếp vào một trong những loài chim dữ ăn thịt sống nhỏ nhất trên thế-giới.

Không / Hải-hành Viễn-dương Chính-xác.  Với những phương-tiện tối-tân điện-tử, không / hải-hành viễn-dương ngày nay thật là chính-xác. Không phải như vậy mà tất cả loài người chúng ta đã có thể tài-giỏi như các loài di-điểu. Chẳng có dụng-cụ cồng-kềnh như vệ-tinh, computer, la-bàn, sách vở tra-cứu…; những chim này được trời phú cho khả-năng bay xa hàng chục nghìn hải-lý, không lạc lối.

            Một cách giản-dị nhất, các nhà khoa-học chia ra 3 loại “la-bàn” mà óc di-điểu ghi nhớ được nhờ di-truyền. Phương-cách sử-dụng như sau:

- Ðường di-chuyển của mặt trời  để định hướng Ðông-Tây - Hải-hành ngày

- Ðường di-chuyển của thiên-thể để định hướng chung - Hải-hành đêm

- Từ-tính: chim có một cơ-phận tí-hon phía trên mũi, đặc-tính như nam-châm. Giống như được thiết-kế sẵn la-bàn-từ, chim biết rõ hướng Bắc-Nam của từ-trường trái đất.

            Có lẽ còn cần nhiều nghiên-cứu, người ta mới hiểu được hết bản-năng không hải-hành của di-điểu. Có nhiều đìều xem ra rất thích-thú cho những ai ưa thắc mắc về kỹ-thuật hàng-hải như sau:

- Khi bay ngang lục-địa, chim định vị-trí bằng đối-vật (landmark) nhưng làm sao chim giữ đúng hải-đạo, đìều-chỉnh độ dạt khi bay ngang biển rộng?

- Thoạt sanh ra, chim đã có ngay “Kim Chỉ Nam” nhưng còn hướng bay (phương-vị-độ bắc-từ), chúng học như thế nào ở những chim kinh-nghiệm hơn?

- Di-đìểu đã xuất-hiện trên trái đất mấy chục triệu năm. Trong thời-gian đó, từ-trường trái đất cứ thay đổi cực liên-tục, khoảng vài chục ngàn năm một lần (hai cực Nam Bắc địa-từ đổi ngược lại thành Bắc-Nam). Loài di-điểu thích-nghi với biến-chuyển này như thế nào?

- Khả-năng hải-hành của di-điểu được xem là hoàn-mỹ. Vận-tốc bay khá cao (50 gút cho Vịt trời). Chim lại thường sống rất thọ (Vẹt tới 100 năm).  Vậy người ta tự hỏi có biết bao nhiêu loài chim như Chim Báo Bão có thể suốt đời bay tổng cộng 8 triệu km, tức là gấp mấy chục lần quãng đường giữa trái đất và mặt trăng?

Có điều chắc chắn nhất: rất ít nhà hàng-hải tàu viễn-đương[215] nào kinh-nghiệm dày dặn như những con di-điểu đang bay trên trời cao kia.

 

 

Hình 144. Loài Vẹt có con thọ cả trăm tuổi

 

Không có Chim độc. Người ta biết có nhiều thứ độc-vật như rắn, rít. Cũng có loại cá độc, ếch nhái độc. Nhưng có lẽ vì thường sinh-hoạt trên không-trung phải cần giữ an-toàn sinh-mạng, loài chim không mang chất độc trong cơ thể. Có những chim ăn rắn độc nhưng bản thân chim lại không độc. Ðiều yên-tâm nhất cho chúng ta là không có một giống chim nào độc tài Vịnh Bắc-Việt cũng như quanh vùng Việt-Nam.

Theo bảng thống-kê của ngành điểu-học, chỉ có hai loài chim mang chất độc ở bộ lông và ngoài da. Tên chất độc là homobatrachotoxin (steroidal alkaloid). Có lẽ chim bị nhiễm từ cây cỏ độc khi kiếm ăn. Ðó là: 

- Chim Rác Hooded Pitohui (Pitohui dichrous, the "garbage bird")

- Chim Ifrita (Ifrita kowaldi) sống trên đảo Papua, New Guinea.

Cá chép. Cá chép rất quen thuộc với dân Bắc Việt-Nam. Thịt chúng thơm và ngon. Cá bán ngoài chợ không lớn lắm, nhưng trong sách Sinh-Vật-Học, Chép là loài cá nước ngọt rất lớn, dài 120.0 cm SL, nặng tới 38 kg, sống tới 47 năm. Chỉ trừ một chút thiếu-hụt chiều cao, còn trọng-lượng và tuổi thọ của cá chép không thua kém một người trung-bình năm mười thế-kỷ trước đây.

Người Á-Ðông cho rằng Cá Chép vượt Vũ-Môn sẽ hóa thành Rồng. Người học-trò đi thi đậu làm qua thường được ví như “cá vuợt Vũ-Môn” vậy.

Cá chép là phương tiện để các ông bà Táo về chầu trời ngày 23 tháng Chạp. Ở miền Bắc Việt Nam, người ta thường cúng một con cá chép hãy còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng lẹ làng đưa ông bà Táo về trời, tường-trình mọi chuyện nhân-gian. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh", thả ra ao hồ hay ra sông ngay sau đó để lên đường.

Tình mẫu-tử.   Bức hình sau đây có lẽ vẽ bởi một nhà khoa-học Pháp cách đây hơn một trăm năm về một loài khỉ Việt-Nam (François Langur). Chúng tôi xin dùng nó để chấm dứt chương này

Hình 145. Mẹ Khỉ bồng con (François Langur). Tình mẫu-tử thiêng-liêng cũng như Con Người chúng ta.

 


Chương 6

Tài-Nguyên

 

6.1 – Quan-niệm mới về tài-nguyên

            Thời-gian gần đây, nhân-loại tìm ra thêm nhiều nguồn tài-nguyên mới trong thiên-nhiên. Bảng sơ-đồ dưới đây cho ta biết một quan-niệm mới mẻ về tài-nguyên nước ta:

 

 

Hình 146. Các tài-nguyên thiên-nhiên chủ-yếu ở Việt-Nam[216]

 

Nếu hiểu như vậy, tài-nguyên thiên-nhiên bao trùm quá nhiều lãnh-vực khó mà trình-bày đầy đủ. Nhìn chung, Việt-Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có những nguồn tài nguyên phong phú như:

- Rừng đa dạng, có nhiều hệ sinh thái đặc sắc.

- Bờ biển kéo dài thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản và phát triển du lịch.

- Ngành nông - lâm nghiệp chiếm gần 60% tổng tài nguyên đất của cả nước và hầu hết tài nguyên tự nhiên như nước, rừng, biển...

Vấn đề khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên quí báu  hiện là một trong những mối quan tâm lớn của Việt Nam. Dưới đây, chúng tôi chỉ xin trình-bày một số tài-liệu giới-hạn về Vịnh.

 

6.2 - Tài-nguyên Biển Việt-Nam

Sau nhiều lần khảo-sát, người ta thấy nguồn-lợi tôm cá Biển Đông thuộc Việt-Nam không phải quá nghèo kiệt như André Guilcher đã nói về "màu xanh hoang mạc của biển nhiệt-đới"[217] nhưng cũng không nên coi là quá giàu có như những vùng biển nông khác. Tuy thế, nạn cạn kiệt dần dần nguồn-lợi tôm cá biển ở dải nước ven bờ ở Việt-Nam rất đáng lo ngại vì sự khai-thác bừa bãi và vì không có kế-hoạch hữu-hiệu.

Thềm lục-địa Việt-Nam không những khá giàu về tài-nguyên sinh-vật (cá và hải-sản các loại) mà còn thêm tài-nguyên dầu-khí rất đáng kể. Các tài-nguyên này đều đã được đánh giá nhưng chưa phải là đã thật đầy đủ, trước hết là do các điều-kiện kỹ-thuật.  Những công cuộc dò tìm và khảo sát hiện đang tiếp tục ở khu-vực phía Bắc và khu-vực miền Trung chắc sẽ còn cung cấp những dữ kiện mới, có khi bất ngờ, chẳng hạn như trên bể trầm-tích sông Hồng mà diện-tích lên đến gần 70,000 km, kéo dài từ miền võng Hà Nội xuống đến đứt gãy ngang Quy Nhơn, với chiều dày trầm-tích 1,5-12 km và khối lượng trầm-tích trên 600,000 km3.

Trong ba khu-vực biển Bắc, Trung và Nam nước ta, khu-vực biển Nam-phần chiếm đến 62% khả-năng khai-thác về cá, 72% về tôm và 42% về mực của cả nước. Về tài-nguyên dầu-khí, biển Miền Nam cũng có bách-phân khai-thác cao nhất, tập-trung trong hai bể chứa dầu-khí Cửu-Long và Nam Côn Sơn.

            Hàng năm, vùng Biển Đông thu-hoạch được khoảng từ 5 đến 6 triệu tấn hải-sản, chiếm vào khoảng 1/14 tổng-số sản-lượng của thế-giới (chừng 70 hay 80 triệu tấn). Khả-năng thu-hoạch hải-sản tại Biển Ðông còn có thể cao hơn nhiều, ít nhất là 3 triệu tấn nữa[218].

 

6.3 - Các loài Cá và Các loài Không Xương Sống Biển

            Sau đây là một vài con số liên-hệ đến các loài Cá và các loài không xương sống biển Việt-Nam:

a. Cá biển. Tổng số loài cá biển được ghi nhận là 2038 loài của 717 giống và 198 hộ, 70% trong số đó là cá sống dưới đáy. Cá biển Việt Nam là các loài nhiệt đới quan trọng với một tỉ lệ nhỏ các loài cá nhiệt đới chủ yếu phân bố ở Vịnh bắc bộ. Các cuộc nghiên cứu về cá rạn san hô vừa mới ghi được tổng số 346 loài .

b. Các loài không xương sống biển. Trên 300 loài san hô scleeractinian đã được tìm thấy ở Việt Nam mặc dù việc phân loại vẫn còn chưa được thống nhất (Zou Ren Lin, 1975; Latypov, 1982, 1986; Võ Sĩ Tuấn, 1987, 1988, 1993a,b, c; Nguyen Huy Yet et al 1989 Nguyễn Huy Yết, 1991; Lang Van Ken, 1991). Trong số này, 62 giống tạo nên rạn san hô, một số lượng lớn tương tự ở Thái Lan (61), Singapore (64), Micronesia (61)) và Malaysia (59) và chỉ ít hơn Indonesian một chút(72) và Philippines (70) (UNESCO, 1985). Sự phong phú về giống ở các khu vực khác nhau ở Việt Nam là kết hợp kết quả của sự khác nhau về điều kiện địa lý và thuỷ văn cũng như các công tác điều tra .

Các loài không xương sống biển khác bao gồm khoảng 2500 loài nhuyễn thể, 1500 crustacea, 700 polychaete, 350 loài echinoderm, 150 loài porifera, và một số nhóm khác.

c- Tảo biển. 653 loài tảo biển đã được xác định bao gồm 301 loài rhodophytes, 151 loài chlorophytes, 124 loài phaeophytes và 77 loài cyanophytes.[219]

 

6.4 - Ước-lượng Hải-Sản biển Việt-Nam.

Những lần nghiên-cứu gần đây, đặc-biệt là cuộc khảo-sát bằng siêu-âm vào tháng 4 và tháng 5-1999 cho những con số ước-lượng đầu tiên về hải-sản một cách cụ-thể. Chuyên-viên của Trung-Tâm Phát-triển Nghề Cá Ðông-Nam-Á (SEAFDEC) dùng một con tàu nghiên-cứu chạy với vận-tốc đều-đặn là 10 gút (hải-lý/giờ) qua lại thành những luống trên biển. Trong khi tàu chạy, người ta cho máy trắc-lượng ghi nhận mật-độ của các hải-sinh-vật bằng cách đo hồi-ba của siêu-âm phát ra. Nguyên-tắc này giống như của sonar hay decca, chỉ khác là chùm sóng phát ra quét rộng lớn, không cần hội tụ lại chỉ với một mục đích là phát-hiện tàu địch.

Hình 147. Bản-đồ ghi-nhận mật-độ hải-sản vùng biển Việt-Nam

 Hải-Sinh-Vật có mật-độ cao nhất tại vùng ngoài khơi Nghệ-An, rồi đến Thừa-Thiên và Vũng-Tàu.

 

Kết-quả được Rosidi Ali, Nguyễn Lam Anh, Vũ Duyên Hải, Shunji Fujiwara, Kunimune Shiomi và Nadzri Seman lập thành một báo-cáo[220] khá dài với những điểm chính sau đây:

- Quan-sát tổng-quát vào khoảng 27.6% diện-tích thăm-dò đạt tới mật-độ hải-sản khá cao, vượt 20 tấn/.km2  (tối-đa 113 tấn/km2, tối thiểu 0.1 tấn/km2)

- Trong khu-vực biển Việt-Nam được thăm dò, tổng-số hải-sản ước-lượng vào khoảng 9.26 triệu tấn với mật-độ trung-bình  15.93 tấn/km2

- Sự phỏng-định được dựa trên giả-thuyết là loài cá thu Decapterus maruadsi được coi như hải sản chính bao-phủ khắp vùng. Cá thu này được tính làm căn-bản, có chiều dài 15,4 cm và nặng 63g.

Ước-đoán hiện nay cho biết toàn thể Biển Ðông có khả-năng sản-xuất trên 30 triệu tấn một năm. Ngư-nghiệp thu-hoạch chỉ chiếm khoảng 13 phần trăm số lượng trên, phần còn lại tiêu-thụ bởi các loài chim cá ăn thịt..

            Một phỏng-định khác cho rằng con người đã thu-hoạch được 5 triệu tấn cá từ Biển Ðông. Biển này cung cấp 10% tổng-số lượng cá trên toàn thế-giới. các nước chung quanh khu-vực Biển Ðông đã sản-xuất được tới 5 trong 8 loại tôm tốt nhất, đứng đầu trong ngành  nuôi trồng thủy-sản.

            Quan-sát bản-đồ của “Trung-Tâm Phát-triển Nghề Cá Ðông-Nam-Á”, ta thấy hải-phận Bắc-phần rất nhỏ hẹp so với hải-phận Trung và Nam-phần. Dù mật-độ hải-sản cao, nhưng tiềm-năng không nhiều lắm..

Năm nay, 2002, ngành thủy sản dự kiến sẽ khai thác được 2,1 triệu tấn thủy-sản và đạt kim ngạch xuất khẩu 1,6 tỷ Mỹ-kim. Tổng-số này bao gồm chừng 1/3 đến từ cách-thức nuôi trồng thủy-sản, Tỷ-lệ này đang có khuynh-hướng gia-tăng.

 

6.5 - Các Vùng đất ngập nước ở Việt Nam đóng Vai trò Quan-trọng như thế nào?

Theo Công ước Ramsar [221] thì "Đất ngập nước bao gồm: những vùng đầm lầy, đầm lầy than bùn, những vực nước bất kể là tự nhiên hay nhân tạo, những vùng ngập nước tạm thời hay thường xuyên, những khu-vực nước đứng hay nước chảy, là nước ngọt, nước lợ hay nước mặn, kể cả những vực nước biển có độ sâu không quá 6m khi triều thấp".

Dù rộng hay hẹp, vai trò của các vùng đất ngập nước hầu như đều giống nhau, đó là cung cấp cho con người nhiên liệu, thức ăn, là nơi giải trí, là nơi lưu trữ các nguồn gen quý hiếm. Đất ngập nước là những hệ sinh-thái có năng suất cao, cung cấp cho con người gần 2/3 sản-lượng đánh bắt cá, là nơi cung cấp lúa gạo nuôi sống gần 3 tỷ người. Đất ngập nước cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự sống còn của các loài chim.

Để bảo tồn các vùng đất ngập nước, năm 1971, Công ước Ramsar đã ra đời. Đây là công ước quốc tế về bảo tồn sớm nhất thế-giới, nhiều thành quả quan trọng về việc bảo tồn các vùng đất ngập nước đã được ghi nhận. Ramsar bắt buộc 92 nước thành viên của mình phân khu và bảo vệ các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và thúc đẩy việc "sử-dụng hợp lý" các vùng này. Mới đây, gần 800 khu đã được đưa vào danh sách bảo tồn.

            Tại Việt-Nam,  phần lớn ngũ cốc, cá, tôm và các loại lương thực, thực phẩm khác đều được sản xuất từ những vùng đất ngập nước, đặc biệt là từ châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Cửu Long ở phía Nam. Ngoài vai trò sản xuất nông nghiệp và thủy-sản, đất ngập nước còn đóng vai trò quan trọng trong thiên nhiên và môi trường như lọc nước thải, điều hoà dòng chảy (giảm lũ lụt và hạn hán), điều hoà khí hậu địa-phương, chống xói lở bờ biển, ổn định mức nước ngầm cho những vùng sản xuất nông nghiệp, tích luỹ nước ngầm, là nơi trú chân của nhiều loài chim di cư quý hiếm, là nơi giải trí, du-lịch rất giá trị cho người dân Việt Nam cũng như khách nước ngoài. Về lâu dài, các vùng đất ngập nước của Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát-triển kinh-tế và xã-hội.[222] 

  

6.6 – Tài-nguyên ngành Ngư nghiệp

Biển Việt-Nam là biển nhiệt-đới nên mang những đặc điểm chung của vùng biển này: biển có thành phần loài đa-dạng (có đến hơn 2000 loài) nhưng số lượng từng cá thể loại lại không lớn. Các loài có giá-trị kinh-tế chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, chỉ khoảng 10% tổng số (trường hợp riêng biệt có thể đến 20-30%).

Các đàn cá thường có quy mô không lớn, lại phân bố rải rác. Cơ thể cá thuộc loài nhỏ hoặc trung-bình, tuổi thọ thấp nhưng bù lại, khả-năng tái-sinh và phục hồi trữ lượng tương-đối nhanh do cá đẻ hầu như quanh năm và thành nhiều đợt, tập trung vào các vụ xuân hè ở các khu-vực ven bờ, cửa sông và hải-đảo.

            Theo những số liệu chưa đầy đủ (1), số lượng lao-động nghề cá của tất cả các đảo gộp lại là vào khoảng 24,000 người: ở vùng biển Bắc Bộ là 5700 người, ở hai vùng biển Trung Bộ và Đông Nam Bộ là 10.500 người, còn ở vùng biển Tây Nam là 7.500 người. Như vậy so với tổng số dân sống trên các đảo như đã nêu trên, tỷ lệ lao-động làm nghề cá chỉ chiếm 13-14%, như vậy là còn rất khiêm tốn.

 

Hình 148.- Bào-ngư, hải-sâm, rong biển

 

Tuy nhiên, nếu thống-kê theo từng đảo thì tỷ lệ này có phần khả quan hơn. Tỷ lệ lao-động nghề cá ở đảo Cô Tô chiếm đến 55% so với số dân trên đảo, ở Cát-Hải là 35-40%,

Về phương tiện đánh bắt, ngư-dân trên các đảo thường chỉ có những tàu thuyền đánh cá nhỏ, công-suất trên dưới 25-30 CV nên cũng chỉ hoạt-động cách xa bờ đảo nhiều lắm là đến độ sâu 50m mét nước. Hoạt-động đánh cá biển khơi còn hạn chế vì cần phải có tàu công-suất lớn. Ngay ở Phú Quốc là nơi có nhiều khả-năng hơn cả thì trong số 1500-1600 tàu thuyền, số có công-suất trên 59 CV chỉ chiếm khoảng 2% còn số tàu thuyền dưới 10 CV chiếm đến trên 67%, số còn lại có công-suất từ 10 đến 59 CV. Nhu-cầu có những tàu đánh cá công-suất lớn tỏ ra rất cấp thiết đối với các đảo nằm rất xa bờ như đảo Thổ Chu và Bạch-Long-Vĩ, những tàu thuyền có công-suất lớn 150-250 CV hay hơn là rất cần-thiết không những để đánh cá mà còn để liên-lạc với đất liền và làm các nhiệm-vụ khác.

            Cũng như đối với dải ven bờ của đất liền, việc đánh cá loanh quanh, ven bờ các đảo cũng dễ làm cạn kiệt nguồn-lợi ở đấy, trong khi lẽ ra chính chúng phải được trang bị để trở thành những "đầu cầu" cho hoạt-động đánh cá biển khơi. Việc trong năm 1996, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu tổ-chức những đợt cho tàu thuyền ra đánh cá ở vùng quần-đảo Trường Sa là một minh chứng cho thấy rằng có khả-năng làm được điều đó.

 

6.7 - Tài-nguyên nông lâm nghiệp trên các đảo

Ở trên các đảo có điều-kiện, hoạt-động nông lâm, nghiệp vẫn đóng một vai trò quan-trọng trong sự phát-triển kinh-tế

Dân-cư trên các đảo - dù là đảo lớn hay đảo nhỏ - theo tập quán bao giờ cũng tìm cách khai-thác các tài-nguyên trên đảo vào mục đích nông lâm nghiệp. Đấy là vì trước khi trở thành ngư-dân, họ đều là nông dân, và các hoạt-động này đảm bảo sự sống hàng ngày của họ.

So với lao-động ngư nghiệp, số lao-động làm nông-nghiệp vẫn chiếm phần hơn. Lấy thí-dụ ở Phú Quốc, mặc dù nghề cá rất phát-triển, nhưng lực lượng lao-động làm nghề này chỉ chiếm khoảng 17% của tổng số lao-động xã-hội, đứng thứ ba sau cả lực lượng làm tiểu thủ công-nghiệp và công-nghiệp; lực lượng lao-động nông, lâm nghiệp chiếm vị-trí thứ nhất với 51,9% của tổng số. Ở đảo Phú Quý cũng có hiện tượng tương tự: lực lượng lao-động nông-nghiệp chiếm đến khoảng 70%, gần 20% làlao-động ngư nghiệp, còn lại là các hoạt-động khác. Ở vùng biển phía bắc, các đảo Cát Bà, Vĩnh Thực, Cái Chiên v,v... đề có lực lượng lao-động làm nông lâm nghiệp vượt trội.

Mặc dù nông lâm nghiệp chiếm nhiều lực lượng lao-động nhất trên các đảo nhưng giá-trị tổng sản-lượng không cao, trừ một phần ở Phú Quốc và Phú Quý. Tuy nhiên ngay cả ở hai đảo này, cũng khó lòng mà đặt vấn-đề tự túc lương thực và thực-tế cũng cho thấy phần lớn diện-tích khai khẩn được đều được dùng để trồng cây lâu năm như tiêu, điều, dừa và một số cây lâu năm khác (như ở Phú Quốc), hoặc chuyển dần sang trồng màu, hành, tỏi (như ở Phú Quý). Gần đây đã có phong trào chuyển đất trồng lúa nước sang trồng cây ăn quả các loại như ở Cát Bà, Thanh Lam.

 

6.8 - Chăn nuôi Gia súc Gia cầm trên các Ðảo

Chăn nuôi gia súc gia cầm trên các đảo vẫn giữ được vị-trí của mình, do rất sẵn lao-động và thức ăn từ các phế phẩm của cá.

Hoạt-động lâm nghiệp, đúng hơn là hoạt-động khai-thác rừng, là một hoạt-động phổ biến và thường xuyên. Đấy đầu tiên là nhằm cung cấp vật-liệu xây-dựng, gỗ gủi đun hàng ngày, sau đó mới đến các nguyên liệu cho các nghề tiểu thủ công-nghiệp và cả công-nghiệp nữa (đóng vỏ thuyền đi biển). Công tác trồng rừng trên các đảo còn khó hơn trên đất liền vì thiếu nước tưới - ngay nông-nghiệp cũng chỉ dựa được vào nước trời - và đất đá khô cằn hơn, không kể gió mạnh và mưa bão. Lớp phủ rừng trên phần lớn các đảo đã bị thu hẹp đến mức có thể coi như là cạn kiệt; không lấy làm lạ là các cây bụi và trảng cỏ là lớp phủ phổ biến. Các đảo Lý Sơn, Phú Quý hầu như không còn rừng, điều đó làm tăng thêm độ khô hạn của khí-hậu và của đất.

Các đảo còn rừng - tuy không giàu lắm như trước - là Phú Quốc, Côn Đảo, Thổ Chu, Hòn Khoai, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Mê, Cát Bà và một số ít đảo khác ở Kiên Giang và Quảng-Ninh. Bằng mọi cách phải bảo-vệ cho được lớp phủ rừng còn lại đó và trồng rừng.

Các hoạt-động công-nghiệp và tiểu thủ công-nghiệp trên hầu hết các đảo còn nghèo nàn, tuy một số đăc sản có vị-trí đáng kể trên thị trường trong nước và được xuất khẩu ra nước ngoài   

Các đảo - dù là đảo ven bờ - cũng vẫn là những "vùng sâu, vùng xa" mà chỉ gần đây mới dược chú ý đến. Do những nhu-cầu hàng ngày của mình, dân-cư ở các đảo đã lập một số cơ sở thủ công-nghiệp để sản-xuất các vật-dụng hàng ngày như xưởng đóng thuyền gỗ, xưởng mộc, xưởng rèn v.v... Các xưởng chế-biến hải-sản như làm tôm khô, cá khô có vẻ phát đạt hơn, các xí nghiệp chế-biến nước mắm cũng vậy. Ở miền Bắc, nước mắm Cát-Hải được chấp nhận trên thị trường nhưng vẫn còn kém nước mắm Phú Quốc. Sản-lượng nước mắm tại đảo sau hàng năm đạt trên 5 triệu lít, phần lớn được đóng chai để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Khó lòng mà nói đến việc phát-triển công-nghiệp trên các đảo nếu không giải-quyết được vấn-đề cung cấp điện, nước. Việc trang bị những máy nổ có công-suất lớn nhỏ cho tất cả các đảo có người ở tỏ ra rất cần-thiết (ngay nếu như chưa phục-vụ các xí nghiệp công-nghiệp thì cũng có tác-dụng nâng cao đời sống tinh thần và văn-hóa cho nhân dân). Ở các đảo lớn như Cát Bầu, Cát Bà, Cát hải, Phú Quý, Phú Quốc cần nghĩ đến việc xây-dựng các nhà máy điện nhỏ hay trung-bình.

Việc có điện nước cũng góp phần thúc đẩy các hoạt-động dịch vụ có thể mang lại thu nhập cao cho địa-phương, trước hết là hoạt-động du-lịch. Nhiều kế-hoạch phát-triển du-lịch đảo, nhiều tranh ảnh và áp phích đã cố gắng thu hút khách trong nước và nước ngoài nhưng kết-quả còn hạn chế vì tổ-chức du-lịch còn thô sơ.

 

6.9 - Tài-nguyên Thềm Lục-địa, các Ðảo ven bờ và các Quần-đảo   

Các tài-nguyên mà thềm lục địa, các đảo ven bờ và các quần-đảo xa bờ chưa phải là đã được biết hết. Rất cần-thiết phải có một chiến-lược phát-triển kinh-tế - xã-hội các vùng đảo, coi như các căn cứ để từ đó thực-hiện có hiệu-quả chức năng quản lý trên các vùng biển mà Việt-Nam có chủ quyền. 

Những công cuộc điều-tra trong nhiều năm mới giới hạn từ kinh-độ 110 Đông trở vào phía bờ biển cho thấy các bãi cá phân bố không đồng đều và có quy mô thay đổi. Tính ra có đến 12 bãi cá chính ở các khu-vực ven bờ và 3 bãi cá trên các gò nổi ngoài khơi là có giá-trị hơn cả.

Các bãi cá chính thường có kích-thước lớn và tương-đối ổn-định trong đó đáng chú ý là các bãi ở Bạch-Long-Vĩ, bãi giữa vịnh Bắc Bộ, ở Hòn Gió, Thuận An, Cù Lao Thu có thể khai-thác 15-20 nghìn tấn năm. Các bãi cá gò nổi vùng khơi chỉ cho sản-lượng khoảng 2-3 ngàn tấn năm. Ở Đông Nam Bộ và Nam Bộ, các bãi cá ở vùng nước xa bờ sâu trên dưới 50m có năng suất ổn-định hơn là ở vùng biển phía bắc. Một số loài cá có giá-trị kinh-tế cao thường tập trung ở đấy, thí-dụ như cá Nục (Carangidae), cá Hồng (Lutianidae), cá Mối (Synodidae), cá Chỉ Vàng (Selaroides leptolepis), cá Thu Ngừ (Seombridae), cá Mú (Serranidae) v.v...

Việc đánh giá trữ lượng có phần khó khăn hơn và đấy là điều dễ hiểu. Những tính toán gần đây nhất cho thấy trữ lượng cá biển ở Việt-Nam là khoảng trên 2,7 triệu tấn, trong đó cá nổi chiếm gần 2/3, còn lại là cá đáy (chưa tính vùng biển sâu). Ngoài ra còn có cá vùng gò nối ngoài khơi Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết, Côn Sơn, có trữ-lượng ước-tính 10,000 tấn, gồm chủ-yếu cá thu và cá đỏ môi.

Trữ lượng cá lớn nhất tập trung ở vùng biển Đông Nam Bộ, chiếm đến 44% tổng trữ lượng, các vùng biển khác ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nam Bộ mỗi vùng chỉ chiếm từ 18 đến 20%. Riêng về cá nổi thì mặc dù Đông Nam Bộ vẫn đứng hàng đầu (30% tổng trữ lượng) nhưng trữ lượng cá nổi ở vùng biển Trung Bộ cũng không thua kém bao nhiêu (từ 18 đến 28%)(1) .

Ngoài ra, vùng biển Việt-Nam cũng có thêm nguồn-lợi tôm biển, mực v.v... kể cả rong biển, các nguồn-lợi đặc sản vùng bãi triều ven bờ (cua, sò, ngao, vọp v.v...). Riêng về tôm, đến nay đã biết được 101 loài thuộc 34 giống của 11 họ. Số loài có giá-trị kinh-tế có khoảng 50 loài, trong đó có tôm he (Penaeidae), tôm hùm (Palinuridae) và một số loài có giá-trị xuất khẩu. Sự phân bố các bãi tôm thay đổi từ bắc xuống nam nhưng căn cứ vào sản-lượng đánh bắt được, có thể coi vùng biển Nam Bộ (đặc biệt là ở Minh-Hải và Kiên-Giang) chiếm đến khoảng 80% tổng sản-lượng (đánh bắt được) của cả nước.

 

6.10 - Hướng Ði Lên của một Hải-Ðảo

Cô Tô có nguồn hải-sản phong phú, dồi dào. Nằm trong hệ các vịnh Bắc Bộ, ngư trường Cô Tô có non 1000 loài cá, trong đó khoảng 60 loài có giá trị kinh-tế caolà đối tượng đánh bắt như: cá hồng, song, mú, thu, chim... Các loài giáp sát, nhuyễn-thể cũng có trữ lượng lớn: tôm, mực trai, ngoạc, bào ngư... Cạnh đảo Cô Tô còn có hai bãi trai ngọc ở Cẩu Thầu Mỷ, có bãi bào ngư cũng từng được khai-thác tốt.

Kinh-tế trên quần đảo Cô Tô đã phát-triển đến đỉnh cao vào năm 1977. Năm đó có trên 6000 dân, sản-lượng lương thực đạt 646 tấn, trong đó thóc 559 tấn, cam, chanh chuối gần 100 tấn, chăn nuôi 2500 con lợn, 670 con bò, 2 đồng muối với diện-tích 22ha làm được 1200 tấn muối. ngề đnáh bắt cá là nghề chính, năm cao nhất đánh bắt được 17,000 tấn, năng suất lao-động bình quân 10 tấn /lao-động. Trước năm 1978, Cô Tô có 30 tàu thuyền lớn với tổng công-suất 1835cv, các nghề chính là vó vây, kết hợp ánh sáng, lưới rê và các nghề ven bờ. Trại nuôi cấy ngọc trai đã từng đạt số lượng cao 250kg ngọc trai. Ngoài ra trên đảo có cơ sở xửa chữa tàu thuyền, ngụ cư về theo luồng Cô Tô- Cái Rồng (Vân đồn), Cô Tô- Hòn Gai. Ðường bộ có 12 km đường cấp phối xuyên đảo Cô Tô, Trên đảo Thanh Lân chỉ có đường mòn đi bộ dọc đảo dài 11km.

UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Thủy-sản xem xét tổ-chức ngay việc thí điểm nuôi bào ngư (một loại thủy-sản quý có giá trị kinh-tế cao) tại vùng biển Cô Tô

 

6.11 - Các Tài-nguyên Khoáng-sản Biển 

Các tài-nguyên khoáng-sản biển đã được biết đến nhiều, đặc biệt là dầu-khí. Chỉ có thể nói rằng thềm lục-địa Việt-Nam có khoảng 5 bể trầm-tích (chủ-yếu là các bể trầm-tích Xênôzôi) có khả-năng chứa dầu-khí: bể trầm-tích sông Hồng, bể trầm-tích Trung Bộ, bể trầm-tích Cửu-Long, bể trầm-tích Nam Côn Sơn và bể trầm-tích Thổ Chu - Mã Lai.

Trữ lượng dự báo địa-chất có khả-năng đạt được đến 10 tỷ tấn dầu, trữ lượng khai-thác có thể đạt khoảng một nửa. Những công cuộc thăm dò cho thấy bể nào cũng có khả-năng về dầu-khí nhưng hai bể Cửu-Long và Nam Côn Sơn là có những mõ đã được khai-thác nhiều hơn cả, ít nhất là cho đến nay. Trữ lượng dự báo khí của các mõ đã khai-thác (Bạch Hổ, Đại Hùng, nếu không có những phương tiện thích hợp như tàu thuyền, bè mảng. Trong trường hợp đó, dải bờ biển kéo dài từ bắc xuống nam, các đảo và quần-đảo phân bố rải rác trên biển Đông đóng vai trò của những cứ điểm, những vọng gác cố-định mà con người có thể sử-dụng để quản lý và khai-thác các tài-nguyên biển. Đất liền và biển không tách rời được với nhau trong trường hợp đó.

- Rừng già, còn gọi là rừng sơ cấp, chưa được khai-thác, có nhiều loại cây đại thụ, dây leo và các loại dã thú. Rừng rậm Việt Nam tập trung ở các miền núi Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, trong rặng Hoàng Liên Sơn, vùng núi Thanh Nghệ, vài khu trên rặng Trường Sơn, có nhiều loại danh mộc như lim, gụ, sao, trắc, giẻ, nghiến, vàng tâm, huỳnh đàn, cẩm laị.

 

6.12 - Thuỷ sản trong Sông và ngoài Biển

Sông Hồng và các phụ lưu chính có tổng chiều dài hơn 700km. Các phụ lưu nhỏ cũng có tổng chiều dài lên tới hàng trăm km. Trong lưu vực có các đầm, hồ, hồ chứa theo mùa hay vĩnh cửu với diện tích mặt nước vào khoảng 25000 ha. Có thể nói, Lưu vực sông Hồng rất có tiểm năng nuôi trồng thuỷ sản.

Theo các số liệu thu thập được, đồng bằng có rất nhiều chủng loại cá như cá chép, chép đen, chép đỏ, cá chuối, cá rô, cá trê, cá chầy, cá nhồng... Đặc biệt ở sông Lô có loại cá Anh vũ rất có giá trị.

Thuỷ sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp 9% sản-lượng GDP (Gross Domestic Product) của toàn đất nước. Cá và các loài thuỷ sản nước mặn, nước ngọt cung cấp 30% lượng protein cho dân cư nông thôn và thành thị. Mức tiêu thụ cá vào khoảng 10 kg/người/ năm.

Hình 149. Các nguồn cung-cấp thực-phẩm của miền Bắc và các bãi đánh cá chính trong Vịnh Bắc-Việt[223]

 

Theo số liệu thống kê, sản lượng cá, tôm, cua và các hải sản khác vào khoảng 1,1 triệu tấn/ năm (năm 1992), trong đó 70% là đánh bắt hải sản, 10% đánh bắt từ các sông hồ, 20% nuôi trồng. Cuối năm 1992, ở đồng bằng sông Hồng có khoảng 4000 thuyền đánh cá, trong đó 3500 thuyền có gắn động cơ. 120000 người kiếm sông bằng nghề cá, trong đó 10000 người sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản, 36000 người sống bằng nghề đánh bắt và 12000 người sống bằng nghề chế biến thuỷ sản và các dịch vụ liên quan khác.

            Theo những số liệu chưa đầy đủ(1), số lượng lao-động nghề cá của tất cả các đảo gộp lại là vào khoảng 24,000 người: ở vùng biển Bắc Bộ là 5700 người

Trên một số đảo, còn có hoạt-động nuôi trồng thủy hải-sản, như các đầm nuôi tôm, cua ở Cát Hải, huyện Vân Đồn, Cô Tô, Cái Bầu và một số đảo ở miền Trung. Cũng như ở các bãi trên đất liền, công việc nuôi trồng còn mang nặng tính quảng canh, nhiều nhất là bán thâm canh. Do đó về mặt này còn phải đầu tư nhiều hơn nữa do năng suất chỉ mới đạt khoảng 1/10-1/8 năng suất trong khu-vực Đông Nam Á.

Hình 150. Các loại cá Việt-nam có giá-trị thương-mại.

 

Ðáng chú ý về sự phong-phú của các loài hải-sản Quảng Ninh. Do địa-hình vùng biển và đáy biển đa-dạng, chỗ là dòng chảy, chỗ là vùng kín gió lặng sóng, đáy biển chỗ là cồn đá, chỗ là bờ bãi phẳng, chỗ là rạn san-hô mênh mông nên Quảng Ninh có hầu hết các chủng loại thủy-sản của nước ta. Ở đây có nhiều đàn cá lớn và có nhiều giống cá quý như song, ngừ, chim, thu, nhụ... Trong các loài tôm có các giống tôm he. Núi Miều đứng hàng đầu về chất lượng tôm Việt Nam. Ngoài biển còn có nhiều loại đặc sản như trai nhọc, bào ngư, đồi mồi, tôm hùm, ven bờ có sò huyết, ngao, ngán, hàu, rau câu, sái sùng. Ven bờ biển và trên vịnh đang phát-triển nuôi trông các loại hải đặc-sản. Ngư trường rộng và sự đa-dạng về chủng loại thủy-sản vẫn luôn luôn là nguồn lợi quan-trọng, một thế mạnh của kinh-tế biển Quảng Ninh

Hình 151. Tôm hải-sản nuôi trồng chính của Việt-Nam

 

6.13 - Tài-nguyên Khoáng-sản quanh Vịnh Bắc-Việt

Tài-nguyên khoáng-sản vùng duyên-hải Vịnh Bắc-Việ

Tài nguyên thiên nhiên được chia thành hai loại: tài nguyên tái tạo và tài nguyên không tái tạo.

* Tài nguyên tái tạo (nước ngọt, đất, sinh vật v.v...) là tài nguyên có thể tự duy trì hoặc tự bổ sung một cách liên tục khi được quản lý một cách hợp lý. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hợp lý, tài nguyên tái tạo có thể bị suy thoái không thể tái tạo được. Ví dụ: tài nguyên nước có thể bị ô nhiễm, tài nguyên đất có thể bị mặn hoá, bạc màu, xói mòn v.v...

* Tài nguyên không tái tạo: là loại tài nguyên tồn tại hữu hạn, sẽ mất đi hoặc biến đổi sau quá trình sử dụng. Ví dụ như tài nguyên khoáng sản của một mỏ có thể cạn kiệt sau khi khai thác. Tài nguyên gen di truyền có thể mất đi cùng với sự tiêu diệt của các loài sinh vật quý hiếm.

Tài nguyên con người (tài nguyên xã hội) là một dạng tài nguyên tái tạo đặc biệt, thể hiện bởi sức lao động chân tay và trí óc, khả năng tổ chức và chế độ xã hội, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng người.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đang làm thay đổi giá trị của nhiều loại tài nguyên. Nhiều tài nguyên cạn kiệt trở nên quý hiếm; nhiều loại tài nguyên giá trị cao trớc đây nay trở thành phổ biến, giá rẻ do tìm được phương pháp chế biến hiệu quả hơn, hoặc được thay thế bằng loại khác. Vai trò và giá trị của tài nguyên thông tin, văn hoá lịch sử đang tăng lên.

Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, Hà Nội,1995. Trang 51-52)

 

            Các mỏ trầm tích được hình thành tại các vụng biển cũ chủ yếu thuộc các chu kỳ Hecxini và Inđôxini, không loại trừ thuộc các chu kỳ Calêđôni cổ hơn hay trẻ hơn. Các mỏ này thường có quy mô lớn: được biết đến nhiều nhất là bể than Quảng Ninh (tuổi Trias thượng), mỏ apatit Lào Cai (tuổi Cổ sinh hạ thuộc chu kỳ Calêđôni), các mỏ than nâu hình thành ở các vùng hồ Nêôgen, các mỏ dầu khí trong các trầm tích tuổi từ Trias đến Plêistoxen trong nội địa, nhất là trong các bồn trầm tích trên thềm lục địa khu vực Côn đảo. Nhiều dự báo cũng cho thấy dầu và khí tập trung ở các bồn tương tự quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

            Cho đến nay, tổng số mỏ và điểm quặng biết được đã lên đến khoảng trên 2000, gồm hơn 90 loại khoáng sản khác nhau, trong đó 120 mỏ thuộc 30 loại khoáng sản đã được đưa vào khai thác hoặc thiết kế khai thác. So với một nước có diện tích và dân số trung bình như Việt Nam thì số lượng và trữ lượng các mỏ có thể coi là tương đối khả quan. Đất nước như vậy có than, dầu khí cho công nghiệp năng lượng, chưa kể than nâu (thí dụ ở đồng bằng sông Hồng có đến hàng tỷ tấn nhưng ở độ sâu rất lớn trên 1000m) và đất hiếm phóng xạ (hơn 500 triệu tấn Phong Thổ).

            Các tài nguyên khoáng sản cần thiết cho công nghiệp luyện kim đen có sắt, mangan, crôm, titan. Mỏ sắt vùng Trại Cau-Linh Nham-Cù Vân (Thái Nguyên) cũng như một số mỏ khác ở hà Giang, Thanh Hóa, Thừa Thiên, v.v... trong thực tế chỉ có giá trị địa phương. Mỏ được coi là lớn nhất ở Thạch Khê (Hà Tĩnh) hiện đang chờ được khai thác, do nằm sát ngay bở biển và nằm sâu dưới đất.

            Công nghiệp luyện kim màu có thiếc, chì, kẽm, đồng, vônfram, tungsten, bôxit, v.v..., trong đó thiếc là đáng chú ý do có mõ Quỹ Hợp; bôxí ở Tây Nguyên (được ước tính là có trữ lượng rất lớn nhưng quy trình công nghệ phức tạp), đồng ở Bản San (Sơn La). Vàng và bạch kim cũng có nhiều mỏ hoặc điểm quặng nhưng sự phân bố rải rác.

            Có thể dùng cho công nghiệp hóa chất có mỏ apatit Cam Đường (Lào Cai). Mỏ đã được khai thác từ lâu. Ngoài ra còn có pyrit (loại mỏ trung bình) barit (có thể coi là lớn) cũng như barit-fluorit, bentônit.

            Việt Nam từ Bắc chí Nam giàu về nguyên liệu dùng trong công nghiệp xây dựng, thông thường với trữ lượng rất lớn như đá vôi (gần như toàn miền Bắc, một bộ phận ở Hà Tiên), đất sét làm gạch ngói và gốm (ở Quảng Ninh và ở nhiều tỉnh), cát thủy tinh ở Thủy Triều (Phú Khánh) và ở Vân Hải (Quảng Ninh), cao lanh (Biên Hòa thuộc Đồng Nai), Minh Tân (Hải Hưng và Quảng Ninh), đá hoa và granit chất lượng cao, v.v...

            Trong thời gian gần đây, đã phát hiện nhiều điểm đá ngọc (rubi, xaphia).

            Nhìn chung lại, Việt Nam có những tài nguyên lòng đất đa dạng, một số mỏ có trữ lượng phong phú nhưng chúng đã bắt đầu có dấu hiệu giảm sút, một số khác giàu nhưng điều kiện khai thác khó khăn và cần có đầu tư lớn: dầu khí, sắt (Thạch Khê), quặng phóng xạ. Chắc chắn là các tài nguyên lòng đất này chưa thăm dò và kiểm kê hết được - ngay đối với các mỏ cũ cũng chưa được đánh giá đầy đủ - nhưng vẫn có thể kết luận rằng chúng có thể đáp ứng được nhu cầu trước mắt ở một số ngành công nghiệp quan trọng.

            Cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa ngày càng phát triển, có vẻ như các tài nguyên này khó lòng đáp ứng được mọi yêu cầu. Vì vậy việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm các tài nguyên lòng đất - các tài nguyên không hoàn lại - cần được đặt ra ngay từ bây giờ, dù đã là chậm.

 

 

 

 

Hình 152. Tài-nguyên khoáng-sản vùng duyên-hải Vịnh Bắc-Việt[224]

 

6.13 - Thực-vật Ðiển-hình Vùng Duyên-Hải Bắc-Việt

Thực-vật ở Quảng Ninh có thế mạnh ở rừng và đất rừng. Ðất canh tác hẹp và kém phì nhiêu nên sản-lượng lúa, ngô, khoai thấp song bù lại là tiềm-năng trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và nhiều loại cây công-nghiệp. Hiện nay Quảng Ninh đang mở rộng diện-tích cây ăn quả, trong đó có vùng vải thiều Ðông Triều 3,000 ha đã cho thu hoạch. Vùng chè Quảng Hà đã cho chè búp chất lượng tốt.

Trước đây Quảng Ninh có nhiều giống gỗ tốt, nhiều nhất là lim, táu, nay diện-tích lớn nhất là trồng thông vừa lấy nhựa vừa lấy gỗ. Rừng bạch đàn, keo cũng đang mở rộng để vừa phủ kín đất trồng, vừa lấy gỗ cho công-nghiệp mỏ (chống lò). Vùng núi Quảng Ninh đang phục hồi và phát-triển những giống cây đặc sản như quế, hồi, trẩu, sở và những cây dược liệu. Trong đó ở Quảng Ninh có cây ba kích nổi tiếng. Với 3/4 diện-tích tự nhiên là rừng và ít rừng, nếu được bảo-vệ và trồng thêm nhiều, rừng Quảng Ninh sẽ phát huy thế mạnh và là một nguồn lợi lớn của Quảng Ninh.

 

 

 

 

Hình 153. Các loại lưới cá Việt-Nam

 

Rừng Hải Ninh có một số gỗ quý như sến, lim, táu, thông và một số dược thảo như hà thủ ô, quế, hồi, sa nhân. Rừng Hải Ninh có nhiều dã thú như hươu, nai, beo, gấụ.., nhất là ở rừng Tiên Yên 

Rừng Hà Tĩnh có lâm sản các loại như gỗ lim, củ nâu, gụ, mây, tre, nứa; một số cây làm thuốc như quế, sâm, trầm hương, quán chúng thảọ... Khoáng-sản có một số mỏ sắt, thiếc, than đá, đất sét. Dân chúng cũng hành nghề đánh tôm cá dọc theo các sông rạch và bờ biển.

 

 

Hình 154. Cá cơm (Coilia macrognathos), nguyên-liệu làm nước mắm

 

6.14 - Nghề đánh bắt hải-sản

Quảng Ninh có ngư trường rộng lớn, có bờ biển dài hơn 250 km từ Trà cổ thuộc thị xã Móng Cái giáp với Trung Quốc đến đảo Hải Nam thuộc huyện Yên Hưng giáp với Hải Phòng. Qua khảo sát, điều-tra cho thấy biển Quảng Ninh có nguồn lợi thủy-sản rất phong phú, có nhiều loại tôm cá, có nhiều hải-sản quý có giá trị kinh-tế cao cả ở trong nước và xuất khẩu như các loại cá ngon nổi tiếng như chim, thu, nhụ, đé, song, ngừ, các đặc sản như: tôm he, mực ống, cua, ghẹ, sái sùng, sò huyết, hải sâm, ngán, các loại ốc... Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, nâng cao sản-lượng, kết hợp với việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy-sản ở ven bờ. Ðó là một hướng đi đúng, phù hợp với thời đại theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Ðánh bắt hải-sản ở Quảng Ninh là một nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều cách thức đánh bắt thủ công cổ truyền, không những có ý nghĩa về mặt kinh-tế xã-hội mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hoá và du-lịch. Kết quả khai quật ở nhiều di chỉ khảo cổ học ở vùng ven biển hạ Long cho thấy nghề đánh bắt hải-sản xuất hiện rất sớm, cách đây bốn, năm ngàn năm đến sáu, bảy ngàn năm. Ðó là các hòn chì lưới bằng đất bằng đất nung, các mũi nhọn, kim khâu bằng xương để đan lưới tìm thấy ở các di chỉ Soi Nhụ, Thoi Giếng, Ngọc Vừng, Hoàng Tân... hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Hiện tại người dân vùng biển Quảng Ninh còn duy trì nghề đánh bắt hải-sản bằng thủ công khá phổ biến. Ðó là các nghề câu mực, câu cá song, câu cáy, nghề chã, nghề chài, nghề đào sá sùng, nghề cào ngán, cào thiếp, nghề bổ hà, nghề đánh cá đèn ...

Nghề câu cá mực: câu cá song có ý nghĩa kinh-tế lớn. Mấy năm vừa qua, nghề câu cá song phát-triển mạnh ở vùng biển Cô Tô. Có đêm một người thu được vài triệu đồng, trái lại câu cáy ở ven biển, ở những bãi sú vẹt thường là để giả trí, đi câu cho vui và kết hợp kiếm bát canh cho khoẻ người. Câu cáy không cần mồi, chỉ cần 2 -3 lưỡi câu buộc chụm lại, thả xuống cáy chạy ra ngậm càng vào, thế là nhấc vội lên, không cần phải gỡ mà cáy tự nhả càng ra rơi vào giỏ đựng.

 
Nghề chài: Nghề chài bằng thuyền nhỏ, không ra khơi xa, chỉ ở trong vịnh, ven bờ. Có khi cả gia đình sống trên một chiếc thuyền nhỏ. Cảnh thường gặp và gây ấn tượng là cảnh phơi lưới thường thấy ở Lán Bè thành phố Hạ Long mà các hoạ sĩ đã thể-hiện trong các bức tranh của mình.

Nghề đào sái sùng: Người đi đào sái sùng lăm lăm trong tay cái mai, cái dìu, mắt quan sát về phía trước, bước chân đi nhẹ nhàng. Khi phát hiện có sái sùng thì họ hết sức nhanh nhẹn dùng mai lao xuống cát hất vội con sái sùng lên, nhặt đưa ngay vào giỏ. Nếu đẩy mạnh và chậm một chút thì sái sùng luồn sâu vào trong cát rất khó bắt. Nhìn ngắm cảnh đào bắt sái sùng có cảm tưởng như thấy người nghệ sĩ đang biểu diễn trên bãi cát rất điệu nghệ, cũng rất gây ấn tượng.

Nghề đánh bắt cá đèn: Cách đây vài chục năm trên vùng biển Quảng Ninh còn rất phổ biến nghề đánh cá đèn. Khi đèn thắp sáng trong đêm thì cá đua nhau tìm đến và người ta bủa lưới bắt cá. Du khách có dịp đi cùng thuyền đánh cá đèn tha hồ mà ngắm nhìn tôm cá tung tăng bơi lội dưới ánh đèn. Người ngư-dân vớt mực đem nướng trên phễu đèn rồi chủ khách cùng ăn. Mực tươi nướng thơm phúc, ngọt lịm, nhấm nháp với một vài chén rượu, du khách như cảm thấy cảnh thần tiên trên mặt biển. Mặt biển trong đêm rực sáng như một thành phố nổi thật là ngoạn mục nên thơ.

  

6.15 - Ða-dạng Sinh-học và Nuôi trồng thủy-sản

Nước ta có lợi thế về đa-dạng sinh-học, căn cứ để định ra đối tượng, mùa vụ và phương thức nuôi trồng thủy-sản. Chúng ta cũng có lợi thế về độ lớn và tính đa-dạng các loại hình mặt nước, thuận-lợi cho phát-triển nuôi thủy-sản. Xét về tiềm-năng mặt nước, trong tổng số khoảng 1,7 triệu ha mặt nước, có khoảng 619 nghìn ha diện-tích các mặt nước lợ phân bố dọc theo bờ biển từ bắc chí nam (84.652 ha ở các tỉnh phía bắc; 39.700 ha ở khu-vực bắc miền trung,

Trong các mục tiêu cụ thể của Chương trình phát-triển nuôi trồng thủy-sản đã được chuyển phê duyệt có liên-quan diện-tích đất lúa có một số chỉ tiêu sau đây:

- Nuôi tôm sú 260,000 ha (trong đó có 60 nghìn ha nuôi công-nghiệp... 100 nghìn ha nuôi sinh-thái, luân canh, xen canh) để đạt sản-lượng 360,000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1.400 triệu USD.

- Nuôi tôm càng xanh 32,000 ha, đạt sản-lượng 60 nghìn tấn.

- Nuôi thủy-sản ruộng trũng 220 nghìn ha, đạt sản-lượng 170 nghìn tấn, chủ-yếu là các loại cá đồng hiện hữu ở các khu-vực.

Như vậy, việc quy hoạch cần-thiết cho các vùng đất có thể chuyển đổi đã có các định hướng rõ ràng theo đối tượng nuôi.

 

Hình 155. Thống-kê cho biết mức-độ nuôi trồng thủy-sản gia-tăng đáng kể tại Việt-Nam

 

6.16 - Nghề mới: Nuôi trồng Thủy Hải-sản

Trên một số đảo, còn có hoạt-động nuôi trồng thủy hải-sản, như các đầm nuôi tôm, cua ở Cát Hải, huyện Vân Đồn, Cô Tô, Cái Bầu và một số đảo ở miền Trung. Cũng như ở các bãi trên đất liền, công việc nuôi trồng còn mang nặng tính quảng canh, nhiều nhất là bán thâm canh. Do đó về mặt này còn phải đầu tư nhiều hơn nữa do năng suất chỉ mới đạt khoảng 1/10-1/8 năng suất trong khu-vực Đông Nam Á. 

Nuôi trồng hải sản phát triển kém hơn nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và nước lợ. Nuôi cá lồng, ví dụ, chỉ vừa mới được giới thiệu ở Việt Nam thông qua công ty liên doanh Hồng Kông - Việt Nam. 4 địa điểm, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng và Sơn Trà, đã được chọn nơi mà cá biển, phần lớn là Seranidae (groupers), Lutjanid (Cá hồng) và Labridae (wrases) được nuôi trong lồng ở những vùng nước kín. Cá bột của những loài cá giá trị cao này được bắt từ thiên nhiên, nuôi trong lồng, và xuất khẩu sang Hồng Kông khi to đủ cỡ có thể bán trên thị trường. Một vài tổ chức quốc tế cũng tham gia vào việc phát triển nuôi cá lồng ở một số tỉnh. Những đối tượng khác hải sản nuôi trồng là sò (Ostrea rivularis) và trai ngọc, Pteria martensii ở miền Bắc và Pinctada maxima ở miền Nam.

 

Hình 156. Cá Hồng là loại thũy-sản rất dễ nuôi trồng

 

 

 

Hình 157. Cá Mập,còn gọi là cá  Nhám (Shark)

 

 

Hình 158. Cá Ngừ, Yellowfin Tuna 

 

 

Hình 159. Tôm Hùm

Hình 160.  Carangidae: Cá Sọc Mướp, cá Sòng, Cá Nục

 

 

Hình 161. CáThieu

 

Hình 162. Cá Chuồn, Flying Fish

 

 

Hình 163. Cá Thu

 

Hình 164. Cá Mú- Serranidae

 

Hình 165. Cá Mối,  Thiều, Catfish

 

 

 

Hình 166. Cá Gộc 7 râu,  Cá Chét Tassel Fish

  

Hình 167. Cá Gộc, Threadfin

 

Hình 168. Bảng thống-kê hải-sản này cho thấy kết-quả hoạt-động đánh cá của những tỉnh quanh Vịnh Bắc-Việt rất yếu kém.

 

năm 2001, toàn ngành thủy sản khai-thác được gần 500.000 tấn thủy sản; kim ngạch xuất khẩu đạt 289 triệu USD, tăng trên 36% so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ thủy sản cho biết như vậy. Trong đó, thủy sản thu hoạch từ khai-thác tự nhiên đạt trên 328.000 tấn và thủy sản thu hoạch từ nuôi trồng gần 168.000 tấn.

Hình 169. Hình Cá trong rạn San-hô

 

6.17 - Tài-nguyên cho các Nghề Thủ Công Việt Nam[225]

            Từ những vật-liệu sẵn có như đất, gỗ, đá, tre, nứa, sơn,  trai, xà cừ, nghêu, sò...; với bàn tay khéo léo, người Việt-Nam đã tạo ra nhiều sản-phẩm thủ-công.

1.- Đồ Gốm: Nghề đồ gốm ở Việt Nam có từ lâu lắm rồi. Ở miền Bắc thì có gốm bát Tràng (HàNội), gốm Đông Triều (Quảng Ninh), gốm Thỉ Hà (Bắc Ninh)... Còn ở miền Nam thì có gốm Saigon, gốm Bình Dương, gốm Biên Hòa (Đồng Nai) vv..vv...

Ngày nay sản phẩm Việt Nam rất phong phú, từ những vật nhỏ như: lọ đựng tăm, gạt tàn thuốc lá... còn những sãn phẩm cở trung bình như: lọ hoa, tượng Phật, Thiếu nữ, ấm trà, cà phể, bát dĩa, tô, chậu cảnh... đến những sãn phẩm lớn như: lọ độc bình, đôn, voi v.v...

Những màu đen thường dùng trong đồ gốm là màu đen, men ngọc, men da lươn, men vàng trâm, men chảy giọt. Họa tiết trên sản phẩm được gắn liền với những nét quen thuộc trong đời sống như chú bé mục đồng thổi sáo trên lưng trâu, thiếu nữ hái hoa, cây đa cổng làng, chùa, hồ sen, thiếu nữ gãy đàn... Các nước Âu Châu hiện nay rất thích hàng gốm VN.

2.- Hàng mây tre: Cây tre, cây song và cây mây là những loại cây rất nhiều trong rừng Việt Nam. Có quanh năm suốt tháng. Loại này là một sản phẩm vô tận cho những thợ thủ công làm mây tre. Việt Nam về mây tre. Hàng mây tre có mặt từ thời Pháp thuộc, trong triển lãm chợ phiên Pháp quốc tại Paris năm 1931, cả dân thành Paris rất nghạc nhiên về sự khéo tay làm lấy của thợ mậy tre. Hiện nay có đến hơn 200 mặt hàng thuộc dạng mây tre... Khách thích những loại như: dĩa bày trái cây, lẵng hoa, bát hoa, làn, giỏ, nơm ná, lọ hoa, chụp đèn, bộ salon, tủ sách v.v... Ưu điểm của mây tre là nhẹ, gon và hàng không bị mọt

3.- Hàng sơn mài: Trên thế giới có nhiều nước làm son mài, có nhiều nước nghề sơn mài có trước nước ta, nhưng chỉ còn Việt Nam là hàng son mài còn có mặt. Nhiều núi cao có nhiều loại cây la mà sơn mài, nhưng vùng Phú Thọ thì sơn mài dẻo và bền nhất. Nhựa cây sơn tại vùng núi Phú Thọ tốt hơn nhựa cây sơn các nơi khác.

Vào thế kỹ 18 ở Thăng Long Hà Nội, đã có phường Nam Ngư chuyên làm sơn mài. Ban đầu chỉ có 4 màu: đen, đỏ, vàng, nâu. Nay nhờ khoa học tiến bộ nên có nhiều loại sơn nhập vào dùng màu rất tốt đẹp hơn màu xưa cũ.

Các hàng sơn mài như: tranh treo tường, lọ hoa, hộp, hộp đựng nữ trang, hộp đựng thuốc lá, khay, bàn cờ, bức bình phong chắn gió, những tranh treo tường rất lớn, nhỏ có...

4.- Nghề Khảm trai, xà cừ: Mãnh vỏ mặt trong của trai, xà cừ khi ánh sáng chiếu vào sẽ long lanh nhiều màu sắc rất đẹp, có khi nổi màu ngũ sắc lung linh. Người thợ khảm dùng vỏ trai, vỏ hến, ốc biển để gắn khảm lên mặt đồ vật. Công việc làm này khá tỉ mỉ, nhẫn nại, như vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mãnh, khảm, gắn lên tranh rồi mài sát mặt, đánh bóng. Sau đó bức tranh hiện lên rõ những đồ vật với nhiếu màu sắc lung linh. Từ chiếc hộp gỗ, cái khay, bàn cờ, mặt bàn, thành ghế, cánh tủ, bình phong, tranh treo tường v.v... bằng gỗ đều có thể khảm trai.

Với chiều dài bờ biển phong phú trai, xà cừ, nghêu, sò... nên ngành này không sợ thiếu vật liệu khảm, cẩn.

5.- Chạm khắc Đá: Từ những khối đá cẩm thạch, người thợ chạm có thể khắc đá thành những hình ảnh dễ thương, quen thuộc. Như tượng Phật, tượng thú vật, vòng tay, gạt tàn thuốc lá, hoa l và hoa quả, thú vật nhà như chim, mèo, công... Dưới chân núi ngũ hành sơn (Đà Nẵng) là các làng Quan Khái, Hòa Khê, dân làng có tay nghề truyền đời hơn nơi khác.

6.- Hàng Thêu Ren: Tại Saigon chung ta ít thấy có nguyên con con đường, phố dành cho hàng thêu Ren. Nhưng tại phố Hà Nội, thì có nguyên một hàng thêu Ren, gần phố hàng Trống giáp với phố Lê thái Tổ.

Các loại hàng thêu rất đa đạng, mẫu thêu cáng ngày càng phong phú cầu kỳ như: Hoa sen, hoa cúc, hoa thược dược, rồng phượng, cây tùng, chim hạc, bông sen, đôi chim uyên ương, phong cảnh, chân dung, núi đồi ao hồ v.v... Có loại dành thêu trên áo sơ mi mà thôi, có loại thêu trên tà áo dài của thiếu nữ, có loại thêu áo gối cho cặp tân giai nhân tân hôn, có loại thêu khăn phủ giường, thêu áo kimono, thêu khăn mù-soa... đôi khi nhiều thọ khéo tay người tay thêu những bức tranh treo tường. Có bức tranh lồng đến 20 loại chỉ màu.

Nhưng hiện nay vì hàng Trung Quốc nhập vào ồ ạt, nên ngành nghề này lần lần lui bước. Những bức tranh thêu của thợ Trung Quốc đem vào Việt Nam thì lấn át hẳn vì sự tinh vi và đẹp của nó, như cảnh núi non sông hồ, rồi nhiều con chim bay lượn trên cành cây đào, hay buơm bướm chập chờn bay.

Với sự chật hẹp của căn nhà, với sự bụi bặm của phố thị, nên ngành thêu giờ đây phải lui gót trước những hàng vẽ rồi nhuộm màu lên, rất lâu phai và dễ xấy giặt nữa.

7.-Hàng Vàng Bạc: Từ Thế kỷ thứ II, người Việt Nam đã biết dùng vàng bạc để làm đồ trang sức. Trong nghề vàng, bạc có ba nghề khác nhau nhưng liên quan rất mật thiết với nhau:

-Nghề chạm vàng bạc: Chạm trổ những hình vẽ hoa văn trên nét vàng, đồng

-Nghề đậu: nghĩa là kéo vàng thành sợi nhỏ, rồi uốn ghép lại thành nhựng dạng đẹp mắt, như hoa lá chim muông, gấn lên trên các món trang sức.

-Nghề Trơn: Chuyên đánh vàng, bạc thành những đồ tranh sức mà không cần chạm trỗ như 2 phần trên kia.

Các mặt hàng từ vàng, bạc rất đa dạng: Nhẫn, vòng dây chuyền, hoa tai, bao bọc những ly tách đi xuất khẩu các nước ngoài. Tại HàNội vẫn còn phố hàng vàng, bạc. Phố này từ ngày xưa chuyên chế tác các kiểu và là nơi mua đi bán lại những món hàng của các cô thiếu nữ hay các cụ già lớn tuổi...

8.- Đồ gỗ Mỹ Nghệ: Nghề làm đồ gỗ Mỹ nghệ đã có từ Việt Nam trên hàng trăm nam nay hay hơn nữa, tay nghề đa số khá cao có thể cự nỗi những hàng từ Trung quốc vào. Sau một thời gian bán yếu, nay nghành nghề này lại rầm rộ kéo nhau xuất khẩu đi nước ngoài như: Phi Châu, Âu Châu... Các mặt hàng chủ yếu là tượng gỗ, bàn ghế, tủ sập giường v.v...

Tại Saigon thì có nhiều công ty rất lớn, có nơi có trên 300 nhân công chuyên lo đồ gỗ Mỹ nghệ lý do nước Việt có rất ngút ngàn rừng núi, gỗ nhiều loại rất quý. Nhưng hiện nay chánh quyền CSVN chưa có một pháp lý ngăn cấm những thợ phá cây lấy gỗ, có nhiều cây cần đến 100 năm mới cho ra gỗ tốt, nay chỉ cần vài nhát búa của thợ rừng là loại cây quý này sẽ lần lần tuyệt diệt.

.

 

 Hình 170. Những bức tranh mỹ-thuật khảm xà-cừ

 

6.18 - Tài-nguyên Ðiện-Năng

Ðã có nhiều kế hoạch về năng-lượng nhưng việc sản xuất điện vẫn còn trong tranh cãi. Việc xây dựng và thúc đẩy việc thay đổi công nghệ năng lượng.phải bao gồm những phương thức hữu hiệu hơn việc sử dụng gỗ và than hầm và những nguồn thay thế. Tiềm năng to lớn của tài nguyên thuỷ điện là sự thay thế hiển nhiên.

Tuy vậy, những nhà máy thuỷ điện rộng lớn có thể có những tác động to lớn đến tính đa dạng sinh học tại địa phương, làm ngập úng những sinh cảnh đất thấp quan trọng, những người dân địa phương phải chuyển sang định cư ở nơi khác sẽ mang thêm những tác động đến nơi ở mới, phá vỡ những đường mòn di trú truyền thống của nhiều loài thú lớn, thay đổi cơ cấu dòng chảy và chu kỳ sông của những loài cá sở tại . Mặc dầu vậy, có một số phương tiện tích cực. Hồ chắn chứa nước tạo nên những sinh cảnh mới cho cá và chim đất ướt và có tầm quan trọng về bảo vệ lưu vực có rừng trở nên một ưu tiên cao hơn để cấp vốn.

Dầu và khí đốt trên thêm biển Đông sẽ trở nên nguồn năng lượng ngày càng quan trọng. Việc khai thác chúng cũng mang đến mối đe doạ lớn vì dầu rò rỉ và ô nhiễm mà có thể phá huỷ cả hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái biển và ven biển.[226]

           

6.19 - Muối,  Tài-nguyên không Khai-thác đủ

Nước ta có bờ biển dài, có nhiều ruộng muối, Nhưng muối lại bị thiếu và cần nhập-cảng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp hóa chất - công nghiệp thực phẩm nước ta cần nhập khẩu khoảng 200.000 tấn muối hàng năm. Theo các chuyên gia, có 2 yếu tố quan trọng khiến lượng muối nhập khẩu tăng mạnh trong những năm qua là chất lượng và giá thành. Về chất lượng, muối công nghiệp Việt Nam có khả năng đáp ứng yêu cầu về hàm lượng NaCl, nhưng vấn đề hàm lượng tạp chất thì đến nay vẫn chưa xử lý được

 Về giá thành, do trong những năm gần đây, diện tích đồng muối của Việt Nam ngày càng giảm nên sản lượng cũng giảm theo. Đặc biệt, vào những năm thời tiết thất thường, sản lượng của các đồng muối công nghiệp không đạt kế hoạch dẫn đến giá thành tăng cao. Từ đầu năm đến nay, bình quân giá muối tại miền Bắc là 600-650 đồng/kg, miền Trung 650-750 đồng/kg, miền Nam 750-800 đồng/kg. Trong khi đó, giá muối nhập khẩu chỉ từ 22 - 24 USD/tấn, cộng cả các loại chi phí khác thì giá bán tại thị trường trong nước vẫn chỉ vào khoảng 400 - 450 đồng/kg.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tình hình sản xuất muối của nước ta từ năm 1990 đến nay khá bất ổn định. Nếu như năm 1990, sản lượng muối của cả nước đạt 450.000 tấn và đến năm 1998 đã tăng lên 800.000 tấn thì sang năm 2000, con số này đã giảm xuống còn 480.000 tấn. Năm nay, dự kiến sản lượng muối của cả nước đạt khoảng dưới 600.000 tấn.

Trong khi đó, nhu cầu về muối lại ngày càng tăng, ước tính năm nay sẽ vào khoảng 730.000 tấn. Đặc biệt, nhu cầu về muối công nghiệp chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ còn tăng mạnh trong giai đoạn 2005-2010 do có thêm các nhà máy hóa chất đi vào hoạt động. Ước tính, vào năm 2005, cả nước cần 870.000 tấn muối và năm 2010 là 1.480.000 tấn, trong đó lượng muối công nghiệp tương ứng chiếm trên 46% vào năm 2005 và 87% vào năm 2010.[227]

 

6.20 - Lợi-tức Cá-nhân Cao Thấp, Xưa và Nay

 

Hình 171. Thu-nhập mỗi đầu người tại các tỉnh Miền Bắc vào năm 1993. Lưu-ý rằng lợi-tức cá-nhân cao nhất lủc xưa tại các tỉnh trồng lúa. Ngày nay các tỉnh Thái-Bình, Nam-Ðịnh đã lùi lại sau các tỉnh công-nghiệp như Quảng-Ninh, Bắc Thái

 

Nuôi Ong thứ nhì Á-Châu

Theo Ông Ðinh Quyết Tâm - Chủ tịch Ủy ban Kinh tế nuôi ong của Hội Nuôi ong thế-giới, Việt-Nam vừa đạt mức kỷ-lục về xuất-khẩu mật ong. Từ đầu năm đến nay, Việt-Nam đã xuất khẩu 12.000 tấn mật ong, trị giá hơn 15 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành nước đứng hàng thứ hai ở châu Á (sau Trung-Quốc) Báo Tuổi Trẻ tháng7-2002


Chương 7

Bảo-Tồn

 

7.1 – Môi-trường cho ta Cơ sở để Sống

"Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên."[228]

Môi trường là tất cả những gì có xung quanh ta, cho ta cơ sở để sống và phát triển. Theo chức năng môi-trường được chia thành các loại như Môi-trường Thiên-nhiên (hay tự-nhiên), Môi-trường Nhân-tạo.  xã hội,      

Môi trường có các chức năng cơ bản sau:

* Môi trường là không gian sống của con người và các loài sinh vật.

* Môi trường là nơi cung cấp tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người.

* Môi trường là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất của mình.

* Môi trường là nơi giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên tới con người và sinh vật trên trái đất.

* Môi trường là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người.

 Như vậy, con người bảo tồn môi-trường để tồn-tại và phát-triển.

 

7.2 - Kế-hoạch Bảo-tồn Bờ Biển và Biển

Ý thức được tầm quan-trọng phải làm, Việt-Nam đã thảo kế hoạch bảo tồn biển và bờ biển đã được soạn thảo. Bản thảo này thảo luận về danh sách 30 khu bảo tồn biển và bờ biển.

Những cơ-quan bảo-trợ quốc-tế như Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (Asian Development Bank, ADB) Hiệp-hội Chim Chóc Quốc-Tế (BirdLife International) cùng đề-nghị Việt-Nam phải mở rộng thêm kế-hoạch.

            Trong các cuộc khảo sát do BirdLife thực hiện tại những vùng chim đặc hữu vào đầu những năm 1990 đã tái phát hiện được một số loài phân bố hẹp mà những thông tin về sự xuất hiện của chúng đã không được biết đến từ những năm 50 của thế kỷ này ví dụ như: Mi Langbian, Khớu mun và Gà lôi lam mào đen. Sự tái phát hiện một số loài đã được thực hiện trong quá trình khảo sát ở các vùng chim đặc hữu. Các cuộc khảo sát này cũng cho thấy rằng những sinh cảnh tự nhiên của các sinh-vật  đặc hữu (kể cả các loài chim nước và chim biển) đã và đang bị mất nhanh chóng, đòi hỏi phải có những hoạt động bảo tồn kịp thời ngăn chặn sự mất đi vĩnh viễn các loài vật hiếm quý cũng như những sinh cảnh tự nhiên của chúng.

Hình 172.  Một loài chim vùng ngập nước cần được bảo tồn

 

Chiến lược bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo Việt-Nam bao gồm các nội dung và liên quan đến các lĩnh vực sau:

- Chiến lược phát triển kinh tế biển phải được xây dựng theo quan điểm sử dụng tổng hợp, hợp lý đi đôi với bảo vệ tài nguyên và môi trường biển và ven bờ. Lĩnh vực này cần được các ngành khai thác dầu khí, giao thông vận tải, thuỷ sản, lâm nghiệp, du lịch, .... thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường trong ngành và phối hợp với nhau cùng bảo vệ môi trường liên quan đến biển, ven biển và hải đảo.

- Chiến lược thực hiện các công ước và hiệp định quốc tế và khu vực liên quan đến biển và đại dương và liên quan đến môi trường biển.

- Chiến lược quản lý môi trường biển và ven biển bao gồm phân vùng chức năng biển và ven biển, quản lý tổng hợp các hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ven biển, thành lập hệ thống các khu bảo tồn biển và ven biển, phát triển và cải thiện sinh kế cho những cộng đồng duyên hải, phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của thiên tai ven biển, trớc hết là bão, lụt, xói lở và nước dâng đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung và tăng cường năng lực quản lý môi trường biển và ven biển[229].

 

7.3 - Nhu-cầu cấp-bách: Xây dựng thật nhanh các khu bảo tồn

Các nhà khoa học đã duyệt xét nhiều cách điều-hành khác nhau và thống nhất 6 kiểu đìển-hình cho những Khu Bảo-tồn Biển (Marine Protected Area - MPA), bao gồm: khu dự trữ tự nhiên, vườn quốc gia, kỳ quan thiên nhiên, khu bảo tồn loài, khu bảo tồn cảnh quan, khu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Sau khi khảo sát tại chỗ, Viện Hải dương học Việt Nam đã xác định 16 vùng biển nước ta đủ tiêu chuẩn xây dựng khu bảo tồn biển, trong đó có Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, phá Tam Giang - Cầu Hai, Hải Vân - Sơn Trà, Cù lao Chàm, Lý Sơn, Hòn Mun - Bích Đầm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa...

Lược-duyệt sự bảo-toàn biển và duyên-hải Việt-Nam, người ta thấy khá nhiều thành-quả được thực-hiện tốt, tuy nhiên việc khởi-sự đã hơi trễ và nhịp điệu công-tác lại chậm trễ. Theo ông Nguyễn Chu Hồi, Phân viên Hải dương học Việt Nam tại Hải Phòng, một trong những giải pháp để bảo vệ bền vững tài nguyên biển của nước ta là xây dựng các khu bảo tồn biển (MPA) càng sớm càng tốt. Hiện nay, thế giới có 1,306 khu MPA, trong đó vùng biển Đông Á có 92 khu. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nhiều vùng biển nước ta như Cát Bà, Côn Đảo, Hòn Mun và Trường Sa... là những vùng biển cần có kế hoạch bảo vệ bởi lẽ, đây là những vùng biển đặc trưng cho hệ sinh thái biển Việt Nam.[230]

 

7.4 – Liên-hệ Kinh-tế, Tài-nguyên và Bảo-tồn Thiên-Nhiên  

Xưa nay, nền kinh tế nước ta dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, và tài nguyên đang có nguy cơ suy thoái. Giá trị sản phẩm nông nghiệp còn chiếm tới 25% GDP, và nếu tính cả thuỷ sản và sản phẩm của các ngành công nghiệp chế biến, thì còn chiếm trên 40% GDP. Cũng đáng chú ý là tỷ trọng chế biến đối với nhiều loại nông sản còn rất thấp so với lượng nguyên liệu hiện có, như chè thì chỉ đạt 55%, mía đường 57%, rau quả 5%, thịt 1% v.v... Cho nên việc gìn giữ, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách lâu dài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đối với đời sống và phúc lợi của nhân dân.

Những biến đổi khí hậu có tính toàn cầu và khu vực nhiều khi cũng làm cho tình trạng trầm trọng thêm[231]. Việc Bảo-tồn cần phải đặt ưu-tiên cho các dạng tài nguyên thiên nhiên này vì nhu-cầu trước mắt về kinh-tế.  

Mức sống dân ta còn quá thấp, mà nghèo thì nhu cầu khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có trong thiên-nhiên càng đòi-hỏi. Vì thiếu thốn, người ta quên mất những gì họ đã từng trân trọng bảo-vệ cho đất nước được tươi đẹp. Một phần do nghèo đói và cũng do thiếu học, có những người sử dụng chất nổ  đánh cá, kiếm củi nơi rừng cấm vả cả “đi vệ-sinh” bậy bạ…

Nền kinh-tế kém phát-triển, thường đi kèm theo là sự kém phát-triển của khoa-học và công-nghệ, sẽ hạn chế khả-năng đầu tư nhiều cho việc bảo-vệ môi trường. Trung Quốc là nước có tiềm lực mạnh hơn nước ta nhiều, nhưng cũng mới chỉ đầu tư cho công tác môi trường cha tới 1% GDP. Theo Bộ Kế-hoạch và Đầu tư, tỷ lệ chi cho bảo-vệ môi trường ở nước ta chỉ bằng 0,10 - 0,19% GDP.

Rút kinh-nghiệm những quốc-gia tiền-tiến, Việt-Nam không thể để mình lọt vào cái vòng lẩn-quẩn: vì dân nghèo nên môi-trường suy-thoái - khi môi-trường suy-thoái, dân lại nghèo hơn. Tỷ lệ chi-phí cho việc bảo-vệ môi trường ở nước ta hiện quá thấp, cần phải lập-tức gia-tăng lên vài chục lần. để hy-vọng thoát ra khỏi cảnh ngặt nghèo môi-sinh.

Kinh nghiệm ở những nước phát triển cũng cho thấy nhiều việc phải làm ngay và làm cho đúng không nên vì ngân-quỹ eo hẹp mà để tai-họa về sau. Việc kiểm tra chất thải độc hại  gây tốn kém thật, nhưng việc dọn sạch "các lỗi lầm của quá khứ" còn tốn tiền của và thời gian hơn nhiều, có khi gấp từ 10 đến100 lần cao hơn  

 

7.5 – Ô-nhiễm Môi-trường Gây Bệnh

“51,7% dân số Việt-Nam mắc bệnh do ô nhiễm môi trường”. Đó là lời cảnh báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nhân Ngày Môi trường Thế giới 5-6-2002. Theo Trường Đại học Y Thái Bình, 51,7% dân số Việt Nam mắc những bệnh liên quan trực tiếp do ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy và ký sinh trùng do chất lượng nước quá tồi và thiếu thiết bị vệ sinh. Chỉ có 1/3 dân số ở Việt Nam được hưởng các phương tiện vệ sinh đầy đủ. Theo báo cáo gần đây của UNICEF, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và UNEP (Chương trình Môi trường LHQ), 40% các bệnh do ô nhiễm môi trường đã tác động đến trẻ dưới 5 tuổi.

Cho dù con số được loan-tải có thể là chính-xác hay bị thổi phồng, bản tin trên thực-sự là một đèn báo-động đỏ nguy-cấp. Nói chung tình-trạng vệ-sinh miền Nam vốn xưa nay khá hơn miền Bắc và khu-vực đông người đáng lo ngai nhất lại nằm quanh vịnh Bắc-Việt.

Ðã có luật bảo-vệ môi-trường, chống ô-nhiễm. Người dân cũng được giáo-dục về dinh-dưỡng, về vệ-sinh nhưng không có khả-năng thực-hành triệt để. Thông thường luật còn bị thay đổi hay “bẻ cong” đi bởi tình-trạng địa phương. Các phiên toà xử những vụ vi-phạm nhỏ-nhặt hay bị bỏ qua, đến như tội “chặt cây lấy củi gây cháy rừng” cũng thường bị buông lơi vì nghèo đói. Điều này làm cho luật kém hiệu lực và vì thế cần đề-xuất các biện-pháp khác hợp-lý. Thí-dụ như dân không nộp được phạt thì phải bị bắt đi lao động công ích cho các dự án môi trường thay cho hình phạt.

 

7.6 - Hậu-quả Ô-nhiễm Môi-trường Biển

Những hậu-quả đang nhìn thấy về sự ô-nhiễm biển ở Việt-Nam hiện nay như sau:

1- Cạn kiệt các nguồn tôm giống và các đàn cá gần bờ

2- Mất tính đa dạng sinh học do ô nhiễm biển và phá huỷ môi trường sống/nơi cư trú, như rừng ngập mặn v.v.

3- Phá huỷ san hô vì việc sử dụng thuốc nổ và lấy san hô bừa bãi:

4- Acid hoá đất do phát quang rừng (trên các vùng đất phèn), phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản;

5- Ô nhiễm biển do dầu bởi vận tải biển, các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi và sự cố tràn dầu;

6- Ô nhiễm do nước thải từ cống rãnh, sử dụng hoá chất nông nghiệp và ngành công nghiệp không được kiểm-soát.

Hậu-quả ngay trước mắt là số lượng cá đánh bắt được đã suy-giảm nhiều trong những năm cuối thế-kỷ 20. Trung-bình một ngư-thuyền Biển Ðông thu-hoạch được: 16.7 tấn năm 1996 , được 15.3 tấn năm 1997, được 13.8 tấn năm 1998. Năm 1999 số lượng hải-sản đó vẫn còn xuống nữa.

Thêm vào nguyên-nhân nhân-tạo, các thiên tai như bão, lũ và xâm nhập mặn có tác động lớn tới môi trường biển và đới bờ. Các hoạt động của thiên tai có thể trầm trọng thêm nếu nó lại bị cộng-hưởng bởi những hoạt động vô ý-thức của con người.

Ðặc-biệt Vịnh Bắc-Việt có nhiều nguy-cơ cạn-kiệt về hải-sản và ô-nhiễm nhanh hơn các vùng biển Việt-Nam khác, vì biển này hẹp hơn, kín hơn, đông người, nhiều cơ xưởng kỹ-nghệ hơn. Việc quản-lý cũng khó khăn hơn trong công-tác bảo-tồn nếu không có sự cộng-tác mật-thiết của Trung-Hoa.

 

7.7 - Nhu-cầu Mới làm tăng Sự Suy-thoái

Ta biết rằng Vịnh Bắc-Việt không có nhiều san-hô, vậy mà gần một nửa khối-lượng san-hô vùng này lại đã biến mất kể từ thập-niên 1940. Trong thời-gian gần đây, đà diệt-vong này còn gia-tăng khi người dân dùng đến chất nổ để khai-thác san-hô. Vì nhu-cầu tiêu-thụ san-hô mới phát-sinh như dùng san-hô chế-tạo thành vật-liệu xây cất. Khi ngành du-lịch phát-triển, người ta bán được rất nhiều san-hô làm quá kỷ-niệm.

Khả-năng đánh cá mới cũng làm thay đổi tình-trạng  Sau chiến-tranh từ 1975, người dân dùng số lượng chất nổ dư thừa dễ kiếm để đánh mìn. Cá thu-lượm không được bao nhiêu mà họ đã phá hủy các hệ sinh thái biển.

Do ý thức của người dân chưa cao nên họ đã đánh bắt thủy sản bằng mọi cách có thể, phá hủy các hệ sinh thái biển và khiến nhiều loài thủy sinh giảm số lượng nghiêm trọng. Mặt khác, nhịp độ tăng trưởng du lịch biển ngày càng tăng nhưng thiếu sự kiểm soát, chẳng hạn việc khai thác san hô, rùa, đồi mồi để làm hàng thủ công mỹ nghệ bán cho khách, cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát tài nguyên biển nhanh chóng.

Trong những thập-niên 1960, 1970, 1980; mấy khi có tầu cá lớn đánh cào “hủy-diệt”. Nguy-hại hơn, chỉ hai năm nay những “Thần Chết” trên “Tàu Pha Xúc” chợt hiện ra. Mỗi tàu như vậy trang bị một hoặc hai máy phát điện công suất 15-20 kW và một dàn đèn 5-10 chiếc, công suất 1,000-2,000 W. Khi đèn chiếu xuống biển thì không chỉ cá cơm mà đủ mọi loài nhỏ như nục, de, trích cũng nổ mắt chết theo.[232] Các loài hải-sản còn trứng nước cũng diệt-vong.

 

 

Hình 173. Nếu không theo đúng phương-thức và luật-pháp, lưới cào là một thứ “đánh cá hủy-diệt”

 

Hình 174. Tem Thơ Bảo-Vệ Chim Quý Hiếm

 

7.8 - Các Nguồn Ô-nhiễm Chính

Theo Hứa Chiến Thắng, nguồn ô-nhiễm chính tác-hại Biển Đông trong tương-lai sẽ có thể là nạn tràn dầu ra biển

Khoảng 200 triệu tấn dầu được vận chuyển hàng năm qua các vùng biển ngoài khơi Việt Nam từ Trung Đông tới Nhật Bản và Triều Tiên. Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam đang tăng lên hàng năm.

Vịnh Bắc-Việt và cả Biển Đông đã trở thành một trong các địa điểm thăm dò và khai thác dầu khí nhộn nhịp nhất. Các vùng có các hoạt động dầu khí là vùng biển Việt Nam, vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và Quần đảo Trường Sa. Các hoạt động thông thường kèm theo việc khai thác và vận chuyển dầu gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do dầu. Ví dụ các tầu trở dầu làm thoát ra biển tới 0,7% tải trọng của chúng trong quá trình vận chuyển thông thường. Sóng biển và gió đều có chiều hướng đưa lượng dầu thoát ra tấp vào bờ biển Việt Nam.

Các vụ tràn dầu xẩy ra vì nhiều nguyên nhân, trong đó có gia tăng mật độ đi lại, thiếu sự kiểm soát giao thông và các biện pháp an toàn không phù hợp trên một số tầu chở dầu. Các vụ tràn dầu cũng có thể xảy ra do việc vệ sinh tầu chở dầu bằng nước biển. Thêm vào đó, còn có lượng dầu tràn nhất định xẩy ra trong quá trình khai thác và chế biến dầu tại các dàn khoan và cơ sở ven biển.

 

Hình 175. Hãy cứu lấy Ðại-Dương

 

7.9 - Nước, Gió và nạn Dầu loang trong Vịnh Bắc-Việt

Khi dàn khoan hoạt-động, các tàu chuyên chở dầu đi lại nhiều hơn và những ống dẫn dầu khí vào bờ khởi-sự; đây cũng là lúc người ta nghĩ đến những tai-nạn dầu loang và sự hiểu-biết về hải-lưu và gió biển càng cần-thiết hơn. Các kế-hoạch phòng-tai bao gồm nhiều giả-thuyết kèm các biện-pháp ứng-phó. Nước trôi ra sao cùng gió thổi thế nào cần được tính-toán sẵn sàng.

Vị-trí toàn-thể nước Việt-nam nằm dưới gió Biển Đông. Gần như quanh năm, gió thổi về phía bờ biển nước ta. Nếu có tai-nạn tràn dầu, sự tác-hại trên môi-sinh Việt-Nam sẽ rất lớn.

Các phỏng-định sau đây đặt ra với giả-thuyết vài triệu gallons dầu thô, vì tai-nạn hay lầm-lỗi kỹ-thuật lúc khai-thác hay chuyên-chở, bị thất-thoát ra ngoài biển.

Chừng 24% số dầu đó sẽ bay hơi hay tan-biến sau 2 ngày, 42% sau 5 ngày, 45% sau 8 ngày. Bách-phân tiêu-tán này đạt đến tối-đa là 48% qua 14 ngày. Sau đó thời-tiết không còn ảnh-hưởng bao nhiêu và số dầu còn lại sẽ nằm vật vờ trôi nổi trên mặt biển. Phải qua rất nhiều thời-gian để dầu loang tự nó phân-hóa qua những phản-ứng thoái-hóa sinh-học (Biological Degradation), oxide hóa quang-năng (photo-oxidation) mà từ từ tan-biến. Khi dầu thoát ra, vì nhẹ nên nổi và nước gió làm dầu trôi đi trên mặt biển.

Phần nặng hay chất cặn bã của dầu thường không độc-hại bằng phần lỏng của nó. Chim chóc, cua cá, cây cối... tiếp-xúc với dầu hay nằm trong lớp dầu bao-phủ sẽ bị chết hại rất nhiều. Nếu không được làm sạch sẽ đúng cách, tình-trạng môi-sinh trong vùng bị dầu loang chỉ trở lại bình-thường sau nhiều năm hay nhiều chục năm.

Theo tài-liệu nhận được bằng nhiều nguồn tin, người ta biết rằng Việt-Nam chưa đào được một giếng dầu nào trong Vịnh Bắc-Việt. Thế nhưng Việt-Nam có thể lãnh hết hậu-quả tai-hại nếu có tai-nạn tràn dầu từ các dàn khoan và ống dẫn dầu khí Trung-Hoa.   

Trung-Hoa hiện có khá nhiều dàn khoan đang hoạt-động, trước sau thì tai nạn tràn dầu hay thất-thoát dầu khí cũng sẽ xảy ra. Khi gió mùa Ðông-Bắc thổi mạnh, dầu loang sẽ trôi theo hướng Tây-Nam. Còn vào mùa gió Đông-Nam trong Vịnh Bắc-Việt, dầu loang sẽ trôi theo hướng Tây-Bắc. Vì vị-trí nằm dưới nước, dưới gió; bờ biển Việ-Nam đương-nhiên lãnh trọn hậu-quả. Sau đây là một số phỏng-định:

Hình 176. Nếu dầu khí tràn ra từ hệ-thống dàn khoan sô (1) Biển Quảng-Ninh bị ô-nhiễm trong vòng 1 ngày.  

 

 

Giả-thuyến vào mùa gió Ðông-Bắc, nếu dầu khí bị thoát ra từ dàn khoan (1), (2), (3), (4), tất cả các dầu khí sẽ lập-tức tràn vào làm ô-nhiễm vùng duyên-hải Việt-Nam. Với sức đẩy của dòng nước, gió và sóng, dầu trôi đi tối-thiểu là 1.5 gút:

- Quảng-Ninh bị ô-nhiễm lập-tức sau 1 ngày. Hải-phòng Thái-Bình sau 2, 3 ngày - Từ hệ-thống dàn khoan vị-trí (1).

- Hà-Tĩnh, Quảng-Bình bị ô-nhiễm sau 2 ngày -  Từ hệ-thống dàn khoan vị-trí (2).

- Quảng-Trị Thừa-Thiên bị ô-nhiễm sau 3 ngày -  Từ hệ-thống dàn khoan vị-trí (3) và (4). Các tỉnh phía Nam sau 5, 6 ngày.

 

7.10 - Ðiển-hình các Vấn-đề Bảo-tồn trên Ðảo

Trước năm 1979, dân số trên đảo Cát Bà tương đối thấp.Tuy nhiên, sau thời gian đó,một số lượng lớn dân đã di cư từ đất liền đến định cư trên đảo.Năm 1999, tổng dân số của đảo Cát Bà là 10,673 người.Trong đó có 70% dân số sống tại thị trấn Cát Bà, hầu hết số dân này sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, buôn bán và dịch vụ.Dân cư sống ở các thôn xóm trong hoặc gần vườn quốc gia, chủ yếu là nông dân, khai thác rừng rất mạnh. Những loại lâm sản bị khai thác nhiều nhất là gỗ, củi đốt, mật ong, măng, các loại củ ăn được, ếch nhái và tắc kè (Nadler và Hà Thăng Long 2000 ).

Ðến năm 1989, vẫn còn một lâm trường khai thác gỗ trên đảo Cát Bà, điều đó đã dẫn đến mất hầu hết thảm rừng ở các thung lũng và phần phía tây nam của đảo. Ðến nay, việc khai thác gỗ thương mại không còn nữa do số cây gỗ lớn còn lại không nhiều. Tuy nhiên, việc khai thác ở qui mô nhỏ vẫn diễn ra vì nhu cầu sử dụng tại chỗ. Thu mật ong thường diễn ra vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10. Những nhóm người đi thu mật ở liên tục trong rừng mộ vài tuần-lễ. Trong thời gian đó, họ cũng săn bắn chim thú để bổ sung cho phần ăn. Nguy-hại hơn, cách thu mật ong của người dân ở đây cũng thuờng gây ra cháy rừng.[233]

Nadler và Hà Thăng Long (2000) cho rằng săn bắn là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với các quần thể động vật ở đảo Cát Bà, và đặc biệt là với quần thể Voọc đầu trắng đặc hữu. Trong khoảng từ 1970-1986, ước tính có 500-800 con Vơọc bị giết,và trong những năm 1990s, tối thiểu có 90 cá thể bị giết hoặc bị bắt.Nadler và Hà Thăng Long(2000) đã cảnh báo nếu không cải thiện các biện pháp bải vệ,quần thể Vơọc còn lại này sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian ngắn.

Trong những năm gần đây, du lịch đã trở thành trọng tâm của nền kinh tế địa phương.Tuy nhiên, phát triển du lịch thiếu kiểm soát đã bắt đầu đe dọa đến môi trường của đảo, đây là sự thật mà các cán bộ vườn đã thừa nhận (M.Appleton pers.comm.) Trên thực tế, nếu phát triển có cân nhắc đến môi trường thì du lịch có tiềm năng đóng góp một cách tích cực cho công tác bảo tồn ở Vườn Quốc gia Cát Bà, thông qua bổ sung thêm nguồn thu và góp phần nâng cao nhận thức môi trường.

 

7.11 - Tình-hình chung về Nguy-cơ Tuyệt-chủng

Biển hay bờ nước ta nằm trong một tình-trạng chung về sự suy-thoái môi-trường Á-Châu. Theo Ông Đào Xuân Trường thuộc Cục Kiểm lâm: Đa dạng sinh học bị suy thoái có nghĩa là mất đi tính đa dạng di truyền và phá vỡ các quá trình sinh thái. Điều này tác động đến khả năng tự tái sinh của các quần thể động thực vật với hậu quả trước mắt là sự tuyệt chủng của các quần thể địa phương và cuối cùng là sự tuyệt chủng của cả loài, ở Việt Nam, 28% loài thú, 10% loài chim và 21% loài bò sát và lưỡng cư đang phải đối đầu với sự tuyệt chủng. Những loài đã bị tiệt chủng ở Việt Nam như tê giác 2 sừng, heo vòi, hươu sao.[234]

 

 

Hình 177. Tổng-kết các loài Sinh-vật Việt-Nam có thể bị đe-dọa tiêu-diệt

 

Những sinh-vật trong tình-trạng báo-động, bị nguy-cấp, bị tuyệt-chủng … được ghi trong các Danh-mục Ðỏ và Sách Ðỏ. Lại có những tài-liệu chuyên-môn ghi danh-mục theo từng ngành, từng loại như Ðộng-Vật, Thực-Vật, Hải-Sinh-Vật, Linh-Trưởng, Bò sát v.v…hay từng vùng như Á-Châu, Ðông-Á, Việt-Nam v.v…

Tài-liệu căn-bản nhất cho tiếng Việt-Nam là cuốn “Sách đỏ Việt Nam” do Nhà Xuất Bản  Khoa-Học &Kỹ-Thuật, Hà Nội, phát-hành 1992. Sách được tái-bản năm 1996. Một số chi-tiết nữa đang được nhật-tu, hy-vọng Cuốn Sách Ðỏ đầy-đủ và mới nhất sẽ được xuất-bản nay mai.

Ðể tiện việc tham-khảo tên những Sinh-vật Việt-Nam có nguy-cơ bị tiêu-diệt, chúng tôi sao chép trong Phụ-Lục 1- “Danh mục thực-vật, động-vật hoang dã quý hiếm” Việt-Nam do Chính phủ ban-hành kèm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2002

 

7.12 - Cá Nước Ngọt và Tiếng Chuông Báo-động

            Từ đời này sang đời khác, người dân đánh tôm bắt cá để ăn. Nay nghe nói chuyên tôm cá có thể bị tuyệt-chủng, ít người tin.

Việt-Nam có chừng 2,470 loài trong 19,000 loài cá trên thế-giới, tỷ lệ đa-dạng sinh-học thế-giới = 13 %. Tính đặc hữu của cá Việt Nam ở mức cao. Riêng cá nước ngọt, tới 60 loài đặc hữu đã được xác định, hầu hết ở các sông miền Bắc. Một số lớn các loài đặc hữu ở sông Mê Kông chung với các nước láng giềng.

Cá nước ngọt là tên gọi chung để chỉ các loài cá sống ở nước ngọt (sông, suối, ao, đầm, hồ, ruộng), chủ yếu thuộc các họ cá xương, là nguồn thực phẩm quan trọng nhất là cho cư dân bản địa. Những năm gần đây với nền công nghiệp phát triển, nhiều nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, trong đó môi trường nước ngọt bị ô nhiễm và dần cạn kiệt. Hơn nữa, việc đánh bắt cá bằng thuốc nổ, bằng điện... mang tính huỷ diệt của con người, dẫn đến một số loài cá nước ngọt gặp nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực ngăn chặn việc phá hoại môi trường bằng nhiều hình thức, biện pháp nhằm bảo vệ môi trường trong sạch, bền vững.

Tổng cục Bưu điện phát hành bộ tem "Cá nước ngọt cần bảo vệ" giới thiệu một số loài cá nước ngọt sống ở sông, suối, ao, hồ của Việt Nam hiện cơ nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Đây là loài cá thuộc họ cá xương, có loài cá vẩy và có loài da trần. Chúng tuy cùng ở trong thuỷ-vực, nhưng sống ở các tầng nước khác nhau tuỳ theo mồi ăn ở tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Hình dáng cá nước ngọt cũng đa dạng, đa phần là hình thoi và có loại lại dài như con rắn.

           

 

Hình 178. Cá nước ngọt cần bảo vệ

 

 

Việc phát hành bộ tem như tiếng chuông báo động, sự cảnh tỉnh những con ngời vô ý thức, vô trách nhiệm trong việc bảo vệ một nguồn lợi thuỷ sản của Việt Nam, đồng thời góp chung tiếng nói với thế giới để bảo vệ môi trường chung.

Mẫu 6-1, 400đ : Cá Măng rổ - Toxotes microlepis Giinther

Mẫu 6-2, 800đ : Cá Ruồng xanh - Cosmo cheilus harmandi

Mẫu 6-3, 2000đ: Cá Chình mun-Anguilla bicolor pacifica

Mẫu 6-4, 3000đ: Cá Còm - Chitala ornata (Gray)

Mẫu 6-5, 7000đ : Cá Cháo lớn - Megalops Cyprinoides

Mẫu 6-6, 8000đ : Cá Sóc - Probarbus fullieni Sauvage

 

7. 13 - Ý-thức Trách-nhiệm Bảo vệ Biển

Ở đất liền, một số cơ nguy về suy-thoái có thể nhìn thấy được dễ dàng. Người Việt-Nam cũng đã ý-thức một phần cơ nguy đó. Người dân nhiều nơi thuộc câu ca dao truyền đời:

"Phá rừng như thể phá nhà.

Đốt rừng như thể đốt da thịt mình."

Ngoài Biển Đông, mối lo đáng kể hơn nhiều về phần tâm-lý. Qua nhiều thế-hệ, người Việt sống với Biển Đông, nhìn ra Biển Đông như một hình-thức bao la, vĩnh-cửu, thiêng-liêng... không lấy gì mà so-sánh cho được. Bernard Philippe Groslier nhận-xét rằng biển cả thật sâu đậm trong lòng dân Việt: "Biển cả trải dài, vượt cả ra ngoài chân trời và tầm hiểu biết của con người, gợi ra cái ấn-tượng về nguồn gốc của muôn loài, cả đến một thế-giới trước khi khai-thiên lập-địa và cũng là nơi quê-hương cho người chết trở về". Vậy thì làm sao Biển lại bị ô-nhiễm cho được.

Nói chung, ý-thức trách-nhiệm bảo vệ Biển, Bờ Biển, Hải-đảo, Vùng Ngập Nước.. là những gì rất mới lạ đối với người dân Việt-Nam. Phải cần một thời gian làm quen học hỏi, tình trạng này mới khá hơn được.

 

Hình 179. Cò thìa mặt đen sống trong những Vùng NgậpNước .Qua nhiều năm, một phần tư số lượng của loài chim này trên toàn cầu  tới trú đông tại miền Bắc Việt Nam.

 

Bảng 5: Các khu Bảo-vệ Biển đề-xuất ở Việt Nam

Khu

Tỉnh

Nguồn Ðề xuất

1

2

3

Ba Mùn

Quảng Ninh

 

 

Các đảo Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh

 

Ðảo Bạch Long Vĩ

Hải Phòng

Ðảo Cát Bà

Hải Phòng

Ðảo Cô Tô

Quảng Ninh

Ðảo Trần

Quảng Ninh

 

Hòn Mê

Thanh Hoá

 

Thái Thuỷ

Thái Bình

 

 

Tiền Hải

Thái Bình

 

 

Xuân Thuỷ

Nam Ðịnh

 

 

Hình 180. Các Khu Bảo-Vệ Biển trong Vùng VịnhBắc-Việt
(1) = Ðề-xuất bởi Nguyễn Huy Yết và Võ Sĩ Tuấn (1995)
(2) = Ðề-xuất bởi Nguyễn Chu Hồi et al. eds. (1998)
(3) = Ðề-xuất bởi Ngân hàng phát triển Châu Á¸ (1999)

7 vùng ngập nước ven biển quan trọng ở vùng châu thổ sông Hồng:

- Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Thuỷ

- Vùng ngập nước ven biển huyện Nghĩa Hư­ng, 

-  Hai khu vực cửa sông Thái Bình, huyện Thái Thuỵ và cửa sông Văn Úc huyện Tiên Lãng.

- Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (mới thành-lập, nhưng chỉ được xếp hạng thứ tư).

- Bờ biển phía Nam huyện Thủy Nguyên xếp hạng sau cùng.

KÕt qu¶ dù ¸n chØ ra r»ng cã 7 vïng ngËp n­íc ven biÓn quan träng ë vïng ch©u thæ s«ng Hång. Vïng quan träng nhÊt ®èi víi c«ng t¸c b¶o vÖ lµ

-Khu B¶o tån thiªn nhiªn Xu©n Thuû, xÕp thø hai lµ

-toµn bé vïng ngËp n­íc ven biÓn ë huyÖn NghÜa H­ng, xÕp thø ba lµ

-hai khu vùc cöa s«ng Th¸i B×nh, ë huyÖn Th¸i Thuþ

vµ cöa s«ng V¨n óc ë huyÖn Tiªn L·ng.

-Khu B¶o tån thiªn nhiªn TiÒn H¶i míi ®­îc thµnh lËp, c«ng t¸c b¶o tån cã ý nghÜa thÊp h¬n vµ xÕp hµng thø t­ trong nghiªn cøu nµy.

-Bê biÓn ë phÝa Nam huyÖn Thuû Nguyªn ®­îc xÕp sau cïng.

 

Hình 181. Các loài thú to lớn, hiếm-quý đang có cơ nguy bị tuyệt-chủng

 

 

Hình 182. Một cách nhắc-nhở tốt cho người dân: những đồng bạc có in hình sinh-vật cần bảo-tồn

 

 

Hình 183.  Mạng lưới Môi-trường quốc-gia

 

 

The bulk of the problems stem from twenty fishing countries whose fleets land 80 percent of the total marine catch worldwide.

·         1. China

·         2. Peru

·         3. Japan

·         4. Chile

·         5. USA

·         6. Russian Fed.

·         7. Thailand

·         8. Indonesia

·         9. Korea, Rep.

·         10. Norway

·         11. India

·         12. Iceland

·         13. Philippines

·         14. Korea, DPR

·         15. Denmark

·         16. Spain

·         17. Taiwan, Prov China

·         18. Canada

·         19. Mexico

·         20. Vietnam

 

 

 

 

 

 

Since 1970, the world's fishing fleet has expanded twice as fast as world catches. The fishing fleet in China, the world's leading fish producer, is now around six times the size it was in 1979. As a result, excess fishing capacity has reached alarming proportions. There are about 3.5 million vessels boats currently fishing in the world's oceans. Intense competition between countries and rival fleets over access to fishing grounds has sparked numerous international disputes over fishing rights in recent years.

THE GLOBAL FISHERIES CRISIS http://www.greenpeace.org/~comms/cbio/global.html

http://www.greenpeace.org/~comms/cbio/global.html

 

 

Hình 184. Tem thư vẽ hình Chim Trĩ Nghệ-Tĩnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 Hình 185.  Một Huy-hiệu kêu gọi “Hãy Cứu Cá Voi”- “Save A Whale”

 

 

Hình 186. Trung-Hoa (số 1) dẫn đầu thế-giới rất xa về số lượng tàu đánh cá lớn

 

 

 

 

Hình 187. Bản-đồ cho thấy sự suy-thoái trầm-trọng của rừng cây Việt-Nam trong khoảng 30 năm (1943-1993)

 

 

Forest cover percentage in 50 years

Years

F. cover (%)

·         1943

·         1976

·         1990

·         1995

 43,2

 33,7

 27,7

 28,1

 

Bảo-tồn tài-nguyên thảo mộc-Việt Nam

 Việt Nam là một trong 16 nước trên thế-giới được xếp hạng phong-phú về đa-dạng sinh-học, thảo mộc và cầm thú (WCMC, 1997). Ước tính có khoảng 12 nghìn loài (spesies) thảo mộc trên toàn lãnh-thổ Việt Nam, trong số đó khoảng 50% là loài bản-địa (endemic) (Le T.Hoan et al., 1999), cung cấp khoảng 1900 loài cây có ích (Trần Đình Lý, 1993), gồm khoảng 40 loài cây hoa màu và hơn 1500 loài cây làm rau hay trái ăn được (Le T. Hoan et al., 1999), trên 100 loài cây cho gỗ quý (Trần Hợp và Hoàng Q. Hà, 1997), và khoảng 3200 loài cây làm thuốc (Võ Văn Chi, 1996). Thảo mộc ngày nay được xem là nguồn cung cấp dợc liệu quý giá mà khoa-học hiện đại chưa thể tổng hợp nhân tạo được. Chẳng hạn mới đây các nhà khoa-học Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (Anh), đã trích từ cây Catharanthus roseus ở Madagascar được dợc chất Vinca alkanoid dùng để trị bệnh bạch cầu của trẻ em (leukaemia) và bệnh Hodgkin. Tiềm-năng hữu ích của thảo mộc-Việt Nam chưa được khám phá đúng mức vì trình-độ khoa-học còn yếu kém, đặc biệt trong lĩnh vực tìm nguồn gene hữu ích ở loài cây hoang dại của Việt Nam

Trong rất nhiều thập niên vừa qua, các nhà khoa-học của phơng Tây (Âu, Mỹ), Australia, cũng như Nhật Bản và Đài Loan đã âm thầm đa vào nước họ những giống cây của Việt Nam, giống canh tác cũng như giống hoang dại bản-địa , ngay cả giống không có một giá trị kinh-tế, để làm giàu tài-nguyên di truyền (gene) thảo mộc của nước họ và tạo ra giống mới. Trong lúc đó, Việt Nam chưa quan tâm về tầm quan-trọng của nguồn gene trong các loài hoang dại, vì vậy để các loài và giống này đang trên đà tuyệt chủng. Công-nghệ sinh-học đang trên đà phát-triển trên thế-giới. Việt Nam cũng đang đầu tư vào lĩnh vực này ở các cơ sở nghiên-cứu và trường đại học. Kỹ-thuật chuyển gene để tạo giống mới không khó, cái khó nhất là làm sao biết có gene tốt và lấy từ đâu. Đó là những giống loài hoang dại, giống cổ truyền mà chúng ta chưa biết gì về nguồn gene của nó. Rừng là nơi trú ngụ của cây và thú. Nạn phá rừng ở Việt Nam đã được báo động và cảnh báo từ giữa thập niên 1940 với bài thơ của B.B, tức Kỹ sư Thủy Lâm Bùi Bá (Lê Văn Ký, 1998).

Từ trên 20 triệu ha rừng của thời 1945, Việt Nam ngày nay chỉ còn khoảng 5 triệu ha rừng (FAO, 1997).

Chưa kể những thảm họa hậu quả của việc phá rừng trên môi trường sinh-thái, khí hậu, xói mòn đất đai, lũ lụt,v.v.., tài-nguyên cây và thú của Việt Nam đã và đang bị cạn kiệt đáng kể. ở Việt Nam có bao nhiêu loài cây đang bị hiểm họa tuyệt chủng? Con số biến thiên khá nhiều; khoảng 40 loài cây theo Nguyễn Hoàng Nghĩa (1999), 356 theo Sách Đỏ Việt Nam (1996), hay khoảng 364 trong số 983 loài cây được khảo sát và coi là đang bị hiểm họa tuyệt chủng (WCMC, 1997). Và cũng theo tài-liệu này, đã có một hoặc hai loài cây đã tuyệt chủng ở Việt Nam (WCMC, 1997). Cũng cần nói thêm là các danh sách liệt kê nói trên chỉ đề cập đến những loài thảo mộc có lợi ích kinh-tế trớc mắt. Số lượng cây cối có nguy cơ tuyệt chủng sẽ nhiều hơn nữa nếu tính đến các loài hoang dại không kinh-tế. Chẳng hạn, không ai còn tìm ra những giống Thị Diospyros Nhatrangensis, Diospyros Bangoiensis, hay Diospyros fleuyana v.v.. là những giống Thị bản-địa của Khánh Hòa, và ngay cả Cây Mun (Diospiros mun) bản-địa của vùng này cũng đã trở nên hiếm hoi khó kiếm. Cũng cần biết thêm rằng một giống cây có thể bị tuyệt chủng trong một thời gian rất ngắn, nhng phải mất từ vài nghìn năm đến mời nghìn năm, loài cây mới được tiến hóa (evolution) tự nhiên để tạo ra một loài cây mới.

Công tác khẩn cấp hiện nay là các nhà khoa-học-Việt Nam phải bảo-tồn nguồn di sản thực-vật đã có của Việt Nam trớc hiểm họa tuyệt chủng. Có hai phơng pháp bảo-tồn: bảo-tồn tại-chỗ (in-situ conservation) và bảo-tồn từ-xa (ex-situ conservation).

Bảo-tồn tại-chỗ gồm việc bảo-vệ cả hệ môi sinh, ở nơi đó các loài cây được phát-triển và tiến hóa tự nhiên. Việc bảo-vệ đa-dạng sinh-học ở khu rừng cấm, rừng bảo-vệ, các lâm viên quốc-gia là một thí-dụ của phơng pháp bảo-tồn tại-chỗ. Việt Nam có khoảng 90 khu rừng bảo-vệ và lâm viên quốc-gia (thí-dụ Cúc Phơng ở Ninh Bình, Cát Tiên ở Đồng Nai) chiếm khoảng 1,1 triệu ha nhng việc quản lý coi như rất nghèo nàn (http://www.wcmc.org.uk/inforserv/countryp/vietnam). Ngoài ra, khu rừng bảo-vệ hay lâm viên quốc-gia cũng có thể bị tiêu hủy vì nhiều lý do. Chẳng hạn Lâm Viên Quốc-gia Trảng Bom được quy định trớc 1960 với khoảng 350 ha, ngày nay chỉ còn không tới 3 ha. Báo chí Việt Nam mới đây cũng phản ánh việc chặt đốn nhiều cổ thụ của nhiều loài cây quý và hiếm ở Lâm viên Cúc Phơng vì nạn thu hái hoa lan (orchid). Một hình thức bảo-tồn tại-chỗ khác là bảo-tồn tại-nhà-vườn (on-farm conservation) đối với một số loài cây hoang dại đã có từ nhiều đời (thí-dụ cây mù u, Calophyllum inophyllum, v.v... ở các vườn ở miền Tây) và giống cổ truyền bản-địa (landraces). Biện pháp bảo-tồn này phải được Chính phủ tài trợ với chính sách bù lỗ, nếu không nông dân sẽ đốn bỏ để thay thế giống cây có kinh-tế hơn.

Bảo-tồn từ-xa gồm việc giữ giống và loài cây ở nơi khác, xa cách nguồn cội, gồm:

 I. Vườn bách thảo (botanic garden) và hoa viên.

 II. Vườn su tập loài và giống trồng (cultivars).

 III. Tồn trữ hạt phấn (pollen), chồi cây (bud), rễ cây (root), mô (tissue), DNA, v.v... để tái tạo ra cây khi cần-thiết.

 IV. Ngân-hàng hột giống (Seed genebank).

 Vườn bách thảo hiện được thế-giới khuyến khích, vì là nơi vừa bảo-tồn giống cây, vừa là nơi giúp nghiên-cứu và học tập, và cũng là nơi giải trí. Thành lập vườn bách thảo cũng có những nguy cơ thất bại. Chẳng hạn, vườn Bách Thảo Sài Gòn trớc kia có 760 loài cây, ngày nay chỉ còn chừng 300 loài cây, như vậy hơn 460 loài cây quý giá, đa số là su tập cây dợc tính, đã bị hủy bỏ để thay thế bằng công-trình vui chơi. Một bất tiện khác là không phải các loài cây ở vườn bách thảo đều sinh trởng bình thờng, bởi vì cách xa nguồn cội về địa-lý và nhiều lý do sinh-học khác. Chẳng hạn, cây Mun (Diospyros mun) trong vườn Bách Thảo Sài Gòn chưa hề ra hoa, kết trái mặc dầu nay đã là cây cổ thụ. Vì vậy, mỗi thành-phố nên có một vườn bách thảo với giống bản-địa của địa-phương là chính, ngoài ra còn su tập giống ngoại nhập.

 Các hoa viên thành-phố cũng nên trồng các giống cây bản-địa , để nói lên "đặc sản" của thành-phố quê hơng mình. Cây Trầm Hơng (Aquilaria crassna) là bản-địa của rừng núi Khánh Hòa, và cây này đã đi vào huyền thoại Thanh Y Thánh Mẫu của Tháp Bà hay Ngậm ngải tìm trầm mà trẻ em nào cũng biết, nhng có mấy ai ở Nha Trang biết cây trầm hơng như thế nào. Nha Trang cũng là quê hơng của nhiều giống thị (Diospyros), và ngay với giống có kinh-tế như cây Mun (Diospyros mun), có mấy ai thấy được?

 như Giáo s Phạm Hoàng Hộ (1999) khuyến cáo, ngay cả trong các ngôi nhà có vườn rộng, hay các dinh thự, sân các trường học cũng nên trồng các loài cây bản-địa hiếm quý.

 Việc bảo-tồn giống cây qua biện pháp tồn trữ hạt phấn, mô, v.v. cần phải có kỹ-thuật cao và tài-chính dồi dào, nên ngoài phạm-vi của bài viết này.

 Bảo-tồn nguồn gene qua ngân-hàng hột giống (Seed Genebank) là biện-pháp rẻ tiền và an toàn nhất và hiện được thế-giới áp dụng. Chẳng hạn, Ngân-hàng hột giống thiên niên kỷ (Millennium Seed Bank) của Vườn Bách thảo Hoàng Gia (Royal Botanic Gardens, Kew;

http://www.kew.org/conservation/seedcon.html) hiện tồn trữ hột của 90% loài cây của Anh quốc, và dự trù tồn trữ 99% loài cây của nước Anh và 10% cây trên toàn thế-giới vào năm 2010. Trong điều-kiện tồn trữ 5% ẩm độ hột và -20oC áp dụng ở ngân-hàng này, hột có thể tồn trữ trên vài trăm năm mà không mất khả-năng nẩy mầm. Tuy nhiên, không phải hột của mọi loài cây đều có thể tồn trữ. Chỉ có loại hột chính thống (orthodox), tức loại hột có thể rút nước xuống 3-6% độ ẩm mới có thể tồn trữ lâu dài trong điều-kiện trên, còn các loại hột thuộc nhóm phản tính (recalcitrant) và trung gian (intermediate) thì không tồn trữ được trong điều-kiện của ngân-hàng hột giống. Theo một điều-tra mới đây về bản chất tồn trữ hột của khoảng 7 nghìn loại thảo mộc trên thế-giới, thì chỉ khoảng 90% loài cây có bản chất chính thống, nghĩa là tồn trữ được trong ngân-hàng hột giống (Hong et al., 1998). Việt Nam đã có ngân-hàng hột giống cho lúa và cây màu (Viện Lúa đồng-bằng sông Cửu Long ở Ô Môn, Cần Thơ), nhng chưa có ngân-hàng hột cho loài cây khác. Việc thiết lập ngân-hàng hột cho các loài cây ở Việt Nam rất cần-thiết, để nhanh chóng bảo-tồn nguồn gene quý báu đang có nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian ngắn sắp tới. Việc nghiên-cứu bản chất tồn trữ của hột, vì vậy cần phải bắt đầu ngay bây giờ, theo các thủ tục nghiên-cứu đã được vạch sẵn (Hong và Ellis, 1996), bởi vì hiện tại chúng ta chỉ biết bản chất tồn trữ của hột của chỉ khoảng chừng 3% của tổng số 12 nghìn loại thảo mộc của Việt Nam mà thôi.

Để có được những tự liệu cho đề tài nghiên-cứu này, tác giả chân thành cảm tạ Darwin Initiative Project của Chính phủ Vơng quốc Anh đã tài trợ tác giả trong nhiều chuyến công tác ở Việt Nam.

Tiến sĩ Trần đăng hồng

Đại học Reading, Anh

(Tạp chí Khoa-học phổ thông)

 

Săn bắn và đánh bắt cá quá độ

Săn bắn được xếp vào hàng những đe doạ mới nhưng rõ ràng là một mối đe doạ lớn đối với một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Các vùng nông thôn thiếu vắng chim trong làng và trên cánh đồng. Đó là do săn bắn kết hợp với việc sử dụng quá độ thuốc trừ sâu và phân hoá học và do độc canh sinh thái cây lúa .

Đánh bắt cá quá độ là một sự thật trong cuộc sống ở khắp mọi nơi . Hơn nữa các phương pháp đánh bắt áp dụng không được lựa chọn và tàn phá lớn như bẫy cá, thả đăng, lưới, chất nổ và sử dụng cả chất độc.

Đánh bắt cá quá độ có thể thấy rõ trong sản lượng đánh bắt suy giảm mặc dầu trong mươi năm nay tốc độ đánh bắt tăng (hình35). Một con số khổng lồ đáng ngại ở phía Bắc khu vực trên vĩ tuyến 200N nơi sản lượng thực tế giảm đột ngột từ năm 1987 và trong năm 1992, sản lượng giảm 39% mặc dầu đội thuyền cá tăng công suất 32%. Một số loài cho thấy suy giảm đáng kể là Nemalalosa nasus đã được đánh bắt 1000 tấn/năm trong 30 năm qua nhưng hiện nay vô cùng hiếm. ở Bắc Việt Nam, sản lượng ba loài Clupeidae, Hilssa reveesi (cá trích năm đốm), Clupanodon thrissa và C.punctatus, đã giảm từ 500-1000 tấn/năm xuống còn 10-20 tấn/năm. Các thuỷ sản khác ngoài cá như tôm hùm (Panulirus), bào ngư(Haliotes), sò (Chlamys) và mực (Loligo) cũng cho thấy sản lượng giảm. Trai ngọc Pinctada martensii và Lutraria philippinarum đã biến mất khỏi nhiều vùng miền Bắc. Khai thác những loài trên vẫn tiếp tục mặc dù cả ba loài Clupeids, bốn loài tôm hùm và hai loài bào ngưđược liệt kê trong loại dễ tổn thương và Loligo formosana liệt vào loại có nguy cơ bị tiêu diệt trong Sách Đỏ Việt Nam.

 

Hình 188.

 

 

In-shore catch per fishing unit reduced, because of over-fishing and destructive methods, ton/boat 16.7 in 1996; 15.3 in 1997 and 13.8 in 1998

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 189. Những khu-vực bảo-tồn Vùng Vịnh Bắc-Việt

 

 

Hình 190. Những loài linh-trưởng có cơ nguy tuyệt-chủng

 

Hình 191. Một Huy-hiệu kêu gọi “Hãy Cứu loài Rùa”Kẻ thù lớn nhất của rùa biển là các lưới cào và lưới giăng gần bờ. Cứ đến mùa đẻ trứng, trăm con rùa lại bị chết kèm theo hàng tỷ trứng.

 

 

Hình 192. Ðồi mồi đã sống khắp nơi trong Biển Ðông, nay chỉ còn lại tại Vịnh Phú-Quốc

 

Lý-do phải Quan tâm đến Sinh-vật Sắp Tuyệt chủng

Tại sao con người lại phải quan tâm nhiều đến các loài động thực vật sắp bị tuyệt chủng như vậy?

Mỗi loài động thực vật đều là sản phẩm của một quá trình tiến hoá rất lâu dài. Trong quá trình đó, mỗi loài đã tự tích luỹ cho riêng mình những gien chống chịu với bệnh tật, với sự thay đổi khí hậu và các điều kiện sống khác. Do đó các sinh vật hoang dại đều khoẻ mạnh, khó bị bệnh tật tiêu diệt và có khả năng thích nghi cao. Đó là những ngân hàng gien sống quý hiếm. Điều kiện sống thay đổi liên tục, nếu để mất đi bất cứ loài nào, thì thiên nhiên sẽ không bao giờ có thể tái tạo lại được kiểu gen riêng của loài đó.

Mỗi sinh vật có một vai trò nhất định trong hệ sinh thái, là một mắt xích khép kín chu trình tuần hoàn vật chất của hệ. Hệ càng có nhiều loài, càng đa dạng thì càng bền vững. Mất đi một loài là giảm tính đa dạng sinh học của cả hệ. Làm cho đời sau không còn được chiêm ngưỡng chúng sống động nữa. Mỗi sinh vật ẩn chứa trong mình rất nhiều bí ẩn mà đời nay chưa thể khám phá ra hết được. Làm mất đi một loài, là chúng ta làm cho đời sau mất đi một đối tượng để nghiên cứu, mất đi một hình mẫu lý tưởng để mô phỏng theo.

Tóm lại, mỗi loài đều có vị trí và vai trò nhất định trong tự nhiên mà loài khác không thể thay thế được. Chính vì thế mà con người cần đặc biệt quan tâm tới các loài sắp bị tuyệt chủng.

 

Các biện pháp bảo vệ rừng

Ngoài việc đem tài nguyên kinh tế gỗ đến với chúng ta, cây rừng còn có nhiều lợi ích quan trọng khác: cung cấp ôxy, giữ đất sau những trận mưa lũ. Tuy nhiên, tàn phá rừng bừa bãi đang diễn ra khắp nơi trên thế giới và trở thành vấn nạn.

 

 

Bản-đồ về Đồng-bằng sông Hồng

Vùng ven biển châu-thổ sông Hồng là ni có tiềm-năng lớn về thủy sn, điều đó phụ thuộc vào việc duy trì toàn vẹn hệ sinh-thái của rừng ngập mặn, các vùng bÓi triều cũng nh các sinh cnh có liên-quan khác. Những vùng triều ở châu-thổ sông Hồng được xác-định là có tầm quan-trọng quốc tế bởi đây là những vùng c trú và cung cấp thức ăn cho một số loài chim đang bị đe doạ trên toàn-cầu.

Với diện-tích khoảng 866 000 ha, vùng đồng-bằng sông Hồng là ni tập trung dân c đông đúc nhất và cuộc sống ngời dân phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn-lợi của đất ngập nước dẫn tới việc khai-thác quá mức các vùng đất ngập nước trong khu-vực. Mặc dù vậy, vùng ven biển châu-thổ sông Hồng vẫn rất đa-dạng về số loài sinh-vật hoang dÓ.

Năm 1996 BirdLife và Viện Điều-tra Quy hoạch Rừng cùng phối hợp thực-hiện dự án Bo tồn các vùng đất ngập nước quan-trọng ở đồng-bằng sông Hồng do Đại sứ quán Vng quốc Đan Mạch tài trợ. Dự án nhằm hỗ trợ việc xác-định, đánh giá và bo tồn các vùng đất ngập nước quan-trọng ở đồng-bằng sông Hồng.

Công tác ngoại nghiệp đã được thực-hiện trong sáu tháng từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1996 ở các vùng ven biển của các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình và Hi Phòng và đã thu thập được các số liệu về đặc điểm sinh-học và tình trạng hiện tại của các nguồn tài-nguyên cũng nh việc sử-dụng đất của nhân dân địa-phương. Kết-quả của dự án chỉ ra rằng có 7 vùng đất ngập nước ven biển quan-trọng cấn được u tiên bo tồn ở đồng-bằng sông Hồng (xem bng phía dới).

Các điểm này sau đó đã được đánh giá dựa trên việc sử-dụng các tiêu-chuẩn chi tiết và đa ra các đề xuất cho các hoạt-động qun lý. Những thông tin này được giới thiệu trong Báo cáo số 8 với tiêu đề Bo tồn các vùng đất ngập nước quan-trọng tại đồng-bằng sông Cửu-Long.

Bảy vùng ngập nước ven biển quan-trọng ở đồng-bằng sông Hồng:

1 (cao nhất)   Khu bảo-tồn thiên-nhiên Xuân Thủy

2     Huyện Nghĩa Hng

3 loại  Khu-vực cửa sông Thái Bình (huyện Thái Thuỵ)

4 loại  Khu-vực cửa sông Thái Bình (huyện Tiền Hải)

5 loại  Khu-vực cửa sông Văn úc ( huyện Tiên LÓng)

6     Khu bảo-tồn thiên-nhiên Tiền Hải

7 (thấp nhất)   Bờ biển phía nam huyện Thủy Nguyên

 

Coastal and Marine Resources Protection Targets

·         National system of 15 marine protected areas established

·         64 wetland areas protected

·         Rate of mangrove and wetland loss reduced by 10% and 90% respectively

·         Off-shore fishing program implemented

·         Integrated Coastal Zone Management implemented

 

 

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn. Bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý Nhà nước quy định tại chương IV Luật Tổ chức Chính phủ và tại Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ. Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau đây:

1. Trình Chính phủ các dự án Luật, Pháp lệnh và các văn bản pháp quy về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn. Ban hành các văn bản theo thẩm quyền và các lĩnh vực do Bộ phụ trách.

2. Trình Chính phủ chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch dài hạn, trung hạn và tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện sau khi được Chính phủ phê duyệt về các lĩnh vực :

  • Trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông, lâm sản và phất triển ngành nghề nông thôn.
  • Quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, khai thác lâm sản.
  • Quản lý tài nguyên nước (trừ nước nguyên liệu khoáng và nước địa nhiệt), quản lý việc xây dựng, khai thác công trình thuỷ lợi, công tác phòng chống bão lụt, bảo vệ đê điều (đê sông và đê biển), quản lý việc khai thác và phát triển tổng hợp các dòng sông.
  • Quản lý Nhà nước các hoạt động dịch vụ chuyên ngành.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Đồng chí: NGUYỄN ĐÌNH THỊNH
THỨ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Trực tiếp phụ trách các lĩnh vực sau:

  • Công tác quản lý đê điều và phòng chống lụt bão bao gồm:
    • Quy hoạch phát triển thuỷ lợi.
    • Quy hoạch, kế hoạch các công trình đê điều và phòng chống lụt bão.
    • Chính sách, quy trình, quy phạm và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực đê điều và phòng chống lụt bão.
    • Quản lý chất lượng đê điều và phòng chống lụt bão.
    • Chỉ đạo thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đê điều và phòng chống lụt bão.

 

 

 Tu bæ, n©ng cÊp hÖ thèng c¸c c«ng tr×nh phßng, chèng lôt, b·o lµ viÖc lµm th­êng xuyªn h»ng n¨m ë c¸c ®Þa ph­¬ng. C«ng viÖc nµy ®­îc thùc hiÖn vµo c¸c th¸ng mïa kh«, khi

mùc n­íc c¸c s«ng xuèng thÊp vµ ph¶i hoµn thµnh vµo tr­íc mïa m­a, b·o.

 Do ®Êt n­íc n»m tr¶i dµi trªn nhiÒu vÜ ®é, cho nªn quy luËt thêi tiÕt ë mçi khu vùc cã kh¸c nhau. Mïa m­a, b·o ë c¸c tØnh tõ b¾c Trung Bé trë ra th­êng ®Õn sím h¬n c¸c tØnh tõ trung Trung Bé trë vµo nam, v× vËy thêi h¹n ph¶i hoµn thµnh kÕ ho¹ch tu bæ ®ª ®iÒu ®­îc quy ®Þnh: ®èi víi c¸c h¹ng môc lµm kÌ, cèng d­íi ®ª ph¶i hoµn thµnh vµo cuèi th¸ng 4, ®¾p ®ª ph¶i xong vµo cuèi th¸ng 5 h»ng n¨m ®Ó chñ ®éng phßng, chèng lò tiÓu m·n vµ nh÷ng biÕn ®éng xÊu cña thêi tiÕt.

 

Hình 193. Sự chênh-lệch gần 6 thước giữa mức nước báo-động tại Sông Hồng và Sông Mã

 

Mối tương quan về tần suất xuất hiện thiên-tai ở Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của thiên-tai trên thế giới. Bảng dưới đây mô tả mối tương quan giữa các sự kiện thiên-tai và tần xuất xuất hiện của chúng ở Việt Nam và rõ ràng là hầu hết các thiên-tai đều có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới nước (hoặc là nguyên nhân hoặc do thiếu hụt nguồn tài nguyên này).

Thiệt hại nghiêm trọng nhất thường xảy ra do lũ lụt, đặc biệt là khi có sự kết hợp với các cơn bão. Các cơn bão làm nâng cao mực nước biển hàng mét và gây ra hiện tượng nước dâng ở vùng cửa sông, làm ngập lụt khu vực đất nông nghiệp. Với vận tốc gió cao, các cơn bão phá huỷ nhà cửa và tạo thành sóng phá hoại các đê biển bảo vệ các vùng đất bên trong. Mưa với cường độ cao kết hợp với bão gây nên lũ quét, xuất hiện một cách đột ngột ở các khu định cư và thường xuyên gây ngập các vùng đất thấp. Dòng chảy xuất hiện do mưa bão, sau đó đổ vào sông đã bị đầy trong mùa mưa, tạo thành lũ và gây nguy hiểm cho đê sông và đe doạ tàn phá hàng triệu giađình.[235]

 

Hình 194. Số lượng Bão tố thổi vào Việt-Nam Number of Typhoons by Year to hit Viet Nam [236]

 

Hình 195. Ðường đi tiêu-chuẩn của các trân bão trong những tháng 7, 8, 9, 10 Mùa mưa bão ở các tỉnh miền Bắc thường đến sớm hơn các tỉnh miền Trung khoảng 1 đến 2 tháng

 

Hình 196. Thiệt-hại nhân-mạng vì thiên-tai

 

landslides and mud flows.

Over the past 25 years, more than 13,000 people have been killed by such disasters. A tropical depression off the coast of Thanh Hoa in 1996 caught thousands of fisherman at sea; over 600 lost their lives. In the same year, in the mountain province of Lai Chau, the hamlet of Lo Le was literally washed off the map by a flash flood; 89 people were killed. In 1997 Typhoon Linda became the worst natural disaster in living memory. Skirting the tip of southern Viet Nam, this storm resulted in the deaths of over 3,000 people and more than US$ 400 million in damages.

 

 

 

Cyclones

Floods

Droughts

Earthquakes

PHILIPPINES

155

51

5

15

BANGLADESH

78

51

4

2

VIETNAM

43

20

1

1

THAILAND

15

20

2

0

MYANMAR

5

10

0

2

LAOS

3

7

6

0

CAMBODIA

0

3

1

0

 

Hình 197. Thống-kê cho biết Việt-Nam có nhiều thiên-tai về thủy-tai như lụt lội và bão tố hơn là hỏa-tai và những thiên-tai khác

 

Hình 198. Những vùng Duyên-hải Bắc-Việt bị ảnh-hưởng tai-hại của bão và lụt

 

 

Hình 199. 3 Trung-tâm Báo-động Bão-tố Vịnh Bắc-Việt

 

Có chăng nghịch lý của đê kè?

            Một phần tư thế-kỷ trước, trong cuốn Thiên-nhiên Việt-Nam (NXB Khoa-học và Kỹ-thuật, 1977), cố Giáo sư Lê Bá Thảo đã tiên tri về sông Hồng, đại ý: Bị kẹp giữa hai con đê, dòng sông Hồng mang nặng phù-sa, chơi trò luẩn quẩn, đào xới chỗ này, bồi đắp chỗ khác. Và Giáo sư đã nói, những hòn đảo nổi lên rồi lại mất đi. Hạt phù-sa dường như cưỡng lại ý muốn của con người, nó nổi trôi khi lắng lại thành phẩm-vật cho bên bồi, khi tụ lại thành hòn đảo, khi tan thành bọt nước, bên bồi hóa ra bên lở. Chính việc đắp đê đã khiến cho lợng phù-sa không được bồi đắp cho nội đồng, dẫn đến hiện tượng tự bồi lắng nâng cao lòng sông Hồng. Khi đề cập tới hiện tượng này, Tiến sĩ Đỗ Đức Hùng trong cuốn “Vấn-đề trị thủy sông Hồng” lại tiên đoán trong tương lai người Hà Nội sẽ thấy đê sông Hồng cao nhu... Vạn lý trường thành, vì lòng sông Hồng sẽ cao tương đương với nóc thành-phố hiện nay... Hiện tại, trong những tháng mùa mưa, sông Hồng đoạn gần Hà Nội có thể có mức nước từ 5 đến 6 mét so với cao-trình đáy , nhưng ngược lại 1000 năm trước đây, mực nước này chỉ cao từ 2 đến 3 mét so với đáy sông. Hệ thống đê sông và đê biển của Việt Nam đã tồn tại hàng thế kỷ và đang suy yếu do bị tro phượt, bị sạt lở cục bộ, mặc dù hàng năm vào mùa lụt bão, có hàng trăm ngàn người được huy động để củng cố và sửa chữa hệ thống đê này [237]... Chính nghịch lý đó của dòng sông khiến các nhà quản lý và các nhà khoa-học cần phải có một chiến lợc tổng thể trong việc ứng xử với sông Hồng, chứ không chỉ cậy vào đê kè.

Có một thực-tế là suốt một dải đất lở,

 

 

Hình 200. Thống-kê thiệt-hại thiên-tai hàng năm

 

 

Hinh 201. Bích-chương “Hay Cứu Linh-Trưởng Việt-Nam”

 

Theo ông Davis Hulse[238],Trưởng đại diện của WWF (World Wildlife Fund) tại Việt-Nam rừng nhiệt-đới của cả nước đang bị đốt phá 10 vạn hec- ta mỗi năm và các khu rừng ven biển là nơi trú ngụ cho các loài linh trưởng cũng đang bị thu hẹp một cách nhanh chóng. Điều đáng nói là những khu đất ngập nước nay lại là những điểm dừng chân quan-trọng dọc theo đường bay Đông-Á của các loài chim di cư, trong đó gồm ít nhất 15 loài đang bị đe doạ tuyệt chủng trên toàn-cầu. Ngoài ra, sự tấn công vào các hệ sinh-thái ven biển đã ở mức báo động.

 

Làm gì để Bảo-tồn Ða-dạng Sinh-học Biển?

Không thể phủ nhận được rằng Việt-Nam đã đạt những thành quả nhất định trong việc bảo-tồn đa-dạng sinh-học biển. Đó là việc thành lập các khu bảo-tồn, đặc biệt là trường hợp của Côn Đảo. Nơi đây đã thống-kê được 44 loài là nguồn gen cực kỳ quý hiếm của Việt-Nam, đặc biệt là các loài bò sát và thú biển. Theo Vườn Quốc-gia Côn Đảo, rùa biển và dugong đã được quan tâm bảo-vệ rất có hiệu-quả. Từ 1995, với sự tài trợ của WWF, 80% số trứng hàng năm (80 nghìn trứng năm 1997) đồi mồi và vích đẻ tại Côn Đảo đã được cứu hộ cho ấp nở và rùa con nở lại về biển. Loài dugong, đối tượng được bảo về trên toàn-cầu đang sinh sống tại đây cũng đã được sự bảo-vệ đặc biệt. Viện Hải-Dương-học Nha Trang cho biết, khảo sát năm1997 cho thấy quần thể chừng 10 dugong vẫn đang được yên ổn...

Hiện nay với sự trợ giúp của WWF, 7 khu bảo-tồn biển của VN đã được ưu-tiên bảo-vệ là Cát Bà (Hải-phòng), Cô Tô (Quảng-Ninh), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Mun (Nha Trang), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), An Thới (Kiên Giang) và Sơn Trà (Đà Nẵng). Tất cả các khu bảo-tồn trên đều lấy rạn san-hô làm trọng tâm vì tầm quan-trọng của chúng về đa-dạng sinh-học biển. Tuy nhiên, theo cục kiểm lâm, hiện nay vẫn chưa có một khu bảo-tồn biển chính nào được Nhà nước quyết định và hoạt-động theo đúng nghĩa của nó. Đa số các khu bảo-tồn trên vẫn cơ bản dựa trên bảo-tồn rừng là chính.

Theo WWF, hiện nay, một điều đã trở nên cực kỳ khẩn thiết là Việt-Nam phải thiết lập cho được một hệ thống các khu bảo-tồn ven biển và ngập nước. Theo Cục Kiểm lâm, Bộ Nông-nghiệp & Phát-triển nông thôn, trong hệ thống các khu bảo-tồn thiên-nhiên vẫn còn quá ít các khu ngập nước và rừng ngập mặn với tổng diện-tích khoảng 3 vạn hecta. Các khu này vẫn thường xuyên bị đe doạ thu hẹp và giảm chất lượng. Đặc biệt khu bảo-tồn Ngọc Hiên 4,000ha đã bị xoá sổ. Theo Cục Kiểm lâm, cần phải tăng thêm các khu bảo-tồn khác ngay lập tức vì diện-tích vùng biển được quy hoạch trong hai vườn quốc-gia Cát Bà. Côn Đảo và khu bảo-tồn Sơn Trà mới chỉ là 13 ngàn hecta. Một con số quá nhỏ bé so với tiềm-năng biển Việt-Nam cũng như sự cần-thiết phải tạo thành những khu bảo-tồn biển mới. WWF và IUCN đang tiếp tục triển khai các dự án mới nhằm giúp Việt-Nam hình-thành một hệ thống khu bảo-tồn biển thật sự.

Nguyễn Tuân: “Dư luận xã-hội với vấn đề môi trường, Đã đến lúc phải thành lập các khu bảo-tồn biển VN”1-6-1998 .

Hình 202. Loài khỉ xinh xắn này sắp tuyệt-chủng

 

Hình 203. Loài rùa nước ngọt này còn rất ít

 

 

 

Chiến-lược

Hai ñaäp Sôn La vaø Hoaø Bình ôû thöôïng löu Soâng Ñaø laø moät vuøng coù ñoäng ñaát thöôøng xuyeân vaø maïnh nhaát nöôùc ta. Neáu coù chaán ñoäng maïnh seõ gaây vôõ ñaäp daây chuyeàn, daãn tôùi thaûm hoïa khuûng khieáp cho Haø Noäi vaø caùc trung taâm daân cö vuøng ñoàng baèng Soâng Hoàng.

FUJIO YAMAZAKI[239]

Significance of the Destruction of Dikes in North Vietnam The Tonkin Delta is an immense plain, measuring about 150 kilometres from Viet Tri, at the top of the Delta, to the mouth of the Red River and covering over 1,100,000 hectares. It is thirteen metres above sea level at the highest and 0.5 metres at the lowest with almost no slope. It is divided into many dike-encircled fields by tributaries and sub-tributary waters of the Red River. These dike-encircled paddy fields are surrounded by natural dikes made by the overflowing of the rivers and by man-made dikes constructed over many years by the peasants. Generally, the relative humidity is low in these dike-encircled paddy fields. The height of the Red River dikes in the vicinity of Hanoi is thirteen metres while that of lower land in Hanoi city is only 4m

 

 

Hình 204. Hai đập Hòa-Bình (hình trên) và đập Sơn-La nằm trong vùng có cơ-nguy đông đất

 

Hai ñaäp Sôn La vaø Hoaø Bình ôû thöôïng löu Soâng Ñaø laø moät vuøng coù ñoäng ñaát thöôøng xuyeân vaø maïnh nhaát nöôùc ta. Neáu coù chaán ñoäng maïnh seõ gaây vôõ ñaäp daây chuyeàn, daãn tôùi thaûm hoïa khuûng khieáp cho Haø Noäi vaø caùc trung taâm daân cö vuøng ñoàng baèng Soâng Hoàng.

 

 

Phát-triển và Bảo-vệ môi trường

Du-lịch Quảng Ninh.

5/ Bảo-vệ môi trường và các di-tích lịch-sử văn-hóa.

Bảo-vệ môi trờng vịnh Hạ Long trong khi xây-dựng, khai-thác cảng Cái Lân là vấn đề nhạy cảm nhất. Không chỉ Nhà nước-Việt Nam quan tâm mà ngay cả phía Nhật Bản khi ký hiệp định cho vay vốn cũng đã yêu cầu là chỉ khi nào phía Việt Nam có hướng dẫn về bảo-vệ môi trờng vịnh Hạ Long và báo cáo đánh giá tác động về môi trờng được duyệt thì mới được sử-dụng vốn

vay để triển khai dự án.  

Rừng Cúc Phương

Rừng cách Hà Nội hơn 100 km về phía Tây Nam, ở vị-trí giáp ranh-giữa ba tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá và chỉ cách biển 60 km. Rừng có diện-tích 25,000 ha, trong đó 3/4 là núi đá vôi cao từ 300 đến 600 m so với mặt biển.

Khu rừng nguyên sinh này được phát hiện năm 1960 đến năm 1962 được công nhận là rừng quốc-gia. ở đây có hang Đăn Đắn, động Người Xưa, có suối nước nóng 380 C, có cây chò xanh, cây sấu cổ thụ... đều trên, dưới 1,000 năm tuổi, cao từ 50 đến 70 m. Con số thống-kê cho biết Cúc Phương có tới 2,000 loài cây, cỏ khác nhau. Riêng hoa phong lan tới 50 loài, có loài cho hoa và
hương thơm quanh năm.

Cúc Phương có 262 loài động-vật có xương sống, nhiều loài chim, thú quý như: gấu, ngựa, lợn lòi, hổ, báo, chồn, sóc, khỉ v.v.. có khu chăn nuôi nửa tự nhiên với các loài hươu sao, nai, khỉ vàng, vọoc quần đùi, sóc bay, thằn lằn bay v.v..

Cúc Phương còn là quê hương của hàng trăm loài chim lạ và đẹp.

 

Hình 205.Loài khỉ nhỏ này lúc xưa sống khắp nơi trong rừng VN

 

Hình 206.  Những khu-vực bảo-tồn thiên-nhiên và những sinh-vật cần được bảo-vệ.

 

Hình 207. Mặt nước Sông và Ðê cao hơn thành-phố, làng mạc

 

Các Khu Bảo-tồn Biển & Ðảo

 

 Ða dạng sinh-học

Năm 1995, Viện Hải dương học Hải Phòng đã tiến hành khảo sát hệ sinh-thái biển và trên đảo thuộc khu-vực đề xuất xây-dựng khu bảo-tồn biển Ðảo Bạch Long Vĩ . Trong đợt khảo sát này đã phát hiện được 126 loài thực-vật trên đảo và 17 loài thực-vật ngập mặn. Ðối với hệ sinh-vật biển , đã ghi nhận được 95 loài san-hô và 460 loài cá (Nguyễn Huy Yết và Võ Sỹ Tuấn 1995). Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (1999) cho rằng đa-dạng sinh-học biển có giá trị lớn hơn so với khu-vực trên đảo, và chúng được xem là một trong những kiểu “sinh cảnh quan-trọng bặc nhất ở Vịnh

 

Các rạn san-hô bao bọc bờ biển có một chức năng vô cùng quan trọng là bảo vệ miền duyên-hải khỏi bị xói mòn do sóng vỗ. Chức năng này rất quan trọng từ bắc vào nam trung bộ Việt Nam nơi bão thường xuyên xảy ra . Tại huyện Cát Hải, Hải Phòng, làm ví dụ, đã phải tiêu phí hàng trăm nghìn đô la để xây và sửa chữa đê kè bằng đã và bê tông hàng năm ven biển để bảo vệ vùng duyên-hải .

 

 

Các vấn-đề về bảo-tồn

Do nằm xa bờ từ 10 đến 12 giờ đi bằng thuyền nên Ðảo Bạch Long Vĩ được sử-dụng làm cơ sở cho chương trình đánh bắt cá xa bờ. Rất nhiều thuyền đánh cá neo đậu xung quanh đảo. Tài-nguyên biển ở vùng lân cận trở thành đối tượng bị đánh bắt quá mức, không hợp lý. Ví dụ: sản-lượng đánh bắt loài bào ngư Haliotis diversicolor đã bị giảm sút hàng năm . Trách nhiệm kiểm soát các hoạt-động này hiện nay chưa rõ ràng. Quân đội quản lý vùng biển, nhưng họ không có trách nhiệm quản lý và kiểm soát các hoạt-động đánh bắt hải-sản(ADB 1999).

Một trở ngại đối với công tác quản lý trong khu-vực là do cách xa đất liền nên việc tiếp cận khu-vực này bằng thuyền chận và chỉ thực-hiện được khi biển lặng. Ngoài ra, ranh-giới khu bảo-tồn biển rất khó xác định chính xác. Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (1998) khuyến cáo rằng ranh-giới này nên mở rộng nhằm bảo các khu-vực cực kỳ quan-trọng là các bãi san-hô và các bãi cá đẻ xung quanh đảo. Vì lý do này Ngân-hàng Phát-triển Châu Á(1998) đề xuất một ranh-giới mở rộng trên cơ sở đường bình-độ ở độ sâu 40 m so với mặt nuớc biển.

 

Các giá trị khác

Bạch Long Vĩ có nghĩa là “đuôi con rồng trắng”, tên này có nguồn gốc từ một truyền thuyết về nguồn gốc của Vịnh Hạ Long. Ðắt bắt cá là hoạt-động kinh-tế chủ đạo ở vịnh Hạ Long ,và Ðảo Bạch Long Vĩ là nôi cá chủ-yếu đối với nghề cá trong vùng Trứng và ấu trùng cá đạt mật-độ cao trong các đợt gió mùa đối với các loài có gía trị kinh-tế vá ấu trùng của chúng tập trung chủ-yếu ở phía Ðông Nam của đảo.Hơn 50 loài cá có gía trị thương mại phân bố trong khu-vực thể-hiện tính đa-dạng cao các loài cá trong vùng(ADB 1999)

 

Các dự án có liên-quan

Ngân-hàng Phát-triển Châu Á hiện có một chương trình hỗ trợ kỹ-thuật vùng có tên là “Quản lý môi truờng biển vá ven bờ biển Ðông”.Chương trình này được giúp đỡ một phần bởi qũy hỗ trợ kỹ-thuật của Tổ-chức Hợp tác Phát-triển Thuỵ Ðiển. Mục đích của dự án là tăng cường toàn thiện công tác quản lý tái nguyên biển và bờ biển ở Việt Nam, Cămpuchia và Ðảo Hải-Nam thuộc tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc.

Bộ Khoa-học, Công-nghệ và Môi trường là tổ-chức thực-hiện dự án ở Việt Nam. Ðến nay, bản thảo kế-hoạch bảo-tồn biển và bờ biển đã được soạn thảo. Bản thảo này thảo luận về danh sách 30 khu bảo-tồn biển và bờ biển đã được nhà nước xem xét, trong đó 10 khu đề xuất mới. Ðảo Bạch Long Vĩ nằm trong bản kế-hoạch này và là một trong 9 khu bảo rine protected areas on the coast of Vietnam]. Hai Phong :Hai Phong Institute of Oceanography. tồn biển và bờ biển được Ngân-hàng Phát-triển Châu Á kiến nghị mở rộng.

 

Tài-liệu tham khảo

-ADB (1999) Draft coastal and marine protected area plan. Hanoi : Asian Development Bank .

-Hai Phong City FPD (2000) [FPD questionnaire]. Hai Phong: Hai Phong City Forest Protection Department. In Vietnamese.

-Nguyen Chu Hoi, Nguyen Huy Yet and Dang Ngoc Thanh (1998) [ Scientific basis for marine protected areas planning]. Hai Phong : Hai Phong Institute of Oceanography. In Vietnamese.

-Nguyen Huy Yet and Vo Si Tuan (1995)[information on proposed marine    In Vietnamese……..

 

 

 

Khu Bảo-tồn biển Ðảo Cô Tô

Tên khác

Không có

Tỉnh

Quảng Ninh

Tình trạng

Ðề xuất

Ban quan lý được thành-lập

Chưa thành lập

Vĩ-độ

20 56’ – 21 04’ vĩ-độ Bắc

Kinh đô

107 42’ – 107 52’ kinh-độ Ðông

Vùng địa-lý sinh-học

06a - Nhiệt-đới Nam Trung hoa

 

Tình trạng bảo-tồn

Khu đề xuất bảo-tồn biển đảo Cô Tô nằm ở trung-tâm quần đảo Cô Tô , thuộc vùng Biển Ðông, cách bờ biển tỉnh Quảng Ninh khoảng 40 km. Về mặt hành chính quần đảo này thuôc huyện Cô Tô, một huyện đảo nằm xa bờ của tỉnh Quảng Ninh quản lý. Năm 1995, Viện Hải-Dương Hải-Phòng đề nghị thành lập khu bảo-tồn biển Ðảo Cô Tô, diện-tích đề xuất thành lập khu bảo-tồn là 3,850 ha, tuy nhiên đây chỉ mới là phần đất liền (Nguyễn Huy Yết và Võ Sĩ Tuấn 1995). Tiếp theo đó, Ðảo Cô Tô đã được liệt kê trong danh lục đề xuất 16 khu bảo-tồn biển của Bộ KHCN và MT năm 1998. Trong danh lục này diện-tích Ðảo Cô Tô được đề xuất trong khoảng 3,000 – 4,000 ha (Nguyễn Chu Hồi et al.eds. 1998).

Gần đây hơn, trong năm1999, đề xuất thành lập khu bảo-tồn biển Ðảo Cô Tô lại được Ngân-hàng Phát-triển Châu á (ADB 1999) lặp lại trong kế-hoạch xây-dựng hệ thống khu bảo-tồn biển ở Việt Nam . Trong đề xuất của Ngân-hàng Phát-triển Châu á,diện-tích của khu là 7,850 ha, bao gồm diện-tích vùng biển 4,000 ha và vùng đảo nổi là 3,850 ha .

 

Ðịa-hình và thủy văn

Khu đề xuất bảo-tồn biển được bao gồm cả quần đải có đến 25 đảo nhỏ, và ba đảo lớn nhất là Cô Tô Lớn, Thanh Lan và Cô Tô nhỏ. Một vịnh thông với biển nằm ở giữa ba đảo này có diện-tích là 2,500 ha Ðiểm cao nhất trên các đảo đạt 200 m ở đảo Thanh Lan. Các đảo có vùng nước mặn bao quanh, độ sâu không đến 20 m và có diện-tích rộng vào khoảng 21,500 ha. Vùng nước biển ở khu đề xuất bảo-tồn biển Ðảo Cô Tô có nhiều rạn san-hô.

 

Ða dạng sinh-học

Hiện tại các đợt điều-tra vè đa-dạng sinh-học khu bảo-tồn biển Ðảo Cô Tô đã ghi nhận được 151 loài thực vât nổi, 69 loài động-vật nổi, 90 loài tảo biển, 114 loài san-hô, 165 loài động-vật đáy và 191 loài cá biển (Nguyễn Chu Hối et al. eds. 1998 ). Các rạn san-hô trong vùng thuộc loài lớn và già cỗi. ưu-thế bởi các loài Acropora spp. Khu hệ thực-vật trên đất liền thuộc Ðảo Cô Tô tương đối giàu, cho đến nay đã ghi nhận được 248 loài, trong khi khu hệ động-vật vùng đất liền còn ít được nghiên-cứu (ADB 1999).

Các vấn đề bảo-tồn

Các nguồn tài-nguyên biểncủa khu bảo-tồn Ðảo Cô Tô đã bị dân địa-phương là những ngư phủ đến đây từ các vùng khác ở miền Bắc-Việt Nam, Hồng Kông, Ðài Loan và Trung quốc khai-thác. Mọi hoạt-động của họ ở đây đều không được chính quyền địa-phương kiểm soát, kết quả dẫn đến việc đánh bắt thủy-sản mang tính hủy hoại như sử-dụng lưới mắt quá nhỏ và dùng chất xianua một cách phổ biến. Nhiều sản phẩm biển như mực, tôm hùm và tất nhiên là cá biển bị khai-thác một cách quá mức (ADB 1999).

 

Các giá trị khác

Hệ sinh-thái biển khu đề xuất bảo-tồn biển Ðảo Cô Tô có nhiều loại quan-trọng về kinh-tế như các loài mực, bào ngư, ngọc trai và tôm hùm. Ðây cũng là nơi sinh-sản và cung cấp con giống quan-trọng đối với nhiều loại cá (ADB 1999). Khu đề xuấtbảo-tồn biển rất có tiềm-năng về phát-triển sinh-thái.

 

Các dư án có liên-quan

Ngân-hàng phát-triển Châu Á hiện đang trợ giúp về kỹ-thuật cho khu-vực thông qua dự án có tên “Quản-lý môi-trường khu-vực Biển Ðông” được tài trợ giúp một phần bởi cơ quan hợp tác Phát-triển Thụy Ðiển. Dự án nhằm mục đích tăng cường hoàn thiện quản lý các nguồn tài-nguyên biển và ven bờ trong khu-vực. Hiện dự án đang được Bộ KHCN và MT thực-hiện. Trong khuôn khổ của dự án này, bản thảo về hệ thống khu bảo-tồn biển VIệt Nam đang được hoàn thiện, chỉnh lý bao gồm 30 khu bảo-tồn biển và ven bờ biển của cả nước. Ðảo Cô Tô cũng nằm trong kế-hoạch này. 

 

Khu Bảo-tồn Biển Ðảo Trần

Tên khác

Không có

Tỉnh

Quảng Ninh

Tình trạng

Ðề xuất

Ban quản lý được thành lập

Chưa thành lập

Vĩ-độ

21 12’- 21 16’ vĩ-độ Bắc

Kinh đô

107 56’- 108 00’ kinh-độ Ðông

Vùng địa-lý sinh-học

06 a- Nhiệt-đới nam Trung Hoa

 

Tình trạng bảo-tồn

Ðảo Trần đã có trong danh sách của 16 khu bảo-tồn biển được đề xuất do Bộ KHCN và MT soạn thảo. Không rõ diện-tích cụ thể của khu đề xuất này (Nguyễn Chu Hồi et al. eds. 1998). Ðề xuất cũng chưa được Chính phủ Việt Nam phê duyệt (ADB 1999). Ðề xuất thành lập khu bảo-tồn biển Ðảo Trần lại được Ngân-hàng Phát-triển Châu á (ADB 1999) nhắc lại trong kế-hoạch xây-dựng hệ thống khu bảo-tồn biển của Việt Nam .Theo Ngân-hàng Phát-triển Châu á, diện-tích khu bảo-tồn lã 4,200 ha, bao gồm vùng biển 3,900 ha và vùng đất liền trên đảo là 300 ha.

 

Ðịa-hình và thủy văn

Khu bảo-tồn biển Ðảo Trần có trung-tâm là Ðảo Trần, một hòn đảo nhỏ, rộng 300 ha nằm cách bờ biển tỉnh Quảng Ninh khoảng 30 km. Ðiểm cao nhất trên đảo là 188 m và điểm sâu nhất của khu-vực biển nằm xung quanh đảo là 10 m. Ðịa-hình đảo đặc trưng bởi vùng núi ở phía nam và hạ thấp dần về phía bắc. Dải ven bờ của đảo có các bãi cát và vùng bờ biển đầy đá. Có các rạn san-hô nằm trong vùng ngậo nước ngoài khơi của đảo.

 

Ða dạng sinh-học

Lý do chủ-yếu để đề xuất khu bảo-tồn biển Ðảo Trần là nhằm bảo-vệ các hệ sinh-thái san-hô và cỏ biển có xung quanh Ðảo Trần . Có tất cả 41 loài san-hô cứng được ghi nhận trong các rạn san-hô phân bố tạo nên các hình thù san-hô riêng rẽ nằm xung quanh dảo. Khu hệ cỏ biển ưu-thế bởi 2 loài là Halophila ovalis và Cymodocea rotunda.Có rất ít thông tin về đa-dạng sinh-học trên vùng đất liền của Ðảo Trần , trừ khu rừng được biết là có sự đa-dạng về các loài thực-vật (ADB 1999).

 

Các vấn đề vè bảo-tồn

Các mối đe dọa chủ-yếu ở khu bảo-tồn biển đề xuất là việc khai-thác qúa mức các sản phẩm biển, sử-dụng phuơng pháp đánh bắt mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, và việc khai-thác gỗ ở các vùng trên đảo.Khu-vực này hiện chưa được quản lý bảo-vệ.

 

Các giá trị khác

Vùng biển khơi ở Ðảo Trần là khu tạo giống thủy-sản quan-trọng của khu-vực ven bờ biển đông bắc-Việt Nam.

 

Các dự án có liên-quan

Ngân-hàng Phát-triển Châu á hiện đang thực-hiện một dự án trợ giúp kỹ-thuật có tên là “Quản lý môi trường khu-vực biển Ðông” với một phần tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát-triển Thuỵ Ðiển. Dự án nhằm mục đích tăng cường việc quản lý toàn vẹn các nguồn tào nguyên biẻn và ven bờ biển trong khu-vực, hiện dự án đang được Bộ KHCN và MT thực-hiện . Trong khuôn khổ của dự án này,bản thảo về hệ thống khu bảo-tồn biển bao gồm 30 khu bảo-tồn đề xuất biển và ven bờ biển của cả nước đang được hoàn thiện, chỉnh lý. Ðảo Trần cũng nằm trong kế-hoạch này.

 

 

Khu BTTN Ba Mùn

 

Khu bảo-tồn thiên-nhiên Ba Mùn có trong Quyết Ðịnh 41/TTg, ngày 24/1/1977 của Thủ tướng Chính phủ, với diện-tích 2,000 ha và có tên là Ðảo Ba Mùn (Bộ Nông-nghiệp & PTNT 1997).Năm 1998, Bộ Nông-nghiệp & PTNT đề nghị xây-dựng dự án đầu tư cho Ba Mùn theo Quyết định số 1784/ KH – QS, ngày 12/6/1998, và đến tháng 11 cùng năm, một dự án đầu tư thành lập khu bảo-tồn thiên-nhiên Ba Mùn đã được Viện Ðiều tra Quy hoạch Rừng xây-dựng (Anon. 1998). Dự án đầu tư trên đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Bộ Nông-nghiệp & PTNT phe duyệt. Tháng 9/1999 Khu bảo-tồn thiên-nhiên Ba Mùn chính thức được thành lập.Theo dự án đầu tư, khu bảo-tồn thiên-nhiên được xác định bao gồm toàn bộ đảo Ba Mùn ở vị-trí thủy triều thấp nhất, với diện-tích 2,153 ha ( Anon. 1988).Khu bảo-tồn thiên-nhiên Ba Mùn có trong danh sách đề xuất các khu rừng đặc dụng Việt Nam đến năm 2010 (Cục Kiểm Lâm 1998).

Trên cơ sở giá trị của đa-dạng sinh-học và giá trị tiềm-năng về kinh-tế, đặc biệt là du-lịch sinh-thái của đảo Ba Mùn,Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị chuyển hạng Khu bảo-tồn thiên-nhiên Ba Mùn thành vườn Quốc-gia trên biển. Dự án đầ tư Vườn quốc-gia trên biển lấy tên là Bái Tử Long đã được Viện Ðiều tra Quy hoạch Rừng xây-dựng vào tháng 10/1999 và đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Nếu dự án đầu tư được Bộ Nông-nghiệp & PTNT thông qua thì Vườn Quốc-gia biển Bái Tử Long sẽ được thành lập với diện-tích13,000 ha, bao gồm toàn bộ đảo Ba Mùn, các hòn đảo xung quanh và một phần lớn diện-tích mặt biển. Trong khi chuẩn bị thành lập Vườn quốc-gia biển, nhiều cuộc khảo sát đã được tiến hành trong khu-vực vào tháng 5 và tháng 6 năm 2000 (Việt Nam News 2000).

 

Ðịa-hình và thủy văn

Khu bảo-tồn thiên-nhiên Ba Mùn nằm trên đảo Ba Mùn thuộc quần đảo Vân-Hải trong vịnh Bái Tử Long.Khu bảo-tồn nằm trong địa-phận của xã Minh Châu, huyện Vân Ðồn tỉnh Quảng Ninh. Ðảo Ba Mùn nằm cách thị trấn Cái Rồng ( huyện lỵ Vân Ðồn ) 20 km và cách điểm đất liền gần nhất là 30 km. Ðảo Ba Mùn là một dải đất hẹp chạy theo hướng Bắc Nam với chiều dài 18 km, còn chiều rộng trung-bình là 1 km. Ðỉnh cao nhất trên đảo là Cái Quýt 307 m so với mực nước biển. Các con suối bắt nguồn từ đường dông trung-tâm của đảo chảy về phía Ðông hoặc phía Tây. Hầu hết các suối này chỉ có nước theo mùa. Một đặc điểm nổi bật về địa chất là trong khi hầu hết các đảo trong quần đảo Vân-Hải là núi đá vôi thì đảo Ba Mùn có thành phần đá mẹ là Phiến thạch, đá Cát kết.

 

Ða dạng sinh-học

Khu Bảo-tồn Thiên-nhiên Ba Mùn có 2,000 ha rừng nhiệt-đới thường xanh đất thấp, tuy nhiên hầu hết rừng đã bị tác động bởi khai-thác chọn các loài cây gỗ, chỉ còn lại rất ít diện-tích rừng chưa bị tác động. Thành phần loài cây gỗ đa-dạng, không có họ thực-vật ưu-thế. Các loài cây gỗ phổ biến thuộc các họ : Vang Caesalpiniaceae.Chè Theaceae, Dầu Dipterocarpaceae, Trâm Myrtaceae. Sến Sapotaceae. Khu bảo-tồn còn có 175 ha rừng ngập mặn phân bố dọc bờ biển phía Tây của đảo. Loài ưu-thế trong rừng ngập mặn thường là Tra aegiceras corniculata, và một số loài khác như Vẹt Bruguiera gymnorhiza, Trang Kandelia candel và Ðước Rhizophora stylosa. Ngoài ra, trong khu-vực còn có một diện-tích nhỏ trảng cỏ hình thành từ đất nông-nghiệp bỏ hoang với ưu-thế thuộc về loài Cỏ tranh Imperata cylindrica, Lau Erianthus arundinacea và Lách Saccharum spontaneum.

Thực-vật rừng trên đảo Ba Mùn có thành phần loài phong-phú, đến nay đã ghi nhận được 398 loài thực-vật bậc cao có mạch thuộc 109 họ. Trong số đó có 4 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam là Kim giao Decussocarpus fleuryi, Giác đế trung hoa Goniothalamus chinensis, Ba kích Morinda officinalis và Thổ phục linh Smilax glabra; 3 loài được ghi trong Danh lục các loài thực-vật bị đe doạ của IUCN là Kim giao Decussocarpus fleuryi, Sao hồng gai Hopea chinensis và Lá nón Licuala tonkinensis.

Mặc dù đảo Ba Mùn bị cô lập với đất liền, nhưng hệ động-vật có xương sống vẫn rất đa-dạng.Trước năm 1975, đảo Ba Mùn được biết đến là một hòn đảo có hệ động-vật đa-dạng và phong-phú nhất ở tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, sau vài thập kỷ, việc săn bắt và khai-thác gỗ trái phép đã làm cho hệ động-vật Ba Mùn suy giảm nghiêm trọng (Anon. 1998). Theo tài-liệu của dự án đầu tư (Anon. 1998), loài Lợn rừng Sus scorofa và Mang Muntiacus muntjak vẫn còn xuất hiện trên đảo, nhưng không thấy xuất hiện các loài thú lớn như Gấu ngựa Ursus thibetanus.

Hình 208. Sến Sapotaceae

 

Hình 209. Lợn rừng Sus scorofa

 

Các vấn đề về bảo-tồn

Nhìn chung mức độ tác động của con người tới tài-nguyên thiên-nhiên ỏ Ba Mùn hiện tại thấp. Hiện nay không có dân-cư sống trong khu bảo-tồn và mật-độ dân số bình quân ở ba xã vùng đệm (Minh Châu, Quan Lạn và Bản Sen ) là 41 người /km2, mật-độ dân số này thấp so với mật-độ dân số toàn quốc là 232 người /km2. Khu bảo-tồn thiên-nhiên nằm xa các trung-tâm dân-cư, hơn nữa theo người dân đây là hòn đảo thiêng nên ít bị tác động so với các đảo lân cận.

Mối đe dọa lớn nhất đối với đa-dạng sinh-học ở Ba Mùn hiện nay là săn bắn và khai-thác gỗ. Các loại gỗ được khai-thác sử-dụng trong xây-dựng nhà cửa, sản-xuất gỗ trụ mỏ cho các mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh. Các loài gỗ bị khai-thác phổ biến là Lim xanh Erythrophleum fordìi, Tàu lá nhỏ Vatica odorata, Sao hồng gai Hopea chinensis, Gội nếp Aglaia gigantea và Sến Madhuca sp.. Do săn bắt qúa mức nên các loài thú lớn đã bị suy giảm nghiêm trọng trong 10 năm gần đây, một số loài có thể đã bị tiêu diệt trong khu bảo-tồn. Mặc dù các hoạt-động kiểm soát việc săn bắn trái phép đã được tăng cường trong những năm gần đây, nhưng dường như vẫn chưa kiểm soát được tình trạng trên. Kiểm soát chặt chẽ khai-thác gỗ và buôn bán động-vật hoang dã, đồng thời tiến hành các hoạt-động nâng cao nhận thức về bảo-tồn thiên-nhiên có thể làm giảm phần nào các mối đe dọa trên (Anon.1998)

 

Các giá trị khác

Là hòn đảo cuối cùng ở Vịnh Bái Tử Long còn rừng tự nhiên nên đảo Ba Mùn có tiềm-năng lớn về phát-triển du-lịch. Việc quản lý có hiệu-quả đa-dạng sinh-học ở Ba Mùn có thể đem lại lợi ích trực-tiếp trong công tác bảo-tồn và phát-triển kinh-tế trong khu-vực (Anon. 1998).

 

Khu Bao Ton Bien Ðảo Bạch Long Vi

 

Tình trạng bảo-tồn

Ðảo Bạch Long Vĩ nằm trong vịnh Bắc-Việt, cách đảo Cát Bà khoảng 95 km và cách thành-phố Hải-Phòng khoảng 13km về phía Ðông Nam. Nằm trên địa-phận hành chính của huyện biển, thành-phố Hải-Phòng. Ðảo Bạch Long Vĩ chưa được xếp trong danh sách rừng đặc dụng theo các Quyết định của chính phủ .Năm 1995, Viện Hải-dương-học Hải-Phòng đề xuất khu-vực này là bảo-tồn biển .Theo đề xuất trên thì tổng diện-tích của khu bảo-tồn biển là 550 ha, trong đó diện-tích đảo nổi là 250 ha và diện-tích mặt biển là 300 ha (Nguyễn Huy Yết và Võ Sỹ Tuấn 1995). Năm 1998, Bộ Khoa-học, Công-nghệ và Môi trường tiếp tục đề xuất thành lập khu bảo-tồn biển Ðảo Bạch Long Vĩ (Nguyễn Chu Hồi và cộng sự 1998).

Sau đó, Ngân-hàng Phát-triển Châu á (ADB 1999) đã đề xuất khu bảo-tồn biển Ðảo Bạch Long Vĩ với diện-tích là 90,00 ha, trong đó diện-tích đảo nổi là 250 ha và diện-tích mặt biển là 89,750 ha.

 

Ðịa-hình và thủy văn

Trong khu-vực không có các đảo đáng kể khác nằm trong phạm-vi bán kính 75 km của đảo Bạch Long Vĩ. Bởi vậy, diện-tích đảo nổi khu bảo-tồn biển đề xuất chỉ có Ðảo Bạch Long Vĩ. Vùng biển được đề xuất trong khu bảo-tồn bao gồm các vùng nước nông xung quanh Ðảo Bạch Long Vĩ. Ðộ sâu trung-bình của mực nước là 30 m, với địa-hình đáy biển tương đối dạng, kể cả các bãi ngập triều. Vùng đất ngập triều xung quanh Ðảo Bạch Long Vĩ có diện-tích khá lớn với mức thủy triều từ 0,16 m đến 3,76 m. Ðiểm cao nhất của đảo là 62 m so với mực nước biển.

 

Ða dạng sinh-học

Năm 1995, Viện Hải-dương-học Hải-Phòng đã tiến hành khảo sát hệ sinh-thái biển và trên đảo thuộc khu-vực đề xuất xây-dựng khu bảo-tồn biển Ðảo Bạch Long Vĩ . Trong đợt khảo sát này đã phát hiện được 126 loài thực-vật trên đảo và 17 loài thực-vật ngập mặn. Ðối với hệ sinh-vật biển , đã ghi nhận được 95 loài san-hô và 460 loài cá (Nguyễn Huy Yết và Võ Sỹ Tuấn 1995). Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (1999) cho rằng đa-dạng sinh-học biển có giá trị lớn hơn so với khu-vực trên đảo, và chúng được xem là một trong những kiểu “sinh cảnh quan-trọng bặc nhất ở Vịnh

 

Các vấn-đề về bảo-tồn

Do nằm xa bờ từ 10 đến 12 giờ đi bằng thuyền nên Ðảo Bạch Long Vĩ được sử-dụng làm cơ sở cho chương trình đánh bắt cá xa bờ. Rất nhiều thuyền đánh cá neo đậu xung quanh đảo. Tài-nguyên biển ở vùng lân cận trở thành đối tượng bị đánh bắt quá mức, không hợp lý. Ví dụ: sản-lượng đánh bắt loài bào ngư Haliotis diversicolor đã bị giảm sút hàng năm . Trách nhiệm kiểm soát các hoạt-động này hiện nay chưa rõ ràng. Quân đội quản lý vùng biển, nhưng họ không có trách nhiệm quản lý và kiểm soát các hoạt-động đánh bắt hải-sản(ADB 1999).

Một trở ngại đối với công tác quản lý trong khu-vực là do cách xa đất liền nên việc tiếp cận khu-vực này bằng thuyền chận và chỉ thực-hiện được khi biển lặng. Ngoài ra, ranh-giới khu bảo-tồn biển rất khó xác định chính xác. Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (1998) khuyến cáo rằng ranh-giới này nên mở rộng nhằm bảo các khu-vực cực kỳ quan-trọng là các bãi san-hô và các bãi cá đẻ xung đảo. Vì lý do này Ngân-hàng Phát-triển Châu Á(1998) đề xuất một ranh-giới mở rộng trên cơ sở đường bình-độ ở độ sâu 40 m so với mặt nuớc biển.

 

Các giá trị khác

Bạch Long Vĩ có nghĩa là “đuôi con rồng trắng”, tên này có nguồn gốc từ một truyền thuyết về nguồn gốc của Vịnh Hạ Long. Ðắt bắt cá là hoạt-động kinh-tế chủ đạo ở vịnh Hạ Long ,và Ðảo Bạch Long Vĩ là nôi cá chủ-yếu đối với nghề cá trong vùng Trứng và ấu trùng cá đạt mật-độ cao trong các đợt gió mùa đối với các loài có gía trị kinh-tế vá ấu trùng của chúng tập trung chủ-yếu ở phía Ðông Nam của đảo.Hơn 50 loài cá có gía trị thương mại phân bố trong khu-vực thể-hiện tính đa-dạng cao các loài cá trong vùng(ADB 1999)

 

Các dự án có liên-quan

Ngân-hàng Phát-triển Châu Á hiện có một chương trình hỗ trợ kỹ-thuật vùng có tên là “Quản lý môi truờng biển vá ven bờ biển Ðông”.Chương trình này được giúp đỡ một phần bởi qũy hỗ trợ kỹ-thuật của Tổ-chức Hợp tác Phát-triển Thuỵ Ðiển. Mục đích của dự án là tăng cường toàn thiện công tác quản lý tái nguyên biển và bờ biển ở Việt Nam, Cămpuchia và Ðảo Hải-Nam thuộc tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc.

Bộ Khoa-học, Công-nghệ và Môi trường là tổ-chức thực-hiện dự án ở Việt Nam. Ðến nay, bản thảo kế-hoạch bảo-tồn biển và bờ biển đã được soạn thảo. Bản thảo này thảo luận về danh sách 30 khu bảo-tồn biển và bờ biển đã được nhà nước xem xét, trong đó 10 khu đề xuất mới. Ðảo Bạch Long Vĩ nằm trong bản kế-hoạch này và là một trong 9 khu bảo rine protected areas on the coast of Vietnam]. Hai Phong :Hai Phong Institute of Oceanography. tồn biển và bờ biển được Ngân-hàng Phát-triển Châu Á kiến nghị mở rộng.

 

Không co chim Các đảo là những nơi ẩn-trú của các loài chim biển, nhất là chim hải-âu. Chim bay ra biển kiếm ăn rồi trở về đảo, chúng đẻ ngay trên đất, không cần làm tổ.

 

Tài-liệu tham khảo

-ADB (1999) Draft coastal and marine protected area plan. Hanoi : Asian Development Bank .

-Hai Phong City FPD (2000) [FPD questionnaire]. Hai Phong: Hai Phong City Forest Protection Department. In Vietnamese.

-Nguyen Chu Hoi, Nguyen Huy Yet and Dang Ngoc Thanh (1998) [ Scientific basis for marine protected areas planning]. Hai Phong : Hai Phong Institute of Oceanography. In Vietnamese.

-Nguyen Huy Yet and Vo Si Tuan (1995)[information on proposed marine    In Vietnamese……..

 

 

Khu VH-LS Các đảo Vịnh Hạ Long

Tên khác

Không có

Tỉnh

Quảng Ninh

Tình trạng

Nghị định

Ban quản lý được thành lập

Chưa rõ

Vĩ-độ

20 47’-21 00’ vĩ-độ Bắc

Kinh đô

01’ -107 19’ kinh-độ Ðông

Vùng địa-lý sinh-học

06a-Nhiệt-đới nam Trung Hoa

 

Tình trạng bảo-tồn

Các đảo Vịnh Hạ Long được qui hoạch là khu bảo-tồn các di-tích văn-hóa - lịch-sử và cảnh quan quốc-gia theo Quyết định Số 313/VH-VP của bộ văn-hóa Thông tin, ngày 28/4/1962 (ADB 1999).Các đảo Vịnh Hạ Long cũng có trong danh sách các khu rừng đặc dụng theo Quyết định Số 194/CT,ngày 9/8/1986 của Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính Phủ). Hiện nay,dự án đầu tư cho khu văn-hóa lịch-sử này vẫn chưa được xây-dựng.

Năm 1993,Chính phủ Việt Nam đã đề cử đưa vịnh Hạ Long vào danh sách khu di sản thiên-nhiên thế-giới (World Heritage Site ),và đến năm 1994, đã được Uỷ ban UNESCO công nhận. Toàn khu-vực này có dìện tích 43,400 ha,bao gồm 700 hòn đảo (ADB1999).

Năm 1995,Vịnh Hạ Long,cùng với đảo Cát Bà, được Phân viện Hải-Dưong-Học Hải-Phòng đề nghị đưa vào danh sách hệ thống các khu bảo-tồn biển (Nguyễn Huy Yết và Võ Sĩ Tuấn 1995).

Năm1999,Ngân-hàng Phát-triển Châu Á (ADB1999) đề xuất thành lập một khu bảo-vệ có tên là Khu cảnh quan thiên-nhiên Vịnh Hạ Long rộng 155,399 ha.

Cũng theo Ngân-hàng Phát-triển Châu Á(ADP 1999),khu-vực này do UBND tỉnh Quảng Ninh quản lý thông qua ban quản lý vịnh Hạ Long.Tuy nhiên,vẫn chưa rõ là ban quản lý đó có trách nhiệm đối với khu rừng đặc dụng hay khu di sản thế-giới này.Các đảo vịnh Hạ Long không có trong danh sách các khu rừng đặc dụng của Việt Nam năm đến năm 2010(Cục Kiểm Lâm 1998)

 

Ðịa-hình và thủy văn

Tổng số có 1,969 các hòn đảo lớn nhỏ nằm trong vùng vịnh Hạ Long (ADB 1999).Về mặt địa chất,quần đảo này mang đặc thù là các vỉa đá vôi, được hình thành chủ-yếu từ hai dạng chính là: fengcong và fenglin karst (Waltham 1998). Hàng loạt các đảo lớn hơn đạt tới độ cao trên 200 m. Mực nước trong vùng vịnh khá cạn , độ sâu chỉ đạt từ 6 đến 10 m.Các hòn đảo đều không lưu giữ nước bề mặt.

 

Ða dạng sinh-học

Công tác nghiên-cứu đa-dạng sinh-học vùng vịnh Hạ Long chỉ ở mức rất hạn chế, do vậy mà các thông tin về gía trị da dạng sinh-học của vùng cũng còn ít. Các đảo trong vùng vịnh có rừng trên núi đá vôi, mặc dầu độ che phủ thường thưa và còn lại ở mức thấp do hậu qủa tác động của con người và độ dốc của địa-hình. Các đảo có khu hệ thực-vật đa-dạng,chứa đựng nhiều loài đặc hữu.Cụ thể là trong đợt điều-tra hệ thực-vật mới đây của Viện Sinh-thái và Tài-nguyên Sinh-vật và tổ-chức IUCN, đã phát hiện được 7 loài mới cho khoa-học, đó là: : Livistona halongensis,Impatiens halongensis,Chirita halongensis, C. hiepìi, C.modesta, Paraboea halongensis và Alpinia calcicola (Vietnam News 2000a).

CCác đảo vịnh Hạ Long có các loài động-vật thân mềm rất đa-dạng, có tới 60 loài đặc hữu thuộc khu-vực này. Ðặc biệt đáng chú ý là các loài cư trú trong các hốc đá tại đây có tính đa-dạng rất cao (Vermeulen và Whittten 1998).

 

Các vấn đề về bảo-tồn

Hạ Long, Hải-Phòng và Hà Nội là các thành-phố trung-tâm quan-trọng của sự phát-triển kinh-tế ở miền Bắc-Việt Nam. Sự phát-triển kinh-tế của các khu đô thị này cùng với sự vươn lên nhanh chóng của các khu-vực phía Nam Trung Quốc,kể cả Hồng Kông đều dẫn đến sự gia tăng về sức ép của con người tới Vịnh Hạ Long.Khu-vực ven biển tỉnh Quảng Ninh và thành-phố Hải-Phòng hiện đang có mức tăng trưởng rất nhanh về sự phát-triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về mặt giao-thông, tàu biển, khai-thác than và các ngành du-lịch,dịch vụ.

Ngân-hàng Phát-triển Châu Á(ADB1999)cho rằng xây-dựng một cảng mới ở vùng vịnh Hạ Long có thể dẫn đến sự gia tăng về giao-thông đường biển trong vùng,và phát-triển cơ sở hạ tầng của du-lịch sẽ là các mối đe dọa đối với vùng.Chất thải công-nghiệp, và đánh bắt thủy-sản cũng mang lại các đe dọa. Waltham(1998) lưu ý rằng cần tiếp tục xem xét một cách thận trọng về sự phát-triển trong vùng vịnh thông qua cơ cấu quản lý vì các gía trị quan-trọng về mặt môi trường cho vùng.

 

Các gía trị khác

Vịnh Hạ Long là một trong các địa điểm du-lịch ở Việt Nam đã vá đang thu hút số lượng lớn khách du-lịch trong và nước ngoài.Trong năm 1998 đã có 186,328 khách du-lịch trong nước và 113,869 khách nước ngoài tới thăm vịnh Hạ Long (ADB 1999). Sự thu hút khách chủ-yếu là cảnh quan ngoạn mục của các đảo nhấp nhô trong vịnh.Tên Hạ Long có nghĩa là rồng hạ cánh, và theo truyền thuyết của nhân dân địa-phương thì các đảo này được hình thành bởi Rồng cái xuất hiện từ trên trời và các con của nang ….(Dođd và Lewis 1997).Thực tế vịnh Hạ Long được công nhận là một kỳ quan thế-giới đã tăng thêm sự hấp dẫn của vùng đối với du khách.

 

Các dự án có liên-quan

Chính phủ Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã triển khai nghiên-cứu toàn diện về ô nhiễm môi trường tại vùng di sản thế-giới và khu-vực ven biển kế cận thàng phố Hạ Long.Các nghiên-cứu này được tiến hành trong tháng 10 năm 1999 bằng việc điều-tra khu-vực có các nguồn gây ô nhiễm và các chất ô nhiễm điển hình .

.Trong năm 2000, Ðại sứ quán Vương quốc Hà Lan đã tài trợ kinh phí cho việc biên soạn cuốn sách hướng dẫn tìm các loài cây trên quần đảo vịnh Hạ Long, cuốn sách đã được Tổ-chức IUCN hợp tác với ban quản lý vịnh Hạ Long xuất bản.Mục đích của dự án là nâng cao nhận thức của du khách trong nước và quốc tế đối với các loài cây lý thú đã tìm thấy trong vùng (Viêtnam News 2000a).

Liên Minh Châu âu tài trợ dự án có tên “Xây-dựng năng lực về quản lý môi trường ở Việt Nam”,hiện Trường Ðại học Frêe University ở Brusel của Bỉ, Viện Ðịa lý và Ðại học Khoa-học Tự nhiên ,Việt Nam đang xây-dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa-lý (GIS) cho tỉnh Quảng Ninh, bao gồm cả khu-vực vịnh Hạ Long.

Dự án của Ngân-hàng Thế-giới nhằm vào sự phát-triển toàn diện tỉnh Quảng Ninh và Hải-Phòng đang ở giai-đoạn xây-dựng dự án cho giai-đoạn đầu vào năm 1999 (ADB 1999).

 

Khu Van hoa va Lich su Cac dao Vinh Ha Long

 

 

KHU VH – LS ÐỒ SƠN

 

Tên khác

Không có

Tỉnh

Hải-Phòng

Tình trạng

Quyết định

Ban quản lý được thành lập

Chưa có

Vĩ-độ

20 40’ – 20 45’ vĩ-độ Bắc

Kinh đô

106 46’ – 106 49’ kinh-độ Ðông

Vùng địa-lý sinh-học

06 a - Nhiệt-đới Nam Trung Hoa

 

Tình trạng bảo-tồn

 

Ðồ Sơn là bãi biển nổi tiếng của Việt Nam. Khu nghỉ mát này bắt đầu phát-triển từ thế kỷ 19 dưới thời Pháp thuộc. Ðồ Sơn không có trong danh sách các khu rừng đặc dụng Việt Nam theo Quyết định Số 194/CT, ngày 9/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Bộ Nông-nghiệp & PTNT 1997 ). Năm 1997, dự án đầu tư cho khu Văn-hóa Lịch-sử Ðồ Sơn đã được xây-dựng, với diện-tích là 238 ha, và đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hải-Phòng phê duyệt ( Cục Kiểm lâm 1998 )

Sau khi xem xét lại toàn bộ hệ thống các khu Rừng đặc dụng của Việt Nam, Chương trình BirdLife Quốc tế tại Việt Nam và Viện Ðiều tra Quy hoạch Rừng đề nghị chuyển trách nhiệm quản lý Khu văn-hóa, lịch-sử Ðồ Sơn từ Bộ NN & PTNT cho Bộ Văn hóa và Thông tin, như vậy khu này sẽ không nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Quốc-gia ( Wege et al. 1999 ).Khu Văn-hoá Lịch-sử Ðồ Sơn không nằm trong danh sách các khu Rừng đặc dụng đến năm 2010 ( Cục Kiểm lâm 1998 ).

 

Ðịa-hình và thủy văn

Khu văn-hóa và lịch-sử Ðồ Sơn thuộc huyện Ðồ Sơn, trên bán đảo kéo dài về phía Ðông Nam tới Vịnh Bắc Phần.Bán đảo này có chiều 4 km và kết thúc là một dãy các đảo nhỏ. Ðường bờ biển phía nam và đầu mút của bán đảo là một mũi đá, trong khi đó bờ biển phía bắc chủ-yếu là các bãi cát. Có 9 ngọn núi trên bán đảo rất nổi tiếng có tên là Cửu Long Sơn ( núi 9 rồng ).

 

Ða dạng sinh-học

Hầu hết bán đảo Ðồ Sơn đuợc che phủ bởi rừng thông ( Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996 ). Trong hai lần khảo sát nhanh khu-vực nằm trong chương trình khảo sát vùng bờ biển lưu vực sông Hồng, Pedersen A. và Nguyễn Huy Thắng ( 1996 ) khẳng định khu-vực không có một loài chim bị đe dọa toàn-cầu, nhưng có thể đây là điểm dừng chân trung gian quan-trọng đối với các loài chim di cư. Ðến nay chưa có tài-liệu nào nói về hệ đông-vật và hệ thực-vật trong khu-vực.

 

Các vấn đề bảo-tồn

Chưa có thông tin

 

Các giá trị khác

 Từ lâu Ðồ Sơn đã là một trong những địa điểm được khách du-lịch trong nước yêu thích ở Việt Nam. Khách du-lịch có thể dễ dàng đến Ðồ Sơn từ thủ đô Hà Nội và thành-phố Haỉ Phòng. Các dịch vụ du-lịch rất phát-triển dọc theo chiều dài của bán đảo với các sàn nhảy, nhà hàng, khách sạn và sòng bạc ( Pedersen và Nguyễn Hưy Thắng 1996 ).

 

Các dự án có liên-quan

Chưa có thông tin.

Tài-liệu tham khảo

 

Vườn Quốc-gia Cát Bà

Tên khác

Không có

Tỉnh

Hải-Phòng

Tình trạng

Nghị định

Ban quản lý được thành lập

Vĩ-độ

20 44’ – 20 51’ vĩ-độ Bắc

Kinh đô

106 58’ – 107 10’ kinh-độ Ðông

Vùng địa-lý sinh-học

06a-Nhiệt-đới nam Trung Hoa

 

 

Tình trạng bảo-tồn

Vuờn Quốc-gia Cát Bà nằm ở đảo Cát Bà là một hòn đảo lớn ngoài khơi thành-phố Hải-Phòng.Việc thành lập Vườn Quốc-gia Cát Bà được thực-hiện theo các qui định trong quyết định số 79/CT, ngày 31/03/1986. của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Bộ NN và PTNT 1997). Diện-tích được đưa ra trong quyết định này là 15,200 ha, bao gồm 9,800 ha của đảo Cát Bà và một số hòn đảo nhỏ và 5,400 ha diện-tích vùng biển xung quanh. Do đó,Vườn Quốc-gia Cát Bà là khu bảo-vệ đầu tiên của Việt Nam có phân khu bảo-tồn biển.

Dự án đầu tư Vườn Quốc-gia Cát Bà đã được phê chuẩn ngày 01/08/1991 the quyết định Số 271/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Một Ban quản lý đã được thành lập với nhiệm-vụ quản lý 9,800 ha diện-tích trên đảo của vườn quốc-gia, trong khi đó 5,400 ha phân khu bảo-tồn biển vẫn chịu sự quản lý của Hạt Quản lý nguồn-lợi thủy-sản huện Cát-Hải (ADB 1999). Tình trạng của phaần bảo toồn biển trong tương-lai không rõ ràng, khoông roõ noó sẽ thuộc sự quản lý cuủa Ban Quản lyý Vườn Quốc-gia hay sẽ là một khu bảo-tồn bieển độc lập (xem phiếu thoông tin Ðaảo Caát Baà)

 

Ðịa-hình và thủy văn

Vườn Quốc-gia Cát Bà thuộc địa-phận huyện Cát Haỉ, thành-phố Hải-Phòng. Trung-tâm của vườn Quốc-gia là đảo Cát Bà rộng 28500 ha nằm cách thành-phố Hải-Phòng 30 km về phía Ðông và sát ngay phía Tây của vịnh Hạ Long. Vườn Quốc-gia cũng bao gồm một số hòn đảo nhỏ và các vùng biển ở phía Ðông đảo Cát Bà.

Giống như vịnh Hạ Long, cảnh quan chủ-yếu ở Vườn Quốc-gia Cát Bà là các vùng đá vôi trồi lên trên mặt biển. Ðịa-hình gồ ghề lởm chởm và với những mỏm đá nổi cộm lên.Vườn Quốc-gia nằm trong khoảng độ cao từ mặt biển đến 331 m ở đỉnh núi Cao Vọng.

 Ðịa-hình đảo Cát Bà có kiểu cảnh quan vùng cát-tơ già điển hình, sự tiêu thoát nước ở đây rất phức tạp do hệ thống dẫn ngầm đảm bảo phần lớn việc tiêu thoát nước ngay trong vườn Quốc-gia. Trung-tâm của đảo Cát Bà nằm cách bờ biển khoảng 5 km và do đó các khe suối tiêu thoát nước bề mặt không phát-triển và chỉ theo mùa.

 

Ða dạng sinh-học

Vườn Quốc-gia Cát Bà có mức độ đa-dạng rất cao về hệ sinh-thái bao gồm rừng ở chân núi, rừng trên núi đá vôi, các hồ nước ngọt nhỏ, rừng trong đầm nước ngọt, rừng ngập mặn, bãi cát và các rạn san-hô Kiểu thảm thực-vật tự nhiên chính trên đảo Cát Bà là rừng trên núi đá vôi. Tuy nhiên, rừng ở đây đang bị tác động ở mức độ cao, nhiều vùng rộng lớn ở đây đã bị thay thế bởi thảm cây bụi trên núi đá vôi hay các mỏm đá trọc. Ngoài ra, có một số diện-tích rừng ngập mặn dọc theo bờ của đảo Cát Bà, tuy nhiên, hầu hết chúng nằm bên ngoài vườn Quốc-gia và phần lớn ở trong vùng các ao nuôi trồng thủy-sản. Ðến nay, đã có 839 loài thực-vật bậc cao có mạch được ghi nhận trong vườn Quốc-gia, trong đó có 25 loài có tên trong Sách Ðỏ Việt Nam (Anon 1997)

Do sự cách ly tự nhiên của đảo với đất liền và mức độ săn bắn cao, nên sự đa-dạng và phong-phú của các loài thú ở Cát Bà thấp so với các vườn quốc-gia khác ở Việt Nam.Theo Nadler và Hà Thăng Long (2000) thì chỉ có một số ít loài thú lớn hiện còn có trên đảo là Sơn dương Naemorhedus sumatraensis,Lợn rừng Sus scrofa và Hoẵng (mang) Muntiacus muntjak nhưng cũng chỉ có sơn dương là còn tương đối phổ biến. Ðáng chú ý nhất về mặt bảo-tồn đó là vườn Quốc-gia Cát Bà hiện là nơi cư trú của một quần thể phân loài Voọc đầu trắng Semnopithecus francoisi poliocephalus duy nhất trên thế-giới.Kết qủa điều-tra chi tiết về loài linh trưởng đặc hh hữu này trong các năm 1999 và 2000 chỉ ra rằng quần thể Voọc đầu trắng ở đây chỉ còn khoảng từ 104 đến 135 cá thể, trong đó có từ 50 đến 75 con trưởng thành (Nadler và Hà Thăng Long 2000).

 

Hình 210. Hoẵng (mang) Muntiacus muntjak

 

Hình 211. Hoẵng

 

Các sinh cảnh núi đá vôi ở Vườn Quốc-gia Cát Bà rất quan-trọng đối với hàng loạt các taxon động-vật không xương sống.Theo một điều-tra năm 1998 đã chỉ ra rằng do có rất nhiều hốc ẩm thích hợp trong các vùng rừng trên đá vôi,nên vườn quốc-gia có một khu hệ ốc sên rất phong-phú và đa-dạng(Vermulen và Whitten 1998)

 

Các vấn đề bảo-tồn

Trước năm 1979, dân số trên đảo Cát Bà tương đối thấp.Tuy nhiên, sau thời gian đó,một số lượng lớn dân đã di cư từ đất liền đến định cư trên đảo.Năm 1999, tổng dân số của đảo Cát Bà

Là 10,673 người.Trong đó có 70% dân số sống tại thị trấn Cát Bà,hầu hết số dân này sống bằng nghề đánh bắt thủy-sản, buôn bán và dịch vụ.Dân-cư sống ở các thôn xóm triong hoặc gần vườn quốc-gia chủ-yếu là nông dân,hoọ khai thaác lâm sản raất maạnh.Những loại lâm sản bị khai thaác nhieều nhaất là gỗ,củi đoốt,mật ong,maăng, các loại cuủ ăn được, ếch nhaái và tắc kè (Nadler và Hà Thăng Long 2000 ).

Ðến năm 1989,vẫn còn một lâm trường khai-thác gỗ trên đảo Cát Bà, điều đó đã dẫn đến mất hầu hết thảm rừng ở các thung lũng và phần phía Tây Nam của đảo. Ðến nay,việc khai-thác gỗ thương mại không còn nữa do số cây gỗ lớn còn lại không nhiều, tuy nhiên , khai-thác ở qui mô nhỏ vẫn diễn ra phục vụ cho nhu-cầu sử-dụng tại chỗ. Thu mật ong thường diễn ra vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 một và trong tháng 5. Những nhóm người đi thu mật ở liên-tục 1đến 2 tuần trong rừng,trong thời gian đó họ cuũng săn bắn chim thú để bổ sung cho khẩu phần ăn.Ngoài ra,cách thu mật ong của người dân ở đây cũng thuờng gây ra cháy rừng(Nadler và Hà Thăng Long 2000).

Nadler và Hà Thăng Long (2000) cho rằng săn bắn là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với các quần thể động-vật ở đảo Cát Bà, và đặc biệt là với quần thể Voọc đầu trắng đặc hữu. Trong khoảng từ 1970-1986, ước tính có 500-800 con Vơọc bị giết,và trong những năm 1990s, tối thiểu có 90 cá thể bị giết hoặc bị bắt.Nadler và Hà Thăng Long(2000) đã cảnh báo nếu không cải thiện các biện-pháp bải vệ,quần thể Vơọc còn lại này sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian ngắn.

Trong những năm gần đây, du-lịch đã trở thành trọng tâm của nền kinh-tế địa-phương.Tuy nhiên, phát-triển du-lịch thiếu kiểm soát đã bắt đầu đe dọa đến môi trường của đảo, đây là sự thật mà các cán bộ vườn đã thừa nhận (M.Appleton pers.comm.). Trên thực tế, nếu phát-triển có cân nhắc đến môi trường thì du-lịch có tiềm-năng đóng góp một cách tích cực cho công tác bảo-tồn ở Vườn Quốc-gia Cát Bà, thông qua bổ sung thêm nguồn thu và góo phần nâng cao nhận thức môi trường.

 

Các giá trị khác

Mỗi năm, Cát Bà đón một số lượng rất lớn du khách cả trong nước và quốc tế.Một phần đáng kể trong số đó đã đế thăm vườn quốc-gia cả bằng đường bộ bằng đường mòn hay đi thuyền qua phân khu bảo-tồn biển.Do vậy, vườn quốc-gia có thể được coi là đã có những đóng góp quan-trọng đối với nền kinh-tế đảo.

 

Các dự án có liên-quan

Quỹ Bảo-tồn Thiên-nhiên Thế-giới-WWF đã bắt đầu một dự án giáo dục môi trường qui mô nhỏ tại Vườn Quốc-gia Cát Bà từ năm 1999.Bước đầu sẽ là thành lập một trung-tâm giáo dục môi trường ở văn phòng vườn quốc-gia và qua đó cải thiện cơ-sở vật-chất hạ tầng cho việc đón tiếp du khách. Một số đợt tuyên truyền giáo dục sẽ được tiến hành tại các trường ở thị trấn Cát Bà để nâng cao nhận thức về vườn quốc-gia và các hoạt-động của nó.Dự án này được tài trợ bởi Ðại sứ quán Vương quốc Hà Lan với sự đóng góp của Quỹ Bảo-vệ Thiên-nhiên Thế-giới (WWF) và Vườn Quốc-gia Cát Bà. Tuy nhiên,nguồn vốn chủ-yếu đã kết thúc tháng 5 năm 2000,một số hoạt-động nhỏ vẫn tiếp tục nhưng với rất ít sự tham gia từ bên ngoài.

Tháng 6 năm 2000,Tổ-chức Bảo-vệ Ðộng thực-vật Quốc tế -FFI Chương trình Ðông Dương đã nhận được tài trợ của Ðại sứ Anh để tiến hành một dự án bảo-tồn tại đảo Cát Bà.Dự án này sẽ bao gồm phần giáo dục môi trường và phần nghiên-cứu sinh-học.Hy vọng dự án này sẽ là giai-đoạn khởi đầu cho một dự án lớn hơn với mục tiêu chính là bảo-tồn in –situ loài Vơọc đầu trắng.

 

 

Khu BTTN Thái Thụy

Tên khác

Cửa sông Thái Bình

Tỉnh

Thái Bình

Tình trạng

Ðề xuất

Ban quản lý được thành lập

Chưa thành lập

Vĩ-độ

20 28’ – 20 37’ vĩ-độ Bắc

Kinh đô

106 35’ – 106 42’ kinh-độ Ðông

Vùng địa-lý sinh-học

06 a - Nhiệt-đới nam Trung Hoa

 

Tình trạng bảo-tồn

Pedersen và Nguyễn Huy Thắng ( 1996 b ) đã xác định khu-vực huyện Thái Thuỵ thuộc cửa sông Thái Bình là một trong bảy khu đất ngập nước quan-trọng đối với công tác bảo-tồn đa-dạng sinh-học của vùng châu thổ sông Hồng. Năm 1996, uỷ ban Nhân dân huyện Thái Thụy đề xuất thành lập Khu bảo-tồn thiên-nhiên Thái Thụy. Kiến nghị này được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Bình và Bộ Nông-nghiệp & Phát-triển Nông thôn rất ủng hộ ( Nguyễn H uy Thắng et al. 2000 ).Tháng 7/1997, Viện Ðiều tra Quy hoạch Rừng và Phòng Nông lâm huyện Thái Thụy đã tiến hành xây-dựng dự án đầu tư cho khu bảo-tồn thiên-nhiên đất ngậo nước Thái Thụy, với diện-tích đề xuất lả,696 ha, trong đó phân khu bảo-vệ nghiêm ngặt 4,463 ha, phân khu phục hồi sinh-thái 7,695 ha và phân khu hành chánh dịch vụ 1,538 ha ( Anon. 1997 ). Khu bảo-tồn thiên-nhiên Thái Thụy được ghi trong danh lục đề xuất các khu rừng đặc dụng năm 2010 với diện-tích 13,696 ha, trong đó cò,939 ha đất có rừng ( Cục Kiểm lâm 1998 ).

 

Ðịa-hình và thủy văn

Khy đề xuất bảo-tồn thiên-nhiên Thái Thụy có ranh-giới phía nam là sông Trà Lý và ranh-giới phía bắc là sông Thái Bình. Khu bảo-tồn có các con sông như sông Diêm Hồ chảy ra biển tại khu-vực giữa sông Trà Lý và sông Thái Bình. Phía Nam của sông Thái Bình có các bãi bồi lớn được tạo bởi các trầm-tích lắng đọng. Phía tây khu bảo-tồn là các bãi cát trũng tiếp giáp với sông Trà Lý. ở đó có các đầm canh tác thủy-sản.

 

Ða dạng sinh-học

Khu đề xuất bảo-tồn thiên-nhiên Thái Thụy còn tồn tại một diện-tích lớn nhất rừng già ngậo mặn ở lưu vực sông Hồng. Có khoảng 400 ha rừng ngập mặn tự nhiên trong khu bảo-tồn, với thực-vật ưu-thế thuộc về loài Bần chua Sonneratia caseolaris. Rừng này có độ tuổi ước tính khoảng trên 50 năm. Tuy nhiên ,hầu hết rừng ngập mặn còn lại ở Thái Thụy là rừng trồng loài Trang Kandelia candel (Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996 b).

Anon. ( 1997 ) đã chia sinh cảnh trong khu bảo-tồn thành 3 kiểu chính. Rừng ngập mặn tự nhiên ưu-thế loài Bần chua Sonneratia caseolaris, có diện-tích 300 ha, phân bố gần các cửa sông Thái Bình và sông Trà Lý. Trong kiểu sinh cảnh này xuất hiện rải rác các loào Trang Kandelia candel và Tra Aegiceras corniculatum. Kiểu sinh cảnh này rất phù hợp với các loài chim nước. Kiểu rừng trồng Phi lao Casuarina equisetifolia có diện-tích 44 ha ở Cồn Ðen. Kiểu sinh cảnh đầm canh tác thủy-sản có diện 175 ha, phân bố ở phía Bắc khu bảo-tồn, thực-vật ưu-thế thuộc về loài Lác Cyperus malaccensis và sậy Phragmites vallatoria mọc hỗn giao với loài Cyperus tegetiformis. Kiểu sinh cảnh đầm canh tác thủy-sản này là nơi làm tổ quan-trọng của một số loài chim nước.

 Khu bảo-tồn thiên-nhiên Thái Thuỵ là nơi trú đông của ít nhất là 3 loài chim bị đe dọa hoặc gần bị đe dọa toàn-cầu là : Cò thìa Platalea minor ( Nguy cấp – Endangered ), Mồng bể mỏ ngắn Larus saundersi ( Nguy cấp – Endangered ) và Quắm đầu đen Threskiornis melanocephalus ( gần bị đe dọa – Near Threatened ) ( Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996 b ).

 

Các vấn đề về bảo-tồn

Săn bắn là mối đe doạ lớn nhất đối với đa-dạng sinh-học ở Thái Thuỵ. Vào mùa đông, thợ săn từ thị xã Thái Bình và thành-phố Hải-Phòng thường xuyên tới bắn chim ở Thái Thuỵ. Pedersen và Nguyễ Huy Thắng ( 1996 b ) đã quan sát được việc sử-dụng các loại lưới , súng hơi, súng săn để bắt chim ở khu-vực rừng già. Các tác giả này cũng đã ghi nhận được các hoạt-động tác động tới khu bảo-tồn như chăn thả trâu bò và gia súc trong rừng ngập mặn, chặt rừng ngập mặn của dân địa-phương và khai-thác sậy từ các đầm nuôi thủy-sản làm củi đun nấu.

Nguyễn Huy Thắng et al. (2000 ) cho rằng công tác quản lý khu bảo-tồn thiên-nhiên sau này cần phải chú ý tới các nhân tố như : ( i ) nuôi thủy-sản quảng canh ở vùng đất ướt có tác động tiêu cực nghiêm trọng tới hệ sinh-thái, bởi vậy nên cấm hoặc giảm tới mức tối thiểu hoạt-động này; (ii) nếu không kiểm soát được việc sử-dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học và các chất kích thích, sẽ mang lại hiệu qủa tiêu cực đối với hệ sinh-thái và sản-lượng đánh bắt thủy-sản ; (iii) công-nghệ xử lý các chất thải chưa tốt ở hai nhà máy chế-biến còn tồn tại trong khu-vực sẽ gây tác động tiêu cực tới hệ sinh-thái của sông Diêm Hồ. Cần-thiết phải quy hoạch sử-dụng đất trong tương-lai nhằm quản lý các chất thải tránh các tác động tiêu cực sau này.

 

Các giá trị khác

Khu bảo-tồn thiên-nhiên Thái Thuỵ có một diện-tích lớn các đầm nuôi trồng thủy-sản với nhiều phương thức quản lý khác nhau. Canh tác thủy-sản trong các ao đầm chủ-yếu là cá và cua,nhưng rau câu cũng được thu hoạch tận dụng. Các loài thân mềm được khai-thác ở các bãi bồi ngập triều, nhưng việc trồng rừng đã làm giảm sản-lượng khai-thác các loài thân mềm. Khu-vực rừng già ngập mặn còn lại duy nhất hiện nay có giá trị tiềm-năng cao về giáo dục môi trường về rừng ngập mặn ( Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996 b ).

 

Các dự án có liên-quan

Dự án bảo-vệ môi trường Thái Bình do Hội Chữ thậo đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Ðan Mạch thực-hiện tập trung chủ-yếu tại vùng bờ biển huyện Thái Thuỵ. Mục tiêu của dự án là trồng rừng và bảo-vệ diện-tích rừng ngập mặn hiện có trong khu-vực.Hai năm đầu, dự án đã trồng được1,000 ha rừng ngập mặn ở 4 xã ven biển thuộc huyện Thái Thuỵ ( Humphries 1995 ).

Ban Nghiên-cứu Hệ sinh-thái Rừng ngập mặn của Trung-tâm Nghiên-cứu Tài-nguyên thiên-nhiên và Môi trường hiện đang xây-dựng một dự án cỡ vừa trong khuôn khổ dự án Quỹ Môi Trường Toàn-Cầu ( Global Environment Facility – GEF ) do UNDP tài trợ. Dự án này có tên là Bảo-tồn các khu-vực đất ngập nước ven biển ơ lưu vực sông Hồng, Việt Nam,dự kiến thực-hiện ở 5 khu-vực trong 3 tỉnh : Ninh Bình, Nam Ðịnh và Thái Bình. Mục tiêu của dự án nhằm bảo-tồn lâu dài và sử-dụng bền vững đa-dạng sinh-học ở vùng bờ biển thuộc lưu vực sông Hồng.

 

Khu BTTN Tiền-Hải

Tên khác

Cồn Vành

Tỉnh Thái-Bình

Tình-trạng

Quyết-định

Ban quản-lý được thành-lập

Vĩ-độ

20 15’ – 20 22’ vĩ-độ Bắc

Kinh-độ

106 34’ – 106 38’ kinh-độ Ðông

Vùng địa-lý sinh-học

06a - Nhiệt-đới Nam Trung-Hoa

 

Tình-trạng bảo-tồn

Khu Bảo-tồn Thiên-nhiên Tiền-Hải được công nhận trong Quyết định Số 4895/KGVX, ký ngày 05/09/1994 của Văn phòng Chính phủ ( Anon. 1995 b ). Tháng 8/1995, Viện Ðiều tra Quy hoạch Rừng đã xây-dựng dự án đầu tư cho khu bảo-tồn này, với diện-tích là,500 ha ( Anon,1995 b ). Dự án đầu tư đã được Bộ Lâm nghiệp phê duyệt vào tháng 10/1995 (Anon, 1995 b ) Khu Bảo-tồn Thiên-nhiên Tiền Hải có tên trong danh lục đề xuất hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam năm 2010 ( Cục Kiểm lâm 1998 ).

Khu bảo-tồn nằm về phía bắc cửa biển sông Hồng ( cửa Ba Lạt ), còn phía nam cửa sông là Khu bảo-tồn thiên-nhiên Xuân Thủy. Hai khu bảo-tồn này có thể duy trì một đơn vị sinh-thái liên-tục ( Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996 ). Ngày 20/9/1988, Xuân Thủy được quy hoạch thành một khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam ( Ramsar 2000 ).Ngày 24/1/1995, Bộ Khoa-học, Công-nghệ và Môi trường đã có công văn Số 14/Tmg. mở rộng khu-vực Ramsar bao gồm cả 2 đảo Vành và đảo Thu, thuộc huyện Tiền Hải ( Anon. 1995 a).Tuy nhiên, hai khu-vực này hiện được quản lý tách biệt nhau, trong đó Tiền Hải do Sở Nông-nghiệp và Phát-triển Nông thôn tỉnh Thái Bình quản lý (Viện Ðiều tra Quy hoạch Rừng 1998 ).

 

Ðịa-hình và thủy văn

Khu Bảo-tồn Thiên-nhiên Tiền Hải nằm ở cửa biển sông Hồng,về phía nam huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ranh-giới phía nam khu bảo-tồn là sông Hồng ( còn có tên là sông Ba Lạt ), phía bắc là sông Lân và phía Tây là con đê chắn biển chính. Trong khu bảo-tồn có 2 cồn cát lớn là : Cồn Vành có diện-tích 2,000 ha và Cồn Thủ có diện-tích 50 ha. Con thủ cách đất liền khoảng 40 km và xen giữa khu-vực là các bãi cát ngập triều. Cồn Vành nằm tách biệt với đất liền qua một eo biển có mực nước sâu, trên bờ là rừng ngập mặn hầu hết đã có bờ bao thành các đầm nuôi trồng thủy-sản. Ngoài ta, còn có một diện-tích rộng lớn các đầm nuôi trồng thủy-sản ở phía bắc bờ sông Hồng ( Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996 ).

 

Ða dạng sinh-học

Trong khu bảo-tồn có 12 kiểu sinh cảnh chính, trong đó quan-trọng nhất là sinh cảnh bãi cát ngập triều, trảng sậy và rừng ngập mặn. Ngoài ra, các bãi bồi ngập triều cũng là một sinh cảnh quan-trọng, là nơi kiếm ăn của các loài chim ven bờ.

Rừng ngập mặn trong khu bảo-tồn có thực-vật ưu-thế thuộc loài Trang Kandelia candel, và hầu hết nằm trong các đầm nuôi trồng thủy-sản.Phi lao Casuarina equisetifolia được trồ trên các cát với mục tiêu chắn cát, chắn gió ( Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996 ).

Qua một đợt khảo sát vùng bờ biển ở lưu vực sông Hồng năm 1996 đã ghi nhận được loài là loài cò thìa Platalea minor chim bị đe dọa tuyệt chủng mức toàn-cầu trong khu bảo-tồn . Tuy nhiên, các tác giả trên đã đánh giá tầm quan-trọng đối với bảo-tồn của Tiền Hải có ý nghĩa kém hơn so với Khu bảo-tồn thiên-nhiên Xuân Thủy.

 

Các vấn đề về bảo-tồn

Pedersen và Nguyễ Huy Thắng ( 1996 ) cho rằng cơ sở hạ tầng phục-vụ công tác bảo-tồn còn thấp kém, thiếu cán bộ, kế-hoạch quản lý chưa phù hợp là những hạn chế trong công tác quản lý bảo-vệ Khu Bảo-tồn Thiên-nhiên Tiền Hải. Ðặc biệt, các tác giả đã khuyến nghị rằng cần tiến hành quy hoạch sử-dụng đất trong khu bảo-tồn nhằm làm giảm áp lực cuả người dân tới khu-vực, đồng thời cần phải xác định rõ hơn ranh-giới phía Ðông khu bảo-tồn. Ngoài ra, các tác giả còn khuyến nghị rằng không nên tiến hành trồng rừng ngập mặn hoặc trồng Phi lao trong khu bảo-tồn, bởi vì các mục tiêu quản lý, phòng hộ bờ biển và cải tạo đất có thể mâu thuẫn với công tác bảo-tồn đất ngập nước ven biển .

Trong Khu bảo-tồn thiên-nhiên có rất nhiều người dân lượm, bắt các loài thân mềm hai mảnh vỏ và của biển, điều này cho thấy đây là một khu-vực quan-trọng đối với kinh-tế của người dân trong khu-vực. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết chính xác các mức độ khai-thác haỉ sản có bền vững hay không ( Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996 ). Pedersen và Nguyễn Huy Thắng (1996) đã quan sát thấy các hoạt-động săn bắt chim nước trong khu-vực, nhưng vẫn chưa có thông tin rõ ràng về mức độ áp lực của săn bắn,

 

Các giá trị khác

Trong khu bảo-tồn đề xuất, các cộng đồng dân địa-phương đang tiến hành một số hoạt-động kinh-tế như : nuôi trồng thủy-sản, chăn nuôi gia súc, đánh cá và lượm, bắt các loài thân mềm.Trong khoảng thời gian từ ngày 21 đế 25 tháng 4 năm 1996, đã có tới 920 người dân vào thu bắt hải-sản trên các bãi triều có diện-tích 900 ha ở phía Bắc khu bảo-tồn. Các loài hải-sản được thu lượm chủ-yếu là : Lingula sp., Glauconome chinensis, Meretrix sp., Mactra quadrangularis và Cyclina sinensis. Bình quân sản-lượng hải-sản mỗi ngày khoảng 1,9 tấn , giá trị tương đương khoảng 529 đô la (Pedersen và Nguyễn Huy Thắng 1996 ).

 

Các dự án có lìên quan

Ban Nghiên-cứu Hệ sinh-thái Rừng ngập mặn (MERD) thuộc Trung-tâm Nghiên-cứu Tài-nguyên và Môi trường (CRES) dưới sự tài trợ của Hội Chữ thậo đỏ Ðan Mạch đang thực-hiện dự án trồng rừng ngập mặn ở Khu Bảo-tồn Thiên-nhiên Tiền Hải.

MERD và CRES đang xây-dựng một dự án cỡ vừa thuộc Quỹ Môi trường Toàn-cầu (GEF) do UNDP tài trợ. Dự án này có tên Bảo-tồn đất ngập nước ven biển ở lưu vực sông Hồng, Việt Nam, dự kiến tiến hành ở 5 điểm thuộc 3 tỉn: Ninh Bình, Nam Ðịnh và Thái Bình. Mục tiêu của dự án nhằm bảo-tồn lâu dài và sử-dụng bền vững đa-dạng sinh-học vùng bờ biển lưu vực sông Hồng.

 

 

 

Hình 212. Công (Gà Lôi,Chim Trĩ) hiện rất hiếm.

 

 

Khu Bảo-tồn Biển Ðảo Cồn Cỏ

 

Tên khác

Không có

Tỉnh

Quảng Trị

Tình trạng

Ðề xuất

Ban quản lý được thành lập

Chưa thành lập

Vĩ-độ

17 07’- 17 13’ vĩ-độ Bắc

Kinh đô

107 17’ -107 23’ kinh-độ Ðông

 

Các vấn đề về bảo-tồn

Các mối đe doạ chủ-yếu đến đa-dạng sinh-học biển của Ðảo Cồn Cỏ là các hoạt-động đánh bắt không bền vững, thể-hiện qua việc đánh bắt luân phiên và khai-thác quá mức loài tôm hùm. Tuy nhiên, Ngân-hàng Phát Châu á ( 1999 ) xác định rằng hơạt-động của con người tại đây nói chung còn ở mức thấp. Mối đe doạ phải kể đến tiếp theo đối với đa-dạng sinh-học biển là các cơn bão nhiệt-đới trong vùng xẩy ra trong thơi gian giữa tháng 5 đến tháng 9, và có thể coi đây là nguyên nhân phá hủy các rạn san-hô ( ADB 1999 ).

 

Các giá trị khàc

Vùng nước ngoài khơi Ðảo Cồn Cỏ là ngư trường quan-trọng, chính Ðảo Cồn Cỏ là nơi trú ẩn của các tàu thuyền đáng bắt hải-sản trong mùa mưa bão và là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho ngư-dân (ADB 1999 ).

 

 

II. Những thuận-lợi và khó khăn của nước ta trong quá trình phát-triển bền vững về môi trường

1. Thuận-lợi

a. Xu thế chung trên thế-giới đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước để bảo-vệ môi trường toàn-cầu, và các nước phát-triển phải giúp đỡ và cộng tác với các nước đang phát-triển để các nước này có thể bảo-vệ môi trường cho mình và cho thế-giới.

Tuy không có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ, kể cả những công ớc quốc tế, nhưng những văn kiện quốc tế vẫn là chỗ dựa cho việc đàm phán để xử lý những vấn đề môi trường có liên-quan.

b. Nước ta là nước đi sau, do vậy, có thể học được nhiều bài học kinh-nghiệm thành công và thất bại mà các nước khác đã trải qua. Chính vì thế có nhiều vấn đề mà bây giờ ta có thể biết để tránh, trong khi trớc đây các nước khác phải mất công sức, tiền của và thời gian để làm cho sáng tỏ.

 

(Theo hội thảo Chương trình phát-triển bền vững của Việt Nam, tổ-chức tại Hà Nội, ngày 6/3/2002)

 

Xử lý nước thải bằng tảo

Tảo là nhóm vi sinh-vật có khả-năng quang hợp, chúng có thể ở dạng đơn bào (vài loài có kích-thước nhỏ hơn một số vi khuẩn), hoặc đa bào (như các loài rong biển, có chiều dài tới vài mét). Các nhà phân loại thực-vật dựa trên các loại sản phẩm mà tảo tổng hợp được và chứa trong tế bào của chúng, các loại sắc tố của tảo để phân loại chúng

Hình 213. Những loài tảo

 

 

Hình 214. Một số thủy sinh thực-vật tiêu-biểu có khả-năng xử lý nước thải như Lục bình Bèo tấm Bèo tai tượng Sậy ,

 

Xử lý nước thải bằng thủy sinh thực-vật có kích-thước lớn

Thủy sinh thực-vật là các loài thực-vật sinh trưởng trong môi trường nước, nó có thể gây nên một số bất lợi cho con người do việc phát-triển nhanh và phân bố rộng của chúng. Tuy nhiên lợi-dụng chúng để xử lý nước thải, làm phân compost, thức ăn cho người, gia súc có thể làm giảm thiểu các bất lợi gây ra bởi chúng mà còn thu thêm được lợi nhuận.

 

Một số thủy sinh thực-vật tiêu biểu như Lục bình Bèo tấm Bèo tai tượng Sậy

(Viện nghiên cứu giấy Ucraina cho biết, cây sậy vẫn mọc tốt trong nước ao có nồng độ chất chì cao gấp 4.000 lần nồng độ nước bình thường hoặc có hàm lượng phenol 500mg/lít (chỉ cần 0,2 mg phê non trong một lít nước là đủ làm chết cá). Thậm chí, sau 20 ngày, cây sậy đã lọc sạch tất cả các chất độc này. Vì vậy, người ta thường trồng sậy trong ao để khử độc chất thải của các nhà máy và bảo vệ cá nuôi.) 

Theo nhà sinh hóa học Bin Volverton, cây bèo sen cũng có công lớn trong việc bảo vệ môi trường sống của con người. Một ha bèo sen thanh lọc được 6.600 tấn nước bẩn sinh học (phân, rác) hay hóa học (nước thải của các xí nghiệp). Bèo sen hút được các kim loại nặng như chì, niken, thủy ngân, cadmi, thậm chí cả vàng, bạc. ở bang Colorado (Mỹ) có một con suối chảy qua mỏ vàng, nước suối hòa tan nhiều bột vàng. Người ta đã nuôi bèo sen ở suối, rồi đốt bèo, lọc lấy vàng trong tro. Đây là cách khai thác vàng rẻ tiền nhất. Cục Bảo vệ môi trường Mỹ cũng dự định dùng cây bèo sen để xác định mức độ ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất phóng xạ vì cây bèo sen hút rất mạnh các chất độc hại này. VnExpress Thứ sáu, 30/11/2001, 16:49 (GMT+7)Bác sĩ vui tính trả lời (phần 37)

 

Người sử-dụng thuốc bảo vệ thực-vật không có đủ thông tin trong khi dùng đến các loại thuốc trên. Ở Việt Nam hiện có trên 200 loại thuốc và có trên 700 nhản hiệu khác nhau, chưa kễ các thuốc nhập lậu không có nhản hiệu, và rất nhiều tên thuốc name trong ! danh sách bị cấm sử-dụng; Nông dân không được hướng dẫn đầy đủ trước khi sử-dụng;Ô Nhiễm ở Việt-Nam

nông dân Việt Nam mình đã tiêu dùng gấp 30 lần lượng hóa chất nhiều hơn mức trung bình!. Từ đó suy ra mức ô nhiễm hóa chất độc hại lên thực phẩm tiêu dùng ở Việt Nam là kết quả đưo! +ng nhiên mà người tiêu thụ trong nước phải hứng chịu. Biên tập viên Trịnh Đức Thông (TĐT), đài Á Châu Tự-do (Radio Free Asia) phỏng vấn tiến sĩ Mai Thanh Truyết (MTT) ngày 7 tháng 5, 2002 lúc 7:00 AM.Buôn lậu công khai cõng hàng qua biên giới 

 

Hình 215. Các loài tê-giác đã diệt-chủng trước kia như loại tê-giác khổng-lồ có lông xù

 

 

 

Hình 216. Tàu hút bùn Long-Châu

 

 14-6-2002 Nhà máy tàu Bến Kiển (Hải Phòng) vừa đưa xuống nước an toàn Tàu hút biển Long-Châu 02 công-suất1.500 m3/h. Tàu do hãng Kitaka (Nhật Bản) thiết-kế, dài 90m, rộng 14,6m, mớm nước 3,8m, hai máy chánh tổng công suất 2,000 mã-lực, một máy lai bơm bùn 1,675 mã-lực. Tàu hút bùn có công suất lớn nhất Việt-nam, sản xuất, đáp-ứng nhu-cầu nạo vét cảng biển, cửa sông cạn có địaa chất phức tạp.

 

Di tích Ðầm Dạ Trạch đang có nguy cơ biến mất.

Theo báo Lao Ðộng số ra ngày 25/4/2000, đầm Dạ Trạch, một di tích lịch sử của Việt Nam, nơi khởi binh của Việt Vương Triệu Quang Phục vào năm 548, đang có nguy cơ biến mất. Qua bao thăng trầm lịch sử, đầm Dạ Trạch hiện nằm phía trong đê sông Hồng và chỉ còn khoảng 60 mét bề rộng, 600 mét bề dài. Với lý do bảo vệ thân đê, cơ quan thủy lợi của nhà nước có dự kiến lấp đi hơn nửa đầm. Cơ quan này đã dùng ống hút cát sông Hồng và đổ xuống đầm, lấp đi một khoảng diện tích quan trọng của Ðầm Dạ Trạch. Do sự phản đối kịch liệt của dân chúng, nên công việc hút cát sông Hồng lấp đầm Dạ Trạch đã tạm ngưng vào cuối tháng tư vừa qua.

Tuy nhiên, người ta lo ngại là công việc lấp đầm sẽ được tiếp tục, vì cơ quan Thủy Lợi vẫn vịn vào lý do bảo vệ đê điều để tiến hành công tác. Do đó dân làng Dạ Trạch đang lo lắng là di tích lịch sử của vị anh hùng Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục sẽ biến mất vĩnh viễn trong tương lai.

 

Hàm lượng Thạch tín Vượt quá Tiêu chuẩn

Tại hai huyện Đông Anh, Sóc Sơn, tổng số điểm khảo sát và lấy mẫu là 66, trong đó 4 mẫu có hàm lượng thạch tín vượt quá tiêu chuẩn. Khu vực Nhà máy Cơ khí Cổ Loa, hàm lượng thạch tín trong nước lên tới 0,08 mg/lít, vượt tiêu chuẩn 1,6 lần. Còn tại Gia Lâm, tổng số điểm khảo sát là 20 thì 8 mẫu có hàm lượng thạch tín cao hơn mức cho phép; huyện Từ Liêm có 8 mẫu.

Tại khu công nghiệp Thượng Đình - Hà Nội, nước thải từ Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty Đo lường cơ khí, Viện Nghiên cứu Thủy tinh có hàm lượng thạch tín là 0,145-0,346 mg/lít (cao hơn tiêu chuẩn 0,05 mg/lít). Chúng được xả trực tiếp ra mương thoát nước, sông hồ mà không được xử lý.

TS Nguyễn Văn Đản, Liên đoàn Địa chất Thủy văn cho biết, chất thải từ khu công nghiệp Việt Trì đã làm cho hàm lượng thạch tín trong nước ngầm nơi đây cao hơn giới hạn cho phép. (Theo Gia Đình & Xã Hội)

 

 

Báo-động

Nguy cơ ô nhiễm du lịch các di sản thiên nhiên thế giới

Các di sản thiên nhiên thế giới là những điểm hấp dẫn đối với khách du lịch. V́ vậy vấn đề ô nhiễm môi trường tăng theo tỷ lệ khách lui tới. Các điểm du lịch c̣n kéo theo số dân tại địa phương khác tới cư trú để làm công việc trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho khách du lịch. Tại Galapagốt, năm 1975 có 4000 dân, đến cuối năm 2001, số dân tăng lên 20.000 người. Họ chặt cây rừng lấy gỗ làm nhà, chó họ mang theo, ăn hết cả trứng rùa. Tại các hang động, du khách vẽ viết bừa băi lên tường động và trần động, đập vỡ các thạch nhũ đẹp mang về làm kỷ niệm…

Các di sản thiên nhiên thế giới nằm trên các vùng vịnh, đảo c̣n phải hứng chịu nạn ô nhiễm tràn dầu do đắm tàu, dầu thải từ các tàu thuyền. Tại vịnh Califócni, hàng ngày có tới 100 ca nô hoạt động đưa du khách đi xem cá voi.

Những vụ đắm tàu chở dầu đă thực sự gây nên những thảm họa, như vụ đắm tàu chở dầu Erika vào năm 2000 đă làm 300.000 con chim biển và rất nhiều cá bị chết.

Trước t́nh trạng trên, Êcuađo đă có nhiều ư kiến đề nghị chính phủ ngừng việc kinh doanh du lịch ở quần đảo Galapagốt như ở Pháp, người ta đă phải đóng cửa động Látxcô.

Tại nước ta, các di sản thế giới như Vịnh Hạ Long, cố đô Huế, phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn vẫn giữ được những nét độc đáo riêng và có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách. Tuy nhiên, thời gian qua tại các di sản này vẫn c̣n hiện tượng phá đá, chặt nhũ, xả rác, đào bới, mua bán hàng rong, chèo kéo khách, ăn xin... khiến du khách nản ḷng.

Để tránh khỏi số phận như quần đảo Galapagốt hay động Latxcô, các di sản thế giới của Việt Nam cần được tăng cường quản lư bảo vệ, tuyên truyền và giáo dục cho người dân ư thức được giá trị to lớn của di sản để qua đó nâng cao ư thức ǵn giữ vệ sinh môi trường, phát huy giá trị của di sản…

Hình 217. Hải-Sản Chế-biến của Trung-Hoa tăng vọt lên gần 5 lần, chỉ sau 17 năm

 

 

Hình 1. Cá Mập. Theo bà Rebecca Lent, thuộc trung tâm quản lý nghề cá (Trung tâm khí tượng và thủy văn Mỹ), chúng ta nên quan tâm tới việc bảo vệ các loài sinh vật, hơn là sợ chúng. Bà cho biết, quần thể cá mập, loài vật tồn tại suốt 400 triệu năm nay, đã suy giảm nghiêm trọng từ giữa thập kỷ 70 do bị đánh bắt quá mức và thiệt mạng do bị va chạm với các tàu thuyền trong những chuyến di cư.


Chương 8

Vịnh Bắc-Việt, Biển Lịch-sử

Hải-Quân thời tiền-sử.

8.1 - Địa-bàn Cư-trú của Tổ-tiên và Nhu-cầu của Quân Thủy

Địa-bàn cư-trú chủ-yếu của tổ-tiên ta là khu-vực mới được phù-sa sông Hồng, sông Mã bồi đắp. Vùng đất này nằm giữa một bên là núi cao, một bên là biển cả.

Địa-bàn sinh-hoạt thời cổ là nơi giao-tiếp giữa hai môi-trường: núi và biển. Có hai đặc-điểm nổi bật lên như sau:

- Hệ-thống sông ngòi thoát nước dày đặc, có hình-dạng nan quạt ở đầu thượng nguồn.

- Mưa lũ hàng năm tràn lan khắp nơi. Nước chảy đến mấy chỗ trũng, tạo ra vô số đầm lầy, hồ ao chi chít.

Địa-hình tạo nên một 'thế-giới nước' tác-động trực-tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người Việt cổ. Các di-tích khảo-cổ cho chúng ta biết rằng tất cả các địa-điểm cư-trú đều nằm trên các gò bãi. Có thể nói nước bao quanh làng xã Viêt-Nam. Nước tạo nên biên-giới thiên-nhiên chia cắt từng vùng đất. Nước là môi-trường sinh-sống của người Viêt-Nam.

Từ lâu, khái-niệm về quê-hương, xứ sở, về lãnh-thổ, tổ-quốc đã được tổ-tiên ta thể-hiện bằng tên của môi-trường gắn chặt với cuộc sống của mình: Nước !

Phương-tiện di-chuyển chính-yếu của người dân Việt thời cổ suốt mấy chục ngàn năm là thuyền bè. Ngay khi một tập-hợp võ-trang nào đó được hình-thành, thuyền bè đương-nhiên trở nên phương-tiện đầu tiên và căn-bản của các cuộc hành-quân. Những trang-bị trên thuyền lập tức biến thành khí-cụ cơ-hữu của quân thủy.

Những người lính Việt đầu tiên của quân-ngũ không chiến đấu ngoài sa-trường, xung thành đoạt luỹ. Nhiệm-vụ của họ không mang nặng mục-tiêu bảo-vệ "diện-địa". Những quân-nhân này nằm lòng phần trọng-trách gìn giữ an-ninh nhừng tuyến "đường thủy" nhiều hơn. Từ-ngữ "giữ nước" có thể đã ghi lại dấu vết rằng "các người lính đầu tiên phục-vụ dưới cờ nước ta là những người lính thủy".

 

Hình 218. Hình-ảnh Lạc-Long-Quân trong cuốn sách Việt-Sử Bằng Tranh của Bùi-Văn-Bảo.

 

Có nhiều lý-lẽ tạo nên sự tin-tưởng rằng Thủy-quân của ta ra đời trước Lục-quân.

 

8.2 - Thủy-quân của Vua Hùng và Trống Đồng-cổ Đan-Nê

Huyền-thoại sớm-sủa nhất về chiến-công của Thủy-quân Văn-Lang được nhắc nhở qua chứng-tích một ngôi đền cổ tại tỉnh Thanh-Hoá. Sau chuyến viễn-chinh thắng giặc vùng duyên-hải phía Nam mà sau này là đất Chiêm-Thành, một vị vua Hùng đã cho đúc trống đồng kỷ-niệm và lập đền thờ Đồng-Cổ trên núi Tam-Thai, xã Đan-Nê. Gần 3,000 năm trước, vùng châu thổ chưa được phù-sa bồi đắp, sông ngòi đầm lầy, ao hồ khắp nơi. Từ kinh-đô Phong-Châu (huyện Bạch-Hạc, tỉnh Vĩnh-Yên ngày nay) khi muốn viễn-chinh tiễu-trừ giặc miền biển (Trung-Việt ngày nay), nhà Vua chỉ có mỗi một phương-tiện là sử-dụng thủy-quân để có thể di-chuyển, tiếp-liệu, bất-thần tấn-công và truy-sát kẻ địch tận ngoài khơi mà thôi.

Chiến-tích của Thủy-Quân cũng ngẫu-nhiên mang lại vinh-dự cho Trống Đồng Đan-Nê. Những ghi chép về trống đồng cổ trong sử sách Việt Nam còn lại rất ít, và thật ra cũng chỉ xoay quanh hai chiếc trống mà thôi. Nguyễn Duy Hinh trong bài "Trống Đồng trong Sử Sách" cũng nhắc đến tình trạng này. Trống Đan Nê đã được các sách nhắc đến: Việt Điện U linh (1029), Đại Việt Sử ký Toàn thư (1479), Lĩnh Nam chích quái (1492-1493) Đại Nam Nhất thống Chí . Những đoạn văn ghi chép trong các sách này khẳng định, bổ sung nhau và được xác định chắc chắn thêm qua tư liệu dân-tộc học. Một chiếc khác có khả-năng là trống Miếu Môn I, có thể đã được ghi nhận trong thần tích của làng Thượng Lâm, do Đinh Tiên Hoàng ban thưởng để làm trống thờ.

 

8.3 - Hình ảnh Thủy-Quân Hùng-Vương trên trống đồng.

Ông Văn-Tân, một học-giả hay viết về truyền-thống dân-tộc, diễn-tả hình ảnh thủy-quân thời cổ như sau:

"Nhìn các trống đồng Ngọc-Lũ i, trống đồng Hoàng-Hạ, trống đồng sông Đà, trống đồng Bản thôm, trống đồng Miếu Môn, trống đồng làng-Vạc I và II, trống đồng Phú Xuyên, bạn sẽ thấy rằng trên thân các trống này đều có hình thuyền chiến, nhiều cái có đến sáu chiếc... Như thế có nghiã là trước đây khoảng trên dưới ba ngàn năm, nước Văn-Lang của các vua Hùng-Vương đã có thủy-quân để bảo-vệ đất nước. (Vai trò của Thủy-Quân Việt-Nam trong Lịch-sử dân-tộc, Văn-Tân, Nghiên-cứu Sử-học số 5, tháng 9/ 1977, trang 62-70.)

Ông Cao Thế Dung cũng viết rằng:

"Về thủy quân thì từ thời dựng nước đã có. Các trống đồng, từ loại cổ nhất Heger I đến trống đồng Miếu Môn, Phú Xuyên không trống nào không khắc trạm hình (chiến) thuyền. Trống đồng Đông-Sơn, Hoàng-Hạ, sông Đà, làng Vạc (Nghĩa-Đàn, Nghệ-An) đều khắc trạm đến 4, 5 chiến-thuyền. Trống đồng Ngọc-Lũ xuất-hiện vào thế-kỷ thứ VII trước Tây-lịch mà đã khắc chiến-thuyền... (Việt Nam Binh Sử Võ Đạo, Arizona, 1993, trang 295.)

 

Hình 219. Các loại chiến-thuyền thời Hùng-Vương, có chiếc trang-bị cột trụ để dựng buồm, có cả quân-khuyển (thuyền thứ nhì kể từ trên xuống)

 

8.5 - Dân Việt thời tự-chủ

Trong sinh-hoạt, người ta thấy điều đáng nói là lúc nào các hoạt-động hàng-hải cũng gắn liền với dòng sinh-mạng dân-tộc. Việt-sử ghi chép rất nhiều, ở đây chúng tôi chỉ xin ghi lại vài sự kiện điển-hình lấy trong các cuốn sách Việt-Nam Sử-Lược (VNSL) của Trần-Trọng-Kim (Bộ Giáo-dục, Trung-tâm Học-liệu, Sài-Gòn, 1971) và Việt-Nam Danh-Nhân Từ-Điển (VNDNTĐ) của Nguyễn-huyền-Anh (Zieleks Co., Texas, 1981.)

 

- Dạ-trạch-Vương

Người Việt chúng ta có lẽ là giống dân đầu-tiên biết khai-thác thành-công kỹ-thuật du-kích-chiến trên đồng lầy, hồ ao, sông rạch. Về bằng-chứng, người viết xin kể đến truyện ông Triệu-Quang-Phục, vị anh-hùng có công giải-phóng dân-tộc khỏi ách thống-trị của nhà Lương bên Tàu vào thế-kỷ thứ 5.

Chiến-công lừng-lẫy nhất của vị vua này (458-471) là ở đầm Dạ-Trạch. Ông đã biết khéo léo phối-hợp khả-năng tác-chiến trong sông rạch của dân ta cùng với chiến-thuật du-kích mà thành-công:

"Dạ-Trạch là chỗ đồng-lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm nhà ở được. Triệu-Quang-Phục vào ở đấy ngày nấp ẩn, tối thì cho lính chở thuyền độc-mộc ra đánh quân của (tướng Tàu ) Trần-Bá-Tiên, cướp lấy lương-thực về nuôi quân-sĩ. Trần-Bá-Tiên đánh mãi không được. Người thời bấy giờ gọi Triệu-Quang-Phục là Dạ-Trạch-Vương". (VNSL Q.1, trang 54.)

 

 

 

Hình 200 - Dạ-Trạch-Vương hành-quân (chụp lại từ cuốn sách của cụ Bùi-Văn-Bảo)

 

Ông Trần-Ứng-Long là "xảo-thủ" đóng chiếc thuyền đầu tiên có vỏ mê mềm dẻo ở Hà-Đông năm 968 (Encyclopaedia of Asian Civilizations, Vol. 9, Louis Frederic, 1984, Paris, từ-mục Trần-Ứng-Long.)

Vì các loại tre, nứa, trúc, giang, bương... đã được dùng trong việc đan lát từ nhiều ngàn năm trước đó ở Việt-Nam, nên ta có ý-nghĩ rằng ông Trần-ứng-Long có thể đã góp công nhiều trong việc cải-tiến và hoàn-thiện loại ghe này. Thủy-tổ thực-sự ghe mê phải là người Việt nào đó, sinh-sống trước thời ấy rất xa xưa.

 

Hình 220. Ngô-Quyền  đại-phá quân Nam-Hán trên sông Bạch-đằng - Tranh mộc bản

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 221. 

Hình 222.

 

Hình 223.

  

 

Hình 224.

 

 8.4 - Hải-tặc.

Các nhà nghiên-cứu Tây-phương như Dian H. Murray hay Bruce Swanson thường kể tên những nhà hàng-hải, đô-đốc nổi danh của Trung-quốc với nguyên-quán trong vùng người Việt cư-ngụ trước đây tại miền Hoa-Nam như Phước-Kiến, Quảng-Đông, Vân-Nam. Một số tác-giả khác cũng tìm ra rằng "thuyền-nhân" ở Trung-Hoa là dòng dõi người Việt cổ. Hải-tặc hoạt-động dọc bờ biển Trung-Hoa một thời, gồm một số người tự nhận là gốc-Việt. Nhóm này đã là một lực-lượng chiến-đấu dưới cờ Tây-Sơn, họ rất trung-thành với Quang-Trung Hoàng-Đế và tận-tuỵ cho đến ngày cuối cùng của triều-đại Quang-Toản. (Pirates of the South China Coast, 1790-1810, Dian H. Murray, Stanford University Press, 1987.)

 

 

Hình 225. Hình-ảnh Hải-tặc và Tàu Ô

 

 

 

 

Hình 199 - Hải-tặc biển Trung-Hoa (Revue Maritime No. 76, Aout 1952: 1012.)

 

 

 


Chương 9

Hải-giới Nước ta

 

9.1 - Lãnh-thổ Lãnh chúa thời Thượng-cổ

Hơn các dân-tộc khác, người Việt cổ có quan-niệm về chủ-quyền lãnh-thổ rất sớm. Quyền-lực của một lãnh-tụ biểu-hiện qua những trống đồng mà Ông ta sở-hữu. Giá-trị của các trống đồng quý-giá được đánh giá tới cả ngàn con trâu hay nhiều đồng ruộng rừng cây... Nhà khảo-cổ-học H. Parmentier đã ước-đoán rằng trống đồng là quà tấn-phong của vua Hùng-Vương ban cho các lãnh-chúa.[240] Ông Bình-Nguyên-Lộc nói các lãnh-chúa này phân-tán đi Vân-Nam, Nam-Dương.

 

Hình 226. - Hải-giới Trung-Hoa thời Tây-Chu rất nhỏ. Cho tới năm 221TTL., biển của họ chỉ trong vùng Hoàng-Hải.

 

Ðịa giới Giao Chỉ

Theo các tác-giả Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272 - 1697).
Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992).
Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993).

Đại-Việt Sử-ký Toàn-thư Ngoại-kỷ" của Ngô-Sĩ-Liên Xét: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị1 đến ở Nam Giao2 để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu3 thì Bách Việt4 thuộc phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy. Từ đời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN] mới gọi là Việt Thường thị5 , tên Việt bắt đầu có từ đấy.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo (1856-1881).
Viện Sử Học dịch (1957-1960).

 

Nhà Hán diệt nhà Triệu rồi, chia đất đặt làm chín quận, liệt làm bộ Giao Chỉ.

Nhà Hán đã bình được nhà Triệu, mới lấy đất đặt làm chín quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đam Nhĩ. Mỗi quận đặt một thái thú để cai trị. Tên gọi "Giao Chỉ bộ" có từ đấy. KDVSTG

Long-Biên

Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận: Theo sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi nhà Tống, ba quận ấy là đất Bách Việt ngày trước, từ Tần Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, mở núi dọn đường, cướp lấy đất Dương, Việt, đặt ra Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Bây giờ tỉnh Quảng Tây tức là Quế Lâm, tỉnh Quảng Đông tức là Nam Hải, đất Giao Chỉ tức là Tượng Quận đời Tần. Đến Hán Vũ đế bình định được Nam Hải mới tách Quế Lâm đời Tần làm hai là Uất Lâm và Thương Ngô; tách Tượng Quận làm ba là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Lại xắn bớt đất Nam Hải và Tượng Quận đặt ra quận Hợp Phố. Rồi, từ huyện Từ Văn, vượt biển sang lấy hai quận Chu Nhai và Đam Nhĩ ở phía Nam biển, đặt thứ sử tại Giao Châu. Tiếng rằng nhà Hán chia ra chín quận, nhiều hơn nhà Tần, nhưng cầm quyền thống trị thì chỉ có một thứ sử ở Giao Châu thôi. Đến nhà Ngô chia ra làm đôi, tên gọi Giao Châu, Quảng Châu mới có từ đó. Bây giờ Giao Châu thì lỵ sở ở Long Biên, Quảng Châu thì lỵ sở ở Phiên Ngung, quy mô cũng như nhà Hán trước, duy có tòa súy phủ khác chỗ thôi. Đường Cao Tông bắt đầu đặt An Nam đô hộ phụ ở Giao Châu. Giữa niên hiệu Hoàng Hựu (1049-1053) bản triều (triều Tống) đặt chức An Phủ và chức Kinh Lược ở Quế Lâm. Tòa súy phủ ở Tây Đạo lập lên là trước từ đấy. Đến bây giờ, Bát Quế37 , Phiên Ngung và Long Biên đứng đối nhau như ba chân vạc là theo kiểu cũ của Tần KDVSTG

Tân Mùi, [110 TCN], (Hán Nguyên Phong năm thứ 1). Nước Việt ta đã thuộc về nhà Hán. Nhà Hán cho Thạch Đái làm Thái Thú 9 quận. (Chế độ nhà Hán lấy châu lãnh quận, trừ hai quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ đều ở giữa biển, còn 7 quận thuộc về Giao Châu, Đái làm châu Thái thú63 . Thời Tây Hán, trị sở của Thái Thú đặt tại Long Uyên, tức là Long Biên, thời Đông Hán đặt tại Mê Linh tức là Yên Lăng64 . Đến khi Đái chết, Hán Chiêu Đế lấy Chu Chương thay. Đến cuối đời Vương Mãng, châu mục Giao Châu là Đặng Nhượng cùng các quận đóng chặn bờ cõi để tự giữ. Tướng nhà Hán là Sầm Bành vốn quen thân với Nhượng, gửi thư cho Nhượng bày tỏ uy đức của nhà Hán. Thế rồi [Nhượng] bảo Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang và Thái thú các quận là bọn Đỗ Mục sai sứ sang cống hiến nhà Hán. Nhà Hán đều phong cho những người ấy tước hầu.DVSKTT

Chế độ nhà Hán, ở châu thì đặt thứ sử, ở quận thì đặt thái thú. Sử cũ chép: "Thạch Đái làm thái thú chín quận". Có lẽ nào một người mà làm việc cai trị cả chín quận? Nay theo bản sử của Ngô [Thì] Sĩ, cải chính lại. Lại còn việc: khi nhà Hán đặt bộ Giao Chỉ, lỵ sở ở Liên Thụ, năm Nguyên Phong thứ 5 (106 tr.c.ng.) dời trị sở sang huyện Quảng Tín ở quận Thương Ngô. Đến năm Kiến An thứ 15 (210), đóng lỵ sở ở huyện Phiên Ngung. Nhà Ngô lại dời lỵ sở sang Long Biên, còn ở lỵ sở cũ (chỉ Phiên Ngung) đặt làm Quảng Châu. Như thế thì về đời Tây Hán chưa hề đóng lỵ sở ở Long Uyên; đời Đông Hán chưa hề đóng lỵ sở ở Mi Linh. Việc này e rằng Sử cũ chép lầm, nhưng cũng hãy ghi lại để tra xét. Lời chua - Liên Thụ: Tên huyện, thuộc quận Giao Chỉ; nay ở xã Lũng Khê, huyện Siêu Loại, Bắc Ninh, còn có vết cũ thành xưa.

Long Uyên: Tức là Long Biên, tên hiệu về đời Hán, thuộc quận Giao Chỉ, trị sở của quận về thời Đông Hán. Theo sách Thủy kinh chú, nhà Hán, năm Kiến An thứ 13 (208), khi mới đắp thành, có giống giao long lượn đi lượn lại ở hai bên bờ sông; nhân thế đổi gọi là Long Uyên. Nhà Lý đóng kinh đô ở đấy, đổi tên là Thăng Long; nhà Trần, nhà Lê cũng đóng kinh đô ở đấy cả. Bây giờ là tỉnh thành Hà Nội.

KDVSTGCM

Quận Giao Chỉ thống trị 10 huyện: Liên Thụ1, An Định, Cẩu Lậu, Mi Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên.

KDVSTG

 

Quận Hợp-Phố là thuộc đất Giao-Chỉ

 

đất Giao Chỉ tức là Tượng Quận đời Tần. Đến Hán Vũ đế bình định được Nam Hải mới tách Quế Lâm đời Tần làm hai là Uất Lâm và Thương Ngô; tách Tượng Quận làm ba là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Lại xắn bớt đất Nam Hải và Tượng Quận đặt ra quận Hợp Phố.      

 

Lời bàn của Ngô Thì Sĩ - Từ khi Vũ đế nhà Hán diệt nhà Triệu, lấy đất của nhà Triệu, đặt ra chín quận: Châu Nhai, Đam Nhĩ ở trong biển. Hai quận ấy hợp với các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm và Hợp Phố đều liệt làm bộ Giao Chỉ. (Theo Quận quốc chí trong Hậu Hán thư, kể từ Giao Chỉ trở xuống, 7 quận gồm 55 huyện đều thuộc bộ Giao Chỉ). Sau đó chưa từng chia sẻ, mãi đến nhà Ngô mới chia Giao Châu, đặt thêm Quảng Châu.

 

Ðịa-giới thời Vua Trưng gồm cả Hợp-Phố và Nam Hải

Canh Tý, năm thứ 1 [40], (Hán Kiến Vũ năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 2, vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được [2b] 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng.

 

9.2 - Hải-giới thời Bắc-thuộc

Đinh Mùi, [227], (Hán Kiến Hưng năm thứ 5; Ngô Hoàng Vũ năm thứ 6), Vua Ngô nghe tin Sĩ Nhiếp mất, thấy Giao Châu ở xa cách, mới chia từ quận Hợp Phố trở về bắc thuộc vào Quảng Châu, cho Lữ Đại làm Thứ sử; từ quận Hợp Phố trở về nam thuộc vào Giao Châu, cho Đái Lương làm Thứ sử.

 

 Thái Bình quân: Theo sách Thanh Nhất thống chí , Thái Bình quận, đời Tần, là đất Tượng Quận; đời Hán là huyện Hợp phố; nhà Đường đổi là Liêm Châu; đến Tống, khoảng niên hiệu Thái bình hưng quốc276 đặt làm Thái Bình quân, qua niên hiệu Hàm Bình277 lại đặt là Liêm Châu.(KDVS)

9.3 - Hải-giới thời Lý

Theo sách Cương mục (Trung Quốc), trước kia, Lý Bôn giữ thành Giao Châu, nhà Lương sai thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh và thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng đem quân sang đánh. Bấy giờ là mùa xuân, đương có khí lam chướng, bọn Quýnh xin đợi đến mùa thu; nhưng tước Vũ Lâm hầu là Tư cứ giục tiến quân. Đến quận Hợp Phố, thì quân bị vỡ, chúng lại quay về.(KDVS)

 

Ở ngôi 7 năm [541-547]. VSTT

Vua có chí diệt giặc cứu dân, không may bị Trần Bá Tiên sang đánh chiếm, nuốt hận mà chết. Tiếc thay !

Vua họ Lý, tên húy là Bí135 , người Thái Bình [phủ] Long Hưng136 . Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam Đế, đặt quốc [15a] hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên137

 

Mở cửa thương Cảng Vân Ðồn. Cảng ngoại thương Vạn Ninh - Vân Ðồn thịnh vượng nhiều thế kỷ suốt các triều đại Lý - Trần. Thương cảng Vạn Ninh - Vân Ðồn, cửa ngõ buôn bán của quốc gia Ðại Việt. Theo sử sách, cửa ngõ buôn bán của vùng Ðông Bắc này đã hưng thịnh sôi động từ lâu, các thế kỷ thứ II, thứ III, hàng hoá từ Việt Nam đã đưa sang trao đổi ở cảng Hợp Phố (ngọc trai Việt Nam chuyển sang Hợp Phố đã thành thành ngữ "châu về Hợp Phố"). Di chỉ mộ Hán ở Ðá Bục (xã Minh Châu, huyện Vân Ðồn) cho thấy các mặt hàng phong phú qua đây. Ðến thời Ðường, cuối thế kỷ VIII, việc buôn bán tấp nập ở Minh Hải - Việt Nam ta đã vượt cả vùng cảng Quảng Châu.

 

 

9.3 - Hải-giới thời Lý

 

9.4 - Hải-giới thời Nguyễn

 

1832Minh Mệnh từ chối cho Hải-Quân Quảng Ðông được vào hải-phận Việt-Nam nhà Thanh lấy cớ đuổi cướp biển

1833 ra lệnh tất ca thuyền buôn đánh cá trung-hoa rờ vân đồn[241] trang236

http://www.chsource.org/Jing.htmThe Jing PeopleThe Jing live on the three islands of Wanwei, Wutou, and Shanxin in the Fangcheng Multi-National Autonomous County (established in 1958) in the Guangxi Zhuang Autonomous Region near the Vietnam border. These islands are known as the "Three Islands of the Jings." The Jings descend from Vietnamese who emigrated during the 16th century. Their language is basically the same as the Vietnamese. They originally called themselves "Viets." They can read and write in Chinese, speaking the Cantonese dialect.

The area where they live is subtropical with plenty of rainfall and rich mineral resources. Some of these minerals are iron, monazite, titanium, magnetite, and silica. Their land is north of the Beibu Gulf which contains 700 different species of fish, pearls, sea horses, and sea otters. Seawater from the gulf is used to make salt.

The Jing fish primarily and farm secondarily. They are uniquely known for fishing with fish fences, a V-shaped funnel that catches fish and shrimp with the ebb of a high tide. They are monogamous with arranged marriages. Their houses are built of stone, bricks, and tiles. Their diet consists of rice, sweet potatoes, taros, corn, fish, shrimps and crabs, as well as papaya, banana and longan. The Jing are also known for making fish juice, a delicacy served to guests.

The 18,700 people of this very small ethnic minority live in compact communities primarily in the three islands of Wanwei, Wutou and Shanxin in the Fangcheng Multi-ethnic Autonomous County, the Guangxi Zhuang Autonomous Region, near the Sino-Vietnamese border. About one quarter of them live among the Han and Zhuang ethnic groups in nearby counties and towns.

The Jings live in a subtropical area with plenty of rainfall and rich mineral resources. The Beibu Gulf to its south is an ideal fishing ground. Of the more than 700 species of fish found there, over 200 are of great economic value and high yields. Pearls, sea horses and sea otters which grow in abundance are prized for their medicinal value. Seawater from the Beibu Gulf is good for salt making. The main crops there are rice, sweet potato, peanut, taro and millet, and sub-tropical fruits like papaya, banana and longan are also plentiful. Mineral deposits include iron, monazite, titanium, magnetite and silica. The large tracts of mangroves growing in marshy land along the coast are a rich source of tannin, an essential raw material for the tanning industry.

There used to be some taboos, such as stepping over a fishing net placed on the beach, sitting on a new raft before it was launched, and stepping on the stove. But many old habits that hampered the growth of production have died out bit by bit.

Ba Làng Việt Tộc Trong Nội Ðịa
Biên Thùy Trung Quốc

Lê Văn Lân

Viet Mercury, 1/12/00

Hiện nay, chúng ta chưa rõ tại sao dân Kinh Việt lại di cư qua Trung hoa? Vì vùng đất của họ nằm gần như sát biên thùy Việt Hoa tức là huyện Móng Cáy tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam ngó qua Ðông Hưng của Trung Hoa, nên chúng ta có thể phóng đoán rằng ngày xưa giữa Trung Hoa và Việt Nam không có con đường phân định rõ ràng về biên giới có tọa độ rõ ràng. Do đó, đám người Kinh Việt cứ thấy vùng nào không có ai ở thì tới cắm dùi lập nghiệp sinh sống, chẳng chính quyền nào kiểm soát. Lằn biên giới Hoa Việt mới chính thức vạch ra sau Hiệp ước Fournier-Lý Hồng Chương, chạy dọc theo kinh tuyến 108 độ 3 phút 13 giây, vùng nào về phía Tây của kinh tuyến thuộc về Việt nam (thời ấy do Pháp đô hộ), còn vùng nào ở phía Ðông kinh tuyến thì thuộc về lãnh thổ Trung Hoa. Do đó, vùng đất mà dân Kinh Việt chiếm cứ định cư trong bao nhiêu thế kỷ bỗng nằm lọt vào lãnh thổ Trung Quốc. Rồi trải bao nhiêu thời gian, dân Kinh Việt cứ yên thắm sống trong vùng mà nhà nước Trung Hoa gọi là "Tự trị khu" chung với những sắc dân thiểu số như Choang, Dao trong tỉnh Quảng Tây. Cho đến cuối 1952 - sau năm 1949 khi chính quyền Trung Cộng chiếm toàn lục địa Trung Hoa thì mới bắt đầu thành lập ba thôn làng là Vạn Vĩ, Vu Ðầu và Sơn Tâm để rồi 1958 thì ba làng Kinh Việt này hợp cùng các làng khác của dân Choang và Dao để làm thành huyện tự trị Ðông Hưng. Vào cuối năm 1979 thì các huyện tự trị này họp thành trấn Phòng Thành tự trị cho đến nay. 

 

Đầu năm Quí Dậu (543), vua Lương lại huy động binh mã xâm lược một lần nữa. Tướng sĩ giặc khiếp sợ còn dùng dằng chưa dám tiến quân, thì Lý Bí đã chủ động ra quân, đón đánh giặc ở bán đảo Hợp Phố, miền cực Bắc Châu Giao. Quân Lương mười phần chết bảy, tám. Tướng địch bị giết gần hết, kẻ sống sót cũng bị vua Lương bắt phải tự tử.
Tháng Hai năm Giáp Tý (544) Lý Bí tự xung hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân (ước muốn xã tắc truyền đến muôn đời), đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội)

Thấy nhân dân ta vô cùng thống khổ dưới sự đô hộ tàn ác của Tiêu Tư. Tháng 1-542, Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi binh tấn công quân Lương, Thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ bỏ chạy về nước, chưa đầy ba tháng Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận huyện và thành Long Biên. Nhà Lương sai tướng đem quân sang phản công chiếm lại, Lý Bí đã cho quân mai phục đánh tan quân giặc.
Ðầu năm 543, vua Lương lại huy động binh mã sang xâm lược nước ta một lần nữa. Lý Bí chủ động đem quân đón đánh giặc ở bán đảo Hợp Phố, quân Lương bị tiêu diệt gần hết.
Tháng 2 Giáp Tý (544), Lý Bí xưng Hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Ðế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.
Triều đình gồm có hai ban văn võ. Tướng Phạm Tu đứng đầu hàng quan võ. Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn. Triều Túc được phong là Thái Phó.
Triều Tiền Lý khời nghiệp từ đấy.

 

[People] National Heroine Trieu
... in Cao Luong (Hop Pho), under the rule of general Hoang Ngo, to surrender to him.
Later Luc Dan carefully marched his troops into Giao Chi and Cuu Chan. On the ...

 

In 203 AD Han changed the name of the southern part of Nam Viet to Giao Chau. Then in 226 AD Wu divided Giao Chau into two parts: from the north of Hop Pho (Ho-p'u of Kuang-hsi) up was called Kuang Province and from the south of Hop Pho was called Giao Chau

 

In April 542, king Liang sent Governor Tran Hau of Viet Chau, Governor Ninh Cu of La Chau, Governor Ly Tri of An Chau and Governor Nguyen Han of Ai Chau from the north and the south of Giao Chau to fight against Ly Bi’s rebels. But this offensive ended in complete failure. The rebels won a great victory and took control of the country. From the northern delta, Ly Bi had controlled all over the area to Duc Chau (Ha Tinh) in the south and the Hop Pho peninsula in the north.

Ly Bi took the initiative of intercepting them at Hop Pho (which belonged to Chau Giao at that time). The majority of the Liang troops were killed. Most of the Liang generals were also killed and those who survived were coerced into committing suicide by the Liang emperor.

 

 

 

Vai trò Thủy-Quân nhà Tiền-Lê

 

Vai trò Thủy-quân thời Lê Đại-Hành bị hầu hết Sử sách "nhẹ nhàng" bỏ qua. Tuy vậy có nhiều điều rất đáng để chúng ta lưu-tâm ghi-nhận lại cho đúng.

 

Trước hết là trận chiến chận địch trên Bạch-Đằng-Giang. Chiến công lừng lẫy của Ngô-Quyền và Trần-Hưng-Đạo đã làm mờ nhạt những thành-tích cứu-quốc của người lính thủy trong năm đầu của triều Tiền Lê cũng trên cùng một dòng sông lịch-sử này. Khi đọc kỹ lại đoạn Việt-sử:

"Lê Đại-Hành đem binh thuyền giữ mặt thủy ở Bạch-Đằng giang. Hai bên xô xátso ạn

 dưới thời

 

 

 

Lực-lượng chính của quân Tiền Lê vẫn là quân thủy. Không những nhà Vua dùng quân thủy chận giặc Bắc, Lê Hoàn đã nhiều lần dùng thủy-quân vượt biển vào Nam đánh Chiêm-Thành.

 

Lê-Hoàn là vị Vua Việt đầu tiên ý-thức đến việc mở mang phương-tiện chuyển-vận đường thủỵ trong nội-địa. Nhà Vua khởi-sự cho đào kinh nối thẳng từ Ninh-Bình xuộng Thanh-Hoá. Con kinh này giúp cho đoạn đường thủy-vận huyết-mach từ bình-nguyên sông Hồng vào bình-nguyên sông Mã không những ngắn hơn mà còn an-toàn hơn vì khỏi vòng ra ngoài Biển Đông.

 Trước công-cuộc bành-trướng đất đai để giải-quyết nạn nhân-mãn ở đồng-bằng sông Nhị (Khâm-định Việt-sử, quyển 1, tờ 20a)27

 

Lê-Hoàn cũng phát-huy truyền-thống sông nước trong nhân-dân. Nhà Vua chính-thức lấy lễ đua thuyền hàng năm làm quốc-lễ, với ý-thức rõ ràng rằng nước-Việt như một hòn núi (Nam-Sơn) đặt trên thuyền bồng bềnh sông nước. 28

 

Lê-Hoàn khuyếch trương quân thủy hùng mạnh, dùng khí-thế uy-dũng của quân-chủng này để nâng cao phong-thể quốc-gia. Nhà Vua cũng lại là người đầu tiên nghĩ đến việc xác-định hải-phận quốc-gia. Ta xem cách Ngài tiếp-đón Sứ-giả từ (hải-giới) Liêm-Châu nhà Tống thì đủ rõ.

 

Trong "Hành Lục Tập", sứ-giả Tống-Cảo đã viết: "Cuối Thu năm ngoái, bọn Cảo chúng tôi đi đến hải-giới Giao-Chỉ, Nha Nội đô chỉ-huy-sứ của Hoàn là Đinh-Thừa-Chính đem chín chiến-thuyền và 300 quân đến Thái-Bình-Trường (Liêm-Châu) để đón. Từ cửa sông đi ra biển lớn, xông-pha sóng gió, trải bao nguy-hiểm, đi nửa tháng trời đến sông Bạch-Đằng ... Đến Trường-Châu thì đã gần đến kinh-đô nước ấy. Hoàn đem hết thủy-quân và chiến-cụ ra để thị-uy . Từ đó đi đêm đến bờ biển, cách Giao-Châu chừng 10 dậm về kinh-đô Hoa-Lư ... Hoàn đem dân mặc áo đủ màu, trà trộn với binh-lính, đi thuyền, đánh trống, reo hò, kéo cờ trắng và dàn thành trận-thế...

 

 Tuy chúng tôi có một chút nghi ngờ nhưng cũng xin tạm ghi lại đây để chờ đợi thêm tài-liệu chính-xác hơn

 

+`Chiến thăng 3 lần 29

 

 Quân-đội và Thủy-quân thời Lý

 

 Sự kiện quân-đội nhà Lý đặt nặng về hải-quân không thấy Việt-Sử mô-tả chi-tiết.

 Hồi gần đây, chúng ta đựợc đọc một số nhận-xét mới mẻ của Giáo-Sư Lê-Đình-Thông tại Pháp về chiến-lược và chiến-thuật của Hải-Quân Việt-Nam. Theo đó, lưu-động-tính của quân-đội triều Lý đặt căn-bản trên hạm-đội. Và do đó, toàn-thể quân-đội hiển-nhiên được coi như một tổ-chức Thủy-Quân.

 

 Hải-Quân đánh Tống

 

 Như mọi người đã biết, ngày 27 tháng 10 năm 1075, để phá các căn cứ xâm-lược của Tống ở trên đất Tống. Lý Thường Kiệt đã cho tướng Tôn Đàn chỉ tuy quân Tầy- Nùng vượt biên giới đánh vào đất Quảng Tây, sau đó đến cuối tháng 12 năm 1075, ông thân dẫn thủy quân xuất phát từ Vĩnh An đánh Khăm Châu và Liêm Châu.

 

Hoàn thành nhiệm-vụ, Lý Thường Kiệt đã chủ động rút quân về nước để ngăn cản quân Tống sắp kéo sang xâm-lược Đại Việt. Ông đã xây-dựng một phòng tuyến rất vững chắc ở bờ Nam sông Cầu nhầm ngăn chặn quân Tống qua sông để đánh vào Thăng-Long.

 

 Lý Thường Kiệt lại biết rằng để hỗ trợ cho bộ binh do Quách Quỳ và Triệu, Tiết chỉ huy, Tống Thần tôn và Vương An Thạch sẽ cho một đạo thủy quân do Dương Tùng Tiên chỉ huy: đạo thủy quân này có nhiệm-vụ tiến vào sông Bạch Đằng rồi vào sông Lục Đầu để cuối cùng vào sông Cầu giúp bộ binh của Quách Quỳ và Triệu Tiết qua sông. Ông đã sai tướng mang chu sư đóng ở Đông Kênh để chặn đường tiến của thủy quân Tống. Tướng Lý Kế Nguyên đã hoàn thành nhiệm-vụ một cách vẻ vang: ông đã đánh bại thủy quân của Dương Tùng Tiên. Chiến thắng của tướng Lý Kế Nguyên đã góp phần quan-trọng vào việc làm phá sản mọi kế-hoạch tiến công của Quách Quỳ, buộc họ Quách cuối cùng phải chấp nhận rút quân về nước.

 

 

Rất khó phân-biệt

 

 Thủy quân của nước Đại Việt dưới triều Lý là một lực lượng hùng mạnh, nó đã góp phần quan-trọng vào sự nghiệp phá Tống Bình Chiêm vô cùng hiển hách. Suốt thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII, nó vẫn là một nguồn tự hào của cả dân-tộc.

 

Hình 227. Bản-đồ khu-vực người Việt

 

 

The Gin live on the three islands of Wanwei, Wutou, and hanxin in the Fangcheng Multi-National Autonomous County in the Guangxi

Theo bác sĩ Néis, sát theo bờ biển phía Đông bắc Móng cái có một số làng Việt Nam. Cư dân gồm người Việt cùng nhiều sắc dân thiểu số chứ không có người Hoa. Những làng này ngăn cách với vùng đất Trung Hoa bao quanh bằng mấy rặng núi hình vòng cung của dãy Thập vạn đại sơn (Shiwan dashan) . Danh hiệu một số làng là danh hiệu Việt Nam: Trung sơn, Song phong, Mai công... Một số làng sống bằng nghề đánh cá lấy tên Vạn Công, Vạn Mi, Vạn Thọ, Vạn Tray... như nhiều làng đánh cá Việt Nam khác. Các làng này từ trước vẫn sống dưới quyền quản trị của triều đình Việt Nam.

Ông vẽ một bản đồ (xin xem bản đồ 2) và gọi khu vực này là “enclave annamite” (vùng Việt Nam bị vây trong lãnh thổ Trung Hoa) (11).

Phái đoàn Pháp không thể làm gì khác hơn là viết một tờ trình kèm theo bản đồ, gửi về xin ý kiến chính phủ. Sau sáu tháng chờ đợi (từ tháng 12-1886 đến tháng 6-1887), bác sĩ Néis được biết: vị Đặc ủy đại diện chính phủ Pháp, người đang điều đình một Hiệp ước thương mại quan trọng ở Bắc kinh (Ernest Constans) đã quyết định nhường các làng ấy cùng mũi đất Bạch long cho Trung Hoa. Trong “Thỏa ước phân định biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kyø” (“Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin”) do Ernest Constans, Đặc ủy viên Cộng hòa Pháp, ký với đại diện Trung Hoa tại Bắc kinh ngày 26 tháng 6ù năm 1887, vùng đất trên được nhắc tới như sau: “Những điểm tranh chấp ở Đông và Đông bắc Móng cái, phía bên kia biên giới theo sự ấn định của Ủy ban phân giới, được phân phối cho Trung Hoa” (“Il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkai, au-delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de délimitation, sont attribués à la Chine”). Bác sĩ Néis kết thúc đoạn hồi ký về chuyện này một cách ngậm ngùi: “dân chúng trở về nhà, từ nay trở đi là người Tàu” (14).

Việc mất các làng phía Đông bắc Móng cái là một thiệt hại kép đối với Việt Nam: ảnh hưởng đến ranh giới hải phận. Trong buổi thuyết trình về biên giới Việt Hoa tại Viện Việt Học ngày 7 tháng 4 năm 2002, giáo sư Nguyễn Văn Canh cho biết: quyết định nhường vùng đất phía Đông bắc Móng cái cho Trung Hoa của Ernest Constans đã ảnh hưởng tới việc phân chia hải phận vịnh Bắc Việt một cách thiệt hại cho Việt Nam. Người viết những dòng này hoàn toàn đồng ý với giáo sư. Vì vùng đất trên bị mất, đường ranh chia hải phận vịnh Bắc Việt (“gọi lầm đường ranh Brévié”) chỉ được tính từ mỏm cực đông của đảo Trà cổ. Mỏm này cách ranh giới phía đông của vùng đất bị mất 27 cây số về phía tây. Ranh giới hải phận Việt Nam trong vịnh Bắc Việt do đó cũng bị đẩy lùi về tây, hẹp hơn 27 cây số.[242]

Phái đoàn do Tổng Lãnh sự Bourcier Saint-Chaffray thuộc Bộ Ngoại giao cầm đầu. Trong phái đoàn có sự tham dự của Bác sĩ P. Néis, một nhà thám hiểm và cũng là Bác sĩ của Hải quân. Bác sĩ Néis viết một hồi ký, cung cấp nhiều chi tiết quan trọng về chuyến đi này, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Pháp Le Tour du Monde năm 1887 dưới nhan đề “Sur les frontières du Tonkin. [243]Thiên hồi ký mới được Tiến sĩ Walter E. J. Tips, một chuyên viên về Đông Nam Á dịch sang Anh ngữ, in thành sách dưới nhan đề The Sino-Vietnamese Border Demarcation, 1885-1887. Sách do White Lotus Press xuất bản tại Bangkok năm 1998, và đã được giữ trong rất nhiều thư viện Đại học ở Hoa kỳ.[244]

 

http://www.chsource.org/Jing.htm

 

Hình 228. Tianyahaijiao which means the end of sky and the corner of the sea, is located at the southwest seaside of Sanya city, Hainan Island.

 

 

Duyên-hải và vùng biên-giới Hoa-Việt

Khi ngày tháng cuối cùng của thiên-kỷ vừa qua sắp hết, trong một lúc vội vã chỉ muốn bám chặt vào tư-lợi đảng-phái, Cộng-Sản Việt-Nam đã để lại cho dân-tộc một mối hận lớn lao. Có lẽ trong thiên-kỷ tới, mối hận này sẽ khó lòng rửa sạch. Đó là chuyện Hà-Nội ngoan ngoãn ký vào bản thoả-hiệp về đường biên giới với Trung-Hoa. Vì sợ oai đảng Cộng-Sản đàn anh trong bàn hội-nghị, họ đã hoàn toàn im lặng không đòi hỏi, cũng như không giám nói gì đến những vùng đất lịch-sử Việt-Nam lâu đời, bao gồm các quặng mỏ quí như mỏ vàng Bình Di, mỏ bạc Đường Gấm, Hoa Lâm, mỏ chì ở Tùng Bách, mỏ đồng ở Tụ Long.

   Ngoài mặt, Cộng-Sản Việt-Nam tuyên-bố bảo-vệ Tổ-Quốc chống xâm-lăng, nhưng trên thực-tế đảng này đã có manh-tâm "đi đêm" với cả hai kẻ thù truyền-kiếp, cả Tây lẫn Tàu. Đọc lại lịch-sử đau buồn thời bị trị cuối thế-kỷ 19, chúng ta biết rằng vì muốn được yên thân khai-thác thuộc-địa Đông-Dương, đám thực-dân mới là Pháp không muốn đám thực-dân cũ là Tàu gửi quân quấy phá, nên Pháp đã cố ý nhượng-bộ bằng cách "hối-lộ". Họ cắt cho nhà Thanh Trung Hoa một số vùng đất của Việt Nam một cách thản-nhiên. Khu-vực như kể trên, không những khá rộng mà đặc-biệt, còn chứa đựng những tài nguyên vô-giá.

   Việc Pháp thản-nhiên cắt đất Việt-Nam vì họ xét rằng việc ấy có lợi cho kế-sách thực-dân của họ. Thế nhưng Cộng-Sản Việt-Nam sẽ trả lời ra sao với lịch-sử khi Đảng của họ dám tự-quyền xác-nhận việc hai đế-quốc xâu xé lãnh-thổ Việt-Nam lúc xưa (Hiệp-ước Pháp-Hoa 1887 và 1895) là hợp-pháp. Họ lại còn trải thảm đỏ đón tiếp Thủ-Tướng Trung-Cộng qua thăm viếng để cám ơn Cộng-đảng Tàu nưã!

Một khi cắt đất thì vùng duyên-hải và hải-phận cũng theo đó mà bị mất luôn. Dian H. Murray cả-quyết rằng khu duyên-hải quận-lỵ Trường Binh thuộc về lãnh-thổ Việt-Nam từ lâu đời. Sử-gia này viết trong cuốn sách "Pirates of the China Coast, 1798-1810"; California, 1987, trang 18: "Chiang-p'ing was technically a part of Vietnam until 1885". Đi xa hơn nưã vào quá-khứ lịch-sử, nhà địa-lý-học Harold J. Wiens còn vẽ ra biên-giới thời Lý-Tống của nước ta ăn sâu vào Quảng Tây nhiều trăm dặm Anh. (China's March Towards the Tropics, Conn, 1954.) 

   Sau nữa, nếu người Việt-nam cho dù không đọc sách ngoại-ngữ, cũng biết rằng biết rằng từ thời Tiền Lê, Đại-Hành Hoàng-Đế đã xác-định hải-phận quốc-gia đến tận vịnh Liêm-Châu. Trong"Hành Lục Tập", sứ-giả Tống-Cảo nhà Tống đã thành-thực viết rằng: "Cuối Thu năm ngoái, bọn Cảo chúng tôi đi đến hải-giới Giao-Chỉ, Nha Nội đô chỉ-huy-sứ của Hoàn là Đinh-Thừa-Chính đem chín chiến-thuyền và 300 quân đến Thái-Bình-Trường để đón..." Thái-Bình-Trường thuộc phủ Liêm-Châu, rất xa Mống Cái hay đảo Trà-Cổ; và nằm về phía Đông của Kinh Tuyến 108 độ 03 phút Đông.

 

 

Về phần vịnh Bắc-Việt, các ủy viên Bộ chính-Trị đảng CSVN cố tình chà đạp lên lịch-sử của dân-tộc khi ký kết Hiệp-định phân chia lãnh-hải Việt-Nam, Trung quốc vào ngày 25-12-2000 để dâng cho Bắc Kinh 47% diện-tích vùng biển rộng lớn có kho hải-sản quan-trọng cũng như mỏ dầu hỏa và hơi đốt. Trong quá trình lịch-sử đối kháng Bắc phương, Quảng Đông và Quảng Tây còn bị vua Quang Trung chuẩn-bị dấy quân đòi lại từ Thanh triều do đó Bắc Kinh luôn luôn xem vịnh Bắc Bộ là của Việt-Nam. Bản-đồ địa-dư của Trung quốc ghi rõ là hải cảng của vùng đất cực Nam với địa-danh Hợp Phố có tên là Bắc Hải. Hải cảng cực Nam của Trung quốc có tên “Bắc Hải” (cửa biển phía Bắc) bởi vì nó dẫn ra vùng biển thuộc lãnh-hải phía Bắc của Việt-Nam; nếu Bắc Kinh không công nhận vịnh Bắc-Việt của nhân dân Việt-Nam thì đã đặt tên cho hải cảng đó là Nam Hải như tên của đảo Hải Nam vì nằm ở cực Nam nước Trung Hoa [điển hình như thành-phố Nam Kinh được mang địa-danh này là vì nằm ở vùng đất phương Nam khác với Bắc Kinh]. Do đó khi đất nước bị rơi vào vòng nô lệ thực dân Pháp, Ba Lê cấp cho Thanh triều 38% lãnh-hải vịnh Bắc Bộ qua Hòa-Ước 1887, Bắc Kinh nhanh chóng chấp thuận vì họ biết vùng biển này không thuộc về Trung quốc. Cho đến hôm nay Bắc Kinh vẫn gọi vùng vịnh Bắc-Việt (theo Hòa-Ước 1887) là vịnh Bắc Bộ mặc dầu nằm ở phía Nam Trung quốc; và điều này chứng tỏ tư duy cẩn trọng của họ về chủ quyền phía Bắc của chúng ta.

 

CÔNG ƯỚC 1895.

Công-ước này được ký ngày 20 tháng 6 năm 1895 tại Bắc Kinh giữa đại diện-pháp là August Gerard và Hoàng thân K'ing, đượi gọi là "Công-ước bổ-túc cho Công-ước phân-định biên giới giứa Bắc Kỳ và Trung Hoa ký ngày 26 tháng 6 năm 1887".

Mục đích là điều chỉnh và bổ túc công-ước 188, các biên bản và họa đồ đã được chấp thuận trước đó.

Nội-dung văn-kiện này là vẽ lại một số đường ranh biên giới giữa Vân Nam và Annam; giữa một địa-điểm của Vân Nam là Long-Po-Tchai và Hắc giang; giữa Vân Nam và Hắc giang từ nhánh Nam-Nap và sông Mekong. Căn cứ vào đó, nhân viên của hai chính-phủ sẽ thực-hiện việc cắm mốc theo bản-đồ đã được chấp thuận.

 

TRUNG HOA ĐÒI NHƯƠNG THÊM ĐẤT

 

Điều 3 Hiệp-ước Thiên tân có nói rằng " ở nơi nào nếu cần, có thể điều chỉnh chi tiết ( sửa lại chi tiết cho đúng) để đưa đến một biên giới thực sự cho Bắc kỳ". Phía Trung Hoa vin vào đó, giải-thích dấu hiệu này như là giúp đưa đến những sắp xếp sâu rộng, coi như bồi thuờng về đất đai đối với những nhượng bộ chính-trị mà Trung Hoa đã ưng thuận ở nơi khác. Lý hồng Chương giải-thích cho Đô đốc Rieuner :"Nước Pháp đã được qúa nhiều khi chiếm được Bắc Kỳ, một xứ chư hầu của Turng Hoa từ 600 năm nay... Điều này làm tôi rất đỗi ưu-tư; cần có một đền bù dưới hình thức nhường một ít đất ở vùng biên giới của Annam đối với tôi như thế là đủ"

 

Vì tình-hình địa-phương rất phức tạp, họ Lý không thể giải-quyết vấn-đề biên giới được vì chính-quyền cấp tỉnh có thể đưa ra một đường lối khác. Phó vương Lưỡng Quảng Zhan Zhi dong, một đối thủ của Lý hồng Chương, lại là biểu tượng của lực lượng chống ngoại xâm, và các ủy ban phân-định biên giới gập vô cùng khó khăn. Một thành viên người Pháp và một số nhân viên bị giết ở Hải ninh vào 25 tháng 11 năm 1886. Về vụ giết người này, phía Pháp cho là Zhan chủ mưu. Rồi, nhân dịp giải-quyết một vùng tranh chấp đặc biệt, "một khu người Việt nằm trong đất Trung Hoa" ( enclave annamite: Nay tác giả bài này không biết nằm ở đâu) và mũi Packlung ( bên kia Móng cái, có lẽ độ 20 cây số đường chim bay), tình trạng căng thẳng gần đến đổ vỡ và chiến tranh đã gần kề.

 

Tuy nhiên, lại có thương thuyết tiếp theo và công-ước về phân-định biên giới được ký vào 26 tháng 6, 1887 tại Bắc kinh.

 

Trong khi các ủy viên phân-định và các nhân-viên trắc-địa hoạt-động, thì Bộ trưởng đặc mệnh tòan quyền, dân biểu Constans được gửi sang để thương thuyết và ký hai công-ước phụ đính được trù liệu trong Hiệp-ước Thiên tân: công-ước về thương mại va công-ước về biên giới. Constans theo Charles Foruniau là một kẻ có thế lực theo chủ nghĩa cơ hội, thành công giải-quyết quyền-lợi thương mại. Và quyền-lợi chính-trị thôi thúc y kết thúc mau lẹ để y còn trở về hoạt-động tại nghị trường. Do đó, có những nhượng bộ về đất đai.

Công-ước phân-định biên giới trong tình trạng này đã chấp thuận nhượng một phần lãnh-thổ Việt-Nam cho Trung Hoa ở nới có tranh chấp giữa hai Ủy Ban. Có 2 địa-điểm tranh chấp chính được nhượng choTrung Hoa: 1) trên biên giới Vân Nam, là tổng Tụ-Long, hòan toàn thuộc về đất của Vương quốc Annam và chừng 3/4 đất đai của tổng này bằng 750 cây số vuông được nhượng cho Trung Hoa và 2) thuộc tỉnh Quảng Đông là mũi Packlung và "khu-vực người Việt nằm trong lãnh-thổ Trung Hoa" . Việc nhượng đất này có hai hậu quả quan-trọng : a) một mặt lấy mất đất cuả Việt-Nam và b) còn xác-định lại biên giới hải phận và phần đất dọc theo duyên-hải: "Các đảo về phía Đông cuả đường kinh-tuyến Paris 105o 43o của kinh-tuyến đông, nghĩa là đường chạy theo hướng Ðông-Bắc qua mũi phía Ðông đảo Trà cổ và lập thành đường ranh sẽ giao cho Trung Hoa...". Từ đó cho đến nay, không có một thỏa-ước nào được ký kết giữa Pháp và Trung Hoa về mặt biển.

 

Cuối cùng, trên một đọan thuộc vùng Phong Thổ, phía Tây của Lào cai, giữa sông Hồng Hà và Hắc Giang chưa có công tác trắc-địa nào được thực-hiện./.

 

Đường màu đỏ đó là đường quản lý hành chánh chỉ có mục đích xác-định qyền sở hữu chủ của các đảo ở mỗi bên. Ý nghĩ này xuất phát tù phía TC từ đầu thập niên 1970. Nay, với lời tuyên bố của Lê công Phụng, VC đã nhượng bộ, chấp thuận rằng đó là đường quản lý hành chánh. Như thế là cùng nhau thảo luận để thiết lập đường biên giới. Nhượng bộ này làm thay đổi toàn diện vùng vịnh và đưa tới dâng hiến phần lớn Vịnh Bắc-Việt cho Trung cộng, và từ đó họ chiếm cứ tài-nguyên quốc-gia, kiểm-soát vùng Vịnh và chế ngự đất liền.

Đường quản lý ấy là ở đâu?. Đó là vạch màu đỏ trên bản-đồ chạy theo hướng Bắc Nam, bắt đầu từ giao điểm giữa Móng cái và Quảng đông chạy dài xuống phía nam, hướng thẳng đến cuối tỉnh Thừa Thiên.

 

Sự thực đường màu đỏ ấy là gì?

Công-ước 26 tháng 6 năm 1887 được ký tại Bắc kinh có liên-quan đến phân dịnh biên giới Trung Hoa và Bắc kỳ giữa đại diện-pháp là Ernest Constans và Hoàng thân K'ing. Đoạn về đường ranh trong vịnh nói nguyên-văn như sau: "Les iles qui sont à l'Est du méridien de Paris 105 o 43 de longitude Est, c'est à dire de la ligne Nord-Sud passant par la pointe orientale de l'ile de Tch'a-kou ou Duan chan (Tra-co) et formant la frontière sont également attribuées à la Chine. Les iles Go-tho et les autres iles qui sont à l'Ouest de ce méredien appartiennent à l'Annam". Tác giả soạn ra Công-ước và các nhà thương thuyết đã dùng danh từ biên giới-frontière, và còn nói rõ rằng lập thành đường ranh biên giới "formant la frontière" để chỉ đường ranh-giới của Vịnh. Và hậu quả đương nhiên là có bao gồm ý nghĩa quản trị hành chánh: các đảo nằm ở phía Ðông của đường BIÊN GIỚI thuộc về Trung Hoa , và các đảo thuộc phía Tây, thuộc-Việt-Nam. Tôi lưu ý rằng, Hàn Niệm Long, thứ trưởng ngỉoại giao Trung cộng, khi mang đoạn Công-ước kể trên ra làm căn bản thương thuyết đã thiếu lương thiện bằng cách bỏ các chữõ FORMANT LA FRONTIÈRE đi, để biện luận rằng đây là được quản lý hành chánh.

 

Vì chỉ là đường ranh quản lý mà VC đồng ý với TC, nên cần phải thiết lập một đường ranh-giới chính-thức. VC ngày nay nói là căn cứ vào vị-trí tự nhiên, điạ lý và cả nguồn-lợi nữa để phân-định lãnh-thổ, không nói gì tới đường biện giới trong vịnh do công-ước 1887 qui định.

Vì nhượng bộ này, mà kết-quả toàn bộ của thuơng thuyết đã đảo lộản hết.

 

Nhân dịp này, tôi cũng muốn nhắc lại những chi tiết về việc Lý hồng Chương xin với Constans cắt "chút đất" để bù lại vì Trung Hoa mất hết cả Annam là chư hầu, khi thương thuyết về hai công-ước thi hành Hệp-ước Thiên tân. Cuối cùng, Constans đã chấp thuận nhường a) 3/4 tổng Tụ-Long bằng 750 cây số vuông thuộc Hà giang cho Vân Nam . 100% đất tổng này thuộc về Việt-Nam, và được biết là nơi đó có nhiều mỏ đồng. b) Constans còn cho thêm một "khu-vực của người Annam "[245] (một túi bọc) nằm trong tỉnh Quảng Đông, đồng thời cắt cả mũi Packlung (nằm đối diện với giao điểm ranh-giới Quảng đông và Móng Cái cho Trung hoa) để thiết lập ra đường màu đỏ, mà tôi gọi là đường ranh 1887 hay đường ranh Constans[246] , vì đường này phải bắt đầu từ mũi Packlung, thay vì từ giao điểm Móng Cái và Quảng đông như hiện nay. Trong trường hợp đó, vạch màu đỏ sẽ nằm ở phía Ðông của đường ranh-giới 1887, và như thế, Việt-Nam còn được thêm hơn 20 cây số nữa.

 

Tóm lại, VC đã bí mật nhượng đất liền và một phần đáng kể vùng vịnh Bắc-Việt cho Trung Cộng. Chưa hết, còn tài-nguyên cũng sẽ được chia cho Trung cộng qua hiệp-ước đánh cá chung trong vùng nam Bạch-Long-Vĩ và vùng "quá độ" đảo này. Nay mai, chúng sẽ còn hiến dâng tài-nguyên khác nằm trong lòng Vịnh. Đó là chưa nói tới việc tạo bàn đạp cho ngoại bang có cơ hội thuận tiện khi tiến quân xâm lăng bờ cõi của chúng ta.

 

 

Hình 203

 

 

Hình 229. Hai Phái-đoàn thương-thuyết Pháp-Hoa

 

Hình 230. Bản-đồ Vịnh Bắc-Việt có ghi vi-trí Bắc-Hải  và Ðông-Phương

 

Hình 231. Người Việt

Hình 232. Bn-đồ phân-tách hải-phận do trường Ðại-học Texas phổ-biến

Chương 10

Hải-phận Vịnh Bắc-Việt

 

10.1 -Lần đầu tiên Cộng-Sản phải Tiết-lộ vì bị bắt buộc

Sau một thời-gian dài im-lặng, Đảng Cộng-Sản Việt-Nam đã phổ-biến một vài tin-tức liên-hệ đến Hiệp-định phân-định Vịnh Bắc-Bộ và Hiệp-định Hợp tác nghề cá giữa Việt-Nam - Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ qua hai bài viết:

- Bài của Lê Công Phụng, Thứ trưởng Ngoại giao (CSVN)- http://www.cpv.org.vn/tccs/022001/6_lecongphung.htm

- Bài tóm tắt sự kiện, Tạp Chí Tư Tưởng Văn-hóa số 3, 2001- http://www.cpv.org.vn/anpham/tutuong/032001/ 13_kyhiepdinh.htm

Từ trước đến nay, dân-chúng Việt-Nam (VN) chưa khi nào được Đảng Cộng-Sản và Chính-quyền Hà-Nội cung cấp đầy đủ tin tức hay chi tiết liên-quan đến tình-trạng biên-giới trên bộ cũng như ngoài biển với Trung-Cộng (TC). Lần này, nhân dịp mừng Đại-hội lần IX (1), Đảng Cộng-Sản Việt-Nam cho công-bố chính-thức chuyện này trên Website mới của họ vào ngày 10/04/2001.

Phải có những lý-do sâu xa bắt buộc họ phải làm như vậy.

Đáng kể nhất là áp-lực mạnh mẽ từ phía đảng Cộng-sản Trung-Hoa. Có lẽ đã đến lúc Trung-Cộng ra oai, muốn bạch-hóa những thành-tích lấn-chiếm của họ.

Trung-Cộng lại đang tranh-cãi chủ-quyền hải-phận và không-phận với Hoa-Kỳ. Trong khi phi-cơ Hải-Quân Mỹ bay thám-thính Biển Đông, gặp phi-cơ chiến-đấu Trung-Cộng ngăn cản, đụng nhau rồi phải đáp khẩn-cấp xuống phi-trường Lingsui, Hải-Nam. Việc ký-kết Việt-Hoa về Hải-phận nhiều ít cũng tăng-cường thế mạnh của Trung-Cộng, đặc-biệt khi Đế-quốc Đỏ này đang hung-hăng đòi chủ-quyền tuyệt-đối tới 80% Biển Đông và diễu-võ dương-oai với các Quốc-Gia Đông-Nam-Á, đồng-thời đe-dọa xâm-lăng Đài-Loan.

 

Hinh 233. Phi-cơ Hải-Quân Mỹ bay thám-thính Biển Đông, gặp phi-cơ chiến-đấu Trung-Cộng ngăn cản, sau đó đụng nhau.

 

Trong khi chính-quyền Hà-Nội khoa-trương nền móng độc-lập tự-trị, người ta lại thấy chúng xun xoe hầu tiếp Hồ Cẩm Đào, Phó Chủ-tịch Trung-Cộng sang dự đại-hội Đảng CSVN kỳ IX. Chưa bao giờ trong lịch-sử lại có chuyện phiên-thần nhục-nhã "luồn cúi" tương-tự. Cho đến Việt-gian Lê-Chiêu-Thống cũng chỉ cõng được "con rắn "vĩ-đại" tới mức “một quan-chức Tàu cấp Tổng-Đốc” hàng tỉnh (Lưỡng-Quảng) mà thôi. Ngày nay, "Á Hoàng-Đế" Hồ-Cẩm-Đào đã nghiễm-nhiên ngồi giám-sát chuyện họp hành quốc-gia trọng-sự của "An-Nam" trong suốt mấy tuần-lễ tại Hà-Nội. Qua các hình-ảnh công-bố, sau khi được Chủ-tịch Nước là Trần-Đức-Lương chào-đón và tiếp-rước long-trọng, người ta thấy họ Hồ luôn luôn kèm sát luôn bên cạnh Chủ-tịch Đảng CSVN là Lê-Khả-Phiêu. Vì thể-diện quốc-gia và nghi-lễ ngoại-giao, các chính-phủ từng bị chính Hà-Nội gọi là bù-nhìn, chưa khi nào dám công-khai làm những trò trơ-trẽn đến như vậy.

Chúng tôi xin kể tiếp câu chuyện "cõng rắn cắn gà nhà" này bằng cách lược-duyệt những diễn-tiến thương-thuyết hải-biên hai nước. Đặc-biệt, chủng tôi trình-bày một số bản-đồ minh-chứng mà CSVN đã ém nhẹm vì sợ lộ-liễu quá. Hành-động cắt đất cắt biển cầu thân của giặc Cộng rất rõ-ràng.

 

10.2 - Những Diễn-tiến Thương-thuyết Hải-biên hai nước

Trước hết chúng tôi muốn lược-duyệt những diễn-tiến thương-thuyết biên-giới giữa hai nước. Cũng như mọi chi-tiết muốn dấu kín vì sợ lãnh-tội, người Cộng-sản không muốn dân-chúng biết tiến-trình những cuộc thương-thảo này.

Sự thực, Hà-Nội bí-mật làm chuyện thương-thuyết từ rất lâu. Ðảng Cộng-Sản bưng-bít coi thường cả một dân-tộc gồm gần 80 triệu người đã đến 9 năm trời. Tới nay, Lê-Công-Phụng bị bí lối mới phải thú-nhận rằng hai đảng đã ký "Thỏa-thuận về các nguyên tắc cơ bản để giải-quyết Vấn-đề Biên giới" giữa Việt-Nam và Trung Quốc từ ngày 19-10-1993. Trong đó những cương lĩnh cho các hiệp-ước tương-lai đã nêu rõ đầy đủ (từ 1993), với các phương hướng phân-định biên-giới, gồm cả việc phân-định hải phận ngoài Vịnh Bắc Bộ.

Sau khi ký một hiệp-ước sơ-bộ (năm 1997), 2 năm sau đó chính-phủ Hà-Nội tức nhà nước CSVN ký hiệp-định ngày 30.12.1999 về biên-giới trên bộ. Cũng như chủ-ý của một chế-độ độc-tài, Ðảng tự mình quyết-đinh đơn-phương, không cần ý-kiến của người dân.

Mới đây nhất là hiệp-định 25.12.2000 về biên-giới trong Vịnh Bắc-Việt.

Ngày 10/04/2001, Lê công Phụng, thứ trưởng ngoại giao của Cộng-sản Việt-Nam nói rằng: “Nhân dân ta đón nhận việc ký kết hai hiệp-định trên (tức là hiệp-định ngày 30.12.1999 và hiệp-định 25.12.2000) như một thành công lớn của hoạt-động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2000.“

Nếu thành-công lớn như vậy mà đảng Cộng-sản Việt-Nam không dám công-bố hai hiệp-định này là tại sao? Một đìều vô-lý là Cộng-sản dấu diếm, nhân-dân không biết chi-tiết thì làm thế nào mà nhân-dân lại hân-hoan đón nhận việc ký-kết cho được chứ ?!

 

10.3 - Chủ-quyền Vịnh Bắc-Việt trong Cổ-thời

Vịnh Bắc-Việt trong cổ-thời hoàn toàn thuộc chủ-quyền Việt-Nam. Ngoài Sử Việt-Nam, Sử Trung-Hoa cũng ghi-nhận vùng biển này là Biển Giao-Chỉ hay Giao-Chỉ-Dương. Không những tên biển được xác-nhận rõ-ràng, mà theo nhà Địa-lý-học Edward H. H, Schafer, ngay cả tên đảo Hải-Nam - đảo tiếp-giáp - cũng một thời có nghiã là tỉnh của Việt-Nam. Ông viết trong cuốn sách tựa đề Châu-Nhai "Shore Of Pearls" (Berkley & London 1970, trang 9) như sau: "In Han period, when it (Hainan) begins to appear in Chinese texts, "South Of the Sea" referred to the Vietnamese provinces, as we would style them..." .

Về hải-thương, Schafer ghi-nhận hầu hết sản-phẩm được đưa tới bằng đường biển. Thuyền từ phía Tây-Nam là Đại-Việt vượt ngang Giao-Chỉ-Dương để đến đây. "Southwest of Hainan is that great sea called "Chiao-Chih Ocean" (Shore Of Pearls, trang78).

 

 

Hình 234. Một phần bìa cuốn sách "Shore Of Pearls" (Berkley & London, 1970), có kèm tấm Bản-Đồ Hainan với Giao-Chi-Dương và (sóng gió) kình-ba được trình bày như ở trên.

 

Cho đến thế-kỷ thứ 11, người Trung-Hoa vẫn còn rất sợ-hãi Vịnh Biển này không giám mạo-hiểm hải-hành vì sóng gió khủng-khiếp. Ngay từ thời sinh-tiền, thi-hào Đỗ-Phủ đã có lần đề-cập đến câu truyện này. Tên "kình ba" (whale waves) thường ghi đậm nơi tâm-trí người Trung-Hoa. Một khi đã vượt biển (quá-hải) ra đi, tất phải trở về, câu "cự kình-ba" lần thứ hai quả là cơn ác mộng lớn trong một đời người Trung-Hoa (Shore Of Pearls, trang 79). 

Cuốn sách này cũng đề-cập đến huyền-thoại Dương Bộc

 

 

10.4 - Chủ-quyền Vịnh Bắc-Việt theo Thỏa-Ước 1887

Sau khi Nhóm Trí Thức-Việt-Nam Hải Ngoại ra Tuyên Cáo ngày 18/12/2000, phản-đối việc phân ranh bất-hợp-pháp lãnh-thổ VN, Giáo-Sư Nguyễn-Văn-Canh đã viết thêm về vấn-đề ấy.

Theo đó, trong một phiên họp thương-thuyết Việt-Hoa vào tháng 8/1974, phía Việt-Cộng viện dẫn Công-ước 1887 về biên giới dựa trên kinh-tuyến Greenwich, 108 độ 3 phút 13 giây Đông (hay kinh-tuyến Ba Lê 105 độ 43' của đường kinh-tuyến Đông) làm đường phân ranh lãnh-thổ v.v.... Tuy nhiên phía Trung-Hoa (TH) đã phản bác rằng đường ranh Đỏ ấy có mục tiêu chỉ dẫn quyền sở hữu chủ các đảo mà thôi, không phải là đường phân ranh về lãnh-thổ. Vì thế các cuộc họp không đạt được kết-quả.

Căn cứ vào đó, phía TH kêu nài rằng Việt-Nam chiếm tới 2/3 lãnh-thổ trong vịnh Bắc-Việt, rằng TH phải ký hiệp-ước ấy vì ở thế yếu, do Pháp ép buộc. Nhưng không bao giờ phía TH nói tới sự kiện rằng khi Pháp điều đình với TH, Pháp đã cắt một phần biển mui Packlung và đất thuộc Lai Châu bây giờ, cho TH nhập vào Vân Nam để đổi lấy làn ranh ấy. Riêng về việc cắt một phần lãnh-thổ như trên cho TH, Pháp đã làm một việc bất hợp pháp. Mặt khác, hình thể Việt-Nam chạy theo hình chữ S. Từ mỏm đầu chữ S, nơi giáp ranh-giữa Việt-Nam và TH, Uỷ Ban Pháp Hoa Phân-định Lãnh-thổ kẻ một đường màu Đỏ Bắc-Nam là một điều công bằng và hợp lý. Phần lãnh-hải nằm về phía Tây của đường ranh thuộc VN. Phần lãnh-hải này thuộc-Việt-Nam cũng phù hợp với Thuyết Lãnh-thổ Kế Cận mà Công Pháp Quốc tế vẫn hằng nhìn nhận.

Cuối cùng, đường Màu Đỏ trên bản-đồ có mục đích phân chia quyền sở hữu chủ các hải-đảo trong vịnh, như Trung-Cộngnói, nếu không phải là đường ranh phân chia lãnh-thổ, thì là đường gì?

Hình 235. Ðường Ðỏ hay Hồng-Tuyến

 

10.5 - Diễn-tiến Âm-mưu lấn biển và Vùng Hand-Off

Cũng theo Giáo-Sư Nguyễn-Văn-Canh, với kiểu ăn nói cố hữu của Cộng-Sản như vậy, Trung-Cộng trong nhiều năm qua đã lạm dụng quyền hành và đơn phương nới rộng chủ quyền của mình trong Vịnh Bắc-Việt.

Ngày 19 và 30/8/1992, 2 tàu của Trung-Cộng được đưa ra khơi để tìm dò dầu hỏa trong vịnh Bắc-Việt. Rồi ngày 30/9, tàu Nam Hải 6 được đưa vào vùng mục tiêu mà Hà Nội nói là ở 112 cây số Đông Nam hải cảng Ba Lạt. Tàu khác tên là Phấn Đấu 5 đã hoàn tất công tác nghiên-cứu địa-chất vào 30/8 tại vùng Nam vịnh Bắc-Việt. Tàu này hoạt-động ngay tại của bể Hải Phòng, cách tỉnh Thái Bình 70 dậm (khoảng 120 cây số). Dù bị Việt-Cộng phản đối, Trung-Cộng trả lời rằng các tàu khoan dầu ấy hoạt-động trong phạm-vi lãnh-thổ TH chiếu theo làn ranh của Vịnh. Thực-sự, các tàu ấy đã xâm phạm quá sâu vào phía Tây của vịnh, sau khi vượt qua đường ranh Màu Đỏ.

Trong suốt 3 thập-niên 70, 80, 90 bất chấp luật-pháp; Trung-Cộng ngang nhiên tự-động vẽ ra vùng biển "Hands-Off Area" cấm Việt-Nam không được động-chạm đến. Còn Trung-Cộngvẫn tiếp-tục gửi tàu tới thăm dò. Khu-vực này rất rộng lớn, kéo dài 2 độ vĩ-tuyến (từ 18 đến 20 độ Bắc) rộng suốt 1 độ (từ 107 đến 108 độ Đông) 120HLx 60HL= 7,200 HL vuông. 

 

Hình 236. Vùng “cấm” rất lớn:120HLx 60= 7,200 HL vuông

 

10.6 - Vùng Hand-Off có gì?

Bằng đủ mọi cách âm-mưu, Trung-Cộng nhắm chụp dựt khu Trung-ương của Vịnh Bắc-Việt. Tại sao vậy?

Để trả lời, người ta chỉ có một câu độc-nhất: Ở đó có nhiều tiềm-năng dầu-khí.

Theo nguyên-lý căn-bản, Việt-Nam đương-nhiên sở-hữu khu-vực trung-ương của Vịnh Bắc-Việt theo thỏa-ước 1887. Một lý-lẽ khác hiện-hữu còn mạnh mẽ hơn nhiều lần nữa: Đảo Bạch-Long-Vĩ của Việt-Nam nằm ở ngay giữa vùng Vịnh.

Ngay trước khi kỹ-thuật khai-thác dầu-khí chưa tiến-bộ, các nhà địa-chất-học đã biết loại tài-nguyên quý-giá này thường nằm kẹt trong những lớp thủy-tra-thạch do sông ngòi bồi đắp liên-tục từ hàng triệu năm về trước. Trong Vịnh Bắc-Việt, sông Hồng tạo ra vùng những lớp kết-tầng này.

Bản-đồ và Tài-liệu của Đặc-San Petroleum News (USA, Feb. 1984) chỉ cho thấy thủ-đoạn của Trung-Cộng âm-mưu với các Công-ty ngoại-quốc xúc-tiến việc thăm-dò và khai-thác dầu lửa và khí đốt, thọc sâu vào phần biển Việt-Nam. Kinh-nghiệm thu-hoạch nhiên-liệu ở thềm lục-địa phía Đông-Nam Nam-phần cho biết dầu lửa không có nhiều ở vùng châu-thổ Cửu-Long-Giang. Các túi dầu-khí nằm tại vùng thủy-tra-thạch phía ngoài khơi của Côn-Sơn.

Tại các tỉnh duyên-hải như Thái-Bình, Nam-Ðịnh cũng chỉ có hơi đốt; còn các túi dầu có lẽ ở giữa Vịnh Bắc-Việt.

 

Hình 237. Chỉ cần nhìn qua bản-đồ các vùng dự-trù khai-thác dầu-khí của họ, thế-giới hiểu ngay tham-vọng quá lớn của Trung-Cộng trong vùng Vịnh Bắc-Việt của chúng ta..

 

Vào thập-niên 1970, nhiều báo-cáo về tiềm-năng dầu hỏa và khí đốt trong vùng biển Việt-Nam đã hoàn-tất. Selig S. Harrison đã vẽ một bản-đồ chỉ rõ ràng những khu-vực thủy-tra-thạch kết-tầng và những khu-vực mà các hãng dầu-khí mong đợi để khai-thác. (An informative and interesting discussion of these reports can be found in Selig S. Harrison, China. Oil and Asia: Conflict Ahead? New York: Columbia University Press, 1977: 42-46.)

Chúng tôi xin trình-bày hai bản-đồ ở đây: (1) của chính nhng hãng dầu lửa Trung-Hoa mới đưa lên lưới điện-toán thời-gian gần đây, và (2) bản-đồ Selig S. Harrison.

Vì thế, Trung-Cộng mạnh tay nhất-định chiếm cho hết khu-vực thủy-tra-thạch giữa vùng biển sâu của Bắc-phần, đúng ngay địa-điểm có khả-năng chứa đựng dầu-khí nhiều nhất.

 

Hình 238.

 

10.7 - Đường Phân-định Mới và Vùng Biển Chiến-lược TC

Sau khi thi-hành kế-hoạch với nhiều âm-mưu dài-hạn qua nhiều thập-niên, nay thời-cơ thực chín mùi; đã đến lúc Trung-Cộng ra tay chộp lấy thành-quả chính-thức. Trung-Cộng đã ép buộc được Hà-Nội ký-kết một hiệp-ước hoàn-toàn có lợi cho họ. Từ sở-hữu 2/3 Vịnh Bìển, nay Việt-Nam chỉ còn giữ được trên lý-thuyết một nửa (hay 53.23%) vịnh Bắc-Việt mà thôi.

Trên thực-tế, phần sở-hữu lại khác đi rất xa. Về tài-nguyên dầu-khí, có thể Trung-Cộng đã chiếm gần trọng khu-vực chính. Đặc-biệt phần khai-thác ngư-nghiệp rất tệ-hại cho VN. Theo dự-đoán như dưới đây, tài-nguyên-hải-sản sát bờ của Việt-Nam còn giữ được là một phần ba, nhưng phần tài-nguyên vùng biển sâu đã thực-sự bị cướp đoạt tới 3/4 sản-lượng. Trong khi đó, hơn một nửa dân-chúng Việt-Nam trông chờ Chính-quyền bảo-vệ “nguồn sống muôn đời” đành chịu thất-vọng.

 

Hình 239.

 

Chúng tôi xin đăng toàn-thể hai bản văn của chính-quyền Hà-Nội - tại phần Phụ-bản - làm bằng chứng để chúng ta cùng suy-luận.

Vị-trí Chiến-lược của đảo Bạch-Long-Vĩ đã bị vô-hiệu

Ðảo Bạch-Long-Vĩ gần giữa Vịnh Bắc-Việt, lại nằm trên thềm lục-địa của Việt-Nam. Ðảo ngăn-cách với đảo Hải-Nam bằng một rãnh sâu hơn 60 thước nước. Ðúng theo Công-ước Liên Hiệp Quốc về Biển cả năm 1982 (United Nations Convention on the Law of Sea", viết tắt là UNCLOS), đảo Bạch-Long-Vĩ này có vị-trí tuyệt-đối quan-trọng hơn bất cứ một yếu-tố địa-lý nào để xác-định hải-phận đặc-quyền kinh-tế giữa Việt-Nam và Trung Quốc.

Tuy vậy, chỉ cần đọc sơ qua bài của Lê Công Phụng, các Chiến-lược-gia nào cũng có thể nhận ngay ra rằng Trung-Cộng đã hoàn-toàn siết được cổ Bắc-Việt-Nam (và cả Việt-Nam nói chung): Trung-Cô.ng đã đương-nhiên vô-hiệu-hóa hoàn-toàn vị-trí chiến-lược của đảo Bạch-Long-Vĩ.

Ngay từ lâu đời, Ông Cha ta đã chiếm đảo này để làm thế "ỷ-dốc" cho toàn-thể Đại-Việt. Thời Pháp, Hải-Quân họ cũng lo chuyện phòng-thủ này. Chính Lê Công Phụng, Thứ trưởng Ngoại giao Hà-Nội là Trưởng Phái-đoàn Thương-thuyết cũng biết vậy. Ông này viết: Phần Vịnh phía ta có khoảng 1,300 hòn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch-Long-Vĩ nằm cách đất liền nước ta khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km... Vịnh có vị-trí chiến-lược quan-trọng đối với Việt-Nam và Trung Quốc về an ninh và quốc-phòng... Thế mà nay theo thỏa-ước 2001, Trung-Cộng đã tạo được khu "biển chiến-lược" kè sát nước ta, chỉ cách Bạch-Long-Vĩ 15 Hải-lý (hay là chừng 1/2 tầm Hải-pháo thường, không kể đến Hỏa-tiễn của chiến-hạm mới TC). Đó là chưa kể tàu ngụy-trang đánh cá Trung-Cộngcòn được phép đến gần đảo 7.7 HL (Bờ nam Bạch-Long-Vĩ nằm trên vĩ-độ 20 độ 07 phút 7 Bắc, xem thêm phần hợp-tác nghề cá).

 

10.8 - Hiệp-định Mới Về Đánh Cá và Vùng Biển khả-dụng TC.

Nguyên-văn Hiệp-định mới thiết-lập "vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ từ vĩ-độ 20 độ xuống đường đóng cửa Vịnh. Vùng này có bề rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân-định về mỗi phía và có tổng diện-tích là 33,500 km2, tức là khoảng 27,9% diện-tích Vịnh. Như vậy, đảm bảo cách bờ của mỗi nước là 30 hải lý: đại bộ phận cách bờ của ta 35 - 59 hải lý và có 2 điểm cách bờ là 28 hải lý".

Ngày nay, Trung-Cộng đương-nhiên đã đến gần bờ biển nước ta, có 2 điểm rất sát chỉ cách bờ 28 hải lý. Vì địa-thế nằm ở vòng ngoài, Việt-Nam không phải chỉ đóng góp một nửa khu-vực đánh cá chung một cách hợp-lý mà đã bị ép buộc phải nhượng nhiều hơn, tới gần gấp rưỡi phần Trung-Cộng (#16.5% diện-tích Vịnh).

 

Hình 240.

 

 

Xem xét bản-đồ để ước-lượng, chúng ta thấy Trung-Cộng đã nghiễm-nhiên được thừa-hưởng tới gần 2/3 mặt biển (47% + 16.5% + 1% (cửa Bắc-Luân) = 64.5% diện-tích Vịnh).

Ai cũng biết rằng để nuôi sống 1,300,000,000 dân-chúng thiếu-thốn protéine, Trung-Cộng đã từ lâu phát-triển các hạm-đội đánh cá xa bờ hùng-hậu vào bậc nhất nhì trên thế-giới. Đối đầu lại, Việt-Nam có khả-năng gì? Nếu Trung-Cộng muốn "đưa bắp thịt ra oai", đem toàn Hạm-đội ngư-thuyền viễn-duyên vào lần lượt "diễn-hành" trong Vịnh Bắc-Việt. Chỉ sau một mùa cá, toàn-thể các loại cá nước sâu sẽ tuyệt-chủng, không còn một con sống sót để lại cho ngư-dân chúng ta.

 

10.9 - Khu-vực Quá Ðộ trong Vùng Ðặc-quyền Kinh-tế

- Xuất phát từ tình hình đánh bắt của ngư-dân Trung Quốc, hai bên đã đồng ý về dàn xếp quá độ trong vùng đặc quyền kinh-tế của mỗi bên nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 20 cho phép tàu thuyền hai bên được tiếp tục hoạt-động nghề cá trong thời hạn là 4 năm tại khu-vực này.

 

10.10 - Mới chi 40% của Đảo mà đã lấn chiếm được nhiều đến vậy sao?

Vào thương-thuyết, sau khi đã đặt trên bàn: 40 triệu dân-cư và gần một nửa duyên-hải toàn-quốc; Việt-Nam không khác chi một tay chơi non kém, dại dột "tố xả láng" và phung-phí tiền bạc trong một canh bạc khơi mào... Chúng tôi xin trở lại những chi-tiết này trong trong một đoạn dưới.

Phân-tích Hiệp-định, chính-quyền Hà-Nội phải nhận thấy rằng Việt-Nam chẳng thu lại được bao nhiêu quyền-lợi mà vốn liếng đã kiệt. Làm sao Việt-Nam còn đầy đủ sức-lực cho một cuộc thương-thảo nhiều lần quan-trọng hơn, về Hoàng-Sa, Trường-Sa cũng như toàn-thể chủ-quyền Biển Đông sau này.

Phía Trung-Cộng vẫn chưa chính-thức bước vào cuộc thương-thảo lớn trên Biển Đông. Thế mà họ thực-sự đã thắng một hiệp quyết-định. Trung-Cộng mới chỉ đưa ra một đọan bờ biển ngắn Liễu-Châu và 40% Hải-Nam lên bàn mà gặt hái ngay được một khu-vực chủ-quyền lớn lao ngoài biển như vậy sao? Lý ra, ai cũng phải biết rằng duyên-hải còn lại của Trung-Cộng dài gấp ít nhất là 5, 7 lần đoạn Bắc-Luân - Mũi Oanh-Ca chứ!

 

10.11 - Quan-niệm Tài-sản chung của Nhân-loại trong Luật Biển LHQ

Dù biết rằng Trung-Cộng không thèm nói chuyện luật-lệ với đàn em Hà-Nội, nhưng toàn-thể thế-giới văn-minh tiến-bộ đều muốn đổi thay bộ mặt thiên-hạ thuộc "Đấng Con Trời" ngày xưa. Hôm nay đâu còn là thời-đại Thuộc-quốc quỳ-lạy Thiên-triều như khi xưa nữa. Ngày 10-12-1982, một Thỏa-ước của Liên-Hiệp-Quốc "United Nations Convention on the Law of Sea", viết tắt là UNCLOS, đã ra đời. Nội-dung của thỏa-ước rất lý-tưởng như cho rằng Biển cả là tài-sản chung của Nhân-Loại".

Vì là tài-sản chung nên yếu-tố dân-số sinh-sống tại duyên-hải rất quan-trọng. Nhiều yếu-tố khác cũng được Luật Biển đề-cập đến như: hình-thể đáy biển nối dài ra khơi, tổng-số đảo, diện-tích lãnh-thổ cận-duyên, chiều dài bờ biển, tỷ-lệ bờ biển/ đất liền v.v... Những con số này được dùng để tính-toán trong việc quy-định vùng hải-phận theo Luật Biển LHQ ngày nay.

 

 

Hình 241. Vùng Hải-phận  quá rộng lớn bao  quanh đảo Hải-Nam

 

 

10.12 - Ưu-thế của Việt-Nam bị Cộng-Sản bỏ qua vì Cắt Biển Cầu Thân

Cho dù yêu-cầu về “Đường Đỏ” trong Hiệp-ước Pháp-Hoa 1887 có bị Trung-Cộng bỏ qua đi chăng nữa, những yếu-tố căn-bản pháp-lý hiện-hành cũng vẫn tạo nhiều ưu-thế cho chủ-quyền Việt-Nam. Cho dù không phải là chuyên-gia Luật Biển, chúng tôi cũng xin đơn-cử một vài điều căn-bản xác-quyết như sau:

- Hình-thể Thềm Lục-địa Việt-Nam kéo dài chạy thoai thoải ra biển rõ rệt chiếm ưu-thế hơn bờ biển sâu của Đảo Hải-Nam.

- Bạch-Long-Vĩ với các yếu-tố dân-sinh, lịch-sử, kinh-tế xứng đáng được hưởng quy-chế một hòn đảo, tương-tự như Hải-Nam hay bất cứ một hòn đảo nào khác. Về địa-lý, Bạch-Long-Vĩ là hòn đảo lớn rất rộng, có diện-tích tới hơn 2,5 km2, xuýt xoát Đảo Cồn Cỏ (3 cây số vuông). Trong các sách quốc-tế về Hải-Hành, đảo Bạch-Long-Vĩ được mô-tả là một đối-vật quan-trọng cho người đi biển, độ cao sừng sững lên tới 186 feet. Chắc-chắn không có một "người được gọi là hiểu biết" nào lại đồng-ý xếp hải-đảo nổi tiếng Bạch-Long-Vĩ (huyện-đảo này gần 1,000 dân-cư) đồng-hạng với một hòn đá trơ-trọi cùng quy-chế tối-thiểu 15 hải-lý cho đặc-quyền kinh-tế như vậy!

- Chiều dài bờ biển lục-địa Việt-Nam khúc khủyu bao quanh Vịnh dài gần gấp 2 lần bờ biển đối-diện của đảo Hải-Nam và bán-đảo Liễu-Châu thuộc Trung-Cộng. Hai ngàn đảo Việt-Nam cũng là một con số áp-đảo khi so-sánh với chừng 5 hải-đảo của Hải-Nam.

- Dân-cư Việt-Nam sinh-sống tiếp-cận với vịnh Bắc-Việt trong vòng đai cách biển 60 hải-lý hiện nay lên tới 40 triệu người. Dân-số này nhiều gấp 4 đến 6 lần dân-số duyên-hải Trung-Cộng, tuỳ theo cách tính toán. Dân Trung-Hoa sống ở phía Tây bán-đảo Liễu-Châu rất thưa thớt. Dân-số đảo Hải-Nam chỉ có khoảng 7 triệu người mà thôi. Nhiều lắm trong khu-vực liên-hệ (40% duyên-hải của đảo Hải-Nam) từ bán-đảo Liễu-Châu tới Mũi Oanh-Ca, dân-cư không quá 3, 4 triệu. Không có một thành-phố nào của Trung-Cộng đáng kể là to lớn như hàng chục đô-thị của Việt-Nam.

 

Hình 242. Hình-ảnh duyên-hải-đảo Hải-Nam với núi đá cằn cỗi. Từ trái sang là Mũi Oanh Ca, False Hill, Flat Hill, đến núi Etna và núi nhọn Lak Pang. Phi-trường Lingsui nằm bên cực trái của diện-đồ (Hải-đồ Mỹ HO No.3153

 

- Khảo-cổ văn-minh-học thế-giới và cả sử Trung Hoa cũng chứng-minh rằng những người Việt đã từng làm chủ vùng duyên-hải Ðông-Á trong khi người Tàu chỉ mới xuất-hiện ngoài biển này từ thời Hán, tức là mới 2 ngàn năm mà thôi. Sử Trung-Hoa lại còn ghi rõ những chi-tiết là người Tàu chỉ kiểm-soát được một rẻo đất phía Bắc đảo Hải-Nam. Dân bản-địa không chịu chấp-nhận Hoa-thuộc, luôn luôn kháng-chiến dành quyền tự-chủ. Cho đến thời-gian gần đây, tình-hình mới tạm ổn!

 

10.13 - UNCLOS và Ðảo Bạch-Long-Vĩ

Ðoạn sau đây, chúng tôi trích một phần của bài Ông Trần Ðức (Lên mạng 20/2/2002), nhan-đề là "Thấy được gì qua lời lẽ của Lê Công Phụng? Lê Công Phụng đã không dấu diếm được việc Lãnh Ðạo Ðảng CSVN đã Bán Nước cho Trung Quốc" (Phần II) :

Liên quan đến Ðảo Bạch-Long-Vĩ : Chúng ta biết dựa theo bản-đồ phân-định vịnh Bắc-Việt mới đây thì vì không tính hải phận của đảo Bạch-Long-Vĩ, nên Việt-Nam đã mất đi một vùng biển rộng hơn 11 ngàn cây số vuông. Ðề cập đến vấn-đề này Lê Công Phụng nói : "... về quy chế đối với đảo Bạch-Long-Vĩ, vì đây là hòn đảo rất đặc biệt nằm ở giữa vịnh, mà thông-thường các đảo nằm giữa vịnh thì không có vùng pháp lý xung quanh ; nhưng đối với đảo Bạch-Long-Vĩ thì chúng ta đạt một vùng bao bọc xung quanh là 15 cây số". Luận điệu này của Cộng-sản Hà Nội qua lời tuyên bố của Lê Công Phụng, hoàn toàn là ngụy biện. Sau đây là bản dịch phần thứ 8, điều 121, của Công-ước Liên Hiệp Quốc về Biển năm 1982. Phần này ngắn gọn chỉ có 3 đoạn về "Quy chế các hải-đảo" như sau :

1. Một hải-đảo là một vùng đất tự nhiên được bao bọc bởi nước và vẫn hiện hữu khi thủy-triều cao.

2. Ngoại trừ như đã quy-định bởi đoạn 3, vùng lãnh-hải, vùng hải phận, vùng kinh-tế dành riêng và thềm lục-địa của một hải-đảo được phân-định đúng theo những điều khoản của Công-ước được áp dụng cho các vùng đất liền khác.

3. Các rặng đá không có người ở và có một sinh hoạt kinh-tế riêng biệt, không có vùng kinh-tế dành riêng và cũng không có thềm lục địa.

Trong Công-ước này, không có điều nào nói rằng đảo ở giữa vịnh hay giữa đại dương thì không có vùng pháp lý xung quanh.

Ðảo Bạch-Long-Vĩ là một đảo lớn, lúc thủy-triều cao vẫn hiển hiện, nhất là có hàng ngàn người Việt-Nam cư ngụ trên đảo và sinh sống bằng nghề cá và như thế có sinh hoạt kinh-tế riêng biệt, phải được coi là một hải-đảo có quy chế hẳn hòi, có hải-phận, lãnh-hải và thềm lục địa.

Theo Ông Trần Ðức, khi khước từ quý chế hải-đảo của Bạch-Long-Vĩ theo luật quốc tế, Cộng-sản Hà Nội đã tự nguyện hiến hơn 11 ngàn cây số mặt biển bao quanh Bạch-Long-Vĩ cho Trung Cộng.[247]

 

10.14 - Chuyện Khó Hiểu: Đường Căn-bản của Duyên-hải VN

Bờ biển và bìa đảo thường-thường lởm chởm, chỗ lồi chỗ lõm. Các đường ranh-giới vì vậy, rất ngoằn ngoèo phức-tạp. Để giải-quyết vấn-đề chung cho các quốc-gia duyên-hải hay quần-đảo, một sự đồng-ý đã được đưa vào Luật Biển LHQ. cho phép những nước đó được vẽ những đoạn Đường Thẳng Căn-bản (Baselines) nối liền các mũi đất và đảo. (U.N. Convention on the Law of the Sea, Dec. 10, 1982, pt. 11, S 3, 21 I.L.M. 1261, 1273; Kenneth R. Simmonds, U.N. Convention on the Law of the Sea 1982 at B27 (1983). Part II, # 3).

 

Hình 243. Những đường căn-bản- Lưu-ý, không có tại Vịnh Bắc-Việt

 

 

Ý-thức sớm sự quan-trọng này nên vào ngày 12-11-1982, Việt-Nam công-bố một số Đường Căn-bản (mà họ gọi là Đường Cơ-Sở) từ Poulo Wai đến Đảo Cồn Cỏ. Những điểm của đường cô sở nằm xa bờ nhất là Hòn Nhạn thuộc quần-đảo Thổ Chu, cách khoảng 80 hải lý; Hòn Hải thuộc nhóm đảo Phú Quý, cách bờ trên 70 hải lý.

Các Đường Cơ-Sở trong vịnh Bắc-Việt (tức từ Đảo Cồn Cỏ đến Đảo Trà Cổ) hoàn-toàn không được vẽ, mặc dù các đảo ở đó số lượng nhiều hơn và các đảo cũng gần bờ hơn nhiều .

Theo luật gia Kriangsak Kittichaisariee, nếu chỉ kể bốn đoạn (162, 161, 149 và 105 hl) trong 10 đoạn thẳng căn bản (dài tổng-cộng 850hl), nội hải (internal waters) Việt-Nam cũng đã chiếm tới 27,000 dậm vuông. (Law of the Sea and Maritime Boundary Delimitation in South-East Asia, Oxford University Press, 1992: 16-17.) Đường căn-bản như vậy làm gia-tăng diện-tích những khu-vực thuộc chủ-quyền quốc-gia lên rất nhiều.

Cuối cuốn sách, chúng tôi đính kèm một Phụ-Bản về những Ðường Căn-Bản (đề ngày 12 November 1982). Ðặc-biệt là khi trình tài-liệu này lên Liên-Hiệp-Quốc đó, Hà-Nội còn xác-định giới-hạn Vịnh Bắc-Việt là tại Kinh-tuyến 108 độ 3 phút 13 giây Đông (luu-ý mục số (3) về "1887 Convention of frontier boundary").

Giới Luật-gia quốc-tế hồi đó cho dù đồng-ý hay không về cách-thức vẽ đường cơ-sở ấy, họ cũng đều tưởng rằng Việt-Nam rất quyết-tâm trong việc bảo-vệ lãnh-hải. Tất cả đã nhầm lẫn lớn vì sự mềm yếu của Hà-Nội ngay sau đó ... Gần 20 năm đã qua đi trong một yên-lặng khó hiểu, chưa bao giờ người ta thấy Đảng Cộng-Sản hay Nhà Nước-Việt-Nam phổ-biến các đường cơ-sở cho những hải-đảo chằng-chịt tại Vịnh Bắc-Việt. Trong thương-thảo, phái-đoàn Hà-Nội không dám hó hé gì với Bắc-Kinh, để Trung-Cộng mặc-tình thao-túng.

 

Hình 244. Ðường căn-bản bờ biển rất cần-thiết vì Vịnh Bắc-Việt có hai ba ngàn hải-đảo rải rác nối nhau ra khỏi bờ hàng chục Hải-Lý.

 

Bờ biển Vịnh Bắc-Phần phía Việt-Nam rất lởm chởm, chỗ lồi chỗ lõm. Ta lại có hai ba ngàn hải-đảo rải rác nối nhau ra khỏi bờ hàng chục Hải-Lý. Những đường thẳng cơ-sở nối các bìa đảo rất cần-thiết ở đây, làm gia-tăng Nội-Hải của Việt-Nam lên rất nhiều.

 

10.15 - Vịnh Bắc Bộ và Hoàng Sa - Trường Sa ?

Ý-Kiến ca Ông Trần Trọng Nghĩa, Việt-Nam Dân Chủ Tháng 3/2002)

Thư ngỏ của ông Ðỗ Việt Sơn là nhằm "Ðề nghị không thông qua hiệp-định biên giới Việt-Trung". liên-quan đến "Vịnh Bắc Bộ", ông Sơn viết : "Qua lời thông báo của một vị lãnh đạo của thành-phố Hải Phòng tại CLB Bạch Ðằng tháng 2/2001 thì Vịnh Bắc Bộ chia đôi ta được 53%, Trung Quốc 47%. Sao kỳ lạ thế !". Người dân cũng thắc mắc như ông Sơn : "theo Hiệp-định biên giới Việt Trung mới đây ta đã nhượng bộ cho Trung Quốc hàng trăm cây số vuông đất liền và hàng ngàn cây số vuông ở Vịnh Bắc Bộ (so với Hiệp-định Pháp - Thanh đã ký cuối thế kỷ XIX)" ? Ðể biện minh cho việc mất "hàng ngàn cây số vuông trong Vịnh Bắc Bộ", Lê Công Phụng đã mang Công-ước Quốc Tế về luật biển năm 1982 để lòe thiên hạ và hoàn toàn phủ nhận sự phân-định vịnh Bắc-Việt do Pháp và nhà Thanh ký kết trước đây. Ðược hỏi là hiệp-ước này có được xem là cơ sở đàm phán không, Lê Công Phụng nói : "Chúng ta không xem như vậy được, bởi lẽ nó hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế, tức là Công-ước về biển của Liên Hợp Quốc năm 1982". Thực chất, trong Công-ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - Phần thứ 10, liên-quan đến "Các địa-trung-hải hay vùng biển bán khép kín (Vịnh)", điều 122 viết : "Nhằm mục-đích của Công-Ước, người ta hiểu "địa-trung-hải hay vùng biển bán khép kín" là một vịnh, một bể, hay một biển bao quanh bởi nhiều quốc-gia và thông với một biển khác hoặc đại dương bởi một cửa hẹp, hoặc được cấu-tạo toàn bộ hay chủ-yếu, bởi những lãnh-hải và vùng đặc quyền kinh-tế của nhiều quốc-gia". Ðiều 123 về sự "hợp tác giữa các quốc-gia ven bờ các địa-trung-hải hay vịnh" quy-định các quốc-gia liên-hệ hợp tác với nhau trong việc hành xử quyền hạn và thi hành những nghĩa vụ được quy-định bởi Công Ước. Các nước này có thể trực-tiếp thương thảo với nhau hay qua trung gian một tổ-chức các quốc-gia trong vùng. Không có điều nào nói là Hiệp Ðịnh Pháp Thanh khi xưa là trái với luật pháp quốc tế.

 

Ý-Kiến của Ông Trần Trọng Nghĩa, Việt-Nam Dân Chủ Tháng 3/2002)

Trái lại, để có thể dâng cho Bắc Kinh hơn 11,000 km2 trên Vịnh, cộng sản Hà Nội đã vi phạm Công-ước liên-Hiệp Quốc về Luật Biển khi họ tước đoạt quyền có lãnh-hải, có vùng đặc quyền kinh-tế và có thềm lục-địa của Ðảo Bạch-Long-Vĩ. Lê Công Phụng đã lừa bịp dân ta khi tuyên bố : "... về quy chế đối với đảo Bạch-Long-Vĩ, vì đây là hòn đảo rất đặc biệt nằm ở giữa vịnh, mà thông-thường các đảo nằm giữa vịnh thì không có vùng pháp lý xung quanh; nhưng đối với đảo Bạch-Long-Vĩ thì chúng ta đạt một vùng bao bọc xung quanh là 15 cây số". Thực chất Công-ước về Luật Biển, phần thứ 8, điều 121 về "Quy Chế Các Hải Ðảo" nói rõ : 

1/ Một hải-đảo là một vùng đất tự nhiên được bao bọc bởi nước và vẫn hiện hữu khi thủy-triều cao. 

2/ Ngoại trừ như đã quy-định bởi đoạn 3, vùng lãnh-hải, vùng hải-phận, vùng kinh-tế dành riêng và thềm lục-địa của một hải-đảo được phân-định đúng theo những điều khoản của Công-ước được áp dụng cho các vùng đất liền khác. 

3/ Các rặng đá không có người ở và có một sinh hoạt kinh-tế riêng biệt, không có vùng đặc quyền kinh-tế. 

Như vậy không có chuyện đảo nằm giữa vịnh là không có vùng pháp lý bao quanh.

Về các quần-đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì nhiều bằng chứng rõ ràng là đảng và Nhà Nước cộng sản Hà Nội đã thừa nhận là thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc từ những thập niên 50. Và từ 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực "tái chiếm" các hòn đảo mà cộng sản Hà Nội đã dâng hiến cho họ trước đây. Ðể chữa thẹn Lê Công Phụng đã ngụy biện : "chúng ta cũng đang đấu tranh rất là mạnh với các bên liên-quan trong vấn-đề Hoàng Sa và Trường Sa".(Trần Trọng Nghĩa, Việt-Nam Dân Chủ Tháng 3/2002)

 

 

Trên mặt biển tình hình còn tiện lợi hơn cho Đảng CSVN dâng nhượng vì không có các cột mốc, không có các địa danh lịch sử, và gần như không có nhân chứng. Trời đất tặng chúng ta một cái mốc thiên nhiên là đảo Bạch Long Vĩ, đủ điều kiện theo Luật Biển Quốc Tế 1982 về diện tích và dân số để được coi là bờ xa của đất Việt Nam. Đường chia lãnh hải do đó đáng lẽ phải chạy giữa Bạch Long Vĩ và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Nhưng theo hiệp ước mới, ông Phụng cho biết Đảng CSVN ngang nhiên vô hiệu hóa sự hiện diện của cột mốc thiên nhiên này và đồng ý chia đôi khoảng cách từ bờ biển Việt Nam đến bờ biển Hải Nam, tức là nhượng cho Trung Quốc hàng chục ngàn cây số vuông trong vùng biển bao gồm cả những khu vực đã được thăm dò và xác định có dầu mỏ và khí đốt. Với việc chia cắt lãnh hải mới, hiệp định về ngành cá theo sau đó cũng lại chia cắt thêm vùng đánh cá cho Trung Quốc. Điều ngây ngô nhất trong các câu trả lời của ông Phụng là Đảng của ông chờ đợi hải quân Trung Quốc sẽ canh chừng các tàu đánh cá Trung Quốc (mà hầu hết là quốc doanh) trong phạm vi pháp định giùm cho Việt Nam! Và điều dối trá nhất trong các câu trả lời là Đảng của ông đang đàm phán về quần đảo Hoàng Sa, vùng biển mà cũng chính Đảng CSVN đã chính thức công nhận là đất Tàu từ năm 1958.

 

Ðường trung-tuyến và một khái niệm hình-học phẳng

Lấy một sơi dây chia đôi cho hai người, chắc chắn mỗi người được một nửa chiều dài. Tuy vậy khi dùng trung-tuyến để chia một diện-tích, phần chia lại khác hẳn. Lý do: diện-tích là một tích số của hai độ dài. Nói khác đi, diện-tích đồng dạng tỷ-lệ thuận với bình-phương khoảng cách.

Chúng ta hãy quan sát diện-tích một hình vành khăn (như trường-hợp Vịnh Bắc-Việt) thì đủ rõ sự sai-biệt của phần người ở tâm (25%) và phần người ở vành (75%) chênh-lệch nhau thật đáng kể (tới 3 lần).

 

Hình 245. Khái-niệm về diện-tích khi dùng trung-tuyến

 

Nếu lại vì các yếu-tố “ưu-đãi” cho “đối-phương” mà người ở tâm chỉ được chia 4/6, diện-tích thừa-hưởng của anh ta lập-tức bị rớt xuống, chỉ còn 16% (.4 x .4 = .16) diện-tích tổng-thể mà thôi.

 

 10.16 - Mối Hại Kinh-khủng trong Tương-lai Ngắn hạn và Dài hạn

Gần đây, dân Việt-Nam bắt đầu tiêu-thụ nhiều thịt hơn tổ-tiên của họ trước đây. Người sống ở thành-thị có thể đã quên là còn nhiều đồng-bào với mình tại vùng duyên-hà, duyên-hải vẫn thường ngày chỉ có cá với cơm! Nhiều thống-kê quốc-tế vẫn ghi-nhận trung-bình hàng năm một người Việt-Nam cần ít nhất là 35 kilo cá. Người Pháp đã ước-lượng 2/3 (66%) số protein nuôi sống nước-Việt-Nam đến từ hải-sản. Luật-gia Mark J. Valencia ước-lượng tỷ-số đó ít nhất cũng đạt tới 50% (Nguyên-văn: In the 1970s, per capital consumption of fish in Vietnam was at least 35 kilograms, and 50 percent of animal protein came from fish. (Vietnam: Fisheries and Navigation Policies and Issues, Valencia, Mark J.; in Ocean Development and International Law, Printed in the UK, Vol. 21, 1990, pp. 431-445.)

Một khi mất Biển, nguồn-lợi đánh cá suy-giảm, tài-nguyên dưới lòng biển thuộc ngoại-bang. Và... ô-nhiễm sẽ tới ngay. Trung-Cộng từ lâu nổi tiếng bất cần hậu-quả, miễn sao vơ vét cho đầy túi tham. Tại Vịnh Bắc-Việt, nay mai Trung-Cộng sẽ khai-thác lòng biển để lấy dầu lửa và khí đốt. Tai-nạn thảm-khốc tràn dầu chắc chắn xảy ra, Việt-Nam sẽ một mình chịu-đựng mọi khốn khổ ô-nhiễm. Gió thổi, nước trôi quanh năm từ Đông Bắc xuống Tây Nam lập tức mang Thần Chết đến ngay bờ biển và duyên-hải chúng ta. Vì địa-thế trên gió, trên nước; Trung-Cộng vẫn an-bình để sống chết mặc bay!

Ngoài ra, nhìn xa về tương-lai cũng không phải là chuyện viển vông. Dòng lịch-sử dân-tộc đã chẳng dài nhiều ngàn năm đấy sao? Ngày xưa, Vịnh Bắc-Việt từng ăn sâu tới tận Việt-Trì. Ngày nay, vùng châu-thổ Sông Hồng đang tiếp-tục lấn nhanh ra biển. Trong khi chu-kỳ nóng lạnh của trái đất xoay chuyển, mực nước biển hạ xuống mỗi khi băng đá gia-tăng tại hai cực địa-cầu..., rồi sẽ có giai-đoạn bờ biển kéo dài ra tới đảo Bạch-Long Vĩ. Với những điều-kiện không thể cho là giả-tưởng khi Vịnh Bắc-Việt thâu nhỏ lại trong tương-lai, Trung-Hoa sẽ hoàn-toàn sở-hữu cả Vịnh Biển.

Xa hơn chút nưã - đến một ngày nào đó - cả hai bên bờ vùng Biển một thời được gọi là "vịnh Bắc-Việt" đều thuộc lãnh-thổ Trung-Hoa. Xin mời người đọc xem thiết-đồ chúng tôi trình-bày ở đây.

 

Hình 246. Sự chia cắt sẽ di-hại đến tương-lai

 

 

10.17 - Những con số bất nhất và rất đáng nghi-ngờ

Nh ững h ình v ẽ cu/a chu’ng t ôi ch ỉ l à ph ỏng- đ ịnh.

Có phải vì ph ạm-ph áp b ị b ắt qu ả-tang hay vì tang-gia b ối r ối hay Cách suy-luận Về diện-tích tổng-thể ta được 53,23% diện-tích Vịnh, Trung Quốc đạt 46,77% (ta hơn Trung Quốc 6,46% tức là khoảng 8205 km2),

Vịnh Bắc Bộ được bao bọc bởi Việt-Nam và Trung Quốc có diện-tích 123.700 km2

A. Về Hiệp-định phân-định Vịnh Bắc Bộ:

Vịnh Bắc Bộ có diện-tích 126.250 km2

Qua 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên về nghề cá, hai bên nhất trí lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ từ vĩ-độ 20o xuống đường đóng cửa Vịnh. Vùng này có bề rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân-định về mỗi phía và có tổng diện-tích là 33.500 km2, tức là khoảng 27,9% diện-tích Vịnh. Như vậy, đảm bảo cách bờ của mỗi nước là 30 hải lý : đại bộ phận cách bờ của ta 35 - 59 hải lý và có 2 điểm cách bờ là 28 hải lý.

 

10.18 - Tàu thuyền Trung Quốc vào cách bờ Việt-Nam 3 hải lý ?

Trước đây chúng ta cho tàu thuyền Trung Quốc vào cách bờ Việt-Nam chỉ có 3 hải lý, 6 hải lý, 12 hải lý để đánh bắt. Còn bây giờ, vùng quá độ cách điểm nhô xa nhất của các đảo ven bờ của chúng ta 22 hải lý và vùng đánh cá cũng cách bờ chúng ta ít nhất là 36 hải lý.

?????

  

10.19 - Đường Phân Thủy và một Ðường Phân ranh Hợp-Lý

Trung-Cộng đã chấp-nhận quan-niệm cổ-truyền "dùng đường phân thủy làm ranh-giới" trên lục-địa (xem thông-báo về hiệp-ước biên-giới của CSVN). Vậy Trung-Cộng cũng tôn-trọng đường phân-thủy ngoài biển. Chúng tôi trình-bày đường phân-thủy của Vịnh Bắc-Việt vì sự liên-hệ của nó gắn chặt với địa-thế đáy biển Việt-Nam (đặc biệt là Vịnh Bắc-Việt) chạy dài rất xa ra ngoài khơi. Khi Trung-Cộng tranh-luận kịch-liệt với Nhật-Bản về chủ-quyền Thềm Lục-địa quanh khu-vực đảo Điếu-Ngư (Daio Dao - Uotshuri-Shima 25o45' N 123o29' E), họ đã dùng ưu-thế địa-lý này và đã được một số Chuyên-gia Luật Biển bênh-vực, cho là hữu-lý.

Một nhận-xét nữa của giới Luật-gia cũng cho thấy đoạn cuối của đường Phân-Thủy cũng không xa bao nhiêu với đường Kinh-tuyến 108 độ 3 phút 13 giây Đông (của Công-ước 1887 về biên giới đã nói ở trên)

Tại sao mà luật-lệ lại không đồng-nhất (universal) và Việt-Nam lại bị thiệt-thòi quá nhiều như vậy. Chính-quyền Hà-Nội rồi ra sẽ phải trả lời câu hỏi được đặt ra rất hợp-lý này.

Chỉ có sự chia cắt hợp-lý hải-phận mới đem lại một nền hòa-bình lâu dài trên Biển. Là một nhóm người nhỏ bé nghiên-cứu một vấn-đề ngoài lãnh-vực chuyên-môn của mình, BBT Lướt-Sóng không có khả-năng trình luận-án khó-khăn như phân-định Vịnh Bắc-Việt. Tuy vậy, trong khi sưu-tầm tài-liệu, chúng tôi tìm thấy có nhiều cá-nhân và tổ-chức luật-pháp rất quan-tâm cho Hòa-bình Thế-giới, đã đi tìm những giải-pháp công-bằng cho cả hai quốc-gia Hoa-Việt.

Một trong những Bản-đồ phân-chia hải-phận được trình-bày ở trên là của Joseph R. Morgan & Mark J. Valencia (Atlas for Maritime Policy in Southeast Asian Seas, University of California Press, 1983).

 

Hình 247. Một cách phân chia căn-cứ theo các  đường cơ-sở bờ biển lẫn các đảo Hoa-Việt ngoài khơi. Ðường biên này chưa xét tới yếu-tố địa-hình đáy biển.

 

Thứ năm, 4/4/2002, 09:32 (GMT+7) VnExpress

“Hiệp ước biên giới Việt -Trung cộng bằng cho cả hai bên”

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Báo cáo mới đây của ông Niên cho biết, Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết dứt điểm một trong 3 vấn đề biên giới, lãnh thổ tồn tại hàng trăm năm nay giữa hai nước

Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá Việt Nam - Trung Quốc được ký ngày 25/12/2000. Hiện nay, hai bên chưa tiến hành phê chuẩn Hiệp định, đang đàm phán về Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá.

 Liên-kết Vịnh Bắc-Việt + Hòng-Sa / TrưòngSa

 

 

Mất lãnh-hải, quốc sản

Theo hiệp-định này thì rõ ràng đảng Cộng-sản Việt-Nam đã nhường cho Trung-quốc tới 9% lãnh-hải vùng vịnh Bắc-Việt. Cái đau đớn là vùng nhượng là vùng:

_ Có nhiều hải-sản về cá thu, cá song, cá hồng, mực là những loại hải-sản quý.

_ Dưới đáy biển có mỏ hơi đốt, và dầu lửa.

 

_ Một số đảo trong vùng nhượng, thuộc Trung-quốc.

 

 

Hình 248. Ðáy biển Việt-Nam chạy thoai-thoải từ bờ ra- Phía Hai-Nam bờ biển dốc xuống.

 

10.20 - Hiệp-ước có thể bị coi là vô hiệu theo quốc tế công pháp

Radio Chân Trời Mới Phỏng Vấn Luật Sư Nguyễn Hữu Thống về lãnh-thổ lãnh-hải

Sat, 23 Feb 2002 20:46:48 +0000

 

LS NHT: Một hiệp-ước có thể bị coi là vô hiệu theo quốc tế công pháp, nếu mà thứ nhất nó vi phạm luật pháp. Trong việc này, nó vi phạm luật pháp ở chỗ hiệp-ước Bắc-Việt không tuân hành những tiêu-chuẩn của Luật Biển, như vấn-đề dân số, chiều dài bờ biển, vấn-đề đánh cá, vấn-đề dầu-khí, vấn-đề an ninh quốc-phòng. Thì Việt-Nam có thể khiếu nại trước Hội Đồng Trọng Tài hay Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục-Địa ở Liên Hiệp Quốc. Nhưng chắc chắn là Đảng Cộng-Sản không làm việc đó, nếu dân không chịu áp lực. Điểm thứ nhì là vi phạm đạo lý, tức là vi phạm những nguyên tắc và những mục tiêu của Hiến Chương LHQ và TNQTNQ. Có bốn năm nguyên tắc đặc biệt, như vấn-đề bình đẳng. Rõ rệt trong vụ này, là Trung Cộng là anh gia trưởng bắt nạt, cả vú lấp miệng em. Hắn tạo nên những tình trạng đã rồi, bắt Việt-Nam phải tuân hành. Trái với nguyên tắc bình đẵng. Trái với nguyên tắc hữu nghị, bởi vì rõ rệt có sự tranh-giành ảnh hưởng. Không có chiến tranh gì cả mà phải tranh dành đất, lấn đất dành dân như thế. Thứ ba, là không có sự hòa bình. Bởi vì Cộng-Sản Trung-Quốc đã xâm lăng võ trang năm 1974 tại Hoàng Sạ Năm 1979 họ đã xâm lăng 6 tỉnh miền biên giớị Năm 1988, họ đã dùng quân đội hải quân để xâm lăng Trường Sạ Thì trái với nguyên tắc hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Về công lý, thì chúng ta thấy rõ là bất công. Bởi vì Vịnh Bắc-Việt của chúng ta có đến 40 triệu người, mà chỉ được sử-dụng có 1/2 Vịnh Bắc-Việt thôị Trong khi dân Hải Nam thì có độ 3, 4 triệu người, họ cũng được hưởng 1/2. Và họ còn được hưởng thêm 200 hải lý về phía Đông đảo Hải Nam nữạ Thì đó là sự bất công. Thứ tư, về tự-do kết ước, thì cũng không thấy có. Là vì rõ rệt là Cộng-Sản Trung-Quốc đã dùng sự lấn chiếm, sự bạo hành, tạo nên tình trạng đã rồi, bắt bên kia phải chấp nhận. Thì không thể nào có sự gọi là tự-do kết-ước được. Đó là những sự vi phạm về đạo lý. Chỉ có một chính-phủ dân cử trong tương-lai có thể nại ra những vấn-đề này, yêu cầu tái xét. Chứ cái chính-quyền hiện tại, theo ý tôi, họ sẽ không bao giờ đặt vấn-đề này trước Liên Hiệp Quốc, trước Tòa Án Quốc Tế, hay là trước Hội Đồng Trọng Tài của LHQ.

 

10.21 - Chính-quyền Chân-chính Phải Quyết-tâm Bảo-vệ Lãnh-thổ

Việc phân chia hải-phận Vịnh Bắc-Việt cũng như việc xác-định chủ-quyền Quốc-gia chúng ta trong những vùng đất, vùng biển nào khác đều quan-trọng. Một chính-quyền chân-chính phải quyết-tâm bảo-vệ lãnh-thổ.

Công-pháp Quốc-Tế đứng về phía Việt-Nam. Trong tinh-thần thượng-tôn luật-pháp, ý-thức của nhân-loại đang gia-tăng về một trật-tự cần-thiết trên biển; thời-gian hiển-nhiên cũng đứng về phía dân-tộc chúng ta. Điều cần-thiết lúc này là Việt-Nam phải làm sáng-tỏ chính-nghiã chủ-quyền của mình cùng cộng-đồng thế-giới. Nếu vì đối-phương hiếp-đáp, áp-bức trong bàn hội-nghị mà cuộc điều-giải bất- thành, Việt-Nam cần đưa vụ vịnh Bắc-Việt này (cũng như những tranh-chấp các quần-đảo Hoàng Sa Trường Sa) ra trước Tòa-Án Quốc-Tế.

Sau nữa, toàn dân trong cũng như ngoài nước hy-vọng rằng nhà cầm-quyền Cộng-Sản Việt-Nam không nên muối mặt ký-kết thêm hiệp-định bất bình-đẳng một lần nữa. Dù chót đã hứa với Bắc-Kinh sẽ thoả-thuận về những tranh-chấp Biển Đông trong những năm tới, Cộng-sản Hà-Nội nên hồi-tâm lại. Phải đặt quyền-lợi quốc-gia trên hết. Không hèn, hãy phản công lại mới được chứ!

 

Nhận xét và Tuyên-Cáo của Ủy Ban Bảo-vệ Lãnh-thổ

Trước khi qua phần kết-luận, chúng tôi xin trích-đăng một số nhận xét về tình-trạng biên-giới Việt-Nam của Giáo-Sư Nguyễn Văn Canh và đoạn chót bản Tuyên-Cáo của Ủy Ban Bảo-vệ Lãnh-thổ như sau:

... Nội dung của các cuộc thương thuyết về phân-định lãnh-thổ không được phổ biến. Người ta không biết rõ là phần đất nào bị mất, phần đất nào đã thu hồi được, ngoại trừ các viên chức nắm giữ quyền hành trong Đảng. Dân tôc-Việt-Nam có quyền đòi hỏi ĐCSVN phải công-bố rõ điều này.

1. Nhìn vào thực tại về biên giới trên đất liền và trong vùng vịnh Bắc-Việt, cũng như có những bằng chứng về việc Trung-Cộnglấn chiếm đất mà Việt-Cộnghoặc không quyết tâm đòi lại hay không phản ứng đủ, và rất nhiều trường hợp chỉ phản ứng lấy lệ trong việc bảo-vệ lãnh-thổ để khỏi bị chê trách, người ta có quyền nghi ngờ rằng đây là việc chuyển nhượng tài sản quốc-gia trá hình. Điều này đã được tìm thấy trong văn-kiện mà Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958, với tư cách Thủ tướng chính-phủ nước VNDCCH gửi cho Chu Ân Lai, Tổng Lý Quốc Vụ Viện, nước CHNDTH nhìn nhận thẩm quyền lãnh-thổ của Trung-Cộngtrên Biển Đông.

2. Qua tiến trình thương thảo giữa phai phe, như Hàn Niệm Long, thứ trưởng ngoại giao Trung-Cộng đặc trách Đông Nam Á, và cũng là trưởng phái đoàn thương thuyết biên giới với Việt-Cộngtừ thập niên 1970, thì đây là công việc giữa hai Đảng: CSVN và CSTH. Hành pháp hay Quốc Hội chỉ là các tổ-chức ngọai vi của Đảng. Vì vậy việc mỗi cơ quan này có tham dự vào việc ký kết hay phê-chuẩn chỉ để thực-hiện mục tiêu của Đảng. Đặc biệt rõ hơn là trường hợp Đỗ Mười, TBT của ĐCSVN ký thoả-hiệp tạm thời thiết lập mục tiêu, nguyên tắc cho việc ký hai hiệp-ước trên, vì Đỗ Mười không có một vai trò gì trong chính-quyền. Các Hiệp-ước này không có giá-trị gì đối với quốc dân Việt-Nam.

3. ĐCSVN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc chuyển nhượng bất hợp pháp đất đai này, dù vì lý do gì chăng nữa, nhất là tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của ĐCSTH, trong mưu đồ tìm sự hỗ trợ để được tồn tại và triệt tiêu mọi lên tiếng về sự chuyển nhượng này.

4. Đối với TH, quốc dân Việt-Nam coi đây là việc riêng của hai ĐCS, không liên-hệ gì đối với quốc dân VN. Và hai hiệp-ước trên nếu Trung-Cộngkhông trả lại những phần đất đã chiếm sẽ bị coi là vô hiệu.

Do đó, Trí Thức-Việt-Nam Hải Ngoại vào ngày 22/7/1994, sau đó là Ủy Ban Bảo-vệ Lãnh-thổ trong các Tuyên Cáo vào ngày 29/4/1995 và ngày 18/12/2000 đã lên tiếng về vấn-đề ấy. (Lời Giáo-Sư Nguyễn Văn Canh).

Bài ca “Việt-gian”

Cộng-Sản Việt-Nam là những kẻ nội-thù nguy-hiểm ngay trong lòng dân-tộc.Hơn ai hết, với kinh-nghiệm xương máu, dân-tộc-Việt-Nam ý-thức rõ rang cái họa "kim trong chăn" hay "nuôi ong tay áo".

 

 

Nghi ng ờ

Trước đây chúng ta cho tàu thuyền Trung Quốc vào cách bờ Việt-Nam chỉ có 3 hải lý, 6 hải lý, 12 hải lý để đánh bắt. Còn bây giờ, vùng quá độ cách điểm nhô xa nhất của các đảo ven bờ của chúng ta 22 hải lý và vùng đánh cá cũng cách bờ chúng ta ít nhất là 36 hải lý.

 

 

  

 

Trần KhuêTHƯ NGỎ GỬI TỔNG BÍ THƯ
GIANG TRẠCH DÂN
TP Hồ Chí Minh, ngày 20-02-02

ÐọcViệt-Sử, ta thấy Vua Lê thánh Tông xưa đã một lần truyền lệnh Hàng nghìn năm qua, nhân dân nước chúng tôi đã không ngừng chiến đấu hy sinh để bảo-vệ từng tấc đất của Tổ Tiên Ông Bà để lại. Ý chí của dân-tộc chúng tôi đã thể-hiện rõ trong lời dụ của Hoàng đế Lê Thánh Tông (1441-1497):


“Nay nhận được tờ tấu của viên quan ở An Bang tâu: “Người nhà Minh sai nhiều binh lính từ Quảng Tây sang, nói phao là sang hội đồng khám địa-giới”. Việc này phải sai người dò thám ngay, nếu thấy có ý gì khác, phải lập tức đưa công-văn đi các đạo tập hợp binh lính phòng giữ. Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được? Phải kiên quyết tranh luận, không để cho họ lấn dần. Nếu họ không theo, còn có thể sai sứ sang triều đình của họ, biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng”. (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục quyển XXII, tờ 30. Bản dịch của Viện Sử học Hà Nội Tập Một, trang 1121.”

 

Ông Lâm lễ Trinh rất có lý khi viết: tội của Cộng-SảnViệt-Nam có thể tả bằng hai câu trong Bình Ngô Đại cáo :

Quyết Đông hải chi thủy, bất túc dĩ tẩy kỳ ô,

Khánh Nam sơn chi trúc, bất túc dĩ thư kỳ ác

có nghĩa là :

Tát cạn biển Đông cũng không đủ rửa sạch ô uế

Chặt hết trúc Nam sơn cũng không đủ ghi tất cả tội ác

Nhân khi viết thư ngỏ gửi Lê Công Phụng, Ông Trần Bình Nam nhắc nhở Phụng và những kẻ đồng-đảng phản-quốc của Ông ta hãy để tâm lắng nghe lại bài ca "Việt-Gian" do chính một thành-viên Ðảng Cộng-Sản của họ sáng-tác vào năm 1945 rất "nghiêm-chỉnh" như sau:

“Mi nghe chăng hỡi ai mê mồi phú quý quên non sông. Hãy nghe đây lời tra vấn muôn năm. Sao nỡ đành đem người ngoại quốc ác tâm xâm chiếm quê hương nhà, sát tàn nòi giống. Loài bán nước, loài buôn dân, nguyền rủa tên bọn mi nhớp nhơ muoôn đời. Người xưa oán ghét ngươi, người nay mắng nhiếc ngươi. Dân Lạc Hồng thề ghi sử sách muôn đời.”

Cho dù nỗi ưu-tư còn nhiều nhưng vì khổ báo chúng tôi có hạn, Lướt Sóng xin tạm ngưng lại đây. Xin cảm on Quý-Vị đã theo dõi bài viết gây nhức nhối này.

Lướt Sóng

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI LHQ GENÈVE NGÀY 17.4.2002

Tại diễn đàn LHQ ở Genève, ông Võ Văn Ái yêu cầu Nhà cầm quyền Hà Nội công-bố 2 Hiệp-định phân-định Biên giới Viê.t-Trung, mở cuộc Trưng cầu dân ý

Hai người bị bắt liên-quan đến Hiệp-định biên giới Việt Trung là nhà thơ, nhà báo Bùi Minh Quốc và luật sư Lê Chí Quang. Vì lên biên giới Việt Trung quan sát, ông Bùi Minh Quốc bị bắt ngày 12.1.2002, bị tịch thu tất cả phim ảnh, sổ tay ghi chú cùng một số tài-liệu mà công an tố cáo là "tài-liệu phản động". Hiện nay ông Quốc bị quản thúc tại Dalat. Ngày 21.2.2002, luật sư Lê Chí Quang bị bắt tại một quán Cà phê Internet ở Hà Nội vì đã viết một số bài cảnh cáo sự nguy hiểm của Bắc Kinh cũng như vấn-đề dâng đất cho Trung quốc. Công an đến khám nhà không giấy phép và tịch thu máy vi tính của ông. Hiện ông bị giam ở nhà tù B 14 gần Hà Nộị

Ông Võ Văn Ái tố cáo những cuộc bắt bớ này "vi phạm nghiêm trọng các quyền được bảo đảm trên Hiến pháp", ông trích điều 17 trên Hiến pháp năm 1992 quy-định rằng : "Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài-nguyên trong lòng đất, nguồn-lợi ở vùng biển (...) đều thuộc sở hữu toàn dân". Và điều 53 trên Hiến pháp cho phép mọi công dân có quyền khiếu nạị Như thế là nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm quyền tự quyết và quyền sử-dụng tài-nguyên thiên-nhiên của người công dân được luật pháp quốc-gia cũng như quốc tế công nhận và bảo đảm.

Do đó, ông Ái kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội hãy công-bố cho toàn dân được biết hai Hiệp-định Việt Trung về phân-định biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc bô.. Ông cũng nói "thông tin này không thể là một bí mật nhà nước chỉ dành riêng cho Đảng và chính-quyền mà thôi" và ông yêu cầu Hà Nội mở cuôc Trưng cầu dân ý để tham khảo toàn dân.


Chương 11

Con Ðường Ðông-tiến

 

11.1 - Duyên-hải và vùng biên-giới Hoa-Việt

Khi ngày tháng cuối cùng của thiên-kỷ vừa qua sắp hết, trong một lúc vội vã chỉ muốn bám chặt vào tư-lợi đảng-phái, Cộng-Sản Việt-Nam đã để lại cho dân-tộc một mối hận lớn lao. Có lẽ trong thiên-kỷ tới, mối hận này sẽ khó lòng rửa sạch. Đó là chuyện Hà-Nội ngoan ngoãn ký vào bản thoả-hiệp về đường biên giới với Trung-Hoa. Vì sợ oai đảng Cộng-Sản đàn anh trong bàn hội-nghị, họ đã hoàn toàn im lặng không đòi hỏi, cũng như không giám nói gì đến những vùng đất lịch-sử Việt-Nam lâu đời, bao gồm các quặng mỏ quí như mỏ vàng Bình Di, mỏ bạc Đường Gấm, Hoa Lâm, mỏ chì ở Tùng Bách, mỏ đồng ở Tụ Long.

Ngoài mặt, Cộng-Sản Việt-Nam tuyên-bố bảo-vệ Tổ-Quốc chống xâm-lăng, nhưng trên thực-tế đảng này đã có manh-tâm "đi đêm" với cả hai kẻ thù truyền-kiếp, cả Tây lẫn Tàu. Đọc lại lịch-sử đau buồn thời bị trị cuối thế-kỷ 19, chúng ta biết rằng vì muốn được yên thân khai-thác thuộc-địa Đông-Dương, đám thực-dân mới là Pháp không muốn đám thực-dân cũ là Tàu gửi quân quấy phá, nên Pháp đã cố ý nhượng-bộ bằng cách "hối-lộ". Họ cắt cho nhà Thanh Trung Hoa một số vùng đất của Việt Nam một cách thản-nhiên. Khu-vực như kể trên, không những khá rộng mà đặc-biệt, còn chứa đựng những tài-nguyên vô-giá.

Việc Pháp thản-nhiên cắt đất Việt-Nam vì họ xét rằng việc ấy có lợi cho kế-sách thực-dân của họ. Thế nhưng Cộng-Sản Việt-Nam sẽ trả lời ra sao với lịch-sử khi Đảng của họ dám tự-quyền xác-nhận việc hai đế-quốc xâu xé lãnh-thổ Việt-Nam lúc xưa (Hiệp-ước Pháp-Hoa 1887 và 1895) là hợp-pháp. Họ lại còn trải thảm đỏ đón tiếp Thủ-Tướng Trung-Cộng qua thăm viếng để cám ơn Cộng-đảng Tàu nưã!

Một khi cắt đất thì vùng duyên-hải và hải-phận cũng theo đó mà bị mất luôn. Dian H. Murray cả-quyết rằng khu duyên-hải quận-lỵ Trường Binh thuộc về lãnh-thổ Việt-Nam từ lâu đời. Sử-gia này viết trong cuốn sách "Pirates of the China Coast, 1798-1810"; California, 1987, trang 18: "Chiang-p'ing was technically a part of Vietnam until 1885". Đi xa hơn nưã vào quá-khứ lịch-sử, nhà địa-lý-học Harold J. Wiens còn vẽ ra biên-giới thời Lý-Tống của nước ta ăn sâu vào Quảng Tây nhiều trăm dặm Anh. (China's March Towards the Tropics, Conn, 1954.)

Sau nữa, nếu người Việt-nam cho dù không đọc sách ngoại-ngữ, cũng biết rằng biết rằng từ thời Tiền Lê, Đại-Hành Hoàng-Đế đã xác-định hải-phận quốc-gia đến tận vịnh Liêm-Châu. Trong"Hành Lục Tập", sứ-giả Tống-Cảo nhà Tống đã thành-thực viết rằng: "Cuối Thu năm ngoái, bọn Cảo chúng tôi đi đến hải-giới Giao-Chỉ, Nha Nội đô chỉ-huy-sứ của Hoàn là Đinh-Thừa-Chính đem chín chiến-thuyền và 300 quân đến Thái-Bình-Trường để đón..." Thái-Bình-Trường thuộc phủ Liêm-Châu, rất xa Mống Cái hay đảo Trà-Cổ; và nằm về phía Đông của Kinh Tuyến 108 độ 03 phút Đông.

 

 

Theo ước-lượng của Trung-Hoa Chữ U

 

 

 

Tiếp-tục con đường Ðông-Tiến 

 

Việt tộc - còn gọi chính thức là Kinh tộc (the Jings) - có con số nhân khẩu khiêm tốn gồm khoảng hơn 15,000 người, tụ cư sinh sống trong ba hòn đảo nhỏ là Vạn Vĩ (Wanwei), Ô Ðầu (Wutou) và Sơn Tâm (Shanxin) trong vùng tỉnh Quảng Tây.

 

 

 

 

 

Bắc-Hải và Ðông-Phương

 

 

Chúng ta cần nhiều tác phẩm loại này hơn nữa trong lĩnh vực khảo cổ học để cho thấy rằng tổ tiên chúng ta không chỉ sáng tạo ra địa cảnh (hay hải cảnh) mà chúng ta đang sống, nhưng địa cảnh và hải cảnh cũng tạo ra chúng ta. Nguyễn-Văn-Tuấn
Phụ-Bản 2

Bài 1

Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt-Nam - Trung quốc trong vịnh Bắc bộ

Lê Công Phụng

Thứ trưởng Ngoại giao

 

Nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Trần Đức Lương, ngày 25-12-2000, nước ta và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Lễ ký kết được tổ-chức với sự chứng kiến của Chủ tịch Trần Đức Lương và Chủ tịch Giang Trạch Dân. Sự kiện trọng đại mang tính lịch-sử này diễn ra vào thời khắc rất đặc biệt, nhân loại đang hối hả thu xếp hành trang giã từ thế kỷ XX đi vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới. Sự kiện này cũng diễn ra vào điểm đỉnh tốt đẹp của quan hệ Việt - Trung kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay. Nhân dân ta đón nhận việc ký kết hai hiệp định trên như một thành công lớn của hoạt-động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2000, coi đó là nhân tố hết sức quan-trọng trong việc tăng cường, thúc đẩy quan hệ Việt-Nam - Trung Quốc, cũng như trong việc duy trì, củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu-vực.

Trong các vấn đề do lịch-sử để lại trong quan hệ giữa ta và Trung Quốc có 3 vấn đề liên-quan đến biên giới lãnh-thổ là xác định đường biên giới trên đất liền ; phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên Biển Đông (mà thực chất là vấn đề chủ quyền đối với hai quần-đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đối với vùng đặc quyền kinh-tế, thềm lục địa của ta), trong các vấn đề trên, vấn đề biên giới trên đất liền đã được giải quyết bằng việc ký kết Hiệp-ước trên đất liền giữa Việt-Nam và Trung Quốc ngày 30-12-1999.

Vịnh Bắc Bộ được bao bọc bởi Việt-Nam và Trung Quốc có diện-tích 123.700 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 320 km (176 hải lý) và nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải lý). Chiều dài bờ biển phía Việt-Nam khoảng 763 km, còn phía Trung Quốc khoảng 695 km. Phần Vịnh phía ta có khoảng 1 300 hòn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch-Long-Vĩ nằm cách đất liền nước ta khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km.

Vịnh có vị-trí chiến-lược quan-trọng đối với Việt-Nam và Trung Quốc về an ninh và quốc-phòng. Đặc thù của Vịnh là chiều ngang tương-đối hẹp, từ trước tới nay hai nước chưa hề phân định Vịnh. Theo Công ước luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, thì toàn bộ Vịnh Bắc Bộ là vùng chồng lấn và trong thực-tế thời gian qua có tranh chấp, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa hai nước.

Trước tình hình đó, hai nước đều có nhu-cầu tiến hành đàm phán để phân định Vịnh Bắc Bộ nhằm đạt hai mục tiêu cơ bản và lâu dài : một là xác định đường phân giới rạch ròi, phân chia vùng biển, vùng đặc quyền kinh-tế và thềm lục địa giữa hai nước láng giềng ; hai là giải quyết vấn đề tồn tại do lịch-sử để lại, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy quá trình xây-dựng lòng tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước theo phương châm 16 chữ mà hai đồng chí Tổng Bí thư đã thỏa thuận.

Ngoài ý nghĩa về an ninh, quốc-phòng, Vịnh Bắc Bộ còn có ý nghĩa lớn về kinh-tế, có nguồn lợi hải-sản phong-phú. Hai nước đều có nhu-cầu hợp tác đánh bắt, bảo-vệ môi trường và bảo-vệ và nuôi trồng nguồn hải-sản trong Vịnh. Vào các năm 1957, 1961 và 1963 hai nước có ký các thỏa thuận cho phép thuyền buồm của hai bên được đánh bắt trong Vịnh ngoài phạm-vi tương ứng 3 hải lý, 6 hải lý và 12 hải lý tính từ bờ biển và hải-đảo mỗi bên. Các thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào những năm 70. Trong quá trình đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc kiên trì đề nghị lập vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định Vịnh Bắc Bộ và nhấn mạnh nếu không thỏa thuận được vấn đề này thì khó có thể giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000.

Ta không chủ trương gắn vấn đề nghề cá mang tính kinh-tế, kỹ-thuật với vấn đề phân định quốc giới mang tính chiến-lược lâu dài. Nhưng ta cũng nhận thức rõ là việc không giải quyết được vấn đề nghề cá có thể dẫn đến hậu quả là khó giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Lúc đó toàn bộ Vịnh sẽ tiếp tục bị coi là vùng chồng lấn giữa hai bên, và tình hình ở đó sẽ tiếp tục mất ổn định.

Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều nước có vịnh hoặc vùng biển chung cũng đã thỏa thuận lập vùng đánh cá chung và về mặt pháp lý thì điều đó không trái với Công ước luật Biển năm 1982. Nhằm mục đích tạo thuận-lợi tối đa cho việc giải quyết vấn đề phân định và trên cơ sở cân nhắc kỹ mọi khía cạnh trong quan hệ hai nước cũng như thực tiễn quốc tế, ta đã đồng ý lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ. Cuộc đàm phán về biên giới lãnh-thổ, trong đó có vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ giữa ta và Trung Quốc đã được tiến hành từ đầu những năm 70.

Trong các năm 1974 và 1977 - 1978, hai nước đã tiến hành 2 vòng đàm phán về phân định. Nhưng do điều-kiện lúc đó nên đàm phán không có kết-quả. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hai bên đã quyết định thương lượng để giải quyết các vấn đề biên giới lãnh-thổ, trong đó có vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Hai nước đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới - lãnh-thổ giữa Việt-Nam và Trung Quốc ngày 19-10-1993, trong đó nêu rõ phương hướng phân định Vịnh Bắc Bộ là "Hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh liên quan trong Vịnh để đi đến một giải pháp công bằng". Thực-hiện thỏa thuận đó, từ 1993 đến năm 2000, hai bên đã triển khai 7 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên.

Một thuận-lợi hết sức lớn lao đối với quá trình đàm phán là quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được tăng cường, ngày càng đi vào thực chất và toàn diện, lãnh đạo của hai bên luôn luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao. Trong các chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1997 của Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và tháng 2-1999 của Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được thỏa thuận là khẩn trương đàm phán để giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền trước năm 2000 và hoàn thành việc phân định để ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Với tinh thần đó, trong năm 1998 và 1999 hai bên chủ-yếu dành ưu-tiên cho việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền. Năm 2000 cuộc đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ được đẩy mạnh và đi vào giải quyết thực chất (1 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp liên tiếp giữa 2 trưởng đoàn cấp chính phủ và 8 vòng đàm phán cấp chuyên viên).

Trong quá trình đàm phán, hai bên đã vận dụng các nguyên tắc như sau để giải quyết : một là, căn cứ vào các quy định của Công ước luật Biển 1982 của Liên hợp quốc cũng như các nguyên tắc luật pháp quốc tế và tập quán được công nhận rộng rãi ; hai là, hai bên tính đến các đặc thù của Vịnh Bắc Bộ như sự hiện diện của các đảo, chiều dài bờ biển v.v... ; ba là, việc giải quyết vấn đề phân định phải xuất phát từ thực trạng cũng như nhu-cầu phát-triển quan hệ giữa hai nước ; bốn là, bảo đảm nguyên tắc công bằng và chiếu cố lợi ích của nhau.

Về diện-tích, phía Trung Quốc kiên trì chủ trương đại thể chia đôi, thừa nhận ta có thể nhỉnh hơn nhưng hơn không đáng kể. Ta chủ trương giải pháp công bằng phải phù hợp với các hoàn cảnh hữu quan trong Vịnh như sự hiện diện của các đảo của ta, chiều dài bờ biển của ta lớn hơn v.v... Do đó, kết-quả của giải pháp phân định phù hợp với yêu cầu ta đặt ra. Về diện-tích tổng thể ta được 53,23% diện-tích Vịnh, Trung Quốc đạt 46,77% (ta hơn Trung Quốc 6,46% tức là khoảng 8205 km2), đường phân định cách đảo Bạch-Long-Vĩ 15 hải lý, đảo Cồn Cỏ được hưởng 50% hiệu lực. Về khía cạnh tài-nguyên, giải pháp phân định đạt được cũng bảo đảm việc phân chia lợi ích một cách công bằng. Hai bên đã phân chia rõ ràng phần thềm lục địa để mỗi bên đều có thể tiến hành thăm dò, khai-thác tài-nguyên trong phạm-vi thềm lục địa của mình mà không bị bên kia can thiệp hoặc gây khó khăn. Trong trường hợp có cấu-tạo mỏ vắt qua đường phân định thì hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về việc khai-thác và phân chia lợi ích của việc khai-thác đó.

Cuộc đàm phán về nghề cá được khởi động muộn hơn. Cho mãi đến tháng 4-2000 ta mới tán thành đàm phán nghề cá. Qua 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên về nghề cá, hai bên nhất trí lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ từ vĩ độ 20o xuống đường đóng cửa Vịnh. Vùng này có bề rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phía và có tổng diện-tích là 33.500 km2, tức là khoảng 27,9% diện-tích Vịnh. Như vậy, đảm bảo cách bờ của mỗi nước là 30 hải lý : đại bộ phận cách bờ của ta 35 - 59 hải lý và có 2 điểm cách bờ là 28 hải lý. Thời hạn của vùng đánh cá chung là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn). Hai bên cũng đã thỏa thuận các điều khoản liên quan đến bảo-vệ môi trường và bảo-vệ và nuôi trồng nguồn hải-sản trong Vịnh.

Ba nguyên tắc lớn của vùng đánh cá chung là : vùng đặc quyền kinh-tế của nước nào thì nước đó có quyền kiểm tra, kiểm-soát các tàu cá được phép vào vùng đánh cá chung ; sản-lượng và số tàu thuyền được phép vào vùng đánh cá chung là dựa trên nguyên tắc bình đẳng, căn cứ vào sản-lượng được phép đánh bắt, xác định thông qua điều-tra liên hợp định kỳ ; mỗi bên đều có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ 3 trong vùng đặc quyền kinh-tế của mình. Hai bên thỏa thuận lập Uủy ban liên hợp nghề cá để xây-dựng quy chế liên quan đến vùng đánh cá chung.

Ngoài vùng đánh cá chung ra, hai bên thỏa thuận về dàn xếp quá độ với thời hạn 4 năm ở phía Bắc vĩ tuyến 20o cho tàu thuyền của hai bên tiếp tục được đánh bắt. Phạm-vi cụ-thể của vùng này hai bên sẽ tiếp tục thảo luận. Sau thời hạn quá độ, tàu thuyền của các bên về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh-tế của mình, trừ khi được bên kia cho phép.

Đồng thời hai bên cũng thỏa thuận lập một vùng đệm nhỏ ở ngoài cửa sông Bắc Luân với mục đích là tạo thuận-lợi cho việc ra vào của các tàu cá nhỏ (nếu phát hiện các tàu đó đánh cá thì cảnh cáo và buộc rời khỏi vùng nước của mình). Vùng này dài 10 hải lý và tính từ đường phân định rộng 3 hải lý về mỗi bên.

Về tổng thể, các giải pháp đạt được trong quá trình đàm phán và được thể-hiện trong hai bản Hiệp định là thỏa đáng, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên. Các Hiệp định đó là kết-quả của quá trình đàm phán lâu dài, thể-hiện nỗ lực, thiện chí và tính đến sự quan tâm, nhân nhượng từ cả hai phía.

Đối với ta, việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ tiếp theo việc ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền năm 1999, có ý nghĩa rất quan-trọng vì qua đó ta đã đạt được mục tiêu là giải quyết được hai trong ba vấn đề biên giới - lãnh-thổ tồn đọng lâu nay giữa hai nước. Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt-Nam - Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ tạo nên một cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý biên giới, lãnh-thổ, thực-hiện mục tiêu là xây-dựng biên giới Việt-Nam - Trung Quốc thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, và tạo động lực thúc đẩy, tăng cường quan hệ hai nước.

Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã xác định trọn vẹn đường biên giới lãnh-hải giữa ta và Trung Quốc ở khu-vực ngoài cửa sông Bắc Luân, phân định rõ ràng phạm-vi vùng đặc quyền kinh-tế và phạm-vi thềm lục địa của hai nước ở Vịnh. Hiệp định đã ghi-nhận cam kết của hai bên tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên trong phạm-vi các vùng biển của mình. Hiệp định cũng đã đề ra cách giải quyết khi xảy ra trường hợp hai bên chung nhau các mỏ tài-nguyên khoáng-sản nằm trong Vịnh.

Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vừa mới ký với Trung Quốc này là Hiệp định phân định biển thứ hai của nước ta (Hiệp định phân định biển đầu tiên là Hiệp định phân định các vùng biển giữa Việt-Nam và Thái Lan ký năm 1997) và là Hiệp định phân định biển gần đây nhất ở trong khu-vực). Do đó ý nghĩa của Hiệp định này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ quan hệ Việt - Trung mà thực sự góp phần vào việc ổn định hòa bình trong khu-vực.

Hiệp định hợp tác nghề cá đã góp phần quan-trọng đưa đến việc ký kết Hiệp định phân định ; thể-hiện rõ sự nhân nhượng, thông cảm lợi ích của nhau, phù hợp với phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương-lai"; trong quan hệ hai nước.

(http://www.cpv.org.vn/tccs/022001/6_lecongphung.htm)

Tạp chí Cộng-sản 1 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội - Tel: 8252061, Fax: 8222846 - 19 Phạm Ngọc Thạch, Q3, Tp Hồ Chí Minh - Tel: 8225768 - Tổng biên tập: Hà Đăng.

 

 

Bài 2

Về việc ký hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt-Nam và Trung quốc

 

Ngày 25 tháng 12 năm 2000, tại Bắc Kinh Trung Quốc, Chính phủ Cộng hoà Xã-hội chủ nghĩa Việt-Nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. Theo yêu cầu của bạn đọc, Tạp chí tóm tắt sự kiện này như sau:

A. Về Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ:

Vịnh Bắc Bộ có diện-tích 126.250 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310km và nơi hẹp nhất khoảng 220km. Khác với biên giới trên bộ, đường ranh-giới trong Vịnh Bắc Bộ giữa ta và Trung Quốc từ trước đến nay chưa được xác định. Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền Pháp và nhà Thanh mới thoả-thuận lấy đường kinh-tuyến Paris 105 độ 04 3 Đông (kinh-tuyến Greenwich 108 độ 03 13" Đông) để quy thuộc chủ quyền của các đảo ở khu-vực sát cửa sông Bắc Luân.

Do đặc thù của Vịnh chưa phân định, nên toàn bộ Vịnh Bắc Bộ là vùng luôn xảy ra các tranh chấp giữa ta và Trung Quốc, nhất là về thăm dò tài-nguyên dầu-khí và về đánh cá. Do đó, rất cần đàm phán để ký kết Hiệp định phân định giữa hai nước. Vào những năm 70, ta và Trung Quốc đã có hai cuộc đàm phán về vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ (vào năm 1974 và 1977 - 1978), nhưng chưa có kết-quả.

Sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ, hai Đảng, hai nước đã quyết định giải quyết các vấn đề biên giới lãnh-thổ, trong đó có vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Với chủ trương đó, ngày 19-10-1993 hai bên đã ký "Thoả-thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh-thổ giữa nước Cộng hoà Xã-hội chủ nghĩa Việt-Nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa", trong đó quy định về Vịnh Bắc Bộ là "Hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong Vịnh để đi đến một giải pháp công bằng". Từ đó đến nay, vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ đã được hai bên bàn bạc tại 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên và một số vòng họp không chính thức giữa các chuyên viên phân định.

- Vào năm 1997, nhân dịp đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Trung Quốc và tháng 2-1999, nhân dịp đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trung Quốc, lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đã thoả thuận tích cực thúc đẩy đàm phán để hoàn thành việc phân định và ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000.

- Trong quá trình đàm phán, hai bên đã căn cứ vào Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển, các nguyên tắc luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế được công nhận, cũng như tính đến các hoàn cảnh hữu quan trong Vịnh Bắc Bộ, thương lượng hữu nghị để giải quyết vấn đề một cách công bằng, hợp lý. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị và Chính phủ hai nước, cuối năm 2000 hai bên đã hoàn thành việc phân định dẫn đến việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vừa qua.

- Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là hiệp định phân định mang tính tổng hợp. Xác định rõ biên giới lãnh-hải của hai nước ở ngoài cửa sông Bắc Luân, cũng như giới hạn vùng đặc quyền kinh-tế và thềm lục địa của ta và Trung Quốc ở trong Vịnh Bắc Bộ. Về diện-tích tổng thể, tính theo mực nước trung-bình thì ta được 53,23%, Trung Quốc được 46,77% diện-tích Vịnh. Đường phân định cách đảo Bạch-Long-Vĩ 15 hải lý (về phía bờ đảo Hải Nam). Đường đóng cửa Vịnh nối mũi Oanh Ca của Trung Quốc, qua đảo Cồn Cỏ đến bờ biển của Việt-Nam. Hiệp định đã khẳng định nghĩa vụ của hai bên tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên đối với lãnh-hải, vùng đặc quyền kinh-tế và thềm lục địa của mình theo đường phân định. Các trường hợp đường phân định đi qua các cấu-tạo địa chất có khả-năng có dầu-khí thì hai bên đã thoả thuận sau này nếu phát hiện thấy dầu-khí sẽ hợp tác phân chia lợi ích một cách công bằng khi khai-thác.

B. Về Hiệp định hợp tác nghề cá ở trong Vịnh Bắc Bộ giữa ta và Trung Quốc.

Vào các năm 1957, 1961 và 1963, ta và Trung Quốc ký các thoả thuận cho phép tàu thuyền đánh cá của hai bên được đánh cá chung trong Vịnh ngoài phạm-vi tương ứng 3 hải lý, 6 hải lý và 12 hải lý tính từ bờ biển và hải-đảo mỗi bên. Các thoả thuận này hết hiệu lực vào đầu những năm 70. Trong quá trình đàm phán về phân định, phía Trung Quốc kiên trì đề nghị lập vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định Vịnh. Nhằm mục đích tạo thuận-lợi tối đa cho việc giải quyết vấn đề phân định và trên cơ sở cân nhắc kỹ mọi khía cạnh trong quan hệ hai nước, luật pháp và thực tiễn quốc tế (gần ta nhất là thực tiễn ký Hiệp định vùng đánh cá chung giữa Trung Quốc và Nhật Bản, giữa úc và In-đô-nê-xi-a), ta đã đồng ý mở các cuộc đàm phán riêng về vấn đề hợp tác nghề cá giữa hai nước ở trong Vịnh Bắc Bộ từ tháng 2/2000. Tháng 9/2000, nhân chuyến thăm làm việc của Thủ tướng ta tại Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ vào cuối năm 2000.

- Qua 6 vòng đàm phán, hai bên đã thống nhất Hiệp định về hợp tác nghề cá, trong đó nội dung chính là lập vùng đánh cá chung nơi tàu thuyền của cả hai bên đều được đánh bắt theo quy định của Uỷ ban Liên hợp về nghề cá: Vùng đánh cá chung này nằm ở Nam vĩ tuyến 20 (phía Nam đảo Bạch-Long-Vĩ), có bề rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phía và có tổng diện-tích 33.500km2, tức là khoảng 27,9% diện-tích Vịnh. Thời hạn của vùng đánh cá chung là 15 năm. Sau đó, việc hợp tác tiếp tục như thế nào là tuỳ hai bên hiệp thương thoả thuận. Ba nguyên tắc lớn của vùng đánh cá chung là: vùng đặc quyền kinh-tế của nước nào thì nước đó có quyền kiểm tra, kiểm-soát các tàu cá được phép vào vùng đánh cá chung; sản-lượng và số tàu thuyền được phép vào vùng đánh cá chung là dựa trên nguyên tắc bình đẳng căn cứ vào sản-lượng được phép đánh bắt, xác định thông qua điều-tra liên hợp định ký; mỗi bên đều có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với nước thứ ba theo các quy định cụ-thể của Hiệp định.

- Xuất phát từ tình hình đánh bắt của ngư-dân Trung Quốc, hai bên đã đồng ý về dàn xếp quá độ trong vùng đặc quyền kinh-tế của mỗi bên nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 20 cho phép tàu thuyền hai bên được tiếp tục hoạt-động nghề cá trong thời hạn là 4 năm tại khu-vực này. Còn ở phía biển sát cửa sông Bắc Luân, hai bên đồng ý lập một khu đệm dài 10 hải lý và rộng 6 hải lý (3 hải lý về mỗi phía kể từ đường biên giới lãnh-hải) nhằm tạo thuận-lợi cho việc ra vào của tàu thuyền hai bên.

C. Việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt-Nam và Trung Quốc là sự kiện quan-trọng đối với nước ta cũng như quan hệ Việt - Trung.

Với việc ký Hiệp định phân định, ta đã giải quyết dứt điểm được vấn đề thứ hai trong ba vấn đề biên giới, lãnh-thổ tồn tại lâu nay với Trung Quốc (biên giới trên bộ, Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông). Việc phân định một cách rõ ràng biên giới lãnh-hải phía ngoài cửa sông Bắc Luân, phạm-vi vùng đặc quyền kinh-tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh sẽ tạo thuận-lợi cho vệc quản lý và duy trì ổn định ở trong Vịnh, góp phần tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, thúc đẩy quan hệ hợp tác mọi mặt giữa hai nước.

Tiếp theo việc ký Hiệp ước và giải quyết vấn đề biên giới với Lào, phân định vùng biển với Thái Lan, đang tích cực giải quyết một số vấn đề còn lại về biên giới trên đất liền và đi tới giải quyết vấn đề trên biển với Cam-pu-chia, giải quyết vùng chồng lấn với In-đô-nê-xi-a và đặc biệt là việc ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa ta và Trung Quốc năm 1999, việc ký các Hiệp định phân định và hợp tác nghề cá ở trong Vịnh Bắc Bộ là bước tiến mới quan-trọng trong việc xây-dựng môi trường hoà bình, ổn định xung quanh nước ta, tạo điều-kiện cho chúng ta tập trung sức lực vào việc xây-dựng và phát-triển đất nước.

Việc hai nước-Việt-Nam - Trung Quốc hoàn thành giải quyết vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ góp phần tích cực vào việc củng cố hoà bình và ổn định ở khu-vực./.

(http://www.cpv.org.vn/anpham/tutuong/032001/13_kyhiepdinh.htm)

-----

(1) Giọng-điệu khoa-trương của Lê Xuân Tùng:

Website đảng Cộng-sản Việt-Nam công-trình có ý nghĩa lớn lao chào mừng Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX đảng Cộng-sản Việt-Nam

 Lê Xuân Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng văn-hóa và khoa giáo (Phát biểu nhân dịpcông-bố phát hành chính thức Website đảng Cộng-sản Việt-Nam -Công-trình chào mừng Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX đảng Cộng-sản Việt-Nam, ngày 10/04/2001)

--------

 

Foreign affairs 03/17/2001
VN-China fishing accord in Bac Bo Gulf
Ha Noi, Mar. 16 (VNA) -- The signing of the Bac Bo (Tonkin) Gulf fishing cooperation agreement between Viet Nam and China last December has opened the way for comprehensive cooperation between the two countries.

* Overlapping Fishing Areas

The Fisheries Ministry's Legal Department Director Dinh Xuan Thao, says the overlapping fishing zone in the Bac Bo Gulf between Viet Nam and China covers 33,500 sq. km or 27.9 percent of the gulf's total area. It stretches from 20 degree north to the closing line of the gulf with a width of 30.5 nautical miles.

The demarcation ensures an average of 30 nautical miles from each country's coast. The average distance from Viet Nam's coast to the line ranges from 35 to 39 nautical miles but the two nearest points, Mui Ron, Ha Tinh province, Mui Don, Quang Binh province, are only 28 nautical miles from it.

* Principles of Control
Viet Nam and China have agreed three principles to control their overlapping fishing zones.

Both countries shall control and inspect their own exclusive economic zones and have the right to oversee vessels fishing legally in the overlapping area.

The number of fishing vessels permitted to operate in the overlapping area will be determined on the basis of equality and catch volume defined by regular joint investigations.

Both countries have the right to set up joint ventures with a third party in their own exclusive economic zones.

The protection of fishing resources is defined as the first priority to ensure the area's sustainable development. The two countries have set a joint 15-year operation term, including 12 official years and three extended years. They will conduct joint research to define fish reserves for the making of fishing plans and determining the number of fishing vessels from each country allowed to work in the area.


In addition, they have agreed to a four-year transitional for the territorial waters from the 20-degree latitude northwards for continued netting by fishing vessels from both countries.

After the transition, fishing vessels from each country must return to their own exclusive economic zone, unless allowed to remain by the other.

Apart from the overlapping fishing area, Viet Nam and China have agreed to establish a 10-nautical mile by three nautical mile buffer zone outside the Bac Luan river estuary.

* Making the Agreement Effective
Several jobs remain to be completed for the bilateral fishing cooperation agreement between Viet Nam and China to come into effect. First, the agreement must be ratified by both governments. In addition, both countries will continue negotiating a supplementary protocol for their transitional area. It will cover scale, control measures and the operation. Next will come the establishment of a joint fishing committee by the two governments.

Experts believe that once the agreement comes into effect, fishermen from both countries will have opportunities to exchange experiences and know-how.

But Viet Nam still faces difficulties as its fishing fleet is inefficient in terms of quantity, capacity and technology and the experts recommend the Government intensify investment for building more deep-water fishing vessels in the near future.--VNA

 

 

 

MỐC MỚi TRONG QUAN HỆ VIỆT – TRUNG

Vũ Khoan(3/2/1930 - 3/2/2000) Số 2 (1-2000)

Ngày 30-12-1999, ngay bên thềm của năm mới, thế kỷ mới và thiên kỷ mới, tại Hà Nội đã diễn ra một sự kiện quan-trọng được dư luận cả nước và thế-giới quan tâm : đó là Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt-Nam và Trung Quốc được ký kết.

Vậy biên giới trên đất liền giữa 2 nước được xác định lúc nào và vì sao lại phải đàm phán và ký Hiệp ước ?
Đường biên giới trên đất liền giữa nước ta với Trung Quốc dài khoảng 1350 km, đã được hoạch định từ cách đây hơn 100 năm bởi Công ước hoạch định biên giới ngày 26-6-1887 và Công ước 20-6-1895 bổ sung Công ước hoạch định biên giới năm 1887 được ký kết giữa Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi các Công ước trên được ký, đường biên giới giữa hai nước đã được phân định và cắm hơn 300 mốc giới.

Tuy nhiên, trong hơn 100 năm qua đã diễn ra nhiều sự biến đổi về thiên-nhiên ở trên thực địa cũng như về chính trị - xã-hội ở mỗi nước và trong quan hệ hai nước, do đó đã nẩy sinh nhận thức khác nhau đối với một số khu-vực trên đường biên giới. Ngoài ra, việc hoạch định biên giới giữa chính quyền Pháp và nhà Thanh được xúc tiến hơn 100 năm trước với phương tiện và điều-kiện lúc đó - nên lời văn và bản-đồ về nhiều đoạn không được đầy đủ, rõ ràng, chính xác. Nhiều cột mốc biên giới cùng với thời gian đã bị hư hỏng, nằm không đúng vị-trí hoặc thậm chí thất lạc. Chính vì vậy mà nảy sinh tranh chấp và yêu cầu đàm phán để xác định lại đường biên giới giữa hai nước.

Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1949), một số lần nước ta và Trung Quốc đã trao đổi ý-kiến, đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ. Đặc biệt, sau khi khôi phục quan hệ bình

Thường vào đầu những năm 90, hai Đảng, hai nước đã quyết định đàm phán về các vấn đề biên giới lãnh-thổ, trong đó có việc ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền. Thực-hiện quyết định này, từ năm 1993 hai nước đã tiến hành 6 vòng đàm phán ở cấp chính phủ và 16 vòng ở cấp chuyên viên. Đặc biệt, ngày 19-10-1993, hai bên đã ký Thỏa-thuận về các nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh-thổ, làm kim chỉ nam cho cuộc đàm phán tiếp theo.

Năm 1997, nhân dịp Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Trung Quốc và tháng 2-1999, nhân dịp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trung Quốc, lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đã thỏa-thuận tích cực thúc đẩy đàm phán để ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền trước năm 2000. Thỏa-thuận của lãnh đạo cấp cao đó đã tạo ra xung lực thúc đẩy tiến trình đàm phán, đưa tới việc ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt-Nam - Trung Quốc vào ngày 30-12-1999 vừa qua.

Vậy hai bên đã đàm phán về những vấn đề gì và trên những nguyên tắc nào ? Trước hết, phải nói rằng, trên phần lớn chiều dài của đường biên giới lịch-sử, hai bên có nhận thức trùng hợp. Chỉ đối với khoảng trên 30%, nhận thức hai bên có khác nhau vì những lý do nói ở trên. Cuộc đàm phán chủ-yếu tập trung vào việc xử lý các khu-vực này. Điều đáng ghi-nhận là cuối cùng hai bên đã giải quyết tất cả các khu-vực có nhận thức khác nhau, không "treo" lại khu-vực nào cả Trong đàm phán, trên cơ sở tôn trọng đường biên giới do lịch-sử để lại, hai bên đã nhất trí các nguyên tắc đối chiếu, xác định biên giới trên bộ như :

1. Lấy các Công ước 1887, 1895 cùng các văn-kiện, bản-đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo cũng như các mốc giới cắm theo quy định làm căn cứ để đối chiếu và phân các khu-vực C thành loại "rõ ràng" và loại "không rõ ràng" để giải quyết theo hướng :

- Loại "rõ ràng" thì căn cứvào các quy định của hai Công ước Pháp - Thanh để giải quyết, nếu bên nào quản lý quá giới hạn thì trao phần "lấn" cho bên kia.

- Loại "không rõ ràng" thì sử-dụng tổng hợp các, yếu tố khác nhau (lịch-sử, quản lý, địa-hình, bản-đồ lịch-sử, mốc giới, tiện-lợi cho việc quản lý) để giải quyết theo tinh thần thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau, công bằng, hợp lý.

2. Các khu-vực dân-cư hai bên đã sinh sống lâu đời thì duy trì cuộc sống ổn định của dân-cư.

3. Đối với những đoạn biên giới theo sông suối, những đoạn đã được Công ước Pháp - Thanh quy định rõ ràng thì theo các Công ước, còn những đoạn chưa được các Công ước quy định rõ thì giải quyết theo các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, cụ-thể là :

- Đường biên giới trên các đoạn sông, suối tàu thuyền đi lại được thì theo trung-tâm luồng chính tàu thuyền qua lại ;
- Đường biên giới trên các đoạn sông, suối tàu thuyền không đi lại được thì đi theo trung-tâm của dòng chảy hoặc dòng chính.

Vấn đề biên giới lãnh-thổ luôn luôn là vấn đề rất phức tạp. Cuộc đàm phán diễn ra không đơn giản, kéo dài tổng cộng trên 20 năm kể từ lần đàm phán chính thức năm 1977 và đặc biệt khẩn trương trong 7 năm gần đây. Đương nhiên, đối với các khu vục có nhận thức khác nhau thì mỗi bên đều có căn cứ, lập luận khác nhau. Do đó, để đi tới giải pháp, hai bên tất phải chiếu cố, nhân nhượng lẫn nhau trên cơ sở các nguyên tắc nói trên. Cuối cùng đã thỏa-thuận được là do sự quan tâm và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao, nỗ lực của các cấp, các ngành hữu quan và đoàn đàm phán.

Rõ ràng, việc ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt-Nam và Trung Quốc là sự kiện lớn, có ý nghĩa rất quan-trọng đối với nước ta cũng như quan hệ Việt - Trung và đối với khu vục, chí ít là trên ba khía cạnh sau :

Một là, hai nước đã giải-quyết dứt điểm được một trong ba vấn đề biên giới lãnh-thổ tồn tại lâu nay giữa hai nước. Việc xác định rõ ràng hơn đường biên giới trên đất liền giữa hai nước sẽ tạo thuận-lợi cho việc quản lý và ổn định tình hình ở vùng biên giới, mỗi nước có điều-kiện tập trung sức lực để xây-dựng và phát-triển kinh-tế. Cùng với việc có biên giới ổn định với Lào, đang giải-quyết nốt một số vấn đề còn lại về biên giới với Căm-pu- chia, đã giải-quyết xong vấn đề chồng lấn trên biển với Ma-lai-xi-a và Thái Lan, thúc đẩy đàm phán về thềm lục địa với In-đô-nê-xi-a ; việc ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền với Trung Quốc đã góp phần củng cố thêm môi trường ổn định chung quanh nước ta.

Hai là, việc ký Hiệp ước tạo thuận-lợi để biến biên giới Việt - Trung thành biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo cơ sở tốt cho việc thúc đẩy quan hệ giữu hai nước theo khuôn khổ đã định là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, huớng tới tương-lai". Nó sẽ tạn đà cho việc phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000.
Ba là, trên bình diện quốc tế và khu-vực, việc hai nước-Việt - Trung giải-quyết xong các tranh chấp về biên giới trên đất liền và ký Hiệp ước cũng góp phần đáng kể vào việc củng cố hòa bình và ổn định ở khu-vực. Nó chứng tỏ rằng, với thiện chí và quan tâm của hai bên, các vấn đề tranh chấp có thể được giải-quyết qua thương lượng hữu nghị.

Việc ký Hiệp ước là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, phía trước còn nhiều việc phải làm. Trước hết, hai bên phải xúc tiến các thủ tụccần-thiết để phê-chuẩn Hiệp ước. Sau đó hai bên cần lập ra ủy ban hỗn hợp về phân giới, cắm mốc và ủy ban này sẽ tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa (vì Hiệp ước mới chỉ là ghi-nhận những thỏa thuận nguyên tắc, bản-đồ kèm theo Hiệp ước ở tỷ lệ quá lớn : 1/50 000). Đồng thời, hai bên còn phải đàm phán về một Hiệp định chính thức về quản lý biên giới thay cho Hiệp định tạm thời ký năm 1991. Chỉ sau khi đó, biên giới trên đất liền giữa hai nước mới chính thức có hiệu lực trên toàn tuyến.

Hai bên thỏa thuận, trong thời gian xúc tiến những việc trên, hai bên tiếp tục quản lý như Hiệp định tạm thời quy định. Với không khí quan hệ đã hình-thành hiện nay, hy vọng rằng, nhân dân hai nước sẽ có điều-kiện làm ăn yên ổn, cùng nhau hợp tác để phát-triển.

Vũ Khoan
* ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao

Tạp chí Cộng-sản 1 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội - Tel: 8252061, Fax: 8222846 - 19 Phạm Ngọc Thạch, Q3, Tp Hồ Chí Minh - Tel: 8225768 - Tổng biên tập: Hà Đăng.

 

 

 

THœ T¿•NG PHœ

N¿•C VIŽT NAM DÂN CHœ C“NG HOÀ

 

Thßa аng chí T±ng lý,

 

Chúng tôi xin trân tr÷ng báo tin ð¬ аng chí T±ng lý rõ:

 

Chính phü nß¾c Vi®t Nam Dân chü Cµng Hoà ghi nh§n và

tán thành bän tuyên b¯ ngày 4/9/58. cüa Chính phü nß¾c

Cµng Hoà Nhân dân Trung Hoa, quyªt ð¸nh v« häi ph§n cüa

Trung Qu¯c.

 

Chính phü nß¾c Vi®t Nam Dân chü Cµng Hoà tôn tr÷ng

quyªt ð¸nh ¤y và s¨ chï th¸ cho các c½ quan Nhà nß¾c có

trách nhi®m tri®t ð¬ tôn tr÷ng häi ph§n 12 häi lý cüa

Trung qu¯c, trong m÷i quan h® v¾i nß¾c Cµng hoà Nhân dân Trung

Hoa trên m£t b¬.

 

Chúng tôi xin kính g·i аng chí T±ng lý l¶i chào r¤t trân tr÷ng.

 

Hà-nµi, ngày 14 tháng 9 nåm 1958.

 

PhÕm Vån аng

Thü tß¾ng Chính phü

Nß¾c Vi®t-nam Dân chü Cµng Hoà

 

 Phụ-Bản Ðường Căn-Bản

Xin Lưu-ý mục số (3) về "1887 Convention of frontier boundary"

HANOI, 12 November 1982.

National legislation - DOALOS/OLA - United Nations

Statement of 12 November 1982 by the Government of the Socialist Republic

of Viet Nam on the Territorial Sea Baseline of Viet Nam

 

In implementing the provisions of paragraph 1 of the statement on the territorial sea, the contiguous zone, the exclusive economic zone and the continental shelf issued by the Government of the Socialist Republic of Viet Nam on 12 May 1977 after being approved by the Standing Committee of the National Assembly of the Socialist Republic of Viet Nam,

 The Government of the Socialist Republic of Viet Nam makes the following statement on the baseline from

which the breadth of the territorial sea of Viet Nam shall be measured:

 (1) The baseline from which the territorial sea of the continental territory of Viet Nam shall be measured is constituted by straight lines connecting those points the co-ordinates of which are listed in the annex attached herewith.

 (2) The territorial sea baseline of Viet Nam which starts from point 0 - the meeting point of the two baselines for measuring the breadth of the territorial sea of the Socialist Republic of Viet Nam and that of the People's Republic of Kampuchea, located in the sea on the line linking the Tho Chu Archipelago with Poulo Wai Island – and which ends at Con Co Island shall be drawn following the co-ordinates listed in the attached annex on the 1/100,000 scale charts published by the Vietnamese People's Navy prior to 1979.

 (3) The Gulf of Bac Bo (Tonkin Gulf) is a gulf situated between the Socialist Republic of Viet Nam and the People's Republic of China; the maritime frontier in the gulf between Viet Nam and China is delineated according to the 26 June 1887 Convention of frontier boundary signed between France and the Qing Dynasty of China.

 The part of the gulf appertaining to Viet Nam constitutes the historic waters and is subjected to the juridical

régime of internal waters of the Socialist Republic of Viet Nam.

 The baseline from Con Co Island to the mouth of the gulf will be defined following the settlement of the

problem relating to the closing line of the gulf.

 (4) The baseline for measuring the breadth of the territorial sea of the Hoang Sa and Truong Sa Archipelagos will be determined in a coming instrument in conformity with paragraph 5 of the 12 May 1977 statement of the Government of the Socialist Republic of Viet Nam.

 (5) The sea as lying behind the baseline and facing the coast or the islands of Viet Nam constitutes the

internal waters of the Socialist Republic of Viet Nam.

 (6) The Government of the Socialist Republic of Viet Nam holds that all differences with countries

concerned relating to different sea areas and the continental shelf will be settled through negotiations on the basis of mutual respect for each other's national independence and sovereignty in conformity with international law and practice.

 

Annex

 

THE CO-ORDINATES OF THE POINTS ESTABLISHING THE STRAIGHT BASELINE

FROM WHICH THE BREADTH OF THE TERRITORIAL SEA

OF VIET NAM IS MEASURED

(Attached to the 12 November 1982 Statement by the

Government of the Socialist Republic of Viet Nam)

 

POINTSGEOGRAPHICAL DESCRIPTIONLATITUDE (N)LONGITUDE (E)

O On the south-western demarcation

line of the historic waters of

the Socialist Republic of Viet

Nam and the People's Republic of

Kampuchea.

 

A1 At the Island of Nhan, Tho Chu

Archipelago, Kien Giang province 09° 15'0103° 27'0

 

A2 At Da Le Island which is south-

east of Hon Khoai Island, Minh

Hai province....................08° 22'8104° 52'4

 

A3 At Tai Lon Islet, Con Dao

Islands, Con Dao Vung Tau

Administrative sector........... 08° 37'8106° 37'5

 

A4 At Bong Lang Islet, Con Dao

islands......................... 08° 38'9106° 40'3

 

A5 At Bay Canh Islet, Con Dao

Islands......................... 08° 39'7106° 42'1

 

A6 At Hon Hai Islet (Phu Qui group),

Thuan Hai province.............. 09° 58'0109° 05'0

 

A7 At Hon Doi Islet, Thuan Hai

province........................12° 39'0109° 28'0

 

A8 At Dai Lanh Cape, Phu Khanh

province........................12° 53'8109° 27'2

 

A9 At Ong Can Islet, Phu Khanh

province........................13° 54'0109° 21'0

 

A10 At Ly Son Island, Nghia Binh

province........................15° 23'1109° 09'0

 

A11 At Con Co Island, Binh Tri

Thien province.................. 

 

 

 

 

------

nhu*~ng gia^'y to*` ddi ke`m vo*'i ba?n- ddo^`

na^`y . Tu*o*ng-tu*. nhu* "Convention relative à la délimitation de la frontière

entre la Chine et le Tonkin" ky' nga`y 26 juin 1887 va` "Convention

complémentaire de la Convention de délimitation de la frontière entre le Tonkin et la Chine du 26 juin 1887" ky' nga`y 20 juin 1895", ca^`n pha?i co' nhu~ng

ba?n- ddo^` ddi'nh-ke`m

 

Ngoài ý nghĩa về an ninh, quốc-phòng, Vịnh Bắc Bộ còn có ý nghĩa lớn về kinh-tế, có nguồn-lợi hải-sản phong-phú. Hai nước đều có nhu-cầu hợp tác đánh bắt, bảo-vệ môi trường và bảo-vệ và nuôi trồng nguồn hải-sản trong Vịnh. Vào các năm 1957, 1961 và 1963 hai nước có ký các thỏa thuận cho phép thuyền buồm của hai bên được đánh bắt trong Vịnh ngoài phạm-vi tương ứng 3 hải lý, 6 hải lý và 12 hải lý tính từ bờ biển và hải-đảo mỗi bên.

Trước đây chúng ta cho tàu thuyền Trung Quốc vào cách bờ Việt-Nam chỉ có 3 hải lý, 6 hải lý, 12 hải lý để đánh bắt. Còn bây giờ, vùng quá độ cách điểm nhô xa nhất của các đảo ven bờ của chúng ta 22 hải lý và vùng đánh cá cũng cách bờ chúng ta ít nhất là 36 hải lý.

 

- Khi mà ta chưa đưa ra con số 61% Vịnh Bắc Bộ là của Việt-Nam thì cơ bản ta đã dựa trên các điều-kiện này. Nhưng, ai cũng biết nghĩ khi đàm phán, thương lượng thì cần nêu ra các ưu-tiên số 1, 2, 3..., các phương án đưa ra có thể là từ 1 đến 3, có thể từ 1 đến 5 phương án khác nhau để đạt 1 phương án thỏa đáng nhất. Vì vậy, sau nhiều năm đàm phán, đến năm 2000, ta và Trung Quốc đã ký được Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, chúng ta được 53,2% tổng diện-tích và Trung Quốc được 46,8% tổng diện-tích Vịnh Bắc Bộ. Và chúng tôi cho rằng những gì chúng ta có thể đạt được, cần phải đạt được thì đã đạt được.

-Việc nhân dân không hiểu sâu lắm cũng là điều dễ hiểu, nhưng chúng tôi tin rằng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào mục tiêu chúng ta đề ra.

- Trước khi ký kết với bạn, chúng tôi trình qua rất nhiều cấp. Một là báo cáo Chính phủ, xem Chính phủ đã đồng ý với đề án này chưa. Sau đó báo cáo với Trung ương Đảng và Ban bí thư. Sau đó thì báo cáo với Quốc hội, vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội là cơ quan phê-chuẩn hiệp ước, Quốc hội đại diện cho nhân dân. Quốc hội đồng ý thì lúc ấy mới ký kết. Có rất nhiều hiệp định ký với nước ngoài mà chúng tôi không nhất thiết phải báo cáo rộng rãi như thế theo quy định hành chính của chúng ta, riêng trong các vấn đề biên giới, lãnh-thổ, chủ quyền thì tất tật dù lớn dù bé, dù ký với nước nào, cũng phải thông qua các cấp trung ương và cuối cùng là Quốc hội.

 

 

VQG Cát Bà là một trong hai VQG của Việt-Nam có cả rừng, núi và biển. Nhng theo một quyết định lúc đó, VQG sẽ bị thu hẹp. Phần diện-tích mặt nước biển và một số vùng đệm sẽ bị tách ra khỏi VQG để chuyển sang nuôi trồng thủy-sản. Diễn đàn các Nhà báo Môi trờng Việt-Nam (VEFJ) tổ-chức hội thảo về vấn đề này. Các nhà môi trờng tại hội thảo nhấn mạnh việc điều chỉnh nh thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của VQG Cát Bà, đến môi trờng sống của một số động-vật quý hiếm chỉ tìm thấy ở VQG. May thay, thông báo đó đến giờ không thấy nhắc đến nữa. Thậm chí ý định chuyển VQG Cát Bà từ trung ơng về cho TP Hải Phòng quản lý cũng bị hủy.

Tổ-chức quốc tế Hội Động-vật về Bảo-tồn Loài và Quần thể (ZSCSP) đã xin Chính phủ Việt-Nam đóng bản doanh ngay trong VQG và giao cho Rosi đứng đầu Dự án bảo-tồn voọc Cát Bà. Voọc Cát Bà được quốc tế xếp vào nhóm nguy cấp nhất, không loài nào trên thế-giới có nguy cơ tuyệt chủng lớn hơn nó. Trong Sách Đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo-tồn Thiên-nhiên) cũng nh Sách Đỏ của Việt-Nam sắp phát hành, voọc Cát Bà được liệt vào hàng đặc biệt nguy cấp. Nó chỉ có ở đảo Cát Bà mà không thể tìm thấy tại bất kỳ nơi nào khác. Thế mà bao nhiêu năm qua, Cát Bà, nói đúng hơn là chúng ta, cứ săn bắt chúng không thương tiếc. Trớc đây có ít nhất 2.400 - 2.700 con. Đến giữa những năm 1980, còn không quá 200 con.

Khi VQG Cát Bà được thành lập, săn bắt khó hơn nhiều. Thế mà từ năm 1990 - 1999, có thêm 90 - 100 con bị hạ. Từ năm 2000 đến đầu năm 2002, theo khảo sát của ZSCSP, 12 - 19 con nữa bị giết và toàn bộ "dân số" voọc Cát Bà còn không quá 50 - 60.

 

 

 

 

 

 

Nhà báo Ðại Dương khi bàn-luận về thái-độ của Bắc-Kinh, đã viết rằng:

Thượng đỉnh Hiệp hội các quốc-gia Ðông Nam Á -ASEAN- tại Manila 1992 đồng thanh than phiền khiến Trung Cộng tạm thời ngưng việc xác lập chủ quyền Biển Ðông. Nhưng khi Thưởng đỉnh họp tại Hà Nội 1999, các quốc-gia hội viên làm ngơ. Bắc Kinh dùng phương pháp đàm phán song phương để ép Hà Nội phải cắt xén lãnh-thổ và chia sẻ tài-nguyên.
 Nguyên tắc "không xen vào nội bộ lẫn nhau" của ASEAN đã làm lệch cán cân đàm phán song phương nghiêng về phía Trung Cộng là quốc-gia đang vượt trội về lực lượng quân sự tại Ðông Nam Á.


 

 

Động-vật nào có đôi mắt lớn nhất?

Nếu cuộc tranh tài chỉ giới hạn trong những sinh-vật đang sống, thì mực khổng lồ (Architeuthis) sẽ đoạt ngôi vô địch dễ dàng mà không có đối thủ. Con mắt với đường kính 25 cm của nó to bằng cả đầu người, rộng 10 lần kích cỡ mắt của chúng ta.

 

Trong bảng so-sánh bên, người và cá heo đứng trên cùng, với đôi mắt nhỏ xíu. Đứng gần chót danh sách là mực khổng lồ với con mắt rộng bằng một chiếc đĩa lớn.

Người và mực có cấu trúc mắt khá tương đồng. Cả hai đều có thủy tinh thể, đồng tử, mống mắt và võng mạc đơn, mặc dù mực tiến hóa dưới nước và người ở trên cạn.

Nhưng nếu so-sánh với các bậc tiền bối, thì mực khổng lồ vẫn chỉ là hạng hai. Nhà vô địch của mọi thời đại phải kể đến con Temnodontosaurs platyodon, đứng cuối bảng tổng sắp. Đường kính mắt của nó lên tới 26,4 cm. Đây là một loài bò sát biển đã tuyệt chủng, với bề ngoài trông giống như cá. Chúng từng ngang dọc trên các đại dương trong thời-kỳ Đại Trung Sinh - không lâu trước khi khủng-Long đặt lên chân lên đất liền - 250 triệu năm trước.

 

 

----

Thời đồ đá cũ

Con người đã xuất hiện khá sớm trên đất Việt-Nam. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của người vượn Homo erectus trong một số hang động ở Lạng Sơn và Nghệ An. Ðặc biệt là ở hậu kỳ thời đá cũ (văn-hoá Sơn Vi cách ngày nay 10,000 - 23,000 năm), con người đã phân bố khá rộng và khá đông trên đất Việt-Nam. Ðến văn-hoá Hoà Bình - Bắc Sơn (khoảng 6,000 - 10,000 năm), con người đã biết dùng công-cụ cuội được ghè đẽo một mặt, bắt đầu biết mài rìu đá, làm đồ gốm và có khả-năng đã biết đến trồng trọt sơ khai.

     Thời đồ đá mới

Trong giai-đoạn này trên đất Việt-Nam, đã xuất hiện những nhóm cư dân tiền sử có đặc trưng văn-hoá là thuộc thời đại đá mới... Con người trong giai-đoạn này đã biết dùng những chiếc rìu đá được mài nhẵn hoàn toàn, những chiếc vòng tay đá được khoan rất khéo, và những đồ gốm có hoa-văn rất đẹp.

     Thời đồ đồng

Con người đã biết đúc các công cụ, vũ khí và đồ trang-sức bằng đồng thau. Họ đã biết trồng lúa và chăn nuôi một số gia súc như trâu, bò, lợn, gà. Có ba nhóm văn-hoá phân bố ở ba khu-vực. Nhóm thứ nhất (văn-hoá Tiền Ðông Sơn) phân bố trong các lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Nhóm thứ hai (văn-hoá Tiền Sa Huỳnh) phân bố ở vùng Nam Trung Bộ. Và nhóm thứ ba, phân bố trong lưu vực sông Ðồng Nai ở miền Ðông Nam Bộ.

ở miền Bắc-Việt-Nam, các văn-hoá tiền Tiền Ðông Sơn tương ứng với giai-đoạn đầu của thời-kỳ Hùng Vương.

     Thời đồ sắt

Các nhóm văn-hoá Tiền Ðông Sơn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã hội tụ lại thành một văn-hoá thống-nhất, đó là văn-hoá Ðông Sơn, thuộc thời đại sắt sớm vì một số công-cụ bằng sắt đã xuất hiện. Nhưng các chế phẩm bằng đồng thau tinh xảo là đặc trưng của văn-hoá này. Hiện-vật tiêu biểu là những chiếc trống đồng lớn có hoa-văn trang trí đẹp.

Với văn-hoá Ðông Sơn, tại Việt-Nam đã xuất hiện một nhà nước sơ khai. Tính thống-nhất văn-hoá rộng lớn trong thời-kỳ Ðông Sơn, từ biên giới Việt - Trung ở phía Bắc đến bờ sông Gianh ở phía Nam, cũng phản ánh sự tồn tại của một quốc-gia của người Việt cổ. Ðó là quốc-gia Văn-Lang của các vua Hùng.

 

Năm 179 trước công nguyên, nước Âu Lạc bị Triệu Ðà, vua của nước Nam Việt chiếm, và đến năm 111 trước công nguyên, nước Nam Việt bị đế quốc Hán tiêu diệt. Âu Lạc bị chuyển sang tay nhà Hán và bị chia thành các quận, huyện. Từ đây, Việt-Nam bước vào thời-kỳ chịu sự thống trị của các đế chế Trung Hoa, kéo dài trong mười một thế kỷ. 

Thời cổ đại, Trung Quốc có đến hai triều Hán khác nhau. Một là Tiền Hán (hay Tây Hán), khới đầu là Hán Cao Tổ tồn tai từ năm 206 trước công nguyên. Hai là Hậu Hán ( hay Ðông Hán) khởi đầu là Hán Quang Võ tồn tại từ năm thứ 25 đến năm 220 sau công nguyên.

Ðông Hán cũng như Tây Hán đều coi nước ta là một bộ phận lãnh-thổ của Trung quốc và chia nước ta làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Sau đây là vài con số về dân-cư của nước ta theo thống-kê của sử sách Trung Quốc.

a - Dân số nước ta thời Tây Hán (theo Tiền Hán thư)

 is an international, non-government organisation
whose purpose is to support international
collaboration for the progress of surveying 
in all fields and applications.

‘A Complete History of the Great Viet’ by Ngo Si Lien, ‘Hong Duc’s Collection of Poems in the National Language’ (‘Hong Duc quoc am thi tap’), ‘Hong Duc’s Universal Map’ (‘Hong Duc thien ha ban do’) and others typified the cultural values of the Le Thanh Tong reign.

 

The UNEP World Conservation Monitoring Centre provides information services on conservation and sustainable use of the world's living resources, and helps others to develop information systems of their own.

Evaluation of Biodiversity Resources

Viet Nam contains a great wealth of biological diversity it its forests, its waterways and in its marine areas. It also contains a great variety of valuable species and varieties of crops, cultivars and domesticated animals in its agricultural systems. This richness is shown in absolute numbers of species and also in the proportion of those that are endemic to Viet Nam. Centres of Plant Diversity, and areas rich in endemic birds are shown in Figure 5, whilst endemic vertebrates are listed in Appendix 2.

 

Viet Nam has a long coastline of over 3,260km, characterised by a wide range of geomorphological, climatic, hydrological, economic and geopolitical conditions. A broad, shallow continental shelf follows the shape of the land, wide in the north and south and narrow in the middle. The seabed is muddy in the two delta areas and sandy along the exposed central coastline. Cold sea currents sweep the coast southwards in winter and warm currents sweep north in summer. Coral reefs exist on rocky islands of Halong Bay, the Paracel Island (Hoang Sa) and Spratly Islands (Truong Sa), both rocky promontories of the central coastline, and around Con Dao Island and Phu Quoc Islands (Figure 4). Some 295 species of corals are recorded in Viet Nam waters. Territorial ownership of the Spratly and Paracel Islands is disputed with China and some other countries.

These resources are important for the welfare of the population today and hold vast potential for the future. Forest cover regulates the hydrological regime on which the success of the vital rice harvest depends. Healthy seas and waterways are the source of most of the country's protein diet as well as many valuable export items. The total value of marine fisheries is about US$1 billion per year and constitutes one of the country's most important sources of foreign exchange. Fishing efficiency in inshore waters is declining, indicating overfishing.

Over a thousand medicinal plants are recognised and many more certainly await discovery.

Figure 3. Distribution of the major moist forest formationsTable 1 shows the number of species of different taxa that are already known, compared to an estimate of the total for the world. In some cases it is known that these are underestimates. For instance, it is estimated that Viet Nam has about 12,000 species of higher plants but only 7,000 have been identified. In a recent WCMC assessment, Viet Nam was rated as the 16th most biologically diverse country on in the world (WCMC, 1992).

Endemism is high in many groups. An estimated 33% of the flora of northern Viet Nam is endemic (Pocs Tamas, 1965), whilst it is estimated that for the entire national flora the figure is as high as 50% (Thai van Trung, 1970). Endemism is also very high for freshwater fish, with 60 endemic species described.

Even groups with relatively low levels of endemism such as mammals and birds have some important endemic species.

Endemism is not spread evenly over the country. The main mountain blocks such as the Lang Bien plateau, central mountains and mountains of Hoang Lien Son are those which carry the highest levels of endemism in conifers, other plants and birds. Some groups depart from this pattern, for example pheasants, which are mostly confined to lower altitudes.

In addition, Viet Nam contains globally important populations of some of Asia's rarest animals, such as Kouprey, Javan Rhinoceros, Asian Elephant, Tiger, Eld's Deer, Crested Argus and Green Peacock. Animal species considered by IUCN to be globally threatened are listed in Appendix 3. Appendix 4 comprises a series of summary accounts of available information for globally threatened mammals that are found in Viet Nam.

Information on the occurrence and abundance of marine turtles in Viet Nam is mostly dated and incomplete. Five species occur in the South China Sea: Green Turtle Chelonia mydas, Hawksbill Eretmochelys imbricata, Loggerhead, Caretta caretta, Olive Ridley, Lepidochelys olivacea and Leatherback Dermochelys coriacea. All are recognised as globally-threatened species; the Loggerhead is categorised as Vulnerable, the others as Endangered (more seriously threatened).

Some 50 years ago, nesting in Viet Nam was said to be largely restricted to islands, but at that time the northern coast was not well-surveyed. Information from recent surveys is not yet available outside Viet Nam. It appears possible that significant nesting occurs on parts of the mainland coast, mainly in the north and east, as well as the islands. Maps in the Red Data Book of Viet Nam show distribution records from these areas, but the nature of the records is not clear. The Both Green Turtle and Hawksbill formerly occurred in numbers sufficient to support commercial exploitation. The Hawksbill reportedly nested around Quan Phu Quoc (see Figure 6). Nesting by Green Turtle, and possibly other species, occurs on islands in the remote Paracel (claimed also by China) and Spratly (claimed by China and Philippines) groups. Green Turtles were formerly exploited around the Con Son group (off the Mekong delta), but there are no recent data and it is unknown if turtles actually nested or were caught at sea. Both Hawksbill and Green Turtle have nested in the disputed Puolo Wai (=Ko Way?) group.

 

VIETNAM RAINFOREST PROJECT - Kim Hy, Bac Can Province

Nick Hardiman, Research Co-ordinator

The new yearlong Bai Tu Long Bay National Park Biodiversity survey was implemented in January. At the same time the Darwin funded Bai Tu Long Bai Biodiversity Awareness Project got underway in the same district. Our base camp is on the southern tip of the park whilst the Darwin office is just a half-hour boat ride away. Thus communication between the two projects is good. We are now planning the first phase of training workshops and presentations together, pooling our results from socio-economic surveys.

The base camp is set up in an idyllic location, off a pebbled beach with beautiful views out over the surrounding islands and a back drop of lush forest housing an array of birdlife, Barking Deer, Porcupines to name but a few. About 1km walk away is a pristine white sand beach, so obviously (science based) walks have taken us in this direction on a few occasions!

Botanical surveys have revealed a long history of timber extraction within the park, with a low mean tree DBH, a high number of trees (usually c.340) and dense ground flora including a prevalence of pioneer species. Fagaceae and Fabaceae are the dominant families, with Magnoliaceae, Elaeocarpaceae and Euphorbiaceae also well represented. The nature of the disturbance regime has prompted us to revive the forest transect and disturbance survey methodologies previously abandoned by the Vietnam Rainforest project.

With a wide diversity of habitats in this coastal area (including mangrove, saltmarsh and estuary, rocky and sandy shores plus scrub and forest on varying geological substratas), birds, including many migratory species, appear so far the most diverse, numerous and charismatic group for the inevitable increase in visitors this area will experience, and the area must be managed with specific reference to this. Family and genus level diversity is high, including those associated with marine wetlands (Scolopacidae, Ardeidae), freshwater bodies (Passeridae, Halcyonidae), forest and forest edge (Picidae, Bucerotidae) and more open areas (Laniidae, Sturnidae). This will thus be a major component of the survey work.

Other groups have been surveyed with mixed success thus far, partly due to logistical and seasonal circumstances, and further updates will be given next month.

This page was last updated March 2002

 

 

 

Bay đi Tokyo và Moscow

 Từ tháng 4, Hàng không Việt-Nam më thêm đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Tokyo ba chuyế/tuầu.

 * Hãng Aeroflot (Nga) từ ngày 2-4 ®­êng bay TP Hå ChÝ Minh - Moscow - TP Hå ChÝ Minh hàng tuần bằng Boeing 767 giá 650 USD.

(B¸o Tuæi trÎ)

The principal river systems are the Red in the north and the Mekong in the south and the country has three large lakes the Ba-Be, HoTay and Hoan-Kiem. Major Cities (pop. est.); Ho Chi Minh City 4,322,000, Hanoi 2,155,000 (1993). Land Use; forested 30%, pastures 1%, agricultural-cultivated 21%, other 48% (1993).

Tidal waves encroached over 100 metres deep in the land and pulled down 11 houses in Pho Thach commune, Quang Ngai province on December 12.

Đồng-bằng châu-thổ sông Hồng ở miền bắc-Việt-Nam, có hơn 3000 km đê sông, 1500 km đê biển và đê vùng cửa sông để ngăn lũ. Trong số trên có nhiều đoạn đê đã yếu, hoặc xây-dựng bằng các vật-liệu có chất lượng kém và sử-dụng các biện-pháp xây-dựng thủ công không phù hợp. Điều này dẫn tới các đoạn đê đó thường bị mối đe doạ sạt lở và thấm qua chân công-trình. Hơn thế nữa, việc xây-dựng đê dần dần làm giảm diện-tích bãi, thường là nơi di chuyển của dòng chảy lũ và làm cho lòng sông càng ngày càng bị nâng cao. Ngày nay có nhiều khu-vực thoát lũ có đáy sông cao hơn phần đất được đê bảo-vệ từ 5 tới 6 mét.

 

 

Nghi ngờ còn lớn thêm

Vùng quá độ.

Con cỏ 50%

Tính thế nào diện-tích

Các bác chưa đọc bài Lịch-sử Hà nội sao ?
Hà là sông, Nội có nghĩa là phía trong Chỉ rằng, đây là vùng đất nằm phía trong sự bao bọc của 3 con sông: Sông Hồng, sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch

 

 

 

 

Điểm thứ tư, tác giả viện dẫn ông “Ramses Amer, chuyên gia về các vấn đề an ninh, tranh chấp và hợp tác trong khu-vực Đông Nam Á &Thái Bình Dương, giáo sư Trường đại học Uppsala, Thuỵ Điển, trong một nghiên-cứu sắp công-bố (The Sino-Vietnamese Approach to Managing Border Disputes, (v.v... và v.v... tôi xin bỏ bớt kẻo dài quá), đã cung cấp những thông tin và nhận định nghiêm túc. Riêng về vịnh Bắc Bộ, ông nhấn mạnh Hiệp ước Pháp-Thanh (phân chia các đảo) không có giá-trị pháp lý quốc tế nào, vì các khái niệm vùng kinh-tế và thềm lục địa chưa hề có hồi cuối thế kỷ 19”. Nghe ghê quá! Chẳng khác gì lập luận đanh thép của đồng chí Giang Trạch Dân quý mến, Chủ tịch Đảng bạn và nước bạn của chúng ta mà tôi được nghe đồn trong nước: đó là hiệp ước giữa đế quốc và phong kiến thì có giá-trị gì đối với chúng ta là những người cộng sản? Ông Giao thích thú viện dẫn chuyên gia Ramses Amer coi như là chỗ dựa rất đáng tin cậy, mà quên không đặt ra câu hỏi: “không có giá-trị pháp lý quốc tế nào”, thế sao Hiệp ước Pháp-Thanh đã tồn tại lâu đến một thế kỷ và – điều này mới thật hệ trọng – đã làm cơ sở pháp lý cho sự quan hệ giữa hai nước-Việt Trung trên vịnh Bắc Bộ trong suốt thời gian đó? Đặt ra câu hỏi đó thì thấy ngay là chuyên gia Ramses Amer nói sai. Cố nhiên, so với những Công ước quốc tế mới về biển thì nó bị lạc hậu rồi vì thiếu những khái niệm mới, chứ bảo rằng nó “không có giá-trị pháp lý quốc tế nào” thì thật là vô lý! Ông Giao còn viết tiếp: “Theo ông (tức là Ramses Amer), Hiệp định về vịnh Bắc Bộ (tức là Hiệp định mới ký cuối năm 2001) sẽ giúp Việt-Nam bảo-vệ thủy-sản (hiện nay ngư thuyền Trung Quốc đang chiếm thế áp đảo, vơ vét tự-do) và yên tâm tiến hành thăm dò và khai-thác dầu-khí tại vùng biển của mình”.

Bằng-chứng 3: "Ramses Amer, chuyên gia về các vấn đề an ninh, tranh chấp và hợp tác trong khu-vực Đông Nam Á & Thái Bình Dương, giáo sư Trường đại học Uppsala, Thuỵ Điển, trong một nghiên-cứu sắp công-bố (The Sino- Vietnamese Approach to Managing Border Disputes, Maritime Briefing, vol. 3, no 5, Durham :

International Boundaries Research Unit, University of Durham, 2002), đã cung cấp những thông tin và nhận định nghiêm túc.

Riêng về Vịnh Bắc Bộ, ông nhấn mạnh Hiệp ước Pháp-Thanh (phân chia các đảo) không có giá-trị pháp lí quốc tế nào, vì các khái niệm vùng kinh-tế và thềm lục địa chưa hề có hồi cuối thế kỉ 19. Theo ông, Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ sẽ giúp Việt-Nam bảo-vệ thủy-sản (hiện nay ngư thuyền Trung Quốc đang chiếm thế áp đảo, vơ vét tự-do) và yên tâm tiến hành thăm dò và khai-thác dầu-khí tại vùng biển của mình."

Tôi không kết-luận rằng công-trình nghiên-cứu của GS Ramses Amer là nghiêm-túc hay không-nghiêm-túc như ông Giao . Vì tôi chưa có hân-hạnh đọc nó . Và dầu chưa đọc, tôi chỉ cho rằng đây chỉ là một quan- điểm cá-nhân của ông Ramses Amer . Cho nên không thể xem đây là một bằng-chứng để cho rằng cái nầy hay cái kia thuộc-Việt-Nam hay thuộc Tầu .

Ông nầy có trích dẫn luật-lệ quốc-tế thế nào đi chăng nữa để chứng-minh sự vô-giá-trị của Hiệp-Ước Pháp-Thanh, thì tôi cũng nhẹ-nhàng cho rằng ông Ramses Amer đã quên đi lịch-sử cũng như vô-số các trường-hợp tranh-chấp trên thực-tế giữa các nước trên thế-giới về lãnh-hải và chủ-quyền các đảo .

The Sino-Vietnamese Approach to Managing Boundary Disputes (Ramses Amer) (80pp)

China and Vietnam share both land and sea boundaries. The land boundary extends for approximately 1,300km between the tripoint with Laos and the northern distributary of the Pei-lun Ho on the Gulf of Tonkin [Tonking], known in China as the Beibu Gulf and in Vietnam as the Bac Bo Gulf. The maritime boundary extends seaward from the termination of the land boundary into the Gulf of Tonkin and out into the South China Sea.

Disputes concerning the borders encompass both land and maritime issues. The two states have maintained a longstanding dispute over their land boundary and in the maritime sphere bilateral relations have been complicated by overlapping claims to water and continental shelf areas in the Gulf of Tonkin and competing sovereignty claims over the Paracel and Spratly archipelagos in the South China Sea. Furthermore, China’s apparent claim to so-called ‘historical waters’ in the South China Sea overlap Vietnam’s claims to exclusive economic zone and continental shelf areas to the east of the Vietnamese coast.

The primary objective of this study is to examine how China and Vietnam have handled their border disputes, both on land and at sea. The analysis revolves around two main issues: firstly, how the border disputes affect the relationship between the two countries and secondly, more specifically, how the two countries are trying to manage their border disputes.

Following an outline of the extent of the territorial and maritime claims of China and Vietnam, and of the areas of overlapping claims, the empirical part of the study is structured chronologically and is divided into two main sections. The first of these traces the importance of the border disputes between the two states and the way in which they were managed in the 1975-1991 period. The second, more substantive, section is devoted to the developments relating to the border disputes following the full normalisation of bilateral relations in November 1991 to the end of 2000. The latter period encompasses the signing of a treaty relating to the land border between the two countries at the end of 1999 and the signing of the agreement relating to the “demarcation” of the Gulf of Tonkin at the end of 2000. The concluding section provides a critical analysis of the efforts of the two countries to manage their territorial disputes with a view of explaining the progress achieved and tensions endured during the 1990s. It also encompasses a discussion relating to the prospects for the future.

 

 

Một điều thực-tế là ở đồng-bằng có rất ít khoáng-sản kim-loại. Vì thế, những nước đồng-bằng tuy mạnh về nông-nghiệp, nhưng lại thiếu các mỏ quặng đồng, sắt, kẽm... Bạn có biết vì sao kim-loại lại hay xuất hiện ở vùng đồi núi không?

Vùng đồi núi là những khu-vực bị nhô lên khi vỏ trái đất vận động. Tùy theo sự nhô lên của vỏ trái đất mà những dung nham nóng chảy (magma) - vốn nằm sâu dưới lòng đất - có cơ hội nhô lên và hoạt-động. Magma chứa một lượng lớn các muối của axit silic. Ngoài ra, magma còn chứa nhiều kim-loại nóng chảy như vàng, đồng, chì, thiếc, molybden...

Khi magma trào lên đến gần mặt đất, do nhiệt-độ giảm, nó nguội đi, rắn thành đá peridot, đá hoa cương... Những đá rắn này chủ-yếu do các muối của axit silic hợp thành. Còn các nguyên tố kim-loại, khi gặp điều-kiện nhiệt-độ, áp lực thích hợp, thường phân ly khỏi magma, hình-thành quặng khoáng-sản kim-loại. Các quặng này xuất hiện tương-đối tập trung, hình-thành mỏ. Chính vì thế, nguời ta hay tìm thấy khoáng-sản kim-loại ở vùng đồi núi. Vì sao ở vùng núi có nhiều khoáng-sản kim-loại?

Thứ bảy, 23/3/2002, 08:00 (GMT+7)

 

 

Không thể hợp-tác nghề cá

Các vùng nước ven biển và cửa sông của Việt Nam là nơi tụ hội rất nhiều nguồn cá lớn. Sự giàu có này được thể-hiện bởi một thực tế là ngành thủy-sản cung cấp một nửa lượng chất đạm động-vật của quốc gia . Mặc dầu 1.07 triệu tấn sản-lượng hải-sản thu hoạch năm 1992 nằm trong sản-lượng ước tính tối đa cho phép là 1,2 - 1,3 triệu tấn, thực tế là tổng năng lực tàu đánh cá của Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 1983 là một bằng chứng cho thấy nguồn tài nguyên này đang có thể đương đầu với việc sử-dụng không được quản lý hợp lý.


BẢN LÊN TIẾNG
của
Ủy Ban Bảo-vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh-thổ
VỀ TIẾT LỘ MỚI NHẤT CỦA VC LIÊN QUAN ĐẾN NHƯỢNG LÃNH-THỔ
CHO NGOẠI BANG

Lê công Phụng, qua một cơ quan truyền thông VC ở trong nước, vào ngày 28 tháng 1, năm 02, trả lời về lý do và mục đích Đảng CSVN (VC) ký với Đảng CSTH (TC) Hiệp ước về biên giới trên đất liền, Hiệp Ước liên quan đến hải-phận vùng Vịnh Bắc-Việt; biện minh cho hành vi của VC với một số chi tiết nhằm phủ nhận những tin tức cho rằng có sự bán đất. Cũng nhằm cùng một mục đích trên, Phụng cũng trả lời về vấn đề công-bố Hiệp ước, và kêu gọi đừng làm hay nói điều gì gây phức tạp cho quan hệ giữa Việtnam và Trung quốc.

Trước hết tài lệu này sẽ nêu ra một số vấn đề chung mà Phụng tiết lộ qua bài phỏng vấn. Sau đó là bàn tới một số địa điểm mà VC nói tới là Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan và Vịnh Bắc-Việt mà VC tiết lộ.

 

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG.

Đó là vấn đề công-bố hiệp ước, lý do thiết lập đường biên giới mới, vấn đề gây phức tạp cho mối quan hệ giữa VN và TQ, vấn đề phóng đại mang màu sắc cảm tính trong nhận định (ám chỉ là những thắc mắc về vấn đề nhượng đất thiếu khách quan).

1) Về CÔNG BỐ hiệp ước. Đây là một qui định pháp lý bắt buộc phải có trong mỗi quốc-gia khi ký một Hiệp ước với ngoại bang để hiệp ước có giá-trị. VC nói rằng có "báo cáo" đầy đủ qua nhiều cấp. Cấp cuối cùng là "Quốc Hội, cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan phê-chuẩn Hiệp ước.., QH đồng ý thì lúc ấy mới ký".

Một hiệp ước muốn đưọc hợp pháp bắt buộc phải trải qua một tiến trình dài từ khi thương thuyết, ký kết sơ bộ, phê-chuẩn cho đến khi ban hành. Ban hành là công việc nằm trong giai-đoạn chót để cho hiệp ước có hiệu lực chấp hành. Phê-chuẩn chỉ được thực-hiện ở giai-đoạn 3- một giai-đoạn quan-trọng nhất trong tiến trình này) truớc khi ban hành. Ở đây, VC lại lật ngược tiến trình này, nói rằng "Quốc Hội đồng ý mới ký"ù. Trong mỗi giai-đoạn, các chi tiết liên hệ phải được phổ biến công khai. Dĩ nhiên là nội dung hiệp uớc phải được phổ biến đầy đủ để mọi công dân hiểu và phát biểu. Trước khi mỗi giai đọan trrong tiến trình bắt đầu, dân chúng cũng được thông tin đầy đủ.

Lối công-bố đó của VC hoàn toàn bất hợp pháp. Đây thực là sự trí trá, ngoan cố, tìm cách lưà dối dân-tộc như thường xẩy ra, và đây cũng là cách mà Đảng lại có toan tính đổ trách nhiệm cho tổ-chức ngoại vi của Đảng là Quốc Hội- "cơ quan đại diện của dân" này phải gánh chịu mọi hậu quả.

2) LÝ DO KÝ HIỆP ƯỚC. VC biện minh cần-thiết lập đường biên giới mới. Tôi chỉ bàn tới hai trong 3 lý do là biến thiên con người, sự kiện chính trị.

Biến thiên con người. "Lấy vợ lấy chồng giữa hai bên biên giới" là cách giải-thích để từ đó phải thay đổ đường biến giới. Tuy nhiên, lý do này không đủ để thuyết phục mọi người về tầm quan-trọng và phạm-vi quá to lớn của công tác này.

Người ta được biết sau 1954, có nhiều công-trình "hữu nghị" do lời yêu cầu của Hồ chí Minh với TC để viện trợ trên lãnh-thổ Việt-Nam. Nhân dịp này các toán công nhân TC đã dời mốc biên giới vào trong nội địa Việt-Nam. Vào năm 1954, khi TC sang giúp phục hồi đường hoả xa từ Yên viên đến Đồng đăng, giao điểm đường hoả xa VN và TH, các công nhân TC đã di chuyển cột mốc tại đây vào Việt-Nam 300m mà TC ngang nhiên tuyên bố đó lành ranh-giới . Từ sau 1974, TC gia tăng chiếm đất. Theo công-bố chính thức của Bộ Ngoại giao VC vào tháng 3 năm 1979, thì có tới 4,333 vụ từ 1974 tới 1978 (1974: 179 vụ và năm 1978: 2,175 vụ) . Rồi trong thời gian có cuộc chiến bắt đầu từ 1979, quân TC tiến sâu vào trong nội địa có khi tới 40 cây số, chiếm đóng 23 thị trấn thuộc 6 tỉnh biên giới là Lạng sơn, Đồng đăng, Lộc bình, Cao bằng, Phục học, Thất khê, Quang uyên, Hà lang, Thoát lang, Hoa an, Đồng khê, Trùng khánh, Trà lĩnh, Thông nông, Sóc giang, Lào cai, Cam dương, Muờng khuơng, Bát xát, Sa pa, Phố lu, Cốc xam và Phong thổ . Sau 17 ngày, TC tuyên bố rút quân, nhưng còn chiếm đóng tại nhiều ngọn đồi và địa điểm chiến-lược trong phần đất Việtnam. Sau khi đã thiết lập bang giao với VC, quân TC vẫn không rời khỏi các địa điểm ấy. Quân trú phòng TC tại đây vào các năm 1992 và kế tiếp vẫn còn tiếp tục đốt nhà nông dân Việt-Nam và đưa nông dân TC sang lập nghiệp, như đã xẩy ra cạnh quốc lộ 1 thuộc tỉnh Cao bằng và Quảng tây . Như vậy, với con số 4,333 vụ chiếm đất kể trên và biết bao nhiêu địa điểm bị chiếm từ 1979 đến nay, với dân TC tràn sang lập nghiệp như vậy là VC chấp nhận "sự kiện ấy". Lý do "có biến thiên con người" chỉ là cái cớ bề ngoài để che đậy thực trạng lấn chiếm đất và hợp thức hóa tình trạng ấy.

Sự kiện chính trị: Có phải vì mối tương quan xã-hội chủ nghĩa giữa TC và VC là một sự kiện chính trị có tính cách đặc biệt vì nhu-cầu chống lại diễn tiến hoà bình cuả đế quốc? Do đó có đề nghị hợp tác giữa 2 Đảng đã đưọc Đỗ Muời, Lê khả Phiêu nêu ra với TC nhằm thành lập một khối xã-hội chủ nghĩa. Dù không được đáp ứng, VC vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu này?

3) GÂY PHỨC TẠP CHO QUAN HỆ VỚI TC. VC nêu vấn đề lén lút "bán đất" (hiến dâng đất thì đúng hơn) của quốc dân Việt-Nam cho TC có liên hệ gì đến việc "gây phức tạp cho quan hệ giữa Việt-Nam và Trung Quốc". Một người bình thường hỏi tại sao lại như vậy? Có phải vì "lực lượng thù địch từ bên ngoài đang tìm cách gây khó khăn cho Chính phủ và nhân dân trong việc phát-triển quan hệ đối ngoại"?. Dĩ nhiên, quốc dân Việt-Nam luôn luôn chống lại những kẻ xâm lăng, cướp đất dù kẻ đó đỡ đầu cho Đảng CSVN.

Như vậy, nếu có sợ đến "phức tạp" nào đó, thì đó là việc của VC, không phải cuả Quốc dân VN.

4) PHÓNG ĐẠI MANG MÀU SẮC CẢM TÍNH. VC kêu gọi "quan tâm cần đúng mức, tránh những gì thiếu thực te"á. VC lén lút bí mật hiến dâng đất của quốc dân cho TC, và làm việc này hoàn toàn bí mật. Dân chúng đặt vấn đề, VC không trả lời thẳng vào vấn đề, nói quanh co . Trái lại, chúng kêu gọi là cần "quan tâm đúng mức, nên tránh những gì thiếu thực-tế". Có người tự đến tận nơi tìm hiểu hư thực, như nhà văn Bùi minh Quốc chẳng hạn, thì bị bắt đưa về địa-phương quản chế. Dân chúng dựa vào những điều quan sát thấy, để nói lên sự thật, thì Đảng bị kêu là "thiếu thực-tế".


II. CÁC ĐIẠ ĐIỂM ĐƯỢC TIẾT LỘ:

Đó là Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc; và biên giới trong Vịnh Bắc-Việt.

1.ẢI NAM QUAN:

Nhân dịp này, tôi cũng nên nói tới danh từ "MỤC" Nam Quan. Có một số người cắt nghĩa MỤC là MẮT. Ý nói là con mắt từ cổng phía Nam [nhìn xuống]. Tuy nhiên, MỤC đây là hòa mục, hữu nghị " Cổng Phía Nam Hoà Mục, Hữu Nghị".

Giải-thích về việc nhượng Aỉ Nam Quan cho TC bằng cách lui cây số 0 vào phía trong lãnh-thổ Việt-Nam 200 mét, Phụng nói: " Mục Nam quan ở đây nếu nói là cái cổng thì cũng là một cách, nhưng nếu nói là khu-vực, thì cũng là một cách nói. Giống như đại đa số các cửa khẩu biên giới, "cửa khẩu" theo nghĩa rộng thường bao gồm hai cửa khẩu....... Chúng ta cũng biết là ải Nam Quan là cuối khúc sông. Nếu chúng ta bắt đầu tính biên giới từ chân tường hoặc chia đôi cửa mục Nam Quan thì cũng không được.... Chúng ta tôn trọng cơ sở pháp lý đã có, tôn trọng thực tiễn, nhất là lâu nay quản lý như vậy. Cho nên, hiện nay, chúng ta công nhận mục Nam Quan là của Trung quốc, cách cột mốc số 0 trên 200m. Tính từ cột mốc số 0 trở về phía Nam là lãnh-thổ của Việt-Nam....".

Như vậy, VC chính thức thú nhận là đã chuyển ít nhất phần đất có cổng của Ải Nam Quan cho TC.

Vậy căn bản nào được VC sử-dụng để chuyển nhượng Aỉ Nam Quan? Đó là "cơ sở pháp lý, tôn trọng thực tiễn và lâu nay vẫn quản lý như vậy".

Cơ sở pháp lý: Trên nguyên tắc đó là các văn-kiện qui định quyền-lợi và nghĩa vụ của các bên kết ước. Hay nếu dùng danh từ pháp luật thì văn-kiện đó là các hiệp ước hay hiệp định mà hai hay nhiều bên đã ký kết/ công nhận. Các văn-kiện đó qui định quyền-lợi và nghĩa vụ, ràng buộc các bên đương sự được hưởng hay phải thi hành.

Khi VC nói là tôn trọng cơ sở pháp lý trong trường hợp này, người ta phải tìm hiểu xem có các văn-kiện tương tự không?
Trước hết, trong bài phỏng vấn trên, VC có nói tới các công ước 1887 và 1895 mà VC nhìn nhận là sử-dụng làm cơ sở để thương thuyết. Tuyệt nhiên, các công ước này không có một điều khoản nào trù liệu chuyển giao Ải Nam Quan cho Trung Hoa. Trái lại về thực chất, thì Hiệp ước Thiên tân 1885, và toàn bộ các văn-kiện ký giữa Pháp và nhà Thanh lại bảo-vệ sự vẹn toàn lãnh-thổ của Annam, chống lại những xâm lấn đất đai của Thanh triều, buộc Thanh triều phải rút quân đội chính qui của họ ra khỏi lãnh-thổ Annam v.v.

Vậy thì còn văn-kiện nào khác? Đây chỉ có thể hiểu là có một thỏa ước giữa VC và TC về qui chế Ải Nam Quan mà hai bên không công khai phổ biến, nghĩa là VC đã cam kết bí mật chuyển nhượng phần lãnh-thổ đó và nay cam kết ấy là cơ sở pháp lý và phải chuyển giao.

Tôn trọng thực tiễn: Có thể hiểu tình trạng thực tiễn là trong thực-tế sự việc đã xẩy ra và còn xẩy ra một cách liên tục và mọi người liên hệ mặc thị chấp nhận. Nếu ứng dụng trường hợp Ải Nam Quan vào trường hợp này, thì Aỉ nam Quan đã thuộc về TC từ lâu. Ta được biết là vào năm 1953, Mao trạch Đông đổi Trấn Nam Quan thành Mục Nam Quan . Chỉ sau khi phần đất ấy trở thành sở hữu của Trung Hoa, Mao mới có quyền đổi tên như vậy. Nếu Aỉ ấy còn là của Việt-Nam, Mao sẽ không làm như vậy và ít nhất họ Hồ phải lên tiếng. Thuyệt nhiên, Hồ không có một mảy may chống đối, mà trái lại còn chấp nhận dùng tên này. Rồi, theo lời tuyên bố của Đại tá VC Phạm quế Dương mới đây cho biết rằng năm 1970, khi ông lên thăm Aỉ Nam Quan, thì được biết là cả khu-vực ấy đã thuộc về phần TC. Như vậy, ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng việc chuyển giao cửa Aỉ này xảy ra từ hồi Hồ chí Minh , hay ít nhất là vào thời điểm trước 1953. Và hơn một năm sau, theo lời cầu viện của Hồ, các đoàn công nhân TC sang xây đường hỏa xa cho trục Yên Viên và Đồng đăng nói trên và họ di chuyển mốc đánh dấu biên giới vào sâu trong nội địa 300m là để bảo-vệ sự chuyển nhượng ấy . Vào tháng 5, 92 tại quốc lộ 1, thuộc Lạng sơn, gần Hữu Nghị quan, lính Trung cộng đã di chuyển cột Mốc biên giới vào sâu trong nội địa Việt-Nam 400m, nên xảy ra cuộc chạm súng với lính VC. Được hỏi là chính quyền có phản ứng gì thay vì chỉ phản kháng lấy lệ, như kêu gọi "phía bên kia từ nay đừng làm như thế nữa", thì Hà nội cho biết là họ" không muốn đương đầu với TC, chỉ muốn dàn xếp bằng phương cách hoà bình"....

Ngày nay, VC hợp thức hoá "thựỉc tiễn ấy" bằng hiệp ước 1999 và bắt đầu cắm Mốc để thi hành.

Lâu nay vẫn quản lý như vậy. Vì tình trạng như vậy đã xẩy ra và khu-vực ấy đã hiến dâng cho TC cả trên nửa thế kỷ nay, các cơ sở và mọi sinh hoạt đều do các cơ quan hành chánh của TC điều khiển. Như vậy, nề nếp sinh hoạt của khu-vực này được thực-hiện trong khuôn khổ của TC từ lâu.

Còn việc diễn tả khu-vực cửa ải rộng hay hẹp chỉ là cách nói loanh quanh để che đậy việc làm bất chính của VC. Và khi nói tới "Nếu chúng ta bắt đầu tính biên giới từ chân tường hoặc chia đôi cửa mục Nam Quan thì cũng không được", thì câu hỏi được nêu ra là tại sao không được?

Đây là bằng chứng ngược lại những gì mà VC nói. Vào năm 1931, một du khách đến thăm tận nơi, có nói tới cổng Aỉ Nam Quan và có trông thấy đường ranh-giới xây bằng đá chia đôi Việt-Nam và Trung Hoa. Và lời mô tả ấy đưọc chứng minh bằng hình màu chụp cổng, gọi là Port de Chine, nằm giữa khe núi và có tường ngăn đôi giữa 2 nước, chạy dài vòng vèo từ cổng lên đến chân núi cao. Tường bằng đá ấy được xây ở mỗi bên của cổng . Đoạn mô tả cổng Nam Quan và bức tường dùng làm đường ranh biên giới được nói như sau: " Trên con đường vòng vèo, qua khỏi Lạng sơn chừng 13 dậm, chúng tôi chạy trên một khúc đường vòng, và trước mặt chúng tôi là "Cổng Trung Hoa", với những bức tường xây bằng đá, giống như các con rồng uốn khúc, chạy lên đến tận các ngọn đồi nằm ở mỗi bên". Hình chụp đính kèm.

Vậy, tôi kêu gọi Đỗ Mười, Lê khả Phiêu, Nông đức Mạnh, Lê đức Anh, Võ văn Kiệt và các người lãnh đạo khác của VC, kể cả những người đã chết gồm cả từ Hồ chí Minh trở xuống hãy có can đảm công khai trả lời trước quốc dân về vấn đề này.
2. THÁC BẢN GIỐC.

Trong lãnh vực Quốc Tế Công Pháp, để xét xem một phần đất có thuộc chủ quyền quốc-gia, người ta đưa ra nhiều tiêu chuẩn. Ta tìm thấy có nhiều yếu tố chứng minh truờng hợp Thác Bản Giốc là của Việt-Nam:

1) Về phương diện lịch-sử: Trong sử sách của Việt-Nam và Trung Quốc, không ai nói thác này thuộc Trung quốc. Trung quốc cũng không nói đấy là của Trung quốc. Còn đối với Việt-Nam " thác này đã đi vào sửũ sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh [thác] này thành di-tích, điểm du-lịch được nhiều người ưa chuộng.." Vậy, lịch-sử chứng minh Việtnam có chủ quyền trên thác.

2) Về sinh hoạt của dân chúng Việt. Đây là một [địa] "điểm du-lịch được nhiều người [Việt-Nam] ưa thích", như vậy rất nhiều người Việt lui tới, ngắm cảnh. Qua hình-ảnh của Thác, và qua mô tả của VC Lê công Phụng ( mốc nằm trên một cồn nhỏ ở gữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm mét), đây là một khu rộng lớn và "hai bên đang tiến hành khai-thác du-lịch". Vậy, đây là một khu rộng lớn dành cho du-lịch và có nhiều hoạt-động/ dịch vụ cung cấp cho du khách trong khu-vực này.

3) Về phương diện hành sử chủ quyền và thẩm quyền. Một khu-vực to lớn như vậy, phải có cơ quan công quyền nếu không phải của trung ương thì điạ phương phụ trách. Khu-vực ấy thuộc Huyện, tổng hay một xã nào của tỉnh Cao Bằng. Cơ quan nào phụ trách an ninh cho du khách đến thăm. Vì đây, Thác năm ở biên giới giữa 2 quốc-gia, có nhiều trộm cướp. Cơ quan chính quyền phụ trách quản trị khu du-lịch, nhà hàng quán ăn, nhà trọ cho các du khách ở xa tới v.v...Tất cả các hoạt-động này nằm trong sự kiểm-soát và điều khiển của chính quyền nào: địa-phương hay trung ương...

Căn cứ vào các yếu tố trên, khi VC Lê công Phụng nói rằng "lãnh đạo chúng ta nhầt trí trong tất cả các điều-kiện ấy, không thể đòi hỏi thác Bản Giốc phải là của chúng ta hoàn toàn được". Thay vì, chúng ta được 1/3, nhưng "bạn đã thoả-thuận thác được chia đôi".

Lý luận của lãnh đạo VC không thể dược chấp nhận. Và Thác ấy thuộc quyền sở hữu của Việt-Nam , vì lẽ a) Như trên VC Phụng đã nói rằng: "Trung quốc cũng không nói đấy là của TQ", trong khi đó Việt-Nam đã hành sử chủ quyền/thẩm quyền ít ra từ truớc khi có Hiệp ước Thiên Tân, b). Đã có các sinh hoạt của người Việt tại khu-vực này từ lâu và c) Hơn nữa, Hiệp ước Thiên tân có trù liệu " điều chỉnh chi tiết theo thực-tế" ở điều 3. Nếu bản-đồ kèm theo công ước Pháp và Thanh triều có qui định Việt-Nam chỉ được 1/3 (tuy nhiên,không thấy Phụng nói gì về điều này), thì có thể đòi "điều chỉnh chi tiết cho đúng với thực trạng" theo điều 3 của Hiệp ước ấy. Đòi hỏi này là chỉ để áp dụng Công ước mà thôi. Như vậy, không có lý do gì lại chia đôi.


III. VẤN ĐỀ LÃNH-HẢI TRONG VỊNH BẮC VIỆT.

A. Tóm tắt những gì mà VC trình bày về Hiệp ước Vịnh Bắc-Việt.

1) Lý do ký kết hiệp ước phân định lãnh-thổ trên Vịnh Bắc-Việt:
Pháp và nhà Thanh thoả-thuận vẽ ra đường quản lý hành chánh cách đây 100 năm trong vùng Vịnh. Khi mà các vấn đề chính trị kinh-tế biến động, thì việc xâm phạm qua lại trên đường quản lý hành chánh ấy xảy ra thường xuyên và phức tạp. Vì thế, nên phải thiết lập đường ranh chính thức.

2) Các cơ sở để ký kết: a) luật biển 1982, b) căn cứ vào điều-kiện tự nhiên của Vịnh Bắùc Bộ, và c) địa-lý về phía Việtnam và về phia Trung Quốc và nguồn-lợi trong vịnh để phân định.

Phụng tuyên bố : "vậy phải hợp lý, hợp với pháp lý, phù hợp với thực tiễn".

3) Kết-quả: VC đã thoả-thuận với TC các điểm sau đây:
a) Lúc đầu khi thương thảo, VC đã đưa ra con số 61% Vịnh là của Việt-Nam. Sau nhiền lần đàm phán "ta được 53.2% và Trung quốc được 46,8% tổng số diện-tích Vịnh"

b) Qui chế đảo Bạch-Long-Vĩ. "Thông-thường, các đảo nằm giữa Vịnh thì không có vùng pháp lý xung quanh. Nhưng với Bạch-Long-Vĩ, thì chúng ta đạt được vòng đai xung quanh là 15 km".

c) "Đường đóng cửa Vịnh của chúng ta được phân chia một các thỏa đáng".

d) "Đạt được sự phân định rất hợp lý về vùng cửa sông Bắc Luân, giáp mốc biên giới trên bộ".

Ngoài ra, VC đã ký với TC một Hiệp định hợp tác ngành cá trên tòan Vịnh Bắc Bộ và vùng quá độ: Vùng đánh cá chung cách bờ 36 hải lý và có hiệu lực 15 năm, nằm vào phía nam Bạch-Long-Vĩ. Và vùng quá độ là vùng phía bắc Bạch-Long-Vĩ, cách điểm xa nhất của các đảo ven bờ là 22 hải lý.

Hết thời hạn đó, "ai vào đánh cá phải xin phép".
B.Nhượng bộ căn bản: Đường Quản lý hành chánh.

Xuất hiện của danh từ "đường quản lý hành chánh".
Khi nói tới Pháp và Nhà Thanh thỏa hiệp vẽ một đường ranh hành chánh trong Vịnh, Phụng có ý nói tới công ước 26 tháng 6 năm 1887 mà trong hoạ đồ kèm theo công ước gọi là đường màu đỏ. Tuy nhiên, Phụng không nói công ước ấy là "cơ sở" để thương thuyết, mà chỉ nhấn mạnh đến Luật biển 1982, điều-kiện tự nhiên, địa-lý và nguồn lợi để phân định.

VC thay đổi lập trường về đường phân ranh để thoả-mãn đòi hỏi của TC. Theo tài-liệu về phía TC, thì vào tháng 12 năm 1973, bộ Ngoại giao VC công khai nói rằng "vùng vịnh Bắc-Việt chưa được phân chia giữa 2 quốc-gia, vì Việt-Nam liên tục bị chiến tranh". Rồi đến tháng 8 năm 1974, TC phàn nàn rằng VC bất thình lình thay đổi lập trường, xác nhận rằng trong vùng vịnh Bắc-Việt "đường phân ranh đã được ấn định từ lâu", viện dẫn rằng công uớc Pháp-Hoa 1887 về Phân định biên giới giữa Trung Hoa và Bắc kỳ ấn định kinh-tuyến 108 độ 3 phút 13 giây Đông là ranh biên giới. VN cũng nhấn mạnh rằng trong suốt thế kỷ qua, các chính quyền của 2 quốc-gia đã "hành sử chủ quyền và thẩm quyền chiếu theo đường đó.

TC thêm rằng trên căn bản đó, VC chiếm 2/3 Vịnh.
TC bác khước lập luận đó của VC. Họ chép lại đoạn ghi trong công ước mô tả cách phân chia các đảo trong vịnh, nói rằng vạch màu đỏ vừa nói là nêu ra quyền sở hữu chủ của các đảo nằm ở mỗi bên, không là đường ranh-giới .

Đường màu đỏ đó là đường quản lý hành chánh chỉ có mục đích xác định qyền sở hữu chủ của các đảo ở mỗi bên. Ý nghĩ này xuất phát tù phía TC từ đầu thập niên 1970. Nay, với lời tuyên bố của Lê công Phụng, VC đã nhượng bộ, chấp thuận rằng đó là đường quản lý hành chánh. Như thế là cùng nhau thảo luận để thiết lập đường biên giới. Nhượng bộ này làm thay đổi toàn diện vùng vịnh và đưa tới dâng hiến phần lớn Vịnh Bắc-Việt cho Trung cộng, và từ đó họ chiếm cứ tài-nguyên quốc-gia, kiểm-soát vùng Vịnh và chế ngự đất liền.

Đường quản lý ấy là ở đâu?. Đó là vạch màu đỏ trên bản-đồ chạy theo hướng Bắc Nam, bắt đầu từ giao điểm giữa Móng cái và Quảng đông chạy dài xuống phía nam, hướng thẳng đến cuối tỉnh Thừa Thiên.

Sụỉ thực đường màu đỏ ấy là gì?

Công ước 26 tháng 6 năm 1887 được ký tại Bắc kinh có liên quan đến phân dịnh biên giới Trung Hoa và Bắc kỳ giữa đại diện-pháp là Ernest Constans và Hoàng thân K'ing. Đoạn về đường ranh trong vịnh nói nguyên-văn như sau: "Les iles qui sont à l'Est du méridien de Paris 105 o 43 de longitude Est, c'est à dire de la ligne Nord-Sud passant par la pointe orientale de l'ile de Tch'a-kou ou Duan chan (Tra-co) et formant la frontière sont également attribuées à la Chine. Les iles Go-tho et les autres iles qui sont à l'Ouest de ce méredien appartiennent à l'Annam". Tác giả soạn ra Công ước và các nhà thương thuyết đã dùng danh từ biên giới-frontière, và còn nói rõ rằng lập thành đường ranh biên giới "formant la frontière" để chỉ đường ranh-giới của Vịnh. Và hậu quả đương nhiên là có bao gồm ý nghĩa quản trị hành chánh: các đảo nằm ở phía Ðông của đường BIÊN GIỚI thuộc về Trung Hoa , và các đảo thuộc phía Tây, thuộc-Việt-Nam. Tôi lưu ý rằng, Hàn Niệm Long, thứ trưởng ngỉoại giao Trung cộng, khi mang đoạn Công ước kể trên ra làm căn bản thương thuyết đã thiếu lương thiện bằng cách bỏ các chữ FORMANT LA FRONTIÈRE đi, để biện luận rằng đây là được quản lý hành chánh.

Vì chỉ là đường ranh quản lý mà VC đồng ý với TC, nên cần phải thiết lập một đường ranh-giới chính thức. VC ngày nay nói là căn cứ vào vị-trí tự nhiên, điạ lý và cả nguồn lợi nữa để phân định lãnh-thổ, không nói gì tới đường biện giới trong vịnh do công ước 1887 qui định.

Vì nhượng bộ này, mà kết-quả toàn bộ của thuơng thuyết đã đảo lộản hết.

Nhân dịp này, tôi cũng muốn nhắc lại những chi tiết về việc Lý hồng Chương xin với Constans cắt "chút đất" để bù lại vì Trung Hoa mất hết cả Annam là chư hầu, khi thương thuyết về hai công ước thi hành Hệp ước Thiên tân. Cuối cùng, Constans đã chấp thuận nhường a) 3/4 tổng Tụ-Long bằng 750 cây số vuông thuộc Hà giang cho Vân Nam . 100% đất tổng này thuộc về Việt-Nam, và được biết là nơi đó có nhiều mỏ đồng. b) Constans còn cho thêm một "khu-vực của người Annam " (một túi bọc) nằm trong tỉnh Quảng Đông, đồng thời cắt cả mũi Packlung (nằm đối diện với giao điểm ranh-giới Quảng đông và Móng Cái cho Trung hoa) để thiết lập ra đường màu đỏ, mà tôi gọi là đường ranh 1887 hay đường ranh Constans , vì đường này phải bắt đầu từ mũi Packlung, thay vì từ giao điểm Móng Cái và Quảng đông như hiện nay. Trong trường hợp đó, vạch màu đỏ sẽ nằm ở phía Ðông của đường ranh-giới 1887, và như thế, Việt-Nam còn được thêm hơn 20 cây số nữa.

Tóm lại, VC đã bí mật nhượng đất liền và một phần đáng kể vùng vịnh Bắc-Việt cho Trung Cộng. Chưa hết, còn tài-nguyên cũng sẽ được chia cho Trung cộng qua hiệp ước đánh cá chung trong vùng nam Bạch-Long-Vĩ và vùng "quá độ" đảo này. Nay mai, chúng sẽ còn hiến dâng tài-nguyên khác nằm trong lòng Vịnh. Đó là chưa nói tới việc tạo bàn đạp cho ngoại bang có cơ hội thuận tiện khi tiến quân xâm lăng bờ cõi của chúng ta.

x

xx

Về pháp lý, sự chuyển nhượng được tiết lộ hoàn toàn vô giá-trị, vì các lý do sau đây:

a) Vi phạm thủ tục công-bố qua 4 giai-đoạn của một hiệp ước. "Báo cáo đầy đủ qua các cấp đến Quốc Hội, cơ quan quyền lực cao nhất đồng ý, rồi mới ký kết" và "nhờ truyền thông quảng bá cho nhân dân biết", không có liên hệ gì đến Công-bố một hiệp ước.

b) Những gì được chuyển cho TC hoàn toàn giữ bí mật, ngoaị trừ một số nơi ai cũng nhìn thấy, và Đảng không thể che dấu được. Đó là Aỉ Nam Quan, Thác Bản Giốc và Vịnh Bắc-Việt. Các tiết lộ này cho thấy rõ âm mưu chuyển nhượng đất đại của VC cho kẻ thù của dân-tộc.

1)Về Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc. Lý do viện dẫn để chấp nhận-chuyển nhượng quanh co, mâu thuẫn, mơ hồ, che dấu, có khi không có giá-trị gì, lại để lộ bằng chứng VC có âm mưu, thông đồng với bên đối ước trong việc tẩu tán tài sản quốc-gia.

2) Về Vịnh Bắc-Việt: VC đồng lõa với TC bác bỏ đường ranh biên giới do công uớc 1887 thiết lập, và coi đó là đường quản lý hành chánh, để thiết lập đường ranh-giới chính thức. Do đó dễ bề có lý do chuyển nhượng một phần lớn Vịnh cho TC. Không còn cớ nào để biện minh cho việc chuyển nhượng lãnh-hải, vì bí quá, VC nêu cả quyền-lợi ra làm cái cớ để thương thuyết. Nhưng, quyền-lợi là cái cớ để bảo-vệ, nhưng đây lại là cái cớ để dâng hiến. Thật là nghịch thường.

x
x x

Ủy Ban Bảo-vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh-thổ nghiêm khắc đòi hỏi :

1) Các cựu TBT VC Đỗ Mười, Lê khả Phiêu và đương kim TBT Nông đức Mạnh, cùng với Lê đức Anh, Võ văn Kiệt a) hãy ý thức đến tầm nguy hại lớn lao về việc chuyển nhượng này, và phải có can đảm nhận lãnh-trách nhiệm về việc làm phi pháp của mình; b) tuyên bố Hiệp ước phân định lãnh-thổ trên đất liền ký năm 1999 là bất bình đẳng, và bất hợp pháp và ngưng thi hành; c) phải tức khắc cho lệnh đình chỉ việc cắm mốc; d) không tiến hành thủ tục phê-chuẩn Hiệp ước phân định biên giới trên Vịnh Bắc-Việt đã ký tháng 12 năm 2000, và ngưng tiến hành Hiệp ước đánh cá chung và khai-thác tài-nguyên trong lòng vịnh.

2) Nguyễn văn An, Trần đức Lương, Phan văn Khải và tất cả các thành viên khác trong Chính trị bộ VC đừng tiếp tay cho các kẻ phạm các trọng tội đối với dân-tộc.

3) Thành viên Quốc Hội được VC coi là cơ quan đại diện của nhân dân, và là cơ quan quyền lực cao nhất phải có hành-động tối thiểu để tránh bị qui kết đồng lõa với tội phạm.

 

Ủy Ban thiết tha kêu gọi mọi con dân Việt yêu nước, ở trong nuớc cũng như hải ngoại hợp nhất thành một khối, chống lại bọn thừa sai ngoại bang, phản quốc, sử-dụng các biện-pháp khủng bố, trấn áp dân chúng, nhằm thực-hiện các âm mưu trong chủ nghĩa bá quyền truyền thống của Hán tộc. Các hành-động của chúng là thực-hiện âm mưu đưa dân-tộc-Việt đến chỗ diệt vong: Việt-Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung Hoa và dân-tộc-Việt sẽ trở thành một sắc dân thiểu số của nuớc này. Việc hiến dâng vùng Aỉ Nam Quan có mục đích vô hiệu hoá khu điạ thế hiểm trở đã giúp dân-tộc-Việt cản đường tiến quân của Trung Hoa như đã xảy ra trong các cuộc xâm lăng trước đây. Việc hiến dâng vùng Vịnh Bắc-Việt cho Trung Hoa để chúng dùng làm bàn đạp tiến vào các sông ngòi trong vùng Bắc-Việt, yểm trợ cho mũi quân tiến bộ. Thật là khủng khiếp!


California ngày 14 tháng 2 năm 2002

Đại diện: GS Nguyễn Văn Canh

 

 

Chiến-lược Biển Ðông

Năm 1985, Quân ủy hội Trung ương của Trung quốc đã chuyển hướng tâm điểm chiến-lược của Hồng quân từ mạn bắc xuống mạn nam, thay thế việc đối phó với Liên xô bằng công tác chuẩn-bị chiến tranh khu-vực để tranh-giành ảnh hưởng. Tương ứng với sự thay đổi đó, Trung quốc cũng tăng cường lực lượng tại căn cứ Đam Giang (Zhanjiang) nằm cạnh vịnh Bắc-Việt và các căn cứ tại đảo Hải Nam (Klare T. Michael, "The next great Arms Race", Foreign Affairs, Summer 1993, tr 143).

b.- Hiện trạng của Hồng quân Trung quốc

Theo tài-liệu của Trung quốc Thời báo số ra ngày 13 tháng 3 năm 1993 dưới nhan đề "Hướng đi mới về quân sự của Trung quốc (Trung cộng quân sự tân động hướng) số mục chi tiêu của Trung cộng về quân sự trong 45 năm qua như sau :

 

Theo bản báo cáo của Bộ Quốc-phòng chính phủ Đài Loan năm 1994 (Vương Phong, Phản công đại lục và giải phóng Đài Loan, Hi Đại thư cục, Đài Loan 1995, từ trang 306 đến 310) lực lượng của Trung cộng hiện nay bao gồm Nhân dân Giải phóng quân, Cảnh sát võ trang và dân binh. Theo phương án của quân ủy trung ương tại Bắc Kinh năm 1991 thì tổng số binh lực họ đã rút từ 3.2 triệu người xuống còn 3 triệu người. Hiện nay lực lượng chính qui của họ là ba triệu người, cảnh sát võ trang 870,000 người, và 700,000 dân binh, tổng cộng khoảng 4.57 triệu người.

2.- Hải quân

Hiện vào khoảng 350,000 người bao gồm lực lượng phòng vệ duyên-hải, thủy quân lục chiến và hải thuyền, được chia ra thành ba hạm đội Đông Hải, Nam Hải và Bắc Hải. Trung cộng hiện có gần 100 tầu ngầm có trang bị đầu đạn nguyên tử. Trên nặt biển có khoảng 50 chiến hạm, trên 100 tàu chạy nhanh trang bị phi đạn, 40 tầu đổ bộ và hơn 1,000 tầu tiếp liệu. Ngoài ra còn một lữ đoàn Thủy quân Lục chiến và chừng 1,000 phi cơ nhiều loại.

 

Lẽ dĩ nhiên, không một quốc-gia nào - kể cả Mỹ - lại công khai đưa ra một thách thức đối với Trung Hoa, nhưng thế chiến-lược mới không phải chỉ là đắp đập be bờ như 40 năm trước mà là tạo nên những thế ràng buộc chặt chẽ về kinh-tế và chính trị khiến không một quốc-gia nào dám vọng-động làm chuyện phiêu lưu.

 

Trong tình hình hiện tại, Việt-Nam cũng như những quốc-gia chung quanh cần ổn định chính trị để phát-triển kinh-tế. Chính phát-triển kinh-tế sẽ đưa tới chuyển biến chính trị một cách tương-đối thuận-lợi và ôn hòa. Có lẽ không lúc nào mà kế sách giữ nước của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đáng cho chúng ta suy ngẫm như hiện nay. Nếu qủa thực muốn bảo-vệ bờ cõi, cái thế mà chính quyền Hà nội phải hướng tới là: "Tùy cơ ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc..."

 

Thế nhưng, điều-kiện tiên quyết cho một phương thức đồng thuận là một chính quyền của dân, do dân và vì dân.

 

Nguyễn Duy Chính

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lưu-ý hải-giới VN trong ban đồ Alexanfre

 

 


NAM TIẾN

NGUYÊN HƯƠNG

Ðọc lịch-sử Việt-Nam, người ngoại quốc nhận thấy có hai nét đặc trưng nổi bật: sức sống mãnh liệt của dân-tộc-Việt-Nam và sự tham gia, hội diện với các nền văn-minh bên ngoài, đặc biệt vùng biển Nam Á là nơi họp mặt giao thương của các nước Tây Phương từ thế kỷ 16.

Sức sống mãnh liệt ấy được nhìn thấy rõ qua cuộc Nam Tiến trường kỳ và liên tục (1).

Vừa thoát khỏi vòng đô hộ Trung Hoa giành lại quyền tự chủ, người Việt-Nam lần hồi bành trướng lãnh-thổ, lấn đất Chiêm Thành trong lịch-sử năm thế kỷ, từ đó đi lần xuống đồng-bằng sông Cửu-Long, đụng-độ với Phù Nam-Chân Lạp, lập nên Gia Ðịnh Thành mênh mông trù phú, Nam Việt ngày nay.

 

 

Chúng tôi, những người Việt-Nam ở khắp nơi ký tên dưới đây, tuyên bố trước thế-giới:

Các bản hiệp ước biên giới Việt-Trung vừa ký kết hoàn toàn vô giá-trị đối với nhân dân Việt-Nam, bất hợp pháp đối với công pháp quốc tế, và đe dọa nghiêm trọng hoà bình ổn định trong khu-vực. Nhân dân Viêt Nam không công nhận, không có trách nhiệm phải thi hành các hiệp ước này và dành quyền sử-dụng mọi biện-pháp để thu hồi và bảo-vệ tài sản của tiền nhân để lại.

Tuyên Cáo Phủ Nhận Hiệp Ước biên giới Việt Trung Làm ngày 28/1/2002

 

Ronald Bruce St John trong cuốn "The land boundaries of Indochina : Cambodia, Laos and Vietnam" (tạm dịch : Các biên giới trên đất liền của Ðông Dương, Cao Miên, Lào và Việt-Nam, Boundary & Terroritory Briefing, International Boundaries Research Unit, Volume 2, Number 6, University of Durham, United Kingdom, 1998) cho biết là trong số 300 ngoài cột mốc biên giới bằng đá đóng trên đất liền, nhiều cột đã bị mất, đặc biệt là ở vùng Lạng Sơn, và tại đây có nhiều điểm tranh chấp.


Phụ-Lục 1

Danh mục thực-vật, động-vật hoang dã quý hiếm

 

 

(Sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo-vệ ban hành kèm theo Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ), ban hành kèm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2002

 

Nhóm I: Nghiêm cấm khai thác và sử dụng

 IA - Thực vật hoang dã

 

1 Bách xanh                  Calocedrus macrolepis

2 Thông đỏ                   Taxus chinensis

3 Phỉ 3 mũi                    Cephalotaxus fortunei

4 Thông tre                   Podocarpus neriifolius

5 Thông Pà cò               Pinus kwangtugensis

6 Thông Đà Lạt             Pinus dalatensis

7 Thông nước                Glyptostrobus pensilis

8 Hinh đá vôi                Keteleeria calcarea

9 Sam bông                   Amentotaxus argotenia

10 Sam lạnh                  Abies nukiangensis

11 Trầm (gió bầu)          Aquilaria crassna

12 Hoàng đàn               Copressus torulosa

13 Thông 2 lá dẹt           Ducampopinus krempfii

 

Bổ sung - Thực vật hoang dã Nhóm IA

1 Các loài Lan Kim tuyến Chi Anoectochilus spp.

2 Cẩm thị                      Diospyros maritima

3 Mun sọc                     Diospyros saletti

4 Sa Bắc Bộ                 Dalbergia tonkinensis

5 Đại huyết tán (Cơm nguội thân ngắn) Ardisia brevicaulis

6 Tế tân Nam (Hoa tiên)                        Asarum balansae

7 Các loài Hoàng liên Chi           Berberis spp và Coptiss spp.

8 Cây một lá (lan một lá)            Nervilia fordii

9 Các loài Lan Hài Chi              Paphiopedium spp.

10 Tam thất hoang (sâm tam thất) Panax bipinnatifidus

11 Sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) Panax vietnamensis

 

IB - Động vật hoang dã

 

1 Tê giác một sừng        Rhinoceros sondaicus

2 Bò tót                        Bos gaurus

3 Bò xám                      Bos sauveli

4 Bò rừng                     Bos banteng

5 Trâu rừng                   Bubalus bubalis

6 Voi                            Elephas maximus

7 Cà tong                      Cervus eldi

8 Hươu vàng                 Cervus porcinus

9 Hươu sạ                     Moschus moschiferus (M.berezovski)

10 Hổ                           Panthera tigris corbetti

11 Báo hoa mai             Panthera pardus

12 Báo gấm                  Neofelis nebulosa

13 Gấu chó                   Helarctos malayanus

14 Voọc xám                Trachypithecus phayrei

15 Voọc mũi hếch         Rhinopithecus avunculus

16 Voọc ngũ sắc:

- Voọc ngũ sắc Trung Bộ Pygathrix nemaeus

- Voọc ngũ sắc Nam Bộ              Pygathrix nigripes

17 Voọc đen:

- Voọc đen má trắng     Presbytis francoisi francoisi

- Voọc đầu trắng           P. francoisipoliocephalus

- Voọc mông trắng        P. francoisi delacouri

- Voọc Hà Tĩnh             P. francoisi hatinhensis

- Voọc đen Tây Bắc      Presbytis francoisi sp.

18 Vượn đen:

- Vượn đen                   Hylobates concolor concolor

- Vượn đen má trắng     H. concolor leucogensis

- Vượn tay trắng           Hylobates lar

- Vượn đen má trắng Nam Bộ H. concolor gabrienlae

19 Chồn mực (Cầy đen) Arctictis binturong

20 Cầy vằn Bắc            Chrotogale owstoni

21 Cầy gấm                  Prionodon pardicolor

22 Chồn dơi (Cầy bay)   Galeopithecus temminski

23 Cầy vàng                  Martes flavigula

24 Culi lùn                     Nycticebus pigmaeus

25 Sóc bay:

- Sóc bay sao                Petaurista elegans

- Sóc bay trâu               Petaurista lylei

26 Sóc bay:

- Sóc bay nhỏ                Belomys

- Sóc bay lông tai           Belomys pearsoni

27 Sói Tây Nguyên        Canis aureus

28 Công                        Pavo muticus imperator

29 Gà lôi:

- Gà lôi                         Lophura diardia diardi

- Gà lôi lam mào đen     Lophura imperialis

- Gà lôi lam mào trắng   Lophura diardi

30 Gà tiền:

- Gà tiền                       Polyplectron bicalcaratum

- Gà tiền mặt đỏ            Polyplectrom germaini

31 Trĩ sao                     Rheinarctia ocellata

32 Sếu cổ trụi (Sếu đầu đỏ) Grus antigol

33 Cá sấu nước lợ         Crocodylus porosus

34 Cá sấu nước ngọt      Crocodylus siamensis

35 Hổ mang chúa          Ophiophagus hannah

36 Cá cóc Tam Đảo      Paramesotriton deloustali

 

Bổ sung - Động vật hoang dã Nhóm IB

1 Sao La                       Pseudoryx nghetinhensis

2 Mang lớn                   Megamuntiacus vuquangensis

3 Mang Trờng Sơn        Caninmuntiacus truongsonensis

4 Mang Pù Hoạt            Muntiacus puhoatensis

5 Sơn dương                 Capricornis sumatraensis

6 Các loài Mèo rừng      Giống Felis spp.

7 Gấu ngựa                   Ursus thibethanus

8 Các loài Tê tê (Trút, Xuyên sơn giáp) Giống Manis spp.

9 Thỏ vằn                    Nesolagus sp.

10 Đu gông (Bò biển)    Dugong dugong

11 Các loài cá heo         Giống Delphin spp.

12 Cá Ông sư (Cá Voi đen) Neophon phocaenoides

- Cá voi                        Balaenoptera musculus

13 Cá Nược                  Orcaella brevirostris

14 Cò thìa                     Platalea minor

15 Cò quắm cánh xanh Pseudibis davisoni

16 Già đẫy nhỏ              Leptotilos javanicus

17 Đồi mồi                    Eretmochelis imbricata

18 Vích                         Chelonia myda

19 Giải                          Pelochelis bibronii

20 Đồi mồi dứa              Caretta caretta

21 Quản-đồng               Caretta olivacea

22 Cá cháy                   Hilsa toli

23 Rùa hộp 3 vạch         Cuora trifasciata

34 Rắn dọc da (Rắn săn chuột) Elaphe radiata

25 Rắn ráo trâu (Hổ trâu/Hổ hèo) Ptyas mucosus

26 Cá mơn                    Sclerpages formosus

27 Cá Anh vũ                Semilabeo notabilis

28 Cá Chình mun           Anguilla pacifica

29 Cá Chìa Vôi sông      Crinidens sarissophorus

30 Cá còm                    Notopterus chitala

31 Cá Hô                      Catlocarpio siamensis

32 Cá Sóc                     Probarbus jullieni

33 Cá Tra dầu               Pangasiannodon gigas

 

Nhóm II - Hạn chế khai thác và sử dụng

IIA - Thực vật hoang dã

 

1 Cẩm lai                      Dalbergia oliverrii

- Cẩm lai Bà Rịa           Dalbergia bariaensis

- Cẩm lai Đồng Nai       Dalbergia dongnaiensis

2 Gà te (Gõ đỏ)                         Afzelia xylocarpa

3 Gụ

- Gụ mật (Gõ mật)         Sindora cochinchinensis

- Gụ lau (Gõ lau)           Sindora tonkinensis A. Chev

4 Giáng hương:

- Giáng hương               Pterocarpus pedatus Pierre

- Giáng hương Cambốt   Pterocarpus cambodianus

- Giáng hương mắt chim Pterocarpus indicus Willd

5 Lát:

- Lát hoa                       Chukrasia tabularis

- Lát da đồng                Chukrasia sp.

- Lát chun                     Chukrasia sp.

6 Trắc:

- Trắc                           Dalbergia cochinchinensis

- Trắc dây                     Dalbergia annamensis

- Trắc Cambốt              Dalbergia cambodiana

7 Pơ mu:                       Fokienia hodginsii

8 Mun:

- Mun                           Diospyros mun

- Mun sọc                     Dyospyros sp.

9 Đinh:              Markhamia pierrei

10 Sến mật                    Madhuca pasquieri

11 Nghiến:                    Burretiodendron hsienmu

12 Lim xanh                  Erythrophloeum fordii

13 Kim giao                  Podocarpus fleuryi

14 Ba gạc                     Rauwolfia verticillata

15 Ba kích                    Morinda officinalis

16 Bách hợp                 Lilium brownii

17 Sâm Ngọc Linh         Panax vietnammensis

18 Sa nhân                    Amomum longiligulare

19 Thảo quả                  Amomum tsaoko

 

Bổ sung - Thực vật hoang dã Nhóm IIA

1 Bách xanh                  Calocedrus macrolepis

2 Thông Đà Lạt             Pinus dalatensis

3 Trầm (Gió bầu)           Aquilaria crassna

4 Thông 2 lá dẹt            Ducampopinus kempffi

5 Du sam                      Keteleeria evelyniana

6 Các loại Xá xị             Chi Cinnamomum spp.

7 Sa mu dầu                  Cunninghamia konlhi

8 Cỏ thơm                     Lysimachia congestiflora

9 Các loại cây Bình Vôi Chi Stepphania spp.

10 Trai lý                      Garcinia fagraoides

11 Đẳng sâm (Sâm leo) Codonopsis favanica

12 Vàng đắng               Coscinium fenestratum

13 Thạch hộc               Dendrobium nobile

14 Hoàng tinh lá mọc cách Disporopsis longifolia

15 Hoàng tinh lá mọc vòng Polygonatum kingianum

16 Hoàng đằng  Chi Fibraurea spp.

17 Các loại Thiên tuế     Chi Cycas spp.

 

IIB - Động vật hoang dã

1 Khỉ:

- Khỉ cộc                      Macaca arctoides

- Khỉ vàng                     Macaca mulatta

- Khỉ mốc                     Macaca assamensis

- Khỉ đuôi lợn                Macaca nemestrina

2 Sơn dương                 Capricornis sumatraensis

3 Mèo rừng                   Felis bengalensis

- Felis marniorata

- Felis temminskii

4 Rái cá Lutra lutra

5 Gấu ngựa                   Selenarctos thibethanus

6 Sói đỏ                        Cuon alpinus

7 Sóc đen                     Ratuta bicolor

8 Phợng hoàng đất        Buceros bicornis

9 Rùa núi vàng              Indotestudo elongata

 

Bổ sung - Động vật hoang dã Nhóm IIB

1 Dơi ngựa lớn              Pteropus vampirus

2 Sói Tây Nguyên          Canis aureus

3 Cáo lửa                      Vulpes vulpes

4 Cầy Gấm                   Prionodon pardicolor

5 Cầy vằn Bắc              Chrotogale owstonii

6 Cầy vằn Nam                         Hemigalus derbyanus

7 Các loài cầy Giông      Giống Vivera spp.

8 Cầy hương                 Viverricula indica

9 Các loài Triết                         Giống Mustela spp.

10 Các loài Cheo Cheo Giống Tragulus spp.

11 Các loài Sóc bay       Giống Petaurista spp.

12 Niệc hung                 Ptilolemus tickelii

13 Niệc cổ hung            Aceros nipalensis

14 Niệc mỏ vằn             Aceros undulatus

15 Các loài Cú lợn         Giống Tyto spp.

16 Các loài Cú mèo       Giống Otus spp.

17 Cú vọ lưng nâu         Ninox scutulata

18 Hạc cổ trắng            Ciconia episcopus

19 Các loài Vẹt (Két)    Giống Psittacula spp.

20 Vẹt lùn                     Loriculus vernalis

21 Yểng (Nhồng)          Gracula religiosa

22 Các loài Khớu          Giống Garrulax spp.

23 Yến sào                   Collcalia francica

24 Các loài Thù thì        Giống Ketupa spp.

25 Các loài Cắt                         Họ Franconidae

26 Các loài Kỳ đà         Giống Varanus spp.

27 Các loài Trăn            Giống Python spp.

28 Rắn Hổ mang thường  Naja naja

29 Rắn ráo thường         Ptyas korros

30 Các loài Rắn cạp nong Giống Bungarus spp.

31 Các loài Rắn lục       Giống Trimerusurus spp.

32 Rùa núi vàng            Testudo elongata

33 Rùa đất lớn              Heosemys grandis

34 Rùa răng (Càng đớc) Hieremys annandalii

35 Cá Rầm xanh           Altigena lemassoni

36 Cặp kìm (côn trùng) Họ Lucanidae

37 Sừng dê (côn trùng) Onthofagus mouhoti

38 Cua bay (côn trùng) Cheirotonus macleayi

39 Cánh cứng 5 sừng (côn trùng) Eupatonus gracilicornis

40 Cà cuống                  Lethoccrus indicus

41 Bọ lá (côn trùng)       Phyllium succiforlium

42 Trai ngọc                  Pteria maxima

 

 

 

 

 

 

Biological Richness

http://www.geoanalytics.com/bims/vm.htm

 

Vietnam contains a great wealth of biological diversity in its forests, its waterways and in its marine areas. It also contains a great variety of valuable species and varieties of crops, cultivars and domesticated animals in its agricultural systems. Over a thousand medicinal plants are recognised. Many more certainly await discovery. The table below shows the number of species of different taxa that are already known. In some cases these are still low figures. For instance it is estimated that Vietnam has about 12000 species of higher plants but only 7000 have been identified.

Taxa

Spp. In Vietnam(SV)

Spp. in World (SW)

SV/SW (%)

Mammals

275

4,000

6.8

Birds

800

9,040

8.8

Reptiles

180

6,300

2.9

Amphibians

80

4,184

2.0

Fishes

2,470

19,000

13.0

Plants

7,000 *

220,000

3.2

Mean % of global biodiversity: 6.2%
* estimated to be 12,000

 

Endemism is high in many groups. 33% of the flora of northern Vietnam is endemic (Pocs Tamas, 1965) whilst it is estimated that for the entire national flora the figure is as high as 50% (Thai van Trung, 1970). Endemism is high for freshwater fish with 77 endemic species described out of a known fauna of 203 spp. in northern Vietnam (Yen, 1985).

 

Some important endemic or near-endemic vertebrates include:-

Sao La Pseudoryx nghetinhensis,

Giant Muntjac Megamuntiacus vuquangensis,

Hatinh Langur Trachypithecus hatinhensis,

Delacour's Langur Trachypithecus delacouri,

White-headed Langur Trachypithecus poliocephalus, Tonkin Snubnose Monkey Rhinopithecus avunculus, Vietnam Pheasant Lophura hatinhensis,

Imperial pheasant Lophura imperialis,

Edward's Pheasant Lophura edwardsi,

Orange-necked Partridge Arborophila davidi,

Grey-crowned Crocias Crocias langbianis,

Collared Laughingthrush Garrulax yersini,

White-cheeked Laughingthrush Garrulax vassali.

 

Endemism is not spread evenly throughout the country. The main mountain blocks such as Lang Bien plateau, central mountains and mountains of Hoang Lien Son are those which carry the highest levels of endemism in conifers, other plants and birds. Some groups depart from this pattern (e.g. pheasants are mostly confined to lower altitudes).

 

In addition, Vietnam contains globally important populations of some of Asia's rarest animals such as Kouprey Bos sauveli, Javan Rhinoceros Rhinoceros sondaicus, Asian Elephant Elephas maximus, Tiger Panthera tigris, Eld's Deer Cervus eldii, Crested Argus Rheinartia ocellata, Green peacock Pavo muticus.

In total, 35 mammals and 40 bird species are listed on IUCN red lists. The country contains 3 EBA's (ICBP, 1992). The biodiversity index (BI) is calculated at 8.5 (see section 1.4.3.1 above), resulting in an ultimate protection target of 9.5%.

 

 

 

 

The World's Top Twenty Spoken Languages

(given in millions) 

 

Mother-tongue speakers

 

Official-language populations

1

 Chinese (1,000)

1

English (1,400)

2

English (350)

2

Chinese (1,000)

3

Spanish (250)

3

Hindi (700)

4

Hindi (200)

4

Spanish (280)

5

Arabic (150)

5

Russian (270)

6

Bengali (150)

6

French (220)

7

Russia (150)

7

Arabic (170)

8

Portuguese (135)

8

Portuguese (160)

9

Japanese (120)

9

Malay (160)

10

German (100)

10

Bengali (150)

11

French (70)

11

Japanese (120)

12

Panjabi (70)

12

German (100)

13

Javanese (65)

13

Urdu (85)

14

Bihari (65)

14

Italian (60)

15

Italian (60)

15

Korean (60)

16

Korean (60)

16

Vietnamese (60)

17

Telugu (55)

17

Persian (55)

18

Tamil (55)

18

Tagalog (50)

19

Marathi (50)

19

Thai (50)

20

Vietnamese (50)

20

Turkish (50)

Source: The Cambridge Factfinder, Cambridge University Press, 1993

 

 

Fishing fleet and fishing technology in East China Sea

Category of fishing vessels

No.

Powered fishing vessels

114 010

Steel fishing vessels

 

 

>600 HP

502

 

<600 HP

9 985

 

Sub-total

10 487

Wooden fishing vessels

 

 

>15 HP

38 401

 

<15 HP

65 122

 

Sub-total

103 523

Unpowered fishing vessels

200 000

TOTAL

314 010


Vietnam Dat Nuoc Men yeu Nguyen Khac Ngu trang 46-47.Montreal 1984 

Chua co sách Dịa-lý Vịnh Bắc-Việt

Hình 249.

What's happening to the seafloor habitat?A single pass of a trawl can remove up to a quarter of seafloor life. Repeated trawling can remove nearly all seafloor life, including not only sessile animals and plants, but also many species of fish and marine invertebrates.

 
HÀ NỘI 28-5 (TH).- Bộ Ngoại Giao CSVN trong ngày Thứ Hai đã lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng khi nước này loan báo cấm đánh cá trong vùng quần đảo Hoàng Sa để tập trận bằng "đạn thật".

Bất chấp những lời xác định chủ quyền lập đi lập lại rất nhiều lần trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của CSVN, ngày 25-5-01, đài phát thanh tỉnh Quảng Châu của Trung Cộng loan báo "cấm biển" để "bắn đạn thật từ 0 giờ ngày 27-5-01 đến 24 giờ ngày 3-6-01 ở khu vực có tọa độ 14 độ 30 phút đến 17 độ 00 phút độ vĩ bắc, 111 độ 30 phút đến 114 độ 00 phút độ kinh đông".

Khu vực bao trùm trong tọa độ này là vùng biển có quần đảo Hoàng Sa.

Phát ngôn viên Phan thúy Thanh của Bộ Ngoại Giao Hà Nội nói rằng "Chúng tôi hết sức quan tâm và lo ngại về tin trên".

Hồi cuối năm ngoái CSVN và Trung Cộng ký hiệp định về lãnh hải và quyền đánh cá trên vịnh Bắc Phần nhưng để ngỏ vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa vì hai bên đều không thỏa thuận được chuyện chủ quyền.

Hà Nội nhiều lần nói chủ quyền của mình trên các quần đảo này có đủ các chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý, nhưng trong thế kẻ mạnh, Trung Cộng tiếp tục các hành động lấn chiếm và củng cố các khu vực đã chiếm được.

Cho tới nay, trên nguyên tắc, cả hai phía đều còn giữ các liên lạc để thương thuyết về chủ quyền và việc khai-thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Trường Sa vì còn kẹt thêm nhiều nước khác cũng nhìn nhận chủ quyền. Tuy nhiên, quần đảo Hoàng Sa từ khi chiếm được trong tay VNCH hồi năm 1974, Trung Cộng coi như chuỗi đảo này của họ.

Cách đây hơn một tuần, Trung Cộng đã loan báo "Cấm đánh cá trong khu vực biển Đông từ ngày 1-6-01 đến ngày 1-8-01."

Phan thúy Thanh nói rằng trong khi ASEAN và Trung Cộng đang thảo luận về một bộ qui tắc ứng xử tại biển Đông thì "Các bên hữu quan cần duy trì ổn định trên cơ sở nguyên trạng, tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không được có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình".

Liệu Trung Cộng có nghe lời nài nỉ của Phan thúy Thanh hay vẫn cứ tập trận "bắn đạn thật" ở khu vực Hoàng Sa?

Xây cất căn cứ to lớn và kiên cố nhiều tầng trên đảo Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa, phi trường ở Hoàng Sa cho thấy Trung Cộng làm như không nghe thấy lời kêu gọi "Tất cả các nước có trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như bảo đảm an toàn và thuận lợi cho giao thông hàng hải ở khu vực biển Đông".

 

Báo cáo cho biết, ngày 30-12-1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền. Ngày 27-12-2001, hai nước đã tiến hành cắm mốc quốc gia đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng và hai bên dự kiến trong ba năm sẽ hoàn tất việc phân giới cắm mốc.

Ngày 25-12-2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá. Hiện nay hai bên chưa tiến hành phê chuẩn Hiệp định; đang đàm phán về Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá.

Đây là những sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với Việt Nam cũng như quan hệ Việt - Trung, mà còn đối với khu vực, được dư luận nhân dân cả nước hoan nghênh. Maï, français ü

VIET NAM infos numéro 11 - 15 mars 2002

Pourquoi le Parti communiste vietnamien a-t-il fait des concessions territoriales sans précédent à son puissant voisin chinois ?

Jean Lefrançois

 

Naval Intelligence Division.

Indo-china. Cambridge : the University Press, 1943. xiii, 535 p. : 1 map ; 23 cm.

(Geographical handbook series) nIX-10-B-6

 

Lễ cầu ngư

Lễ cầu ngư thường được chuẩn bị từ sau tết Nguyên đán kéo dài cho tới mùa xuân, trước khi vào mùa đánh cá mới, các đồng bào làm nghề đánh cá tổ chức lễ Cầu Ngư trọng thể và linh thiêng hơn cả tết Nguyên đán.

Lễ Cầu Ngư là lễ cúng tế thần biển (ông Nam Hải) để xin ông luôn cho sóng yên biển lặng, để tàu bè ra khơi đánh bắt nhiều hải sản. Ngoài ra thần biển còn được gọi một tên khác đó là Đức Ông và chính đó là những cỗ Cá Voi vì lý do nào đó bị giết chết trôi dạt vào bờ và đã được vạn chài chôn cất cúng tế linh đình. Mỗi vạn chài tuỳ theo tập quán riêng mà chọn ngày tốt làm lễ Cầu Ngư cho năm mới; tập quán được quy định bởi những cỗ Cá Voi chết trôi dạt vào vạn chài của mình, có nghĩa là tuỳ theo con cá to hay cá nhỏ. Sau khi chôn cất xong thì vạn chài quy định thời gian cải táng dài hay ngắn, họ chọn ngày cải táng để đưa hài cốt Cá Voi vào lăng thờ, và chính ngày cải táng đó là ngày tổ chức lễ Cầu Ngư  hàng năm.

Mở đầu lễ Cầu ngư là chọn giờ tốt để rước hồn Cá Voi và những người vạn chài bỏ mình trên biển trở về, lễ vật tuỳ theo tập quán mỗi vùng, thịt và bánh trái hoa quả. Sau đó khởi ca mở đầu cho các sinh hoạt văn hoá truyền thống như ca hát, đua thuyền, thi bơi lội... kéo dài 2-3 ngày. Cuối cùng là lễ Tôn Dương kết thúc lễ Cầu Ngư.

 


- Dư luận trong nước còn khá xôn xao về những mưu đồ kinh tế của Bắc Kinh : hàng lậu tràn qua biên giới, sức ép đòi Hà Nội nhượng cho các dự án đầu tư lớn về sắt thép (mở rộng khu gang thép Thái Nguyên), thầu nhà máy thủy điện Lai Châu, sân vận động Hà Nội và khai phá quặng nhôm ở Lâm Đồng, với sự có mặt mới đây của bộ trưởng thương mại tàu Thạch Quảng Sinh...

 

Pierre Paris, tác-giả cuốn sách "Esquisse d'une Ethnographie Navale des peuples annamites", Le Bulletin des Amis du Vieux Hué no. 14, Octobre-Décembre 1942; in lại ở Rotterdam, Holland 1955: trang 40-41.), khi khảo-sát về những biến-chuyển trong quá-khứ và tương-lai của hàng-hải Việt-Nam đã thấy rất khó khăn trong việc giải-thích tại sao người Việt không xuất-dương viễn-hành mà lại quanh quẩn sinh-hoạt trong nội-hải. Paris có ý cho rằng vì lúc nào dân ta cũng thấy có sẵn những phương-tiện ngoại-quốc tốt hơn, trước là người Tàu sau này là người Pháp, nên không phát-triển đường biển. (Sur mer, il en est résulté que les Annamites ont toujours trouvé devant eux des étrangers disposant de moyens materiels plus puissants.) Khi mới nghe, lời nói này khó mà lọt tai, nhưng có lẽ đúng. Người Việt chúng ta ngày nay học-hành vẫn giỏi giang, bắt chước cũng nhanh nhưng sau đó, khi ra làm việc thường thiếu óc phát-minh hay ít sáng-kiến. Có lẽ khi môi-trường sinh sống thay đổi thì nhược-điểm này mới thay đổi được.dd



[1] Miền Bắc Khai Nguyên, Cửu-Long-Giang Toan-Ánh, Sài-Gòn, 1969, trang 13

[2] Bờ biển Vịnh Bắc-Việt trong sách này bao gồm toàn-thể bờ biển Bắc-Bộ và một phần bờ biểnTrung-Bộ tới Ðảo Cồn Cỏ, vùng Bắc Quảng-Trị.

[3] Thứ-Trưởng Ngoại-giao Cộng-Sản Viêt-Nam (CSVN) Lê Công Phụng nói diện-tích Vịnh là 123,700 km2, tức nhỏ hơn một chút. Viện Nghiên-Cứu Ðông-Tây ở Hawai ước-lượng một con số lớn hơn: 46,961 hải-lý vuông, tức là 46,961x1,852x1,852 = 161,072 km2.

[4] Theo Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, sách Nam Bắc phiên giới địa đồ của Lý Anh Tông (TK 11, nay không truyền, là đầu-tiên).

[5] Các bản đồ trước đó có lẽ đã bị quân Minh cướp hoặc tiêu hủy khi chiếm Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 15

[6] Số lượng đảo này do Thứ-Trưởng CSVN Lê Công Phụng đưa ra khi thương-thảo với Trung-Cộng. Chúng tôi đọc được những con số thống-kê lớn hơn rất nhiều:

- Chỉ nguyên trong một khu-vực nhỏ hẹp của Vịnh Hạ-Long, CSVN đã chính-thức đưa ra con số là 1,969 đảo trong Quyết định Số 313/VH-VP của Bộ Văn-hóa Thông tin ngày 28/4/1962 (Tài-liệu Ngân-Hàng Á-Châu ADB 1999). Các đảo Vịnh Hạ Long cũng có trong danh sách các khu rừng đặc dụng theo Quyết định Số 194/CT,ngày 9/8/1986 của Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính Phủ).

- Con số 1,969 đảo Hạ Long này cũng được CSVN đưa vào danh sách khu di sản thiên-nhiên thế-giới (World Heritage Site). Năm 1994, đã được Uỷ ban UNESCO công nhận nguyên khu-vực danh-thắng có dìện tích 43,400 ha (chưa bằng 1% Vịnh Bắc-Việt) đã bao gồm 700 hòn đảo (ADB1999). Khắp thế-giới đều biết tiếng.

- Một con số còn lớn hơn nữa do Bộ Kinh-Tế CSVN (đề-tài KT-03-12, Hà-Nội, 1995) đưa ra là 2,321 đảo khu Quảng-Ninh-Hải-Phòng…

[7] Về phía Bắc, Hải-giới của Giao-Châu, của nước Vạn-Xuân (Tiền-Lý) tới Hợp-phố, Bắc-Hải. Hải-giới thời Ðinh-Lê-Lý, Trần tới Vịnh Khâm-Châu.

[8] Một số tác-phẩm như: Người Việt- Ðất Việt, Miền Bắc Khai-Nguyên, Miền Thượng Cao-Nguyên, Miền Trung Kiên Dũng, Miền Nam Phú-Cường…

[9] Keith Weller Taylor. The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983.

[10] Trong đó phần bờ biển dài nhất là của Việt-Nam (2,828 hải-lý). Chỉ có 10% chu-vi của biển này (perimeter= 8192 nautical miles) thông-thương được ra các biển Thái-Bình-Dương và Ấn- Ðộ-Dương.

Theo tài-liệu của văn-phòng International Hydrographic Bureau, diện-tích Biển Đông vào khoảng 1,091,642 hải-lý vuông, bao gồm cả hai vịnh biển khá lớn là vịnh Bắc-Việt (46,961 hải-lý vuông) và vịnh Thái-Lan (85,521 hải-lý vuông). Chiều dài nhất của Biển Ðông tới 1,901 hải-lý.

Theo tài-liệu nghiên-cứu của Viện Nghiên-Cứu Ðông-Tây ở Hawaii, bờ biển Việt-Nam chiếm tới 35% chu-vi Biển Đông.

[11] Không phải ngẫu nhiên mà để chấm dứt sự hiểu lầm, có ý-kiến của một số nước ở Đông Nam Á cho rằng nên đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á. (Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản (NXB) Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 53-54)

[12] Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 551-552.

[13] Sumet Jumsai. Naga: Cultural Origins in Siam and the West Pacific. Singapore, Oxford University Press, 1988.

[14] Chester Norman. The Hoabinhian and After: Subsistence Patterns in Southeast Asia during the Late Pleistocene and Early Periods. Báo World Archaeology 2, No. 3, 1971: 300-320

[15] Phạm-Hoàng-Hộ. Cây cỏ Việt-Nam, 1993

[16] TuổiTrái Ðất nằm trong khoảng từ 4.5 đến 4.6 tỷ năm. Ðá già tuổi nhất chừng 4 tỷ năm. Vì sự xáo trộn địa-chất, ít khi ta tìm thấy đất đá già hơn 3 tỷ năm. Tuy vậy có những vi-sinh hóa-thạch già tới 3.9 tỷ năm. Vì thế, trong khi thời-gian các sinh-vật khởi đầu cuộc sống không thể biết chính-xác vào lúc nào nhưng rõ ràng không quá mới như ngưới ta ước-lượng trước đây. 71 phần trăm bề mặt Trái Ðất bao-phủ bởi nước. Trái Ðất là hành-tinh độc-nhất có nước trong thể lỏng bao bọc bên ngoài.

[17] Việt-Nam lúc đó có hình chữ S nằm ngang theo hướng Tây- Ðông.

[18] Bản-đồ Thành-Hệ Kiến-Trúc-Việt-Nam (Phần Ðất Liền và Một Phần Biển). Chủ-biên: Nguyễn-Xuân-Tùng, Trần-Văn-Trị. Hoàn-thành tại Viện Ðịa-Chất và Khoáng-Sản, Hà-Nội, 1992.

[19] Dựa theo bản-đồ của Viện Ðịa-Chất và Khoáng-Sản, Hà-Nội, 1992; chúng tôi ước-lượng: Diện-tích Biển Ðông lúc đó khoảng chừng 75% diện-tích hiện-thời

[20] hay còn gọi là Thời-kỳ Băng-Giá

[21]  Có sách và bản-đồ ghi Catigara hay Kattigara hay Katigara.

[22] Sách Researches on Ptolemy's Geography of Eastern Asia, Colonel G.E. Gerini, M.R.A.S., London 1909.

[23] Ocean Almanac, Robert Hendrickson, Doubleday & Company, Inc., New York, 1984, p. 126

[24] Phỏng theo "Ancient History Atlas" Michael Grant, Cartograph by Arthur Bank, Mcmillan Publishing Co., Inc., New York, 1971: 75.

[25] le Grand Golfe baigne à I'Est la côte du pays des Sinai, dont le dernier point accessible est le port de Kattigara. Le pays des Sinai correspond au Tonkin et a la partie meridionale de la Chine; quant au port de Kattigara, il faut très probablement le placer sur la côte aux environs de Quangyen et de Hongay. ( Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême Orient, Tome XXI, Hanoi 1921, p. 197.)

[26] Thông-thường hải-đồ của người Pháp thời đó ghi biển này là Biển Trung-Hoa (Mer de Chine).

[27] Hàng trăm bản-đồ cổ của Âu-Châu vẽ Vịnh Bắc-Việt có hình-dạng tương-tự có thể tìm thấy trên các Websites về bản-đồ cổ. Ðiển-hình như: http://www.cosmography.com/emsa.htm

[28] Rhodes Of Vietnam - The Travels and Missions of Father Alexandre de Rhodes in China and Other Kingdoms of the Orient. Translated by Solange Hertz. The Newman Press - Westminster, Maryland, 1966.

[29] Giáo-Sư Nguyễn-Khác-Ngữ dùng bản đồ này để chứng-minh người Bồ-Ðào-Nha đã đến xứ ta rất sớm, từ năm 1512. Trong khi đó, Khâm-Ðịnh Việt-Sử Thông-Giám Cương-Mục ghi người Tây-Phương đến năm 1533. (Bồ-đào-Nha, Tây-ban-Nha và Hoà-Lan giao-tiếp với Đại-Việt; Nguyễn-khắc-Ngữ, Montréal, 1988: trang 39-40)

[30] Một Collection về Bản-đồ do người Nhật-Bản vẽ được phổ-biến trên: http://www.cc.columbia.edu/itc/ealac/moerman/japanmaps/thumbs.html

[31] Có thể kể đến: Ératosthène , Hipparque (năm 190-125 TTL.), Polybe (200-118 TTL.), Poseidonios d’Apamée (135-50 TTL.), Marin de Tyr (Cuối thế-kỷ thứ 1 sang đầu thế-kỷ thứ  2), Marin, de  Tyr được coi như cha đẻ của ngành hải-đồ (fondateur de la cartographie marine,)

[32] “MacCrindle's Ancient India as described by Ptolemy” (first printed 1884), revised by Ramchandra Jain, New Delhi, 1984.

[33] Truy-cứu lại tài-liệu hải-hành, các nhà nghiên-cứu tìm ra rằng thời Columbus chưa nắm vững kỹ-thuật thiên-văn và hàng-hải phỏng-định rất sai lệch vì tác-dụng gió nước rất phức-tạp, không tính-toán được.

[34] Magellan cũng lưu-tâm đến vị-trí Cattigara rất nhiều. Sau khi từ Đại-Tây-Dương vào được Thái-Bình-Dương, ông dẫn hải-đội dọc theo bờ biển Chí-Lợi, viên thư-ký giữ tài-liệu hải-hành của ông là Pigafetta có vẻ bi-quan khi nói rằng :"Cái mũi đất Cattigara mà ngay cả những nhà "Vũ-trụ-học" (!) cũng chưa nhìn thấy thì lúc này không những chẳng thể nào tìm ra mà (chúng ta) cũng không thể tưởng-tượng được là nó ở vào chỗ nào!"?

[35] Với phương-tiện thô-sơ, chúng tôi phỏng-định vị-trí hải-cảng nước ta trên bản-đồ Ptolemy nằm tại tọa-độ quá xa về hướng Đông, sai-lệch tới 55 độ kinh-tuyến (hay 60 X 55 = 3,300 hải-lý, tức 61.12 grade hay 6112 Km)và cũng quá xa về hướng Nam sai tới 30 độ vĩ-tuyến (hay 60x30 = 1,800 hải-lý , tức 33.334 grade hay 3,334 km).

[36] Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 63-65.

[37] Vũ Nguyệt Minh, Lữ Đông Hà, Lê Khánh Tâm, Quỳnh Tố Thùy. "Nước Tôi Dân Tôi". Cơ sở Đông Tiến, San José, Califonia, 1989. Trang 14-15.

[38] Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 63-65.

[39] Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 58-59.

[40] Ðáy biển chung quanh Bạch-Long-Vĩ sâu 35 m, đỉnh của đảo cao 62 m so với mực nước biển.

[41] Atlas for Marine Policy in Southern Asian Seas, edited by Joseph R. Morgan & Mark J. Valencia, University of California Press, 1983.

[42] Vietnam: A Political Histor. NXB Frederick A. Praeder Publishers, New York - Washington, 1968, trang 15.

[43] Trần Tuất và những người khác . Ðịa lý thủy văn sông ngòi VN.Nhà xuất bản Khoa-học và Kỹ-thuật. Hà Nội 1987.

[44] Trần Tuất và những người khác . Ðịa lý thủy văn sông ngòi VN.Nhà xuất bản Khoa-học và Kỹ-thuật. Hà Nội 1987.

[45] Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 77.

[46] Bản-đồ Thành-Hệ Kiến-Trúc-Việt-Nam (Phần Ðất Liền và Một Phần Biển). Chủ-biên: Nguyễn-Xuân-Tùng, Trần-Văn-Trị. Hoàn-thành tại Viện Ðịa-Chất và Khoáng-Sản, Hà-Nội, 1992.

[47] G. R. G. Worscester. The Junks & Sampans of the Yangtze. Annapolis, 1971. Trang 2.

[48] Ðộ đục của Sông Hồng được xếp vào hàng cao nhất thế-giới, tới 3,500g/m3 vào mùa lũ, 500g/m3 vào mùa cạn. Ðộ đục tối đa của sông Cửu-Long vào mùa lũ là 500g/m3 (1/7 của Sông Hồng ) và 300g/m3 vào mùa cạn.

[49] Red River Basin Water Resources Management Project, ADB TA2871-VIE.: The minimum recorded discharge is 370 cu m/sec, while the highest discharge recorded is 38,000 cu m/sec (in 1971). About 40 percent of this total volume originates in China.

[50] Red River Basin Water Resources Management Project, ADB TA2871-VIE.

[51] Có tài-liệu ghi tới 100,000 người chết, Có lẽ con số này không đúng:

- http://www.vnbaolut.com/lulutSH_uni.htm. Trần Tiễn Khanh và Nguyễn Khoa Diệu-Lê (10/2001)

- http://www.noaanews.noaa.gov/stories/s334b.htm US.National Oceanic and Atmospheric Administrations’s National Climatic Data Center.

[52] Nhà Văn Diệu-Tần từng viết rằng: “Ngày xưa các cụ nói: Nhất thủy, nhì hỏa là quá đúng. Lửa chỉ thiêu cháy một cánh rừng, hoặc một xóm, một khu phố. Còn ông Thủy tinh có sức mạnh tiêu hủy nhiều xã nhiều tỉnh trong một lần ra oai. Việc tái thiết sau cơn hồng thủy bao giờ cũng khó khăn tốn kém hơn là sau một lần bà hỏa nổi cơn giận dữ để lại những bãi lầy rất khó trị.”Trận lụt 1945 và Việt Quốc” (06/07/02)

[53] http://www.ipgp.jussieu.fr/~leloup/index.htm

Figure 4 - Modèle d'extrusion continentale

a) Indentation d'un bloc de plasticine par un poinçon rigide. Vue oblique, le modèle est confiné verticalement et la bordure droite libre (Peltzer et Tapponnier, 1988; Tapponnier et al., 1982).

b) Modèle de déformation de l'Asie par deux phases d'extrusion successives (Tapponnier et al., 1986).

[54] Vũ Nguyệt Minh, Lữ Đông Hà, Lê Khánh Tâm, Quỳnh Tố Thùy. "Nước Tôi Dân Tôi". Cơ sở Đông Tiến, San José, Califonia, 1989. Trang 16-17.

[55] "Nước Tôi Dân Tôi". Cơ sở Đông Tiến, San José, Califonia, 1989: Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ vùng núi cực đông tỉnh Lạng Sơn, theo hướng núi, chảy ngược về phía Tây-Bắc, qua Kỳ Lừa, Đồng Đăng, đến Thất Khê lại đổi sang hướng Đông, chảy qua Bi Nhì hướng về thị trấn Lung Ching tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa.

[56] Những sông bị ghi “ô-nhiễm nặng nhất nước” là Sông Tô Lịch và Sông Cửa Cấm.

[57] DWT- Deadweight Ton. Ðơn-vị trọng-lượng chuyên chở của tàu thuyền, tính bằng tấn - metric tons (1,000 kg).

[58] Tài-liệu trong Việt Nam Kinh-tế - Xã-hội số 7/1998

[59] Tài-liệu trong http://vitranss.org/factbook/05.htm: Of this, 8,013 km are used for inland waterway transport and 6,231 km are managed by the Central Government.  Việt Nam đứng hàng thứ 5 trên thế giới về cây số đường sông.

[60] Sources from Vietnam Embassy in the US, the USA Embassy in Vietnam and Vietnam Data Communication, VCOP: VN.Inland Waterways Network: consists of 17,702 km navigable of which more than 5,149km navigable at all times by vessels up to 1.8m draft

[61] Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, 1995. Trang 203

[62] Đề tài KT-03-12. Đánh giá điều-kiện tự nhiên, tài nguyên thiên-nhiên và kinh-tế - xã-hội hệ-thống đảo, ven bờ biển Việt Nam, Lê Đức An làm chủ nhiệm. Hà Nội 1995

[63] Mặc dù số lượng các đảo ven bờ lên đến trên 2,7 nghìn rải ra trên biển từ bắc xuống nam như đã nói ở trên, cho đến nay chỉ khoảng 65 đảo là có người ở. Nhân-tiện nói luôn ở đây rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do những điều-kiện khắc nghiệt về khoảng cách và điều-kiện sinh sống, chưa hề có người định-cư bao giờ. Hiện chỉ có các đơn vị biên phòng đồn trú,”lạ lùng” là có người khai đã liên-tiếp “phục-vụ” ngoài đảo tới 10 năm!!!

[64] http://halong.vnn.vn/Gioithieu/dktn.htm

[65] UNESCO là chữ viết tắt của “United Nations Educational, Scientific, and Cultural Organization”, một Cơ-quan Văn-hóa cuả Liên-Hiệp-Quốc - LHQ

[66] Hiện-tượng tương-tự có thể tìm thấy ở những nơi khác dọc theo dãy núi đá vôi của tỉnh Ninh-Bình, thường được gọi là “Hạ-Long trên cạn”. Sự xâm-thực của gió, nước cùng xảy ra khi nước biển của Vịnh Bắc-Việt còn bao trùm khu tam-giác Ninh-Bình Việt-Trì Quảng-Yên.

[67] Tương-tự như vùng đồng-bằng sông Cửu-Long

[68] Số lượng đảo và chiều dài bờ biển là những yếu-tố chính-xác trong những tranh-tụng về chủ-quyền lãnh-hải

[69] Nguyen Chu Hoi, Nguyen Huy Yet and Dang Ngoc Thanh (1998) [Scientific basis for marine protected areas planning]. Hai Phong : Hai Phong Institute of Oceanography. In Vietnamese.

[70] On August 13, 1999, technical specialists of P & T Sector has completed and put into use the1st Hai Phong satellite station (VSAT) in Bach Long Vi island district.

[71] Lê Tấn. Ði Thăm 6 tỉnh Biên-Giới, Biên-tập Võ Văn Tống, Sài-Gòn, Tháng 4-1981, Trang 48-51.

[72] Hải-Ðồ Hải-Quân Hoa-Kỳ HO No. 3153 Tonkin Gulf

[73] Sách quang-cáo Du-Lịch Hải-Nam ghi: Tian-Ya-Hai-Jiao:Located in the southwest seaside of Sanya city with a land area of 10,4 square kilometres and a sea area of 6 square kilometres, Tian-Ya-Hai-Jiao means the end of the world and corner of sea.

[74] Đây cũng là ước-lượng chính-thức của chính-quyền Bắc-Kinh (Source: Xinhua via Newspage)

[75]  Volume5,issue #19-18-10-2000

Hainan Province newly designated for tackling marine resources

28-09-00 Facing the South China Sea, China's largest tropical island, Hainan Province, has been newly designated to create a comprehensive strategy to tackle its marine resources. In term of its land, Hainan is the smallest province in China, but taking into consideration its 2.2 mm sq km of sea territory, it is the largest.

As the country's largest special economic zone (SEZ), Hainan is now looking beyond its land and now wants to tap into the sea. The development of its marine industry, however, is still in its primary stage and is limited to offshore fishing and aquatic breeding. With the industry designated as the province's most hopeful component to boost the economy, it will be expanded to more areas than before, according to the 10th five-year plan of the province (2001-2005).

Located in the South China Sea and Beibu Gulf and occupying 44. 6 % of the country's sea territory[75], Hainan has abundance of marine resources, of which natural gas and marine biological resources are the most appealing investment areas to big overseas investors, said Chi Fulin, director of China (Hainan) Institute for Reform and Development. Source: Xinhua via Newspage

[76] Sơ-đồ những cảng Trung-Hoa được lấy từ các Websites chính-thức của chính-quyền Trung-Hoa.

[77] Source: UNDP Project VIE/97/002 - Disaster Management Unit)

[78] http://xuquang.com/dialinhnk/quangnam1.htm. Bài Viết “Miền Trung, Vùng Chiến Tranh Và Bão Lụt..”

[79] http://www.vnbaolut,com

[80] Tài-liệu về thủy-triều Ðồ-Sơn có thể lấy miễn-phí từ website: http://tejo.dcea.fct.unl.pt/oceanus2000/

[81] Website “Giới-thiệu Vịnh Hạ-Long”: http://halong.vnn.vn/Gioithieu/dktn.htm

[82] Trừ những hang động nhỏ Ngũ-Hành-Sơn ở Quảng-Nam và một số không nhiều lắm tại Hà-Tiên.

[83] Con Moong Cave: A Noteworthy Archaeological Discovery in Vietnam (Pham), 23(1):17-21- 1980

[84] Trích lời giới-thiệu cuốn sách “The Wonders of Vietnamese Caves” Tác giả: Nguyễn Quang Mỹ & Howard Limbert (Đồng chủ biên) 252 trang. NXB Giáo Dục.

[85] Sưu-tập “The Origins of Chinese Civilization”, edited by David N. Keightley. London 1983: các trang 147-175.)

[86] Sử-gia Phan-huy-Chú đọc sử Tàu, thấy diện-tích đất đai các đời nhà Thương và nhà Chu rất hạn hẹp :Vua Thành-Thang chỉ có 70 dặm đất, Văn-Vương chỉ có 100 dặm đất mà làm vua thiên-hạ. (Lịch-triều Hiến-chương Loại-chí, Phan-Huy-Chú, 1819: Bản phiên-dịch, Tập Một: Dư-địa-chí- Nhân-vật-chí- Quan-chức-chí, Hà-Nội, 1992, trang 27).

[87] China's March Towards the Tropics, Harold J. Wiens. Conn, 1954.

[88] China, A New History, John King Fairbank, Harvard University Press, 1992, hình 6, trang 36

[89] Stephen Oppenheimer. "Eden in the East: the Drowned Continent of Southeast Asia,". Nhà xuất bản Phoenix (London), 1998.

[90] Yue hay Yueh hay Yüeh (với u accent trema)

[91] Nguyễn Quang Trọng, Về Nguồn gốc Dân tộc Việt-Nam và Ðịa-đàng phương Ðông của Oppenheimer. Rouen 01/2002.

[92] Về các phân tích di truyền học, có thể tham khảo các bài báo khoa học sau đây: (i) "Genetic relationship of populations in China", của Bài báo của Giáo sư J. Y. Chu và đồng nghiệp thuộc Trường Đại học Texas, đăng trên Tập san Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998; số 95, trang 11763-11768; (ii) "Khám phá mới di truyền học về nguồn gốc con người ở Đông Nam Á," của Nguyễn Đức Hiệp, đăng trên Tạp san Tư Tưởng, số 7, năm 2000, trang 9-13; (iii) "Y-chromosome evidence for a northward migration of modern humans into Eastern Asia during the last Ice age" của B. Su và đồng nghiệp, đăng trên Tạp san American Journal of Human Genetics, năm 1999, số 65, trang 1718-1724.

[93] Nguyễn Văn Tuấn. Nhân đọc “Eden In The East: Ðặt Lại Vấn-đề Nguồn Gốc Dân-tộc và Văn-Minh Việt-Nam. Lược trích từ Tập San Tư Tưởng

[94] Nhờ giữ tỷ-lệ tương-đối đồng nhất, các bản-đồ “Dymaxion World Maps” không tạo “ảo-tưởng” là những vùng vĩ-độ cao như Greenland hay các xứ Bắc-Âu quá to lớn – như ta thường thấy trong bản-đồ vẽ theo quy-tắc Mercator.

[95] Sumet Jumsai bàn về địa-bàn rộng lớn và quan-trọng của “Ðông-Nam-Á” trong vùng "bờ nước Châu-Á" (Sách . Naga: Cultural Origins in Siam and the West Pacific. Singapore, Oxford University Press, 1988.)

[96] Mainland Southeast Asia: A Anthropological Perspective. Nhà xuất-bản Goodyear Publishing Company, California 4/ 1975, trang 17.

[97] Đại-Việt Sử-ký Toàn-thư Ngoại-kỷ, Ngô-Sĩ-Liên và các Sử-thần đời Lê, Bản dịch của Mạc Bảo Thần Nhượng-Tống, 1944, Đại-Nam, California in lại, thập-niên 1990

[98] Những đặc-điểm của nền văn-minh Việt-Nam, Thái-Văn-Kiểm trong Tuyển Tập Ngôn ngữ Văn tự Việt-Nam, Dòng Việt, San José, 1993, trang 141-151.

[99] Maritime Southeast Asia to 1500, USA, 1996, trang 3

[100] Singapore, Oxford University Press, xuất-bản 1988, p. 174.

[101] Cultural Diversity, Laurence J. Ma; cuốn sách "Southeast Asia, Ream of Contrasts"; edited by Ashok K. Dutt, Westview Press, Colorado, 1985, p. 54.

[102] Tạ Chí Đại Trường, Tham gia đối thoại sử học, Văn Học, Westminster (USA), tháng 9, 9-33

[103] Ðược đăng trên mạng lưới điện-tử của chính-quyền Hà-Nội 

[104]  Careful excavation of stone tool artifacts and control over the stratigraphy reveal a wealth of information about the early human inhabitants of Bose. The Bose Basin is yielding evidence of stone tools dating to just over 800,000 years ago, giving scientists insight into the technology of early humans in East Asia and how they were using it.

[105] http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2002/05/3B9BBA18/

[106] Lời chú của GS Lê-Bá Thảo: Văn Lang là tên cũ của nước Việt Nam, thời kỳ Hùng Vương, với cương vực phía bắc lên đến động Đình Hồ, tây giáp Ba Thục, nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), đông giáp biển Đông.

[107] Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, 1995. Trang 551

[108] "Ðất Việt Trời Nam" xuất bản ngày 22-08-1960 tại Sàigòn của Việt-Ðiểu Thái-Văn-Kiểm

[109]Trong Cõi, Những Ý kiến về Lịch sử, Truyền thống và Hiện trạng Dân tộc của một Sử gia trong nước, Trần-Quốc-Vượng, Hoa-Kỳ, 1993. Trang 76-102

[110] Bài "A Description of the Kingdom of Tonqeen", trong cuốn sách "A Collection of Voyages and Travels", ed. A. and W. Churchill, London, 1703-32, IV. 3. Abbe Richard, "Histoire naturelle, civile et politique du Tonquin", Paris, 1778, 1. 28.

[111] The Cambridge History of Southeast Asia", Vol. 1- From Early times to C 1800-, edited by Nicolas Tarling, Cambridge University Press, 1992: 472-473.

[112] Cửa sông Ðáy lúc đó chưa lan ra biển, bờ Biển Ðông rất gần kinh-đô.

[113] Hình ảnh làng Việt-nam có lũy tre xanh, có con sông lơ lững vờn quanh… 

[114] Miền Bắc Khai Nguyên, Cửu-Long-Giang và Toan-Ánh, 1969, trang 6.

[115] Hiện nay làng chài còn thấy tại 6 xã thuộc huyện Thọ Xuân bên dòng sông Chu (Thanh Hóa), làng Vân Trình bên sông Ô Lâu (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Ở Nam-phần, những xóm nổi cũng thấy tai Tân-Uyên Biên Hòa. Làng nổi Tâm Lập huyện Mộc Hóa là một làng kiểu-mẫu… Và cả những làng Việt-Kiều rất lớn trên Biển Hồ Tonlé-Sap, Cambodge. Phần lớn dân vạn chài muốn lên bờ lập nghiệp, nhưng không có tiền mua đất làm nhà, không có ruộng cày cấy. Còn ở lại thì nạn ô nhiễm nguồn nước đã chặn đường sinh sống của họ...

[116] Vũ Nguyệt Minh, Lữ Đông Hà, Lê Khánh Tâm, Quỳnh Tố Thùy. "Nước Tôi Dân Tôi". Cơ sở Đông Tiến, San José, Califonia, 1989. Tỷ-lệ này đã thay dổi.

[117] Thủ đô Hà Nội chỉ có diện-tích 921 km2, dân số: 2.672.122 người http://www.vietnamtourism.gov.vn/v_pages/hanhchinh/61_tinh/bando.htm

[118] “Kết quả dự báo dân số VN 1999-2024” TCTK ngày 28.12-1999 .

[119] "Nước Tôi Dân Tôi". Cơ sở Đông Tiến, San José, Califonia, 1989. Trang 29-30.

[120] Giáo-Sư Lê Bá Thảo ước-đoán rằng hơn 150 năm nữa than mới hết. (Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản (NXB) Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 187).

[121] Lê Tấn. Ði Thăm 6 tỉnh Biên-Giới, Biên-tập Võ Văn Tống, Sài-Gòn, Tháng 4-1981, Trang 48-51.

[123] According to the ship building industry’s development strategy for 2010-2020, the Bach Dang Shipyard aims to become a centre for the building and repair of ships up to 30,000 tonnes. — VNS http://vietnamnews.vnagency.com.vn/2002-03/01/Stories/06.htm

[124] Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản Thế-giới, 1995. Trang 202.

[125] Vườn Quốc-gia Cát Bà là khu bảo-vệ đầu tiên của Việt Nam có phân khu bảo-tồn biển

[126] Việc săn-bắn hiện nay đã được luật-lệ quy-định, chẳng hạn như không được giết-hại những loài chim, thú trong danh-sách sinh-vật bảo-tồn.

[127] The Tien Hai C gas field, with a reserve of about 1.3 BCM, was developed and put into production from summer of 1981: was a quite mod­est but fully convincing, start for gas related activities in Vietnam. http://www.atipetroleum.com/press_VN.htm.

[128] Người ta biết răng dải trầm-tích-thạch Sông Hồng rất dài và lớn. Mạch của nó chạy qua Thái-Bình xuống tận Quảng Nam/Quảng Ngãi. Nay khí đốt đã tìm thấy ở Tiền-Hải là chỗ khởi đầu. Sư tin-tưởng rất lớn là cả dầu hỏa va khi đốt sẽ tìm thấy trong Vịnh Bắc-Việt.

[129] Vũ Nguyệt Minh, Lữ Đông Hà, Lê Khánh Tâm, Quỳnh Tố Thùy. "Nước Tôi Dân Tôi". Cơ sở Đông Tiến, San José, Califonia, 1989.

[130] Cảnh đẹp của phim L’indochine của Pháp (Oscar 1992) quay tại đây. Hoa Lu et sa merveilleuse baie d'Ha Long terrestre -... Hoa Lu se trouve dans la province de Ninh Binh, à ... Tout comme à la baie d'Ha Long, des scènes du film Indochine ont été tournées en ces lieux. ...
www.refer.org/vietn_ct/med/courrier/9281427.htm

[131] Trong mùa lụt, thường kéo dài 4 tháng, làng xóm, núi đồi nổi lên giữa biển nước. Những cảnh đẹp này đã mất.

[132] Trống Đan Nê đã được các cuốn sách nhắc đến: Việt Điện U Linh (1029), Đại Việt Sử ký Toàn thư (3) (1479), Lĩnh Nam Chích quái (1492-1493) (4) Đại Nam Nhất Thống Chí (5).

[134] http://www.gustaveeiffel.com/ . Website của hội “l’association réunissant les descendants de Gustave Eiffel

[135] Sử-liệu của người Pháp viết câu này có lẽ hơi quá đáng. Họ tạo-dựng Huyền-thoại chăng?

[136] Theo Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng

[137] Sau này trở thành Tổng-Thống Công-Hòa Pháp “Président de la République du 19 juin 1931 au 7 mai 1932”, Doumer bị ám sát chết khi mới cầm quyền chưa đầy một năm.

[138] Báo Du-Lịch Việt-Nam Tháng 5    Số  1 (1/5/2002 - 7/5/2002)

[139] Lê Bá Thảo. Việt-Nam - Lãnh-thổ và các Vùng Ðịa-Lý. Nhà Xuất-bản (NXB) Thế-giới, Hà-Nội, 1995. Trang 181.

[140] Nguyễn Gia Kiểng. Tổ quốc ăn năn (Paris, 2001) , trang 306.

[141] Giáo sư William Meacham từng viết một bài báo khoa học mang tính tiền phong trong ngành Khảo Cổ Học ở Ðông Nam Á như: On the improbability of Austronesian origins in South China, đăng trong Tạp san Asian Perspectives, quyển 25, năm 1984-5.

[142] Quang-cảnh tương-tự như đồng-bằng Bắc-Việt thời tiền-sử, chỉ có núi đồi, gò đống nổi lên trên biển nước.

[143] The Southeast Asian World, Keith Buchanan, New York, 1967, trang 45

[144] Malcolm F. Farmer. Origin and Development of Water Craft, trong báo Anthropological Journal of Canada 7(2), 1969: 22-26.

[145] Băng-đá ở hai cực và các vùng núi cao tan ra nuớc.

[146] Origins and Development of the Yüeh Coastal Neolithic trong The Origins of Chinese Civilisation, University of California Press, 1983: 147-175.

[147] Một vài học-giả tin rằng họ Trần (Trần-Hưng-Ðạo) thuộc một bộ-lạc hải-du vùng Phúc-Kiến.

[148] Nguyễn Văn Tuấn. Nhân đọc “Eden In The East: Ðặt Lại Vấn-đề Nguồn Gốc Dân-tộc và Văn-Minh Việt-Nam. Lược trích từ Tập San Tư Tưởng

[149] Duyên-hải lúc đó chạy ra rất xa, tới giữa Biển Ðông ngày nay. Dân-cư sống bằng hải-sản như sò ốc, cua, cá. Họ di-chuyển bằng bè, ghe…

[150] "World Ethnographic Sample... A Possible Historical Explanation”. báo American Anthropologist 70, 1968: 569.

[151] Sumerien et Océanien, Collection Linguistique, Paris, 1929.

[152] Carl Sauer. Environnent and Culture During the Last Deglaciation, trong Proceedings of the American Philosophical Society 92.1: 65-77.

[153] Agricultural Origins and Dispersals, Series Two, New York 1952: 24-25.

[154] Charles F. Keyes. "The Golden Peninsula”. New York, 1977

[155] Có khi viết là Victor Goloubew. Bài viết của Ông trong Bull. de l'Ecole Franc. d'Extrême Orient, 1929, t. 29. et 1940, t. 40.

[156] Tài-liệu của V. I. Antoshchenko (Tạp chí Xưa và Nay)

[157] New World perpectives on pre-European voyaging in the Pacific, sưu-tập Early Chinese Art and its Possible influence in the Pacific Basin, Vol. 3, edited by Noel Bernard, New York, 1969.

[158] Liên-Hiệp-Quốc đứng ra hỗ-trợ phong-trào này.

[159] American Metallurgy and the Old World, sưu-tập Early Chinese Art and its Possible influence in the Pacific Basin, Vol. 3, Taiwan,1972.

[160] Avant-Propos- Esquisse d'une Ethnographie Navale des Peuples Annamites par Pierre Paris -Deuxième Edition, Rotterdam, Holland, 1955

[161] Origin and Development of Watercraft, Malcolm F. Farmer, in Anthropological Journal of Canada 7(2) 1969, pp 22-26.

[162] Diffusion versus Independent Development" sưu-tập "Man Across the Ocean", Austin, 1971. trang 10.

[163] Kettledrums of Heger Type I : Some Observations, in Southeast Asian Archaeology 1986, edited by Ian và Emily Glover, BAR international Series 61, 1990, pp 195-196.

[164] Edwin Doran Jr. Christian J. Buys & Sheli O. Smith. “Chinese Batten Lug Sails”, Mariner's Mirror, August 1980: 244-245.

[165] The Sailing Ship, Six Thousand Years of History; Romola & R. C. Anderson, New York, 1963: trang 17- 31.

[166]  “Chinese Batten Lug Sails”, Mariner's Mirror, August 1980: 244-245.

[167]  Edwin Doran Jr. The Sailing Raft as a Great Tradition, sưu-tập Man Across the Sea: Problems of Pre-Columbian Contacts, edited by Carol L. Riley, Austin, 1971. Trang 135-138

[168] Origin and Development of Water Craft, trong báo Anthropological Journal of Canada 7(2), 1969: 22-26.

[169] Robert Temple. The Genius of China, 3,000 years of Science, Discovery and invention" xuất-bản ở New York, 1986

[170] Joseph Needham, Wang Ling & Lu Gwei Djen. Science and Civilization of China" Vol.4. Cambridge, 1971 trang 600.

[171] Françoise Aubaile- Sallenave. "Bois et Bateaux du Việtnam". Paris, 1987.

[172] "Sewn-Plank Craft of South-East Asia - A Preliminary Survey" đăng trong Sưu-tập "Sewn Plank Boats- Archaeological and Ethnographic papers based on those presented to a conference at Greenwich in November, 1984", edited by Sean McGrail and Eric Kentley, Greenwich ,1985.

[173] Thanh-thư về Tàu thuyền cận-duyên miền nam Việt-Nam "Blue Book of Coastal Vessels, South Vietnam”. Remote Area Conflict Information Center xuất-bản. Columbus, Ohio, 1967.

[174] L'Annamite et la mer, 1942, Bulletins et Travaux, Institut Indochinois pour l'étude de l'homme, 5: 17-28

[175] Pierre Paris. Esquisse d'une Ethnographie Navale des Peuples Annamites,  Rotterdam, Holland, 1955.

[176] Origin and Development of Watercraft, Malcolm F. Farmer, in Anthropological Journal of Canada 7(2) 1969, pp 22-26.

[177] Thanh-thư về Tàu thuyền cận-duyên miền nam Việt-Nam "Blue Book of Coastal Vessels, South Vietnam”. Remote Area Conflict Information Center xuất-bản. Columbus, Ohio, 1967.

[178] Ling Shun-Sheng. Formosan Seagoing Raft And Its Origin In Ancient China (Translation). Bulletin of the Institute of Ethnology, Academia Sinica 1, 1956.

[179] Xiếm này được làm một cặp gắn hai bên hông thuyền buồm. Sách cổ gọi là phù-bản, tác-dụng như cánh bay làm thuyền phi nhanh và giúp thuyền cân-bằng, không chìm khi sóng to, gió lớn. Xem hình thuyền Tai-Ky.

[180] Thanh-thư về Tàu thuyền cận-duyên miền nam Việt-Nam, trang 73.

[181] Early Man and the Ocean, New York, 1979.

[182] Nguyên Văn: “Aux allures portantes, le navire gouverne tout seul et reste à l'angle de route des journées entières, sans qu'il faille corriger le gouvernail” (Connaissance du Việt-Nam, Hanoi 1954: Trang 232.)

[183] Esquisse d'une Ethnographie Navale des Peuples Annamites, 1939, tái-bản tại Rotterdam, Holland, 1955: Trang 63.

[184] Trống Đông-Sơn, Viện Khảo Cổ Học, Hà Nội, 1987, trang 11

[185] Hình-ảnh lâu-thuyền đầu tiên xuất-hiện trên trống đồng Heger loai I, 700 năm TTL. Sử Trung-Hoa lần đầu tiên ghi việc sử-dụng lâu-thuyền (là loại Nam-phương lâu-thuyền) thời nhà Hán, đánh nhà Triệu (Nam-Việt).

[186] Connaissance du VietNam, Pierre Huard et Maurice Durand, Ecole Francaise d'Extrême-Orient, Hanoi, 1954, trang 232.

[187] Kuno Knobl, with Arno Dennig,  (trans. by Rita & Robert Kimber)
Tai Ki : To The Point of  No Return. Boston: Little, Brown & Co., 1975

[188] Joseph Needham là nhà nghiên-cứu hàng đầu về khoa-học và  kỹ-thuật Trung-Hoa. Ông khám-phá rất nhiều phát-minh về hàng-hải là do người Việt thực-hiện. Xem cuốn sách: Joseph Needham, Wang Ling & Lu Gwei Djen. Science and Civilization of China" Vol.4. Cambridge, 1971. Tài-liệu quan-trọng nằm trong Part III: Civil Engineering and Nautics

[189] The China Voyage Across the Pacific by Bamboo Raft, Tim Severin, Addison- Wesley Publishing Company, July 1995

[190] Phạm-Hoàng-Hộ. Cây cỏ Việt-Nam, 1993.

[191] Diện-tích nước Việt-Nam vào khoảng 33,000,000ha, so-sánh với bề mặt lục-địa thế-giới là 14,777,000,000ha

[192] http://www.vietnamtourism.gov.vn/

[193] Theo Jean de Lacour và Jabouillé, người Việt-Nam thường gọi chim thuộc họ Zosterops à "Chim Sâu Nghệ". Hai ông thấy chúng trên đảo Phú-Lâm. (Oiseaux des Iles Paracels trong Mémoire No.3 du Service Océanographique de l'Indochine, Saigon, 1930

[194] VN-Express Thứ sáu, 19/4/2002, 09:14 (GMT+7)

[195] Nguyễn Cử, Lê Trọng Tải và Karen Philipps. Chim Việt Nam (BIRDS OF VIETNAM). NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội (2000): Describes 520 bird species found in Vietnam and includes chapters on biology, birds in Vietnamese culture, conservation and a comprehensive checklist. The book also provides information on habitats and environmental management. Contains an English introduction, Latin, English and Vietnamese names, and an index to English names. In Vietnamese - 250 pages, col. illus.

[196] Theo TS Hà Đình Đức, người nghiên cứu rùa hồ Gươm từ 10 năm nay, Rùa hồ Gươm là loại Rùa nước ngợt thứ 23 trong danh-sách Các loại rùa nước ngọt của Thế-Giới. Ông phán-đoán rùa ở đây hiện còn một con duy nhất. Cá thể này có chiều dài khoảng 1,8-2 m, khi bơi thân mình thường nghiêng về bên trái và đầu có một đốm trắng rõ nét. Tên Khoa-học: Rafetus leloii H.D.Duc, 1999.

[197] Phụ-chú của tài-liệu “East Asian – Australasian Flyway:

”Note: Collectively, shorebirds include jacanas, crab plover, oystercatchers, stilts and avocet, pratincoles, plovers and sandpipers”

[198] http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/Ban-co-biet/2001/06/3B9B15FC/

[199] Tài-liệu của Ngân-Hàng Phát-Triển Á-Châu (ADB 1999).

[200] Trích báo Phụ Nữ Việt Nam (không biết số)

[201] Tài-liệu Ngân-Hàng Á-Châu ADB 1999

[202] Khu vực Hòn Mun có 157 loài thuộc 48 giống san hô, thuộc vào loại đa dạng nhất trong các vùng đã nghiên cứu ở Việt Nam. Các loại san hô như san hô sừng nai, hải quỳ, san hô sọ, san hô bàn, san hô ngón tay...

[203] Ðặc-tính 1016 loại cá Việt-Nam (n=1016 - Incomplete) tìm thấy tại http://www.fishbase.org/Country/CountryCheckList.cfm?c_code=704

[204] Chương-trình BirdLife International 2000.

[205] Viết theo bài dịch của Minh Hy (dpa, New Scientist)

[206] Biodiversity action plan for VN.BAP Planning Team.H. 1993

[207] Võ Quý. Vườn quốc gia và khu bảo vệ thiên-nhiên ở VN.H.1993

[208] Số liệu của WWF, 1989. Trích từ báo-cáo 2a của đề-tài Bảo-Vệ Ða dạng Sinh-Học ở Việt-Nam. Chương-trình KT – 02 và ACCT

[209] Sách Ðỏ Việt-Nam Tập 1

[210] Tài-liệu của Vermeulen và Whittten 1998

[211] Trích từ Vietnam News 2000a

[212] The Guinness 1999 Book of Records (Guinness Publishing, 1998)

[215] Ðối với phi-công thương-mại loại phản-lực (gần vận-tốc âm-thanh) là chuyên khác, không xin đề-cập ở đây.

[216] Lê Thông - Nguyễn Viết Thịnh. Ðịa lí 12. Nhà Xuất-bản Giáo-Dục –SàiGòn, 1995, trang 38.

[217] André Guilcher. Géomorphologie litorale et sous marine Paris. 1954

[218] Atlas for Marine Policy in Southeast Asian Sea, edited by Joseph R. Morgan và Mark J. Valencia, University of California Press. 1983. Kết-quả khảo-cứu hồi đó (1983) xem ra có vẻ quá lạc-quan!

[220] The Southeast Asian Fisheries Development Center Proceedings of the SEAFDEC Seminar on Fishery Resources in the South China Sea, Area IV : Vietnamese Waters.1999.

[221] Ramsar ở Iran là nơi hội-họp đầu tiên về Công ước Bảo tồn các Vùng Ðất Ngập Nước tren Thế-giới.

[222] Tài-liệu của Cục Môi-Trường

[223] Bản-đồ trích trong cuốn sách Ðịa lí 12 của Lê Thông - Nguyễn Viết Thịnh. Nhà Xuất-bản Giáo-Dục -1995, trang 38.

[224] Bản-đồ trích trong cuốn sách Ðịa lí 12 của Lê Thông - Nguyễn Viết Thịnh. Nhà Xuất-bản Giáo-Dục -1995, trang 38.

[225] Đạt Luận sưu tầm

[226] Tài-liệu Bộ khoa học công nghệ và môi trường- Cục Môi trường

[227] Theo Đầu Tư, 31/7/2001

[228] Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam

[229] Tài-liệu Cục Môi trường

[230] VNExpress Thứ hai, 24/12/2001, 11:49 (GMT+7)

[231] Thông tin kinh tế - kế hoạch, số 4/2002, tr.21+22+23

[232] VNExpress Thứ năm, 11/4/2002, 10:07 (GMT+7): Trong mùa cá cơm ở Quảng-Ngãi, có người đánh bắt bằng tàu pha xúc (tàu có lắp đèn công suất lớn).

[233] Tài-liệu của Nadler và Hà Thăng Long, 2000.

[234] Đào Xuân Trường. Bài “Nguyên nhân suy thoái môi trường rừng, đa dạng sinh học và những giải pháp khắc phục” Báo thuộc Cục Kiểm lâm

[235] Disaster Management Unit, UNDP Project VIE/97/002

[236] Source: UNDP Project VIE/97/002 -- Disaster Management Unit

[237] In addition, rivers whose flood plains are protected by a system of dykes, which confine floodwaters, have higher flood water levels than they had formerly. At present, during the wettest months, the Red River near Hanoi can have water levels five or six metres above ground level, whereas 1,000 years ago waters only rose 2 to 3 metres above ground level.

[238] Nguyễn Tuân: “Dư luận xã-hội với vấn đề môi trường, Đã đến lúc phải thành lập các khu bảo-tồn biển VN”1-6-1998

[240] Dẫn lại bởi Ông Bình Nguyên Lộc trong cuốn sách “Nguồn gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam. Bách Bộc Sài-gòn xuất-bản, 1971Trang 758

[241] Pierre-Bernard Lafont, "La frontière maritime du Vietnam"   trong “Les frontières du Vietnam, Histoire des frontières de la péninsule indochinoise (Các Biên giới Của Việt Nam, Lịch-sử các biên giới trên bán đảo Đông Dương), nhà xuất bản L'Harmattan, 1989. Trang 235-243).

[242] http://www.ykien.net/

[243] Le Tour du Monde, tạp-chí Pháp, năm 1887 dưới nhan đề “Sur les frontières du Tonkin.

[244] P. Néis, Sur les Frontières du Tonkin, Walter E. J. Trips dịch sang Anh ngữ, The Sino-Vietnamese Border Demarcation, 1885-1887. (Bangkok : White Lotus , 1998), trang 16-18.

[245] Charles Forniau “La Frontière sino-vietnamienne et la face à face Franco-Chinois à l’époque de la conquête du Tonkin" trong “Les frontières du Vietnam, Histoire des frontières de la péninsule indochinoise (Các Biên giới Của Việt Nam, Lịch-sử các biên giới trên bán đảo Đông Dương), nhà xuất bản L'Harmattan, 1989, 83-103

[246] 1887 - 1888 Jean Antoine Ernest Constans Lieutenant Gouverneur   1833 - 1913

[247] http://www.nufronliv.org/article.php3?id_article=176